ĐÊM 30 NGHE KHÚC VỌNG PHU
Tác giả: Kim Hài
Hoàng chợt tỉnh giấc. Bốn bề tối đen như mực. Căn phòng vẫn còn nồng nặc mùi rượu. Bữa tiệc tất niên ban chiều để lại dư âm không lấy gì quyến rũ. Tụi bạn kéo nhau ra về hết. Mấy cô bạn gái cũng lũ lượt bước theo dù Hoàng cố níu giữ. Một cô tỏ ra biết điều , quơ vội mấy cái ly cái chén cùng thức ăn thừa xếp vào trong cái chậu giặt đồ để ở góc bếp, trước khi vội vã tháo lui. Họ không nhanh chân sao được khi ngày cuối năm sắp hết. Một năm mới sẽ đến và họ phải sửa soạn để chờ đón nó. Chỉ riêng Hoàng, say khướt, mệt nhọc lăn ra giường ngủ một giấc dài. Giờ đây, hơi men chỉ còn lại vị đắng trong miệng và cảm giác váng vất mệt mỏi khắp thân. Hoàng cố đứng dậy bật công tắt điện.
- Lại cúp … Cúp ,cúp hoài …
Hoàng càu nhàu bực bội. Khó nhọc lắm anh mới vượt qua cái mớ hỗn độn trên sàn nhà để đến buồng tắm. Bằng thói quen Hoàng mở được vòi nước và sục mặt vào.
Nước mát làm Hoàng tỉnh táo dần. Anh trở ra lần mò đến bàn tìm cái hộp quẹt. May mắn, cái hộp quẹt gas vẫn nằm ở chỗ cũ . Hoàng bật lửa, châm vào khúc đèn cầy dở dang. Ánh sáng tràn ngập căn phòng càng soi rõ cảnh bề bộn. Đột nhiên, Hoàng cảm thấy lo lắng khi chợt nghĩ không biết đã quá giờ giao thừa chưa. Anh vội vàng nhặt nhạnh những thứ vương vãi cho vào sọt rác. Tay cầm chổi, tay cầm giẻ lau, Hoàng nhìn lên chiếc đồng hồ treo ở góc trong, cố căng mắt xem đã mấy giờ rồi.
- 11 giờ.
Hoàng đọc giờ với vẻ mừng rỡ nhưng đồng thời anh thấy hết sự vô lý vì tâm trạng mừng ấy của mình. Đây chỉ là căn nhà trọ, có gì mà phải chờ đón Xuân với Tết. Ngày mai năm mới, lũ bạn đến và anh cùng họ sẽ hưởng Xuân ngay tại các quán nhậu với các cô chiêu đãi quen biết, kéo nhau từ nhà này sang nhà khác, quán nhậu đến vũ trường rồi kết thúc đâu đó ở một căn phòng trọ hay chính căn phòng anh đang ở.
Điện vẫn chưa lên. Hoàng nhắc cái ghế nhỏ ra ngồi trước hàng hiên. Đã lâu lắm rồi mới có một đêm im lặng. Sao trên trời lấp lánh sáng rỡ. Chung quanh thấp thoáng qua những khung cửa để ngõ, ánh nến khói hương lung linh trang trọng phản chiếu những chiếc lư đồng đánh bóng, những món đồ gỗ mới toanh, những đĩa trái cây đẹp mắt.
Hoàng chợt thấy chạnh lòng. Giờ này, đâu đó ở một tỉnh nhỏ xa, có một ngôi nhà nhỏ hẵn cũng đang chuẩn bị chờ đón giao thừa. Anh có thể tưởng tượng ra được vị trí cái tủ thờ, biết rõ vết nứt trên các lư đồng và cặp chân nến bị lờn cạnh và cả những con người trong căn nhà đó. Bởi đấy là nhà anh, vợ con anh. Nhưng họ đang ở xa, còn anh thì mải mê trong thú vui dục vọng và không muốn trở về.
Hương tràm thơm thoang thoảng làm bầu không khí trở nên tinh khiết . Hoàng tỉnh hẳn rượu. Anh ngửa mặt đón gió, cố đừng nhớ lại những gì đã qua. Nhưng giữa phút giây im ắng hiếm có của một đêm giao thừa mất điện bỗng vọng lại tiếng hát từ một chiếc radio chạy pin mà ai :
“Thôi, đừng đợi mà làm chi.
Thời gian có hứa mấy khi.
Sẽ đem đến trả đúng kỳ.
Những người mang bệnh biệt ly.”
Những lời bài hát gợi nhớ trong Hoàng cả một quãng đời qua. Hoàng cố lẫn tránh, cố nghĩ đến chuyện khác, nhưng dĩ vãng như được vực sống dậy. Có lẽ một phần là do buổi tối hôm nay, buổi tối mà tất cả những ai dù có đi xa cũng đều hướng về gia đình, buổi tối đoàn tụ thiêng liêng theo tập quán ngàn năm.
Hoàng lập gia đình với Thu, yên ấm như tất cả những lứa đôi tỉnh nhỏ. Hạnh phúc bình thường, êm đềm cho tới khi Thu sinh con đầu lòng. Nhu cầu tài chính cho một gia đình có con mọn đã giục giã Hoàng bỏ công việc cũ, theo bạn kinh doanh. Những chuyến mua bán dài ngay lên thành phố, những cuộc ăn nhậu ngoại giao đã tập Hoàng thói ăn chơi, rượu chè. Và cái gì đến sẽ đến. Hoàng quên vợ, quên con. Ngày xưa, anh kiếm tiền để nuôi gia đình. Bây giờ, anh kiếm tiền để đáp ứng cho nhu cầu cá nhân . Mục đích đầu tiên đã bị lãng quên.
Hôm Thu bế con lên tìm Hoàng, anh đang say khước trong vòng tay của cô gái bia ôm. Thu kinh hãi, ghen hờn to tiếng :
- Trời ơi, bây giờ tôi mới biết tại sao anh đi cả tháng không về nhà. Anh mê gái, bỏ vợ, bỏ con. Tại sao anh làm như vậy? Anh không thương vợ thì cũng nghĩ đến tương lai của con chớ.
Hoàng say đâu biết gì, bị la lối mất mặt với người đẹp, anh hùng hổ quát mắng vợ.
- Tôi chán lắm rồi. Cô cứ như thế này thì cho dù cô có là Hòn Vọng Phu chăng nữa, tôi cũng làm như bây giờ tôi đang làm thôi. Đừng chờ đợi tôi thay đổi. Vô ích. Bởi tôi đâu làm sai gì. Tôi chỉ hưởng thụ phần mình đáng hưởng thụ. Cô đúng là một phụ nữ quê mùa.
“… Suốt năm nước nguồn tuông đổ xuống bà.
Hình người, bế con thơ mãi đứng chờ …”
Câu hát làm tắt ngang hồi ức của Hoàng. Nhưng ngần ấy nhớ cũng đã để Hoàng chùng lòng. Anh quay nhìn vào trong, căn phòng hoang vắng, nặc nồng. Những đồ đạc dưới bóng nến chập chờn như đang thổn thức khóc hờn.
- Tại sao mình lại ở đây? Tại sao mình không trở về?
Những câu hỏi cứ luẩn quẩn loanh quanh. Tiếng cười con trẻ nhà ai ròn rả làm Hoàng rùng mình. Cảm giác cô đơn bỗng hình thành, phát triển len lỏi qua từng đường gân thớ thịt. Cái vị đắng của đêm rượu tàn. Vị rả rời, tởm lợm sau cuộc truy hoan. Nào có đáng gì để giữ chân Hoàng lại. Nào có đáng gì để Hoàng quên tình phu phụ.
Trong một đêm cuối năm êm ả, câu hát bài Vọng Phu đã đưa Hoàng về thực tại. Mọi việc qua như một cơn mộng phù du. Nếu Hoàng không trở về, người vợ trẻ, đứa con thơ đâu còn biết Hoàng là ai nữa. Họ nhất định không thể hoá đá, nhưng có thể tâm hồn họ sẽ khoá chặt không chấp nhận Hoàng vào đời họ.
Hoàng cuống quýt nhìn bóng mình đơn độc treo trên vách. Nỗi thèm muốn trở về nhà trỗi lên mãnh liệt làm trái tim Hoàng đau đớn một cách lạ lùng. Bài hát Vọng Phu vẫn lập đi lập lại với phần điệp khúc giục giã đượm đầy nỗi đau mất mát của một gia đình. Lòng ray rức, Hoàng nhìn tới nhìn lui. Chiếc kim đồng hồ đang nhích dần. Chỉ còn mươi phút nữa, một năm mới sẽ bắt đầu. Hoàng ngước mắt nhìn sâu lên trời cao, những vì sao đêm lặng bóng mất tăm. Đêm trù tịch đen thăm thẳm. Các khung cửa sổ gia đình như sáng hơn, ấm hơn với những bóng đèn dầu, đèn bạch lạp, trên bàn thờ ông bà rực rỡ. Hoàng vội bước vào nhà. Anh lôi cái túi xách đã để quên khá lâu trong tủ ra. Mặc cho mùi ẩm mốc bốc lên thoang thoảng, Hoàng lấy mấy bộ đồ sạch nhét vội vào túi. Anh mải miết làm mà không thấy giao thừa đang qua. Năm nay giao thừa vắng tiếng pháo, vì vậy cái thinh lặng của giây phút thiêng liêng chỉ được nhắc nhở bằng những tràng pháo hoa . Hoàng nhìn thoáng qua những tia pháo hoa cà hoa cải phát sáng trên bầu trời, lẩm bẩm:
- Giá như bố về kịp đêm nay, thì bố đã đưa con và mẹ đi xem pháo hoa rồi.
Nhưng sau câu nói ấy, lòng Hoàng bỗng nhiên nhẹ tênh, anh biết mình sẽ làm gì và về đâu trong những ngày sắp tới. Tâm hồn bình yên trở lại, Hoàng gối đầu trên giỏ hành trang đợi sáng.
KIM HÀI
Hoàng chợt tỉnh giấc. Bốn bề tối đen như mực. Căn phòng vẫn còn nồng nặc mùi rượu. Bữa tiệc tất niên ban chiều để lại dư âm không lấy gì quyến rũ. Tụi bạn kéo nhau ra về hết. Mấy cô bạn gái cũng lũ lượt bước theo dù Hoàng cố níu giữ. Một cô tỏ ra biết điều , quơ vội mấy cái ly cái chén cùng thức ăn thừa xếp vào trong cái chậu giặt đồ để ở góc bếp, trước khi vội vã tháo lui. Họ không nhanh chân sao được khi ngày cuối năm sắp hết. Một năm mới sẽ đến và họ phải sửa soạn để chờ đón nó. Chỉ riêng Hoàng, say khướt, mệt nhọc lăn ra giường ngủ một giấc dài. Giờ đây, hơi men chỉ còn lại vị đắng trong miệng và cảm giác váng vất mệt mỏi khắp thân. Hoàng cố đứng dậy bật công tắt điện.
- Lại cúp … Cúp ,cúp hoài …
Hoàng càu nhàu bực bội. Khó nhọc lắm anh mới vượt qua cái mớ hỗn độn trên sàn nhà để đến buồng tắm. Bằng thói quen Hoàng mở được vòi nước và sục mặt vào.
Nước mát làm Hoàng tỉnh táo dần. Anh trở ra lần mò đến bàn tìm cái hộp quẹt. May mắn, cái hộp quẹt gas vẫn nằm ở chỗ cũ . Hoàng bật lửa, châm vào khúc đèn cầy dở dang. Ánh sáng tràn ngập căn phòng càng soi rõ cảnh bề bộn. Đột nhiên, Hoàng cảm thấy lo lắng khi chợt nghĩ không biết đã quá giờ giao thừa chưa. Anh vội vàng nhặt nhạnh những thứ vương vãi cho vào sọt rác. Tay cầm chổi, tay cầm giẻ lau, Hoàng nhìn lên chiếc đồng hồ treo ở góc trong, cố căng mắt xem đã mấy giờ rồi.
- 11 giờ.
Hoàng đọc giờ với vẻ mừng rỡ nhưng đồng thời anh thấy hết sự vô lý vì tâm trạng mừng ấy của mình. Đây chỉ là căn nhà trọ, có gì mà phải chờ đón Xuân với Tết. Ngày mai năm mới, lũ bạn đến và anh cùng họ sẽ hưởng Xuân ngay tại các quán nhậu với các cô chiêu đãi quen biết, kéo nhau từ nhà này sang nhà khác, quán nhậu đến vũ trường rồi kết thúc đâu đó ở một căn phòng trọ hay chính căn phòng anh đang ở.
Điện vẫn chưa lên. Hoàng nhắc cái ghế nhỏ ra ngồi trước hàng hiên. Đã lâu lắm rồi mới có một đêm im lặng. Sao trên trời lấp lánh sáng rỡ. Chung quanh thấp thoáng qua những khung cửa để ngõ, ánh nến khói hương lung linh trang trọng phản chiếu những chiếc lư đồng đánh bóng, những món đồ gỗ mới toanh, những đĩa trái cây đẹp mắt.
Hoàng chợt thấy chạnh lòng. Giờ này, đâu đó ở một tỉnh nhỏ xa, có một ngôi nhà nhỏ hẵn cũng đang chuẩn bị chờ đón giao thừa. Anh có thể tưởng tượng ra được vị trí cái tủ thờ, biết rõ vết nứt trên các lư đồng và cặp chân nến bị lờn cạnh và cả những con người trong căn nhà đó. Bởi đấy là nhà anh, vợ con anh. Nhưng họ đang ở xa, còn anh thì mải mê trong thú vui dục vọng và không muốn trở về.
Hương tràm thơm thoang thoảng làm bầu không khí trở nên tinh khiết . Hoàng tỉnh hẳn rượu. Anh ngửa mặt đón gió, cố đừng nhớ lại những gì đã qua. Nhưng giữa phút giây im ắng hiếm có của một đêm giao thừa mất điện bỗng vọng lại tiếng hát từ một chiếc radio chạy pin mà ai :
“Thôi, đừng đợi mà làm chi.
Thời gian có hứa mấy khi.
Sẽ đem đến trả đúng kỳ.
Những người mang bệnh biệt ly.”
Những lời bài hát gợi nhớ trong Hoàng cả một quãng đời qua. Hoàng cố lẫn tránh, cố nghĩ đến chuyện khác, nhưng dĩ vãng như được vực sống dậy. Có lẽ một phần là do buổi tối hôm nay, buổi tối mà tất cả những ai dù có đi xa cũng đều hướng về gia đình, buổi tối đoàn tụ thiêng liêng theo tập quán ngàn năm.
Hoàng lập gia đình với Thu, yên ấm như tất cả những lứa đôi tỉnh nhỏ. Hạnh phúc bình thường, êm đềm cho tới khi Thu sinh con đầu lòng. Nhu cầu tài chính cho một gia đình có con mọn đã giục giã Hoàng bỏ công việc cũ, theo bạn kinh doanh. Những chuyến mua bán dài ngay lên thành phố, những cuộc ăn nhậu ngoại giao đã tập Hoàng thói ăn chơi, rượu chè. Và cái gì đến sẽ đến. Hoàng quên vợ, quên con. Ngày xưa, anh kiếm tiền để nuôi gia đình. Bây giờ, anh kiếm tiền để đáp ứng cho nhu cầu cá nhân . Mục đích đầu tiên đã bị lãng quên.
Hôm Thu bế con lên tìm Hoàng, anh đang say khước trong vòng tay của cô gái bia ôm. Thu kinh hãi, ghen hờn to tiếng :
- Trời ơi, bây giờ tôi mới biết tại sao anh đi cả tháng không về nhà. Anh mê gái, bỏ vợ, bỏ con. Tại sao anh làm như vậy? Anh không thương vợ thì cũng nghĩ đến tương lai của con chớ.
Hoàng say đâu biết gì, bị la lối mất mặt với người đẹp, anh hùng hổ quát mắng vợ.
- Tôi chán lắm rồi. Cô cứ như thế này thì cho dù cô có là Hòn Vọng Phu chăng nữa, tôi cũng làm như bây giờ tôi đang làm thôi. Đừng chờ đợi tôi thay đổi. Vô ích. Bởi tôi đâu làm sai gì. Tôi chỉ hưởng thụ phần mình đáng hưởng thụ. Cô đúng là một phụ nữ quê mùa.
“… Suốt năm nước nguồn tuông đổ xuống bà.
Hình người, bế con thơ mãi đứng chờ …”
Câu hát làm tắt ngang hồi ức của Hoàng. Nhưng ngần ấy nhớ cũng đã để Hoàng chùng lòng. Anh quay nhìn vào trong, căn phòng hoang vắng, nặc nồng. Những đồ đạc dưới bóng nến chập chờn như đang thổn thức khóc hờn.
- Tại sao mình lại ở đây? Tại sao mình không trở về?
Những câu hỏi cứ luẩn quẩn loanh quanh. Tiếng cười con trẻ nhà ai ròn rả làm Hoàng rùng mình. Cảm giác cô đơn bỗng hình thành, phát triển len lỏi qua từng đường gân thớ thịt. Cái vị đắng của đêm rượu tàn. Vị rả rời, tởm lợm sau cuộc truy hoan. Nào có đáng gì để giữ chân Hoàng lại. Nào có đáng gì để Hoàng quên tình phu phụ.
Trong một đêm cuối năm êm ả, câu hát bài Vọng Phu đã đưa Hoàng về thực tại. Mọi việc qua như một cơn mộng phù du. Nếu Hoàng không trở về, người vợ trẻ, đứa con thơ đâu còn biết Hoàng là ai nữa. Họ nhất định không thể hoá đá, nhưng có thể tâm hồn họ sẽ khoá chặt không chấp nhận Hoàng vào đời họ.
Hoàng cuống quýt nhìn bóng mình đơn độc treo trên vách. Nỗi thèm muốn trở về nhà trỗi lên mãnh liệt làm trái tim Hoàng đau đớn một cách lạ lùng. Bài hát Vọng Phu vẫn lập đi lập lại với phần điệp khúc giục giã đượm đầy nỗi đau mất mát của một gia đình. Lòng ray rức, Hoàng nhìn tới nhìn lui. Chiếc kim đồng hồ đang nhích dần. Chỉ còn mươi phút nữa, một năm mới sẽ bắt đầu. Hoàng ngước mắt nhìn sâu lên trời cao, những vì sao đêm lặng bóng mất tăm. Đêm trù tịch đen thăm thẳm. Các khung cửa sổ gia đình như sáng hơn, ấm hơn với những bóng đèn dầu, đèn bạch lạp, trên bàn thờ ông bà rực rỡ. Hoàng vội bước vào nhà. Anh lôi cái túi xách đã để quên khá lâu trong tủ ra. Mặc cho mùi ẩm mốc bốc lên thoang thoảng, Hoàng lấy mấy bộ đồ sạch nhét vội vào túi. Anh mải miết làm mà không thấy giao thừa đang qua. Năm nay giao thừa vắng tiếng pháo, vì vậy cái thinh lặng của giây phút thiêng liêng chỉ được nhắc nhở bằng những tràng pháo hoa . Hoàng nhìn thoáng qua những tia pháo hoa cà hoa cải phát sáng trên bầu trời, lẩm bẩm:
- Giá như bố về kịp đêm nay, thì bố đã đưa con và mẹ đi xem pháo hoa rồi.
Nhưng sau câu nói ấy, lòng Hoàng bỗng nhiên nhẹ tênh, anh biết mình sẽ làm gì và về đâu trong những ngày sắp tới. Tâm hồn bình yên trở lại, Hoàng gối đầu trên giỏ hành trang đợi sáng.
KIM HÀI