Hồi 3
Tác giả: Kim Dung
Lửa hồng nung đốt trăm lần nóng,
Đen sì đao cứng vẫn trơ gan.
Tráng sĩ nguy nàn đâu nhụt chí,
Dẫu đành một thác chẳng than van.
Hoa nở rồi hoa tàn, hoa tàn hoa lại nở, người thiếu niên năm nào nay đã già, cô gái hồng nhan kia tóc mai cũng đã bạc. Năm đó là năm Chí Nguyên thứ hai đời Nguyên Thuận Đế, nhà Tống đã bị diệt vong hơn năm chục năm rồi.
Lúc đó chính vào tháng ba cuối mùa xuân, ở bờ biển Giang Nam có một tráng sĩ ước chừng ba mươi tuổi chân đi giày cỏ mặc áo màu lam, đang rảo bước trên đường cái, thấy trời đã xế chiều, tuy hai bên đường đầy đào hồng, liễu xanh, xuân sắc đang độ tốt tươi nhưng chàng không tâm trí đâu mà thưởng ngoạn, trong đầu chỉ tính toán thầm: "Hôm nay đã là hai mươi bốn tháng ba, đến mồng chín tháng tư chỉ còn mười bốn ngày, đường đi không có gì trở ngại thì mới kịp ngày giờ về núi Võ Đương chúc mừng đại thọ chín mươi của ân sư."
Tráng sĩ đó họ Du, tên Đại Nham, là đệ tử thứ ba của tổ sư phái Võ Đương Trương Tam Phong. Đầu năm đó, chàng vâng lệnh thầy xuống Phúc Kiến tiêu diệt một bọn giặc cướp không việc ác gì không làm, chuyên tàn hại lương dân. Tên đầu đảng nghe tin, lập tức trốn mất, Du Đại Nham phải mất hai tháng trời mới tìm ra được sào huyệt bí mật của y, tiến đến khiêu chiến, sử dụng Huyền Hư đao pháp của thầy truyền cho, đến chiêu thứ mười một mới giết được tên giặc. Lúc đầu chỉ định mười ngày là xong, nhưng lại mất đến hơn hai tháng, bấm đốt ngón tay, kỳ hạn đại thọ chín mươi của sư phụ chẳng còn bao xa, nên vội vàng từ Phúc Kiến quay về, hôm nay đã đến phía nam sông Tiền Đường ở vùng Triết Đông.
Chàng rảo bước một hồi, con đường hẹp lại, nhìn thấy một bên là biển cả, có những khoảng đất bằng sáng loáng như gương, mỗi mảnh chừng bảy tám trượng vuông, nếu thực là do nước biển bào mòn mà thành sao lại nhẵn đến thế. Du Đại Nham đã đi khắp mọi miền Giang Nam, Giang Bắc, kiến văn cũng rộng, nhưng chưa thấy cảnh lạ đó bao giờ, hỏi thổ dân, không khỏi bật cười, hóa ra đó là những ruộng muối.
Nơi đây dân chúng dẫn nước từ biển vào ruộng, phơi cho khô bớt, nước mặn đó lại dẫn vào ruộng khác, mỗi lúc một mặn thêm, sau cùng mới khô còn lại muối hột. Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Ta ăn muối ba mươi năm, nhưng chưa biết để làm được một hạt muối, phải nhọc nhằn đến thế.?
Chàng đang đi bỗng thấy từ con đường nhỏ phía tây một bọn chừng hơn hai chục người đang gánh đồ đi rảo bước. Du Đại Nham liếc mắt để ý, thấy cả bọn đều mặc quần áo ngắn màu xanh, đầu đội nón rộng vành, hai bên quang đều là muối cả. Chàng biết rằng hiện nay chính sách hà khắc, thuế đánh vào muối rất cao, nên tuy ở ngay cạnh bờ biển, dân chúng cũng không được ăn muối quan, mà phải đi mua lén của dân buôn muối lậu. Bọn người này hành động nhanh nhẹn, táo tợn, thân thể rắn chắc, xem chừng là một bọn buôn lậu. Trên vai họ cũng không phải là đòn gánh bằng tre hay bằng gỗ vì không thấy nhún nhẩy chi cả, trông đen sì đúng là đòn gánh bằng sắt. Mỗi người phải gánh ít ra cũng hai trăm cân nhưng đi rất nhanh. Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Bọn diêm kiêu này ai cũng có võ. Nghe nói ở Giang Nam, phái Hải Sa độc quyền muối lậu, thanh thế rất lớn, trong môn phái này không ít những tay danh gia võ học. Thế nhưng có đến hai mươi hảo thủ cùng ở một đoàn gánh muối lậu đi bán thì thật không hợp lý chút nào.?
Giá như bình thời, ắt là chàng sẽ đi theo dọ thám, nhưng lúc này đang phải tính chuyện chúc thọ sư phụ chín mươi, không hơi đâu mà mua chuyện thiên hạ. Nghĩ thế chàng lại rảo bước đi.
Chiều hôm đó, Du Đại Nham đã đến huyện Dư Diêu, trấn Am Đông. Từ đây chỉ qua sông Tiền Đường là đến Lâm An, rẽ qua hướng tây đi về phương bắc, qua Giang Tây, Hồ Nam là đến Hồ Bắc, địa phận núi Võ Đương. Trời đã tối không có thuyền sang sông, chàng chỉ còn cách ở lại Am Đông, kiếm một tiểu điếm trọ qua đêm.
Ăn cơm chiều xong, Du Đại Nham rửa chân toan lên giường nằm, bỗng nghe trong quán có tiếng lao xao, một đám người vào thuê phòng. Nghe giọng thấy họ là người Triết Đông, nhưng trung khí sung mãn, hiển nhiên đều là nội gia, chàng thò đầu ra xem, hóa ra chính là bọn buôn muối lậu gặp trên đường cái. Du Đại Nham không để ý, ngồi xếp bằng trên giường, hành công đủ ba lần, rồi mới nằm xuống ngủ.
Ngủ đến giữa đêm, bỗng nghe phòng bên cạnh có tiếng lách cách nhè nhẹ, Du Đại Nham lập tức tỉnh dậy. Chỉ nghe thấy một người hạ giọng nói:
- Anh em mau mau ra đi, đừng kinh động đến người khách ở phòng bên cạnh, thêm phiền ra.
Mọi người tất cả nhè nhẹ mở cửa phòng, đi ra ngoài. Du Đại Nham nhìn qua khe cửa, thấy đám diêm kiêu đã gồng gánh đi ra cửa, nhớ đến câu kẻ kia nói: ?đừng kinh động đến người khách ở phòng bên cạnh, thêm phiền ra? nghĩ thầm: ?Bọn buôn muối lậu này lén lén lút lút, hẳn là đang tính làm điều gì sai quấy, nên mới sợ mình trông thấy, không thể bỏ qua. Nếu có ngăn bọn họ làm điều thương thiên hại lý, cứu được một hai mạng người lương thiện, dù cho có lỡ tiệc thọ ngàn tuổi của ân sư, thì lão nhân gia chắc cũng vẫn vui lòng.? Chàng đeo túi đựng binh nhận, ám khí lên lưng, vượt cửa sổ, nhảy qua tường ra ngoài.
Chỉ nghe thấy tiếng chân người đi về hướng đông bắc, chàng thi triển khinh thân công phu, lặng lẽ đuổi theo. Đêm đó mây đen đầy trời, ánh trăng không có, trong bóng đêm dày đặc, thấp thoáng bóng hai chục tên buôn muối lậu gánh hàng chạy trên những bờ ruộng, Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Bọn buôn lậu ban đêm gánh hàng chạy thì cũng là chuyện thường tình. Thế nhưng những người này thân thủ bất phàm, nếu muốn làm chuyện phi pháp, chẳng nói chi trộm cướp nhà giàu, có đến vào công khố ăn cướp, quan binh cũng chưa chống nổi, việc gì phải lén lén lút lút đi buôn muối, kiếm chút lợi nhỏ? Ắt hẳn bên trong có chuyện gì khác."
Chỉ chưa đầy nửa giờ, bọn buôn lậu đã chạy trên hai chục dặm, nhưng Du Đại Nham khinh công rất cao, bước chân không một tiếng động, bọn kia lại chừng như có chuyện gì gấp, chỉ để ý đến lộ trình trước mặt, không quay đầu lại, nên chẳng hề phát giác. Lúc đó họ đã đến ven biển, tiếng sóng vỗ vào đá ỳ ào không dứt.
Đang trên đường đi, bỗng nghe tiếng tên đầu lĩnh huýt một tiếng còi nhỏ, cả bọn đều đứng lại. Tên chỉ huy hỏi nhỏ:
- Ai thế?
Trong bóng tối có tiếng một người khàn khàn:
- Có phải các bạn là nhóm ?ba chấm thủy? chăng?
Người đầu lĩnh đáp:
- Chính thế. Các hạ là ai?
Du Đại Nham thắc mắc: ?Nhóm ?ba chấm thủy? là bọn nào thế nhỉ?? Nhưng chỉ một thoáng chàng chợt nghĩ ra: ?Ồ, quả nhiên là phái Hải Sa. Ba chữ phái Hải Sa có ba chấm thủy ở bên cạnh. Tiếng người khàn khàn lại nói tiếp:
- Vụ đao Đồ Long, ta khuyên các người đừng nhúng tay vào.
Tên đầu lĩnh nói:
- Tôn giá cũng vì đao Đồ Long mà đến đấy ư?
Âm thanh dường như có vẻ vừa tức giận, vừa sợ hãi. Trong đêm tối chỉ nghe mấy tiếng cười khẩy ?hắc hắc hắc? nhưng không nghe người kia trả lời.
Du Đại Nham náu mình sau những tảng đá ở ven biển, trườn đến phía trước, chỉ thấy một người đàn ông thân hình cao gầy đứng chắn trên đường. Vì trời tối nên không nhìn rõ mặt y, chỉ thấy y mặc một chiếc áo bào trắng, đi đêm mà mặc áo trắng hẳn phải tự phụ võ công của mình có chỗ hơn người.
Người đầu lĩnh phái Hải Sa nói:
- Thanh đao Đồ Long đó đã thuộc về bản phái, nhưng bị người ta lấy trộm mất, nay phải đi đòi lại.
Gã áo trắng lại cười khẩy ?hắc hắc hắc? ba tiếng nhưng vẫn nghênh ngang đứng chắn đường. Từ phía sau tên đầu lĩnh một người gằn giọng quát lên:
- Mau tránh ra, quân chó dữ chặn đường kia, bộ ngươi muốn chết hay sao ?
Y chưa dứt lời, đột nhiên ?A? lên một tiếng thảm khốc, ngã lật người ra sau. Mọi người kinh hãi, chỉ thấy trong bóng đêm, tà áo trắng thấp thoáng, người khách chắn đường không còn thấy đâu nữa.
Bọn buôn muối phái Hải Sa nhìn lại tên đồng bọn ngã dưới đất, chỉ thấy y nằm còng queo, hiển nhiên đã chết rồi. Ai nấy đều vừa sợ vừa tức, có mấy người bỏ quang gánh xuống theo hướng người áo trắng đuổi theo, nhưng y chạy nhanh quá, trời tối còn làm sao kiếm ra được nữa.
Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Gã này ra tay nhanh thực, ngón trảo đó dường như là Đại Lực Kim Cương Trảo của phái Thiếu Lâm. Tuy nhiên trời tối, ta không nhìn rõ. Nghe giọng nói của người này thì có vẻ từ quan ngoại mạn tây bắc đến. Không ngờ phái Hải Sa kết hạ oán cừu xa đến như thế.?
Chàng thu mình sau những tảng đá, không dám cử động, sợ bọn người phái Hải Sa phát giác, sẽ thêm rắc rối. Lại nghe gã đầu lĩnh nói:
- Hãy đem thi thể lão tứ để qua một bên, khi về hãy mang đi, sau này thể nào mình cũng tìm ra y là ai.
Cả bọn đáp lời, lại mang gánh lên, chạy về phía trước.
Du Đại Nham đợi bọn họ đi một quãng xa mới đến xem thi thể, thấy cổ họng có hai cái lỗ nhỏ, máu tươi vẫn còn chảy ra không ngừng, hiển nhiên là bị ngón tay đâm thủng. Chàng biết việc này có nhiều điều khác thường, nên gia tăng cước bộ, cố đuổi theo cho kịp bọn diêm kiêu. Đoàn người lại đi thêm vài dặm nữa, gã đầu lĩnh huýt một tiếng còi, cả hai mươi người đều dàn ra, hướng về phía một tòa nhà lớn ở mạn đông bắc chầm chậm tiến tới. Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Bọn họ nói gì Đồ Long đao, chẳng lẽ ở trong cái nhà này sao??. Chỉ thấy từ cái ống khói của căn nhà đó một cột khói bốc thẳng lên, tụ lại một hồi mới tan. Bọn diêm kiêu bỏ quang gánh xuống, mỗi người cầm một cái gáo, múc cái gì đó trong thúng, rải ra khắp bốn bề. Du Đại Nham nhìn thấy họ rắc một loại phấn trắng như tuyết, rõ ràng là muối biển, nghĩ thầm: ?Họ rắc muối trên đường làm gì thế nhỉ? Thật là kỳ lạ, mai này mình có kể cho sư huynh đệ nghe, chắc họ không tin đâu.?
Du Đại Nham thấy họ rắc muối rất chậm chạp, kỹ lưỡng, hình như sợ muối đó dính vào mình, chàng liền vỡ lẽ, biết rằng muối này có chất kịch độc, đám người đó đem rải chung quanh, hẳn có ý đồ ám hại người trong nhà nên tính trong bụng: ?Mình chẳng biết hai bên bên nào phải bên nào trái, nhưng bọn này hành sự lén lút, không quang minh chút nào. Mình phải bằng mọi giá thông tri cho người trong nhà, để họ khỏi bị bọn tiểu nhân này ám hại.? Chàng thấy phái Hải Sa vẫn còn đang rắc phía trước nhà nên đánh một vòng thật lớn đi ra phía sau, nhẹ nhàng nhảy qua tường vào bên trong.
Căn nhà đó lớn trước sau cả thảy năm khu, có đến ba bốn chục gian phòng, trong nhà lại tối mò không đèn đuốc gì cả. Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Khói đen từ giữa một khu nhà bay lên, nơi đó ắt là có người.? Ngẩng lên nhận định rõ khu vực khói bốc ra, rảo bước đi tới, nghe thấy trong phòng có tiếng lửa cháy bừng bừng, củi kêu tí tách. Chàng đi vòng qua một bức tường ngang, thì vào được vào chính sảnh, bỗng thấy sáng lòa, một làn hơi nóng phả vào mặt. Giữa phòng là một cái lò lớn xây bằng đá, lửa bừng bừng bốc lên cao, chung quanh có ba người đứng, mỗi người kéo một cái bễ, thổi lửa vào lò. Trong lò là một thanh đơn đao đen sì, dài ước chừng bốn thước.
Ba người đó đều mặc áo bào xanh, khoảng sáu chục tuổi, đầu tóc đầy tro, trên áo dài cũng lỗ chỗ đầy vết thủng do tàn lửa bắn vào. Chỉ thấy ba người cùng ra sức thổi bễ, lửa lên cao đến năm thước, bao phủ lấy thanh đao, phát tiếng vù vù. Chỗ Du Đại Nham đứng phải cách cái lò đến mấy trượng nhưng cũng còn thấy nóng đủ biết lửa trong lò lợi hại đến bực nào. Ngọn lửa từ đỏ biến thành xanh, từ xanh thành trắng, nhưng thanh đao đó vẫn nguyên một màu đen, chưa thấy đỏ một tí nào.
Vừa khi đó, trên mái nhà có tiếng người khàn khàn nói:
- Làm hư hại thanh bảo đao, thật là thương thiên hại lý, mau ngừng lại!
Du Đại Nham nghe tiếng, biết ngay là người khách áo trắng gặp trên đường cái đã đến. Ba ông già đang quạt lò nung đao kia dường như không nghe, lại càng kéo bễ nhanh hơn. Lại nghe thấy từ mái nhà ba tiếng cười nhạt ?hắc hắc hắc?, phía trước nghe một tiếng cạch, gã áo trắng đã nhảy vào.
Lúc đó lửa trong lò đang phừng phừng nên Du Đại Nham nhìn rõ. Người áo trắng ước chừng trên dưới bốn mươi, mặt tái mét, ẩn ẩn màu xanh, hai tay không, lạnh lùng nói:
- -???? Trường Bạch Tam Cầm, tưởng các ngươi chiếm đoạt bảo đao đã quá lắm rồi, lại còn dám lớn mật đem lửa nung bảo vật?
Nói xong y tiến lên phía trước.
Ông già phía tây lao tới vươn tay trái ra, chộp vào mặt người áo trắng. Người khách lách đầu sang một bên, tiến lên một bước nữa. Ông già phía đông thấy y tới gần mình, cầm ngay cái búa sắt lớn dựng bên cạnh lò, nghe vù một tiếng, nhắm ngay đầu gã áo trắng nện xuống. Bạch bào khách hơi nghiêng người, búa sắt giáng vào khoảng không, nghe bình một tiếng, lửa bắn tóe ra như sao sa, hóa ra nền nhà không phải là đá xanh mà là đá hoa cương cứng dị thường. Ông già phía tây lại tấn công từ bên hông, hai tay cong cong như chân gà, nhảy lên hụp xuống, thế đánh thật là lợi hại.
Du Đại Nham thấy gã áo trắng ra chiêu võ công hiển nhiên thuộc phái Thiếu Lâm, nhưng xuất thủ rất âm độc tàn nhẫn, khác hẳn lối cương mãnh nhưng chính đại quang minh của danh môn. Đấu được vài hiệp, ông già cầm búa quát lên:
- Các hạ là ai? Muốn chiếm bảo đao này, hãy để tên lại.
Người áo trắng chỉ cười khẩy mấy tiếng, không trả lời. Chỉ thấy y xoay mình một cái, hai tay chộp ra, nghe hai tiếng lách cách, hai cổ tay ông già phía tây đã gãy lìa, cái búa trong tay ông già phía đông cũng tuột ra, văng thẳng lên trời, phá vỡ mái nhà, rơi xuống trở lại, nghe bình một tiếng thật lớn. Lão già đó lập tức cúi mình nhặt một chiếc kìm, đưa ngay vào lò kẹp thanh đơn đao.
Ông già đứng ở phía nam tay cầm ám khí lăm lăm chờ cơ hội đả thương địch thủ, nhưng thấy gã áo trắng nhanh nhẹn dị thường, chưa kịp ra tay, bỗng thấy ông già phía đông dùng kìm kẹp thanh bảo đao, lập tức thò tay vào lò, cầm cán đao trước, lôi luôn ra ngoài. Y vừa cầm vào cán đao, một luồng khói trắng lập tức bốc lên, mọi người ngửi thấy mùi khét lẹt, bàn tay y đã bị cháy phỏng. Thế nhưng y không chịu buông, cả người lẫn đao nhảy vọt về sau, nghe bịch một tiếng, ngã lăn ra đất. Tay trái y vươn ra, đỡ vào sống đao, bấy giờ mới đứng lên được, xem chừng thanh đao đó quá nặng, một tay cầm không nổi, nhưng cũng vì thế bàn tay trái y cũng bị cháy nghe xèo xèo.
Mọi người ai nấy kinh hãi, còn đang ngơ ngẩn, chỉ thấy ông già đó hay tay múa thanh đơn đao, chạy thẳng ra ngoài. Người áo trắng cười nhạt:
- Đâu có dễ dàng như thế?
Cánh tay y vung ra, đã chộp vào giữa lưng ông già. Ông già đó xoay người, thuận tay chém lại một nhát. Lưỡi đao chưa tới, hơi nóng đã phà vào mặt, tóc râu, lông mày người áo trắng đã quăn cả lại. Y không dám đỡ, kình lực trên tay đẩy ra, ném ông già cả người lẫn đao vào trong lò lửa.
Du Đại Nham thấy bọn người đó ai ai cũng hung ác, chuyện không liên quan gì đến mình nên chẳng muốn ra tay. Thế nhưng lúc này mạng ông già chỉ trong đường tơ kẽ tóc, chỉ cần rơi vào lò, thì sẽ thành tro ngay. Chàng thấy cứu người là việc khẩn cấp, lập tức tung mình nhảy lên, vừa xoay người vừa lắc mình một cái, giữa không trung thò tay ra, chụp lấy búi tóc của ông già nọ, nhẹ nhàng khéo léo rơi sang một bên.
Người áo trắng và Trường Bạch Tam Cầm vốn đã thấy chàng đứng ở một bên, từ trước đến giờ không làm gì, đột nhiên thi triển khinh công thượng thừa, cả bọn đều kinh hãi. Bạch bào khách nhướng đôi lông mày, hỏi:
- Thân thủ đó có phải là ?Thê Vân Túng? mà thiên hạ hằng nghe danh chăng?
Du Đại Nham thấy y nói lên được tên của lộ khinh công mình vừa sử dụng, lúc đầu hơi kinh hoảng, nhưng sau trong lòng không khỏi đắc ý: ?Công phu của phái Võ Đương chúng ta quả danh dương thiên hạ, chấn động đến tận nơi xa xôi.? Chàng liền đáp:
- Không dám, xin thỉnh giáo quí tính đại danh của tôn giá? Chút công phu nhỏ nhặt của tại hạ có gì đáng nói đâu.
Gã áo trắng nói:
- Hay lắm, hay lắm. Khinh công của phái Võ Đương quả nhiên cũng có đôi phần đáng kể.
Khẩu khí của y nghe thật ngạo mạn. Du Đại Nham trong lòng tức giận, nhưng không nổi nóng, nói:
- Trên đường đi, tôn giá vừa giơ tay là đã giết ngay một cao thủ của phái Hải Sa, công phu thần xuất quỉ một như thế, khiến cho không ai biết đâu mà đo lường.
Người đó hơi giật mình, nghĩ thầm:
- Việc đó quả nhiên ngươi đã trông thấy, vậy mà ta lại không thấy ngươi. Không biết khi đó gã tiểu tử này ẩn náu ở chỗ nào?
Y liền lạnh lùng đáp:
- Không sai. Môn võ công đó của ta, người ngoài không dễ gì lãnh hội. Không nói các hạ mà cả đến ông già họ Trương chưởng môn của phái Võ Đương, cũng chưa chắc đã hiểu nổi.
Du Đại Nham nghe gã áo trắng làm nhục cả đến ân sư làm sao nhịn nổi. Tuy nhiên, đệ tử phái Võ Đương trước nay vẫn coi trọng việc tu tâm dưỡng tính, chàng nghĩ thầm: ?Y cố ý khiêu khích, không biết bên trong còn có ý định gì? Người này công phu quái dị, không nên vì một vài câu nói mà bản môn phải có thêm một cường địch.? Bèn mỉm cười:
- Võ công trong thiên hạ vô cùng vô tận, chính phái tà đạo, hàng nghìn hàng vạn, sở học của phái Võ Đương chỉ là một hạt nước trong biển cả. Công phu của tôn giá, giống Thiếu Lâm mà không phải Thiếu Lâm, e rằng bản sư cũng không biết được.
Câu đó nghe có vẻ khách khí, nhưng bên trong hàm nghĩa là phái Võ Đương không thèm biết đến võ công của bọn bàng môn tả đạo. Người đó nghe thấy câu ?giống Thiếu Lâm mà không phải Thiếu Lâm? lập tức biến sắc.
Trong khi hai người ngôn ngữ châm chọc đối lại với nhau thì thanh đao nóng hừng hực ấy đã cháy hết thịt da, ăn vào tới xương ông già ở phía nam rồi. Hai ông già ở phía đông và phía tây vẫn khom mình thủ thế, đang tìm cơ hội đoạt lại thanh đao. Đột nhiên nghe một tiếng vù, ông già phương nam lại huy động đơn đao chạy ra ngoài lần nữa. Y múa đao, tuy không chủ ý chém ai nhưng Du Đại Nham đang đứng chắn lối, nên đao đó chém chàng trước hết. Du Đại Nham không ngờ mình vừa mới cứu ông ta thoát chết, nay y lại ra tay ngay với mình, vội vàng nhảy lên tránh khỏi đường đao.
Ông già đó hai tay cầm thanh đao như điên như cuồng chém lung tung, vượt được ra ngoài. Gã áo trắng và hai người kia đều sợ đao thế hung hiểm không ai dám cản, chỉ luôn mồm kêu gào, đuổi theo sau. Ông già cầm đao loạng choạng chạy ra khỏi cửa, bỗng thấy chân vấp một cái ngã nhào về trước, chỉ nghe một tiếng kêu thảm thiết, hình như đột nhiên bị trọng thương.
Gã áo trắng và hai ông già kia lập tức nhảy tới, cùng giơ tay cướp thanh đơn đao, nhưng cả ba cùng kêu lên một lượt, tưởng như dưới đất có rắn độc, quái trùng gì cắn phải. Gã áo trắng chỉ loạng choạng rồi gượng lại được, chạy thẳng ra ngoài, còn ba ông già thì lăn lộn dưới đất, không sao đứng lên nổi.
Du Đại Nham nhìn thấy thảm trạng đó, toan nhảy ra cứu người, bỗng giật mình, nhớ đến việc phái Hải Sa rắc muối độc bên ngoài tòa nhà, biết là chung quanh đều là độc diêm, mình không còn cách gì chạy ra được. Chàng nhìn quanh bốn bề, thấy bên trong cánh cửa có dựng mấy chiếc ghế dài, vội thò tay dựng hai chiếc, nhảy lên mỗi chân một bên dùng như cà khêu đi ra cửa. Thấy ba ông già kêu la thảm thiết, không ngừng lăn qua lộn lại, Du Đại Nham dùng một miếng giẻ lót tay, chộp vào hậu tâm ông già cầm đao, lênh khênh chạy ra hướng đông.
Việc xảy ra ngoài ý của bọn người phái Hải Sa, tuy trông thấy nhưng không ngăn kịp, vội tứ tán đuổi theo, kêu la om sòm, cương tiêu tụ tiễn, cùng khoảng một chục món binh khí khác đều nhắm sau lưng Du Đại Nham ném tới.
Du Đại Nham sử kình vào hai chân, đẩy mạnh vào hai chiếc ghế, vọt ra xa hơn một trượng, ám khí đều rơi vào khoảng không. Hai chân chàng móc vào hai chiếc ghế thành thử dài thêm mấy thước nên chỉ chạy bốn năm bước là đã bỏ bọn người phái Hải Sa một quãng xa. Nghe thấy tiếng người rầm rập đuổi theo, Du Đại Nham một mặt nhắc ông già kia nhảy lên, đồng thời đá mạnh hai chiếc ghế vọt về phía sau. Chỉ nghe hai tiếng bình bình, lại có ba bốn người kêu la, hiển nhiên đã bị ghế văng trúng. Vì trở ngại này, Du Đại Nham chạy thêm được mươi trượng nữa, trong tay tuy cầm thêm một người, nhưng càng lúc càng xa, phái Hải Sa không sao đuổi kịp.
Du Đại Nham chạy một hồi nghe thấy tiếng sóng ỳ ào, đằng sau không còn ai đuổi theo, mới hỏi:
- Ông thấy sao?
Ông già đó chỉ hừ một tiếng nhưng không trả lời, rồi lại rên rỉ. Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Người y dính đầy muối độc, phải rửa sạch y trước đã.? Chàng chạy xuống bãi biển, kiếm một chỗ nước nông nhúng y xuống một chập, đang toan nhắc lên, bỗng đâu một làn sóng lớn xô tới đẩy ông già lên trên mặt cát.
Du Đại Nham nói:
- Hiện giờ ông đã thoát hiểm, tại hạ có việc cần, không thể giúp ông hơn được nữa, thôi mình từ biệt nhau ở đây.
Ông già đó nhỏm dậy, lắp bắp:
- Ngươi ? ngươi ? không cướp thanh bảo đao ư?
Du Đại Nham cười:
- Bảo đao có quí, nhưng không phải của tôi, tôi lấy làm gì?
Ông già đó trong lòng thấy kỳ quái, không tin, nói:
- Ngươi quả thực trong bụng có ngụy kế gì, định lừa ta?
Du Đại Nham nói:
- Tôi với ông không thù không oán, lừa ông làm gì? Đêm nay tôi vô tình qua đây, thấy ông trúng độc bị thương nên ra tay cứu thôi.
Ông già nọ lắc đầu, hằn học nói:
- Tính mệnh ta ở trong tay ngươi, muốn giết thì cứ việc giết. Còn như muốn dùng độc thủ để gia hại ta, dù ta có chết cũng thành quỉ sứ không tha ngươi đâu.
Du Đại Nham biết rằng y bị thương rồi, thần trí không còn tỉnh táo, nên không thèm chấp, chỉ mỉm cười, đang toan bước đi, một làn sóng lớn nữa lại từ biển xô tới. Ông già đó lại rên rỉ, chỉ nằm mọp trong nước biển mà run rẩy. Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Cứu người thì cứu cho tới cùng, ông già này trúng độc không phải là nhẹ, nếu mình bỏ y ở đây, y thể nào cũng chết chìm dưới nước.? Chàng đưa tay nhắc ông già lên một cái gò nhỏ, nhìn quanh bốn bề, thấy phía đông bắc có một mỏm đá, trên đó có một căn nhà, hình dáng dường như một cái miếu, nên xách ông ta chạy đến đó. Chàng nhìn lên biển ngạch, thấy thấp thoáng ba chữ ?Hải Thần Miếu?, nên đẩy cửa bước vào, thấy cái miếu này thật là sơ sài, nền đầy bụi đất, bên trong chẳng có gì cả.
Chàng để ông già lên trên tấm gỗ đằng trước thần tượng, lần trong bọc thấy đồ đánh lửa đã bị nước biển làm ướt, mò quanh bàn thờ, tìm thấy bùi nhùi và đá lửa và một cây nến thắp dở. Đốt nến lên, chàng nhìn lại ông già thấy y mặt mày tím ngắt, hiển nhiên trúng độc rất nặng, vội lấy trong bọc ra một viên ?Thiên Tâm Giải Độc Đơn? nói:
- Ông uống viên thuốc giải độc này đi.
Ông già đó hai mắt đang nhắm nghiền, thấy chàng nói thế, mở choàng ra nhìn trừng trừng nói:
- Ta không uống thuốc độc hại người của ngươi đâu.
Du Đại Nham tâm tính thật tốt nhịn, nhưng cũng không chịu nổi, nhướng lông mày nói:
- Ngươi coi ta là hạng người gì? Môn hạ phái Võ Đương không lẽ đi hại người sao? Đây là một viên thuốc giải độc, chỉ vì ngươi trúng độc rất nặng, viên thuốc này chưa chắc đã giải cứu được đâu, nhưng ít nhất cũng giúp ngươi sống thêm được ba ngày. Ngươi mau mau đem thanh đao này giao lại cho phái Hải Sa, đổi lấy thuốc giải độc của họ.
Ông già đó bỗng đứng lên, gay gắt nói:
- Cái gì chứ lấy đao Đồ Long của ta thì không thể được.
Du Đại Nham nói:
- Tính mệnh của ngươi chẳng còn, có bảo đao cũng để làm gì?
Ông già đó quyết liệt nói:
- Ta thà chết thì thôi, chứ thanh đao Đồ Long này là của ta.
Nói rồi y ôm thanh đao lên, áp má vào sống đao, trông hết sức yêu quí, tay kia cầm viên thuốc ?Thiên Tâm Giải Độc? nuốt vào bụng. Du Đại Nham thấy hiếu kỳ, toan hỏi vài câu xem thử thanh đao này có cái gì quí giá, nhưng nhìn lại hai mắt lão già thấy đầy nét tham tàn hung ác, trông như con thú muốn vồ người ăn thịt, bỗng thấy chán ghét cùng cực, xoay mình toan đi ra. Bỗng nghe ông già hậm hực nói:
- Đứng lại, ngươi định đi đâu thế?
Du Đại Nham cười:
- Ta đi đâu việc gì đến ngươi?
Nói rồi chàng cất bước đi ra. Đi được vài bước nghe thấy ông già nọ khóc òa lên, Du Đại Nham quay đầu lại, hỏi:
- Ngươi khóc gì thế?
Ông già nói:
- Ta trăm cay nghìn đắng mới lấy được thanh đao Đồ Long này, nhưng chỉ trong khoảnh khắc tính mệnh cũng không còn, có bảo đao để làm gì?
Du Đại Nham hừ một tiếng:
- Trừ việc ngươi đem đao đổi lấy thuốc giải độc của phái Hải Sa ra không còn cách nào khác nữa.
Ông già vẫn khóc òa:
- Nhưng bảo ta bỏ nó thì không được, ta không bỏ nó được.
Thần thái của y trong cái sợ hãi có thêm ba phần hoạt kê. Du Đại Nham muốn cười nhưng không cười nổi, một lát sau mới nói:
- Người học võ toàn do công phu bản thân để khắc địch chế thắng, trượng nghĩa hành đạo, để lại tiếng thơm cho đời sau. Bảo đao bảo kiếm chỉ là bên ngoài, được cũng chẳng đáng vui, mà mất cũng chẳng đáng buồn, lão trượng việc gì phải lo lắng đến thế?
Ông già đó giận dữ nói:
- Võ lâm chí tôn, bảo đao Đồ Long, hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tòng![1] Câu nói đó ngươi đã nghe tới bao giờ chưa?
Du Đại Nham không nhịn được cười, hỏi lại:
- Câu đó lẽ dĩ nhiên tôi đã nghe nói tới, sau đó còn hai câu nữa, gì gì ?Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh phong?[2]? phải không? Đó là nói về chuyện một đại sự kinh thiên động địa trong võ lâm mấy mươi năm trước, chứ đâu phải nói về bảo đao nào đâu.
Ông già đó lại hỏi:
- Thế đại sự kinh thiên động địa đó là cái gì?
Du Đại Nham nói:
- Đó là chuyện năm xưa Thần Điêu đại hiệp Dương Quá giết được hoàng đế Mông Cổ Mông Kha, làm hả cơn giận cho người Hán chúng ta. Từ đó, Dương đại hiệp ra lệnh gì, anh hùng trong thiên hạ ?không thể không theo?. ?Long? đây chỉ hoàng đế Mông Cổ, ?Đồ Long? có nghĩa là giết hoàng đế Mông Cổ, chứ trên đời này làm gì có con rồng thật đâu?
Ông già cười khẩy:
- Ta hỏi ngươi, năm xưa Dương Quá đại hiệp dùng binh khí gì thế nhỉ?
Du Đại Nham sững người, nói:
- Tôi nghe sư phụ nói rằng, Dương đại hiệp cụt một cánh tay, bình thời không dùng binh khí nào cả.
Ông già hỏi lại:
- Thế ư! Vậy Dương đại hiệp giết hoàng đế Mông Cổ bằng cách nào?
Du Đại Nham nói:
- Ông ấy dùng đá ném chết Mông Kha, thiên hạ ai ai chẳng biết chuyện ấy.
Ông già thật là đắc ý, nói:
- Dương đại hiệp bình thời không dùng kinh khí, giết hoàng đế Mông Cổ thì dùng đá ném, vậy bốn chữ ?bảo đao Đồ Long? kia ở đâu ra?
Câu hỏi đó khiến cho Du Đại Nham không sao trả lời được, một hồi sau mới nói:
- Cái đó chắc là trong võ lâm thuận mồm mà nói cho xuôi, chứ chẳng lẽ nói ?thạch đầu Đồ Long? ư, nghe chối tai làm sao?
Ông già lại cười nhạt:
- Cưỡng từ đoạt lý, nói lấy được thôi. Ta hỏi ngươi thêm, thế còn ?Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh phong? hai câu đó giải nghĩa thế nào cho phải?
Du Đại Nham trầm ngâm một hồi, nói:
- Tôi không biết. Ỷ Thiên có lẽ là một người nào đó chăng? Nghe nói Dương đại hiệp học võ công từ bà vợ ông ấy, chắc Ỷ Thiên là tên của phu nhân, hay cũng có thể là chỉ Quách Tĩnh đại hiệp tử thủ thành Tương Dương.
Ông già nói:
- Thế à. Ta xem chừng ngươi không biết gì cả, chỉ nói nhăng nói cuội thôi. Để ta cho ngươi hay, Đồ Long là tên thanh đao, chính là thanh đao này. Ỷ Thiên là tên một thanh kiếm, gọi là Ỷ Thiên kiếm. Sáu câu đó ý nghĩa như sau: ?Trong võ lâm vật cao quí hơn cả là thanh đao Đồ Long, ai có được thanh đao đó, không kể ra bất cứ lệnh lạc gì, anh hùng hảo hán trong thiên hạ đều phải nghe theo mà hành động cả. Nếu như thanh kiếm Ỷ Thiên không xuất hiện, Đồ Long đao là khí giới sắc bén hơn hết.?
Du Đại Nham nửa tin nửa ngờ, nói:
- Ông đưa thanh đao tôi xem, có cái gì thần kỳ?
Ông già đó ôm chặt thanh đơn đao, cười khẩy:
- Bộ ngươi tưởng ta là đứa trẻ lên ba ư? Định lừa ta để lấy đao hả?
Y sau khi trúng độc vốn dĩ thần suy lực kiệt, chỉ nhờ uống viên thuốc giải độc Du Đại Nham đưa cho, nên mới phấn chấn được một chút, lúc này lại cố gượng sức nên lại rên rỉ luôn mồm. Du Đại Nham cười:
- Không cho tôi xem thì thôi. Ông có bảo đao Đồ Long trong tay, nhưng có ra lệnh cho ai được đâu? Chẳng lẽ tôi thấy ông ôm thanh đao đó là tôi phải nghe lệnh ông sao? Nghe thật là tức cười, ông đang mạnh khỏe bình thường, nghe những lời nói vu vơ ở đâu, bây giờ sắp chết đến nơi, vậy mà còn mê man không tỉnh ngộ. Nếu ông không ra lệnh cho tôi được, đủ biết thanh đao này chẳng có chỗ nào gọi là kỳ lạ.
Ông già đó ngẩn ngơ một hồi, không nói nên lời, một lúc lâu sau mới nói:
- Này lão đệ, hai người mình đính ước với nhau, ngươi cứu mạng ta, ta sẽ đem những gì lợi lộc thu được từ thanh đao này chia cho ngươi một nửa.
Du Đại Nham ngửng đầu cười lớn, nói:
- Lão trượng, ông xem thường phái Võ Đương chúng tôi quá. Cứu khổn phò nguy, đó là bổn phận của chúng tôi, chứ đâu phải mong chuyện báo đáp? Trên người ông nhiễm đầy muối độc, tôi cũng không biết độc dược đó là loại gì, ông nên đi kiếm phái Hải Sa mà cầu cứu.
Ông già nói:
- Thanh đao này chính là chúng tôi ăn cắp của phái Hải Sa, họ hận tới xương tủy, đâu có chịu cứu tôi?
Du Đại Nham nói:
- Thì ông cứ giao hoàn lại thanh đao, oán cừu tự nhiên sẽ cởi, bọn họ còn giết ông làm gì?
Ông già nói:
- Ta xem ngươi võ công cao siêu lắm, hãy đến phái Hải Sa lấy trộm thuốc giải ra đây cứu ta.
Du Đại Nham nói:
- Một là tôi đang có việc gấp, không thể trì hoãn, hai là chính ông đi ăn trộm của người ta, làm điều trái trước, lẽ nào tôi lại điên đảo thị phi? Lão trượng, ông mau mau đi kiếm phái Hải Sa đi, đừng chậm trễ nữa, độc tính phát ra, không cứu kịp đâu.
Ông già đó thấy chàng lại dợm bước toan bỏ đi, vội nói:
- Khoan đã, để ta hỏi ngươi thêm một câu, khi ngươi xách ta lên, thấy có cái gì khác thường không?
Du Đại Nham nói:
- Tôi thấy có điều kỳ quái, thân thể ông gầy yếu ốm o, nhưng phải nặng đến hai trăm cân, không biết vì duyên cớ gì, lại cũng không thấy ông mang gì nặng trên người cả.
Ông già đó bỏ thanh đao xuống đất, nói:
- Bây giờ ngươi thử nhắc ta lên xem nào?
Du Đại Nham nắm vai ông ta nhắc lên, thấy tay nhẹ bỗng, chỉ độ chừng tám mươi cân là cùng, chợt hiểu ra: ?Hóa ra cái thanh đơn đao nhỏ bé này, lại nặng tới hơn một trăm cân, quả thực là cổ quái, không như những võ khí thường.?
Chàng đặt ông già xuống, nói:
- Thanh đao này quả thực là nặng.
Ông già lại ôm chặt thanh đao vào người, nói:
- Không phải chỉ nặng mà thôi đâu. Này lão đệ, ngươi họ Du hay họ Trương?
Du Đại Nham đáp:
- Tôi họ Du, thảo tự là Đại Nham, sao lão trượng lại biết?
Ông già đáp:
- Trương chân nhân của phái Võ Đương thu bảy người đệ tử, trong Võ Đương thất hiệp thì Tống đại hiệp phải khoảng bốn mươi, Ân, Mạc hai vị chưa đến hai mươi, còn lưỡng hiệp thứ hai, thứ ba họ Du, lưỡng hiệp thứ tư, thứ năm họ Trương, trong võ lâm ai ai cũng biết cả. Hóa ra là Du tam hiệp, thảo nào công phu cao siêu đến thế. Võ Đương thất hiệp uy chấn thiên hạ, hôm nay được gặp, quả thực danh bất hư truyền.
Du Đại Nham tuy tuổi tác chưa lớn, nhưng lịch duyệt giang hồ đã nhiều, thấy y giở trò nịnh nọt, biết rằng chỉ vì muốn cầu mình giúp đỡ, trong lòng càng thêm chán ghét, hỏi lại:
- Lão trượng tôn tính đại danh là gì?
Ông già đáp:
- Tiểu lão nhi họ Đức, tên một chữ Thành. Bạn bè ở Liêu Đông tặng cho tôi một cái ngoại hiệu, gọi là Hải Đông Thanh.
Hải đông thanh là tên của một giống chim ưng lớn ngoài Liêu Đông, hung ác lắm, chuyên bắt các con thú nhỏ để ăn, là một mãnh cầm trứ danh ở quan ngoại. Du Đại Nham chắp tay:
- Ngưỡng mộ đã lâu, ngưỡng mộ đã lâu.
Nói rồi ngửng đầu nhìn trời xem xét. Đức Thành biết chàng muốn đi, không đem đại lợi ra nhử sẽ không nhờ cứu mệnh mình được, nên nói:
- - Ngươi không biết nghĩa sâu xa của câu "hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tòng". Tám chữ đó không phải chỉ là ai cầm thanh Đồ Long đao này mở miệng ra lệnh thì mọi người phải nghe theo. Không phải vậy, không phải vậy, nghĩ thế là hoàn toàn sai.
Y vừa nói tới đây, Du Đại Nham mặt hơi biến sắc, tay phải vẫy một cái, nghe một tiếng phụp nhỏ, ngọn nến trên bàn thần tượng tắt ngay, hạ giọng nói nhỏ:
- Có người đến đấy.
Đức Thành nội công so với chàng kém nhiều, nên không nghe thấy tiếng động nào, còn đang trù trừ, bỗng thấy từ xa có mấy tiếng còi, lại có người nói lao xao, chạy về phía miếu. Đức Thành hoảng sợ nói:
- Địch nhân đuổi tới rồi, mình mau mau theo lối sau chạy đi.
Du Đại Nham nói:
- Đằng sau cũng có người rồi.
Đức Thành nói:
- Chẳng biết ?
Du Đại Nham nói:
- Đức lão trượng, bọn người đến đây là phái Hải Sa, ông nên hỏi họ thuốc giải độc. Tại hạ không muốn dây dưa vào chuyện này làm gì.
Đức Thành vươn tay trái ra chụp lấy cổ tay chàng, run run nói:
- Du tam hiệp, ông đừng bỏ tôi, đừng ?
Du Đại Nham thấy năm ngón tay y lạnh như băng, bấu chặt vào da thịt mình, nên xoay cổ tay một cái, dùng nửa chiêu ?Cửu Chuyển Đơn Thành?, vòng nửa vòng, đã thoát ra khỏi tay y.
Bấy giờ nghe tiếng chân người rầm rập, chạy đã đến bên ngoài miếu. Nghe bình một tiếng, có người đã đá toang cửa miếu, kế đó nghe tiếng loạt soạt, trong đêm tối có vật gì nho nhỏ ném vào. Du Đại Nham rụt người, nhảy vào sau tượng hải thần bồ tát. Chỉ nghe Đức Thành ?A? lên một tiếng nho nhỏ, lại nghe loạt soạt, ám khí đã trúng người y, rồi rơi xuống đất.
Ám khí đó hết lượt này đến lượt khác, liên tiếp ném vào không ngớt. Du Đại Nham nghĩ thầm:
- Đây là muối độc của phái Hải Sa.
Lại nghe thấy tiếng lách cách trên nóc nhà, đã có người nhảy lên gỡ ngói ra, lại ném độc diêm từ trên xuống.
Du Đại Nham đã thấy người áo trắng cùng Trường Bạch Tam Cầm bị trúng muối độc, người áo trắng tuy võ công cao cường như thế, nhưng vừa trúng độc đã phải kêu la thảm thiết bỏ chạy ngay, đủ biết loại này lợi hại như thế nào. Trong cái miếu nhỏ, độc diêm bay tứ tán, biết rằng chỉ trong giây lát, không thể nào không trúng mình, trong tình hình nguy cấp, chàng liền đấm mấy cái vỡ lưng pho tượng, co mình chui vào nằm bên trong bụng, lập tức thành một cái áo dày bằng đất, muối độc tuy nhiều, nhưng không sao trúng chàng được.
Chỉ nghe bên ngoài người của phái Hải Sa bắt đầu bàn bạc với nhau:
- Tên đó không nghe tiếng gì, chắc mê man rồi.
- Tên trẻ tuổi kia tay chân đáng ngại lắm, chi bằng chờ thêm một chốc, việc gì phải gấp gáp?
- Sợ rằng gã đã đi mất đâu rồi không còn trong hải thần miếu nữa.
Chỉ nghe một người kêu lên:
- Này, tên chó chết kia, mau mau ra đầu hàng đi.
Trong khi đang hỗn loạn, bỗng nghe từ xa có tiếng vó ngựa, chừng mươi con khoái mã ở đâu chạy tới. Trong tiếng chân ngựa, bỗng nghe có người lớn tiếng nói:
- Nhật nguyệt quang chiếu, ưng vương triển sí.[3]
Người phái Hải Sa ở bên ngoài miếu lập tức im lặng không một tiếng động, một lát sau, có tiếng run run:
- Đây là Thiên ?. Thiên Ưng giáo, bọn mình chạy mau ?
Nói chưa dứt lời, vó ngựa đã ngừng ngay trước miếu. Phái Hải Sa có người rụt rè:
- Chạy không kịp đâu.
Nghe thấy tiếng chân rầm rập, mấy người đã chạy vào trong miếu. Du Đại Nham ẩn bên trong bụng pho tượng, thấy hình như có ánh sáng, đoán chừng người đi vào mang theo đèn lồng. Một lát sau, có người hỏi:
- Các ngươi có biết bọn ta là ai không?
Trong phái Hải Sa có mấy người cùng đáp:
- Biết, biết, các vị là bằng hữu trong Thiên Ưng giáo.
Người kia lại nói:
- Vị này là Thiên Thị Đường Lý đường chủ trong Thiên Ưng giáo. Lão nhân gia lâu nay không ra ngoài, hôm nay các ngươi vận số may mắn lắm, mới gặp được. Lý đường chủ hỏi các ngươi, Đồ Long đao ở đâu, mau mau đưa ra, Lý đường chủ mở lòng từ bi, bọn ngươi sẽ không mất mạng.
Nghe thấy một người trong phái Hải Sa đáp:
- Chính y ? y ăn trộm đem ra đây, chúng tôi đuổi vừa tới, Lý ? đường chủ ?
Người của Thiên Ưng giáo lại nói:
- Hừm, thanh đao Đồ Long đâu?
Câu hỏi đó hiển nhiên là hỏi Đức Thành. Đức Thành không trả lời, bỗng nghe một tiếng huỵch, có người ngã xuống đất. Mấy người khác kêu lên:
- -???? Ối chà.
Người Thiên Ưng giáo nói:
- Y chết rồi, mau tra xét trong người y xem.
Lại nghe có tiếng áo quần loạt soạt, tiếng thân người lật qua lại. Người của Thiên Ưng giáo nói:
- Bẩm báo đường chủ, trong thân gã này không có gì lạ.
Tên đầu lĩnh của phái Hải Sa run run nói:
- Lý đường ... đường chủ, rõ ràng là gã này ăn trộm bảo đao ... chính y ..., chúng tôi quyết không dám dấu diếm ...
Nghe giọng của y, hiển nhiên y bị nhãn quang của Lý đường chủ uy hiếp, sợ quá nên không còn hồn vía nào. Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Thanh đao đó rõ ràng Đức Thành ôm ở trong tay, sao lại không thấy nhỉ??
Chỉ thấy gã trong Thiên Ưng giáo nói tiếp:
- Các ngươi nói là y ăn trộm thanh đao đem ra đây, sao không thấy đâu cả? Chắc là chúng bay đã lén dấu đi rồi. Nếu đã thế, người nào nói thật ra, Lý đường chủ sẽ tha cho người đó. Trong cả bọn các ngươi, chỉ một người được sống thôi, ai nói trước, người đó khỏi chết.
Trong miếu lặng yên, một hồi sau, tên đầu lĩnh phái Hải Sa mới nói:
- Lý đường chủ, quả thật chúng tôi không biết, nếu như Thiên Ưng giáo đã đòi, chúng tôi đâu dám giữ ?
Lý đường chủ chỉ ?hừ? một tiếng, không trả lời. Gã hạ thuộc lại nói:
- Ai trả lời trước, người đó được sống.
Lại thêm một lát nữa, trong phái Hải Sa không ai nói gì. Bỗng nhiên một người kêu lên:
- Chúng tôi tới trước để đoạt đao, nhưng còn đứng bên ngoài chưa vào, các ông đã đến rồi. Chính các ông Thiên Ưng giáo vào trong miếu trước, làm sao chúng tôi có đao được? Nếu các ông không tin, đằng nào cũng chết, hôm nay quyết thí mạng. Vật đó có phải của Thiên Ưng giáo đâu, sao lại ép uổng bá đạo, xem ra ?
Nói chưa dứt lời, nghe một tiếng bịch, hình như y đã chết rồi. Lại nghe một người run rẩy đáp:
- Có một tên chừng ba mươi tuổi, cứu lão già này ra, người đó khinh công rất cao, bây giờ không biết đi đâu, bảo đao có lẽ y cướp đi rồi.
Lý đường chủ nói:
- Xét trên người bọn chúng xem sao.
Mấy người cùng lên tiếng đáp, chỉ nghe thấy trong điện có tiếng sột soạt, có lẽ là tiếng động do bọn Thiên Ưng giáo đang xét người phái Hải Sa. Lý đường chủ nói:
- Có lẽ gã đó lấy mất thật rồi. Thôi mình đi.
Lại nghe thấy tiếng bước chân bọn người Thiên Ưng giáo ra khỏi miếu, rồi nghe tiếng vó ngựa đi về phía đông bắc mỗi lúc một xa hơn. Du Đại Nham không muốn ẩn thân trong bụng thần tượng chật hẹp này lâu hơn nữa, chỉ chờ phái Hải Sa đi khỏi là chui ra. Thế nhưng một lúc lâu sau vẫn không nghe động tĩnh gì, tưởng chừng cả bọn phái Hải Sa bỗng dưng biến mất. Chàng từ sau thần tượng thò đầu ra thăm dò, thấy hơn hai chục tên diêm kiêu đứng sừng sững không động đậy, có lẽ đã bị người ta điểm trúng huyệt đạo.
Chàng từ trong bụng tượng đất nhảy ra, lúc ấy những ngọn đuốc dưới đất cũng còn cháy lập lòe nên bên trong miếu vẫn còn sáng, nhưng Du Đại Nham thấy những người của phái Hải Sa mặt mày thật dễ sợ, nghĩ thầm:
- Thiên Ưng giáo này không biết là giáo phái nào, sao mình chưa từng nghe đến? Bọn phái Hải Sa vốn dĩ cũng đâu phải hiền lành gì, sao vừa gặp người của Thiên Ưng giáo đã bị trói chân trói tay, quả thực đúng là vỏ quít dày gặp móng tay nhọn.
Chàng thò tay vỗ vào huyệt Hoa Cái của người đứng kế bên để giải huyệt cho y.
Nào ngờ chàng dùng lực khá mạnh nhưng người đó vẫn đứng trơ trơ, vội đưa tay thăm mũi y thì không còn thở nữa, hóa ra đã bị điểm vào tử huyệt. Chàng đi soát quanh một vòng, hơn hai chục người của phái Hải Sa đều chết đứng, chỉ còn một người nằm còng queo dưới đất, thở hổn hển, là người nói sau cùng, đã được tha cho khỏi chết. Du Đại Nham vừa kinh hoàng, vừa nghi ngại: ?Khi Thiên Ưng giáo hạ độc, không thấy tiếng động gì cả, thủ pháp đó quả thực quái dị âm độc.?
Chàng đỡ gã diêm kiêu chưa chết kia lên, hỏi:
- Thiên Ưng giáo là giáo phái nào thế? Giáo chủ của họ là ai?
Hỏi luôn mấy câu, người đó chỉ trợn trắng mắt ra, thần sắc đờ đẫn. Du Đại Nham vội cầm tay y, chỉ thấy mạch chạy tán loạn, biết rằng tính mệnh tuy không chết, nhưng đã bị người ta dùng trọng thủ đánh đứt một số kinh mạch, thành người ngớ ngẩn.
Lúc này chàng không còn sợ mà trở nên giận dữ, nghĩ thầm: ?Bọn Thiên Ưng giáo này sao hạ độc quá ư tàn nhẫn?? Nhưng nghĩ đối phương võ công cực cao, mình chỉ có một thân, không thể nào địch lại, chi bằng trước là về lại núi Võ Đương bẩm lại sư phụ xin ý kiến, xét cho rõ lai lịch của bọn Thiên Ưng giáo rồi sẽ tính sau.
Du Đại Nham thấy mặt đất đầy những muối độc trắng xóa như tuyết, nghĩ thầm: ?Sớm muộn gì cũng có dân chúng vào đây, vô tình không biết thể nào cũng bị tai ương. Dọn dẹp muối độc và chôn cất những xác chết này quả thực khó khăn, chi bằng đốt luôn cái miếu hải thần này cho khỏi hậu họa.? Nghĩ thế chàng kéo người bị chấn động kinh mạch ra ngoài, rồi quay trở vào thấy hơn hai mươi người chết đứng đầy trong điện, hình dáng thật là kỳ bí, lại thấy bên cạnh bàn thờ có một người phủ phục, trên lưng có vết máu chảy. Du Đại Nham hơi kỳ quái, nắm cổ áo người đó định kéo ra xem, thấy khác thường đến nỗi đẩy chàng ngã về phía trước. Chàng tự hỏi sao thân hình y cũng chỉ bình bình, không to béo gì, sao lại nặng nề như thế?
Nhìn kỹ hơn, thấy trên lưng y có một vết thương dài, Du Đại Nham đưa tay vào vết thương xem thử, thấy lạnh như băng, lôi ra một thanh đao, nặng ít nhất cũng phải hơn một trăm cân. Đó chính là đao Đồ Long mà bao nhiêu người tranh đoạt đến mất mạng. Chàng chỉ suy nghĩ một tí biết ngay nguyên do: Đức Thành khi sắp chết đã cả đao lẫn người ngã xuống, chém ngay vào lưng một tên diêm kiêu phái Hải Sa. Thanh đao đó vừa nặng vừa sắc bén, chỉ rơi xuống đã đâm lút vào trong cơ thể. Thiên Ưng giáo khi tra xét người bọn phái Hải Sa đã không tìm thấy.
Du Đại Nham chống đao đứng nhìn bốn bề, cảm thấy bâng khuâng, nghĩ thầm: ?Con đao này có thực sự là võ lâm chí bảo hay không, khó mà biết được, nhưng xem ra là một vật chẳng lành, Hải Đông Thanh Đức Thành cùng bao nhiêu người của phái Hải Sa cũng vì nó mà táng mạng. Trước mắt chỉ còn cách đem về trình cho sư phụ để xem lão nhân gia định đoạt thế nào.?
Nghĩ thế chàng nhặt một mồi lửa dưới đất châm lên mái nhà, đợi đến lúc lửa đã bén lên mới ra khỏi miếu. Chàng lau sạch thanh Đồ Long đao, bên ánh lửa xem lại cho kỹ. Thanh đao đó đen sì, chẳng phải sắt cũng không phải vàng, không biết bằng kim loại gì, trước đã bị Trường Bạch Tam Cầm nung như thế nhưng không hề suy suyển, quả là dị vật. Du Đại Nham lại nghĩ: ?Thanh đao này nặng nề như thế khi đối địch làm sao có thể thi triển chiêu thức? Quan vương gia[4] thần lực hơn người, nhưng Thanh Long yển nguyệt đao cũng chỉ nặng tám mươi mốt cân.?
Chàng gói đao vào bọc, hướng về phía thi thể Đức Thành khấn thầm:
- Đức lão trượng, tôi không phải là tham thanh đao này, nhưng đao này là một dị vật trong thiên hạ, nếu rơi vào tay kẻ ác, có khác gì hùm thêm cánh, ắt là di họa cho người đời. Sư phụ tôi vốn là người chí công, lão nhân gia ắt sẽ có cách xử trí cho tốt đẹp.
Chàng buộc bao lên lưng, rảo bước về hướng bắc, chỉ trong nửa tiếng đã đến bờ sông. Dưới ánh trăng mờ, mặt nước long lanh, lấp loáng tưởng như sao rụng đầy sông. Chàng nhìn quanh một vòng không thấy một bóng thuyền nào. Nước sông xuôi về hướng nam, chàng đi theo dòng độ chừng một bữa cơm, thấy trước mặt có ánh đèn lấp lánh, một chiếc thuyền chài đậu cách bờ chừng vài trượng đang giăng câu. Du Đại Nham kêu lớn:
- Anh đánh cá ơi, làm ơn giúp tôi qua sông, tôi xin hậu tạ.
Thế nhưng chiếc thuyền đó cách bờ quá xa, người trên thuyền dường như không nghe thấy, nên không động tĩnh gì. Du Đại Nham hít một hơi, vận sức kêu lên, tiếng chàng vang ra thật xa.
Một lúc sau, bỗng thấy từ trên thượng lưu một chiếc thuyền nhỏ xuôi dòng, ghé vào bờ. Người lái đò kêu lên:
- Khách quan muốn qua sông phải không?
Du Đại Nham mừng đáp:
- Chính thế, phiền anh chèo đò giúp cho.
Người thuyền chài nói:
- Xin mời ông xuống thuyền.
Du Đại Nham tung mình nhảy lên, đầu thuyền chìm hẳn xuống. Người lái đó kinh sợ, nói:
- Ông mang gì mà nặng thế?
Du Đại Nham cười:
- Có gì đâu, tại thân thể tôi hơi đẫy đà, khai thuyền đi thôi.
Chiếc thuyền dựng buồm lên, thuận nước, thuận gió, đi chéo thật nhanh về hướng đông bắc để qua sông. Được độ hơn một dặm, nghe xa xa có tiếng sấm ầm ầm vang đến, Du Đại Nham nói:
- Bác lái đò ơi, xem chừng mưa lớn đến nơi chăng?
Người lái đó cười:
- Đấy là thủy triều ban đêm ở sông Tiền Đường, cứ theo nước triều mà đi, chỉ chớp mắt thôi là đến bên kia bờ, nhanh lắm.
Du Đại Nham nhìn về hướng đông, thấy ở chân trời một làn nước trắng xóa ùn ùn kéo tới. Tiếng thủy triều mỗi lúc một thêm vang, chẳng khác gì tiếng quân reo ngựa hí. Sóng sông đổ ào, từ xa một bức tường nước xô tới. Chàng nghĩ thầm: ?Trời đất sao có cảnh hùng tráng đến thế này, hôm nay mình thật là mở mắt, cũng bõ cho những cay đắng phải trải qua.?
Chàng còn đang say sưa ngắm cảnh, bỗng thấy một chiếc thuyền dương buồm chạy đến, trên buồm trắng vẽ một con chim ưng lớn màu đen, hai cánh giang ra, tưởng như đang muốn chồm tới vồ mồi. Du Đại Nham nghĩ ngay đến Thiên Ưng giáo nên vội chuẩn bị đề phòng. Đột nhiên, gã lái đò nhảy phắt lên, rơi ùm xuống nước, không còn thấy tung tích y đâu nữa. Chiếc thuyền nhỏ không ai chèo chống, sóng vừa đánh tới đã xoay vòng vòng. Du Đại Nham vội nhảy ra phía sau bẻ lái, thì ngay lúc đó, chiếc thuyền buồm có thêu con hắc ưng kia đã lao vào nghe bình một cái. Đầu chiếc thuyền đó có bịt thép nên vừa đụng chiếc thuyền con đã vỡ ngay một lỗ lớn, nước sông theo đó đổ vào như trút. Du Đại Nham vừa sợ, vừa tức:
- Bọn Thiên Ưng giáo các ngươi gian ác thật. Hóa ra gã lái đó là người của các ngươi, đánh lừa ta như thế này.
Chàng thấy chiếc thuyền nhỏ không còn có thể dùng được nữa nên tung mình nhảy lên, nhắm mũi chiếc thuyền buồm kia hạ xuống. Nào ngờ ngay lúc đó có một làn sóng lớn vừa kéo đến, lắc mạnh chiếc thuyền buồm khiến đầu thuyền bị đẩy lên cao hơn một trượng. Du Đại Nham đang ở trên không, chiếc thuyền kia vừa nhô lên nên chàng rơi ngay ra ngoài khoang. Trong tình thế nguy cấp, chàng hít một hơi chân khí, tay trái đánh một chưởng vào mạn thuyền, mượn sức, hay cánh tay đẩy một cái, thi triển khinh công ?Thê Vân Túng?, lại vọt lên hơn một trượng, rơi xuống trở lại mũi thuyền buồm.
Chàng thấy cửa vào khoang thuyền vẫn đóng chặt, không một bóng người. Du Đại Nham kêu lớn:
- Có phải bằng hữu của Thiên Ưng giáo chăng?
Chàng gọi luôn mấy bận, trong thuyền không thấy ai đáp lời nên đẩy vào cửa khoang thuyền, thấy lạnh ngắt, hóa ra cánh cửa đó đúc bằng sắt, không nhúc nhích gì. Du Đại Nham vận sức vào hai cánh tay, quát lên một tiếng, hai chưởng đánh ra, chỉ nghe lách cách, cánh cửa không mở nhưng bản lề hai bên đã bị đánh gãy. Cửa sắt đã rung rinh nên chỉ thêm một chưởng nữa liền tung ra.
Chàng nghe thấy trong khoang thuyền tiếng một người nói:
- Khinh công Thê Vân Túng và chưởng lực Chấn Sơn Chưởng của phái Võ Đương, quả nhiên không phải là hư danh. Du tam hiệp, xin ông để con đao Đồ Long trên lưng lại, chúng tôi sẽ tiễn ông qua sông.
Lời nói tuy có vẻ khách khí nhưng ngữ khí mười phần ngạo mạn, tưởng như ra lệnh không bằng. Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Tại sao y biết được tên mình nhỉ??
Người kia lại nói tiếp:
- Du tam hiệp, trong bụng ông thấy lạ, tại sao tôi lại biết tên ông, phải không? Thực ra không có gì là khó hiểu, Thê Vân Túng và Chấn Sơn Chưởng, trừ những cao thủ của phái Võ Đương, làm sao có ai sử được xuất thần nhập hóa như thế? Du tam hiệp đến Giang Nam, Thiên Ưng giáo chúng tôi là địa chủ, trên đường đi không tiếp đãi chào hỏi, xin thứ lỗi cho.
Du Đại Nham không biết phải trả lời sao cho phải, chỉ nói:
- Cao tính đại danh của tôn giá là gì, xin hiện thân để cho được gặp mặt.
Người kia đáp:
- Thiên Ưng giáo cùng quí phái vô thân vô cố, không oán không cừu, không gặp nhau thì tốt hơn. Xin du tam hiệp để thanh đao Đồ Long tại đầu thuyền, chúng tôi xin đưa ông qua sông.
Du Đại Nham bừng bừng nổi giận, nói:
- Thanh đao Đồ Long này là của quí giáo chăng?
Người kia đáp:
- Cái đó không phải. Đao này là võ lâm chí tôn, kẻ học võ trong thiên hạ, ai ai chẳng muốn có nó trong tay.
Du Đại Nham nói:
- Chính thế, đao này bây giờ rơi vào tay tại hạ, nên phải đem về núi Võ Đương cho sư tôn phát lạc, tại hạ không được quyền tự tiện.
Người kia nói thêm mấy câu nho nhỏ, thanh âm như muỗi vo ve, Du Đại Nham nghe không rõ, hỏi lại:
- Ngươi nói gì thế?
Lúc ấy một ngọn sóng lớn đánh tới, nâng bổng chiếc thuyền buồm lên, Du Đại Nham thấy trên ngực và đùi mình, bỗng như bị muỗi cắn. Lúc ấy đang vàng đầu mùa xuân, làm gì có muỗi, nhưng chàng không để ý, lại lớn tiếng nói:
- Quí giáo chỉ vì một thanh đao mà giết bao nhiêu nhân mạng, trong miếu hải thần còn thi thể mấy chục người, không khỏi hạ thủ quá tàn nhẫn.
Người trong khoang thuyền đáp:
- Thiên Ưng giáo trước nay hạ thủ có nặng có nhẹ, với kẻ ác thì ra tay nặng, với người tốt thì ra tay nhẹ. Du tam hiệp danh chấn giang hồ, chúng tôi không muốn hại đến tính mệnh. Ông hãy để thanh đao Đồ Long lại, tại hạ xin dâng lên giải dược cho Văn Tu Châm[5].
Du Đại Nham nghe thấy ba chữ Văn Tu Châm, giật nảy người, vội lấy tay ấn vào những chỗ vừa bị muỗi đốt trên ngực, trên đùi, chỉ thấy hơi ngứa, quả thực là cảm giác mới bị côn trùng cắn, nhưng nghĩ lại liền tỉnh ngộ: ?Y cố tình nói mơ hồ, nhỏ giọng để dụ ta tới gần, thừa cơ ném ám khí nhỏ bé này.? Nghĩ đến bọn diêm kiêu phái Hải Sa sợ Thiên Ưng giáo như rắn rết, ám khí này ắt là tàn độc vô cùng, trước mắt phải làm sao bắt được y, ép y phải đưa cho mình giải dược cứu trị, nên chàng hừ một tiếng, tay trái che mặt, tay phải bảo vệ ngực, tung mình nhảy vào trong khoang thuyền.
Chân chưa chạm đất, trong bóng tối bỗng thấy kình phong ùa vào mặt, người trong thuyền đã múa chưởng đánh ra. Du Đại Nham tay phải đánh ra, trong cơn thịnh nộ, chưởng này sử đến mười thành công lực. Hai bên song chưởng đụng nhau, nghe bình một tiếng, người trong thuyền bị đánh bật về phía sau, nghe tiếng loảng xoảng, làm đổ vỡ không biết bao nhiêu bàn ghế.
Du Đại Nham cũng thấy lòng bàn tay đau nhói. Nguyên lai khi hai người giao chưởng, trong bàn tay người kia có dấu vật gì nhọn sắc, nên khi đụng nhau, vật đó liền xuyên thủng bàn tay Du Đại Nham. Đối phương tuy bị chàng đánh trúng bị thương không nhẹ, nhưng trong bóng tối không biết phía địch đông người, ít người ra sao, chàng không dám mạo hiểm xông lên bắt người, nên vội lui ra ngoài đầu thuyền.
Chỉ nghe người kia ho húng hắng mấy tiếng, nói:
- Du tam hiệp chưởng lực kinh người, quả nhiên không phải tầm thường, bội phục a bội phục. Thế nhưng Thất Tinh Đinh trong tay tại hạ cũng có chỗ dùng, thành ra chúng mình kẻ nửa cân, người tám lượng, lưỡng bại câu thương.[6]
Du Đại Nham vội vàng lấy mấy viên Thiên Tâm Giải Độc Đơn ra uống ngay, cởi bao ra, lấy thanh đao Đồ Long, hai tay cầm cán, nghe vù một tiếng, chém tạt ngang. Chỉ nghe xoẹt một tiếng nhỏ, thanh đao này quả nhiên sắc bén lạ thường, đã chặt cái cửa sắt ra làm hai. Chàng chém liên tiếp bảy tám nhát, tấm cửa sắt gặp phải bảo đao chẳng khác gì làm bằng giấy, bằng rơm, người trong khoang thuyền phải nhảy lùi lại phía sau, kêu lên:
- Ngươi liên tiếp trúng hai loại độc, còn hung hăng nữa ư?
Du Đại Nham múa đao chém tới, phạt ngang lưng người kia. Người kia thấy thế đến hung mãnh, thuận tay cầm một cái neo sắt lên đỡ, nghe soẹt một tiếng nhỏ, cái neo đã đứt làm đôi khiến y phải nhảy vọt qua một bên, kêu lên:
- Ngươi muốn tính mệnh hay muốn bảo đao?
Du Đại Nham nói:
- Được rồi, ngươi đưa giải dược cho ta, ta đưa bảo đao cho ngươi.
Khi ấy chàng thấy những chỗ trên đùi trúng phải Văn Tu Châm càng lúc càng ngứa, biết rằng Thiên Tâm Giải Độc Đơn không giải nổi chất độc, thanh đao Đồ Long này chàng cũng vô tình mà được, nên cũng không coi trọng lắm, nên tiện thể cầm đao ném xuống sàn thuyền.
Người kia mừng quá, cúi xuống nhặt ngay lên, không ngừng vuốt ve, xem chừng thích lắm. Người kia quay lưng về phía ánh trăng nên không nhìn rõ mặt, tuy nhiên y chỉ nhìn ngắm thanh đao mà không lấy thuốc giải, Du Đại Nham thấy lòng bàn tay đau bắt đầu đau nhói, nói:
- Giải dược đâu?
Người kia cười ha hả, tựa như nghe một chuyện thật nực cười. Du Đại Nham giận dữ:
- Ta hỏi ngươi đưa thuốc giải, có gì đáng cười đâu?
Người kia lấy ngón tay trỏ để lên má, cười:
- Hì hì, sao ngươi lại ngốc đến thế, không đợi ta đưa giải dược mà lại đưa đao cho ta trước?
Du Đại Nham giận nói:
- Nam nhi chỉ nói một lời, ngựa chỉ ra roi một lần, ta bằng lòng đem đao để đổi lấy thuốc giải, không lẽ còn lần khân không đưa. Đưa trước hay đưa sau có gì khác đâu?
Người kia cười nói:
- Nếu như đao còn trong tay ngươi, ta còn e ngại ba phần, vì như ngươi đánh không lại ta, ném đao xuống sông, chưa chắc ta đã tìm lại được. Bây giờ đao đã ở trong tay ta rồi, ngươi còn mong ta đưa giải dược ư?
Du Đại Nham nghe vậy, một làn hơi lạnh từ tim bốc lên, vẫn tưởng Thiên Ưng giáo và phái Võ Đương không thù không oán, người này võ công không phải tầm thường, chắc hẳn cũng có chút thân phận, như đã được đao Đồ Long rồi, lẽ nào nói không giữ lời? Chàng trước nay hành sự ổn trọng, không phải là kẻ khinh suất, không ngờ phen này lại mất đi thế mạnh, một mình rơi vào trong thuyền địch, ắt rằng đối phương phải chuẩn bị sẵn sàng, trong thuyền ắt có người tiếp tay, lại thêm thân trúng hai loại độc, muốn có giải dược gấp, nên rơi vào gian mưu của người, lập tức hít một hơi, hừ một tiếng hỏi:
- Tôn giá cao tính đại danh là gì?
Người kia cười đáp:
- Tại hạ chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt trong Thiên Ưng giáo, phái Võ Đương có đi tìm Thiên Ưng giáo để báo thù, thì đã có giáo chủ bản giáo cùng các đường chủ tiếp đón. Thêm nữa, Du tam hiệp hôm nay chết không minh bạch, dù tổ sư quí phái Trương Tam Phong có tài thông thiên triệt địa chăng nữa, cũng chắc gì biết Du tam hiệp chết ở tay ai.
Y nói mà coi như Du Đại Nham đã chết rồi. Du Đại Nham thấy lòng bàn tay như có muôn vạn con kiến đang cắn nhí nhói, vừa đau vừa ngứa không sao chịu nổi, lập tức chụp lấy một nửa cái neo sắt gãy, nghĩ thầm: ?Nếu hôm nay ta không sống được, thì cũng cùng với ngươi đồng qui ư tận.?
Nghe người kia nói năng thao thao, đang lúc cao hứng đắc ý, Du Đại Nham quát lên một tiếng, nhảy vọt tới, tay trái múa cái neo gãy, tay phải đánh ra một chưởng, nhắm thẳng vào ngực, vào mặt người kia đánh tới. Người kia kêu ?Ối chà? một tiếng, vung đao Đồ Long lên đỡ, nào ngờ đâu thanh đao nặng nề lạ thường, y thuận tay múa lên, chỉ nhấc được một nửa thước, cổ tay liền trùng xuống. Cứ như võ công của y, không phải không thể sử dụng con đao này, chỉ vì lúc vận lực không lường đủ sức nặng của binh khí, lực đạo bất túc, nên thanh đao mới rơi trở lại, chém ngay vào đầu gối y. Y kinh hãi vội vàng vận sức lên cánh tay, vừa cố gượng lại thì đã thấy kình phong ùa vào mặt, nửa cái neo gãy đánh thẳng tới. Cái neo đó uy mãnh lăng lệ, không cách gì đỡ, y vội vàng sử kình đạp mạnh hai chân, lật ngửa một cái, lộn mèo xuống sông.
Người đó tuy tránh thoát được nửa cái neo sắt đánh vào mặt nhưng tay phải của Du Đại Nham vẫn còn đánh tới, chưởng đó trúng ngay bụng dưới của y, chỉ thấy lục phủ ngũ tạng đều đảo lộn, kêu lên một tiếng, bất tỉnh nhân sự trước khi rơi tõm vào trong sóng nước.
Du Đại Nham thở phào một cái, thấy người nọ tuy trúng một chưởng mà vẫn nắm chặt thanh Đồ Long đao không buông, cười nhạt nghĩ thầm: ?Ngươi có chiếm được bảo đao rồi cũng táng mệnh nơi đáy nước.?
Bỗng nhiên có một bóng trắng lấp loáng, một dải lụa trắng lao vụt xuống sông, cuốn lấy ngang lưng người nọ, luôn cả thanh đao, kéo lên thuyền. Du Đại Nham giật mình, theo dải lụa nhìn theo, chỉ thấy tại mũi thuyền có một bóng người gầy nhỏ, mặc áo bào xanh, đang luôn tay cuốn lụa. Du Đại Nham lại muốn nhảy tới đầu thuyền đánh tiếp, nhưng độc tính trong thân đã phát tác, mắt bỗng tối sầm, ngã ra sàn thuyền, ngất đi không còn biết gì nữa.
Không biết qua bao nhiêu thời gian, khi mở mắt ra, vật đầu tiên Du Đại Nham nhìn thấy là một lá tiêu kỳ, trên lá cờ có thêu một con lý ngư màu vàng. Chàng nhắm mắt lại, rồi lại mở ra lần nữa, vẫn chỉ thấy lá cờ nhỏ đó. Lá cờ đó cắm trong một chiếc bình sứ màu cánh trả, có hoa màu xanh, ánh một màu vàng lấp lánh, trên lá cờ thêu một con cá đang vùng vẫy trong làn sóng. Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Đây là lá cờ của Long Môn tiêu cục ở phủ Lâm An. Mình đang ở đâu thế này?? Lúc ấy đầu chàng mơ mơ màng màng, chỉ thấy hỗn loạn, không thể suy nghĩ nhiều. Cố gắng định thần, mới hay mình đang nằm trên một cái cáng, trước sau có người khiêng, còn chỗ đang ở dường như là một tòa đại sảnh. Chàng định quay đầu nhìn hai bên, nào ngờ thấy cổ cứng ngắc, không cách gì cử động.
Chàng kinh hãi quá, muốn nhảy ra khỏi cái cáng nhưng chân tay dường như không còn là của mình nữa, không những không sử lực được, mà ngay cả động đậy cũng không nốt, nên nghĩ ngay: ?Ta bị trúng độc của Thất Tinh Đinh và Văn Tu Châm trên sông Tiền Đường.?
Chàng nghe thấy hai người đang nói chuyện. Một người tiếng oang oang, nói:
- Các hạ họ gì?
Người kia trả lời:
- Ông không cần phải hỏi tên tôi, tôi chỉ hỏi ông, món hàng này ông nhận hay không nhận?
Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Giọng người này nghe yểu điệu, dường như đàn bà.?
Người có tiếng nói to hơi sẵng giọng:
- Long Môn tiêu cục chúng tôi làm ăn cũng chẳng ế ẩm gì, các hạ như nếu không cho biết tính danh, xin mời kiếm tiêu cục khác vậy.
Tiếng đàn bà kia đáp:
- Ở phủ Lâm An này chỉ có Long Môn tiêu cục là hơn cả, các tiêu cục khác xem ra không bằng. Nếu như ông không quyết định được thì mau mau đi mời Tổng tiêu đầu ra đây.
Giọng người này có vẻ hơi vô lễ khiến người kia có vẻ không mấy vui, nói:
- Chính tôi là Tổng tiêu đầu. Tại hạ lúc này đang bận, không tiện tiếp khách, xin mời tôn giá để dịp khác.
Người đàn bà kia nói:
- A, hóa ra ông là Đa Tí Hùng Đô Đại Cẩm ?
Ngừng lại một lát, y tiếp:
- Đô tổng tiêu đầu, ngưỡng mộ đã lâu, đã lâu, tôi họ Ân.
Hình như trong lòng Đô Đại Cẩm thấy hơi khoan khoái, mới hỏi:
- Tôn giá có việc gì cần sai khiến?
Người khách họ Ân nói:
- Tôi hỏi ông trước đã, xem ông có nhận được không. Món hàng này rất là quan trọng, không thể sai sót nửa phân.
Đô Đại Cẩm cố dằn cơn giận, nói:
- Long Môn tiêu cục của chúng tôi mở ra đã hai chục năm nay, quan tiêu, diêm tiêu, kim ngân châu báu, lớn mấy chăng nữa cũng đã từng tiếp qua, trước nay chưa hề sai sẩy bao giờ.
Du Đại Nham đã từng nghe danh Đô Đại Cẩm, biết rằng y là tục gia đệ tử của phái Thiếu Lâm, quyền chưởng đơn đao, đều xuất sắc, lại thêm tài ném cương tiêu, có thể một hơi ném liền bảy lần bảy bốn mươi chín mũi, vì thế trên giang hồ đặt cho y một ngoại hiệu là Đa Tí Hùng.[7] Long Môn tiêu cục của y ở Giang Nam cũng khá nổi danh. Tuy nhiên đệ tử hai phái Võ Đương, Thiếu Lâm trước nay ít lai vãng, thân cận nên tuy có nghe tiếng, nhưng hai người không biết nhau.
Lửa hồng nung đốt trăm lần nóng,
Đen sì đao cứng vẫn trơ gan.
Tráng sĩ nguy nàn đâu nhụt chí,
Dẫu đành một thác chẳng than van.
Hoa nở rồi hoa tàn, hoa tàn hoa lại nở, người thiếu niên năm nào nay đã già, cô gái hồng nhan kia tóc mai cũng đã bạc. Năm đó là năm Chí Nguyên thứ hai đời Nguyên Thuận Đế, nhà Tống đã bị diệt vong hơn năm chục năm rồi.
Lúc đó chính vào tháng ba cuối mùa xuân, ở bờ biển Giang Nam có một tráng sĩ ước chừng ba mươi tuổi chân đi giày cỏ mặc áo màu lam, đang rảo bước trên đường cái, thấy trời đã xế chiều, tuy hai bên đường đầy đào hồng, liễu xanh, xuân sắc đang độ tốt tươi nhưng chàng không tâm trí đâu mà thưởng ngoạn, trong đầu chỉ tính toán thầm: "Hôm nay đã là hai mươi bốn tháng ba, đến mồng chín tháng tư chỉ còn mười bốn ngày, đường đi không có gì trở ngại thì mới kịp ngày giờ về núi Võ Đương chúc mừng đại thọ chín mươi của ân sư."
Tráng sĩ đó họ Du, tên Đại Nham, là đệ tử thứ ba của tổ sư phái Võ Đương Trương Tam Phong. Đầu năm đó, chàng vâng lệnh thầy xuống Phúc Kiến tiêu diệt một bọn giặc cướp không việc ác gì không làm, chuyên tàn hại lương dân. Tên đầu đảng nghe tin, lập tức trốn mất, Du Đại Nham phải mất hai tháng trời mới tìm ra được sào huyệt bí mật của y, tiến đến khiêu chiến, sử dụng Huyền Hư đao pháp của thầy truyền cho, đến chiêu thứ mười một mới giết được tên giặc. Lúc đầu chỉ định mười ngày là xong, nhưng lại mất đến hơn hai tháng, bấm đốt ngón tay, kỳ hạn đại thọ chín mươi của sư phụ chẳng còn bao xa, nên vội vàng từ Phúc Kiến quay về, hôm nay đã đến phía nam sông Tiền Đường ở vùng Triết Đông.
Chàng rảo bước một hồi, con đường hẹp lại, nhìn thấy một bên là biển cả, có những khoảng đất bằng sáng loáng như gương, mỗi mảnh chừng bảy tám trượng vuông, nếu thực là do nước biển bào mòn mà thành sao lại nhẵn đến thế. Du Đại Nham đã đi khắp mọi miền Giang Nam, Giang Bắc, kiến văn cũng rộng, nhưng chưa thấy cảnh lạ đó bao giờ, hỏi thổ dân, không khỏi bật cười, hóa ra đó là những ruộng muối.
Nơi đây dân chúng dẫn nước từ biển vào ruộng, phơi cho khô bớt, nước mặn đó lại dẫn vào ruộng khác, mỗi lúc một mặn thêm, sau cùng mới khô còn lại muối hột. Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Ta ăn muối ba mươi năm, nhưng chưa biết để làm được một hạt muối, phải nhọc nhằn đến thế.?
Chàng đang đi bỗng thấy từ con đường nhỏ phía tây một bọn chừng hơn hai chục người đang gánh đồ đi rảo bước. Du Đại Nham liếc mắt để ý, thấy cả bọn đều mặc quần áo ngắn màu xanh, đầu đội nón rộng vành, hai bên quang đều là muối cả. Chàng biết rằng hiện nay chính sách hà khắc, thuế đánh vào muối rất cao, nên tuy ở ngay cạnh bờ biển, dân chúng cũng không được ăn muối quan, mà phải đi mua lén của dân buôn muối lậu. Bọn người này hành động nhanh nhẹn, táo tợn, thân thể rắn chắc, xem chừng là một bọn buôn lậu. Trên vai họ cũng không phải là đòn gánh bằng tre hay bằng gỗ vì không thấy nhún nhẩy chi cả, trông đen sì đúng là đòn gánh bằng sắt. Mỗi người phải gánh ít ra cũng hai trăm cân nhưng đi rất nhanh. Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Bọn diêm kiêu này ai cũng có võ. Nghe nói ở Giang Nam, phái Hải Sa độc quyền muối lậu, thanh thế rất lớn, trong môn phái này không ít những tay danh gia võ học. Thế nhưng có đến hai mươi hảo thủ cùng ở một đoàn gánh muối lậu đi bán thì thật không hợp lý chút nào.?
Giá như bình thời, ắt là chàng sẽ đi theo dọ thám, nhưng lúc này đang phải tính chuyện chúc thọ sư phụ chín mươi, không hơi đâu mà mua chuyện thiên hạ. Nghĩ thế chàng lại rảo bước đi.
Chiều hôm đó, Du Đại Nham đã đến huyện Dư Diêu, trấn Am Đông. Từ đây chỉ qua sông Tiền Đường là đến Lâm An, rẽ qua hướng tây đi về phương bắc, qua Giang Tây, Hồ Nam là đến Hồ Bắc, địa phận núi Võ Đương. Trời đã tối không có thuyền sang sông, chàng chỉ còn cách ở lại Am Đông, kiếm một tiểu điếm trọ qua đêm.
Ăn cơm chiều xong, Du Đại Nham rửa chân toan lên giường nằm, bỗng nghe trong quán có tiếng lao xao, một đám người vào thuê phòng. Nghe giọng thấy họ là người Triết Đông, nhưng trung khí sung mãn, hiển nhiên đều là nội gia, chàng thò đầu ra xem, hóa ra chính là bọn buôn muối lậu gặp trên đường cái. Du Đại Nham không để ý, ngồi xếp bằng trên giường, hành công đủ ba lần, rồi mới nằm xuống ngủ.
Ngủ đến giữa đêm, bỗng nghe phòng bên cạnh có tiếng lách cách nhè nhẹ, Du Đại Nham lập tức tỉnh dậy. Chỉ nghe thấy một người hạ giọng nói:
- Anh em mau mau ra đi, đừng kinh động đến người khách ở phòng bên cạnh, thêm phiền ra.
Mọi người tất cả nhè nhẹ mở cửa phòng, đi ra ngoài. Du Đại Nham nhìn qua khe cửa, thấy đám diêm kiêu đã gồng gánh đi ra cửa, nhớ đến câu kẻ kia nói: ?đừng kinh động đến người khách ở phòng bên cạnh, thêm phiền ra? nghĩ thầm: ?Bọn buôn muối lậu này lén lén lút lút, hẳn là đang tính làm điều gì sai quấy, nên mới sợ mình trông thấy, không thể bỏ qua. Nếu có ngăn bọn họ làm điều thương thiên hại lý, cứu được một hai mạng người lương thiện, dù cho có lỡ tiệc thọ ngàn tuổi của ân sư, thì lão nhân gia chắc cũng vẫn vui lòng.? Chàng đeo túi đựng binh nhận, ám khí lên lưng, vượt cửa sổ, nhảy qua tường ra ngoài.
Chỉ nghe thấy tiếng chân người đi về hướng đông bắc, chàng thi triển khinh thân công phu, lặng lẽ đuổi theo. Đêm đó mây đen đầy trời, ánh trăng không có, trong bóng đêm dày đặc, thấp thoáng bóng hai chục tên buôn muối lậu gánh hàng chạy trên những bờ ruộng, Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Bọn buôn lậu ban đêm gánh hàng chạy thì cũng là chuyện thường tình. Thế nhưng những người này thân thủ bất phàm, nếu muốn làm chuyện phi pháp, chẳng nói chi trộm cướp nhà giàu, có đến vào công khố ăn cướp, quan binh cũng chưa chống nổi, việc gì phải lén lén lút lút đi buôn muối, kiếm chút lợi nhỏ? Ắt hẳn bên trong có chuyện gì khác."
Chỉ chưa đầy nửa giờ, bọn buôn lậu đã chạy trên hai chục dặm, nhưng Du Đại Nham khinh công rất cao, bước chân không một tiếng động, bọn kia lại chừng như có chuyện gì gấp, chỉ để ý đến lộ trình trước mặt, không quay đầu lại, nên chẳng hề phát giác. Lúc đó họ đã đến ven biển, tiếng sóng vỗ vào đá ỳ ào không dứt.
Đang trên đường đi, bỗng nghe tiếng tên đầu lĩnh huýt một tiếng còi nhỏ, cả bọn đều đứng lại. Tên chỉ huy hỏi nhỏ:
- Ai thế?
Trong bóng tối có tiếng một người khàn khàn:
- Có phải các bạn là nhóm ?ba chấm thủy? chăng?
Người đầu lĩnh đáp:
- Chính thế. Các hạ là ai?
Du Đại Nham thắc mắc: ?Nhóm ?ba chấm thủy? là bọn nào thế nhỉ?? Nhưng chỉ một thoáng chàng chợt nghĩ ra: ?Ồ, quả nhiên là phái Hải Sa. Ba chữ phái Hải Sa có ba chấm thủy ở bên cạnh. Tiếng người khàn khàn lại nói tiếp:
- Vụ đao Đồ Long, ta khuyên các người đừng nhúng tay vào.
Tên đầu lĩnh nói:
- Tôn giá cũng vì đao Đồ Long mà đến đấy ư?
Âm thanh dường như có vẻ vừa tức giận, vừa sợ hãi. Trong đêm tối chỉ nghe mấy tiếng cười khẩy ?hắc hắc hắc? nhưng không nghe người kia trả lời.
Du Đại Nham náu mình sau những tảng đá ở ven biển, trườn đến phía trước, chỉ thấy một người đàn ông thân hình cao gầy đứng chắn trên đường. Vì trời tối nên không nhìn rõ mặt y, chỉ thấy y mặc một chiếc áo bào trắng, đi đêm mà mặc áo trắng hẳn phải tự phụ võ công của mình có chỗ hơn người.
Người đầu lĩnh phái Hải Sa nói:
- Thanh đao Đồ Long đó đã thuộc về bản phái, nhưng bị người ta lấy trộm mất, nay phải đi đòi lại.
Gã áo trắng lại cười khẩy ?hắc hắc hắc? ba tiếng nhưng vẫn nghênh ngang đứng chắn đường. Từ phía sau tên đầu lĩnh một người gằn giọng quát lên:
- Mau tránh ra, quân chó dữ chặn đường kia, bộ ngươi muốn chết hay sao ?
Y chưa dứt lời, đột nhiên ?A? lên một tiếng thảm khốc, ngã lật người ra sau. Mọi người kinh hãi, chỉ thấy trong bóng đêm, tà áo trắng thấp thoáng, người khách chắn đường không còn thấy đâu nữa.
Bọn buôn muối phái Hải Sa nhìn lại tên đồng bọn ngã dưới đất, chỉ thấy y nằm còng queo, hiển nhiên đã chết rồi. Ai nấy đều vừa sợ vừa tức, có mấy người bỏ quang gánh xuống theo hướng người áo trắng đuổi theo, nhưng y chạy nhanh quá, trời tối còn làm sao kiếm ra được nữa.
Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Gã này ra tay nhanh thực, ngón trảo đó dường như là Đại Lực Kim Cương Trảo của phái Thiếu Lâm. Tuy nhiên trời tối, ta không nhìn rõ. Nghe giọng nói của người này thì có vẻ từ quan ngoại mạn tây bắc đến. Không ngờ phái Hải Sa kết hạ oán cừu xa đến như thế.?
Chàng thu mình sau những tảng đá, không dám cử động, sợ bọn người phái Hải Sa phát giác, sẽ thêm rắc rối. Lại nghe gã đầu lĩnh nói:
- Hãy đem thi thể lão tứ để qua một bên, khi về hãy mang đi, sau này thể nào mình cũng tìm ra y là ai.
Cả bọn đáp lời, lại mang gánh lên, chạy về phía trước.
Du Đại Nham đợi bọn họ đi một quãng xa mới đến xem thi thể, thấy cổ họng có hai cái lỗ nhỏ, máu tươi vẫn còn chảy ra không ngừng, hiển nhiên là bị ngón tay đâm thủng. Chàng biết việc này có nhiều điều khác thường, nên gia tăng cước bộ, cố đuổi theo cho kịp bọn diêm kiêu. Đoàn người lại đi thêm vài dặm nữa, gã đầu lĩnh huýt một tiếng còi, cả hai mươi người đều dàn ra, hướng về phía một tòa nhà lớn ở mạn đông bắc chầm chậm tiến tới. Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Bọn họ nói gì Đồ Long đao, chẳng lẽ ở trong cái nhà này sao??. Chỉ thấy từ cái ống khói của căn nhà đó một cột khói bốc thẳng lên, tụ lại một hồi mới tan. Bọn diêm kiêu bỏ quang gánh xuống, mỗi người cầm một cái gáo, múc cái gì đó trong thúng, rải ra khắp bốn bề. Du Đại Nham nhìn thấy họ rắc một loại phấn trắng như tuyết, rõ ràng là muối biển, nghĩ thầm: ?Họ rắc muối trên đường làm gì thế nhỉ? Thật là kỳ lạ, mai này mình có kể cho sư huynh đệ nghe, chắc họ không tin đâu.?
Du Đại Nham thấy họ rắc muối rất chậm chạp, kỹ lưỡng, hình như sợ muối đó dính vào mình, chàng liền vỡ lẽ, biết rằng muối này có chất kịch độc, đám người đó đem rải chung quanh, hẳn có ý đồ ám hại người trong nhà nên tính trong bụng: ?Mình chẳng biết hai bên bên nào phải bên nào trái, nhưng bọn này hành sự lén lút, không quang minh chút nào. Mình phải bằng mọi giá thông tri cho người trong nhà, để họ khỏi bị bọn tiểu nhân này ám hại.? Chàng thấy phái Hải Sa vẫn còn đang rắc phía trước nhà nên đánh một vòng thật lớn đi ra phía sau, nhẹ nhàng nhảy qua tường vào bên trong.
Căn nhà đó lớn trước sau cả thảy năm khu, có đến ba bốn chục gian phòng, trong nhà lại tối mò không đèn đuốc gì cả. Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Khói đen từ giữa một khu nhà bay lên, nơi đó ắt là có người.? Ngẩng lên nhận định rõ khu vực khói bốc ra, rảo bước đi tới, nghe thấy trong phòng có tiếng lửa cháy bừng bừng, củi kêu tí tách. Chàng đi vòng qua một bức tường ngang, thì vào được vào chính sảnh, bỗng thấy sáng lòa, một làn hơi nóng phả vào mặt. Giữa phòng là một cái lò lớn xây bằng đá, lửa bừng bừng bốc lên cao, chung quanh có ba người đứng, mỗi người kéo một cái bễ, thổi lửa vào lò. Trong lò là một thanh đơn đao đen sì, dài ước chừng bốn thước.
Ba người đó đều mặc áo bào xanh, khoảng sáu chục tuổi, đầu tóc đầy tro, trên áo dài cũng lỗ chỗ đầy vết thủng do tàn lửa bắn vào. Chỉ thấy ba người cùng ra sức thổi bễ, lửa lên cao đến năm thước, bao phủ lấy thanh đao, phát tiếng vù vù. Chỗ Du Đại Nham đứng phải cách cái lò đến mấy trượng nhưng cũng còn thấy nóng đủ biết lửa trong lò lợi hại đến bực nào. Ngọn lửa từ đỏ biến thành xanh, từ xanh thành trắng, nhưng thanh đao đó vẫn nguyên một màu đen, chưa thấy đỏ một tí nào.
Vừa khi đó, trên mái nhà có tiếng người khàn khàn nói:
- Làm hư hại thanh bảo đao, thật là thương thiên hại lý, mau ngừng lại!
Du Đại Nham nghe tiếng, biết ngay là người khách áo trắng gặp trên đường cái đã đến. Ba ông già đang quạt lò nung đao kia dường như không nghe, lại càng kéo bễ nhanh hơn. Lại nghe thấy từ mái nhà ba tiếng cười nhạt ?hắc hắc hắc?, phía trước nghe một tiếng cạch, gã áo trắng đã nhảy vào.
Lúc đó lửa trong lò đang phừng phừng nên Du Đại Nham nhìn rõ. Người áo trắng ước chừng trên dưới bốn mươi, mặt tái mét, ẩn ẩn màu xanh, hai tay không, lạnh lùng nói:
- -???? Trường Bạch Tam Cầm, tưởng các ngươi chiếm đoạt bảo đao đã quá lắm rồi, lại còn dám lớn mật đem lửa nung bảo vật?
Nói xong y tiến lên phía trước.
Ông già phía tây lao tới vươn tay trái ra, chộp vào mặt người áo trắng. Người khách lách đầu sang một bên, tiến lên một bước nữa. Ông già phía đông thấy y tới gần mình, cầm ngay cái búa sắt lớn dựng bên cạnh lò, nghe vù một tiếng, nhắm ngay đầu gã áo trắng nện xuống. Bạch bào khách hơi nghiêng người, búa sắt giáng vào khoảng không, nghe bình một tiếng, lửa bắn tóe ra như sao sa, hóa ra nền nhà không phải là đá xanh mà là đá hoa cương cứng dị thường. Ông già phía tây lại tấn công từ bên hông, hai tay cong cong như chân gà, nhảy lên hụp xuống, thế đánh thật là lợi hại.
Du Đại Nham thấy gã áo trắng ra chiêu võ công hiển nhiên thuộc phái Thiếu Lâm, nhưng xuất thủ rất âm độc tàn nhẫn, khác hẳn lối cương mãnh nhưng chính đại quang minh của danh môn. Đấu được vài hiệp, ông già cầm búa quát lên:
- Các hạ là ai? Muốn chiếm bảo đao này, hãy để tên lại.
Người áo trắng chỉ cười khẩy mấy tiếng, không trả lời. Chỉ thấy y xoay mình một cái, hai tay chộp ra, nghe hai tiếng lách cách, hai cổ tay ông già phía tây đã gãy lìa, cái búa trong tay ông già phía đông cũng tuột ra, văng thẳng lên trời, phá vỡ mái nhà, rơi xuống trở lại, nghe bình một tiếng thật lớn. Lão già đó lập tức cúi mình nhặt một chiếc kìm, đưa ngay vào lò kẹp thanh đơn đao.
Ông già đứng ở phía nam tay cầm ám khí lăm lăm chờ cơ hội đả thương địch thủ, nhưng thấy gã áo trắng nhanh nhẹn dị thường, chưa kịp ra tay, bỗng thấy ông già phía đông dùng kìm kẹp thanh bảo đao, lập tức thò tay vào lò, cầm cán đao trước, lôi luôn ra ngoài. Y vừa cầm vào cán đao, một luồng khói trắng lập tức bốc lên, mọi người ngửi thấy mùi khét lẹt, bàn tay y đã bị cháy phỏng. Thế nhưng y không chịu buông, cả người lẫn đao nhảy vọt về sau, nghe bịch một tiếng, ngã lăn ra đất. Tay trái y vươn ra, đỡ vào sống đao, bấy giờ mới đứng lên được, xem chừng thanh đao đó quá nặng, một tay cầm không nổi, nhưng cũng vì thế bàn tay trái y cũng bị cháy nghe xèo xèo.
Mọi người ai nấy kinh hãi, còn đang ngơ ngẩn, chỉ thấy ông già đó hay tay múa thanh đơn đao, chạy thẳng ra ngoài. Người áo trắng cười nhạt:
- Đâu có dễ dàng như thế?
Cánh tay y vung ra, đã chộp vào giữa lưng ông già. Ông già đó xoay người, thuận tay chém lại một nhát. Lưỡi đao chưa tới, hơi nóng đã phà vào mặt, tóc râu, lông mày người áo trắng đã quăn cả lại. Y không dám đỡ, kình lực trên tay đẩy ra, ném ông già cả người lẫn đao vào trong lò lửa.
Du Đại Nham thấy bọn người đó ai ai cũng hung ác, chuyện không liên quan gì đến mình nên chẳng muốn ra tay. Thế nhưng lúc này mạng ông già chỉ trong đường tơ kẽ tóc, chỉ cần rơi vào lò, thì sẽ thành tro ngay. Chàng thấy cứu người là việc khẩn cấp, lập tức tung mình nhảy lên, vừa xoay người vừa lắc mình một cái, giữa không trung thò tay ra, chụp lấy búi tóc của ông già nọ, nhẹ nhàng khéo léo rơi sang một bên.
Người áo trắng và Trường Bạch Tam Cầm vốn đã thấy chàng đứng ở một bên, từ trước đến giờ không làm gì, đột nhiên thi triển khinh công thượng thừa, cả bọn đều kinh hãi. Bạch bào khách nhướng đôi lông mày, hỏi:
- Thân thủ đó có phải là ?Thê Vân Túng? mà thiên hạ hằng nghe danh chăng?
Du Đại Nham thấy y nói lên được tên của lộ khinh công mình vừa sử dụng, lúc đầu hơi kinh hoảng, nhưng sau trong lòng không khỏi đắc ý: ?Công phu của phái Võ Đương chúng ta quả danh dương thiên hạ, chấn động đến tận nơi xa xôi.? Chàng liền đáp:
- Không dám, xin thỉnh giáo quí tính đại danh của tôn giá? Chút công phu nhỏ nhặt của tại hạ có gì đáng nói đâu.
Gã áo trắng nói:
- Hay lắm, hay lắm. Khinh công của phái Võ Đương quả nhiên cũng có đôi phần đáng kể.
Khẩu khí của y nghe thật ngạo mạn. Du Đại Nham trong lòng tức giận, nhưng không nổi nóng, nói:
- Trên đường đi, tôn giá vừa giơ tay là đã giết ngay một cao thủ của phái Hải Sa, công phu thần xuất quỉ một như thế, khiến cho không ai biết đâu mà đo lường.
Người đó hơi giật mình, nghĩ thầm:
- Việc đó quả nhiên ngươi đã trông thấy, vậy mà ta lại không thấy ngươi. Không biết khi đó gã tiểu tử này ẩn náu ở chỗ nào?
Y liền lạnh lùng đáp:
- Không sai. Môn võ công đó của ta, người ngoài không dễ gì lãnh hội. Không nói các hạ mà cả đến ông già họ Trương chưởng môn của phái Võ Đương, cũng chưa chắc đã hiểu nổi.
Du Đại Nham nghe gã áo trắng làm nhục cả đến ân sư làm sao nhịn nổi. Tuy nhiên, đệ tử phái Võ Đương trước nay vẫn coi trọng việc tu tâm dưỡng tính, chàng nghĩ thầm: ?Y cố ý khiêu khích, không biết bên trong còn có ý định gì? Người này công phu quái dị, không nên vì một vài câu nói mà bản môn phải có thêm một cường địch.? Bèn mỉm cười:
- Võ công trong thiên hạ vô cùng vô tận, chính phái tà đạo, hàng nghìn hàng vạn, sở học của phái Võ Đương chỉ là một hạt nước trong biển cả. Công phu của tôn giá, giống Thiếu Lâm mà không phải Thiếu Lâm, e rằng bản sư cũng không biết được.
Câu đó nghe có vẻ khách khí, nhưng bên trong hàm nghĩa là phái Võ Đương không thèm biết đến võ công của bọn bàng môn tả đạo. Người đó nghe thấy câu ?giống Thiếu Lâm mà không phải Thiếu Lâm? lập tức biến sắc.
Trong khi hai người ngôn ngữ châm chọc đối lại với nhau thì thanh đao nóng hừng hực ấy đã cháy hết thịt da, ăn vào tới xương ông già ở phía nam rồi. Hai ông già ở phía đông và phía tây vẫn khom mình thủ thế, đang tìm cơ hội đoạt lại thanh đao. Đột nhiên nghe một tiếng vù, ông già phương nam lại huy động đơn đao chạy ra ngoài lần nữa. Y múa đao, tuy không chủ ý chém ai nhưng Du Đại Nham đang đứng chắn lối, nên đao đó chém chàng trước hết. Du Đại Nham không ngờ mình vừa mới cứu ông ta thoát chết, nay y lại ra tay ngay với mình, vội vàng nhảy lên tránh khỏi đường đao.
Ông già đó hai tay cầm thanh đao như điên như cuồng chém lung tung, vượt được ra ngoài. Gã áo trắng và hai người kia đều sợ đao thế hung hiểm không ai dám cản, chỉ luôn mồm kêu gào, đuổi theo sau. Ông già cầm đao loạng choạng chạy ra khỏi cửa, bỗng thấy chân vấp một cái ngã nhào về trước, chỉ nghe một tiếng kêu thảm thiết, hình như đột nhiên bị trọng thương.
Gã áo trắng và hai ông già kia lập tức nhảy tới, cùng giơ tay cướp thanh đơn đao, nhưng cả ba cùng kêu lên một lượt, tưởng như dưới đất có rắn độc, quái trùng gì cắn phải. Gã áo trắng chỉ loạng choạng rồi gượng lại được, chạy thẳng ra ngoài, còn ba ông già thì lăn lộn dưới đất, không sao đứng lên nổi.
Du Đại Nham nhìn thấy thảm trạng đó, toan nhảy ra cứu người, bỗng giật mình, nhớ đến việc phái Hải Sa rắc muối độc bên ngoài tòa nhà, biết là chung quanh đều là độc diêm, mình không còn cách gì chạy ra được. Chàng nhìn quanh bốn bề, thấy bên trong cánh cửa có dựng mấy chiếc ghế dài, vội thò tay dựng hai chiếc, nhảy lên mỗi chân một bên dùng như cà khêu đi ra cửa. Thấy ba ông già kêu la thảm thiết, không ngừng lăn qua lộn lại, Du Đại Nham dùng một miếng giẻ lót tay, chộp vào hậu tâm ông già cầm đao, lênh khênh chạy ra hướng đông.
Việc xảy ra ngoài ý của bọn người phái Hải Sa, tuy trông thấy nhưng không ngăn kịp, vội tứ tán đuổi theo, kêu la om sòm, cương tiêu tụ tiễn, cùng khoảng một chục món binh khí khác đều nhắm sau lưng Du Đại Nham ném tới.
Du Đại Nham sử kình vào hai chân, đẩy mạnh vào hai chiếc ghế, vọt ra xa hơn một trượng, ám khí đều rơi vào khoảng không. Hai chân chàng móc vào hai chiếc ghế thành thử dài thêm mấy thước nên chỉ chạy bốn năm bước là đã bỏ bọn người phái Hải Sa một quãng xa. Nghe thấy tiếng người rầm rập đuổi theo, Du Đại Nham một mặt nhắc ông già kia nhảy lên, đồng thời đá mạnh hai chiếc ghế vọt về phía sau. Chỉ nghe hai tiếng bình bình, lại có ba bốn người kêu la, hiển nhiên đã bị ghế văng trúng. Vì trở ngại này, Du Đại Nham chạy thêm được mươi trượng nữa, trong tay tuy cầm thêm một người, nhưng càng lúc càng xa, phái Hải Sa không sao đuổi kịp.
Du Đại Nham chạy một hồi nghe thấy tiếng sóng ỳ ào, đằng sau không còn ai đuổi theo, mới hỏi:
- Ông thấy sao?
Ông già đó chỉ hừ một tiếng nhưng không trả lời, rồi lại rên rỉ. Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Người y dính đầy muối độc, phải rửa sạch y trước đã.? Chàng chạy xuống bãi biển, kiếm một chỗ nước nông nhúng y xuống một chập, đang toan nhắc lên, bỗng đâu một làn sóng lớn xô tới đẩy ông già lên trên mặt cát.
Du Đại Nham nói:
- Hiện giờ ông đã thoát hiểm, tại hạ có việc cần, không thể giúp ông hơn được nữa, thôi mình từ biệt nhau ở đây.
Ông già đó nhỏm dậy, lắp bắp:
- Ngươi ? ngươi ? không cướp thanh bảo đao ư?
Du Đại Nham cười:
- Bảo đao có quí, nhưng không phải của tôi, tôi lấy làm gì?
Ông già đó trong lòng thấy kỳ quái, không tin, nói:
- Ngươi quả thực trong bụng có ngụy kế gì, định lừa ta?
Du Đại Nham nói:
- Tôi với ông không thù không oán, lừa ông làm gì? Đêm nay tôi vô tình qua đây, thấy ông trúng độc bị thương nên ra tay cứu thôi.
Ông già nọ lắc đầu, hằn học nói:
- Tính mệnh ta ở trong tay ngươi, muốn giết thì cứ việc giết. Còn như muốn dùng độc thủ để gia hại ta, dù ta có chết cũng thành quỉ sứ không tha ngươi đâu.
Du Đại Nham biết rằng y bị thương rồi, thần trí không còn tỉnh táo, nên không thèm chấp, chỉ mỉm cười, đang toan bước đi, một làn sóng lớn nữa lại từ biển xô tới. Ông già đó lại rên rỉ, chỉ nằm mọp trong nước biển mà run rẩy. Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Cứu người thì cứu cho tới cùng, ông già này trúng độc không phải là nhẹ, nếu mình bỏ y ở đây, y thể nào cũng chết chìm dưới nước.? Chàng đưa tay nhắc ông già lên một cái gò nhỏ, nhìn quanh bốn bề, thấy phía đông bắc có một mỏm đá, trên đó có một căn nhà, hình dáng dường như một cái miếu, nên xách ông ta chạy đến đó. Chàng nhìn lên biển ngạch, thấy thấp thoáng ba chữ ?Hải Thần Miếu?, nên đẩy cửa bước vào, thấy cái miếu này thật là sơ sài, nền đầy bụi đất, bên trong chẳng có gì cả.
Chàng để ông già lên trên tấm gỗ đằng trước thần tượng, lần trong bọc thấy đồ đánh lửa đã bị nước biển làm ướt, mò quanh bàn thờ, tìm thấy bùi nhùi và đá lửa và một cây nến thắp dở. Đốt nến lên, chàng nhìn lại ông già thấy y mặt mày tím ngắt, hiển nhiên trúng độc rất nặng, vội lấy trong bọc ra một viên ?Thiên Tâm Giải Độc Đơn? nói:
- Ông uống viên thuốc giải độc này đi.
Ông già đó hai mắt đang nhắm nghiền, thấy chàng nói thế, mở choàng ra nhìn trừng trừng nói:
- Ta không uống thuốc độc hại người của ngươi đâu.
Du Đại Nham tâm tính thật tốt nhịn, nhưng cũng không chịu nổi, nhướng lông mày nói:
- Ngươi coi ta là hạng người gì? Môn hạ phái Võ Đương không lẽ đi hại người sao? Đây là một viên thuốc giải độc, chỉ vì ngươi trúng độc rất nặng, viên thuốc này chưa chắc đã giải cứu được đâu, nhưng ít nhất cũng giúp ngươi sống thêm được ba ngày. Ngươi mau mau đem thanh đao này giao lại cho phái Hải Sa, đổi lấy thuốc giải độc của họ.
Ông già đó bỗng đứng lên, gay gắt nói:
- Cái gì chứ lấy đao Đồ Long của ta thì không thể được.
Du Đại Nham nói:
- Tính mệnh của ngươi chẳng còn, có bảo đao cũng để làm gì?
Ông già đó quyết liệt nói:
- Ta thà chết thì thôi, chứ thanh đao Đồ Long này là của ta.
Nói rồi y ôm thanh đao lên, áp má vào sống đao, trông hết sức yêu quí, tay kia cầm viên thuốc ?Thiên Tâm Giải Độc? nuốt vào bụng. Du Đại Nham thấy hiếu kỳ, toan hỏi vài câu xem thử thanh đao này có cái gì quí giá, nhưng nhìn lại hai mắt lão già thấy đầy nét tham tàn hung ác, trông như con thú muốn vồ người ăn thịt, bỗng thấy chán ghét cùng cực, xoay mình toan đi ra. Bỗng nghe ông già hậm hực nói:
- Đứng lại, ngươi định đi đâu thế?
Du Đại Nham cười:
- Ta đi đâu việc gì đến ngươi?
Nói rồi chàng cất bước đi ra. Đi được vài bước nghe thấy ông già nọ khóc òa lên, Du Đại Nham quay đầu lại, hỏi:
- Ngươi khóc gì thế?
Ông già nói:
- Ta trăm cay nghìn đắng mới lấy được thanh đao Đồ Long này, nhưng chỉ trong khoảnh khắc tính mệnh cũng không còn, có bảo đao để làm gì?
Du Đại Nham hừ một tiếng:
- Trừ việc ngươi đem đao đổi lấy thuốc giải độc của phái Hải Sa ra không còn cách nào khác nữa.
Ông già vẫn khóc òa:
- Nhưng bảo ta bỏ nó thì không được, ta không bỏ nó được.
Thần thái của y trong cái sợ hãi có thêm ba phần hoạt kê. Du Đại Nham muốn cười nhưng không cười nổi, một lát sau mới nói:
- Người học võ toàn do công phu bản thân để khắc địch chế thắng, trượng nghĩa hành đạo, để lại tiếng thơm cho đời sau. Bảo đao bảo kiếm chỉ là bên ngoài, được cũng chẳng đáng vui, mà mất cũng chẳng đáng buồn, lão trượng việc gì phải lo lắng đến thế?
Ông già đó giận dữ nói:
- Võ lâm chí tôn, bảo đao Đồ Long, hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tòng![1] Câu nói đó ngươi đã nghe tới bao giờ chưa?
Du Đại Nham không nhịn được cười, hỏi lại:
- Câu đó lẽ dĩ nhiên tôi đã nghe nói tới, sau đó còn hai câu nữa, gì gì ?Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh phong?[2]? phải không? Đó là nói về chuyện một đại sự kinh thiên động địa trong võ lâm mấy mươi năm trước, chứ đâu phải nói về bảo đao nào đâu.
Ông già đó lại hỏi:
- Thế đại sự kinh thiên động địa đó là cái gì?
Du Đại Nham nói:
- Đó là chuyện năm xưa Thần Điêu đại hiệp Dương Quá giết được hoàng đế Mông Cổ Mông Kha, làm hả cơn giận cho người Hán chúng ta. Từ đó, Dương đại hiệp ra lệnh gì, anh hùng trong thiên hạ ?không thể không theo?. ?Long? đây chỉ hoàng đế Mông Cổ, ?Đồ Long? có nghĩa là giết hoàng đế Mông Cổ, chứ trên đời này làm gì có con rồng thật đâu?
Ông già cười khẩy:
- Ta hỏi ngươi, năm xưa Dương Quá đại hiệp dùng binh khí gì thế nhỉ?
Du Đại Nham sững người, nói:
- Tôi nghe sư phụ nói rằng, Dương đại hiệp cụt một cánh tay, bình thời không dùng binh khí nào cả.
Ông già hỏi lại:
- Thế ư! Vậy Dương đại hiệp giết hoàng đế Mông Cổ bằng cách nào?
Du Đại Nham nói:
- Ông ấy dùng đá ném chết Mông Kha, thiên hạ ai ai chẳng biết chuyện ấy.
Ông già thật là đắc ý, nói:
- Dương đại hiệp bình thời không dùng kinh khí, giết hoàng đế Mông Cổ thì dùng đá ném, vậy bốn chữ ?bảo đao Đồ Long? kia ở đâu ra?
Câu hỏi đó khiến cho Du Đại Nham không sao trả lời được, một hồi sau mới nói:
- Cái đó chắc là trong võ lâm thuận mồm mà nói cho xuôi, chứ chẳng lẽ nói ?thạch đầu Đồ Long? ư, nghe chối tai làm sao?
Ông già lại cười nhạt:
- Cưỡng từ đoạt lý, nói lấy được thôi. Ta hỏi ngươi thêm, thế còn ?Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh phong? hai câu đó giải nghĩa thế nào cho phải?
Du Đại Nham trầm ngâm một hồi, nói:
- Tôi không biết. Ỷ Thiên có lẽ là một người nào đó chăng? Nghe nói Dương đại hiệp học võ công từ bà vợ ông ấy, chắc Ỷ Thiên là tên của phu nhân, hay cũng có thể là chỉ Quách Tĩnh đại hiệp tử thủ thành Tương Dương.
Ông già nói:
- Thế à. Ta xem chừng ngươi không biết gì cả, chỉ nói nhăng nói cuội thôi. Để ta cho ngươi hay, Đồ Long là tên thanh đao, chính là thanh đao này. Ỷ Thiên là tên một thanh kiếm, gọi là Ỷ Thiên kiếm. Sáu câu đó ý nghĩa như sau: ?Trong võ lâm vật cao quí hơn cả là thanh đao Đồ Long, ai có được thanh đao đó, không kể ra bất cứ lệnh lạc gì, anh hùng hảo hán trong thiên hạ đều phải nghe theo mà hành động cả. Nếu như thanh kiếm Ỷ Thiên không xuất hiện, Đồ Long đao là khí giới sắc bén hơn hết.?
Du Đại Nham nửa tin nửa ngờ, nói:
- Ông đưa thanh đao tôi xem, có cái gì thần kỳ?
Ông già đó ôm chặt thanh đơn đao, cười khẩy:
- Bộ ngươi tưởng ta là đứa trẻ lên ba ư? Định lừa ta để lấy đao hả?
Y sau khi trúng độc vốn dĩ thần suy lực kiệt, chỉ nhờ uống viên thuốc giải độc Du Đại Nham đưa cho, nên mới phấn chấn được một chút, lúc này lại cố gượng sức nên lại rên rỉ luôn mồm. Du Đại Nham cười:
- Không cho tôi xem thì thôi. Ông có bảo đao Đồ Long trong tay, nhưng có ra lệnh cho ai được đâu? Chẳng lẽ tôi thấy ông ôm thanh đao đó là tôi phải nghe lệnh ông sao? Nghe thật là tức cười, ông đang mạnh khỏe bình thường, nghe những lời nói vu vơ ở đâu, bây giờ sắp chết đến nơi, vậy mà còn mê man không tỉnh ngộ. Nếu ông không ra lệnh cho tôi được, đủ biết thanh đao này chẳng có chỗ nào gọi là kỳ lạ.
Ông già đó ngẩn ngơ một hồi, không nói nên lời, một lúc lâu sau mới nói:
- Này lão đệ, hai người mình đính ước với nhau, ngươi cứu mạng ta, ta sẽ đem những gì lợi lộc thu được từ thanh đao này chia cho ngươi một nửa.
Du Đại Nham ngửng đầu cười lớn, nói:
- Lão trượng, ông xem thường phái Võ Đương chúng tôi quá. Cứu khổn phò nguy, đó là bổn phận của chúng tôi, chứ đâu phải mong chuyện báo đáp? Trên người ông nhiễm đầy muối độc, tôi cũng không biết độc dược đó là loại gì, ông nên đi kiếm phái Hải Sa mà cầu cứu.
Ông già nói:
- Thanh đao này chính là chúng tôi ăn cắp của phái Hải Sa, họ hận tới xương tủy, đâu có chịu cứu tôi?
Du Đại Nham nói:
- Thì ông cứ giao hoàn lại thanh đao, oán cừu tự nhiên sẽ cởi, bọn họ còn giết ông làm gì?
Ông già nói:
- Ta xem ngươi võ công cao siêu lắm, hãy đến phái Hải Sa lấy trộm thuốc giải ra đây cứu ta.
Du Đại Nham nói:
- Một là tôi đang có việc gấp, không thể trì hoãn, hai là chính ông đi ăn trộm của người ta, làm điều trái trước, lẽ nào tôi lại điên đảo thị phi? Lão trượng, ông mau mau đi kiếm phái Hải Sa đi, đừng chậm trễ nữa, độc tính phát ra, không cứu kịp đâu.
Ông già đó thấy chàng lại dợm bước toan bỏ đi, vội nói:
- Khoan đã, để ta hỏi ngươi thêm một câu, khi ngươi xách ta lên, thấy có cái gì khác thường không?
Du Đại Nham nói:
- Tôi thấy có điều kỳ quái, thân thể ông gầy yếu ốm o, nhưng phải nặng đến hai trăm cân, không biết vì duyên cớ gì, lại cũng không thấy ông mang gì nặng trên người cả.
Ông già đó bỏ thanh đao xuống đất, nói:
- Bây giờ ngươi thử nhắc ta lên xem nào?
Du Đại Nham nắm vai ông ta nhắc lên, thấy tay nhẹ bỗng, chỉ độ chừng tám mươi cân là cùng, chợt hiểu ra: ?Hóa ra cái thanh đơn đao nhỏ bé này, lại nặng tới hơn một trăm cân, quả thực là cổ quái, không như những võ khí thường.?
Chàng đặt ông già xuống, nói:
- Thanh đao này quả thực là nặng.
Ông già lại ôm chặt thanh đao vào người, nói:
- Không phải chỉ nặng mà thôi đâu. Này lão đệ, ngươi họ Du hay họ Trương?
Du Đại Nham đáp:
- Tôi họ Du, thảo tự là Đại Nham, sao lão trượng lại biết?
Ông già đáp:
- Trương chân nhân của phái Võ Đương thu bảy người đệ tử, trong Võ Đương thất hiệp thì Tống đại hiệp phải khoảng bốn mươi, Ân, Mạc hai vị chưa đến hai mươi, còn lưỡng hiệp thứ hai, thứ ba họ Du, lưỡng hiệp thứ tư, thứ năm họ Trương, trong võ lâm ai ai cũng biết cả. Hóa ra là Du tam hiệp, thảo nào công phu cao siêu đến thế. Võ Đương thất hiệp uy chấn thiên hạ, hôm nay được gặp, quả thực danh bất hư truyền.
Du Đại Nham tuy tuổi tác chưa lớn, nhưng lịch duyệt giang hồ đã nhiều, thấy y giở trò nịnh nọt, biết rằng chỉ vì muốn cầu mình giúp đỡ, trong lòng càng thêm chán ghét, hỏi lại:
- Lão trượng tôn tính đại danh là gì?
Ông già đáp:
- Tiểu lão nhi họ Đức, tên một chữ Thành. Bạn bè ở Liêu Đông tặng cho tôi một cái ngoại hiệu, gọi là Hải Đông Thanh.
Hải đông thanh là tên của một giống chim ưng lớn ngoài Liêu Đông, hung ác lắm, chuyên bắt các con thú nhỏ để ăn, là một mãnh cầm trứ danh ở quan ngoại. Du Đại Nham chắp tay:
- Ngưỡng mộ đã lâu, ngưỡng mộ đã lâu.
Nói rồi ngửng đầu nhìn trời xem xét. Đức Thành biết chàng muốn đi, không đem đại lợi ra nhử sẽ không nhờ cứu mệnh mình được, nên nói:
- - Ngươi không biết nghĩa sâu xa của câu "hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tòng". Tám chữ đó không phải chỉ là ai cầm thanh Đồ Long đao này mở miệng ra lệnh thì mọi người phải nghe theo. Không phải vậy, không phải vậy, nghĩ thế là hoàn toàn sai.
Y vừa nói tới đây, Du Đại Nham mặt hơi biến sắc, tay phải vẫy một cái, nghe một tiếng phụp nhỏ, ngọn nến trên bàn thần tượng tắt ngay, hạ giọng nói nhỏ:
- Có người đến đấy.
Đức Thành nội công so với chàng kém nhiều, nên không nghe thấy tiếng động nào, còn đang trù trừ, bỗng thấy từ xa có mấy tiếng còi, lại có người nói lao xao, chạy về phía miếu. Đức Thành hoảng sợ nói:
- Địch nhân đuổi tới rồi, mình mau mau theo lối sau chạy đi.
Du Đại Nham nói:
- Đằng sau cũng có người rồi.
Đức Thành nói:
- Chẳng biết ?
Du Đại Nham nói:
- Đức lão trượng, bọn người đến đây là phái Hải Sa, ông nên hỏi họ thuốc giải độc. Tại hạ không muốn dây dưa vào chuyện này làm gì.
Đức Thành vươn tay trái ra chụp lấy cổ tay chàng, run run nói:
- Du tam hiệp, ông đừng bỏ tôi, đừng ?
Du Đại Nham thấy năm ngón tay y lạnh như băng, bấu chặt vào da thịt mình, nên xoay cổ tay một cái, dùng nửa chiêu ?Cửu Chuyển Đơn Thành?, vòng nửa vòng, đã thoát ra khỏi tay y.
Bấy giờ nghe tiếng chân người rầm rập, chạy đã đến bên ngoài miếu. Nghe bình một tiếng, có người đã đá toang cửa miếu, kế đó nghe tiếng loạt soạt, trong đêm tối có vật gì nho nhỏ ném vào. Du Đại Nham rụt người, nhảy vào sau tượng hải thần bồ tát. Chỉ nghe Đức Thành ?A? lên một tiếng nho nhỏ, lại nghe loạt soạt, ám khí đã trúng người y, rồi rơi xuống đất.
Ám khí đó hết lượt này đến lượt khác, liên tiếp ném vào không ngớt. Du Đại Nham nghĩ thầm:
- Đây là muối độc của phái Hải Sa.
Lại nghe thấy tiếng lách cách trên nóc nhà, đã có người nhảy lên gỡ ngói ra, lại ném độc diêm từ trên xuống.
Du Đại Nham đã thấy người áo trắng cùng Trường Bạch Tam Cầm bị trúng muối độc, người áo trắng tuy võ công cao cường như thế, nhưng vừa trúng độc đã phải kêu la thảm thiết bỏ chạy ngay, đủ biết loại này lợi hại như thế nào. Trong cái miếu nhỏ, độc diêm bay tứ tán, biết rằng chỉ trong giây lát, không thể nào không trúng mình, trong tình hình nguy cấp, chàng liền đấm mấy cái vỡ lưng pho tượng, co mình chui vào nằm bên trong bụng, lập tức thành một cái áo dày bằng đất, muối độc tuy nhiều, nhưng không sao trúng chàng được.
Chỉ nghe bên ngoài người của phái Hải Sa bắt đầu bàn bạc với nhau:
- Tên đó không nghe tiếng gì, chắc mê man rồi.
- Tên trẻ tuổi kia tay chân đáng ngại lắm, chi bằng chờ thêm một chốc, việc gì phải gấp gáp?
- Sợ rằng gã đã đi mất đâu rồi không còn trong hải thần miếu nữa.
Chỉ nghe một người kêu lên:
- Này, tên chó chết kia, mau mau ra đầu hàng đi.
Trong khi đang hỗn loạn, bỗng nghe từ xa có tiếng vó ngựa, chừng mươi con khoái mã ở đâu chạy tới. Trong tiếng chân ngựa, bỗng nghe có người lớn tiếng nói:
- Nhật nguyệt quang chiếu, ưng vương triển sí.[3]
Người phái Hải Sa ở bên ngoài miếu lập tức im lặng không một tiếng động, một lát sau, có tiếng run run:
- Đây là Thiên ?. Thiên Ưng giáo, bọn mình chạy mau ?
Nói chưa dứt lời, vó ngựa đã ngừng ngay trước miếu. Phái Hải Sa có người rụt rè:
- Chạy không kịp đâu.
Nghe thấy tiếng chân rầm rập, mấy người đã chạy vào trong miếu. Du Đại Nham ẩn bên trong bụng pho tượng, thấy hình như có ánh sáng, đoán chừng người đi vào mang theo đèn lồng. Một lát sau, có người hỏi:
- Các ngươi có biết bọn ta là ai không?
Trong phái Hải Sa có mấy người cùng đáp:
- Biết, biết, các vị là bằng hữu trong Thiên Ưng giáo.
Người kia lại nói:
- Vị này là Thiên Thị Đường Lý đường chủ trong Thiên Ưng giáo. Lão nhân gia lâu nay không ra ngoài, hôm nay các ngươi vận số may mắn lắm, mới gặp được. Lý đường chủ hỏi các ngươi, Đồ Long đao ở đâu, mau mau đưa ra, Lý đường chủ mở lòng từ bi, bọn ngươi sẽ không mất mạng.
Nghe thấy một người trong phái Hải Sa đáp:
- Chính y ? y ăn trộm đem ra đây, chúng tôi đuổi vừa tới, Lý ? đường chủ ?
Người của Thiên Ưng giáo lại nói:
- Hừm, thanh đao Đồ Long đâu?
Câu hỏi đó hiển nhiên là hỏi Đức Thành. Đức Thành không trả lời, bỗng nghe một tiếng huỵch, có người ngã xuống đất. Mấy người khác kêu lên:
- -???? Ối chà.
Người Thiên Ưng giáo nói:
- Y chết rồi, mau tra xét trong người y xem.
Lại nghe có tiếng áo quần loạt soạt, tiếng thân người lật qua lại. Người của Thiên Ưng giáo nói:
- Bẩm báo đường chủ, trong thân gã này không có gì lạ.
Tên đầu lĩnh của phái Hải Sa run run nói:
- Lý đường ... đường chủ, rõ ràng là gã này ăn trộm bảo đao ... chính y ..., chúng tôi quyết không dám dấu diếm ...
Nghe giọng của y, hiển nhiên y bị nhãn quang của Lý đường chủ uy hiếp, sợ quá nên không còn hồn vía nào. Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Thanh đao đó rõ ràng Đức Thành ôm ở trong tay, sao lại không thấy nhỉ??
Chỉ thấy gã trong Thiên Ưng giáo nói tiếp:
- Các ngươi nói là y ăn trộm thanh đao đem ra đây, sao không thấy đâu cả? Chắc là chúng bay đã lén dấu đi rồi. Nếu đã thế, người nào nói thật ra, Lý đường chủ sẽ tha cho người đó. Trong cả bọn các ngươi, chỉ một người được sống thôi, ai nói trước, người đó khỏi chết.
Trong miếu lặng yên, một hồi sau, tên đầu lĩnh phái Hải Sa mới nói:
- Lý đường chủ, quả thật chúng tôi không biết, nếu như Thiên Ưng giáo đã đòi, chúng tôi đâu dám giữ ?
Lý đường chủ chỉ ?hừ? một tiếng, không trả lời. Gã hạ thuộc lại nói:
- Ai trả lời trước, người đó được sống.
Lại thêm một lát nữa, trong phái Hải Sa không ai nói gì. Bỗng nhiên một người kêu lên:
- Chúng tôi tới trước để đoạt đao, nhưng còn đứng bên ngoài chưa vào, các ông đã đến rồi. Chính các ông Thiên Ưng giáo vào trong miếu trước, làm sao chúng tôi có đao được? Nếu các ông không tin, đằng nào cũng chết, hôm nay quyết thí mạng. Vật đó có phải của Thiên Ưng giáo đâu, sao lại ép uổng bá đạo, xem ra ?
Nói chưa dứt lời, nghe một tiếng bịch, hình như y đã chết rồi. Lại nghe một người run rẩy đáp:
- Có một tên chừng ba mươi tuổi, cứu lão già này ra, người đó khinh công rất cao, bây giờ không biết đi đâu, bảo đao có lẽ y cướp đi rồi.
Lý đường chủ nói:
- Xét trên người bọn chúng xem sao.
Mấy người cùng lên tiếng đáp, chỉ nghe thấy trong điện có tiếng sột soạt, có lẽ là tiếng động do bọn Thiên Ưng giáo đang xét người phái Hải Sa. Lý đường chủ nói:
- Có lẽ gã đó lấy mất thật rồi. Thôi mình đi.
Lại nghe thấy tiếng bước chân bọn người Thiên Ưng giáo ra khỏi miếu, rồi nghe tiếng vó ngựa đi về phía đông bắc mỗi lúc một xa hơn. Du Đại Nham không muốn ẩn thân trong bụng thần tượng chật hẹp này lâu hơn nữa, chỉ chờ phái Hải Sa đi khỏi là chui ra. Thế nhưng một lúc lâu sau vẫn không nghe động tĩnh gì, tưởng chừng cả bọn phái Hải Sa bỗng dưng biến mất. Chàng từ sau thần tượng thò đầu ra thăm dò, thấy hơn hai chục tên diêm kiêu đứng sừng sững không động đậy, có lẽ đã bị người ta điểm trúng huyệt đạo.
Chàng từ trong bụng tượng đất nhảy ra, lúc ấy những ngọn đuốc dưới đất cũng còn cháy lập lòe nên bên trong miếu vẫn còn sáng, nhưng Du Đại Nham thấy những người của phái Hải Sa mặt mày thật dễ sợ, nghĩ thầm:
- Thiên Ưng giáo này không biết là giáo phái nào, sao mình chưa từng nghe đến? Bọn phái Hải Sa vốn dĩ cũng đâu phải hiền lành gì, sao vừa gặp người của Thiên Ưng giáo đã bị trói chân trói tay, quả thực đúng là vỏ quít dày gặp móng tay nhọn.
Chàng thò tay vỗ vào huyệt Hoa Cái của người đứng kế bên để giải huyệt cho y.
Nào ngờ chàng dùng lực khá mạnh nhưng người đó vẫn đứng trơ trơ, vội đưa tay thăm mũi y thì không còn thở nữa, hóa ra đã bị điểm vào tử huyệt. Chàng đi soát quanh một vòng, hơn hai chục người của phái Hải Sa đều chết đứng, chỉ còn một người nằm còng queo dưới đất, thở hổn hển, là người nói sau cùng, đã được tha cho khỏi chết. Du Đại Nham vừa kinh hoàng, vừa nghi ngại: ?Khi Thiên Ưng giáo hạ độc, không thấy tiếng động gì cả, thủ pháp đó quả thực quái dị âm độc.?
Chàng đỡ gã diêm kiêu chưa chết kia lên, hỏi:
- Thiên Ưng giáo là giáo phái nào thế? Giáo chủ của họ là ai?
Hỏi luôn mấy câu, người đó chỉ trợn trắng mắt ra, thần sắc đờ đẫn. Du Đại Nham vội cầm tay y, chỉ thấy mạch chạy tán loạn, biết rằng tính mệnh tuy không chết, nhưng đã bị người ta dùng trọng thủ đánh đứt một số kinh mạch, thành người ngớ ngẩn.
Lúc này chàng không còn sợ mà trở nên giận dữ, nghĩ thầm: ?Bọn Thiên Ưng giáo này sao hạ độc quá ư tàn nhẫn?? Nhưng nghĩ đối phương võ công cực cao, mình chỉ có một thân, không thể nào địch lại, chi bằng trước là về lại núi Võ Đương bẩm lại sư phụ xin ý kiến, xét cho rõ lai lịch của bọn Thiên Ưng giáo rồi sẽ tính sau.
Du Đại Nham thấy mặt đất đầy những muối độc trắng xóa như tuyết, nghĩ thầm: ?Sớm muộn gì cũng có dân chúng vào đây, vô tình không biết thể nào cũng bị tai ương. Dọn dẹp muối độc và chôn cất những xác chết này quả thực khó khăn, chi bằng đốt luôn cái miếu hải thần này cho khỏi hậu họa.? Nghĩ thế chàng kéo người bị chấn động kinh mạch ra ngoài, rồi quay trở vào thấy hơn hai mươi người chết đứng đầy trong điện, hình dáng thật là kỳ bí, lại thấy bên cạnh bàn thờ có một người phủ phục, trên lưng có vết máu chảy. Du Đại Nham hơi kỳ quái, nắm cổ áo người đó định kéo ra xem, thấy khác thường đến nỗi đẩy chàng ngã về phía trước. Chàng tự hỏi sao thân hình y cũng chỉ bình bình, không to béo gì, sao lại nặng nề như thế?
Nhìn kỹ hơn, thấy trên lưng y có một vết thương dài, Du Đại Nham đưa tay vào vết thương xem thử, thấy lạnh như băng, lôi ra một thanh đao, nặng ít nhất cũng phải hơn một trăm cân. Đó chính là đao Đồ Long mà bao nhiêu người tranh đoạt đến mất mạng. Chàng chỉ suy nghĩ một tí biết ngay nguyên do: Đức Thành khi sắp chết đã cả đao lẫn người ngã xuống, chém ngay vào lưng một tên diêm kiêu phái Hải Sa. Thanh đao đó vừa nặng vừa sắc bén, chỉ rơi xuống đã đâm lút vào trong cơ thể. Thiên Ưng giáo khi tra xét người bọn phái Hải Sa đã không tìm thấy.
Du Đại Nham chống đao đứng nhìn bốn bề, cảm thấy bâng khuâng, nghĩ thầm: ?Con đao này có thực sự là võ lâm chí bảo hay không, khó mà biết được, nhưng xem ra là một vật chẳng lành, Hải Đông Thanh Đức Thành cùng bao nhiêu người của phái Hải Sa cũng vì nó mà táng mạng. Trước mắt chỉ còn cách đem về trình cho sư phụ để xem lão nhân gia định đoạt thế nào.?
Nghĩ thế chàng nhặt một mồi lửa dưới đất châm lên mái nhà, đợi đến lúc lửa đã bén lên mới ra khỏi miếu. Chàng lau sạch thanh Đồ Long đao, bên ánh lửa xem lại cho kỹ. Thanh đao đó đen sì, chẳng phải sắt cũng không phải vàng, không biết bằng kim loại gì, trước đã bị Trường Bạch Tam Cầm nung như thế nhưng không hề suy suyển, quả là dị vật. Du Đại Nham lại nghĩ: ?Thanh đao này nặng nề như thế khi đối địch làm sao có thể thi triển chiêu thức? Quan vương gia[4] thần lực hơn người, nhưng Thanh Long yển nguyệt đao cũng chỉ nặng tám mươi mốt cân.?
Chàng gói đao vào bọc, hướng về phía thi thể Đức Thành khấn thầm:
- Đức lão trượng, tôi không phải là tham thanh đao này, nhưng đao này là một dị vật trong thiên hạ, nếu rơi vào tay kẻ ác, có khác gì hùm thêm cánh, ắt là di họa cho người đời. Sư phụ tôi vốn là người chí công, lão nhân gia ắt sẽ có cách xử trí cho tốt đẹp.
Chàng buộc bao lên lưng, rảo bước về hướng bắc, chỉ trong nửa tiếng đã đến bờ sông. Dưới ánh trăng mờ, mặt nước long lanh, lấp loáng tưởng như sao rụng đầy sông. Chàng nhìn quanh một vòng không thấy một bóng thuyền nào. Nước sông xuôi về hướng nam, chàng đi theo dòng độ chừng một bữa cơm, thấy trước mặt có ánh đèn lấp lánh, một chiếc thuyền chài đậu cách bờ chừng vài trượng đang giăng câu. Du Đại Nham kêu lớn:
- Anh đánh cá ơi, làm ơn giúp tôi qua sông, tôi xin hậu tạ.
Thế nhưng chiếc thuyền đó cách bờ quá xa, người trên thuyền dường như không nghe thấy, nên không động tĩnh gì. Du Đại Nham hít một hơi, vận sức kêu lên, tiếng chàng vang ra thật xa.
Một lúc sau, bỗng thấy từ trên thượng lưu một chiếc thuyền nhỏ xuôi dòng, ghé vào bờ. Người lái đò kêu lên:
- Khách quan muốn qua sông phải không?
Du Đại Nham mừng đáp:
- Chính thế, phiền anh chèo đò giúp cho.
Người thuyền chài nói:
- Xin mời ông xuống thuyền.
Du Đại Nham tung mình nhảy lên, đầu thuyền chìm hẳn xuống. Người lái đó kinh sợ, nói:
- Ông mang gì mà nặng thế?
Du Đại Nham cười:
- Có gì đâu, tại thân thể tôi hơi đẫy đà, khai thuyền đi thôi.
Chiếc thuyền dựng buồm lên, thuận nước, thuận gió, đi chéo thật nhanh về hướng đông bắc để qua sông. Được độ hơn một dặm, nghe xa xa có tiếng sấm ầm ầm vang đến, Du Đại Nham nói:
- Bác lái đò ơi, xem chừng mưa lớn đến nơi chăng?
Người lái đó cười:
- Đấy là thủy triều ban đêm ở sông Tiền Đường, cứ theo nước triều mà đi, chỉ chớp mắt thôi là đến bên kia bờ, nhanh lắm.
Du Đại Nham nhìn về hướng đông, thấy ở chân trời một làn nước trắng xóa ùn ùn kéo tới. Tiếng thủy triều mỗi lúc một thêm vang, chẳng khác gì tiếng quân reo ngựa hí. Sóng sông đổ ào, từ xa một bức tường nước xô tới. Chàng nghĩ thầm: ?Trời đất sao có cảnh hùng tráng đến thế này, hôm nay mình thật là mở mắt, cũng bõ cho những cay đắng phải trải qua.?
Chàng còn đang say sưa ngắm cảnh, bỗng thấy một chiếc thuyền dương buồm chạy đến, trên buồm trắng vẽ một con chim ưng lớn màu đen, hai cánh giang ra, tưởng như đang muốn chồm tới vồ mồi. Du Đại Nham nghĩ ngay đến Thiên Ưng giáo nên vội chuẩn bị đề phòng. Đột nhiên, gã lái đò nhảy phắt lên, rơi ùm xuống nước, không còn thấy tung tích y đâu nữa. Chiếc thuyền nhỏ không ai chèo chống, sóng vừa đánh tới đã xoay vòng vòng. Du Đại Nham vội nhảy ra phía sau bẻ lái, thì ngay lúc đó, chiếc thuyền buồm có thêu con hắc ưng kia đã lao vào nghe bình một cái. Đầu chiếc thuyền đó có bịt thép nên vừa đụng chiếc thuyền con đã vỡ ngay một lỗ lớn, nước sông theo đó đổ vào như trút. Du Đại Nham vừa sợ, vừa tức:
- Bọn Thiên Ưng giáo các ngươi gian ác thật. Hóa ra gã lái đó là người của các ngươi, đánh lừa ta như thế này.
Chàng thấy chiếc thuyền nhỏ không còn có thể dùng được nữa nên tung mình nhảy lên, nhắm mũi chiếc thuyền buồm kia hạ xuống. Nào ngờ ngay lúc đó có một làn sóng lớn vừa kéo đến, lắc mạnh chiếc thuyền buồm khiến đầu thuyền bị đẩy lên cao hơn một trượng. Du Đại Nham đang ở trên không, chiếc thuyền kia vừa nhô lên nên chàng rơi ngay ra ngoài khoang. Trong tình thế nguy cấp, chàng hít một hơi chân khí, tay trái đánh một chưởng vào mạn thuyền, mượn sức, hay cánh tay đẩy một cái, thi triển khinh công ?Thê Vân Túng?, lại vọt lên hơn một trượng, rơi xuống trở lại mũi thuyền buồm.
Chàng thấy cửa vào khoang thuyền vẫn đóng chặt, không một bóng người. Du Đại Nham kêu lớn:
- Có phải bằng hữu của Thiên Ưng giáo chăng?
Chàng gọi luôn mấy bận, trong thuyền không thấy ai đáp lời nên đẩy vào cửa khoang thuyền, thấy lạnh ngắt, hóa ra cánh cửa đó đúc bằng sắt, không nhúc nhích gì. Du Đại Nham vận sức vào hai cánh tay, quát lên một tiếng, hai chưởng đánh ra, chỉ nghe lách cách, cánh cửa không mở nhưng bản lề hai bên đã bị đánh gãy. Cửa sắt đã rung rinh nên chỉ thêm một chưởng nữa liền tung ra.
Chàng nghe thấy trong khoang thuyền tiếng một người nói:
- Khinh công Thê Vân Túng và chưởng lực Chấn Sơn Chưởng của phái Võ Đương, quả nhiên không phải là hư danh. Du tam hiệp, xin ông để con đao Đồ Long trên lưng lại, chúng tôi sẽ tiễn ông qua sông.
Lời nói tuy có vẻ khách khí nhưng ngữ khí mười phần ngạo mạn, tưởng như ra lệnh không bằng. Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Tại sao y biết được tên mình nhỉ??
Người kia lại nói tiếp:
- Du tam hiệp, trong bụng ông thấy lạ, tại sao tôi lại biết tên ông, phải không? Thực ra không có gì là khó hiểu, Thê Vân Túng và Chấn Sơn Chưởng, trừ những cao thủ của phái Võ Đương, làm sao có ai sử được xuất thần nhập hóa như thế? Du tam hiệp đến Giang Nam, Thiên Ưng giáo chúng tôi là địa chủ, trên đường đi không tiếp đãi chào hỏi, xin thứ lỗi cho.
Du Đại Nham không biết phải trả lời sao cho phải, chỉ nói:
- Cao tính đại danh của tôn giá là gì, xin hiện thân để cho được gặp mặt.
Người kia đáp:
- Thiên Ưng giáo cùng quí phái vô thân vô cố, không oán không cừu, không gặp nhau thì tốt hơn. Xin du tam hiệp để thanh đao Đồ Long tại đầu thuyền, chúng tôi xin đưa ông qua sông.
Du Đại Nham bừng bừng nổi giận, nói:
- Thanh đao Đồ Long này là của quí giáo chăng?
Người kia đáp:
- Cái đó không phải. Đao này là võ lâm chí tôn, kẻ học võ trong thiên hạ, ai ai chẳng muốn có nó trong tay.
Du Đại Nham nói:
- Chính thế, đao này bây giờ rơi vào tay tại hạ, nên phải đem về núi Võ Đương cho sư tôn phát lạc, tại hạ không được quyền tự tiện.
Người kia nói thêm mấy câu nho nhỏ, thanh âm như muỗi vo ve, Du Đại Nham nghe không rõ, hỏi lại:
- Ngươi nói gì thế?
Lúc ấy một ngọn sóng lớn đánh tới, nâng bổng chiếc thuyền buồm lên, Du Đại Nham thấy trên ngực và đùi mình, bỗng như bị muỗi cắn. Lúc ấy đang vàng đầu mùa xuân, làm gì có muỗi, nhưng chàng không để ý, lại lớn tiếng nói:
- Quí giáo chỉ vì một thanh đao mà giết bao nhiêu nhân mạng, trong miếu hải thần còn thi thể mấy chục người, không khỏi hạ thủ quá tàn nhẫn.
Người trong khoang thuyền đáp:
- Thiên Ưng giáo trước nay hạ thủ có nặng có nhẹ, với kẻ ác thì ra tay nặng, với người tốt thì ra tay nhẹ. Du tam hiệp danh chấn giang hồ, chúng tôi không muốn hại đến tính mệnh. Ông hãy để thanh đao Đồ Long lại, tại hạ xin dâng lên giải dược cho Văn Tu Châm[5].
Du Đại Nham nghe thấy ba chữ Văn Tu Châm, giật nảy người, vội lấy tay ấn vào những chỗ vừa bị muỗi đốt trên ngực, trên đùi, chỉ thấy hơi ngứa, quả thực là cảm giác mới bị côn trùng cắn, nhưng nghĩ lại liền tỉnh ngộ: ?Y cố tình nói mơ hồ, nhỏ giọng để dụ ta tới gần, thừa cơ ném ám khí nhỏ bé này.? Nghĩ đến bọn diêm kiêu phái Hải Sa sợ Thiên Ưng giáo như rắn rết, ám khí này ắt là tàn độc vô cùng, trước mắt phải làm sao bắt được y, ép y phải đưa cho mình giải dược cứu trị, nên chàng hừ một tiếng, tay trái che mặt, tay phải bảo vệ ngực, tung mình nhảy vào trong khoang thuyền.
Chân chưa chạm đất, trong bóng tối bỗng thấy kình phong ùa vào mặt, người trong thuyền đã múa chưởng đánh ra. Du Đại Nham tay phải đánh ra, trong cơn thịnh nộ, chưởng này sử đến mười thành công lực. Hai bên song chưởng đụng nhau, nghe bình một tiếng, người trong thuyền bị đánh bật về phía sau, nghe tiếng loảng xoảng, làm đổ vỡ không biết bao nhiêu bàn ghế.
Du Đại Nham cũng thấy lòng bàn tay đau nhói. Nguyên lai khi hai người giao chưởng, trong bàn tay người kia có dấu vật gì nhọn sắc, nên khi đụng nhau, vật đó liền xuyên thủng bàn tay Du Đại Nham. Đối phương tuy bị chàng đánh trúng bị thương không nhẹ, nhưng trong bóng tối không biết phía địch đông người, ít người ra sao, chàng không dám mạo hiểm xông lên bắt người, nên vội lui ra ngoài đầu thuyền.
Chỉ nghe người kia ho húng hắng mấy tiếng, nói:
- Du tam hiệp chưởng lực kinh người, quả nhiên không phải tầm thường, bội phục a bội phục. Thế nhưng Thất Tinh Đinh trong tay tại hạ cũng có chỗ dùng, thành ra chúng mình kẻ nửa cân, người tám lượng, lưỡng bại câu thương.[6]
Du Đại Nham vội vàng lấy mấy viên Thiên Tâm Giải Độc Đơn ra uống ngay, cởi bao ra, lấy thanh đao Đồ Long, hai tay cầm cán, nghe vù một tiếng, chém tạt ngang. Chỉ nghe xoẹt một tiếng nhỏ, thanh đao này quả nhiên sắc bén lạ thường, đã chặt cái cửa sắt ra làm hai. Chàng chém liên tiếp bảy tám nhát, tấm cửa sắt gặp phải bảo đao chẳng khác gì làm bằng giấy, bằng rơm, người trong khoang thuyền phải nhảy lùi lại phía sau, kêu lên:
- Ngươi liên tiếp trúng hai loại độc, còn hung hăng nữa ư?
Du Đại Nham múa đao chém tới, phạt ngang lưng người kia. Người kia thấy thế đến hung mãnh, thuận tay cầm một cái neo sắt lên đỡ, nghe soẹt một tiếng nhỏ, cái neo đã đứt làm đôi khiến y phải nhảy vọt qua một bên, kêu lên:
- Ngươi muốn tính mệnh hay muốn bảo đao?
Du Đại Nham nói:
- Được rồi, ngươi đưa giải dược cho ta, ta đưa bảo đao cho ngươi.
Khi ấy chàng thấy những chỗ trên đùi trúng phải Văn Tu Châm càng lúc càng ngứa, biết rằng Thiên Tâm Giải Độc Đơn không giải nổi chất độc, thanh đao Đồ Long này chàng cũng vô tình mà được, nên cũng không coi trọng lắm, nên tiện thể cầm đao ném xuống sàn thuyền.
Người kia mừng quá, cúi xuống nhặt ngay lên, không ngừng vuốt ve, xem chừng thích lắm. Người kia quay lưng về phía ánh trăng nên không nhìn rõ mặt, tuy nhiên y chỉ nhìn ngắm thanh đao mà không lấy thuốc giải, Du Đại Nham thấy lòng bàn tay đau bắt đầu đau nhói, nói:
- Giải dược đâu?
Người kia cười ha hả, tựa như nghe một chuyện thật nực cười. Du Đại Nham giận dữ:
- Ta hỏi ngươi đưa thuốc giải, có gì đáng cười đâu?
Người kia lấy ngón tay trỏ để lên má, cười:
- Hì hì, sao ngươi lại ngốc đến thế, không đợi ta đưa giải dược mà lại đưa đao cho ta trước?
Du Đại Nham giận nói:
- Nam nhi chỉ nói một lời, ngựa chỉ ra roi một lần, ta bằng lòng đem đao để đổi lấy thuốc giải, không lẽ còn lần khân không đưa. Đưa trước hay đưa sau có gì khác đâu?
Người kia cười nói:
- Nếu như đao còn trong tay ngươi, ta còn e ngại ba phần, vì như ngươi đánh không lại ta, ném đao xuống sông, chưa chắc ta đã tìm lại được. Bây giờ đao đã ở trong tay ta rồi, ngươi còn mong ta đưa giải dược ư?
Du Đại Nham nghe vậy, một làn hơi lạnh từ tim bốc lên, vẫn tưởng Thiên Ưng giáo và phái Võ Đương không thù không oán, người này võ công không phải tầm thường, chắc hẳn cũng có chút thân phận, như đã được đao Đồ Long rồi, lẽ nào nói không giữ lời? Chàng trước nay hành sự ổn trọng, không phải là kẻ khinh suất, không ngờ phen này lại mất đi thế mạnh, một mình rơi vào trong thuyền địch, ắt rằng đối phương phải chuẩn bị sẵn sàng, trong thuyền ắt có người tiếp tay, lại thêm thân trúng hai loại độc, muốn có giải dược gấp, nên rơi vào gian mưu của người, lập tức hít một hơi, hừ một tiếng hỏi:
- Tôn giá cao tính đại danh là gì?
Người kia cười đáp:
- Tại hạ chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt trong Thiên Ưng giáo, phái Võ Đương có đi tìm Thiên Ưng giáo để báo thù, thì đã có giáo chủ bản giáo cùng các đường chủ tiếp đón. Thêm nữa, Du tam hiệp hôm nay chết không minh bạch, dù tổ sư quí phái Trương Tam Phong có tài thông thiên triệt địa chăng nữa, cũng chắc gì biết Du tam hiệp chết ở tay ai.
Y nói mà coi như Du Đại Nham đã chết rồi. Du Đại Nham thấy lòng bàn tay như có muôn vạn con kiến đang cắn nhí nhói, vừa đau vừa ngứa không sao chịu nổi, lập tức chụp lấy một nửa cái neo sắt gãy, nghĩ thầm: ?Nếu hôm nay ta không sống được, thì cũng cùng với ngươi đồng qui ư tận.?
Nghe người kia nói năng thao thao, đang lúc cao hứng đắc ý, Du Đại Nham quát lên một tiếng, nhảy vọt tới, tay trái múa cái neo gãy, tay phải đánh ra một chưởng, nhắm thẳng vào ngực, vào mặt người kia đánh tới. Người kia kêu ?Ối chà? một tiếng, vung đao Đồ Long lên đỡ, nào ngờ đâu thanh đao nặng nề lạ thường, y thuận tay múa lên, chỉ nhấc được một nửa thước, cổ tay liền trùng xuống. Cứ như võ công của y, không phải không thể sử dụng con đao này, chỉ vì lúc vận lực không lường đủ sức nặng của binh khí, lực đạo bất túc, nên thanh đao mới rơi trở lại, chém ngay vào đầu gối y. Y kinh hãi vội vàng vận sức lên cánh tay, vừa cố gượng lại thì đã thấy kình phong ùa vào mặt, nửa cái neo gãy đánh thẳng tới. Cái neo đó uy mãnh lăng lệ, không cách gì đỡ, y vội vàng sử kình đạp mạnh hai chân, lật ngửa một cái, lộn mèo xuống sông.
Người đó tuy tránh thoát được nửa cái neo sắt đánh vào mặt nhưng tay phải của Du Đại Nham vẫn còn đánh tới, chưởng đó trúng ngay bụng dưới của y, chỉ thấy lục phủ ngũ tạng đều đảo lộn, kêu lên một tiếng, bất tỉnh nhân sự trước khi rơi tõm vào trong sóng nước.
Du Đại Nham thở phào một cái, thấy người nọ tuy trúng một chưởng mà vẫn nắm chặt thanh Đồ Long đao không buông, cười nhạt nghĩ thầm: ?Ngươi có chiếm được bảo đao rồi cũng táng mệnh nơi đáy nước.?
Bỗng nhiên có một bóng trắng lấp loáng, một dải lụa trắng lao vụt xuống sông, cuốn lấy ngang lưng người nọ, luôn cả thanh đao, kéo lên thuyền. Du Đại Nham giật mình, theo dải lụa nhìn theo, chỉ thấy tại mũi thuyền có một bóng người gầy nhỏ, mặc áo bào xanh, đang luôn tay cuốn lụa. Du Đại Nham lại muốn nhảy tới đầu thuyền đánh tiếp, nhưng độc tính trong thân đã phát tác, mắt bỗng tối sầm, ngã ra sàn thuyền, ngất đi không còn biết gì nữa.
Không biết qua bao nhiêu thời gian, khi mở mắt ra, vật đầu tiên Du Đại Nham nhìn thấy là một lá tiêu kỳ, trên lá cờ có thêu một con lý ngư màu vàng. Chàng nhắm mắt lại, rồi lại mở ra lần nữa, vẫn chỉ thấy lá cờ nhỏ đó. Lá cờ đó cắm trong một chiếc bình sứ màu cánh trả, có hoa màu xanh, ánh một màu vàng lấp lánh, trên lá cờ thêu một con cá đang vùng vẫy trong làn sóng. Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Đây là lá cờ của Long Môn tiêu cục ở phủ Lâm An. Mình đang ở đâu thế này?? Lúc ấy đầu chàng mơ mơ màng màng, chỉ thấy hỗn loạn, không thể suy nghĩ nhiều. Cố gắng định thần, mới hay mình đang nằm trên một cái cáng, trước sau có người khiêng, còn chỗ đang ở dường như là một tòa đại sảnh. Chàng định quay đầu nhìn hai bên, nào ngờ thấy cổ cứng ngắc, không cách gì cử động.
Chàng kinh hãi quá, muốn nhảy ra khỏi cái cáng nhưng chân tay dường như không còn là của mình nữa, không những không sử lực được, mà ngay cả động đậy cũng không nốt, nên nghĩ ngay: ?Ta bị trúng độc của Thất Tinh Đinh và Văn Tu Châm trên sông Tiền Đường.?
Chàng nghe thấy hai người đang nói chuyện. Một người tiếng oang oang, nói:
- Các hạ họ gì?
Người kia trả lời:
- Ông không cần phải hỏi tên tôi, tôi chỉ hỏi ông, món hàng này ông nhận hay không nhận?
Du Đại Nham nghĩ thầm: ?Giọng người này nghe yểu điệu, dường như đàn bà.?
Người có tiếng nói to hơi sẵng giọng:
- Long Môn tiêu cục chúng tôi làm ăn cũng chẳng ế ẩm gì, các hạ như nếu không cho biết tính danh, xin mời kiếm tiêu cục khác vậy.
Tiếng đàn bà kia đáp:
- Ở phủ Lâm An này chỉ có Long Môn tiêu cục là hơn cả, các tiêu cục khác xem ra không bằng. Nếu như ông không quyết định được thì mau mau đi mời Tổng tiêu đầu ra đây.
Giọng người này có vẻ hơi vô lễ khiến người kia có vẻ không mấy vui, nói:
- Chính tôi là Tổng tiêu đầu. Tại hạ lúc này đang bận, không tiện tiếp khách, xin mời tôn giá để dịp khác.
Người đàn bà kia nói:
- A, hóa ra ông là Đa Tí Hùng Đô Đại Cẩm ?
Ngừng lại một lát, y tiếp:
- Đô tổng tiêu đầu, ngưỡng mộ đã lâu, đã lâu, tôi họ Ân.
Hình như trong lòng Đô Đại Cẩm thấy hơi khoan khoái, mới hỏi:
- Tôn giá có việc gì cần sai khiến?
Người khách họ Ân nói:
- Tôi hỏi ông trước đã, xem ông có nhận được không. Món hàng này rất là quan trọng, không thể sai sót nửa phân.
Đô Đại Cẩm cố dằn cơn giận, nói:
- Long Môn tiêu cục của chúng tôi mở ra đã hai chục năm nay, quan tiêu, diêm tiêu, kim ngân châu báu, lớn mấy chăng nữa cũng đã từng tiếp qua, trước nay chưa hề sai sẩy bao giờ.
Du Đại Nham đã từng nghe danh Đô Đại Cẩm, biết rằng y là tục gia đệ tử của phái Thiếu Lâm, quyền chưởng đơn đao, đều xuất sắc, lại thêm tài ném cương tiêu, có thể một hơi ném liền bảy lần bảy bốn mươi chín mũi, vì thế trên giang hồ đặt cho y một ngoại hiệu là Đa Tí Hùng.[7] Long Môn tiêu cục của y ở Giang Nam cũng khá nổi danh. Tuy nhiên đệ tử hai phái Võ Đương, Thiếu Lâm trước nay ít lai vãng, thân cận nên tuy có nghe tiếng, nhưng hai người không biết nhau.