Chương 15
Tác giả: Koichi Tohei
NGUYÊN LÝ BẤT PHÂN TRANH
Tất cả mọi kỹ thuật Hiệp Khí Ðạo bắt đầu và chấm dứt ở nguyên lý bất phân tranh.
Vũ trụ là một mối tuyệt đối, và ta chẳng có lý do gì để chống đối lại nó. Chiến chinh sở dĩ mà xuất hiện là bởi vì cái ý tưởng về nhị nguyên thành hình. Người ta quan niệm vũ trụ trong ánh sáng của những ý niệm về nhị nguyên như : hoạt động và bất động (bình tĩnh), hợp và tan, co và giãn, nối và đứt v.v... Bị giam hãm trong cái thế giới nhị nguyên, ta đã rơi vào một thái độ cho rằng đấu tranh là lẽ thường, rằng đây quả thực là một thế giới của luật rừng. Ta đã quên đi mất cái hình thể đích thực của vũ trụ, và ta sẽ chỉ có thể tìm lại thấy nó khi ta đã bước vào thế giới của tuyệt đối. Cái tinh thần căn bản của vũ trụ là nguyên tắc bất phân tranh đó vậy.
Vì ngày nay nhiều người thấy đây là một điều khó hiểu, nên chúng tôi phải phát biểu nó ra trong những kỹ thuật Hiệp Khí Ðạo thực sự. Một kẻ đã thực sự theo Hiệp Khí Ðạo đã học được qua, những kinh nghiệm về thể xác, rằng đó là một nguyên tắc đúng đắn và mạnh mẽ đến dường nào. Mặc dù lúc đầu ngay khi đã tập luyện rồi, thì người nào lớn hơn và mạnh hơn bao giờ cũng có phần lợi, nhưng đó không có nghĩa là nguyên lý bất phân tranh là sai lầm. Nó chỉ chứng tỏ rằng cái người bị thua đó đã chưa vượt tới cái nguyên lý đó ; hắn còn chưa trưởng thành. Một khi đã thực sự thấm nhuần cái nguyên lý đó, thì sức mạnh và cân nặng sẽ không còn quan hệ nữa.
Chẳng hạn, sức mạnh và cân nặng sẽ quan trọng nếu, khi một đối thủ tấn công, bạn nhận lãnh cái sức mạnh của quả đấm đó trong một trạng thái như là xô đụng (như hai chiếc xe hơi húc đầu vào nhau). Tuy nhiên, nếu bạn gạt được quả đấm sang một bên, thì chính người đối thủ sẽ phải áp phục cái sức mạnh hắn đã tạo ra. Nếu bạn cố sức xô ngã một người bạn không ưa thích, thì thế nào cũng sinh ra ẩu đả, nhưng bởi vì tinh thần điều khiển thể xác, cho nên nếu bạn làm thế nào điều động được tinh thần hắn tới một điểm nào bạn đã lựa chọn, thì thể xác hắn cũng sẽ rất ngoan ngoãn theo tới chỗ tinh thần hắn dẫn đi. Dù sao, trong trường hợp như thế, sự thực bạn đã làm cho hắn đi theo con đường hắn muốn và quay sang hướng mà hắn muốn quay sang.
Ta có thể tránh mọi vụ cãi lộn ngay cả khi một đối thủ tấn công ta. Trong đời sống hằng ngày ta phải biết cách bình tĩnh, ở mọi trường hợp, ở mọi nơi, và tuyệt đối tránh cái tư tưởng về chiến đấu trong tâm ta.
Ngày nay có rất nhiều người có cảm tưởng rằng không thể sống được nếu không tranh đấu. Cũng có nhiều người chẳng khi nào chịu nhượng bộ, bao giờ cũng muốn thắng, muốn lên cao, cho dù phải áp bức kẻ khác. Lẽ dĩ nhiên, tình trạng sẽ trở nên vô cùng khó khăn nếu đây là những người ngồi chung với nhau để bàn về hòa bình thế giới. Con đường duy nhất để tiến tới hòa bình và đồng tình giữa người và người là mỗi một cá nhân phải quay về với cái tinh thần căn bản của vũ trụ và thông hiểu cái nghĩa của nguyên lý bất phân tranh.
Theo điều tin tưởng thông thường, thì nguyên lý bất phân tranh có nghĩa là ta phải đồng ý với bất cứ ai nói điều gì, là ta không được chống cự lại nếu có người đánh người ta. Sự thực không phải như thế.
Nguyên bất phân tranh đòi hỏi một tinh thần mạnh mẽ nhất và trong thể xác và tinh thần phải hoàn toàn có khí dương để giúp ta khỏi phải nhận lãnh cho dù một chút khí sai lầm của đối thủ ta.
Tình trạng đó giống như tình trạng của một dòng nước suối trong vắt và nổi bọt từ dưới đáy một cái ao lên trên mặt nước, thế nào cho không một giọt nước đục nào của nước ao vẩn vào dòng suối trong vắt đó. Khi bạn có đầy khí dương và truyền phát nó đi,thì không một chút khí của người nào chung quanh bạn có thể lọt vào thân thể bạn được. Cũng như nếu dòng suối ngừng chảy dù chỉ trong một phút, thì tất cả nước đục của ao sẽ tràn vào và làm vẩn đục dòng nước trong đó, nếu bạn rút khí của bạn vào, cho dù chỉ một chút, thì tất cả khí của mọi người chung quanh bạn sẽ đồng thời tấn công bạn ngay. Nguyên lý bất phân tranh đòi hỏi một tinh thần mạnh mẽ chứa đầy khí và luôn luôn phóng khí trở lại vũ trụ, một tinh thần mà khí của nó luôn luôn hòa hợp với khí của vũ trụ.
Con đường bất phân tranh khiến cho bạn vượt qua được mọi trở ngại mà không một tổn thương tinh thần nào, cười qua được mọi lời dèm pha, và gạt đi được mọi tấn công mà chính bạn không phải chịu nhận một cú đấm nào hết.
Những kẻ yếu đuối, hay khóc lóc, than van, chẳng chống cự ai, chẳng dám nói lại ai khi người ta nói điều không tốt về mình, và cảm thấy yên ổn nếu mình không chống lại ai, thì không phải thuộc thành phần những kẻ thấm nhuần nguyên lý bất phân tranh.
Ðem nhốt mọi lời nói và hành động của đối thủ bạn vào trong lòng bạn, thì đó không phải là sự bất phân tranh thực sự : đó là sự chịu đựng. Cho dù miệng bạn không nói ra, nhưng trong lòng bạn rất là đau đớn, và đang sôi sục muốn trả thù. Ðó cũng là một hình thức tranh đấu. Cái bất phân tranh mà chúng ta đang nói tới chỉ thành hình nếu ta không ôm ấp một mối căm thù nào với đối thủ ta, nhưng, với một lòng khoan dung lớn như biển cả nó thâu nhận được mọi con sông, ta vẫn giữ được một sự bình tĩnh yên ổn trong tâm hồn. Một nhân viên của hãng nọ bắt đầu học Hiệp Khí Ðạo và một ngày kia tới tôi đề nhờ giải quyết hộ một vấn đề. Anh ta nói rằng anh ta thường có những ý kiến trái ngược với ông giám đốc hãng và thường thường những mâu thuẫn đó bao giờ cũng dẫn tới sự cải vã với nhau. Anh ta cũng nói thêm là ông chủ hãng rất là bướng bỉnh, và anh ta thì hay nóng tính. Dù rằng anh ta biết cãi nhau là vô ích, nhưng không làm sao đặng. Hễ ai nói gì xấu là anh ta nổi sung lên ngay. Anh ta muốn tìm xem có cách nào để giải quyết vấn đề đó. Tôi hỏi anh ta rằng đã thấm nhuần nguyên tắc bất phân tranh chưa, thì anh ta trả lời rằng đã. Tôi bèn nói :
– Như vậy thì quá dễ. Khi nào cóai nói gì xấu về anh, thì anh hãy giữ cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, phóng khí ra, và đừng để ý gì đến lời nói đó.
Nếu làm được như vậy, thì tất cả những điều mà hắn nói xấu về anh sẽ tự nhiên quay ngược trở lại hắn. Tỷ dụ, nếu ông chủ anh bảo anh là một người ngu, và nếu anh không để ý đến lời nói đó, thì nó sẽ quay trở về người đã nói nó ra, và người đó sự thực đã nói rằng chính hắn là người ngu. Rồi anh sẽ cười lớn lên, và đồng ý với ông chủ anh, nói rằng : « Tôi là thằng ngu, phải không ? ». Anh cứ thử nghĩ như thế, rồi ngắm nét mặt người kia mà xem : ông ta sẽ hết sức giận dữ, nom đến thật tức cười.
Anh học trò của tôi nghe lời khuyên của tôi và bắt đầu áp dụng nó ngay. Cho dù ông chủ anh ta cáu giận đến mấy đi nữa, anh ta cũng chỉ cười và nói : « Vâng, đúng thế, đúng thế ». Cho đến khi ông chủ đó phải bỏ đi nơi khác,nói rằng nói chuyện với anh ta lại càng đâm ra cáihơn.
Ta thấy ngay rằng khi nhìn thấy người đối thoại với mình mặt tươi như hoa thì sự cáu giận côđơn của anh thực là ngu xuẩn và vô ích. Hay là dọa dẫm cũng thế. Nếu người nào bị dọa cứ cười cợt như không, thì người dọa sẽ lại trở thành sợ hãi, chứ không phải người bị dọa.
Hai hay ba ngày sau, ông chủ đến gặp người học trò của tôi và hỏi « Chắc là có chuyện gì đây phải không ? » Hình như hồi này anh học thêm được cái gì hay lắm đây ? » Anh học trò của tôi bèn cắt nghĩa mọi chuyện cho ông ta nghe, thì ông chủ bèn nói rằng cãi nhau thực là vô ích, và từ đó trở đi hai người không còn cãi nhau nữa.
Thường thường sau khi cãi nhau, hai người bạn thường nghĩ trong lòng : « Nó có lỗi, nó phải xin lỗi mình trước. Mình sẽ không cần xin lỗi ». Ta thường nói rằng ngay đến kẻ cắp cũng có công lý và trong trường hợp cãi nhau, phải có một người phải và một người trái. Nếu cả hai cùng phải cả, thì chẳng có lý do gì để cãi nhau nữa cả.
Phải công nhận rằng ta cũng đã có lần nóng tính và cãi nhau, chẳng kể đến lý do nào hết, nhưng khi chuyện đã xảy ra thì chẳng thể làm gì hơn được nữa, mà chỉ còn cách duytrì ngay lấy cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, làm cho khí bạn bình tĩnh trở lại, mở rộng tấm lòng khoan dung của anh ra, và ý thức ngay về những điểm xấu của mình. Tìm thấy những lỗi lầm của người thì dễ, nhưng chính mình lại khó tìm thấy những lỗi lầm của mình, nhất là khi đã nổi nóng lên. Những lúc như thế ta lại thường không cố xem xem mình kém ở điểm nào, mà chỉ cãi nhau để cùng bới xấu nhau. Giá mà ta cứ tự xét xem ta đã lầm lẫn ở chỗ nào, thì đã chẳng xảy ra xích mích. Vì lẽ đó, trước khi một vụ xích mích hay ẩu đả kịp xảy ra, thì ta hãy nên xét phần lỗi của ta trước, và nếu có lỗi, ta hãy nên xin lỗi đối thủ của ta. Ít nhất ta hãy sẵn sàng tha thứ người bạn đồng hành đó trước, và như thế ta sẽ tiến bộ hơn hắn một bực rồi. Những vụ ẩu đả xảy ra bởi lẽ cả hai bên đều đứng trên cùng một nấc.
Trong trường hợp bà mẹ và đứa con, thì bà mẹ luôn luôn tha thứ cho người con bởi lẽ bà đứng ở một bậc cao hơn nó. Không thể nào còn xích mạch hay cãi cọ giữa hai bên được. Trước hết hãy ôm người bạn đồng hành đó vào lòng bạn và tha thứ hắn trước tiên, thì hắn sẽ cảm thấy bối rối ngay và nhận ra điều lỗi của mình. Hắn sẽ cảm thấy mắc cỡ là đã thấp hơn ta một bậc.
Một khi đã hiểu được cái giá trị của lời tạ lỗi, thì cũng đừng nên đi quá đến cái độ lố bịch là cãi nhau để giành phần lỗi về mình. Lối đi ngắn nhất để giải quyết vấn đề là phải rộng lượng và khoan hồng trước khi sự cãi nhau xảy ra. Bởi vì muốn cãi nhau được thì phải có hai người, cho nên nếu bạn không muốn là một trong hai người đó thì đâu có chuyện cãi nhau được !
Có nhiều người thích kể chuyện đánh nhau, cãi nhau, nhưng tôi luôn luôn quở tráchhọ là tại sao họ lại thích kể như vậy. Tôi hỏi họ là họ không có việc nào khác để làmhay sao.
Một quy luật về binh bị ngày xưa nói rằng có ba lối để thắng trận :
1. Thắng trận sau khi giao tranh.
2. Giao tranh sau khi thắng trận.
3. Thắng trận mà không cần giao tranh.
Lối thứ nhất là lối thông thường và lối thấp nhất. Phương pháp thứ hai nói rằng phải hoàn toàn sửa soạn mọi điều kiện cần để thắng, là phương pháp « chắc ăn » và nó ở mức trung gian.
Còn lối thắng cao thủ nhất, thắng mà không giao tranh lại là lối yên ổn hơn cả « chắc ăn » hơn cả, bởi lẽ nếu không có giao tranh thì đâu có dịp để mà thua được ! Trong phương pháp này ta buộc đối thủ ta phải khuất phục và làm cho hắn theo cái lối do ta vạch ra. Hiệp Khí Ðạo theo con đường này. Nếu ta có thắng, thì ta phải thắng bằng một lối cao thủ nhất. Chính vì lẽ rằng ta chẳng việc gì phải chọn một lối thắng kém nhất, nghĩa là thắng sau khi giao tranh, cho nên tôi mới thường quở trách những người thích kể truyện đánh nhau.
Ðược phép xử dụng những kỹ thuật Hiệp Khí Ðạo trong ba trường hợp dưới đây :
1. Khi mạng sống của bạn đang lâm vào thế hiểm nghèo,
2. Khi một kẻ khác đang gặp hiểm nghèo,
3. Khi một hay hai người phá rối số đông.
Trường hợp thứ nhất chỉ thuần là trường hợp tự vệ, cho nên phải xử dụng những kỹ thuật thực đúng. Trường hợp thứ hai là một bổn phận, nếu không ra tay thì ta sẽ là một người hèn. Trường hợp thứ ba là trường hợp mà không ai có thể hạ nổi những kẻ phá rối và ta phải dùng đến võ thuật để bảo vệ đa số trong xã hội. Chúng tôi không bảo là trong những trường hợp đó, ta luôn luôn phải dùng đến võ thuật Hiệp Khí Ðạo, là đúng đâu. Chúng tôi chỉ nói rằng sau khi đã tìm đủ mọi giải pháp ôn hòa để giải quyết mà không làm sao được, thì ta mới dùng đến võ.
Tôi nhớ đến một cặp vợ chồng luôn luôn ẩu đả nhau đến độ sắp sửa phải ly dị nhau. Bởi lẽ người chồng có học Hiệp Khí Ðạo, nên một số bạn bè của anh ta đến tôi hỏi phải làm gì để khuyên nhủ họ.
Sau khi nghe hai bên phân trần, tôi thấy cả người vợ lẫn người chồng chẳng ai nói là mình có lỗi, mà chỉ than là người kia mới là có lỗi. Người vợ chẳng chịu thua ; cứ người chồng nói một tiếng thì chị ta nói đến ba tiếng. Chẳng có gì khó bằng việc hòa giải vợ chồng cãi nhau. Nói gì ta cũng chẳng thể làm cho một trong hai bên tin ta được.
Nếu người đứng ra hòa giải mà nói lầm điều gì, khi cặp vợ chồng đã làm lành với nhau rồi, thì họ sẽ trách người đó ngay. Tuy thế, tôi đã quyết tâm và bảo người chồng rằng anh ta có lỗi, thì anh chàng vô cùng bất mãn và chị vợ thì vô cùng đắc chí.
Tôi nói rằng bởi lẽ người vợ không học Hiệp Khí Ðạo cho nên chị ta không thể biết được thế nào là cáiđiểm duy nhất nơi bụng dưới, và do đó chẳng thể kiềm chế sự cáu giận cả. Anh chồng, trái lại, đã học Hiệp Khí Ðạo mà lại không áp dụng những điều theo đã học. Tôi nói với anh ta :
– Anh phải nhớ rằng, bất cứ chuyện gì xẩy ra, bất cứ vợ anh nói gì, đây là lúc anh phải tập cái điểm duy nhất, không những chỉ để anh đừng nổi cáu, mà còn để làm thêm được nhiều tiến bộ.
Nếu anh chỉ tập cái điểm duy nhất nơi bụng dưới ở phòng tập mà thôi, và khi về đến nhà thì lại bỏ mất nó đi, thì anh đã uổng công vô ích.
Rồi tôi hỏi anh ta xem có chịu nghe lời tôi không, thì anh chàng cuối cùng bảo đồng ý, anh ta sẽ thử như vậy kể từ ngày hôm đó.
Rồi tôi quay sang khuyên nhủ người vợ, chỉ cho chị ta một vài thí dụ, và cố khuyên chị ta học được cách duy trì cái điểm duynhất nơi bụng dưới.
Tôi nói :
– Tôi biết rằng chị bất mãn với anh về nhiều chuyện lắm, nhưng chị thấy không, anh ấy cũng đã đồng ý muốn hết sức thay đổi tính tình đấy chứ. Anh ấy thiếu kinh nghiệm, và dễ quên, nhưng tại sao chị không giúp anh một tay ?
Người vợ đồng ý, và chỉ một tháng đôi vợ chồng lại vui vẻ với nhau như cũ.
Khi một cặp vợ chồng son lấy nhau vì yêu nhau thì mọi chuyện đều tốt lành cả, nhưng chỉ cần một mối bất mãn, trên căn bản thuyết nói rằng âm lại sinh ra âm, là cái bé lại xé ra to, cho đến khi hai bên không còn thể làm lành với nhau được nữa.
Thay vì cứ mỗi khi tan sở về nhà mỗi chiều nghĩ rằng : « Bây giờ lại về nhà nghe vợ càu nhàu đây » thì người chồng nên đi về nhà, ngừng trước cửa và nhớ đến cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, và bước vào nhà, gọi to lên : « Anh về nhà rồi đây ! » Người vợ thấy đây là lúc phải hợp tác, bèn chạy vội ra cửa, vừa cười vừa nói : « Anh về em mừng quá! » Nếu sau khi đã rót gì cho chồng uống, người vợ nói vài câu và phải kiên nhẫn chờ đợi, nhưng nếu nàng không giữ im lặng được, thì nàng nên nói chuyện gì thật là vui vẻ. Người chồng cảm thấy khỏe lên, luôn luôn nói dịu dàng với vợ, và cố giúp nàng trong công việc của nàng. Tình yêu hai người lại nở thêm ra, cả hai đều giúp nhau đổi khí của mình cho nó thành ra dương, và bởi lẽ dương lại càng sinh thêm dương, cho nên chẳng bao lâu hai người lại gần gũi với nhau như khi vừa cưới. Về sau người vợ cũng theo học Hiệp Khí Ðạo để theo được như chồng. Ðược và thua trong đời sống phu thê thì chẳng có nghĩa gì cả, mà vợ chồng phải hiểu nhau, giúp đỡ nhau để cho cuộc đời thêm hạnh phúc.
Dù rằng thí dụ trên đây chỉ lấy từ đời sống hằng ngày, nhưng nó giúp ta luôn luôn nhớ rằng có cách để tránh xô xát, ẩu đả nhau. Bao giờ cũng có cách để sống chung hòa bình và trong tinh thần hợp tác. Nếu trong lòng ta lúc nào cũng nghĩ đến giao tranh, thì bạn ta rồi sẽ trở nên thù. Nếu trong lòng ta không có chuyện giao tranh, thì ta sẽ chẳng có thù và chẳng có đồng minh, bởi lẽ tất cả chúng ta là anh em, sinh ra từ cùng một nguồn khí vũ trụ. Tập luyện và nắm chắc được cái ý nghĩa của nguyên tắc bất phân tranh là một điều tối hệ trọng.
Dù rằng những môn thể tháo thông thườnghay được khuyến khích, được tiến bộ và được nhiều người thích vì hay có những trận giao đấu, nhưng Hiệp Khí Ðạo không cổ xúy sự giao đấu bởi lẽ, không như thể tháo, Hiệp Khí Ðạo theo con đường của vũ trụ và chỉ có mục đích duy nhất là làm cho nhân loại càng ngày càng hoàn hảo hơn. Có lẽ ta nên cắt nghĩa tại sao Hiệp Khí Ðạo lại cấm giao đấu.
Trước hết, Hiệp Khí Ðạo là một môn có mục đích thấm nhuần cái ẩn nghĩa của nguyên lý bất giao tranh. Trong những cuộc giao đấu thì tất nhiên phải có kẻ thắng, mà thắng tự nó đã có nghĩa là trong lòng đầy tư tưởng giao tranh rồi. Nếu bạn hết sức cố gắng để thắng, thì cái đólà một cái hay trong tinh thần thể tháo của bạn, nhưng với một dục vọng thắng trận luôn luôn hừng cháy trong tâm can bạn, thì bạn dần dần sẽ tới một tâm lý theo đó bất cứ phương tiện nào cũng tốt cả nếu nó giúp cho bạn thắng được. Thái độ đó rất là có hại cho con người bạn.
Bởi lẽ những kỹ thuật chân thực của Hiệp Khí Ðạo được dựa trên một sự thấu hiểu tường tận về lý thuyết bất giao tranh, cho nên nếu bạn không nắm vững được lý thuyết đó, bạn sẽ không thể theo đúng những kỹ thuật đó. Vì lý do nầy mà mọi cuộc giao đấu đều bị cấm tuyệt. Người nào thích giao đấu, tranh đua, thì hãy thử giao đấu với chính mình xem ra sao. Thí dụ, người nào nóng tính có thể tự nhủ : hôm nay ta nhất định khòng nổi cáu nữa. Nếu trong suốt ngày hôm đó anh ta không nổi cáu một lần, thì hắn đã thắng ; nếu không, thì là hắn thua.
Nếu ta tiến bộ được mà không gây phiền hà cho ai và không thù oán ai thì ta sẽ tới được một trình độ mà ta luôn luôn thắng. Ðó mới là thật sự thắng trận.
Nếu ta không thắng được chính ta, thì dù cho có thắng được người, ta cũng vẫn chẳng làm được gì ngoài sự thỏa mãn tính kiêu căng và tự phụ của ta mà thôi. Trái lại nếu ta thắng được ta, thì ta chẳng cần thắng người nào khác nữa. Mọi người sẽ vui lòng theo ta. Một sự thắng trận tương đối thì mỏng manh, nhưng một sự thắng trận với chính ta mới là tuyệt đối.
Cái lý do thứ hai đó có thể áp dụng được trong mọi trường hợp, nhưng đối với Hiệp Khí Ðạo thì cái điều chống lại sự tự kiêu lại là một điều tối ư quan trọng. Một khi đã tự mãn thì mọi cửa ngõ dẫn tới chân lý đều đóng kín mịt. Người nào nói « Cái đó đối với tôi là đủ lắm rồi, tốt lắm rồi », thì đã mất mọi ý muốn học tập và tiến tới. Nếu ta nói với vũ trụ là « Tôi đã làm cái gì tôi cần thôi », tức là đã đi ngược với thiên nhiên. Một khi ta đã đi trên con đường của vũ trụ, thì nó sẽ trở nên sâu hơn, rộng hơn. Một kẻ chưa trưởng thành vô ý nhảy vào một cuộc giao tranh rồi thắng được thì rồi sẽ tự kiêu, tự mãn. Trái lại, đứng trên quan điểm của vũ trụ, thì những cái được, thua cá nhân đó không hơn gì một gợn sóng nhỏ trên mặt đại dương. Ðiều quan trọng là phải gạt bỏ mọi điều tầm thường đó ra khỏi tâm hồn ta, phải nhìn thẳng vào vũ trụ, và hãy hết sức nỗ lực để làm cho mình hoàn hảo.
Trong mọi môn thể tháo và trong mọi vũ nghệ, thì giao đấu đòi hỏi phải có qui luật, nhất là trong những môn vũ nghệ mà đôi khi mạng người có thể bị nguy hiểm. Cái mục đích tiên khởi của thể tháo là tranh tài phù hợp với qui luật và thụ hưởng sự thắng hay bại. Trong trường hợp đó và trong những môn vũ nghệ coi như thể tháo, thì cái đó không sao. Tuy nhiên cái mục đích của vũ nghệ đích thực lại khác hắn, nghĩa là trong sự tấn công hay bảo vệ ta luôn luôn phải giả thử là có một sự nguy hiểm nào đó. Bất cứ đối thủ của ta làm gì, than phiền là vô ích. Ta phải hành động theo đó. Bởi lẽ mạng sống của ta đang bị đe dọa, ta phải sẵn sàng cả về phần thể xác lẫn phần tinh thần.
Nếu ta luôn luôn tập luyện theo những qui luật đã định, thì dù ta không ý thức được, những qui luật đó thấm nhuần vào tiềm thức của ta và chúng sẽ hiện lên khi nào ta gặp phải một trường hợp hiểm nghèo. Ta sẽ vô tình bị thua nếu ta dựa vào nhưng qui luật mà không kẻ tấn công nào có thể theo được.
Có một câu chuyện kể rằng một người trẻ tuổi kia khi tập luyện thường hay nắm lấy tay áo của đối thủ mình, có lần bị một người thực sự tấn công hắn, và hắn cũng làm y nhứ thế. Ngay lúc đó đối thủ của hắn liền chọc dao thẳng vào bụng hắn. Lẽ dĩ nhiên ta phải luôn luôn giả thử rằng, trong một trường hợp ngoài đời, đối thủ của ta có thể có dao, bởi lẽ những tập quán của ta sẽ tự chúng hoạt động trong những trường hợp ngoài đời.
Trong Hiệp Khí Ðạo ta phải tưởng tượng ra tất cả mọi cách mà đối phương ta có thể tấn công ta và phải tập đi tập lại cách chống đỡ những cuộc tấn công đó theo những nguyên tắc của vũ trụ. Ta thấm nhuần cách đó vào tiềm thức ta và tập luyện để có thể hành động một cách theo bản năng cho dù trong một cuộc tấn công bất ngờ.
Nếu bạn giữ được cái điểm duy nhất nơibụng dưới và hợp nhất tinh thần và thể xác bạn như mặt hồ êm ả phản chiếu ánh trăng hoặc một cánh chim bay nhưng không hề giữ lại một di tích nào khi ánh trăng hoặc cánh chim đã qua, nhưng đồng thời vẫn sẵn sàng bắt được cho dù một ngọn gió thoáng qua, thì không những bạn có thể đỡ được bất cứ một chuyển động nào của đối phương, mà còn có thể phản chiếu rất đúng cái điệu của bất cứ chuyển động nào chung quanh bạn. Môn Hiệp Khí Ðạo có đối tượng huấn luyện cho trạng thái tinh thần đó và những kỹ thuật đúng đường. Không tài nào mà vượt tới được cái trạïng thái tinh thần đó nếu quanh năm bạn chỉ làm phiền tinh thần bạn với những tranh đua, giao đấu. Ðó là lý do thứ ba tại sao chúng tôi cấm tuyệt mọi cuộc giao đấu, đua tài, trong Hiệp Khí Ðạo.
Những người giỏi về kỹ thuật và khỏe mạnh trong phòng tập không phải luôn luôn có ích trong những trường hợp hiểm nghèo thực sự. Cũng giống hệt như người mặc dù thông minh nhưng đến lúc nào thật quan trọng lại chẳng nghĩ được một tư tưởng nào. Chúng tôi biết chuyện một người, luôn luôn can đảm trong khi hiểm nghèo, một lần bỗng nhiên gặp phải một đối thủ, thì trở nên bị tê liệt toàn thân lúc trông thấy thanh gươm sáng loáng của đối thủ trước mặt mình. May sao, tên đối thủ đó cũng giật mình và cũng không thể cử động gì được.
Người đó sau một hồi khó khăn lắm mới hạ nổi tên đối thủ đó. Những người trong thường ngày không huấn luyện tinh thần mình thì thường có những phản ứng như vậy trong trường hợp quan trọng.
Người ta chỉ có ích trong những trường hợp quan trọng như thế nếu hắn học tập những nguyên tắc của vũ trụ trong đời sống hằng ngày và có một cái nhìn vững chắc về thế giới và một tinh thần tuyệt đối không ai lay chuyển nổi.
Vì phần đông mọi người đều chỉ thích chuyện được thua, cho nên nhiều vũ nghệ càng ngày càng trở nên giống những môn thể tháo. Hiệp Khí Ðạo, không muốn đi theo cái trào lưu đó, muốn mãi mãi là một vũ nghệ đúng với tên của nó. Chúng tôi nhường vấn đề được, thua, lại cho những người nào thích nó. Con người chọn Hiệp Khí Ðạo chỉ thích một cuộc thắng trận đích thực, bằng cách thấu hiểu nguyên lý bất giao tranh, và bằng cách luôn luôn làm cho mình mỗi ngày một hoàn hảo hơn. Nếu ta truyền bá cái tinh thần bất giao tranh đó ra ngoài đời, nó có thể trở thành một cột trụ cho nền hòa bình thế giới.