Hồi 14
Tác giả: Kim Dung
Mang danh chính phái ai người,
Làm ơn trả oán như loài sói lang.
Hai đứa đi hơn nửa ngày mới ra khỏi Hồ Điệp Cốc, Dương Bất Hối chân nhỏ bước ngắn không còn đi nổi nữa. Ngồi nghỉ một hồi, lại đứng dậy đi tiếp. Đi rồi nghỉ, nghỉ rồi đi, chiều hôm đó không kiếm được khách điếm, hai đứa đi đến trời tối, vẫn còn đi lang thang trong hoang sơn dã lãnh, bốn phía sói tru cú rúc, khiến cho Bất Hối sợ quá khóc òa lên.
Trương Vô Kỵ trong bụng cũng mười phần sợ hãi, thấy bên đường có một cái hốc đá, liền dắt Dương Bất Hối chui vào, ôm em vào lòng, lấy hai tay bịt tai lại để nó khỏi nghe thấy tiếng thú đói rú lên trong đêm. Đêm đó hai đứa bé vừa đói vừa sợ, qua một đêm khủng khiếp, sáng hôm sau mới đi vào trong núi kiếm trái cây dại để ăn, thuận theo đường núi đi một hồi lại nghỉ một chốc. Đi đến trưa, Dương Bất Hối đột nhiên kêu thất thanh, chỉ vào một cái cây lớn bên cạnh đường.
Trương Vô Kỵ nhìn theo, thấy trên cây treo lủng lẳng đong đưa hai cái xác người, sợ quá vội nắm tay em quay đầu chạy. Hai đứa hoảng hốt bước thấp bước cao chưa được bao xa, vấp phải một hòn đá cùng ngã lăn xuống. Trương Vô Kỵ thu hết can đảm quay đầu lại nhìn, lần này lại càng kinh hãi, buột miệng kêu lên:
- Hồ tiên sinh.
Thì ra cái xác treo trên cây kia bị gió thổi quay lại, chính là Hồ Thanh Ngưu. Cái xác khô kia tóc dài phủ xuống lưng, là một người đàn bà, nhìn phục sức chính thị Vương Nạn Cô, vợ của Hồ Thanh Ngưu. Gió núi thổi vào xác và mái tóc dài của bà ta, càng làm tăng thêm âm khí u uất.
Trương Vô Kỵ cố gắng trấn tĩnh, tự nhủ: “Không sợ, không sợ”. Y từ từ đứng lên, từng bước từng bước tiến lại, nhìn kỹ đúng là xác của hai vợ chồng Hồ Thanh Ngưu, trên mặt có đốm lấp lánh, như nạm trên mặt mỗi người một bông hoa vàng. Trương Vô Kỵ hiểu ra: “Thì ra họ không chạy thoát độc thủ của Kim Hoa bà bà”.
Lại thấy dưới giòng suối một chiếc xe vỡ nát, một con la nằm chết chìm trong đó. Trương Vô Kỵ bàng hoàng chảy nước mắt, cởi dây hạ hai cái xác vợ chồng Hồ Thanh Ngưu xuống gốc cây, bỗng nghe một tiếng cạch, từ trong bọc của Vương Nạn Cô rơi ra một quyển sách. Y nhặt lên, đó là một bộ sách chép tay, tựa đề năm chữ “Vương Nạn Cô Độc Kinh”. Giở ra xem, trong sách những chữ nhỏ bằng đầu ruồi theo lối chữ khải, viết chi chít độc tính của những loại độc vật, cách sử dụng và hóa giải, ngoài độc dược, độc thảo, còn các loại côn trùng như rắn, rết, bò cạp, nhện kể cả các loại cổ quái lạ lùng như cá, cắc kè, chim, thú, hoa, cây đất đá, đều có ghi cả. Y tiện tay bỏ luôn vào bọc, xếp song song thi thể vợ chồng Hồ Thanh Ngưu rồi lấy đất đá đắp lên thành hai cái gò, quì xuống lạy mấy lạy, sau đó dắt tay Dương Bất Hối theo đường mà đi.
Hai đứa đi được vài dặm thì gặp đường lớn, chẳng bao lâu đến một thị trấn nhỏ, Trương Vô Kỵ định đi mua cơm ăn, nào ngờ trong phố nhà nào cũng bỏ không, chẳng thấy một bóng người nào. Hai đứa không còn cách nào khác, đành phải đi tiếp. Ruộng nương hai bên đường đều không trồng cấy gì, cỏ dại mọc đầy, trông thật hoang lương.
Trương Vô Kỵ trong lòng kinh hãi, Dương Bất Hối thật ngoan, cố nhịn đói không khóc, gắng sức bước đi, vì nó cũng đâu biết làm gì. Đi được một lúc, thấy bên đường nằm chết mấy xác người, bụng lép kẹp, hai má hõm xuống, nhìn qua cũng biết ngay là chết đói. Càng đi càng thấy người chết mỗi lúc một nhiều, Trương Vô Kỵ càng thêm sợ hãi: “Không lẽ mình không thể kiếm được cái gì để ăn sao? Chắc hai đứa rồi cũng chết đói mất thôi”. Đi đến chiều, đến một khu rừng, thấy bên trong có một làn khói trắng bốc lên. Trương Vô Kỵ mừng lắm, từ khi ra khỏi Hồ Điệp Cốc y chưa thấy khói lửa, nên vội vàng nhắm phía làn khói hối hả đi tới.
Khi tới gần, Vô Kỵ thấy hai gã áo quần bẩn thỉu ngồi bên cạnh một cái chảo nước đang bốc hơi nghi ngút, đang thêm củi vào bếp. Hai gã đó nghe thấy tiếng chân người, quay lại thấy Trương Vô Kỵ và Dương Bất Hối, trên mặt liền ra vẻ vui mừng, cùng nhảy cẫng lên. Một người vẫy tay gọi:
- Bé con, tốt quá, lại đây, mau lại đây. Có người lớn nào đi cùng không? Hai đứa đi đâu thế?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Chỉ có hai đứa chúng cháu thôi, không có người lớn.
Hai người kia nhìn nhau cười ha hả, cùng kêu lên:
- May thật, may thật.
Trương Vô Kỵ đói muốn lả, thò đầu nhìn vào trong chảo xem họ nấu gì, thấy bên trong đang sôi sục, toàn là cỏ xanh. Một tên đi tới túm lấy Dương Bất Hối, nhe răng cười:
- Con dê con này vừa trắng vừa béo, đêm nay mình được một bữa no, sướng thật.
Tên kia tiếp lời:
- Đúng thế, thằng con trai để đến ngày mai hãy ăn.
Trương Vô Kỵ giật mình hinh hãi, quát lên:
- Làm gì thế? Mau bỏ em ta ra.
Gã kia không thèm lý tới, soẹt một tiếng đã xé ngay áo của Dương Bất Hối, thò tay vào giày ủng rút ra một con dao găm, cười:
- Lâu quá không được ăn loại dê non béo thế này.
Y xách Dương Bất Hối để qua một bên, dường như muốn làm thịt. Tên kia liền cầm một cái bát sành để ở phía sau, nói:
- Máu dê bỏ phí lắm, để mình nấu một nồi cháo huyết, ăn cũng ngon ra phết.
Trương Vô Kỵ sợ đến hết cả hồn vía, xem chừng bọn chúng không phải đùa, có ý muốn giết Dương Bất Hối thực, kêu to:
- Các ngươi định ăn thịt người à? Sao không sợ thương thiên hại lý?
Gã cầm bát cười:
- Bố mày ba tháng nay không được hạt gạo nào vào bụng, không ăn thịt người, không lẽ ăn thịt bò thịt dê sao?
Y sợ Trương Vô Kỵ bỏ chạy vội đến nắm cổ nó. Trương Vô Kỵ nghiêng người né tránh, tay trái gạt ra, tay phải đánh ra một chưởng, trúng ngay giữa chỗ yếu hại trên lưng. Y được Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn truyền thụ bí quyết võ công, lại được phụ thân dạy cho Võ Đương trường quyền, mấy năm nay tuy chuyên tâm học nghề thuốc, không luyện võ, nhưng những gì đã tập đã xem toàn là thượng thừa công phu. Chưởng đó y hết sức đánh ra, dù người tập võ nhiều năm cũng chưa chắc đỡ nổi, huống chi một gã nhà quê tầm thường? Gã đó hự một tiếng nằm gục ngay xuống, không còn động đậy gì nữa.
Trương Vô Kỵ lập tức nhảy lại bên cạnh Dương Bất Hối, tên còn lại quát lên:
- Để tao giết mày trước.
Y giơ con dao lên đâm vào ngực Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ sử chiêu Nhạn Sí Thức trong Võ Đương trường quyền, chân phải đá lên, trúng ngay cổ tay tên nọ, con dao văng mất. Tiếp theo y sử Uyên Ương Liên Hoàn Thối, chân trái đá tiếp theo, trúng ngay cằm kẻ địch. Người đó đang há mồm quát tháo, hàm dưới bị đá trúng ngậm ngay lại, răng cắn trúng lưỡi, máu phun vọt ra, lập tức bất tỉnh. Trương Vô Kỵ vội chạy tới đỡ Dương Bất Hối.
Ngay lúc đó có tiếng chân người, lại có mấy người khác đi vào rừng. Dương Bất Hối sợ đến quýnh quáng, vừa nghe tiếng người nói lập tức sà vào lòng Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ thò đầu ra thăm dò, lúc ấy mới yên tâm kêu lớn:
- Có phải Giản đại gia, Tiết đại gia không?
Đi vào rừng gồm cả thảy năm người, một người là Giản Tiệp của phái Không Động, ngoài ra là Tiết Công Viễn và hai người đồng môn phái Hoa Sơn, bốn người này đều do Vô Kỵ trị bệnh lúc trước. Người sau cùng là một thanh niên chừng đôi mươi, tướng mạo uy tráng, trán rất rộng, Trương Vô Kỵ chưa từng gặp bao giờ.
Giản Tiệp ồ lên một tiếng, nói:
- Trương huynh đệ, ngươi ở đây đấy ư? Hai người này bị sao thế?
Nói rồi chỉ hai gã kia đang nằm dưới đất. Trương Vô Kỵ hậm hực hể lại mọi chuyện, sau cùng kết luận:
- Đến người sống mà họ còn ăn, quả thực là vô pháp vô thiên.
Giản Tiệp đưa mắt nhìn Dương Bất Hối, đột nhiên khóe miệng chảy nước dãi, lè lưỡi liếm môi, nói lẩm bẩm:
- Con mẹ nó, năm ngày năm đêm rồi không có hạt gạo nào vào bụng, chỉ ăn toàn rễ cỏ với vỏ cây …, ôi chao, mềm mại trắng trẻo thế kia, mập mạp mơn mởn …
Trương Vô Kỵ thấy mắt y toát ra vẻ thèm khát, trông chẳng khác gì một con chó sói đói đang rình mồi, lại nhe răng trắng nhởn, thần tình thật đáng sợ, lập tức kéo Dương Bất Hối vào lòng.
Tiết Công Viễn hỏi:
- Thế mẹ con bé đâu?
Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Nếu mình bảo Kỷ cô cô chết rồi, thể nào bọn họ cũng có ý đồ không tốt”. Liền nói:
- Kỷ nữ hiệp đi mua gạo, chút nữa về ngay.
Dương Bất Hối bỗng nói:
- Không đâu, mẹ cháu bay lên trời rồi.
Giản, Tiết nghe hai đứa, biết ngay Kỷ Hiểu Phù đã chết, Tiết Công Viễn cười khẩy nói:
- Mua gạo? Chung quanh đây năm trăm dặm, nếu ngươi kiếm được một hạt gạo thì ta chịu ngươi là giỏi.
Giản Tiệp đưa mắt cho Tiết Công Viễn, hai người cùng nhảy xổ tới. Giản Tiệp hai tay nắm hai cánh tay Trương Vô Kỵ, Tiết Công Viễn giơ tay bịt mồm Dương Bất Hối, tay phải liền bế xốc con bé lên. Trương Vô Kỵ sợ hãi kêu:
- Các ngươi làm gì thế?
Giản Tiệp cười:
- Phủ Phượng Dương này cả nghìn dặm đều bỏ hoang, bọn ta đói quá nhịn không nổi nữa rồi. Con bé này đâu có phải là gì của ngươi, để rồi ta chia cho ngươi một phần.
Trương Vô Kỵ chửi:
- Các ngươi tự cho là anh hùng hảo hán thật uổng, lại đi hiếp đáp một đứa trẻ mồ côi? Việc này truyền ra ngoài, các ngươi còn làm người sao nổi?
Giản Tiệp tức quá, tay trái nắm chặt Vô Kỵ, tay phải tát luôn cho y hai cái, quát lớn:
- Cả thằng chó này ta cũng làm thịt luôn, bọn ta xem chừng một con dê con không đủ.
Vô Kỵ mới rồi đánh ngã hai người nhà quê thật dễ dàng, nhưng Thánh Thủ Già Lam Giản Tiệp là cao thủ của phái Không Động, có mấy chục năm công phu, Trương Vô Kỵ bị y nắm chặt, làm sao thoát thân nổi. Hai tên sư đệ của Tiết Công Viễn liền lấy dây thừng, trói luôn cả hai đứa bé lại. Trương Vô Kỵ biết hôm nay mình không sao thoát chết, trong cơn cuồng nộ, cảm thấy hối hận, biết thế lúc trước không cứu mấy tên này, để khỏi gặp cảnh nhân tâm phản phúc, lấy oán báo ân.
Giản Tiệp nói:
- Thằng chó này, mày chữa vết thương trên đầu ông, mày nghĩ ông phải chịu ơn mày, có phải không? Trong bụng mày đang chửi thầm ông chứ gì?
Trương Vô Kỵ nói:
- Thế chẳng phải là lấy oán báo ân hay sao? Ta với các ngươi không quen không biết, nếu ta không ra tay cứu cho, kỳ thương quái độc của bốn người có khỏi được không?
Tiết Công Viễn cười:
- Trương thiếu gia, chúng tôi bị thương rồi bao nhiêu cái xấu lộ ra hết, mọi việc cậu đều nhìn thấy cả, nếu như truyền ra, người trên giang hồ còn coi chúng tôi ra gì nữa. Hôm nay chúng tôi đói đến lả ra rồi, không có miếng thịt bỏ vào bụng thì chắc không sống nổi. Cậu cứu người cứu cho đến cùng, làm ơn thì làm ơn cho trót, rộng lòng cứu thêm một lần nữa.
Giản Tiệp dáng điệu hung ác trông dễ sợ thì đã đành, tên Tiết Công Viễn cười hì hì nhưng tính tình nham hiểm, Trương Vô Kỵ vừa nhìn đã lạnh cả gáy, kêu lớn:
- Ta là đệ tử của phái Võ Đương, cô em này là phái Nga Mi, các ngươi giết bọn ta thì được, nhưng Võ Đương ngũ hiệp và Diệt Tuyệt sư thái không lẽ cũng bỏ qua hay sao?
Giản Tiệp kinh ngạc, “A” lên một tiếng, nghe y nói quả không sai, phái Võ Đương và phái Nga Mi không phải tầm thường. Tiết Công Viễn cười đáp:
- Ở đây chỉ có trời biết đất biết, cậu biết tôi biết, đợi cậu vào trong bụng tôi rồi hãy đi tố cáo với lão đạo Trương Tam Phong.
Giản Tiệp cười sằng sặc, nói:
- Bụng đói đến nổ đom đóm thế này, dù ngươi có là em ruột, con ruột thì ta cũng ăn cả xương lẫn da.
Y quay lại nói với hai tên sư đệ của Tiết Công Viễn:
- Mau đi nhóm lửa đun nước, còn đợi gì nữa?
Hai gã kia vội nhặt cái chảo ở dưới đất lên, một gã chạy ra suối lấy nước, còn một gã thì đi chụm lửa. Trương Vô Kỵ nói:
- Tiết đại gia, hai người này đằng nào cũng chết rồi, các ông bụng đói muốn ăn thịt người, thì ăn họ đi có hơn không?
Tiết Công Viễn cười đáp:
- Hai tên này chỉ có da bọc xương, vừa già vừa dai, vừa hôi vừa cứng, đời nào dê non không ăn, lại ăn thịt dê già?
Trương Vô Kỵ xưa nay rất là can đảm, dù có đánh y, giết y, cũng không nửa lời xin tha, nhưng lúc này rơi vào tay kẻ ác, đang toan giết người ăn thịt, không khỏi kinh hoảng, nên mới năn nỉ mấy câu. Tiết Công Viễn trái lại cười lên ha hả:
- Ha ha, đệ tử phái Võ Đương, phái Nga Mi trên giang hồ xưng hùng xưng bá, hôm nay lại bị ta từng miếng từng miếng nuốt vào bụng, Trương Tam Phong và Diệt Tuyệt lão ni biết được không tức chết thì thôi.
Trương Vô Kỵ cố gắng thu hết sức kêu lên:
- Tiết đại gia, nếu các ông không ăn thịt người không được, thì ăn tôi đi, chỉ mong các ông thả cô em này ra, Trương Vô Kỵ này chết cũng không oán.
Tiết Công Viễn hỏi lại:
- Tại sao thế?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Khi mẹ nó qua đời, có nhờ tôi đưa em bé này đến cho cha nó. Hôm nay các ông ăn thịt tôi chắc cũng đủ no, ngày mai đi mua thịt bò thịt dê mà ăn, tha cho cô bé này.
Giản Tiệp thấy y sắp chết không sợ, tuy tuổi còn nhỏ, nhưng quả có phong thái hiệp nghĩa, trong lòng cũng hơi khâm phục, không khỏi động tâm, trù trừ nói:
- Nghĩ sao?
Tiết Công Viễn nói:
- Tha cho con nhãi này cũng không hề gì, có điều tiết lộ phong thanh, sau này bọn Tống Viễn Kiều, Du Liên Châu tìm đến, Giản đại ca đánh nổi họ thì làm.
Giản Tiệp gật đầu nói:
- Tiết huynh đệ nói phải lắm. Ta thật là kẻ hồ đồ, không nghĩ trước, nghĩ sau gì cả.
Nói đến đây, tên đệ tử phái Hoa Sơn đã bưng được chảo nước về, để lên lò đun. Trương Vô Kỵ biết sự tình khẩn cấp, kêu lên:
- Bất Hối muội muội, em thề với họ sau này quyết không nói chuyện này với ai.
Dương Bất Hối ngơ ngác không hiểu khóc nói:
- Đừng ăn anh Vô Kỵ, đừng ăn anh Vô Kỵ.
Con bé không biết Vô Kỵ muốn nói gì, chỉ lờ mờ hiểu là y xả thân để cứu mình. Người thanh niên hiên ngang từ nãy chỉ ngồi một bên, không nói không rằng. Giản Tiệp liếc y một cái, hỏi:
- Từ tiểu xá, có muốn ăn thịt dê cho lên tinh thần không?
Ở vùng Hào Tứ, thanh niên còn trẻ gọi là tiểu xá. Thanh niên kia đáp:
- Có.
Y rút trong lưng ra một con dao găm, nói:
- Giết chó làm dê là nghề của mỗ.
Y để dao lên miệng cắn, một tay xách Trương Vô Kỵ, một tay xách Dương Bất Hối, đi xăm xăm ra hướng giòng suối. Trương Vô Kỵ ngoạc mồm chửi, định ghé răng cắn tay y, nhưng vươn không tới.
Gả thanh niên họ Từ kia đi được mươi bước, Tiết Công Viễn gọi lại:
- Từ tiểu xá, ở chỗ đó làm thịt được rồi.
Gã họ Từ quay đầu lại nói:
- Ra suối mổ bụng rửa ruột tốt hơn, rửa thế mới sạch.
Trong miệng y ngậm con dao, nói ú ớ nghe không rõ, chân vẫn không dừng bước. Tiết Công Viễn nói:
- Ta bảo ngươi ở đó, thì cứ ở đó.
Y xem ra gã họ Từ có điều gì không ổn, sợ y ăn một mình, xách hai đứa nhỏ chạy mất. Từ tiểu xá nói nhỏ:
- Chạy mau.
Y bỏ hai đứa trẻ xuống đất, lấy dao cắt dây trói cho hai người. Trương Vô Kỵ nói:
- Đa tạ đại ân cứu mạng.
Nắm tay Dương Bất Hối phóng mình bỏ chạy. Giản Tiệp và Tiết Công Viễn cùng rống lên, phóng mình đuổi theo. Từ tiểu xá vung dao chặn ngang:
- Đứng lại.
Giản Tiệp và Tiết Công Viễn thấy y đưa dao chỉ vào ngực, đứng chắn đường uy thế lẫm liệt, không khỏi ngạc nhiên. Giản Tiệp hét lên:
- Làm gì thế?
Từ tiểu xá nói:
- Bọn mình hành tẩu giang hồ mà lại hiếp đáp kẻ yếu đuối, không sợ anh hùng thiên hạ cười cho ư?
Tiết Công Viễn giận dữ nói:
- Đang đói bỏ mẹ, đến bố mẹ ruột tao cũng ăn nữa là.
Y hét lên giơ tay ra hiệu cho hai tên sư đệ:
- Đuổi theo mau, đuổi theo mau.
Trương Vô Kỵ thấy Dương Bất Hối không chạy nhanh được, vội ôm nó lên, y vốn đã người bé chân ngắn, nay lại càng chậm hơn nữa. Giản Tiệp và Tiết Công Viễn hai người liền rút binh khí ra, giáp công gã họ Từ. Đánh một hồi, Giản Tiệp chém một đao trúng đùi Từ tiểu xá, lập tức máu tươi tung tóe. Từ tiểu xá chống trả không lại, đột nhiên vung con dao lên ném luôn vào Tiết Công Viễn. Tiết Công Viễn nghiêng người né tránh, Từ tiểu xá vội vàng bỏ chạy. Giản Tiết hai người không đuổi theo, chạy đi đuổi bắt Trương Vô Kỵ và Dương Bất Hối. Từ tiểu xá từ xa nói vọng lại:
- Trương huynh đệ đừng sợ, ta đi gọi thêm người đến cứu ngươi.
Giản Tiết hai người chạy lên vây, bắt trói cả Trương Vô Kỵ lẫn Dương Bất Hối lại. Giản Tiệp trừng mắt chửi:
- Tên họ Từ phản phúc, thật chẳng ra gì, các ngươi sao lại đi chung với hắn?
Tiết Công Viễn nói:
- Trên đường gặp hắn đi cùng, biết đâu được tốt hay xấu. Y nói họ Từ, tên Từ Đạt chi đó. Ngươi đừng tin lời nói của hắn làm gì, trời sắp tối, đi đâu mà kiếm người tới giúp hắn được.
Một tên đệ tử phái Hoa Sơn nói:
- Nghe giọng hắn thì là người bản địa phủ Phượng Dương này, chắc y đi gọi mấy người nhà quê đến, bọn mình đâu có sợ.
Giản Tiệp cười nói:
- Người ở phủ Phượng Dương, ha ha, người nào người nấy đói nhăn răng ra. Thôi bọn mình đem nấu hai con dê này lên cho thơm, đớp một bụng cho no đã.
Lần thứ hai bị bắt lại, Trương Vô Kỵ bị bọn chúng đánh cho mặt mũi thâm tím, quần áo rách toang, tiền bạc vật dụng trong người rơi tung tóe. Y nghĩ thầm:
- Thì ra vị đại ca này tên là Từ Đạt, là một người bạn thật tốt, tiếc rằng mình sắp chết đến nơi, không được kết giao với anh ta.
Y cúi đầu, thấy một cuốn sách giấy vàng lật trên mặt đất, theo gió mở ra, chính là bộ Độc Kinh từ trong thi thể Vương Nạn Cô, nên đưa mắt nhìn, thấy trong sách viết hai chữ “Nấm Độc”, bên dưới chữ nhỏ mô tả kỹ càng các loại nấm độc, mùi vị, màu sắc, độc tính, từng loại khác nhau. Y trong lòng đang hoang mang còn ghi nhớ sao được. Bỗng dưng y chợt nhìn thấy cách bốn năm thước phía bên trái, dưới một khúc gỗ mục mọc đâu chừng một chục cái nấm, màu sắc thật là rực rỡ, trong bụng nghĩ thầm: “Không biết đây là loại nấm gì, chẳng biết có độc hay không? Trong Độc Kinh có viết là nấm độc thường có màu sắc rực rỡ. Nếu những cây nấm này mà là nấm độc thì em Bất Hối có cơ sống sót”.
Y bấy giờ không mong mình được sống, biết hàn độc trong cơ thể không dễ gì trừ được, hôm nay có thoát chết, thì bất quá cũng chỉ sống thêm vài tháng, nên trong lòng chỉ mong cứu được Dương Bất Hối. Y ngồi dưới đất, dùng chân và mông nhích dần, quay tay lại nhổ hết những cây nấm đó. Lúc đó trời cũng đã tối, cả bọn đang đói lòng, chẳng ai lưu ý đến y.
Trương Vô Kỵ bỗng nhìn về phía Từ Đạt chạy đi, nhảy phắt lên, kêu lớn:
- Từ đại ca, anh mang người đến đấy à. Cứu mạng, cứu mạng.
Bọn Giản Tiệp tưởng thật, cả bốn người liền rút binh khí ra, đứng cả dậy. Trương Vô Kỵ thừa lúc bọn kia nhìn về hướng khác, lùi lại hai bước, thả mấy cây nấm vào trong chảo. Bọn Giản Tiệp không thấy ai, liền chửi:
- Đồ chó đẻ, bộ mày điên hay sao chứ có ai đến cứu mày.
Tiết Công Viễn nói:
- Thôi khai đao đi, ai ra tay đây?
Giản Tiệp nói:
- Để ta giết con bé con, còn ngươi giết thằng nhỏ.
Nói xong y liền xách Dương Bất Hối lên. Trương Vô Kỵ nói:
- Tiết đại gia, tôi khát nước quá, ông cho tôi uống một bát nước nóng, tôi chết đi không thành quỉ quấy phá ông.
Tiết Công Viễn cười đáp:
- Được, uống bát nước thì có gì không được?
Y liền múc một bát nước đưa cho y. Bát nước chưa tới miệng, Trương Vô Kỵ đã lên tiếng khen:
- Thơm quá, thơm quá.
Mấy cây nấm này nấu trong nước nóng, quả thực thơm phức. Tiết Công Viễn vốn đã đói meo, ngửi thấy mùi canh nấm, liền không cho Trương Vô Kỵ uống nữa, tự mình uống luôn, lè lưỡi liếm môi, nói:
- Ngon quá là ngon.
Lại uống thêm một bát nữa. Giản Tiệp cũng xông tới, uống một tô lớn, chưa đủ, lại làm thêm một bát nữa. Hai người đệ tử phái Hoa Sơn cũng uống mỗi người hai bát. Cả bọn đang đói, được mấy bát canh nóng vào bụng đều cảm thấy khỏe khoắn hẳn lên. Giản Tiệp còn vớt mấy tai nấm trong chảo ra, ăn nhồm nhoàm. Chẳng ai hỏi đến những cây nấm đó từ đâu mà có.
Giản Tiệp ăn hết mấy cây nấm rồi, giơ tay vỗ bụng, cười nói:
- - Ăn lót lòng trước, ăn thịt dê sau.
Tay trái nắm gáy Dương Bất Hối nhắc lên, tay phải giơ dao ra. Trương Vô Kỵ thấy cả bọn uống canh nấm xong chẳng sao cả, nghĩ thầm nấm này không độc, không khỏi kêu khổ thầm. Giản Tiệp bước tới hai bước, bỗng kêu lên:
- Ối chà.
Thân hình giật giật mấy cái, ngã khuỵu xuống đất, vứt luôn cả dao lẫn Dương Bất Hối sang một bên. Tiết Công Viễn kinh hãi gọi:
- Giản huynh, sao thế?
Y chạy đến cúi xuống xem, vừa mới cong lưng thì cũng không đứng lên được, gục luôn lên trên mình Giản Tiệp. Hai gã đệ tử phái Hoa Sơn cũng bị trúng độc chết luôn.
Trương Vô Kỵ kêu lên:
- Tạ trời tạ đất.
Lăn đến bên con dao, thò tay chộp lấy, cắt dây trói cho Dương Bất Hối. Dương Bất Hối run rẩy, cắt trúng tay Vô Kỵ hai chỗ mới đứt được sợi dây. Hai người chết đi sống lại, vui sướng không cùng, ôm chặt lấy nhau. Một lúc sau, Vô Kỵ đi lại coi bốn người bọn Giản Tiệp, thấy người nào mặt cũng đen xì, bắp thịt co quắp, nằm chết trông thật đáng sợ, nghĩ thầm: “Độc vật giết được kẻ ác, cũng cứu được người lành”. Liền đem bộ Vương Nạn Cô Độc Kinh trân trọng cất vào trong bọc, định bụng sau này sẽ từ từ nghiên cứu.
Trương Vô Kỵ dắt tay Dương Bất Hối tìm đường ra khỏi khu rừng. Còn đang lần mò, bỗng thấy phía đông có ánh lửa chiếu sáng, có bảy tám người tay cầm binh khí, xông xông đi tới. Trương Dương hai đứa vội chui vào trong cỏ lẩn trốn. Bọn người đó đi tới gần, thấy người đi đầu chính là Từ Đạt, tay trái giơ cao bó đuốc, tay phải cầm một cây giáo dài, lớn tiếng kêu lên:
- Bọn ác tặc thương thiên hại lý ăn thịt người kia, mau ra đây nạp mạng.
Cả bọn chạy vào trong rừng thấy bốn người bọn Giản Tiệp nằm chết dưới đất, đều thật kinh ngạc. Từ Đạt kêu lên:
- Trương huynh đệ, chú mày có sao không? Bọn ta đến cứu ngươi đây.
Trương Vô Kỵ kêu lên:
- Từ đại ca, tôi ở đây.
Y từ trong bụi cỏ chui ra. Từ Đạt mừng lắm, vội bế y lên, nói:
- Trương huynh đệ, người hiệp nghĩa như chú mày, không nói gì trẻ con, mà đến người lớn cũng ít thấy. Ta vẫn sợ chú mày đã chết về tay bọn ác tặc này rồi, may sao ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác, quả thực báo ứng không sai.
Y hỏi xem bọn Giản Tiết tại sao trúng độc, Trương Vô Kỵ liền kể chuyện bỏ nấm vào nồi nước, ai nấy đều phục y thông minh. Từ Đạt nói:
- Những người này đều là bạn tốt của ta, bọn họ đang giết một con bò, đang nấu trong chùa Hoàng Giác, ta đến gọi liền đi ngay. Thế nhưng nếu không phải Trương huynh đệ cơ trí, bọn ta đến thì cũng đã muộn rồi.
Sau đó đưa Trương Vô Kỵ đi giới thiệu từng người. Người mặt vuông tai lớn kia tên Thang Hòa, người anh khí phơi phới tên Đặng Dũ, người cao gầy mặt đen tên Hoa Vân, hai anh em trắng trẻo là Ngô Lương và Ngô Trinh. Sau cùng là một nhà sư, mặt mũi xấu xí, cằm đưa ra như lưỡi cày, mặt nổi từng cục đầy sẹo và nốt ruồi,, hai mắt sâu nhưng lấp lánh có thần. Từ Đạt nói:
- Vị này là Chu đại ca, tên Nguyên Chương, hiện nay đang tu ở chùa Hoàng Giác.
Hoa Vân cười:
- Nhưng hòa thượng này phong lưu khoái hoạt lắm, không thích tụng kinh lễ Phật, ngày nào cũng ăn nhậu.
Dương Bất Hối thấy tướng mạo xấu xí của Chu Nguyên Chương, sợ hãi, trốn ở sau lưng Vô Kỵ. Chu Nguyên Chương cười nói:
- Hòa thượng này hay ăn thịt nhưng không ăn thịt người, cô em đừng sợ.
Thang Hòa nói:
- Nồi thịt bò bọn mình nấu chắc giờ này chín rồi đó.
Hoa Vân nói:
- Đi mau lên, cô em. Để ta cõng.
Y liền cõng Dương Bất Hối hối hả rảo bước. Trương Vô Kỵ thấy những người này hào sảng nhanh nhẹn, trong lòng hết sức thích thú. Đi độ bốn năm dặm thì đến một cái miếu. Vào trong đại sảnh, đã ngửi thấy mùi thịt bò thơm phức. Ngô Lương kêu lên:
- Chín rồi, chín rồi.
Từ Đạt nói:
- Trương huynh đệ, ngươi ngồi đây nghỉ, để bọn ta vào lấy thịt bò ra.
Trương Vô Kỵ và Dương Bất Hối liền ngồi trên cái chiếu ngoài đại sảnh. Chu Nguyên Chương, Từ Đạt, Thang Hòa, Đặng Dũ … bảy người mỗi người một tay, bưng từng bát thịt lớn ra. Hai anh em Ngô Lương, Ngô Trinh thì đi lấy một vò rượu trắng, cả bọn ngồi ngay trước tượng Bồ Tát ăn nhậu. Vô Kỵ và Bất Hối đói đã mấy ngày, lúc này có thịt bò ăn, không nói cũng biết sướng là chừng nào. Hoa Vân nói:
- Từ đại ca, giáo qui của chúng ta cái gì cũng hay, thế nhưng mà không cho ăn thịt, xem ra có điểm không phải.
Trương Vô Kỵ trong lòng rung động, nghĩ thầm: “Thì ra bọn họ thuộc Minh giáo. Qui củ của Minh giáo chỉ ăn chay, thờ Ma vương, vậy sao họ lại ở đây ăn thịt bò”.
Từ Đạt nói:
- Đệ nhất yếu nghĩa của giáo qui là “hành thiện khứ ác”, ăn thịt tuy không tốt, nhưng chỉ là sau cùng. Hiện giờ đây mình không gạo không rau, không lẽ ngồi nhìn thịt bò mà chịu chết đói hay sao?
Đặng Dũ vỗ tay reo lên:
- Từ đại ca trước nay nói gì cũng đều đúng cả, thôi mình ăn đi, ăn đi.
Cả bọn đang ăn, bên ngoài bỗng có tiếng chân người, tiếp theo có người gõ cửa. Thang Hòa nhỏm dậy kêu lên:
- Bỏ cha, người nhà Trương viên ngoại tìm đến đây rồi.
Chỉ thấy cửa miếu bị người đẩy mở toang ra, hai tên đầy tớ ưỡn ngực sừng sộ đi vào. Một tên nói:
- Giỏi nhỉ, con bò đực của nhà viên ngoại, quả nhiên bọn bay ăn trộm về làm thịt rồi.
Nói rồi y xông tới nắm cổ Chu Nguyên Chương. Tên kia nói:
- Tên tặc hòa thượng này, hôm nay chứng cớ rành rành, hết chối nhé. Để ta giải ngươi lên quan phủ, đánh một trận cho chết luôn.
Chu Nguyên Chương cười đáp:
- Các ngươi chỉ nói láo thôi, sao dám vu cho bọn ta ăn trộm bò của nhà viên ngoại? Người xuất gia ăn chay niệm Phật, ngươi lại bảo ta ăn thịt, thật là tội lỗi.
Gã đầy tớ chỉ thịt bò trong bát, quát lên:
- Cái này không phải thịt bò thì là cái gì?
Chu Nguyên Chương đưa mắt cho những người kia, cười hì hì nói:
- Ai bảo là thịt bò?
Hai anh em Ngô Trinh, Ngô Lương đi đến đằng sau hai tên đầy tớ, quát lên một tiếng, nắm chặt tay của hai tên này. Chu Nguyên Chương lấy trong lưng ra một con dao ngắn, cười:
- Hai vị đại ca, quả không dám dấu., thịt bọn ta đang ăn không phải thịt bò, mà là thịt người. Hôm nay bọn ngươi thấy rồi, đành phải ăn thịt luôn cả hai để diệt khẩu, khỏi tiết lộ ra ngoài.
Nghe xoẹt một tiếng, y đã xé rách áo của một tên gia nhân, để lộ ngực ra, dùng mũi dao rạch một đường. Tên đầy tớ kinh hãi, luôn mồm kêu:
- Tha … tha cho tôi …
Chu Nguyên Chương bốc một nắm thịt, chia ra nhét vào mồm hai tên này, quát:
- Nuốt mau.
Hai đứa không dám nhai, trợn trạo nuốt xuống bụng. Chu Nguyên Chương lại chạy xuống bếp, lấy thêm một nắm lông bò, nhét vào mồm chúng, quát:
- Nuốt ngay.
Hái đứa lại nhăn nhó nuốt cho hết. Chu Nguyên Chương cười:
- Cho các ngươi về nói lại với viên ngoại là bọn ta ăn cắp con bò, cả bọn mổ bụng đối chất, để xem ai ăn thịt bò mà không chịu nhổ cho sạch lông.
Y lật con dao, dùng sống dao lướt nhẹ trên bụng tên đầy tớ. Tên đó thấy con dao lạnh như băng lướt trên bụng, sợ quá kêu toáng lên.
Hai anh em họ Ngô cười lên ha hả, giơ chân đạp vào mông hai tên đầy tớ, đá văng ra bên ngoài điện. Cả bọn yên tâm ngồi ăn tiếp, cười hai tên đầy tớ mua lấy cái khổ, bình thời hay ỷ thế Trương viên ngoại, hà hiếp dân làng, nay sợ bị mổ bụng đối chất, hẳn không dám nói lại là bọn họ ăn cắp bò.
Trương Vô Kỵ vừa tức cười, vừa bội phục, nghĩ thầm: “Hòa thượng họ Chu này tuy diện mạo khó coi, nhưng hành sự thật là nhanh nhẹn quả quyết, chế phục người khác không sao chống trả được, thủ đoạn quả là ghê gớm”.
Chu Nguyên Chương đã nghe Từ Đạt nói qua, Trương Vô Kỵ xả thân chịu chết để cứu Dương Bất Hối, cảm mến cái tính tình hiệp nghĩa của cậu bé, không giống như những trẻ con bình thường, nên rót rượu mời ăn, coi y chẳng khác gì một người bạn thân.
Ăn uống đến khi say sưa, Đặng Dũ bỗng thở dài:
- Người Hán chúng ta bị bọn rợ Hồ áp bức, trăm cay nghìn đắng, đến nay cơm không có mà ăn, cảnh này làm sao chịu cho nổi?
Hoa Vân vỗ đùi:
- Mắt thấy dân chúng ở phủ Phượng Dương này chết đói đến một nửa rồi, xem ra thiên hạ chỗ nào cũng thế, chẳng lẽ giương mắt chịu chết đói, thà bằng sống mái một trận với bọn Thát tử còn hơn.
Từ Đạt lớn tiếng nói:
- Hiện nay người giết người như giết con chó, chú em và cô bé này suýt nữa thì vào bụng người khác rồi. Trong thiên hạ biết bao nhiêu lương dân bách tính biến thành dê thành bò cho người khác ăn? Là kẻ nam tử Hán, đại trượng phu không biết cứu dân chúng ra khỏi nơi nước lửa, có sống cũng bằng thừa.
Thang Hòa nói:
- - Đúng thế, hôm nay bọn mình hên, ăn cắp được một con bò mà ăn, ngày mai chắc gì đã trộm được con khác? Nói đúng ra, trên đời nay chẳng mấy ai đủ ăn, chẳng lẽ anh hùng hào kiệt ai ai cũng thành trộm cướp cả hay sao?
Cả bọn càng nói càng phẫn uất, ai cũng lớn tiếng chửi bọn Mông Cổ hại người. Chu Nguyên Chương nói:
- Bọn mình ngồi đây chửi ngàn câu, vạn câu liệu bọn Thát tử có rụng cái lông nào không? Là Hán tử có lòng thì kéo nhau đi giết chúng mới hay.
Thang Hòa, Đặng Dũ, Hoa Vân, anh em họ Ngô cả bọn đều đồng thanh kêu lên:
- Đi, đi ngay.
Từ Đạt nói:
- Chu đại ca, anh làm hòa thượng xem không còn ổn nữa rồi. Đại ca tuổi lớn hơn cả, tất cả anh em nghe lệnh anh.
Chu Nguyên Chương không từ chối, nói:
- Từ nay trở đi anh em mình đồng sinh cộng tử, có phúc cùng hưởng, có nạn cùng chịu.
Cả bọn đều bưng chén lên uống cạn, rút dao chém lên bàn, hào khí ngất trời.
Dương Bất Hối thấy mọi người làm như thế không biết chuyện gì, trong lòng sợ hãi. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Thái sư phụ vẫn thường căn dặn đừng nên kết giao với người của Ma giáo. Thế nhưng Thường đại ca và bọn Từ đại ca này đều là người Ma giáo, so với bọn đệ tử danh môn chính phái như Giản Tiệp, Tiết Công Viễn, lại tốt gấp vạn lần”. Y trước nay đối với Trương Tam Phong hết sức kính phục, thế nhưng từ khi có những kinh lịch bản thân, thấy thái sư phụ đối với người Ma giáo không khỏi thiên kiến. Tuy vậy y vẫn không dám trái lời dạy của thái sư phụ.
Chu Nguyên Chương nói:
- Hảo hán tử nói là làm, bây giờ mình ăn no rồi, hành sự là vừa. Nhà Trương viên ngoại hôm nay làm tiệc thết đãi bọn Thát tử, bọn mình tới đó giết sạch chúng đi.
Hoa Vân nói:
- Được lắm.
Nói xong cầm đao đứng lên. Từ Đạt nói:
- Khoan đã,.
Y chạy xuống bếp lấy một cái giỏ, bỏ vào mười bốn, mười lăm cân thịt bò chín, đưa cho Trương Vô Kỵ:
- Trương huynh đệ, chú em tuổi còn nhỏ, không thể theo bọn ta đi làm công việc giết quan tạo phản được. Anh em ta ai cũng nghèo rớt mồng tơi, không có tiền bạc gì, đành tặng cho chú em vài cân thịt. Nếu như anh em bọn ta không chết, sau này sẽ gặp lại nhau, mình sẽ lại cùng nhau chén một bữa thịt bò.
Trương Vô Kỵ cầm lấy cái giỏ, nói:
- Chỉ mong các vị kiến lập đại công, đuổi sạch bọn Thát tử, để cả thiên hạ ai cũng có cơm ăn.
Chu Nguyên Chương, Từ Đạt, Thang Hòa, Đặng Dũ cả bọn nghe thế, ai nấy vỗ tay khen ngợi, nói:
- Trương huynh đệ, chú mày nói đúng lắm, bọn mình sẽ gặp nhau sau.
Nói xong cả bọn xách đao cùng ra khỏi miếu. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Bọn họ đi giết Thát tử, nếu như mình không bận dẫn tiểu muội tử, thì cũng đi theo họ rồi. Tuy nhiên họ chỉ có bảy người, ắt sẽ vào thế ít không chống được nhiều, thể nào bọn Thát tử và tráng đinh trong nhà Trương viên ngoại cũng sẽ đuổi đến đây, mình không thể ở cái miếu này được nữa”. Nghĩ thế y bèn xách giỏ thịt cùng Dương Bất Hối ra đi.
Trong đêm tối hai đứa trẻ đi được độ bốn năm dặm, thấy phương bắc lửa hồng rực cả một góc trời, thế thật ác liệt, biết bọn Chu Nguyên Chương, Từ Đạt đã làm xong việc, đốt trang viện của Trương viên ngoại rồi, trong lòng rất vui vẻ. Đêm hôm đó hai anh em ngủ trong núi, đến sáng thì theo hướng tây mà đi.
Hai đứa trẻ đi đường xa phải chịu biết bao phong sương đói rét, nói sao cho hết. Cũng may cha mẹ Dương Bất Hối đều là danh gia võ học, thể chất tiên thiên khỏe mạnh, tuy nhỏ thế mà đi đường xa cũng không bệnh tật gì, thỉnh thoảng cảm mạo sơ sài, Trương Vô Kỵ hái ít thảo dược, cho nó uống là hết ngay. Thế nhưng hai đứa vừa đi vừa nghỉ, mỗi ngày chỉ được hai ba chục dặm, mười lăm mười sáu ngày, mới đến địa phận tỉnh Hà Nam. Tỉnh Hà Nam so với An Huy cũng không khác gì bao nhiêu, chỗ nào cũng đói khổ. Trương Vô Kỵ làm một bộ cung tên, bắn chim săn thú, bữa đói bữa no, cùng Dương Bất Hối chầm chậm đi về hướng tây.
Cũng may trên đường hai đứa không gặp quan binh Mông Cổ, cũng không gặp nhân vật giang hồ, còn như bọn vô lại gian manh tầm thường có ý muốn cướp đoạt thì đâu phải là đối thủ của Trương Vô Kỵ.
Một hôm y gặp một ông già đứng nói chuyện chơi, nói định đi đến ngọn Tọa Vong Phong trong dãy Côn Lôn. Ông già trợn tròn mắt, kinh ngạc đến thừ người ra, nói:
- Này chú em, núi Côn Lôn cách đây đến mười vạn tám nghìn dặm, nghe nói ngày xưa chỉ có Đường tăng đi thỉnh kinh, mới đi đến đó thôi. Hai đứa còn nhỏ, liệu có điên không? Cửa nhà các ngươi ở chỗ nào mau mau đi về.
Trương Vô Kỵ nghe nói thế không khỏi sờn lòng, nghĩ thầm: “Núi Côn Lôn ở xa thế, làm sao mình đến đó được, đành phải đi về núi Võ Đương gặp thái sư phụ rồi hãy hay”. Thế nhưng y lại nghĩ: “Ta nhận trọng thác của người, dù đường có xa, không thể giữa đường bỏ cuộc. Thọ mệnh của ta không được bao lâu nữa, nếu trước khi chết không đưa được em Bất Hối đến nơi thì quả là không phải đối với Kỷ cô cô”. Y không nói chuyện thêm với ông già đó nữa, cầm tay Dương Bất Hối lên đường đi tiếp.
Lại đi thêm hai mươi ngày nữa, quần áo hai đứa trẻ đã rách bươm, mặt mày tiều tụy. Cái khổ nhất của Vô Kỵ là thỉnh thoảng Dương Bất Hối lại nhớ mẹ, hỏi sao mãi mẹ nó không từ trên trời bay xuống, lại khóc một hồi lâu. Trương Vô Kỵ phải dùng đủ cách cho nó tin là cứ đi mãi về hướng tây là sẽ gặp mẹ, rồi kể chuyện cho nó nghe, nhăn mặt làm hề, con bé mới đổi khóc thành cười.
Hôm đó khi đến Trú Mã Điếm[1], đã đến thời cuối thu đầu đông, gió bấc thổi đến, hai đứa trẻ quần áo mỏng manh, không khỏi lạnh run. Trương Vô Kỵ cởi chiếc áo ngoài rách nát ra cho Dương Bất Hối mặc thêm. Dương Bất Hối nói:
- Vô Kỵ ca ca, anh không lạnh ư?
Trương Vô Kỵ nói:
- Anh không lạnh, nóng thì có.
Y nhảy lên nhảy xuống mấy cái. Dương Bất Hối nói:
- Anh tử tế với em quá. Anh cũng lạnh mà lại cởi áo cho em mặc.
Con bé tự nhiên nói một câu như người lớn khiến Trương Vô Kỵ không khỏi ngạc nhiên. Ngay lúc đó, bỗng nghe từ triền núi phía sau truyền đến tiếng binh khí giao đấu loảng xoảng, tiếp theo là tiếng chân người, một người đàn bà lên tiếng:
- Ác tặc, ngươi trúng phải Táng Môn Đinh có tẩm độc của ta rồi, càng chạy nhanh thì càng mau phát tác.
Trương Vô Kỵ vội vàng kéo tay Dương Bất Hối chui vào trong đám cỏ bên đường nằm xuống, thấy một tráng hán chừng ba mươi tuổi chạy đến, đằng sau vài trượng có một người đàn bà cầm song đao đuổi theo. Người đàn ông chân hơi khập khiễng, đột nhiên quị xuống, ngã lăn ra đất. Người đàn bà đuổi tới nơi, kêu lên:
- Cuối cùng rồi ngươi cũng chết dưới tay cô nương.
Hán tử từ dưới đất bỗng nhảy vọt lên, chưởng phải đánh ra, nghe bịch một cái trúng ngay ngực cô gái. Cú đánh đó lực đạo cương mãnh, cô gái kia liền ngã ngửa ra, hai thanh đao trong tay văng ra xa. Người đàn ông liền rút Táng Môn Đinh cắm trên lưng mình ra, hậm hực nói:
- Mau lấy giải dược ra.
Người con gái cười khẩy:
- Lần này sư phụ sai bọn ta đuổi bắt ngươi, chỉ đưa ám khí tẩm độc, không cho thuốc giải. Ta bị rơi vào tay ngươi, làm gì cũng phải chịu. Có điều ngươi không có hi vọng gì sống được đâu.
Hán tử nọ lấy tay trái cầm đao chỉ ngay yết hầu cô gái, tay phải mò trong túi áo kiếm, quả nhiên không thấy thuốc giải. Y tức giận lắm, cầm cái Táng Môn Đinh có tẩm độc kia ném mạnh, cắm sâu vào vai cô gái, quát lên:
- Để cho ngươi thưởng thức mùi vị của chất độc Táng Môn Đinh, phái Côn Lôn các ngươi …
Câu nói chưa dứt, thuốc độc trên lưng phát tác, người nhũn ra nằm phịch xuống. Cô gái kia cố gượng đứng dậy, nhưng ọe một tiếng thổ ra một ngụm máu tươi, rồi lại ngồi bệt xuống, rút Táng Môn Đinh trên vai ra vứt xuống đất.
Một trai một gái nằm trên bãi cỏ bên cạnh đường, hô hấp khó khăn, ho liên tiếp. Trương Vô Kỵ từ khi chữa bệnh cho Giản Tiệp, Tiết Công Viễn lại gặp ác báo đến giờ, đối với người trong võ lâm có lòng dè dặt, lúc này nằm một bên quan sát động tĩnh, không dám thò đầu ra. Một lát sau, nghe người đàn ông thở dài một tiếng, nói:
- Tô Tập Chi này hôm nay táng mệnh ở Trú Mã Điếm, không biết có tội gì với phái Côn Lôn các ngươi, quả thật chết không nhắm mắt được. Các ngươi đuổi theo ta đến mấy ngàn dặm, không giết ta không xong, cũng vì cớ gì thế? Chiêm cô nương, cô có lòng tốt nói cho tôi nghe nào.
Lời nói xem ra không có gì thù hằn nhau cả. Cô gái kia tên Chiêm Xuân biết sự ghê gớm của chất độc trên Táng Môn Đinh, trước mắt thấy mình với y cả hai cùng chết, bao nhiêu oán thù đều tan ra mây khói, buồn bã nói:
- Ai bảo ngươi coi lén sư phụ ta luyện kiếm, pho Côn Lôn Lưỡng Nghi Kiếm đó nếu không phải do đích thân lão nhân gia truyền thụ, bản môn đệ tử mà nhìn trộm cũng đã bị tội móc mắt rồi, huống chi là người ngoài.
Tô Tập Chi “A” lên một tiếng, nói:
- Con mẹ nó, đáng chết lắm, đáng chết lắm.
Chiêm Xuân giận dữ nói:
- Ngươi chết đầu nước rồi, sao còn dám chửi sư phụ ta?
Tô Tập Chi nói:
- Ta chửi thì đã sao? Thế không phải oan uổng ư? Ta trên đường đi qua núi Bạch Ngưu, vô ý thấy sư phụ cô luyện kiếm, lấy làm hiếu kỳ mới đứng coi một lúc. Không lẽ ta chỉ nhìn một lát mà đã học hết pho kiếm pháp ấy hay sao? Nếu tôi thực có chút tài cán, mấy đệ tử Côn Lôn làm gì được nào? Chiêm cô nương, để tôi nói cô nghe này, sư phụ cô Thiết Cầm tiên sinh bụng dạ nhỏ nhen quá, không nói chuyện tôi chưa học được một chiêu nửa thức nào trong Côn Lôn Lưỡng Nghi Kiếm, mà dù có học được vài chiêu cũng không thể coi là tử tội được.
Chiêm Xuân lặng yên không nói nhưng trong bụng cũng thấy sư phụ quả là chuyện bé xé ra to, chỉ mới thấy Tô Tập Chi lén coi kiếm pháp liền phái sáu đệ tử đuổi theo hàng nghìn dặm giết cho bằng được, để đến tình trạng lưỡng bại câu thương, sự đến thế này quả thật y không còn nói láo làm gì, việc y không học lén võ công có lẽ là sự thật.
Tô Tập Chi nói tiếp:
- Ông ta đưa cho các ngươi ám khí tẩm thuốc độc, lại không cho giải dược, trong võ lâm làm gì có qui củ đó? Con mẹ nó …
Chiêm Xuân nhỏ nhẹ nói:
- Tô đại ca, tiểu muội hại đại ca, lúc này trong bụng quả thật là hối hận, nhưng chính tiểu muội cũng chết theo, âu cũng là cái số. Chỉ khổ cho trong nhà anh, bà chị cùng các cháu, cái đó mới đáng kể.
Tô Tập Chi thở dài:
- Vợ tôi hai năm trước qua đời rồi, để lại hai đứa con một trai một gái, một đứa lên sáu, một đứa lên bốn, ngày mai là thành mồ côi không cha không mẹ rồi.
Chiêm Xuân hỏi:
- Thế trong nhà còn ai nữa không? Có ai chăm sóc cho hai đứa nhỏ không?
Tô Tập Chi nói:
- Hiện nay thì bà chị dâu tôi trông nom. Bà chị dâu tôi tính tình dữ tợn, điêu ngoa lắm, còn tôi thì còn e ngại vài phần. Ôi, từ nay hai đứa trẻ chắc sẽ khốn khổ lắm.
Chiêm Xuân nói nhỏ:
- Âu cũng tại em gây ra cái tội nghiệt này.
Tô Tập Chi lắc đầu:
- Cái đó cũng không trách cô được. Cô phụng nghiêm lệnh của sư môn, không thể không tuân theo, chính cô cũng chẳng có oán cừu gì với tôi cả. Đúng ra, tôi trúng ám khí tẩm độc của cô rồi, chết thì đã đành, tại sao lại còn đánh cô một chưởng, lại dùng ám khí đả thương cô? Nếu không tôi cứ tình thực nói ra, cô có lòng tốt, sẽ có cách lo liệu cho hai đứa con khốn khổ của tôi.
Chiêm Xuân cười buồn:
- Tôi là hung thủ làm chết anh, sao anh còn nói tôi có lòng tốt.
Tô Tập Chi nói:
- Tôi không trách gì cô đâu, thực đó, không trách gì đâu.
Mới hồi nãy hai người xả thân ác đấu, bây giờ cùng sắp chết đến nơi, lưu luyến cuộc đời nên nói ra toàn điều nhân thiện. Trương Vô Kỵ nghe đến đây, nghĩ thầm: “Một nam một nữ này xem chừng tâm địa không ác độc, huống chi trong nhà gã họ Tô kia còn hai đứa trẻ con”. Nghĩ đến mình và Dương Bất Hối là hai đứa trẻ mồ côi khổ sở, liền từ trong đám cỏ chui ra, nói:
- Chiêm cô nương, trên Táng Môn Đinh của cô tẩm loại thuốc độc gì?
Chiêm Xuân và Tô Tập Chi hai người bỗng thấy trong bụi cỏ chui ra một thiếu niên, một cô gái nhỏ, lấy làm kỳ quái, nghe Trương Vô Kỵ hỏi như thế đều kinh ngạc. Trương Vô Kỵ nói:
- Tôi biết chút y lý, vết thương trúng độc của hai vị, chưa hẳn không thể cứu được đâu.
Chiêm Xuân nói:
- Loại độc dược gì, tôi cũng không biết. Vết thương lúc này ngứa chịu không nổi. Sư phụ tôi nói rằng, trúng Táng Môn Đinh rồi, chỉ còn sống được bốn giờ thôi.
Trương Vô Kỵ nói:
- Để tôi xem vết thương ra sao.
Tô Chiêm hai người thấy y tuổi nhỏ, quần áo rách rưới, toàn thân dơ dáy, trông không khác gì một thằng ăn mày con, làm sao tin rằng y có thể trị độc. Tô Tập Chi sẵng giọng nói:
- Hai người chúng tôi chỉ còn khoảnh khắc là chết rồi, trẻ con đừng ở đây làm phiền nhiễu, mau cút ra xa xa đi.
Trương Vô Kỵ không thèm để ý tới y, nhặt chiếc Táng Môn Đinh ở dưới đất lên, đưa lên mũi thấy có mùi thơm nhè nhẹ như hoa lan. Trong mấy hôm nay, trên đường đi mỗi khi có thì giờ rảnh rỗi, đều ngồi đọc quyển Độc Kinh của Vương Nạn Cô để lại, nên các loại độc vật độc dược thiên kỳ bách quái trong thiên hạ đều ghi nhớ trong lòng. Thành thử khi y vừa ngửi thấy mùi hương, biết ngay trên mũi Táng Môn Đinh này có tẩm chất nước độc lấy từ hoa Thanh Đà La. Trong Độc Kinh có viết loại trấp dịch lấy từ loại hoa này vốn dĩ tanh hôi, không có độc tính, dù uống cả bát cũng không có hại, thế nhưng khi trộn với máu tươi sẽ trở thành kịch độc, mùi hôi lại biến thành mùi thơm. Y liền nói:
- Đinh này tẩm chất độc của hoa Thanh Đà La.
Chiêm Xuân cũng không biết trên mũi Táng Môn Đinh có tẩm loại độc dược gì, thế nhưng nàng biết trong vườn của sư phụ quả có trồng loại kỳ hoa này nên lạ lùng hỏi:
- Ồ, sao cậu biết?
Nên biết hoa Thanh Đà La rất là khó thấy, gốc ở Tây Vực xưa nay không hề có nơi trung thổ. Trương Vô Kỵ gật đầu, nói:
- Tôi biết chứ.
Y cầm tay Dương Bất Hối, nói:
- Chúng tôi đi đây.
Chiêm Xuân vội gọi:
- Tiểu huynh đệ, nếu cậu biết cách chữa, xin cậu ra tay cứu hai người chúng tôi.
Trương Vô Kỵ vốn dĩ có lòng muốn cứu, nhưng bỗng nhớ tới khuôn mặt hung ác của bọn Giản Tiệp, Tiết Công Viễn khi định ăn thịt hai đứa, không khỏi chần chừ. Tô Tập Chi nói:
- Tiểu tướng công, tại hạ có mắt không biết cao nhân, xin đừng bắt lỗi.
Trương Vô Kỵ nói:
- Được rồi, để tôi thử xem sao.
Y lấy kim châm, châm vào huyệt Đản Trung ở trên ngực, và huyệt Khuyết Bồn ở hai bên vai của Chiêm Xuân, để chặn cơn đau chưởng thương rồi nói:
- Hoa Thanh Đà La này gặp máu mới thành độc, vào trong bụng lại không sao. Hai vị bây giờ người nọ hút máu ở vết thương cho người kia, bao giờ trong máu không còn đóng cục nữa thì thôi.
Tô Tập Chi và Chiêm Xuân cả hai đều thấy hơi bất tiện, nhưng lúc này tính mệnh là quan trọng, vết thương lại ở trên vai, sau lưng không thể tự mình hút lấy được đành phải thay phiên người nọ hút máu cho người kia. Trương Vô Kỵ đi tìm trong sườn núi ba loại thảo dược, nhai nhuyễn rồi đắp lên vết thương cho hai người, nói:
- Ba vị thuốc này chỉ giúp chất độc tạm thời không xông lên chứ không có thể giải độc. Bây giờ mình đi đến thị trấn nào gần đây, tìm dược phòng, tôi sẽ kê toa để liệu độc cho hai vị.
Vế thương của Tô Chiêm vốn dĩ cực kỳ ngứa ngáy không chịu nổi, nay đắp thuốc lên, thấy mát mẻ dễ chịu, tay chân cũng hết tê bại, nên luôn mồm cám ơn. Hai người chặt hai cành cây làm gậy chống, chầm chậm bước đi. Chiêm Xuân hỏi sư thừa lai lịch của Trương Vô Kỵ, Trương Vô Kỵ không muốn nói rõ, chỉ nói từ bé đã biết qua thuốc men.
Đi độ hơn một tiếng đồng hồ thì đến Sa Hà Điếm, bốn người thuê phòng nghỉ ngơi. Trương Vô Kỵ viết một cái toa, Tô Tập Chi liền nhờ người chủ phòng đi cắt thuốc. Năm đó một dải Dự Tây không bị thiên tai, tuy người Mông Cổ có bá đạo tàn nhẫn không khác gì các nơi, nhưng dân chúng cũng còn cơm ăn, Sa Hà Điếm vì thế hàng quán vẫn mở như thường. Người chủ quán đem thuốc về, Trương Vô Kỵ liền sắc lên, cho Tô Tập Chi và Chiêm Xuân uống.
Bốn người ở tại khách điếm ba ngày, Trương Vô Kỵ mỗi ngày lại đổi toa thuốc, trong uống ngoài thoa, đến ngày thứ tư, chất độc trong người Tô, Chiêm đã trục ra hết. Hai người hết sức cảm kích, hỏi thăm Trương Vô Kỵ và Dương Bất Hối đang định đi đâu. Trương Vô Kỵ liền nói địa danh Tọa Vong Phong trong dãy núi Côn Lôn.
Chiêm Xuân nói:
- Tô đại ca, tính mạng của hai người mình toàn do vị tiểu huynh đệ này cứu, thế nhưng năm người sư huynh vẫn đi khắp nơi tìm anh, thành thử việc này chưa xong đâu. Vậy đại ca đi theo tôi lên núi Côn Lôn một phen, anh nghĩ sao?
Tô Tập Chi giật mình kinh hãi, nói:
- Lên núi Côn Lôn ư?
Chiêm Xuân nói:
- Đúng thế. Anh đi cùng với tôi đến bái kiến gia sư, nói rõ anh chưa hề học được một chiêu nửa thức nào của Côn Lôn Lưỡng Nghi Kiếm cả. Việc này nếu không được chính lão nhân gia tha thứ, đời anh sau này họa hoạn không biết đâu mà lường.
Tô Tập Chi trong bụng tức giận, nói:
- Phái Côn Lôn các ngươi thật chèn ép người quá lắm, ta chỉ mới nhìn qua một chút, vậy mà suýt nữa đến quỉ môn quan, thế mà cũng vẫn chưa xong.
Chiêm Xuân dịu dàng nói:
- Tô đại ca, xin anh đặt mình vào tình cảnh của tiểu muội mà tha thứ cho. Việc em về nói với sư phụ là anh thực sự chưa học được chút kiếm pháp nào thì cũng không phải là gì khó khăn, thế nhưng nếu năm vị sư huynh nếu lại ra tay đả thương anh, lòng tiểu muội làm sao chịu được.
Hai người sống chết cùng nhau mấy hôm nay, trong lòng đã sinh tình ý, Tô Tập Chi nghe nàng nói lời chân thành ôn nhu kia, bao nhiêu bực tức trong lòng tiêu tán hết, nghĩ thầm: “Phái Côn Lôn người nhiều thế mạnh, nếu họ cứ như bóng ma không tan theo đuổi mình hoài, phải có ngày chết dưới tay họ mới thôi”. Chiêm Xuân thấy y trầm ngâm, lại nói:
- Anh chịu khó đi theo em một chuyến. Nếu anh có chuyện gì gấp gáp, sau khi mình về núi Côn Lôn rồi, tiểu muội sẽ đi cùng với đại ca lo liệu cho.
Tô Tập Chi mừng nói:
- Được rồi, cứ như thế vậy. Nhưng không biết tôn sư có chịu tin không?
Chiêm Xuân nói:
- Trước nay sư phụ vẫn yêu thương em, em năn nỉ một hồi, thể nào cũng không làm khó gì anh đâu. Việc này xong rồi, tiểu muội sẽ đi thăm con trai, con gái anh để cho chúng nó khỏi bị bà chị dâu hành hạ.
Tô Tập Chi thấy nàng nói như thế, rõ ràng có ý hứa hẹn, trong lòng mừng lắm, nói với Trương Vô Kỵ:
- Tiểu huynh đệ, tất cả bọn mình lên núi Côn Lôn, cùng đi với nhau cho có bạn đồng hành.
Chiêm Xuân nói:
- Sơn mạch núi Côn Lôn dài hàng nghìn dặm, biết bao nhiêu ngọn, Tọa Vong Phong không biết ở chỗ nào. Thế nhưng phái Côn Lôn nếu muốn tìm ngọn núi Tọa Vong ắt sẽ kiếm ra.
Hôm sau Tô Tập Chi đi mướn một cỗ xe lớn, để cho Trương Vô Kỵ và Dương Bất Hối ngồi, còn mình và Chiêm Xuân cưỡi ngựa theo sau. Đi đến thị trấn lớn ở đằng trước, Chiêm Xuân lại đi mua cho Trương Vô Kỵ và Dương Bất Hối mấy bộ quần áo, thay đổi cho hai đứa. Tô Chiêm hai người thấy hai đứa trẻ tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới rồi, con trai tuấn nhã, con gái mỹ miều, đều lớn tiếng khen ngợi.
Hai đứa cho tới bây giờ mới khỏi cái cảnh khổ sở đường xa, ăn uống cũng khá, thân thể từ từ mập mạp lên. Càng đi về hướng tây, thời tiết mỗi ngày một lạnh, nhưng đường đi có Tô Tập Chi và Chiêm Xuân lo liệu nên mọi sự bình an. Đến Tây Vực rồi, phái Côn Lôn thế lực hùng mạnh, nên không có gì trở ngại, có điều cát vàng thổi vù vù vào mặt, gió lạnh thấu xương thực là khó chịu.
Cuối cùng rồi cũng đến Tam Thánh Ao[2] trong dãy Côn Lôn, khắp nơi cỏ xanh tươi tốt, hoa thơm cây trái. Tô Tập Chi và Trương Vô Kỵ không ngờ giữa nơi hoang sơn lạnh lẽo lại có một nơi đẹp đẽ đến thế nên thực hoan hỉ bội phần. Thì ra Tam Thánh Ao này bốn bề núi non cao vút tới tận mây xanh, chắn gió lạnh. Phái Côn Lôn trong bảy tám chục năm từ khi Côn Lôn Tam Thánh Hà Túc Đạo sáng lập đến nay, các đời chưởng môn hao phí không biết bao nhiêu công sức chỉnh đốn sơn ao này, sai các đệ tử tới tận Giang Nam ở phía đông, Thiên Trúc ở phía tây đem các loại kỳ hoa dị chủng đem về trồng.
Chiêm Xuân dẫn ba người đến Thiết Cầm Cư, nơi ở của Thiết Cầm tiên sinh Hà Thái Xung. Vừa mới bước vào, thấy sư huynh đệ tỉ muội ai ai cũng có vẻ buồn lo, gặp nàng chỉ nhẹ gật đầu, không nói năng gì cả. Chiêm Xuân trong lòng áy náy, không hiểu chuyện gì xảy ra, cầm tay một sư muội ra hỏi:
- Sư phụ có nhà không?
Người sư muội đó chưa kịp trả lời đã nghe tiếng quát tháo, mắng chửi của Hà Thái Xung từ hậu đường vọng ra:
- Rặt một phường giá áo túi cơm. Bao nhiêu chuyện bảo làm, không một chuyện nào làm xong cả. Có một bọn đệ tử ăn hại như chúng bay để làm gì?
Tiếp theo là một tiếng vỗ bàn vang dội. Chiêm Xuân nói nhỏ với Tô Tập Chi:
- Sư phụ đang bực mình, mình đừng vào gặp vội, ngày mai hãy tính.
Hà Thái Xung đột nhiên gọi:
- Có phải Xuân nhi đó không? Sao thập thà thập thò gì ngoài đó? Thủ cấp của Tô tiểu tặc có chưa?
Chiêm Xuân mặt liền biến sắc, vội đi vào nội sảnh, quì xuống khấu đầu, thưa:
- Đệ tử bái kiến sư phụ.
Hà Thái Xung nói:
- Việc ta sai ngươi đi làm đến đâu rồi? Tên tiểu tặc họ Tô ra sao?
Chiêm Xuân đáp:
- Tên họ Tô hiện đang ở bên ngoài, đến để khấu đầu tạ tội với sư phụ. Y nói y không biết qui củ, quả thực đã sơ sót xem sư phụ thi diễn kiếm pháp, nhưng kiếm pháp bản phái tinh vi áo diệu nên y xem rồi, chỉ biết đây là một loại kiếm thuật thiên hạ vô song, thế nhưng hay ở chỗ nào, chỉ biết là hay nhưng lại không lãnh hội được.
Nàng theo học sư phụ đã lâu, biết ông ta rất tự phụ về võ công, nên nói Tô Tập Chi cực lực ca ngợi võ công bản môn, sư phụ thể nào cũng cao hứng mà tha tội cho anh chàng ta.
Nếu phải lúc bình thời, cái câu khen nịnh ấy thể nào Hà Thái Xung cũng khoái chí lắm, nhưng hôm nay trong lòng ông ta đang bực bội, chỉ hừ một tiếng, nói:
- Việc này ngươi làm khá lắm. Đem giam tên họ Tô tại thạch thất phía sau núi, ta sẽ phát lạc sau.
Chiêm Xuân thấy sư phụ đang giận, không dám mở miệng cầu xin, liền nói:
- Vâng.
Lại hỏi tiếp:
- Các sư mẫu đều khỏe? Để con ra sau khấu đầu.
Hà Thái Xung có cả thảy năm người thê lẫn thiếp, sủng ái nhất là tiểu thiếp thứ năm. Chiêm Xuân muốn xin sư phụ tha cho Tô Tập Chi nên định nói với bà ngũ sư mẫu này xin hộ. Hà Thái Xung trên mặt lộ vẻ buồn rầu, thở dài một tiếng nói:
- Ngươi xuống thăm cô năm cũng phải, cô ấy bệnh nặng lắm, ngươi may về kịp gặp được một lần.
Chiêm Xuân giật mình kinh hãi nói:
- Cô năm không khỏe ư? Không hiểu bệnh gì thế?
Hà Thái Xung thở dài:
- Biết được bệnh gì thì đã hay. Đã gọi đến bảy tám thầy thuốc có tiếng đến xem, vậy mà đến bệnh gì cũng không nói được, toàn thân sưng vù, một người như hoa tựa ngọc, vậy mà phù lên … ôi, không muốn nói nữa …
Nói đến đây y liên tiếp lắc đầu, nói thêm:
- Thu bao nhiêu là đồ đệ, không đứa nào làm được việc gì. Bảo chúng nó đi đến núi Trường Bạch kiếm thiên niên lão sơn nhân sâm đã hai tháng rồi, chưa đứa nào về, bảo chúng nó đi kiếm tuyết liên, thủ ô để cứu mạng, cũng chỉ về tay không.
Chiêm Xuân nghĩ thầm: “Từ đây đến núi Trường Bạch đường xa vạn dặm, đâu phải đến là về ngay. Đến được Trường Bạch Sơn, chắc gì đã kiếm được nhân sâm nghìn năm. Còn như tuyết liên, thủ ô các loại thuốc trân quí có thể khởi tử hoàn sinh, kiếm cả đời chưa chắc đã thấy, trong một lúc làm sao kiếm cho ra?” Nàng biết sư phụ cưng cô tiểu thiếp này chẳng khác gì tính mệnh mình, nay cô ta bệnh nặng không trị được nên giận cá chém thớt, đổ tội lên đầu người khác.
Hà Thái Xung lại nói:
- Ta đã dùng nội lực thử kinh mạch cô ta, không thấy điểm nào khác lạ. Hừ hừ, cô năm mà không sống được ta sẽ giết sạch bọn lang băm trong thiên hạ.
Chiêm Xuân nói:
- Để đệ tử xuống thăm.
Hà Thái Xung nói:
- Được, để ta đưa ngươi đi.
Hai thầy trò cùng xuống phòng ngủ của cô năm. Chiêm Xuân vừa bước vào đã ngửi thấy toàn là mùi thuốc, vén màn lên, chỉ thấy mặt cô ta sưng phù lên như Trư Bát Giới, hai mắt híp sâu vào trong thịt, không mở ra nổi, hơi thở gấp gáp, như đang kéo bễ. Ngũ cô vốn dĩ là một mỹ nhân, nếu không Hà Thái Xung đâu có mê say đến thế, lúc này bệnh hoạn, biến thành xấu xí, Chiêm Xuân trông thấy không khỏi sờn lòng. Hà Thái Xung nói:
- Gọi bọn lang băm ra đây xem nào.
Bà vú phục thị trong phòng vội vàng vâng dạ, đi ra. Một lúc sau, nghe thấy tiếng xích kêu loảng xoảng, đi vào bảy ông thầy lang. Bảy người chân đều bị xích dính liền với nhau, hình dung tiều tụy, thần sắc buồn khổ. Những người đó đều là thầy thuốc có tiếng ở Tứ Xuyên, Vân Nam, Cam Túc, bị Hà Thái Xung cho đệ tử đến nửa mời nửa bắt đem về đây. Thế nhưng bảy người danh y định bệnh mỗi người một khác, người thì bảo là phù thủng, người thì bảo là trúng tà, cho toa cắt thuốc rồi, uống không hiệu nghiệm, thân thể cô năm mỗi ngày một sưng thêm. Hà Thái Xung nổi giận, đem bảy vị danh y xiềng lại, nói là nếu cô năm trị không hết, bảy tên lang băm – danh y nay biến thành lang băm – sẽ bị chôn sống theo.
Bảy người thầy lang trổ hết tài nghệ bình sinh, nhưng bệnh cô năm ngày càng sưng, ai cũng lo tính mệnh mình sẽ chẳng còn, mỗi lần hội chẩn, đều lớn tiếng cãi cọ liên miên, người này chê bai sáu người còn lại, nói cô năm sở dĩ nặng thêm, toàn là do bọn kia làm hại, còn mình vô can. Lần này bảy người tiến vào, chẩn mạch xong, ba điều bốn chuyện, lại bắt đầu tranh chấp. Hà Thái Xung lo quá hóa giận, lớn tiếng mắng chửi mới át được tiếng bọn danh y biến thành lang băm kia.
Chiêm Xuân bỗng chợt nghĩ ra, nói:
- Sư phụ, con có đem từ Hà Nam về một thầy lang, tuổi tác tuy còn nhỏ, bản lãnh so với mấy người này còn cao hơn.
Hà Thái Xung mừng quá, kêu lên:
- Sao con không nói sớm, mời vào mau, mời mau.
Mỗi vị danh y khi mới đến, y đều đối đãi cực kỳ cung kính, thế nhưng khi từ “danh y” biết thành “dung y” rồi, y sẽ không còn nể nang gì nữa. Chiêm Xuân quay lại đại sảnh, dẫn Trương Vô Kỵ vào. Trương Vô Kỵ vừa gặp Hà Thái Xung, nhận ngay ra y có mặt trong đám người năm xưa lên núi Võ Đương bức tử cha mẹ mình, lòng không khỏi căm hận. Thế nhưng Trương Vô Kỵ xa cách đã bốn năm năm, mặt mày thân thể biến đổi rất nhiều, Hà Thái Xung không sao nhận ra được, thấy chỉ là một thiếu niên mười bốn, mười lăm, gặp mình lại không khấu đầu hành lễ, chỉ khinh khỉnh nhìn, thần sắc hết sức lạnh nhạt, nên cũng không thèm lý đến, quay sang hỏi Chiêm Xuân:
- Con bảo thầy thuốc nào đâu?
Chiêm Xuân đáp:
- Chính là chú em này đây. Y đạo của y thật là tinh thâm, xem ra còn giỏi hơn nhiều danh y khác.
Hà Thái Xung đời nào chịu tin, nói:
- Vô lý, vô lý.
Chiêm Xuân đáp:
- Đệ tử trúng phải độc chất của hoa Thanh Đà La, chính nhờ chú ta trị khỏi đó.
Hà Thái Xung kinh ngạc, nghĩ thầm: “Nếu không có giải dược của môn phái mình, trúng phải chất độc của hoa Thanh Đà La đều chắc chắn chết, tiểu tử này có thể trị được, chắc là tà môn”. Y nhìn Trương Vô Kỵ đánh giá một hồi, hỏi:
- Này cậu, cậu biết chữa bệnh thật à?
Trương Vô Kỵ nghĩ tới tình cảnh chết thảm của cha mẹ mình, trong bụng đối với Hà Thái Xung hết sức căm thù, nhưng bản tính y trời sinh không hay nhớ oán cũ, nếu không đã chẳng chữa cho bọn Giản Tiệp, cũng chẳng liệu độc cho Chiêm Xuân của phái Côn Lôn, nghe Hà Thái Xung hỏi sõng như thế, tuy bụng không thích, nhưng cũng gật đầu.
Y vừa tiến vào phòng đã ngửi thấy một mùi rất cổ quái, qua một lúc sau, lại thấy mùi hương đó lúc đậm lúc nhạt rất đặc biệt, liền đến trước giường cô năm quan sát mặt cô ta một hồi, bắt mạch hai tay, đột nhiên lấy ra một mũi kim châm, chích ngay vào khuôn mặt sưng như trái dưa hấu của cô năm. Hà Thái Xung kinh hãi, quát lên:
- Ngươi làm gì thế?