Mùa đi
Tác giả: Lê Minh Hà
Khánh tới vào lúc Nhã đang mồ hôi mồ kê chúi mũi vào đống áo dài chưa vén gấu. Ngọn đèn bàn nhỏ hắt từ sau vai xuống tạo thành những vũng tối sáng khôngđều nơi Nhã ngồi khiến mắt Nhã dường như sâu xuống. Thảo em Nhã chặn trước: - Bọn anh lại định rủ chị Nhã đi đâu đấy?
- Sầm Sơn. Bọn anh chuẩn bị hết rồi. Em có... Thảo tru tréo: - Không được đâu! Hàng một đống thế này một mình em làm sao kịp! Ðứt lưỡi người ta mới giao mình gia công, không trả đúng ngày mất mối như bỡn. Khánh nịnh nọt: - Chị Nhã sẽ thức khuya làm đỡ em. Thế Nhã nhé. Em cố một tý hộ chị ấy. Ðại hội thường niên của bọn anh lần nàyđấy. Về anh kính biếu...
Cháu chào bác ạ! Hôm nay oi quá bác nhỉ? Về anh kính biếu hai chục bánh đa. Ðược rồi! Một buồng dừa tươi. Tha hồ cho bọn em "đập phá"! Mẹ Nhã thu xếp xong chỗ ngồi khâu ở đầu giường, loay hoay tìm kính: - Kính mẹ đâu rồi hai đứa? à đây. Ðược rồi! Các anh các chị cứ đi đi. Một mình tôi xoay xở cũng kịp. Hè này dân tìnhđi Sầm Sơn sớm nhỉ! Nhưng trời oi thế này
khéo mai vào đó là động biển. Thảo có định đi cùng chị Nhã không con? - Dạ không mẹ! Ðể khi nào chị Nhã về đỡ mẹ thì con rủ hội con đi. Ði với mấy chị... ấy sợ lắm! "Ranh con vênh váo. Xem có vui vẻ trẻ trung được mãi không!" Nhã nghĩ, thờơ. Rồi hờ hững quay qua Khánh:
- Thì đi. Mai mấy giờ xe chạy?
***
Chuyến đi biển do công đoàn cơ quan Khánh tổ chức. Khánh ghi tên cho cả lũ bạn còn chưa vợ chưa chồng và còn thích bìu ríu nhau. Rủi ngay từ đầu. Bảo sáu giờ xe khởi hành mà mãi tám giờ xe mới tới. Bát phở ăn từ lúc bảnh mắt đã tan thành nước từ lúc nào, cứ chốc chốc lại phải e dè đứng lên đi vào toalet, lại phải cười cầu tài trước cửa toalet với mấy bà cùng cơ quan Khánh mặt mũi đầy vẻ khinh khỉnh và ăn mặc ra vẻ trẻ trung đến ngứa mắt. Và rồi ra lại phải sà vào hàng nước ngoài cửa cơ quan tán gẫu cho đỡ nóng ruột. Hà Nội. Sầm Sơn. Có trên hai trăm cây số mà đi hết gần sáu tiếng đồng hồ. Xe chuyển bánh vào lúc mặt trời đã lên. "ở nhà quê khéo giờ này người ta đã cày xong một sào rồi đấy nhỉ?" Cười nói một hồi rồi cả xe lơ mơ ngủ trong cái nóng như rang. Nhã lì lợm chiếm chỗ sát cửa sổ, tỉnh bơ trước những cái lườm nguýt đầy vẻ ngạc nhiên của mấy bà mấy cô cơ quan Khánh. Khánh ngồi bên, quàng tay lên thành ghế của Nhã. Ðúng tầm gáy Nhã khi ngả đầu. Trong giấc ngủ nhọc nhằn, một ý nghĩ dễ chịu cứ râm ran lan tỏa: Thích thật. Thích thật. Thích thật...
Lúc xe dừng, cảm giác ấy không tan, không loãng. Tự dưng Nhã thấy mình muốn làm nũng. Với bất kỳ ai. Tiện nhất là với Khánh. Biết nhau quá rồi. Ðứa bàn trên đứa bàn dưới suốt ba năm cấp ba. Từng bao che cho nhau làm việc riêng trái giờ. Từng can tội cho nhau quay bài. Từng quáng quàng đuổi theo những mối tình đại học cứ tưởng là lãng mạn trong sáng tuyệt đối, cứ tưởng là vĩnh viễn rồi lại bò về tụ tập trong một hội. ở nhà mà tự dưng lại đâm dịu dàng với nhau thế này thì đúng là dở chứng. Nhưng cách Hà Nội hẳn hai trăm cây, trước biển, ai cũng phải nhỏ lại và mọi sự đều có thể.
Buổi tối, cả lũ kéo nhau ra bãi. Trời âm u. Mây biển đen rầm. Sóng như một đàn rắn đen ngoi ngóp trườn vào bờ, vỗ những nhịp đều và nặng nghe tức ngực. Trăng khó nhọc trồi lên trên sóng, to và xanh. Trăng lên, nhìn mây càng thấy đen rầm. Một cô bạn thì thào: - Nhìn sợ nhỉ! Sao mà nó to thế không biết! To và nặng. Trông như sắp rụng vào trong sóng ấy. Giá mà trời quang... Vĩnh vươn vai - Bà định tắm đêm à? Liều nhỉ? Nhưng thế là lãng mạn tiếp tục được. Tôi đọc từ sách đấy. Ðúng ra là thế này: "Sự lãng mạn đòi hỏi can đảm". à, còn một câu nữa hồi xưa tôi mê đến phát rồ: "Vinh quang thay sự điên cuồng của những người dũng cảm!" (1) Và Vĩnh đứng lên: - Nhưng nó chẳng liên quan gì tới việc tắm đêm cả. Ðã bảo rồi. Mấy ngày vừa rồi trời oi thế thế nào cũng có áp thấp nhiệt đới. Khéo mai trời mưa thì nẫu! Tớ điđây. Cậu
nào đi với mình không? Ði không Khánh? Vĩnh đi về phía cái quán nhỏ ở đằng kia bãi cát sát rừng phi lao. ở đó có đủ thứ. Như Hà Nội. Bia. Coca Cola. Kẹo cao su. Và có những cô gái, tóc xơ xơ, mặt to và tròn, tô vẽ kỹ và vụng. Cả bọn cười nói ồn ào. Làm như không để ý tới Vĩnh. Khánh nằm sóng soài trên tấm nệm mỏng và rộng, hóng về phía biển, tự dưng nhích ra, mắt không nhìn ai: - Nằm không Nhã? Nằm thế này này. Nghe thấy cả tiếng đất và tiếng sóng. Hai người nằm chống cằm nhìn trăng, từng lúc kiêu hãnh lộ ra, từng lúc bị dìm khuất đằng sau những tảng mây đen to tướng. Nhã mỏi, xoay mình nằm nghiêng. Hơi biển mặn và lạnh.Cát cũng bắt đầu lạnh. Từ phía Khánh tỏa ra một mùi gì nồng gắt và rất ấm. Nhã phải cố cưỡng không nhích gần hơn, không hít mạnh. Bỗng dưng sống mũi cay xè, nước mắt dâng mọng cả mí. Nghe tiếng nói cười của đám bạn trôi xa. Nghe tiếng sóng lùi xa. Chỉ còn gió, ngang tàng hào hiệp thổi. Và mắt Khánh. Rất gần. Rất gần. Tràn ngập. Nhã nhắm mắt, cảm thấy hạnh phúc giống như là đau đớn.
Ngày hôm sau trời mưa thật. Không tắm được. Vĩnh đi suốt đêm, giờ ngủ vô tư. Còn cả lũ thì sốt ruột. "Ðã cất công vào tận đây mà lại về Hà Nội ra chợ Hôm mua quà biển thì thật dấm dớ!" Linh Vũ Tuấn Phong Huyền Thủy tính toán một hồi rồi quyết định đội mưa đi chợ. Nhã cười cợt quay qua Khánh: - Thế nào? Dừa thì dọc đường về mua được rồi. Nhưng còn bánh đa? Hứa với con Thảo nhà Nhã mà không làm là nó đay cho "đến hẹn lại lên" đấy. Hay là mình cũng ra chợ? Biết nịnh có khi được làm em Nhã không chừng! - Bánh đa mua ngày mưa này ấy à? Kệ dân tình chợ với búa. Bọn mình ra biển đi! Hai người đội mưa đi ngược đường đám bạn. Biển duỗi mình chịu trận dưới mưa, trông dịu dàng khác hẳn hồi đêm. Bãi vắng ngắt. Gió cũng dịu dàng, từng lúc lại quạt nước vào mặt hai người. Mặt Khánh rạng rỡ. Mắt Khánh âu yếm. Nhã đờ đẫn. Gần như là tình yêu..
***
Áp tết, Nhã ngồi bên bàn làm việc cầm bút di vô định trên bản kết toán địa phương mới gửi lên lơ mơ nghĩ cớ chuồn khỏi phòng. Ông trưởng phòng cười hiểu biết: - Cô Nhã có việc phải đi hẳn? Nếu có sang Tổng công ty thì tiệnđường tạt qua Ngân hàng hộ tôi luôn việc này... Chị Phượng cười cười: - Hôm qua tao nhảo lên Hàng Ngang Hàng Ðào, nhân thể tạt qua Ðinh Liệt.
Trên giời dưới hàng... Chuông điện thoại reo. Ông trưởng phòng kéo cặp kính trễ khỏi mũi chờ đợi. Chị Phượng mau mắn phóng tấm thân màu mỡ về góc phòng, nơi đặt máy điện thoại, miệng vẫn liến thoắng: - Hàng len năm nay đẹp kinh khủng Nhã ạ. Len lông Trung Quốc. Lộng lẫy. Nhưng con em dâu tao bảo phải mỗi tội giặt một nước là biết nhau ngay. Alô. Ai? Nói to lên nào. Vâng. Anh chờ cho một chút. Này Nhã! Nhã đón ống nghe, bụng mở cờ có cớ: - Nhã đây. à Khánh... Giọng Khánh đầy vẻ công việc: - Có việc phải giúp nhau đây! Bà biết hàng bánh cốm Nguyên Ninh, đặt giùm tôi hai trăm chiếc. Hàng Than dạo này mấy số nhà bung ra lập lờ đánh lận con đen bánh cốm Nguyên Ninh chính hiệu. Ăn nhão nhoét. Tôi sợ đặt nhầm cụ ông cụ bà lại kêu ca. Tôi bảo Vũ đến chở bà đi. Ðược không? Trái tim đập hẫng một nhịp: - Ðược chứ! Nhà có việc à? - ừ. Ăn hỏi. Loăng quăng mãi rồi. Ba mươi đến nơi rồi. Cũng đến cái lúc cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Thôi! Xong sớm nghỉ sớm. - Yêu bao giờ mà đùng đùng...? - Mới quen. Nhưng các cụ hai nhà biết nhau từ lâu. Mẹ bé dạy cùng trường cụ bà ngày xưa. Giờ lại là bạn hàng với nhau. Các cụ nhất quyết phải cưới trong năm nay. Ðịnh hai sáu ăn hỏi, hai tám cưới. Bé có vẻ ngoan. Còn chưa ra trường. Nhưng phải cưới để hợp lý hóa chuyện xin việc. Cụ ông nhà này năm sau về rồi. Thế nhé! Nhã giúp Khánh việc ấy nhé! Tối Khánh sẽ đặc cách đưa bé tới trình diện Nhã trước, với lại đưa tiền. - ừ tối nhé! Nhã buông máy, quên bẵng ý định mua sắm cho ba ngày tết. Cả phòng đã lại ai việc nấy. Nhã cầm bút, nhìn ra ngoài cửa sổ. Mưa phùn giăng giăng. Lá cây cơm nguội chưa trở màu bánh tẻ, xanh nõn nà. Một chiếc xe máy vọt qua. Người ngồi sau ôm cành đào trông rất "hầm hố". Tâm trí chìm trong những ý nghĩ không đầu không cuối. Miên man. "Hai tám tết. Hai tám tết. Bánh cốm hai trăm chiếc. Hai trăm bánh cốm. Hai trăm cau. Hai cân chè. Hai trăm thiếp mời. Hai cây. Hay hai chỉ? Hai triệu tiền mặt. Mồng hai tết sẽ tụ họp bạn bè. Khánh sẽ đi cùng vợ. Lại mặt sauđám cưới luôn. Lúc nãy giọng Khánh thế nào nhỉ? Như là hối tiếc. "Bé có vẻ ngoan". Chưa ra trường... Còn ít tuổi hơn cả con Thảo. Mười năm trước... Như mình. Ðan áo có kịp không?..."
Chị Phượng cười ròn rã làm Nhã giật mình: - Lại có trát truy nã à? - Vâng. Thằng bạn phổ thông với em. Chẳng biết xem ngày lành tháng tốt thế nào mà ăn hỏi rồi cưới ngay. Cập rà cập rập. Chị Phượng mở vòi: - Tao giờ cứ nhận thiếp mời là hãi. Ði tong một góc lương. Ðấy là đám thường đấy. Anh Toàn hôm qua về kể có ông giám đốc sở gì vừa làm đám cưới cho con. Có khi to nhất từ đầu mùa cưới năm nay đến giờ. Ăn ở những ba điểm nhé. Nhà khách bộ Năng lượng này. Câu lạc bộ quânđội này. Câu lạc bộ gì ở chỗ Tăng Bạt Hổ nữa. Ngày xưa gọi
là câu lạc bộ Lao động ấy. Môn đăng hộ đối. Mới chỉ là nhà gái thôi đấy. Cô dâu chú rể với hai bên thông gia lồng từ điểm nọ sang điểm kia. Anh Bình bảo gì cơ ạ? à là vì ai đi đám cưới cũng phải tìm mọi cách mà trình diện người đứng tên mời. Chẳng ai biết ai mừng bao nhiêu đâu, nhưng chắc là nhiều kinh khủng. Vô phúc cho ai lại bị cả hai nhà trai nhà gái cùng mời. Mà mời lại là vào cầu lửa. Chẳng bù cho nhà mình. Cuối tuần chồng cầm về một thiếp mời vợ cầm về một thiếp mời là run. Bố mẹ đi ăn cưới chẳng lẽ lại chỉ để cho con ở nhà ăn su hào uộc với đậu phụ rán hay lạc rang. Thành thử cứ mùa cưới là ngân quỹ thâm thủng. Ăn vàng cũng chả ngon. Thời buổi cưới chạy sô. Nghĩ buồn cười. Một tháng bốn tuần được mời ăn cưới cả bốn tuần thì cầm bằng số tận. Mày chưa chồng con, chắc nhận "trát" mệt nghỉ? - Thì tính đổ đồng cũng như anh chị - Và Nhã dẹp luôn tinh thần cởi mở của chị Phượng - Trời ấm thế này chỉ chết hàng hoa. Em vừa thấy bao nhiêu người vác đào về. Mới hai mốt mà đào đã nở toe toét thì mồng một chắc toàn là lá. Chị bảo len lông đẹp lắm à? Nhã liến láu. Lòng âm thầm một ý nghĩ bơ vơ: "Hè sang năm còn ai cùng đi Sầm Sơn không?"
Chú thích:
1: Trích "Bài ca chim báo bão" ( Gorki )