Chương 10
Tác giả: Koichi Tohei
NGỦ
Buổi sáng, muốn tỉnh ngủ hẳn, thì ban đêm bạn phải ngủ say, bởi vì trong khi bạn ngủ thì sức mạnh cơ thể bạn được phục hồi sau một ngày làm việc. Những người không ngủ được, hoặc ngủ ít, nhưng buổi sáng vẫn thức dậy như thường, thì mí mắt nặng như chì, và đầu thì lơ mơ. Đây là những người nằm lì ra trên giường đến phút cuối cùng, chẳng buồn ngủ cũng chẳng tỉnh ngủ hẳn.
Ban đêm, khi ta giao phó thân thể ta hoàn toàn cho vũ trụ, trong lúc ta ngủ, thì cả bộ óc của ta an nghỉ. Lúc đó cái khí của vũ trụ đi qua óc ta và thấm nhuần thể xác ta, bình phục sức mạnh của ta và làm cho ta sẵn sàng thức tỉnh hẳn vào buổi sáng. Tuy nhiên, nếu óc ta xao động mà không an nghỉ, thì những trở ngại đó làm ngăn lại dòng chảy của khí , và buổi sáng khi ta thức dậy, bởi lẽ ta không đủ khí , ta không thể tỉnh ngủ hẳn được. Cũng vì thế mà một giấc ngủ ngắn nhưng thật say còn tốt hơn là một giấc ngủ dài mà chập chờn.
Ta thường nói rằng có năm thứ tối cần cho loài người là: đồ để mặc, thực phẩm để ăn, một chỗ ngủ, không khí và nước. Câu nói đó chỉ đúng trong những xã hội văn minh, nhưng trong những xứ chưa phát triển ở miền Nam, thì những thứ đó không phải bao giờ cũng cần thiết. Tại một vài nơi người ta có thể sống khỏa thân, và ngủ trong bóng cây. Thực phẩm, khí trời và nước, trái lại, rất là cần thiết cho bất cứ mọi người và bất cứ ở đâu.
Nhưng ba thứ đó có thật là đủ chưa ? Chưa. Khí cũng cần thiết, và ta nhận lãnh khí trong khi ta ngủ. Cho dù ta có đủ năm yếu tố cần thiết nói trên, nhưng nếu không ngủ thì ta không thể nào sống nổi. Nói cách khác, người ta không thể sống được nếu không có khí .
Ban ngày, nếu ta duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới và giữ cho khí ta luôn luôn thông hợp với khí của vũ trụ, thì ta ở trong một điều kiện tốt. Nhưng nếu ta cứ làm như vậy mãi mà không nghỉ ngơi thì ta sẽ tiêu dùng hết khí đi, và rồi cái số lượng tuyệt đối của khí sẽ giảm mất dần. Muốn làm đầu lại số đó, ta phải ngủ.
Những người ban ngày giữ cho khí được chảy điều hòa, thì ban đêm khi ngủ họ sẽ lấy khí vào thực nhiều. Cũng vậy, những người mà ban ngày không giữ cho khí được thông chảy, thì ban đêm cũng lấy khí vào khó khăn, và vì thế mà rất khó ngủ. Kết quả là người nào ngủ được say, ngủ được khỏe, thì bao giờ cũng có một dòng khí chảy được thông và mỗi ngày một khỏe thêm lên, còn người nào ốm yếu thì có một dòng khí chảy chậm chạp, và mỗi ngày một yếu đuối hơn.
Rất nhiều người khinh thường sự ngủ và không biết đây là một nguồn cung ứng khí hạo nhiên. Họ không coi giờ ngủ của họ làm trọng, lấy không đủ khí , trở nên đau yếu, và làm cho khí không chảy đựơc thông nữa. Họ phải dùng đến thuốc ngủ, nếu không thì đêm không ngủ được. Và như vậy họ đã vô tình làm đời họ ngắn đi mà không hay.
Bởi lẽ một người học Hiệp Khí Đạo đúng cách bao giờ cũng giữ vững cái điểm duy nhất nơi bụng dưới và suốt ngày làm cho dòng khí hoạt động không ngừng, đêm đến hắn phải làm sao vừa đặt đầu lên gối chừng độ ba mươi giây hay một phút là ngủ được say rồi. Hơn nữa, nếu ban ngày bạn có được mươi hay mười lăm phút rảnh rang, và nếu bạn muốn, bạn luôn luôn có thể ngủ say được. Chỉ cần thức dậy thật tỉnh táo, suốt ngày giữ được cho dòng khí luôn luôn hoạt động, và ban đêm bổ khuyết thêm khí , và bạn có thể đi trên đường đời trong sáng và khỏe mạnh.
Có lần tôi ở nhà một vị bác sĩ trong vài hôm, và tôi thường thấy vị bác sĩ đó hay uống một thứ thuốc gì ban đêm. Khi tôi hỏi vị đó thuốc gì, thì vị đó nói : « Thuốc ngủ ». Rồi tôi hỏi xem thuốc ngủ có hại đến cơ thể không, thì ông ta bảo ông ta thừa biết là thuốc ngủ có hại, nhưng không có nó ông ta không thể nào ngủ cho được. Ông ta cũng nói rằng ông ta không thể bỏ thói quen uống thuốc ngủ được, vì ông ta phải ngủ để có sức làm việc sáng hôm sau. Mới đầu, ông ta chỉ uống một viên là ngủ được, nhưng bây giờ ông phải uống đến hai viên. Khi tôi hỏi vị bác sĩ đó xem có muốn thử một phương pháp ngủ mà không cần phải uống thuốc không, thì ông ta bảo ông muốn lắm chứ. Ngay ngày hôm sau tôi dạy ông ta Hiệp Khí Đạo, tất nhiên không phải là dạy ông ta cách đánh té đối thủ xuống sàn, nhưng dạy những bài tập giống như tôi đã trình bày trong chương nói về cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Tôi cũng chỉ cho ông ta biết tinh thần điều động thể xác ra sao, sự hợp nhất giữa thể xác và tinh thần có thể mang đến một sức mạnh như thế nào, và điều quan trọng căn bản phải duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới để hợp nhất thể xác với tinh thần ra sao. Rồi tôi khuyên ông ta rằng đêm hôm đó, khi sắp sửa ngủ, thì ông ta nên vào thẳng giường mà đừng dùng thuốc ngủ. Nếu mất ngủ một đêm thì cũng chẳng chết được mà sợ. Tôi nói với ông ta rằng nếu buồn ngủ thì ông ta sẽ ngủ, nhưng nếu không ngủ được thì ngày hôm sau cứ nghỉ làm việc đi một ngày cũng không sao hết. Tôi nói: « Cứ cố thức suốt đêm. Nếu nằm yên đó không làm gì cả mà bác sĩ chán, thì cố tập cái điểm duy nhất nơi bụng dưới mà tôi đã chỉ cho bác sĩ hồi sáng ngày. Mười phút tập là mười phút thêm sức mạnh. Nếu tập cả đêm, thì bác sĩ có thể có được nhiều sức mạnh hơn. Dù sao đi nữa, nếu bác sĩ không ngủ được, thì bác sĩ nên xử dụng cái thời gian đó một cách hữu ích. Cứ nằm duỗi thẳng trên giường, chân tay duỗi thẳng xuống thoải mái, và tập cách tập trung tinh thần bác sĩ vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới ».
Rồi tôi khuyên ông ta nên chú ý đến điểm sau đây. Những người mất ngủ thường thường bị ở vào một tình trạng mà máu thường lưu chuyển lên đầu rất nhiều. Đầu nóng lên, và chân tay thì lạnh ngắt. Bất cứ khi nào bác sĩ cảm thấy gối nóng quá, thì chính là lúc mà máu đang dồn cả lên đầu. Ta có thể thay đổi tình trạng đó bằng tư tưởng ta. Bác sĩ chỉ cần dồn hết tinh thần bác sĩ vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, và tập trung hết tư tưởng nghĩ rằng máu đang chảy đi từ điểm đó tới ngón chân bác sĩ. Chỉ dùng tư tưởng, bác sĩ có thể làm cho máu chảy xuống chân và làm cho chân nóng thiệt nóng. Rồi ngày mai thử thí nghiệm xem bác sĩ có thể phát triển được bao nhiêu sức mạnh bằng cách xử dụng cái điểm duy nhất nơi bụng dưới đó. Nói thế xong rồi tôi cáo từ ông bác sĩ.
Ngày hôm nay tôi gặp lại ông ta, thì ông ta bảo tôi rằng đêm hôm trước ông ta nghe lời tôi tập rất nhiều, rồi ông ta ngủ đi lúc nào không biết, cho đến tận bảy giờ sáng mới thức dậy. Ông ta nói : « Thường thường, khi tôi uống thuốc ngủ, thì tôi ngủ đến chừng bốn giờ sáng, và mặc dù tôi cố ngủ lại thế nào đi nữa, tôi vẫn không thể ngủ lại được ; nhưng sáng nay tôi đã ngủ được đến bảy giờ sáng, ngủ say sưa như chết ! » Ông ta cũng nói thêm là đã lâu lắm rồi ông ta chưa bao giờ cảm thấy khỏe khoắn như sáng hôm đó. Và từ khi học được cách đi ngủ mà khỏi cần uống thuốc, vị bác sĩ đó đã trở nên một đồ đệ hăng say của Hiệp Khí Đạo.
Đổ nước vào chậu và khuấy nó lên. Bây giờ bạn thử cho nước lắng xuống bằng cách lấy tay ngừng nó lại; muốn làm thế nào thì làm, bạn chỉ càng làm cho nó đục vẩn lên mà thôi. Nào, bây giờ bạn thử để nó yên, đừng động gì đến nó; và rồi tự nó, nó sẽ lắng xuống. Bộ óc con người cũng như thế. Lúc bạn nghĩ ngợi, bạn làm cho những làn sóng óc chuyển động. Muốn làm cho chúng êm ả lại bằng cách nghĩ ngợi nữa, thì đó là một cố gắng vô ích. Những người mất ngủ nằm trằn trọc và nghĩ : « Ngủ đi, ngủ đi ! », lại càng làm cho óc mình xao động thêm lên mà thôi. Khó ngủ, bởi vì lúc muốn ngủ, họ cứ nghĩ nghĩ, ngợi ngợi, khiến cho óc họ càng khuấy động. Mới đầu họ có những tư tưởng đại khái: « Nếu mình không chợp mắt được, thì mai mình sẽ không làm việc được », và rồi đâm ra có những ý nghĩ vô ích hơn đại khái như: « Thằng cha ấy hôm nay nói xấu mình điều gì không biết », và rồi thì hoàn toàn không thể nhắm mắt được một chút nào cả. Khi trí bạn bị xao động, thì bạn nên nằm hết sức thẳng, và rồi tự nó, nó sẽ yên tĩnh trở lại. Khi trí đã yên tĩnh rồi, thì giấc ngủ sẽ đến ngay với bạn. Thói quen đếm đến mười, cho đến khi bạn ngủ, cũng là do cái nguyên tắc đó mà ra. Bạn không cần phải nghĩ rằng bạn đếm tới mười, và khi bạn lặp đi lặp lại từ một đến mười như một cái máy, thì trí bạn sẽ yên tĩnh, và bạn ngủ ngay. Trái lại, rất nhiều người thấy phương pháp này không ăn thua gì cả.
Trước hết, ta phải giữ vững một lòng tin rằng nếu ta không ngủ được, thì thà ta cứ thức còn hơn. Người ta không thể sống được nếu không ngủ, và rồi sớm muộn thế nào giấc ngủ cũng phải tới. Bởi vì nếu bạn thực sự buồn ngủ thì bạn không thể nào thức được, cho nên cứ cố gắng để ngủ thì thật vô ích. Khi bạn thức, bạn hãy hoạt động cho đầy đủ; và khi bạn vào giường, bạn sẽ có thể ngủ được. Nếu bạn không ngủ được, thì đừng nên có cảm tưởng rằng thế nào bạn cũng phải ngủ.
Điều quan trọng thứ hai cần phải để ý đến là tập trung tư tưởng bạn lại. Nếu tư tưởng bạn phân tán như những lớp sóng biển, thì lúc bạn vừa nghĩ đến một điều, thì những điều khác lại nổi lên, tiếp nối nhau. Nếu bạn tập trung tư tưởng bạn vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, thì khi những tư tưởng nhấp nhô trong trí bạn, bạn sẽ có thể không chú ý đến chúng. Chúng sẽ héo tàn đi như những ngọn cỏ không rễ, và bạn sẽ bình tâm trở lại và có thể ngủ được.
Điều thứ ba là luôn luôn giữ cho đầu bạn được mát và hai chân bạn nóng, bởi vì thường thường máu trong cơ thể dồn lên đầu và làm cho nó nóng và nhức nhối bầng bầng, trong khi chân lại bị lạnh, cho nên bạn sẽ khó ngủ. Ngày xưa, các cụ thường có quan niệm rất đúng là phương pháp để sống lành mạnh nhất là luôn luôn giữ cho đầu mát mẻ và chân tay ấm áp. Nếu bạn theo lời khuyên này, bạn sẽ thấy là bạn có thể ngủ được ngon lành.
Trong những trường hợp như thế, hãy tập cách chuyển sự chú ý của bạn bằng cách dồn khí bạn vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới (xem Chương năm, đoạn 2, thí dụ 1). Nếu bạn dùng tất cả trí óc bạn nghĩ rằng máu đang dần dần chảy xuống các đầu ngón chân, thì nó sẽ chảy xuống, và chân bạn sẽ ấm hơn và đầu bạn sẽ mát đi. Ngay cả trong những trường hợp hai chân bạn buốt giá đến nỗi hơ lửa chúng cũng không ấm lại được, phương pháp vừa nói cũng vẫn hữu hiệu. Nên nhớ rằng cho dù bạn đã chuyển sự chú ý của bạn, nhưng nếu bạn không giữ cái điểm duy nhất nơi bụng dưới thì tác dụng của nó cũng sẽ không nhiều mấy. Khi nào cố chợp mắt để ngủ mà không ngủ được, thì bạn nên thử áp dụng phương pháp đã nói.
Phương pháp đó thế nào cũng hiệu nghiệm, nhưng chớ nên hấp tấp. Nếu lúc đầu bạn không ngủ được, bạn hãy tập cái điểm duy nhất nơi bụng dưới để tiết kiệm thời giờ của bạn.
Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy rằng buổi chiều trước hôm có việc gì quan trọng sắp xảy ra thì ta không tài nào ngủ cho được, vì ta lo lắng, nhưng mặc dù ta biết rằng thế nào ta cũng phải chợp mắt để cho có sức. Nếu theo phương pháp trên mà bạn vẫn không ngủ được, thì đó là bởi vì máu đã dồn lên óc bạn nhiều đến nỗi bạn không thể nào tập trung tư tưởng bạn ở cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Trong trường hợp đó, bạn hãy bỏ ra ba mươi phút tập phương pháp hô hấp misogi . Nếu bạn không có từng ấy thời giờ, thì bạn hãy nằm xuống và tập như sau (áp dụng phương pháp hô hấp misogi đã nói):
1. Nằm ngửa, chân tay duỗi thẳng. Thở ra bằng mũi, và nhắm hơi thở vào chỗ hõm ở bụng. Dồn hơi thở đó cùng với toàn lực của bạn của bạn vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Giữ như thế đến năm giây đồng hồ và dùng hết tâm trí nghĩ rằng máu bạn đang chảy xuống các đầu ngón chân.
2. Giữ khí của bạn tại cái điểm duy nhất đó, nhưng để cho toàn thân được thoải mái, và thở ra đằng mũi. Trong khi làm như thế, bạn vẫn cứ nghĩ rằng máu bạn đang chảy xuống các đầu ngón chân. Nói khác đi, khi bạn hít vô cũng như khi bạn thở ra, hãy luôn luôn giữ khí của bạn ở tại điểm duy nhất, và tiếp tục cho máu chảy xuôi xuống.
Làm như thế nhiều lần, giữ lấy cái điểm duy nhất và để cho toàn thân được thoải mái, và như thế bạn có thể duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới một cách đúng đường. Một khi đã nắm vững cái điểm duy nhất đó rồi, thì bạn có thể bắt đầu tập phương pháp đã nói trước đây.
Nếu đêm nào bạn cũng theo phương pháp này, thì không những đêm nào bạn cũng ngủ được, mà ban ngày, cho dù ở nơi ồn ào đến mấy, hoặc bạn sắp sửa phải đối diện một biến cố gì, bạn cũng sẽ có thể ngủ được nếu bạn muốn. Và rồi bạn sẽ có thể tỉnh táo, khả năng suy nghĩ được dồi dào hơn, nếu bạn ngủ được chừng năm mười phút, thay vì dùng một bộ óc đã mệt.
Ai không ngủ được sẽ ghen với người có thể ngả lưng trong chốc lát và thật say. Muốn có thể ngủ được bất cứ khi nào bạn muốn là một thuật đặc biệt, và còn là một yếu tố quan trọng cho sức khỏe.
Dồn khí của bạn vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, và hợp nhất tinh thần bạn trong lúc bạn ngủ còn có một ý nghĩ quan trọng hơn nữa. Trong lúc ngủ trong tiềm thức bạn, bạn hợp nhất tinh thần bạn lại, để khi thức dậy bạn có thể tỉnh ngủ hẳn. Những người kém ngủ thường khi thức dậy uể oải, tinh thần phân tán và nằm vật vã trên giường. Người ta thường kể một câu truyện rằng có một người trong binh nghiệp nửa đêm, đang ngủ, mà nhỏm ngay dậy và quật ngã một tên trộm lúc nó đang sắp sửa sờ đến người ông ta. Sở dĩ ông ta làm được như thế là vì tinh thần ông ta được hợp nhất ngay cả trong lúc ông ta ngủ. Không phải, như có người nói, là khi thể xác ngủ thì tinh thần không ngủ đâu. Nhưng đúng ra mặc dù tinh thần có ngủ đấy, nhưng vì nó được hợp nhất nên lúc nào nó cũng có thể tỉnh táo ngay tức thì.