Nợ
Tác giả: Lê Minh Hà
Ông Dụng chậm rãi đi chéo qua căn phòng về phía một cái bàn nhỏ. ở đó, có một người ngồi quay lưng lại phía ông. Vai ông ta hẹp, gồ lên một cách căng thẳng trong bộ quân phục sĩ quan đã tầu tầu. - Cậu Hiếu! Ðôi vai trước mặt ông giật nhẹ. Nửa phút... Một phút... Người đàn ông quay lại, mỉm cười: - Ông hỏi tôi? Có lẽ ông lầm tôi với ai? Tên tôi là Chính. Có mấy người đứng quanh đó tò mò ngoái lại khi nghe lối xưng hô trái tuổi của ông Dụng. Nhưng ông không để ý: - Không! Không phải! Cậu là thằng Hiếu! Cậu biết rõ rằng chúng ta không thể quên nhau! Tiếng cười lúc đó mới bật ra, giật cục, rổn rảng. Người đàn ông được gọi là Hiếu đứng dậy: - Trí nhớ chúng ta đúng là vẫn tốt. Tôi chỉ thử cậu một chút cho vui...
o0o
Lúc đó là cuối giờ họp mặt các cán bộ được đào tạo ở trường công an từ thời kháng chiến. Không hoàn toàn đủ mặt. Người đã nằm lại đâu đó mấy chục năm nay. Người đã mất vì tuổi tác. Những người đang hỉ hả nói cười đều đã trạc sáu mươi bảy mươi cả. Nhiều người đeo hàm đại tá. Có cả tướng. Cũng có người không mặc quân phục. Nhìn phong thái thoải mái của họ trong bộ âu phục cũng có thể đoán được đời họ xuôi chèo mát mái thế nào. ở tuổi này, những người như thế rất ham các cuộc họp mặt. Nhắc nhớ nhau một thời trẻ trung đi kháng chiến. Kể cho nhau nghe những thăng tiến trong đời, những hể hả và phiền não mà đám con cái mang lại... Về hưu, hết quyền, thiếu những dịp được cảm thấy mình vẫn sống như thế, tuổi già đối với họ giống như là tội nợ. Chẳng mấy ai chú ý tới hai ngườiđàn ông vừa nhận ra nhau.
Trừ một người. Ông ta ăn mặc hết sức giản dị. Nhưng nhiều người có mặt ở đó biết ông là tướng. Bên an ninh. Ông là người ngày xưa cả ông Dụng ông Hiếu đều gọi là anh. Dễ đã bốn mươi năm. Thời đó, kéo nhau từ Việt Bắc về Hà Nội, cơ quan đối với từng người cứ y như một gia đình. Từ một góc phòng, ông tướng lặng lẽ quan sát hai đồng sự cũ. Ông không nghe được câu chuyện của họ. Nhưng ông đoán được...
o0o
- Cậu có nghĩ sẽ gặp tôi hôm nay không Hiếu? - Tôi... Tôi không biết. Thì cuộc họp mặt này được tổ chức cho chúng ta mà! - Tôi ra khỏi ngành lâu rồi. Hơn ba mươi năm... Là dân công an, ra khỏi ngành có nghĩa là thế nào cậu biết rõ. Khôn ngoan thì sống co mình. Cậu nói cuộc họp mặt này dành cho cả tôi ư? Không đâu! Mọi cuộc họp mặt kiểu này đều dành cho người ít nhiều thành đạt. Tôi có thể nói gì với anh em cũ ở cơ quan bộ về cuộc đời tôi gần bốn mươi năm qua? Tôi đến đây hôm nay là để gặp cậu. Tôi có ý tìm cậu suốt ngần ấy năm. Cậu sống ra sao từ bấy? - Tôi được biệt phái sang bộ đội ngay sau dạo ấy. Làm bên an ninh quân đội. Trong thành (1). Sau thì đi B. Cũng chẳng hiểu sao còn sống tới bây giờ. Lứa bọn mình ở lại công an các cậu ấy hầu hết là đại tá. Có cậu nhảy nhanh hơn nữa. Còn tôi thì hì hục mãi cũng chỉ đại tá.... - ừ, kể thế là cũng chậm. Bên bộ đội, lại đi B, nếu không chết thì thường lên nhanh hơn. Cậu lại có bằng cấp. Dân mình đi Nga về từ những năm 60, 61 đâu có nhiều. Mà có về thì một lô một lốc bị coi là xét lại. Cậu thế thì quả là lên chậm thật. Nhưng thôi, cái chính là cậu vẫn sống. Bây giờ ở đâu? Vợ con sao rồi? - Sau 73 tôi trở ra. Cuối năm ấy lấy vợ. Cơ quan anh em giới thiệu. Sốt rét bạc người. Chẳng biết có phải vì thế mà chậm con không? Giờ nhà tôi ở Kim Giang. Lẽ ra đại tá phải ba phòng, nhưng chờ mãi đơn vị không có nhà, đành nhận hai phòng vậy, chứ về hưu rồi thì... Thằng con tôi giờ mới mười lăm. Khéo mình chết mà nó vẫn chưa kịp nên người. Tôi sống cũng buồn. Mẹ nó chiều nó quá... Người hỏi vẫn là ông Dụng: - Cậu giờ gọi là Chính à? Chính với Hiếu tôi thấy có gì khác nhau đâu. Ðấy là do yêu cầu công tác hay là tự cậu? - Tự tôi! Nhưng sao cậu căn vặn tôi mãi thế? - Ông Hiếu bất chợt bốc lên - Cậu đến cuộc họp mặt này cốt để gặp tôi. Vậy thì cậu hãy nói... - Phải! Tôi đã định nói với cậu. Về chuyện ấy. Nhưng gặp cậu rồi thì tôi không muốn nữa. Cậu đã không quên được tôi. Thế là đủ. Chúng ta vẫn còn sống. Ðiều ấy mới đáng nói. Tôi ngày ấy không may mà lại thành may. Ra khỏi bộ Công an (2), hồi đánh phá tôi chỉ bị động viên vào đám sao vuông (3). Ði bộ đội thì không thể, không đủ tin cậy. Nhưng tôi đã nhiều lần muốn chết. Sống cũng là vì mấy mẹ con nhà nó. Cậu không thể hình dung được sự khủng khiếp khi phải sống gần như suốt đời trong ngờ vực bỉ báng. - Nhưng ngày đó cơ quan đâu có ý thải hồi cậu. Tự cậu xin ra cơ mà! - Phải! Tôi tự xin ra. Sau ngần ấy ngày ngồi trong đó, tôi không còn muốn ở lại bộ Công an nữa. Thế đấy! Cậu cũng không cần phải hối hận nhiều. Cậu chỉ có mặt trong đoạn đầu cuộc sống của chúng tôi. Phần sau, cái phần gần bốn mươi năm qua, tự tôi chọn. - ?..?... - Tôi sợ. Những nguyên tắc khép chúng ta trong ngành tàn nhẫn quá. Cậu nhớ anh Hệ chứ? ở phòng Chính trị ấy.Trước khi tôi bị nạn, anh em ai cũng tưởng anh ấy sang phái khiển (4) và đi xa. Tới hồi tôi lâm nạn, tôi gặp anh ấy. Lúc ấy đã bốn năm nằm trong đó, không án. Sau này ra, anh ấy vẫn tiếp tục làm ở bộ. Tôi thì tôi không thể. - ... Còn Hương? Cô ấy giờ ra sao? Lũ trẻ nữa? - Hương đã mất gần hai mươi năm nay. Một năm sau giải phóng. Hồi tôi bị nạn, chắc cậu chưa quên, Hương sinh con bé thứ hai. Rồi thôi luôn. Hương đã chạy khắp nơi, đòi thả tôi, hoặc đem tôi ra xử. Sau này, Hương lại chạy đòi minh oan cho tôi. Chúng tôi lo các cháu bị ảnh hưởng đến mụ người, nhất là hồi thằng cháu lớn thi đại học - ...!...! - Hương đã sống khổ sống sở một đời. Vì chúng ta. Nhưng cô ấy chưa bao giờ trách cứ tôi cả. Cũng không bao giờ nhắc tới cậu. Chúng tôi cố sống vì các cháu. Lúc tôi được ra, anh Kỳ gọi tôi lên, cho biết dự kiến phân công công tác lại cho tôi của tổ chức bộ. Nhưng tôi từ chối và xin ra khỏi ngành. Tôi đã tin. Bao nhiêu năm. Rằng cái ngành đã chọn tôi từ hồi còn là một thằng choai choai ở Việt Bắc là ngành trong sạch nhất. Ngày đó hình như ai cũng sống vô tư thế... "Thanh thản một gia tài vơi nửa ba lô - Còn nửa kia chứa đầy mơ mộng - Những ý nghĩ ngây thơ sa trường vó ngựa - Tấm áo hào hoa sự tích li kì - Trong quán tản cư những đêm ấm lửa - Chúng tôi gõ đàn hát khúc phân li... Ðấy! Có lần tôi đọc thấy một ông nhà thơ viết như thế đấy (5). Thật là đúng. Rồi thì tiếp quản thủ đô, cứ ngỡ đời chỉ đẹp thế trở lên... Tôi vỡ dần ra rằng ở trong cái ngành này người ta không thể sống như người ta muốn, dù ý muốn ấy hợp đạo. Cái việc liên quan đến chúng ta người ta có thể thẩm tra bằng nghiệp vụ chỉ trong vòng nửa tháng. Nhưng người ta đã không làm. Chỉ xin một tờ giấy chứng thực rằng tôi bị oan, không có sai phạm gì cũng không ai dám cấp. Thật không thể nào tin được. Mà đấy là cả một cuộc đời... Thế mà Hương vẫn ở cùng tôi. Sau tất cả những nông nỗi ấy... ... Tiếng ông Dụng chợt khàn hẳn, lôi ông Hiếu trở lại vùng có thực: - Tôi tự xin ra trong cảnh đấy nên không được hưởng chế độ chuyển ngành. Phải bắt đầu lại từ đầu. Từ một chân thợ. Hương ốm lai rai kể từ hồi ấy. Hai cháu còn nhỏ. Từ lương cán sự năm, tôi chỉ còn một phần ba khi học việc. Nhà máy Trần Hưng Ðạo. Thợ nguội. Khổ vì thiếu. Khổ vì tủi. Nhục nữa. Nhà máy người ta xì xào rằng tôi bị đuổi khỏi ngành công an. Biết nói thế nào?! Vợ chồng tôi cố sống để con mình được như con người. ở chiến trường gặp bom còn được chui hầm, nếu có hầm. Còn tôi... Thời chiến tranh đánh phá, B 52 rải thảm dọc Khâm Thiên, dân thì lao xuống hầm trú ẩn, tôi thì dẫn anh em tự vệ lao lên sân thượng bắn máy bay. Rồi cứu người. Xung quanh là hố bom, là bom bi, bom nổ chậm... Sợ lắm. Nhưng lại nghĩ là nếu có chết vào lúc đầu đội mũ sắt, không sao tròn thì cũng sao vuông, vai khoác CKC, tay đeo băng đỏ, tôi sẽ là liệt sỹ, vợ tôi sẽ là vợ liệt sỹ, con tôi sẽ là con liệt sỹ. Cái án không thành kia sẽ không còn bị nhắc tới, vợ con tôi có khổ thì cũng là khổ kiểu khác, coi như hy sinh đời bố củng cố đời con. Tôi kể cậu nghe rồi đấy: Cơ quan khi tôi đi từ chối minh oan cho tôi. Anh Hoàn lúc còn sống có lần đi dạo gặp tôi, quãng gần nhà anh ấy, chỗ hồ Ha-le (6) ấy, bảo tôi: " Là người Cộng sản thì ở đâu cũng chiến đấu được". Nghĩ buồn cười. Nhà máy thấy tôi hăng hái thế dập dình kết nạp Ðảng mấy lần mà không thành. Nghe ông phó bí thư sang thẩm tra lý lịch bên bộ Công an về kể lại, có anh nào vụ Tổ chức trả lời miệng rằng tôi không có sai phạm gì, rằng cái việc xảy ra trước đây với tôi là chuyện thuộc về nghiệp vụ ngành: " Bên các anh thấy cậu ấy xứng đáng thì cứ kết nạp. Chứ còn yêu cầu một văn bản minh oan cho cậu ấy thì không thể. Như thế thì quá bằng đòi thủ trưởng của chúng tôi thừa nhận sai lầm ". Kết cục tôi vẫn là người ngoài Ðảng. Thế có được coi là người cộng sản không nhỉ? Bao nhiêu lần tôi muốn hỏi anh Hoàn điều ấy. Khi anh ấy mất, tôi cũng đến viếng. Tôi đã hỏi thầm anh ấy như thế. Có lẽ thế cũng là không phải...
o0o
Ðã có người lục tục rời phòng họp. Hể hả. Bùi ngùi. Ông Dụng và ông Hiếu vẫn ngồi yên. Chỉ có họ làm chứng cho cuộc đời họ. Ông Dụng thấy lòng thanh thản. Còn ông Hiếu thì xót xa. Chưa bao giờ ông xót xa như thế. Nhưng hình như họ đã được giải thoát. Từ một góc phòng, ông tướng đứng dậy đi ra cửa. Bốn mươi năm trước, ở bộ Công an, ông là trưởng phòng của ông Dụng và ông Hiếu. Hồi đó họ gọi ông là anh, coi ông như anh.
o0o
Ông biết người nọ đã đẩy người kia vào tù.
Chú thích:
1. Thành: thành cổ Hà Nội, nơi Hoàng Diệu đã tuẫn tiết khi Hà Nội thất thủ bởi thực dân Pháp. Bộ Quốc phòng dùng di tích lịch sử này làm trụ sở suốt mấy chục năm nay.
2. Bộ Công an: Tên cũ của bộ Nội vụ ngày nay.
3. Sao vuông: một thứ phù hiệu đính trên mũ sắt của lực lượng tự vệ, hoạt động hỗ trợ cho quân đội chính quy.
4. Phái khiển: một bộ phận nằm trong bộ Công an, phụ trách điệp báo.
5. Trích từ " Nhìn lại Ðiện Biên " - Xuân Sách.
6. Hồ Ha-le: tên cũ của hồ Thiền Quang.