Chương 4
Tác giả: Koichi Tohei
PHƯƠNG PHÁP HÔ HẤP
Từ xưa đến nay đã có một số những phương pháp để đạt việc hợp nhất tinh thần và thể xác. Hợp nhất có nghĩa là sức mạnh. Cũng như nếu ta tập trung những tia sáng vào một điểm nào đó ta có thể phát triển ra được một sức mạnh lớn lao thì bằng cách tập trung tâm trí ta, ta cũng có thể phát lộ ra được một sức mạnh tương tự.
Người xưa đã nói : “Muốn là Được”. Những người có những nhiệm vụ quan trọng bao giờ cũng có khả năng tập trung tâm trí. Tin tưởng vào thường dễ và cầu nguyện với tất cả tấm lòng thành của mình đó nhất định phải là một cách hợp nhất tâm trí. Trong lịch sử có nhiều trường hợp những người vì có đức tin thành thực mà bỗng dưng có được một sức mạnh phi thường. Ngồi yên lặng, nhắm mắt lại, như trong phương pháp Thiền hoặc Yoga cũng là một cách hữu hiệu để tập trung tinh thần. Một nhà khoa học mê mãi với công việc của mình hay một nhà nông chăm chú ngoài đồng áng là những thí dụ điển hình về những người tập trung được tinh thần vậy.
Tuy nhiên, trên thế giới này, có rất nhiều người không thể tập trung tư tưởng mình vào một việc gì hết. Nhiều người khác, dù rằng có thể tập trung được trong chốc lát, nhưng làm rất yếu về những năng lực tập trung. Cho nên khả năng tập trung tư tưởng đòi hỏi một sự luyện tập : điều đó không có gì là lạ !
Giờ đây, tôi muốn giới thiệu những phương pháp hô hấp cho bất cứ ai muốn hằng ngày tập cách tập trung tinh thần. Có phương pháp hít vô đằng mũi và thở ra đằng miệng, hoặc hít vô và thở ra đằng mũi : cũng lại có phương pháp vừa hô hấp và làm một vài cử động. Tôi xin giới thiệu một trong những phương pháp đó, một phương pháp nổi danh từ lâu ở Nhật Bản là phương pháp misogi hay là okinaga . Không những nó là một phương pháp mà bất cứ những ai bắt đầu học cũng có thể tập một cách dễ dàng, nó còn là một phương pháp có hiệu quả nhất.
I. PHƯƠNG PHÁP HÔ HẤP MISOGI
1. Quỳ xuống, thẳng người, hai ngón chân cái bắt chéo với nhau, để một khoảng trống giữa hai đầu gối vừa đủ chỗ cho hai tay. Hai bàn tay đặt nhẹ nhàng trên hai đùi. (Chú ý : lúc mới quỳ kiểu này, hai chân bạn có thể sẽ mỏi : nhưng tập luyện dần dần bạn sê quen với thế ngồi đó, và sức mạnh, của phần hông của bạn sẽ tăng lên rất nhiều. Mặc dù đối với những ai không thể quỳ được kiểu đó thì họ cũng có thể ngồi trên ghế, nhưng quỳ bao giờ cũng hơn cả).
Giữ người thật thẳng và làm cho những bắp thịt lưng dướn lên. Trọng tâm của thân thể bạn phải được tập trung ở một điểm duy nhất phía dưới bụng dưới. (Đây gọi là điểm seika-no-itten, nghĩa là một điểm nơi chính giữa bụng dưới, cách dưới lỗ rốn chừng 5 phân. Chúng tôi sẽ xin giải thích điểm đó rõ hơn sau này). Hai vai để tự nhiên, thoải mái, và ngồi ung dung, như trong hình 1a. Nhắm hai mắt lại từ đầu lúc tập cho tới cuối.
2. Miệng há ra như khi bạn đọc âm « a ». Bạn thở ra đằng miệng thật lâu, vừa thở vừa phát một tiếng « ha » khẽ. Thở ra liền một hơi, càng nhiều hơi càng tốt, theo hướng mũi tên trong hình 1b.
Khi thở ra, bạn hơi nghiêng người theo hướng hơi thở của bạn. Chúng tôi yêu cầu bạn phát ra một tiếng « ha » khẽ, là bởi vì nếu làm như thế bạn sẽ có thể biết xem hơi thở bạn có đứt quãng nửa chừng hay không, và nhờ tiếng đó bạn có thể biết được bạn có thở nhẹ nhàng hay không. Tiếng thở ra đó phải là một tiếng dài và rõ. Thường thường hơi thở đó kéo dài từ ba mươi đến bốn mươi giây, nhưng vì hơi khó đối với người bắt đầu tập cho nên hai mươi giây cũng tạm đủ. Tập lâu dần, bạn sẽ có thể thở ra dài hơn.
3. Lúc thấy thở ra đã đủ lâu, bạn thở hắt mạnh ra một cái. Dù cho bạn tưởng bạn đã thở ra thật là hết ròi, nhưng thường thường một chút hơi vẫn còn thừa lại trong phổi. Dù còn thừa hơi hay không, không thành vấn đề, bạn cũng nên cố thở mạnh ra một hơi thở cuối. Lần này hơi thở đó đi theo hướng mũi tên trong hình 1 c. Lúc đó, nửa thân trên của bạn sẽ tất nhiên phải nghiêng ra phía trước một chút. Mặc dù lúc bạn đã thở ra hết hơi, bạn cũng không được quên đi cái điểm ở bụng dưới, bởi vì nếu quên đi, lát nữa bạn sẽ khó lòng mà hít được hơi vào.
4. Khi đã hoàn toàn thở ra hết, đợi chừng một hay hai giây, ngậm miệng lại, bạn bắt đầu hít vào, nhắm hơi thở thế nào cho nó đi thẳng ra phía sau gáy. Nếu hít thẳng vào ngực thì bạn sẽ cản đường hơi thở, và hơi thở sẽ đứt đoạn ngay. Bạn phải luôn luôn hít vào nhẹ nhàng theo hướng mũi tên trong hình 1d. Hít hơi như thế lâu chừng 25 giây. Cũng như khi thở ra, lúc bạn thấy bạn đã hít vào thật đủ rồi, thì bạn hít thêm vào một hơi cuối.
5. Khi đã hoàn toàn hít hơi vào hết, bạn hãy dồn hơi thở đó xuống cái điểm ở bụng dưới đã nói và tưởng tượng hơi đó đi qua những bắp thịt lưng của bạn theo hướng mũi tên trong hình 1e. Giữ như vậy trong 10 giây. Khi hít hơi vào phía gáy, tất nhiên bạn sẽ hơi ngả người về phía sau. Bây giờ bạn lại phải quay trở lại vị trí cũ để cho trọng tâm của bạn lại ở vào cái điểm nơi bụng dưới đã nói. Nếu không dồn hơi thở xuống điểm ở bụng dưới đó, thì bạn sẽ thấy rất khó nhọc giữ hơi trong mười giây, và hơi thở ra sau đó sẽ văng mạnh ra. Chỉ khi nào dồn được hơi xuống điểm đã nói, bạn mới có thể ngậm hơi thở được một cách dễ chịu từ 10 đến 30 giây.
6. Tập trung hơi thở vào điểm nơi bụng dưới, và khi 10 giây đã qua, bạn hả miệng, thở ra hết sức nhẹ nhàng. Lập lại bài tập hô hấp này bao nhiêu lần cũng được. Muốn cho thực kết quả, sự thở ra và hít vào phải lâu hơn một phút, nhưng đối với những người mới tập, thì 40 giây cũng đủ.
Dù có nhiều người nói rằng khi hít vào như thế ta không được hít vào hoàn toàn mà chỉ được ngậm lại 1 phần 8 hơi thở mà thôi, và lại cũng có người chủ trương rằng khi đã hít vào rồi, ta nên để một chút hơi thoát ra và rồi mới ngậm lại, nhưng cả hai thái độ này đều chứng tỏ những người đó không biết gì về cái điểm duy nhất ở nơi bụng dưới đó. Họ cho rằng nếu ngậm lại hoàn toàn thì ta sẽ thấy rất khó chịu. Nhưng, thực ra, nếu tập trung tất cả hơi thở của ta vào điểm đó thì ta thấy ngậm cả hơi lại rất dễ. Nếu hơi thở của ta đứt quãng nửa chừng, hoặc nếu nó làm ta khó chịu, thì đó là một dấu hiệu cho biết là nó đã đi quá cái điểm nơi bụng dưới đã nói. Nếu ta dồn hơi xuống đúng điểm đó ta sẽ thấy ta luôn luôn có thể vừa hít vào và thở ra được lâu, nhẹ nhàng và đều đặn. Những người mới tập một mình, lúc làm hô hấp, nên phát ra một âm thanh khẽ như thế để có thể biết ngay được là mình làm có đúng đường hay không. Khi tập hô hấp, bạn nên nhớ rằng đó không phải chỉ là vấn đề thở ra và hít vào mà thôi.
Bạn phải coi đó là một cơ hội để tập trung tinh thần nữa. Thở ra để hơi thở bạn vượt được đến cõi thiên đường ; hít vào để hơi thở xuống được tới bụng bạn. Nói cách khác, khi bạn thở ra, bạn nên làm cách nào để cảm thấy rằng không phải hơi thở của bạn đã tắt đi ngay trước mắt mình mà còn vượt được tới bến bờ của cõi thiên đàng. Theo lối nói của Hiệp Khí Đạo, thì đó là ki o dashite haku, nghĩa là thở ra như là ta trút ra cái khí của ta.
Theo phương pháp này, thì mặt dù hơi thở của ta nhẹ nhàng, nhưng nó có sức mạnh. Trong khi hít vào, thì đó là ta đã kéo vào cái khí của vũ trụ và đem tập trung nó xuống cái điểm nơi bụng dưới của ta. Nói khác đi, ta có cảm tưởng như ta đang kéo vũ trụ vào trong lòng ta vậy. Khi ta đã thở ra hết, thì đó là ta đã đặt mọi sự việc vào tay vũ trụ.
Khi ta đã hít vào hoàn toàn, thì ta với vũ trụ đã hòa làm một. Thoạt đầu có thể bạn sẽ cảm thấy không thoải mái, lối hô hấp của bạn có thể hỗn độn và dễ bị đứt quãng nửa chừng ; nhưng nếu bạn lặp đi lặp lại bài tập đó chừng 10 hay 20 phút, tinh thần bạn sẽ trở nên hòa dịu hơn, và lối hô hấp của bạn sẽ trở nên thoải mái hơn. Cứ luyện tập đều đặn và thường xuyên, bạn sẽ tới một giai đoạn mà hơi thở của bạn sẽ lâu, nhẹ nhàng và thoải mái ngay từ lúc đầu, bất cứ lúc nào bạn muốn tập.
Lúc bấy giờ bạn đã quên đi được cái thân xác của bạn và du nhập một thế giới hô hấp thuần túy. Lúc đó bạn sẽ cảm thấy như là vũ trụ đang hô hấp chứ không phải là bạn. Cuối cùng bạn sẽ tới chỗ nhận thức chính mình như một phần của vũ trụ. Không phải là một sớm một chiều mà bạn có thể thấu đáo được cái tác dụng của những phương pháp hô hấp : cần phải có kỷ luật mới có thể du nhập được cái thế giới của nó.
Khi đã có thể gọi là thành công trong phương pháp hô hấp ở vị trí quỳ xuống, bấy giờ bạn có thể tập hô hấp bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, bất cứ ở vị trí nào, đứng, ngồi trên ghế, trong khi đi, hoặc trong khi nằm. Khi bạn tập hô hấp trong khi đi, bạn hãy cố bình tâm bằng cách tập trung tư tưởng vào cái điểm nơi bụng dưới đó, và bước đi nhẹ nhàng trên mặt đất. Đừng làm cho cái điểm đó xao động.
Nếu bạn rút ngắn thời gian hít vào và thở ra, và kéo dài thời gian dồn khi xuống bụng dưới, thì bạn sẽ thấy rất dễ chịu. Đây là một phương pháp hết sức hữu hiệu để bình tâm ngay cả lúc bạn đang đi.
Trong phương pháp hô hấp nằm, thì bạn nằm ngửa thật thẳng, hai chân duỗi thẳng. Bởi lẽ nằm như thế thì khó hít không khi vào đằng sau gáy, cho nên bạn hít vào được bao nhiêu tùy sức, chớ nên cố quá ; rồi cũng dồn khí đó xuống điểm đã nói.
Trong trường hợp này cũng vậy, bạn nên rút ngắn thời gian hô hấp, và kéo dài thời gian giữ không khí ở bụng dưới. Phương pháp này được áp dụng nhất là khi bạn bị đau.
Khi bạn đang lái xe, hoặc khi bạn đang đứng đợi người nào, bạn cũng có thể tập hô hấp được.
Khi ở giữa đám đông, để tránh làm phiền người khác gây ngượng ngùng cho chính bạn, thì bạn hãy tập hô hấp bằng đằng mũi. Mười phút tập là mười phút bạn lấy thêm năng lực, và một giờ tập là một giờ năng lực. Dù rằng thời gian tập có ngắn ngủi đi chăng nữa, nếu bạn tập cho đúng cách thì kết quả vẫn tăng lên nhiều. Tuy nhiên đừng quên rằng nhiều khi tập nhiều quá (nghĩa là lúc nào cũng tập) lại đưa đến chóng chán. Vật gì dễ được bao giờ cũng dễ mất.
Thói quen tốt nhất là tập lối 15 phút trước khi đi ngủ và 15 phút sau khi ngủ dậy mỗi buổi sáng.
Bạn sẽ thấy sức lực bạn sẽ tăng cường và bạn sẽ khỏe mạnh hơn nếu bạn hy sinh 15 phút thời gian ngủ để tập hô hấp. Một điều nữa là nếu bạn mệt nhọc vì làm việc ở sở hay vì học hành ở trường, thì thay vì đi dạo hay nằm nghỉ, bạn nên dùng thời gian đó để hô hấp (lối 15 hay 20 phút), bạn sẽ thấy dễ chịu lên hẳn.
Trong trường hợp bạn đang vô cùng bối rối về một vấn đề gì, hoặc có một biến cố gì vừa xảy đến khiến bạn lo âu, thì bạn hãy cố gắng tập hô hấp vào lối 2 giờ, trí bạn sẽ sáng ra và bạn sẽ có thêm can đảm để làm một việc gì, và bạn sẽ có thể đến được một quyết định cho bất cứ việc gì của bạn.
Đôi khi, họp lại một nhóm người cùng một tư tưởng để tập hô hấp với nhau là một chuyện rất hứng thú. Người nào nóng tính có khi nửa đường bỏ tập luôn, nhưng nếu có một nhóm người dẫn dắt, người đó sẽ đi đến cùng. Nếu tập từng nhóm, thì cố nhiên bạn nên tuyển lấy một người trưởng nhóm để mọi người cùng theo lời chỉ bảo. Người trưởng nhóm nên kiếm lấy một vật gì bằng gỗ để có thể gõ xuống sàn hoặc một chỗ nào đó làm dấu hiệu. Khi người này gõ một tiếng, mọi người sẽ cùng thở ra ; khi gõ lần thứ hai, thì mọi người bắt đầu cùng hít vào.
Một tiếng gõ nữa, thì mọi người lại cùng thở ra. Tập như thế lối một giờ. Giữa hai lần gõ cố đừng làm hơi thở bị đứt quảng. Dù cho có khó chịu, cũng cố theo đúng dấu hiệu của người trưởng nhóm. Chỉ có thể đạt được kết quả và làm chủ được phương pháp hô hấp nếu bạn đừng « ăn gian ». Nếu thấy khó chịu vì một lỗi lầm nào đó, thì nên cố gắng tìm xem có là lỗi lầm gì, hơn là « ăn gian ». Mặc dầu người trưởng nhóm có thể thở thật lâu và đều, người đó cũng chớ nên coi mình là tiêu chuẩn. Hắn phải kiểm soát lại lối hô hấp của mình bằng cách hít thở thật mạnh và ngắn hơn để những người mới tập trong nhóm có thể theo kịp.
Loài người có thể vẫn sống được một thời gian khá lâu khi nhịn ăn, nhưng nếu nhịn thở chỉ chừng một lát thì nhất định đi đứt. Dù rằng ta thở mà mạnh : người yếu đuối thì hơi thở nếu và ngắn
Người có một tinh thần bình yên thì thở nhẹ nhàng và đều đặn, trái lại một người tâm thần bất an thì thở lung tung và thành từng đợt. Bằng cách điều khiển lối hô hấp, ta có thể tìm cho tâm thần ta một thế quân bình và cho thể xác ta một sức khỏe. Mỗi ngày bỏ ra chút thời giờ để tập hô hấp có thể không mang tới kết quả trông thấy, nhưng nếu ta cứ tập luyện không ngừng và đừng thất vọng, thì ta có thể tạo cho ta một sức mạnh tuy tiềm tàng nhưng rất phi thường. Và rồi dần dần ta sẽ tới một giai đoạn mà lúc nào ta cũng có thể hợp nhất tinh thần và thể xác ta, nhờ đó mà ta sẽ có được những năng lực thật kinh ngạc.
Vô số người có thể trông thấy một cây cao lớn, nhưng ít người trông thấy rễ cây đó. Một cây chỉ cỏ thể mọc lên cao là nhờ rễ của nó vững vàng.
Những phương pháp hô hấp là những kỷ luật căn bản của Hiệp Khí Đạo. Dùng thời giờ mà mọi người thường lãng phí để tập những kỷ luật căn bản đó, bạn sẽ trở thành một con người vĩ đại.
II. PHƯƠNG PHÁP HÔ HẤP DÙNG TRONG HIỆP KHÍ ĐẠO
Trước khi học Hiệp Khí Đạo, chúng ta thường theo một phương pháp hô hấp đằng mũi.
1. Đứng dạng hai chân cách nhau chừng nửa bước. Trong phương pháp này bạn có thể mở mắt hoặc nhắm mắt tùy ý. Xoè hai bàn tay ra và để hai cánh tay thõng xuống tự nhiên, (hình 2a).
2. Hít vào và tưởng tượng bạn đang kéo vào trong người bạn cái khí của vũ trụ. Đồng thời, khi tưởng tượng đang kéo cái khí của vũ trụ vào người, bạn từ từ nắm hai bàn tay lại, bắt đầu bằng ngón tay út trước khi hít vào như thế, bạn kiễng chân lên. Hít vào lâu chừng 5 giây, (hình 2b).
3. Khi đã hít vào đủ hơi rồi, bạn hạ thõng hai nắm tay xuố ng, dồn hơi vào cái điểm nơi bụng dưới và hạ gót chân xuống, (hình 2c). Trong trường hợp này, không phải là khí đã rớt vào cái điểm nơi bụng dưới đâu, mà là bạn tập trung tất cả sức mạnh của bạn vào đó. Bạn sẽ cảm thấy hầu như sức mạnh đó đang tràn lan trong khắp thân thể bạn. Giữ nguyên vị trí này lối chừng 5 giây.
4. Ngậm miệng lại, bạn bắt đầu thở ra đằng mũi và tưởng tượng bạn đang đẩy toàn thể sức lực của bạn ra ngoài. Đồng thời, bạn xoè hai bàn tay ra, bắt đầu bằng ngón út trước, và khi đã xoè hết, bạn úp hai bàn tay xuống như là nhận xuống mặt đất. Cử động hai bàn tay theo hướng mũi tên trong hình 2 d. Lúc đã thở hết ra rồi, hạn hãy làm như xiết chặt cái điểm nơi bụng dưới đó lại, và cho hai bàn tay về vị trí cũ. Tất cả lâu chừng 10 giây.
5. Khi đã thở ra hết hẳn rồi, bạn xoè ngay hai bàn tay ra, ngửa chúng lên trời, và quay trở lại vị trí trong hình 2 a, và lại bắt đầu hít vào. Tuy rằng phương pháp hô hấp này thua phương pháp misogi trong việc hợp nhất tinh thần và thể xác và trong việc phát triển sức mạnh, nhưng nó có lợi ở chỗ nó mất ít thời giờ. Tập lối 5 hay 6 lần cũng đủ, và bởi lẽ mỗi lần tập chỉ lâu chừng 20 giây, tất cả bộ phương pháp chỉ lâu chừng từ một phút rưỡi cho tới 2 phút mà thôi. Tập luyện hô hấp theo phương pháp này, cần phải làm như xiết chặt cái điểm nơi bụng dưới lại.
Lý do : khi bạn bị hốt hoảng về một việc gì, hay khi bạn hết sức mệt nhọc, hay khi bạn đang cáu giận, thì bạn sẽ thấy khó dồn tâm thần bạn xuống cái điểm nơi bụng dưới, bởi lẽ trong những hoàn cảnh đó ta không thể tìm cho đúng vị trí của điểm đã nói. Trong những trường hợp đó, thì phương pháp hô hấp này sẽ rất hữu hiệu. Nếu bạn làm căng bụng dưới của bạn mà không tập hô hấp, thì máu sẽ dồn lên trên, và rồi bạn sẽ càng khó tìm cái điểm đó hơn nữa ; nhưng nếu bạn vừa tập hô hấp vừa làm căng bụng dưới, thì sức mạnh của bạn sẽ tập trung vào cái điểm đã nói nơi bụng dưới. Một khi bạn đã hợp nhất hoàn toàn được thể xác và tinh thần, và một khi bạn đã được thoải mái, thì bạn sẽ có thể tập trung cái khí vào điểm đó. Khi bạn mệt mỏi, phương pháp này sẽ phục hồi sức mạnh của bạn bằng cách giúp cho bạn hợp nhất tinh thần và thể xác bải hoải của bạn lại để tạo thêm sức mạnh. Mặc dù lúc bạn không mệt mỏi và đang sắp sửa làm một việc gì, hãy tập phương pháp hô hấp này, nó sẽ cho bạn một cảm giác tự tin để bắt đầu vào việc, và nó sẽ cho bạn biết cái sức mạnh thật sự của bạn.
III. PHƯƠNG PHÁP HÔ HẤP VƯỢT QUA HÔ HẤP
Quỳ xuống theo đúng cách thức đã dẫn, mắt nhắm lại hoặc mở hé cũng được, và nhìn tới một điểm tưởng tượng cách xa chừng một thước trước mặt bạn. Hít vào và thở ra rất nhẹ nhàng, không làm tiếng động. Tập trung tinh thần vào cái điểm nơi bụng dưới, và bạn sẽ cảm thấy không để ý tới việc hô hấp nữa. Lúc bấy giờ bạn sẽ quên hẳn bạn đi, hợp thành làm một với vũ trụ, và bước vào một thế giới mà chỉ có vũ trụ là hiện đang có mặt mà thôi.
Tuy lời giải thích trên nghe có vẻ giản dị, nhưng thực ra quên được việc mình hô hấp và đi vào một thế giới hợp nhất với vũ trụ đòi hỏi khá nhiều kỷ luật. Trong giai đoạn đầu tập ngồi theo lối Thiền thì phương pháp này thường được áp dụng bởi vì nó là một phương pháp rất hữu hiệu để đưa ta vào một trạng thái lâng lâng của tâm hồn. Tuy nhiên nếu không có được một tinh thần quả cảm, người theo phương pháp này có thể làm cho tinh thần và thể xác mình tách rời nhau hơn nữa ngay sau khi đã hợp nhất chúng lại được, và trong thời kỳ phân hóa đó, ta sẽ rất dễ rơi vào giấc ngủ. Không có một tinh thần quả cảm thì khó lòng mà tập trung được hết cái khí trong thân thể ta. Vì những lý do này mà những người mới bắt đầu nên áp dụng hai phương pháp đã nói ở phần đầu chương thôi.
Cả ba phương pháp hô hấp chúng tôi vừa trình bày đều tùy thuộc vào việc hợp nhất tinh thần và thể xác để hô hấp cho đúng đường. Tập cách hô hấp mỗi ngày, và chẳng cần phải hết sức để ý, lối hô hấp của bạn cũng sẽ trở nên đúng cách. Những người yếu đuối về thể xác cũng như về tinh thần lại rất nên tập hô hấp đều đặn, bởi vì hô hấp sẽ giúp cách làm hoạt động những sinh lực của họ và tạo nên một thể xác và tinh thần lành mạnh.
Khi nói rằng một người giỏi có thể thở bằng gót, ta không ám chỉ rằng gót người đó có một bộ phận để hô hấp. Ta muốn nói rằng người hô hấp giỏi là người hô hấp với toàn thân hắn, ngay cả với phần thấp nhất của cơ thể, tức là cái gót vậy. Ta cũng nói rằng như thế là hòa làm một với vũ trụ và để cho vũ trụ hô hấp dùm ta.
Khi đấu võ tự do và đấu võ với một số đối thủ trong Hiệp Khí Đạo, có người bỗng nhiên mất ngay khả năng điều khiển sự hô hấp của mình. Lúc xảy ra như vậy thì cơ thể họ trở nên mất sáng suốt.
Chỉ có thể sửa được tình trạng này bằng cách tập hô hấp thật nghiêm chỉnh, thật đều đặn. Khi thể xác và tinh thần hợp nhất được thì lối hô hấp mới thực là đúng đường. Lúc bấy giờ bạn mới có thể xử dụng cơ thể bạn một cách tự do được và mới có thể phô diễn bất cứ kỹ thuật nào mà bạn muốn.