Opa , Con Chó và Tôi
Tác giả: Lê Minh Hà
Opa* vào viện ngay đêm lễ phục sinh. Tôi đến thăm Opa một cuối tuần. Ông lão đã đuối lắm. Tôi nói, thay một lời chia tay: "Opa khỏe nhanh lên. ở nhà Pelle nhớ Opa lắm đấy". Mọi người đang đứng vây quanh giường ông lão cùng cười. Ông lão cũng cười, cánh tay già nua đầy những mảng xuất huyết dưới da run run với ra khỏi chăn nắm lấy mấy ngón tay tôi: "Tôi sẽ về. Pelle sẽ không mất bạn." Bờm tóc bạc xòa trên gối trắng im lìm. Từ đôi mắt không lạc thần một giọt nước đục lờ ứa ra. Lời chia tay tôi nói với ông lão không phải là lời đãi bôi. Hình như Pelle nhớ ông lão thật. Từ hôm ông lão vào viện, Pelle có vẻ bồn chồn. Nó thường lấy đầu đẩy cửa phòng ông lão và khi không mở được nó nằm ẹp luôn xuống đó, đầu chúi giữa hai cẳng chân trước, buồn rầụ
Con chó đã già lắm. Con trai ông lão mang nó từ Hà Lan về làm quà sinh nhật cho vợ cách nay đã mười ba năm. Mười ba năm tuổi người. Gần tám mươi năm tuổi chó. Nhưng Pelle mới thực sự già đi chừng một năm trở lại đây. Trước đó người ta chỉ có thể đoán biết tuổi nó qua màu lông trở bạc. Hồi đầu con chó làm tôi ghét kinh khủng. Tôi vốn không thích các giống vật nuôi trong nhà như chó mèo. Mèo thường làm tôi rờn rợn mỗi khi bị chúng sán vào. Bộ lông mượt mà của chúng, cái lối uốn lưng uể oải của chúng, thói lười biếng của chúng... tất thảy đều làm tôi ác cảm, như ác cảm với những người đàn bà no đủ, mỡ màng và giả dốị Chó cũng không hơn gì mèo với lối sủa tâng công làm hết hồn hết vía khách lạ. Vào cái thời hoàng kim của chó ở Hà Nội độ chục năm trước, tôi càng ghét chó. Chúng được ăn ngon, được ỉa bậy, được làm toàn những điều con người phải tự cấm mình. Chỉ bởi vì chúng kiếm ra tiền. Chúng được ôm ấp, được nâng niu, được phụng dưỡng cũng là điều dễ hiểu. Nhưng việc ấy làm tôi chạnh lòng. Phải mặc cảm trước người đã là điều chẳng dễ chịu gì. Nay lại còn phải mặc cảm trước chó... Từ đất nước chó mèo được nuôi chỉ để phục vụ con người, hoặc để làm giàu cho chủ, hoặc để canh nhà, hoặc để bắt chuột, hoặc... lưu lạc tới đây, tìm mãi mới ra việc quét dọn này, tôi không làm sao chịu nổi cảnh người chăm chút chó quá chăm chút cho nhau. Nào cắt lông hàng tháng, nào tắm gội, nào đồ hộp, nào bánh ngọt. Cảnh đó luôn luôn gợi trong tôi cảm giác bất nhẫn. Tôi nhớ cái dạo chó ở Hà Nội lên ngôi. Tôi nhớ ông hàng xóm lâu năm của nhà tôi, về hưu với đồng lương giáo viên tiểu học, ngày nào cũng lụm cụm khuân hàng ra chợ cho bà vợ ngồi bán cả ngày, rồi lại lụi hụi chất hàng lên cái xe đạp cà khổ chở về nhà mỗi chiều nhập nhoạng. Thường sau khi giúp vợ dọn hàng xong ông mới thong dong đạp xe về ăn sáng. Cái bánh mì chấm chút sữa Ông Thọ, bát cơm rang đã nguội tanh nguội ngắt. Rồi chén chè. Riêng chè thì bao giờ cũng là thứ chè Thái hảo hạng. Cuối tuần thì ông phá lệ: Ăn phở sáng. Tôi nhớ một buổi đang loay hoay bên gánh rau của chị hàng rong trước cửa thì ông dắt xe lạch cạch đi ngang. Ngẩng đầu chào ông, mặt ông bợt bạt. Ông nghẹn ngào: "Không ăn nổi cô ạ. Chắc từ đây tôi không bao giờ vào hàng quán nữa." Buổi tối thì tôi biết nguyên do. Ông sang nhà tôi, ấp hai tay vào chén chè bố tôi rót mời, run giọng: "Ông tính, con mẹ đặt kịch cái bát ô tô to vật lên cái bàn ngay trước mặt bà hàng: "Bát mười!" Lại còn thẽ thọt: "ít bánh nhiều thịt nhé! Ông xã tôi vừa cho nó xơi cả hộp sữa rồi!" Ông biết "nó" là đứa nào không? Là con chó Tây thở hồng hộc con mẹ ấy dắt theo. Bà hàng vừa làm xong bát phở, nó hối con chó Bốp Bốp lại đây rồi bê bát phở đặt ngay cạnh tôi giục con chó nhảy lên ghế ngồi chồm chỗm. Tôi biết bây giờ chó nuôi người, con chó giống như thế là đống vàng, nhưng nếu người coi chó hơn người..." Cả nhà tôi không ai bảo ai đều ra vẻ không nghe thấy câu chuyện của ông, chỉ mỗi bố tôi hắng giọng mấy lần nhưng rồi cũng không nói gì. Câu chuyện lọt vào tai buổi ấy đeo mãi theo tôi, càng làm tôi ghét Pelle. Nó thường hực hực phóng từ trên gác xuống, sủa ông ổng mỗi khi chuông cửa reo, chẳng có lý do gì chính đáng. Lại thêm tội tôi cứ vừa hì hục lau sàn xong là xông xông vào phòng, thản nhiên để đủ một hàng bốn vết chân và cơ man lông rụng. Nếu là ở Việt Nam, thế nào Pelle cũng bị tôi giọt cho mấy cán chổi. Khi mới tới nhà ông chủ Pelle nhận việc, tôi không bao giờ nghĩ có một ngày mình lại lo lắng thật lòng cho con chó. Lòng tôi đã nặng đủ thứ lo rồi. Thế mà rồi giữa Pelle và tôi đột nhiên có một mối giao cảm và điều đó đã làm tôi ngỡ ngàng. Ðiều đó bắt đầu từ khi có mặt Opa.
Ông lão hay kể cho tôi nghe về thành phố nơi ông đã lớn lên,đ ã tìm về sau chiến tranh vàđã sống cho tới ngày cuộc sống đơn độc trong căn nhà rộng thênh thang trở thành nguy hiểm cho tuổi già của ông. Tôi đã từng qua thành phố đó đôi lần. Những con đường rộng xe cộ chạy vèo vèo. Những khối nhà bê tông trồi trụt xám màu mưa gió. Thiếu bản sắc và không thân thiện. Một thành phố điển hình cho những thành phố bị hủy diệt bởi đạn bom và được xây lại vội vàng sau chiến tranh thế giới lần hai ở nước Ðức này. Nhưng với ông lão,đó là nơi đẹp nhất. Nghe chuyện Opa kể, tôi có cảm giác không phải ông nói về thành phố đang hiện hữu, đang sống hối hả theo nhịp tháng ngày chảy vùn vụt. Thành phố sống trong ông là thành phố đã chết. Với những hồ, những rừng. Với những góc phố hẹp và những bà láng giềng hồ hởi biết vanh vách chuyện nhà nhau. Với những mái nhà đỏ và đen đọng tuyết và khói lững lờ tỏa vào không trung nặng nước. Với ngôi nhà của chính ông - Ðống gạch vữa mà ông phải hì hục dọn sau ngày từ mặt trận trở về. Thành phố ấy tôi không biết. Ông lão hay khóc. Tôi không rõ Opa khóc vì những hồi ức xa xôi hay đơn giản chỉ vì sự dễ chạnh lòng của tuổi già. Nhiều buổi sáng, khi tay chổi tay giẻ bước vào phòng, tôi thấy Opa ngồi trên xe lăn, cái chăn len phủ trên đôi chân già nua đã teo hết cơ, bàn tay khô khỏng đầy những vết nâu nâu do xuất huyết dưới da buông hững hờ. Như Opa đang trong giấc ngủ thiu thiu. Nghe tiếng chân tôi, bờm tóc dày bạc phơ hất lên lộ ánh mắt đục lờ. Từ đó, một giọt, hai giọt nước chiết ra, chậm chạp lăn xuống, đọng lại trên gương mặt nhăn nheo. Có cảm giác những giọt nước mắt của Opa đặc quánh. "Bạn tôi chết rồi cháu ạ. Cả khẩu đội tôi bị bom vùi. Chỉ có tôi và nó còn sống. Nó mất cả hai chân. Cắt tới đây này." Ông lão run run lật tấm chăn, chặn bàn tay lên ngang đôi đùi tong teo. "Nó sống ở nhà an dưỡng từ đó. Nó hai hai tuổi. Năm mươi năm rồi. Tôi đọc trên báo hôm nay..." Và ông lão lại cúi đầu. Giọt nước đặc quánh rớt xuống, thấm vào lớp chăn len dày. Năm mươi năm. Hơn khoảng thời gian cách biệt giữa tuổi tôi và tuổi ông lão. Con cháu Opa vừa hãnh diện tổ chức mừng sinh nhật lần thứ chín mươi của Opa. Năm mươi năm. Ðấy cũng là khoảng thời gian cuộc chiến tranh khủng khiếp Opa phải tham gia chấm dứt. Năm mươi năm. Năm mươi lần nhà tôi làm giỗ ông nội tôị Ông nằm xuống trong một góc rừng Việt Bắc, giữa một mùa chiến dịch, mất mộ. Mấy mươi năm chiến tranh sau này, bà tôi vẫn mong mỏi có một ngàyđi tìm mộ ông tôị Nước Việt của tôi đã thay đổi. Nước Ðức của Opa đã thay đổị Thành phố quê hương Opa đã thay đổi. Nhưng tôi có cảm giác ông lão cũng như bà nội tôi không bao giờ ra khỏi cuộc chiến tranh đã quạ Thời gian với ông dường như đã ngừng lại từ lâu lắm rồi.
Nhưng với Pelle thì không phải vậy. Từ khi ông lão chịu rời bỏ ngôi nhà tự tay ông xây lại trên đống hoang tàn sau chiến tranh đến ở với con trai, Pelle đột nhiên đổi khác. Nó già đi từng ngày, như sợ lỗi nhịp với thời gian. Lông nó bạc thêm rất nhanh, rụng khắp nơi. Pelle thôi sủa khoe giọng như độ trước. Nó hay lừ đừ đi ngang chỗ tôi quét tước, chậm chạp dừng trước cửa phòng Opa rồi sẽ sàng đẩy cánh cửa, sẽ sàng đến bên chiếc xe lăn, nằm mọp dưới chân ông lão, tư lự. Tôi không sao cắt nghĩa được sự thiết tha Pelle bày tỏ với Opa, thiết tha hơn với tất cả mọi người trong nhà, dù rằng ông lão mới chỉ về đây ít ngày. Mùa hè năm trước ông bà chủ Pelle cho Pelle cùng đi nghỉ ở Hà Lan. Khi về, ông chủ Pelle nói đùa rằng Pelle đã gặp lại bạn gái ở quê hương. Lúc đó tôi cùng cười với ông bà về mối tình giả tưởng của con chó. Nhưng bây giờ, khi chứng kiến Pelle già đi từng ngày, từng ngày luẩn quẩn bên Opa, từng ngày đắm chìm trong một niềm tư lự khó hiểu, bỗng nhiên tôi ngỡ ngàng. "Biết đâu! Biết đâu đấy! Sau ánh mắt rầu rĩ của con chó chẳng có một nỗi u hoài vì lưu lạc, vì bất lực trước tuổi già, vì viễn ảnh bỏ xương xứ người..." Rất nhiều khi nhìn cảnh ông lão run run đặt tay lên đầu con chó già, tôi chợt thấy tim mình đập hẫng nhịp. Nếu tôi may mắn ở lại được xứ này, những ngày tháng này của Pelle sẽ là những ngày tháng của tôi. Nhưng tôi biết tôi sẽ cô đơn hơn rất nhiều.
Tôi đã lần mò đi tìm việc khắp nơi. Cả ở mấy Seniorenheim(**) quanh vùng. Cái cảnh mấy ông bà già khụ đẩy xe lăn ra phòng tiếp đón, ngồi đó hoặc ngủ gật hoặc đờ đẫn nhìn người qua lại, hàm trễ xuống và từ đó những tiếng thở phều phào hắt ra làm tôi sợ chết khiếp. Opa không phải sống qua những ngày tháng cuối đời trong cảnh đó. Lối sống của gia đình Opa có nhiều điểm gần gụi với lối sống của người mình. Cũng những ân cần, cũng những buồn vui vì nhau. Nhưng dù sao nhịp sống xứ này cũng không cho phép người ta từng phút một quanh quẩn chăm chút cho nhau. Opa có nhiều giờ phút cô đơn. Thế nên ông lão rất mừng có người hóng chuyện. Tôi là một người nghe lý tưởng. Vì tiếng Ðức dằn bụng chẳng có bao nhiêu nên tôi chỉ im lặng nghe, còn ông lão cứ lầm thầm nói... Có cái gì chung giữa một người đàn bà trẻ như tôi và một ông lão sống gần trọn thế kỷ này? Tôi không biết. Nhưng đúng là những lời kể lầm thầm của ông lão đã làm tôi xúcđộng. Có nỗi sợ nghẹt cứng ngực trước màu tuyết trắng mênh mông ở xứ Bạch Nga ngày ông lão bị điều sang mặt trận phía đông. Có niềm biết ơn âm thầm một người đàn bà Nga cao lớn, gầy guộc, nóng nảy và sầu muộn - người đã bẻ cho ông lão mẩu bánh mì đen, rót cho ông cốc nước chè đen vào cái ngày ông lão bị bắt làm tù binh. Có niềm vui điên dại khi lần mò về tới thành phố quê hương dù trước mắt chỉ là mảnh đất mà trên đó từng có một ngôi nhà... "Cháu biết không, khi chiến tranh chấm dứt, tôi từ Nga lần về tới Nürnberg thìđã là cuối xuân. Lạnh lắm. Cũng có thể là vì tôi đói. Tôi cứ đi. Trên người chỉ có độc một bộ quần áo nông dân, gốc gác lính tráng chỉ còn là một đôi giày. Rồi đôi giày cũng mất dù rằng ban đêm ngủ tôi đã cẩn thận cởi ra quàng quanh cổ. Chắc có người còn lạnh hơn tôi. Ơn Chúa! Vợ con tôi vẫn còn sống..." Trong những lúc ông lão lầm thầm như thế và tôi loay hoay cùng xô chổi giẻ, Pelle thường nằm dưới chân ông. Nó không gừ gừ như trước, chỉ thỉnh thoảng thở dài, túm lông trán trước vẫn thường ve vẩy một cách hãnh diện theo mỗi bước đi hùng dũng nay rũ xuống như mảnh vải người ta hay che trước mắt một con ngựa già. Căn phòng lúc nào cũng nồng mùi nước giải người già và cả mùi lông già nua của Pelle với tôi càng ngày càng thêm gần gũi. Mà tôi thì có gì chung với ông lãỏ Tôi đã háo hức trước màu tuyết trắng lần đầu tiên thấy khi trôi dạt tới đất nước này. Cái tôi sợ nhiều năm, và bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn thấy trong những giấc mơ dữ là màu trời xanh nhức nhối, xanh đến hoang mang những ngày nắng to. Những ngạyđẹp trời như thế trong tuổi nhỏ của tôi thường cũng là những ngày máy bay Mỹ gia tăng oanh tạc. Tôi hay tha thủi ngoài bờ sông hồi đi sơ tán, ngóng lên cầu, nơi những chiếc xe đạp chất nặng đồ lề từ hướng thành phố hay bon qua mỗi chiều. Nhiều đứa trẻ nhà quê đã ghẹo tôi là con Hà Nội lẩn thẩn. Chúng nó không biết, không ai biết nỗi lo thắt lòng tôi khi đó, khi tôi nhớ bố mẹ, nhớ thành phố, nhớ hàng quà vặt của bà còng trước cửa trường. Chè lam của bà mới thơm làm sao! Nỗi lo ấy lớn hơn tuổi lên mười của tôi. Rất nhiều năm sau này tôi sẽ hiểu ra rằng đó là nỗi buồn, nỗi sợ, trước những điều ở tuổi nào con người cũng không thể hiểu nổi. Ông lão cũng giữ trong lòng nhiều nỗi buồn nỗi sợ. Có lần ông khoe với tôi ông mang mệnh sư tử. "Mệnh đó thọ lắm. Bao nhiêu lần xung quanh tôi mọi người chết hết, mỗi mình tôi sống. Tôi ra khỏi cuộc chiến tranh đó mà trên mình không một vết thương. Cháu có tin không? Không một mảnh đạn nào chạm tôi suốt trong chiến tranh. Khi bị bắt làm tù binh, tôi sợ lắm. Nhưng không một cánh tay nào vung lên. Tôi nhớ... Những con mắt đói... Ðàn bà... Con trẻ... Không hằn thù. Chỉ rất buồn. Không có họ chắc tôi chết trên đường về..." Nụ cười móm mém trên môi ông lão thoáng chốc chuyển thành cái mếu tội như cái mếu của con trẻ: "...Nhưng có lẽ chính họ đã chết rồi... Như em tôi. Em gái tôi di cư sang Mỹ trước chiến tranh. Mãi sau này chúng tôi mới tìm lại được nhau. Mỗi tuần..." - ông lão hãnh diện - "mỗi tuần anh em tôi viết cho nhau một lá thư. Suốt năm mươi năm. Nhưng em tôi chết rồi, chết lưu lạc..." Và Opa khóc. Dường như có một cảm biến nào đó từ ông lão, Pelle dịch sát chiếc xe lăn hơn, nặng nề nhấc cái đầu bù xù dụi vào chân ông lão, thở dài.
Khi Opa vào viện, Pelle càng thêm âm thầm. Và yếu đi rất nhanh. Mắt nó lòa hẳn. Nó chỉ còn định hướng được bằng mũi. Những buổi sáng đến làm ở nhà ông bà chủ Pelle, tôi thường thấy con chó nằm dưới chân cầu thang. Nhận ra tôi, Pelle run run đứng dậy, choãi bốn cẳng chân lấy thế đi theo tôi đến trước cửa phòng ông lão và lại nằm ẹp đó. Cái cảnh một con chó già ngóng một cụ già, cái mối giao cảm tuổi tác kỳ lạ đó làm tôi ái ngạị Opa vẫn chưa về. Opa không về.Ông lão "đi" ngay đêm trước ngày ra viện. Cuộc đời dài gần một thế kỷ đó chấm dứt lặng lẽ. Cái chết với Opa từ lâu giống như một người bạn có thể đến vào bất kỳ lúc nào. Và cả nhà ông lão biết vậy. Một năm trước khi Opa tròn chín mươi tuổi, con cháu Opa đã đưa ông đi một chuyến dài, về lại thành phố nơi ông ra đời, thăm lại ngôi nhà thờ nhỏ năm tháng xa xôi nào ông lão được cha mẹ dắt đi lễ mỗi chủ nhật hàng tuần. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, thành phố Ðức chôn nhau cắt rốn của Opa đã trở thành một thành phố Pháp và ông lão dường như vẫn còn hoang mang khi kể tôi nghe về sự kiện này. Không có gì có thể gọi là đột ngột khi người quá cố ở vào tuổi ấy. Nhưng khi Opa "đi" tôi vẫn bàng hoàng. Tôi nghĩ tới hai cuộc chiến tranh thế giới kinh hoàng đã đi qua đời ông lão. Tôi nghĩ tới nơi chôn nhau cắt rốn không bao giờ có lại của ông, nghĩ tới những miền đất con người xâu xé và yêu thương. Tôi nhớ nơi tôi đã từ đó ra đi. Thành phố của những mùa hoa hạ đỏ, của mùi hoa sấu chua, và bao chiều bạt gió. Thành phố của bồn chồn hương hoa sữa cuối thu và của âm thầm heo may đầu đông. Tôi nhớ tôi, năm tháng nào, giữa thành phố ấy, sau một cuộc chiến tranh dài, dài hết một thiếu thời... Bữa cơm vài sợi rau gầy, giọt mỡ đánh lừa mắt đói... Mà sao vẫn nhiều khao khát thế. Những khao khát lạ lùng, bởi quá chừng giản dị, mấy thế hệ cùng cưu mang. Tôi đã từ nơi ấy đến đây, như một trốn chạy tất cả, trốn chạy chính mình. Mà sao nhiều đêm vẫn thầm mong những giấc mơ tìm về. Những hồi ức, những khao khát này tôi sẽ phải giữ đến bao giờ? Ngày về của một nắm tro?
Chẳng rõ Pelle có biết Opa đã "đi" rồi? Nhưng hình như nó biết nó không còn đủ sức chờ ông lão trở về. Nó dịch sát chân tôi, mệt mỏi nhấc đầu khỏi hai cẳng chân, thở dài. Tôi ngồi xuống bên Pelle, đặt tay lên bộ lông xác xơ của con chó già. Lần đầu tiên tôi có một cử chỉ như thế với một con chó. Pelle dường như cảm kích, nhưng nó không nhúc nhích, chỉ lặng lẽ dụi mõm vào tay tôi... Khi tôi khép lại cánh cửa sau lưng, mặt trời hiện ra từ lúc nào, tỏa những tia sáng huy hoàng. Tuyết đọng ven hè phố đang xốp dần lên, vội vàng tan. Trên thềm, loáng thoáng mấy giọt phân chim trắng nhờ. Những con chim đầu tiên đã trở về trong gió lạnh đầu xuân. Ðấy có phải những con chim cuối cùng ra đi trong mùa đông năm trước?
8. 1998
Chú thích: * Opa: Ông
** Seniorenheim: Nhà dưỡng lão
Opa* vào viện ngay đêm lễ phục sinh. Tôi đến thăm Opa một cuối tuần. Ông lão đã đuối lắm. Tôi nói, thay một lời chia tay: "Opa khỏe nhanh lên. ở nhà Pelle nhớ Opa lắm đấy". Mọi người đang đứng vây quanh giường ông lão cùng cười. Ông lão cũng cười, cánh tay già nua đầy những mảng xuất huyết dưới da run run với ra khỏi chăn nắm lấy mấy ngón tay tôi: "Tôi sẽ về. Pelle sẽ không mất bạn." Bờm tóc bạc xòa trên gối trắng im lìm. Từ đôi mắt không lạc thần một giọt nước đục lờ ứa ra. Lời chia tay tôi nói với ông lão không phải là lời đãi bôi. Hình như Pelle nhớ ông lão thật. Từ hôm ông lão vào viện, Pelle có vẻ bồn chồn. Nó thường lấy đầu đẩy cửa phòng ông lão và khi không mở được nó nằm ẹp luôn xuống đó, đầu chúi giữa hai cẳng chân trước, buồn rầụ
Con chó đã già lắm. Con trai ông lão mang nó từ Hà Lan về làm quà sinh nhật cho vợ cách nay đã mười ba năm. Mười ba năm tuổi người. Gần tám mươi năm tuổi chó. Nhưng Pelle mới thực sự già đi chừng một năm trở lại đây. Trước đó người ta chỉ có thể đoán biết tuổi nó qua màu lông trở bạc. Hồi đầu con chó làm tôi ghét kinh khủng. Tôi vốn không thích các giống vật nuôi trong nhà như chó mèo. Mèo thường làm tôi rờn rợn mỗi khi bị chúng sán vào. Bộ lông mượt mà của chúng, cái lối uốn lưng uể oải của chúng, thói lười biếng của chúng... tất thảy đều làm tôi ác cảm, như ác cảm với những người đàn bà no đủ, mỡ màng và giả dốị Chó cũng không hơn gì mèo với lối sủa tâng công làm hết hồn hết vía khách lạ. Vào cái thời hoàng kim của chó ở Hà Nội độ chục năm trước, tôi càng ghét chó. Chúng được ăn ngon, được ỉa bậy, được làm toàn những điều con người phải tự cấm mình. Chỉ bởi vì chúng kiếm ra tiền. Chúng được ôm ấp, được nâng niu, được phụng dưỡng cũng là điều dễ hiểu. Nhưng việc ấy làm tôi chạnh lòng. Phải mặc cảm trước người đã là điều chẳng dễ chịu gì. Nay lại còn phải mặc cảm trước chó... Từ đất nước chó mèo được nuôi chỉ để phục vụ con người, hoặc để làm giàu cho chủ, hoặc để canh nhà, hoặc để bắt chuột, hoặc... lưu lạc tới đây, tìm mãi mới ra việc quét dọn này, tôi không làm sao chịu nổi cảnh người chăm chút chó quá chăm chút cho nhau. Nào cắt lông hàng tháng, nào tắm gội, nào đồ hộp, nào bánh ngọt. Cảnh đó luôn luôn gợi trong tôi cảm giác bất nhẫn. Tôi nhớ cái dạo chó ở Hà Nội lên ngôi. Tôi nhớ ông hàng xóm lâu năm của nhà tôi, về hưu với đồng lương giáo viên tiểu học, ngày nào cũng lụm cụm khuân hàng ra chợ cho bà vợ ngồi bán cả ngày, rồi lại lụi hụi chất hàng lên cái xe đạp cà khổ chở về nhà mỗi chiều nhập nhoạng. Thường sau khi giúp vợ dọn hàng xong ông mới thong dong đạp xe về ăn sáng. Cái bánh mì chấm chút sữa Ông Thọ, bát cơm rang đã nguội tanh nguội ngắt. Rồi chén chè. Riêng chè thì bao giờ cũng là thứ chè Thái hảo hạng. Cuối tuần thì ông phá lệ: Ăn phở sáng. Tôi nhớ một buổi đang loay hoay bên gánh rau của chị hàng rong trước cửa thì ông dắt xe lạch cạch đi ngang. Ngẩng đầu chào ông, mặt ông bợt bạt. Ông nghẹn ngào: "Không ăn nổi cô ạ. Chắc từ đây tôi không bao giờ vào hàng quán nữa." Buổi tối thì tôi biết nguyên do. Ông sang nhà tôi, ấp hai tay vào chén chè bố tôi rót mời, run giọng: "Ông tính, con mẹ đặt kịch cái bát ô tô to vật lên cái bàn ngay trước mặt bà hàng: "Bát mười!" Lại còn thẽ thọt: "ít bánh nhiều thịt nhé! Ông xã tôi vừa cho nó xơi cả hộp sữa rồi!" Ông biết "nó" là đứa nào không? Là con chó Tây thở hồng hộc con mẹ ấy dắt theo. Bà hàng vừa làm xong bát phở, nó hối con chó Bốp Bốp lại đây rồi bê bát phở đặt ngay cạnh tôi giục con chó nhảy lên ghế ngồi chồm chỗm. Tôi biết bây giờ chó nuôi người, con chó giống như thế là đống vàng, nhưng nếu người coi chó hơn người..." Cả nhà tôi không ai bảo ai đều ra vẻ không nghe thấy câu chuyện của ông, chỉ mỗi bố tôi hắng giọng mấy lần nhưng rồi cũng không nói gì. Câu chuyện lọt vào tai buổi ấy đeo mãi theo tôi, càng làm tôi ghét Pelle. Nó thường hực hực phóng từ trên gác xuống, sủa ông ổng mỗi khi chuông cửa reo, chẳng có lý do gì chính đáng. Lại thêm tội tôi cứ vừa hì hục lau sàn xong là xông xông vào phòng, thản nhiên để đủ một hàng bốn vết chân và cơ man lông rụng. Nếu là ở Việt Nam, thế nào Pelle cũng bị tôi giọt cho mấy cán chổi. Khi mới tới nhà ông chủ Pelle nhận việc, tôi không bao giờ nghĩ có một ngày mình lại lo lắng thật lòng cho con chó. Lòng tôi đã nặng đủ thứ lo rồi. Thế mà rồi giữa Pelle và tôi đột nhiên có một mối giao cảm và điều đó đã làm tôi ngỡ ngàng. Ðiều đó bắt đầu từ khi có mặt Opa.
Ông lão hay kể cho tôi nghe về thành phố nơi ông đã lớn lên,đ ã tìm về sau chiến tranh vàđã sống cho tới ngày cuộc sống đơn độc trong căn nhà rộng thênh thang trở thành nguy hiểm cho tuổi già của ông. Tôi đã từng qua thành phố đó đôi lần. Những con đường rộng xe cộ chạy vèo vèo. Những khối nhà bê tông trồi trụt xám màu mưa gió. Thiếu bản sắc và không thân thiện. Một thành phố điển hình cho những thành phố bị hủy diệt bởi đạn bom và được xây lại vội vàng sau chiến tranh thế giới lần hai ở nước Ðức này. Nhưng với ông lão,đó là nơi đẹp nhất. Nghe chuyện Opa kể, tôi có cảm giác không phải ông nói về thành phố đang hiện hữu, đang sống hối hả theo nhịp tháng ngày chảy vùn vụt. Thành phố sống trong ông là thành phố đã chết. Với những hồ, những rừng. Với những góc phố hẹp và những bà láng giềng hồ hởi biết vanh vách chuyện nhà nhau. Với những mái nhà đỏ và đen đọng tuyết và khói lững lờ tỏa vào không trung nặng nước. Với ngôi nhà của chính ông - Ðống gạch vữa mà ông phải hì hục dọn sau ngày từ mặt trận trở về. Thành phố ấy tôi không biết. Ông lão hay khóc. Tôi không rõ Opa khóc vì những hồi ức xa xôi hay đơn giản chỉ vì sự dễ chạnh lòng của tuổi già. Nhiều buổi sáng, khi tay chổi tay giẻ bước vào phòng, tôi thấy Opa ngồi trên xe lăn, cái chăn len phủ trên đôi chân già nua đã teo hết cơ, bàn tay khô khỏng đầy những vết nâu nâu do xuất huyết dưới da buông hững hờ. Như Opa đang trong giấc ngủ thiu thiu. Nghe tiếng chân tôi, bờm tóc dày bạc phơ hất lên lộ ánh mắt đục lờ. Từ đó, một giọt, hai giọt nước chiết ra, chậm chạp lăn xuống, đọng lại trên gương mặt nhăn nheo. Có cảm giác những giọt nước mắt của Opa đặc quánh. "Bạn tôi chết rồi cháu ạ. Cả khẩu đội tôi bị bom vùi. Chỉ có tôi và nó còn sống. Nó mất cả hai chân. Cắt tới đây này." Ông lão run run lật tấm chăn, chặn bàn tay lên ngang đôi đùi tong teo. "Nó sống ở nhà an dưỡng từ đó. Nó hai hai tuổi. Năm mươi năm rồi. Tôi đọc trên báo hôm nay..." Và ông lão lại cúi đầu. Giọt nước đặc quánh rớt xuống, thấm vào lớp chăn len dày. Năm mươi năm. Hơn khoảng thời gian cách biệt giữa tuổi tôi và tuổi ông lão. Con cháu Opa vừa hãnh diện tổ chức mừng sinh nhật lần thứ chín mươi của Opa. Năm mươi năm. Ðấy cũng là khoảng thời gian cuộc chiến tranh khủng khiếp Opa phải tham gia chấm dứt. Năm mươi năm. Năm mươi lần nhà tôi làm giỗ ông nội tôị Ông nằm xuống trong một góc rừng Việt Bắc, giữa một mùa chiến dịch, mất mộ. Mấy mươi năm chiến tranh sau này, bà tôi vẫn mong mỏi có một ngàyđi tìm mộ ông tôị Nước Việt của tôi đã thay đổi. Nước Ðức của Opa đã thay đổị Thành phố quê hương Opa đã thay đổi. Nhưng tôi có cảm giác ông lão cũng như bà nội tôi không bao giờ ra khỏi cuộc chiến tranh đã quạ Thời gian với ông dường như đã ngừng lại từ lâu lắm rồi.
Nhưng với Pelle thì không phải vậy. Từ khi ông lão chịu rời bỏ ngôi nhà tự tay ông xây lại trên đống hoang tàn sau chiến tranh đến ở với con trai, Pelle đột nhiên đổi khác. Nó già đi từng ngày, như sợ lỗi nhịp với thời gian. Lông nó bạc thêm rất nhanh, rụng khắp nơi. Pelle thôi sủa khoe giọng như độ trước. Nó hay lừ đừ đi ngang chỗ tôi quét tước, chậm chạp dừng trước cửa phòng Opa rồi sẽ sàng đẩy cánh cửa, sẽ sàng đến bên chiếc xe lăn, nằm mọp dưới chân ông lão, tư lự. Tôi không sao cắt nghĩa được sự thiết tha Pelle bày tỏ với Opa, thiết tha hơn với tất cả mọi người trong nhà, dù rằng ông lão mới chỉ về đây ít ngày. Mùa hè năm trước ông bà chủ Pelle cho Pelle cùng đi nghỉ ở Hà Lan. Khi về, ông chủ Pelle nói đùa rằng Pelle đã gặp lại bạn gái ở quê hương. Lúc đó tôi cùng cười với ông bà về mối tình giả tưởng của con chó. Nhưng bây giờ, khi chứng kiến Pelle già đi từng ngày, từng ngày luẩn quẩn bên Opa, từng ngày đắm chìm trong một niềm tư lự khó hiểu, bỗng nhiên tôi ngỡ ngàng. "Biết đâu! Biết đâu đấy! Sau ánh mắt rầu rĩ của con chó chẳng có một nỗi u hoài vì lưu lạc, vì bất lực trước tuổi già, vì viễn ảnh bỏ xương xứ người..." Rất nhiều khi nhìn cảnh ông lão run run đặt tay lên đầu con chó già, tôi chợt thấy tim mình đập hẫng nhịp. Nếu tôi may mắn ở lại được xứ này, những ngày tháng này của Pelle sẽ là những ngày tháng của tôi. Nhưng tôi biết tôi sẽ cô đơn hơn rất nhiều.
Tôi đã lần mò đi tìm việc khắp nơi. Cả ở mấy Seniorenheim(**) quanh vùng. Cái cảnh mấy ông bà già khụ đẩy xe lăn ra phòng tiếp đón, ngồi đó hoặc ngủ gật hoặc đờ đẫn nhìn người qua lại, hàm trễ xuống và từ đó những tiếng thở phều phào hắt ra làm tôi sợ chết khiếp. Opa không phải sống qua những ngày tháng cuối đời trong cảnh đó. Lối sống của gia đình Opa có nhiều điểm gần gụi với lối sống của người mình. Cũng những ân cần, cũng những buồn vui vì nhau. Nhưng dù sao nhịp sống xứ này cũng không cho phép người ta từng phút một quanh quẩn chăm chút cho nhau. Opa có nhiều giờ phút cô đơn. Thế nên ông lão rất mừng có người hóng chuyện. Tôi là một người nghe lý tưởng. Vì tiếng Ðức dằn bụng chẳng có bao nhiêu nên tôi chỉ im lặng nghe, còn ông lão cứ lầm thầm nói... Có cái gì chung giữa một người đàn bà trẻ như tôi và một ông lão sống gần trọn thế kỷ này? Tôi không biết. Nhưng đúng là những lời kể lầm thầm của ông lão đã làm tôi xúcđộng. Có nỗi sợ nghẹt cứng ngực trước màu tuyết trắng mênh mông ở xứ Bạch Nga ngày ông lão bị điều sang mặt trận phía đông. Có niềm biết ơn âm thầm một người đàn bà Nga cao lớn, gầy guộc, nóng nảy và sầu muộn - người đã bẻ cho ông lão mẩu bánh mì đen, rót cho ông cốc nước chè đen vào cái ngày ông lão bị bắt làm tù binh. Có niềm vui điên dại khi lần mò về tới thành phố quê hương dù trước mắt chỉ là mảnh đất mà trên đó từng có một ngôi nhà... "Cháu biết không, khi chiến tranh chấm dứt, tôi từ Nga lần về tới Nürnberg thìđã là cuối xuân. Lạnh lắm. Cũng có thể là vì tôi đói. Tôi cứ đi. Trên người chỉ có độc một bộ quần áo nông dân, gốc gác lính tráng chỉ còn là một đôi giày. Rồi đôi giày cũng mất dù rằng ban đêm ngủ tôi đã cẩn thận cởi ra quàng quanh cổ. Chắc có người còn lạnh hơn tôi. Ơn Chúa! Vợ con tôi vẫn còn sống..." Trong những lúc ông lão lầm thầm như thế và tôi loay hoay cùng xô chổi giẻ, Pelle thường nằm dưới chân ông. Nó không gừ gừ như trước, chỉ thỉnh thoảng thở dài, túm lông trán trước vẫn thường ve vẩy một cách hãnh diện theo mỗi bước đi hùng dũng nay rũ xuống như mảnh vải người ta hay che trước mắt một con ngựa già. Căn phòng lúc nào cũng nồng mùi nước giải người già và cả mùi lông già nua của Pelle với tôi càng ngày càng thêm gần gũi. Mà tôi thì có gì chung với ông lãỏ Tôi đã háo hức trước màu tuyết trắng lần đầu tiên thấy khi trôi dạt tới đất nước này. Cái tôi sợ nhiều năm, và bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn thấy trong những giấc mơ dữ là màu trời xanh nhức nhối, xanh đến hoang mang những ngày nắng to. Những ngạyđẹp trời như thế trong tuổi nhỏ của tôi thường cũng là những ngày máy bay Mỹ gia tăng oanh tạc. Tôi hay tha thủi ngoài bờ sông hồi đi sơ tán, ngóng lên cầu, nơi những chiếc xe đạp chất nặng đồ lề từ hướng thành phố hay bon qua mỗi chiều. Nhiều đứa trẻ nhà quê đã ghẹo tôi là con Hà Nội lẩn thẩn. Chúng nó không biết, không ai biết nỗi lo thắt lòng tôi khi đó, khi tôi nhớ bố mẹ, nhớ thành phố, nhớ hàng quà vặt của bà còng trước cửa trường. Chè lam của bà mới thơm làm sao! Nỗi lo ấy lớn hơn tuổi lên mười của tôi. Rất nhiều năm sau này tôi sẽ hiểu ra rằng đó là nỗi buồn, nỗi sợ, trước những điều ở tuổi nào con người cũng không thể hiểu nổi. Ông lão cũng giữ trong lòng nhiều nỗi buồn nỗi sợ. Có lần ông khoe với tôi ông mang mệnh sư tử. "Mệnh đó thọ lắm. Bao nhiêu lần xung quanh tôi mọi người chết hết, mỗi mình tôi sống. Tôi ra khỏi cuộc chiến tranh đó mà trên mình không một vết thương. Cháu có tin không? Không một mảnh đạn nào chạm tôi suốt trong chiến tranh. Khi bị bắt làm tù binh, tôi sợ lắm. Nhưng không một cánh tay nào vung lên. Tôi nhớ... Những con mắt đói... Ðàn bà... Con trẻ... Không hằn thù. Chỉ rất buồn. Không có họ chắc tôi chết trên đường về..." Nụ cười móm mém trên môi ông lão thoáng chốc chuyển thành cái mếu tội như cái mếu của con trẻ: "...Nhưng có lẽ chính họ đã chết rồi... Như em tôi. Em gái tôi di cư sang Mỹ trước chiến tranh. Mãi sau này chúng tôi mới tìm lại được nhau. Mỗi tuần..." - ông lão hãnh diện - "mỗi tuần anh em tôi viết cho nhau một lá thư. Suốt năm mươi năm. Nhưng em tôi chết rồi, chết lưu lạc..." Và Opa khóc. Dường như có một cảm biến nào đó từ ông lão, Pelle dịch sát chiếc xe lăn hơn, nặng nề nhấc cái đầu bù xù dụi vào chân ông lão, thở dài.
Khi Opa vào viện, Pelle càng thêm âm thầm. Và yếu đi rất nhanh. Mắt nó lòa hẳn. Nó chỉ còn định hướng được bằng mũi. Những buổi sáng đến làm ở nhà ông bà chủ Pelle, tôi thường thấy con chó nằm dưới chân cầu thang. Nhận ra tôi, Pelle run run đứng dậy, choãi bốn cẳng chân lấy thế đi theo tôi đến trước cửa phòng ông lão và lại nằm ẹp đó. Cái cảnh một con chó già ngóng một cụ già, cái mối giao cảm tuổi tác kỳ lạ đó làm tôi ái ngạị Opa vẫn chưa về. Opa không về.Ông lão "đi" ngay đêm trước ngày ra viện. Cuộc đời dài gần một thế kỷ đó chấm dứt lặng lẽ. Cái chết với Opa từ lâu giống như một người bạn có thể đến vào bất kỳ lúc nào. Và cả nhà ông lão biết vậy. Một năm trước khi Opa tròn chín mươi tuổi, con cháu Opa đã đưa ông đi một chuyến dài, về lại thành phố nơi ông ra đời, thăm lại ngôi nhà thờ nhỏ năm tháng xa xôi nào ông lão được cha mẹ dắt đi lễ mỗi chủ nhật hàng tuần. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, thành phố Ðức chôn nhau cắt rốn của Opa đã trở thành một thành phố Pháp và ông lão dường như vẫn còn hoang mang khi kể tôi nghe về sự kiện này. Không có gì có thể gọi là đột ngột khi người quá cố ở vào tuổi ấy. Nhưng khi Opa "đi" tôi vẫn bàng hoàng. Tôi nghĩ tới hai cuộc chiến tranh thế giới kinh hoàng đã đi qua đời ông lão. Tôi nghĩ tới nơi chôn nhau cắt rốn không bao giờ có lại của ông, nghĩ tới những miền đất con người xâu xé và yêu thương. Tôi nhớ nơi tôi đã từ đó ra đi. Thành phố của những mùa hoa hạ đỏ, của mùi hoa sấu chua, và bao chiều bạt gió. Thành phố của bồn chồn hương hoa sữa cuối thu và của âm thầm heo may đầu đông. Tôi nhớ tôi, năm tháng nào, giữa thành phố ấy, sau một cuộc chiến tranh dài, dài hết một thiếu thời... Bữa cơm vài sợi rau gầy, giọt mỡ đánh lừa mắt đói... Mà sao vẫn nhiều khao khát thế. Những khao khát lạ lùng, bởi quá chừng giản dị, mấy thế hệ cùng cưu mang. Tôi đã từ nơi ấy đến đây, như một trốn chạy tất cả, trốn chạy chính mình. Mà sao nhiều đêm vẫn thầm mong những giấc mơ tìm về. Những hồi ức, những khao khát này tôi sẽ phải giữ đến bao giờ? Ngày về của một nắm tro?
Chẳng rõ Pelle có biết Opa đã "đi" rồi? Nhưng hình như nó biết nó không còn đủ sức chờ ông lão trở về. Nó dịch sát chân tôi, mệt mỏi nhấc đầu khỏi hai cẳng chân, thở dài. Tôi ngồi xuống bên Pelle, đặt tay lên bộ lông xác xơ của con chó già. Lần đầu tiên tôi có một cử chỉ như thế với một con chó. Pelle dường như cảm kích, nhưng nó không nhúc nhích, chỉ lặng lẽ dụi mõm vào tay tôi... Khi tôi khép lại cánh cửa sau lưng, mặt trời hiện ra từ lúc nào, tỏa những tia sáng huy hoàng. Tuyết đọng ven hè phố đang xốp dần lên, vội vàng tan. Trên thềm, loáng thoáng mấy giọt phân chim trắng nhờ. Những con chim đầu tiên đã trở về trong gió lạnh đầu xuân. Ðấy có phải những con chim cuối cùng ra đi trong mùa đông năm trước?
8. 1998
Chú thích: * Opa: Ông
** Seniorenheim: Nhà dưỡng lão