watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bầy Heo Con - tác giả Lê Nguyễn Hiệp Lê Nguyễn Hiệp

Bầy Heo Con

Tác giả: Lê Nguyễn Hiệp

Người đàn ông luống tuổi cất tiếng từ trong nhà vọng ra.
- Chấn! thằng chết bầm đâu rồi! sao chưa cho heo ăn để cho bầy heo đói nheo nhóc la ỏm tỏi thế này, tao lại quất cho mấy roi bây giờ.
Chấn đang chơi với lũ trẻ ngoài sân nghe tiếng cha la vội chạy nhanh vào trong sợ cha đánh đòn. Mới hơn mười hai tuổi đầu mà Chấn đã phải làm việc quần quật suốt ngày. Sau khi học xong tiểu học nó bị bắt phải ở nhà lo giúp việc. Trong khi người anh kế hơn nó bốn tuổi vẫn còn được đi học.
Chấn đi vội ra sau chuồng heo, trộn cơm thiu với rau khoai lang, nấu thêm một lúc cho ấm sau đó bỏ vào máng heo, bầy heo đói ăn chạy sộc đến tranh nhau ăn. Heo mẹ và bầy heo con ước chừng đến 10 con chen chúc nhau chõ mõm vào máng ăn lấy ăn để. Thằng bé chưa kịp đổ hết vào máng, các chú heo con háu ăn dơ lưỡi liếm vào nồi thức ăn còn ấm dính vào cả tay Chấn. Mỗi lần thấy bóng Chấn các chú heo con sấn lại gần vì biết rằng thế nào chúng cũng có cái ăn. Chấn quen với cái cảnh này, người và vật quấn quít nhau. Nó lúc nào cũng đánh cái quần đùi người để trần không cả mặc áo lót. Như vậy tiện lợi khỏi phải lo áo bẩn.
Hàng ngày từ sớm Chấn sách cái thùng nhôm đi qua mấy nhà quen cùng khu phố, xin cơm và đồ ăn thừa để làm đồ ăn phụ cho heo. Mùi xú uế chua lè của đồ ăn thừa có đến vài ngày bốc thẳng vào mũi khiến cậu bé nhăn mặt. Nguyên dẫy phố đều biết mặt Chấn, cứ cách hai hoặc ba bữa Chấn lại trở về căn nhà trước đã xin đồ ăn thừa. Cậu bé lễ phép thưa gởi và cám ơn đàng hoàng mỗi lần ghé qua lấy đồ ăn.
Sau đó buổi chiều khi chợ sắp tàn Chấn lại phải ghé vào khu bán rau cải để xin mấy thứ rau dập nát bị vất đi. Chợ trong những ngày vào mùa mưa, lầy lội và bẩn thỉu, Chấn thường đi chân không lội vào chợ, có đôi chỗ trũng nước ngập lên đến mắt cá. Ngày nào cũng như ngày đó công chuyện xin cơm thừa và rau dập được lập lại liên tục.
Chấn tuổi còn nhỏ nên vẫn còn ham chơi, đôi lúc trốn ra ngoài nhập bọn với bọn trẻ cùng xóm đi hái trôm trái cây. Về đến nhà y rằng bị cha lấy roi mây đánh cho vài roi để chừa cái tật đi chơi.
- Con cái nhà mất dậy đã cấm đi chơi mà dám cả gan trốn đi! không coi tao ra gì cả.
Cha nó mới quất nhứ vài roi mây lên người. Thằng bé đã khóc rống lên như thể đau đớn lắm.
- Cha ơi! lần sau con không dám nữa đâu.
- Mày chỉ có gìa cái miệng.
Những lần như thế mẹ nó lại đứng ra xin dùm cho nó.
- Thôi tôi xin ông đánh nó như thế đủ rồi.
- Thằng Chấn không mau xin lỗi cha.
Có lẽ Chấn là con nuôi hay sao đó mà bố đối xử Chấn khác với người anh. Chấn chỉ hiểu mang máng là đứa con nuôi khi bị mấy đứa trẻ trong xóm trêu trọc.
- Thằng Chấn là đồ con nuôi đó tụi bay biết không.
Chấn nghe giận lắm nhưng không làm gì được. Dần dà Chấn cũng hiểu nó là đứa con nuôi. Trời đầy đọa nó đã là đứa không cha mẹ, chiếc chân phải lại bị tật, đôi mắt ti hí mỗi lần đọc báo hay ngó xa nó phải ráng dương cặp mắt cho lớn, có lẽ nó bị cận hay sao đó, mà nó cũng chẳng thèm để ý vì nó có phải đi học nữa đâu mà cần lo lắng. Làn da hơi đen đủi với đôi bàn tay chai dầy vì làm lụng vất vả, làn da của con nhà nghèo. Còn anh nó thì tối ngày chỉ có học trông vẻ trắng trẻo thư sinh. Nhìn mấy đứa trẻ trong khu phố được đi học, nó nhìn với con mắt thèm muốn. Trình độ học của nó vừa đủ đọc báo tin xe cán chó, vài ba câu chuyện tình lãng mạn, hay vài bộ truyện chưởng, mà nó cũng đâu còn thì giờ rảnh rỗi đâu mà đọc. Tính toán thì chỉ biết cộng trừ nhân chia vậy là đủ sống với đời. Mà nó cũng đâu cần học cao cho lắm, cha hắn kia có biết chữ nhiều đâu mà buôn bán cũng ra phết, tính nhẩm thối tiền cho người ta rất nhanh, không trật đi đâu được. Rõ là vẽ chuyện! cha nó thường gạt đi mỗi lần nó mở lời muốn đi học.
- Ngữ mày mà học hành cái gì thôi ở nhà giúp tao buôn bán nuôi đàn heo còn có ích hơn.
Trái hẳn với bề ngoài không được mấy sáng sủa, nó rất hiền lành chất phác, chịu khó làm việc. Mà không chịu khó cũng không được với cha nó. Nó trở thành một thứ người làm bất đắc dĩ. người đi ở thì còn có lương chứ nó không có đến một đồng xu dính túi.
Bạn bè thì ít, loe ngoe vài mống và thường nó ít được đi ra ngoài. Nên đám heo con là bầu bạn của nó. Chiều đến nó lo tắm rửa cho đàn heo con dễ thương, nó ôm từng con heo con dội nước trên người kỳ cọ như một người mẹ. Mấy chú heo được tắm rửa sạch sẽ mát mẻ, vẫy cái đuôi bắn văng cả những hạt nước còn đọng lại lên mặt và người Chấn. Đúng là heo ăn đâu ỉa đó, từng bãi phân được các chú heo phóng uế không ngừng nghỉ. Cậu bé cầm vòi nước xịt những phân heo trôi theo rãnh nước thoát ra ngoài sân sau. Dù đã được chùi rửa cẩn thận mùi thúi của phân heo vẫn còn bám rễ không thế nào dứt đi được. Người lạ đi ghé ngang qua chắc chắn ngửi thấy mùi nồng nực của chuồng heo, nhưng với Chấn chiếc mũi đã mất khứu giác để phân biệt, mùi vị quen thuộc đã bám vào con người nó hàng ngày để rồi tự nó mất cái khả năng cảm nhận. Như người ghiền hút thuốc hàng ngày, họ không còn nhận ra mùi khói thuốc hôi hám bám vào quần áo.
Trong nhiều năm dài nó đã chăm sóc biết bao đợt heo đẻ rồi lớn lên, những con heo mập núng nính này được đem bán cho các lái heo. Ngày tháng trôi qua nó đã qua cái tuổi trẻ thơ, bây giờ nó đã là một người lớn quá tuổi đôi mươi, ông anh đã tốt nghiệp xong cử nhân hóa còn nó thì ngay cả cái bằng tiểu học làm vốn cũng nằm ngoài vòng tay. Nó càng bận bịu thêm với công việc nuôi heo và bếp núc. Chính cái công việc bếp núc tưởng như tầm thường đã tạo cho nó căn bản, giúp ích cho nó rất nhiều trong việc làm ăn sau này. Những bạn bè cùng lứa tuổi hồi nhỏ trong khu phố, đứa lên đại học, đứa đăng vào sĩ quan, đứa đi du học nước ngoài. Số phần may mắn của những đứa nó biết đều tốt đẹp cả, chúng được trời ưu đãi, nó thì vẫn lụi đụi trong xó bếp với bầy heo. Nó an phận với những gì đang có, một xếp đặt từ thủa lọt lòng mẹ, nó chỉ còn biết trách ông trời. Riết cuộc sống là một sự chịu đựng, không còn biết làm sao để vươn lên, đầu óc lười suy nghĩ trong nhiều năm trời đã trở thành thói quen thụ động, đến đâu hay đến đó. Chấn cũng mong muốn có một nếp sống gia đình, lấy vợ đẻ con, đi làm kiếm ít tiền để dành. Nhưng nó không biết làm sao để thoát ra cái thói quen đã thành nếp.
Rồi thêm hai chục năm nữa trôi đi nhanh chóng, công việc chăn nuôi bầy heo được lập lại hàng ngày, hết năm này qua năm khác như một mảnh đời bám vào nó, nó đã trở thành một người đàn ông trung niên lúc nào không biết, vậy mà nó vẫn tưởng như mới ngày nào. Bầy heo con cũng vẫn còn là bạn của nó, hết đợt này đến đợt khác. Đời sống tình cảm lứa đôi cũng không được may mắn như cuộc đời nó, thèm thuồng thì có nhưng nó chẳng dám mơ ước. Đã hơn bốn chục tuổi đầu rồi nó vẫn sống độc thân. Các cô trong phố toàn là các tiểu thư khuê các, có học, họ còn đang mơ mộng đến những mối tình cao đẹp nào đó, thì có hơi đâu mà để ý đến đứa dở dở ương ương như nó, mùi hôi kỳ cục lúc nào cũng phảng phất trên người, mùi của heo quả thật cũng khó ngửi và bám lâu. Nhiều cô còn sống sượng bịt cả mũi lại mỗi lần nó đi phất ngang qua. ngữ này khinh người quá lắm mai mốt có mà chống ề, nó lầm bầm rủa thầm trong miệng.
Cho đến một hôm nó thấy có cô con gái hay gánh đôi quang gánh rau muống ngồi bán từ sáng sớm trước cửa nhà, nhìn dáng cô gái vẫn còn trẻ tính ra phải thua nó cỡ trên một con giáp. Khu ngã ba này có một thứ chợ thật lạ, khỏang gần 5 giờ sáng đã thấy ồn ào. Nào thúng, nào quang gánh được bâỳ ra cho các bà nội trợ thích đi chợ sớm, gần đến bảy giờ tiếng ồn ào bỗng im vắng, làm như chưa hề có cuộc họp chợ ở đây, có thể gọi đây là thứ chợ chồm hổm, chỉ họp chợ khoảng hai tiếng rồi chạy. Kiểu họp chợ này đã xuất hiện tại khu này khá lâu từ hồi Chấn còn nhỏ. Cũng chính tại ngã ba này buổi chiều từ 5 giờ tới khoảng 9 giờ tối, có nhiều gánh hàng bán các món ăn chơi trong đó có món hột vịt lộn, cô gái tối nào cũng mang một rổ hột vịt lộn ngồi bán. Nó hay lân la đến làm quen cô gái, lúc mua bó rau muống, lúc mua ít hột vịt lộn. Nó chẳng biết tán tỉnh, thích cô ta nó tìm đến giúp cô cái này cái nọ, nó tỏ tình bằng những cử chỉ chân thật ngây ngô, không biết những lời lẽ tán tỉnh văn hoa bay bướm. Có lẽ cô gái cũng cảm nhận được điều khác thường này. Dù nó không biết nói chuyện như người ta, nó cũng đã loáng tháng hiểu về đời tư của người con gái, cô gái trôi dạt từ làng quê nghèo miền trung vào đây kiếm ăn, tự nhiên nó cảm thông với cái khó nghèo của nguời con gái. Nó nghĩ giá nó có thể bảo bọc và chăm sóc cho cô ta thì hay biết mấy. Tình yêu như một động lực thúc đẩy nó can đảm trình bày ước nguyện của nó cho mẹ. Mẹ nó vui mừng sao lại có người con gái nào chịu để ý đến nó.
- Bằng này tuổi đầu còn ai chịu lấy mày? nếu có tao sẽ bằng lòng mà chắp tay lạy giời đã ban phúc cho mày.
Bà cụ vài hôm sau lân la làm quen cô gái. Hỏi chuyện trên trời dưới đất, làng quê ở đâu. Cái điều mà người con trai rất khó mở miệng khi đứng trước người con gái, bà đã gần tám chục mà trông còn mạnh khoẻ, nói chuyện vẫn minh mẫn. Nể bà cụ cô gái trả lời khéo léo phải lo làm ăn kiếm tiền gởi về quê chưa muốn nghĩ đến việc lập gia đình, vì như thế chỉ thêm gánh nặng, hiện cô đang ở nhờ nhà người quen cùng quê. Dù sao Chấn cũng hơn cô một con giáp nên sợ cảnh chồng gìa vợ trẻ, vả lại hình như Chấn cũng không có công ăn việc làm gì rõ ràng ngoại trừ công việc Chấn đang nuôi đàn heo con trong nhà sau.
Chấn bỗng thấy cô gái mất biến vài hôm không họp chợ. Hay cô ta bị cảm! Chấn nghĩ thầm. Chấn ngày hôm sau lòng như lửa đốt, bận bộ quần áo vía chỉ dành mặc cho ngày tết, thường ngày Chấn ăn vận rất xuề xòa có khi chỉ vận độc cái quần cụt, Chấn mua một bịch cam đi tới xóm lao động nghèo. Sở dĩ Chấn biết nhà vì Chấn đã âm thầm theo cô gái về nhà nhưng chỉ dám đi đàng sau thật xa. Chấn gõ cửa, người đàn bà từ trong nhà đi ra, Chấn hỏi thăm về cô gái, người đàn bà chỉ tay vào góc phòng, trên chiếc giường tre ọp ẹp Chấn thấy cô gái nằm rũ người đang thiêm thiếp. Chấn rón rén đi đến bên giường, khẽ ngồi vào cái ghế đẩu sợ đánh thức cô gái dậy. Hồi lâu cô gái choàng mắt dậy ngỡ ngàng thấy Chấn ngồi bên cạnh, cô gái bối rối thấy rõ lúc đầu sau đó cô tỏ vẻ cảm động vì sự viếng thăm bất chợt này. Chấn lên tiếng xin lỗi đã đường đột đến thăm. Cô gái tính ngồi dậy, nhưng đầu nặng như búa bổ lại nằm vật xuống giường.
- Cô cứ nằm xuống nghỉ ngơi. Nếu mà cô bằng lòng thì từ nay tôi sẽ là người chăm sóc cho cô bất kể ngày đêm.
Chấn vừa thốt ra điều đã ấp ủ bấy lâu nay. Chấn cũng tự lấy làm bàng hoàng sau khi thốt ra lời nói trên. Quỉ đưa đường hay sao mà nó xuất thần mở miệng. Nó lúng túng đỏ mặt ngồi đợi sự phản ứng bất lợi từ cô gái.
Ngược với điều Chấn lo sợ, cô gái không nói gì khẽ nắm bàn tay Chấn, đôi mắt mệt nhọc tỏ vẻ cảm động. Tình yêu mộc mạc nảy nở tự nhiên. Chấn thực sự xúc động, lần đầu tiên Chấn được nắm bàn tay một người con gái. Tình yêu đến chậm ở cái tuổi hơn 40. thật đơn giản như con người của nó.
Đám cưới diễn ra đơn giản. Sau ngày cưới hai vợ chồng được cho trú ngụ trong phòng duới hầm cầu thang. Gọi là cái phòng cho nó có vẻ riêng tư, chứ thật ra chỉ là chỗ khoảng trống bên dưới cầu thang, một cái giường nhỏ được kê ngay chỗ thanh thiên bạch nhật đó. Chuyện vợ chồng thì thật là oái ăm, ban ngày hay trước khi về đêm dù vợ chồng có muốn âu yếm nhau cũng phải dằn lòng chịu đựng. Ấy vậy mà họ cảm thấy thật hạnh phúc, họ mãn nguyện bằng lòng để được sống với nhau như thế. Lấy nhau xong ít lâu, cái con người chất phác hiền lành như nó bỗng nhiên lại thông đạt được một điều. Ừ nhỉ! tại sao không làm một hàng bán bún riêu cho vợ nó ngồi bán ngay đàng trước cửa nhà thay vì gánh rau muống. Bà cụ giờ còn có mình nó, ông cụ thì đã về chầu chúa từ lâu, các anh chị đều lần lượt đi ra ở nước ngoài hết từ sau ngày nó cưới vợ. Thôi thì con nuôi cũng là con, bà cho nó mượn vốn mở hàng bán bún riêu. Rồi giao hết đàn heo con cho nó nuôi luôn bà cụ cũng chẳng thèm ngó ngàng đến bầy heo đó nữa. Ngày hai buổi bà cụ đi lễ và chầu mình thánh trong nhà xứ gần phố, có vợ chồng nó bên cạnh bà cụ cũng cảm thấy yên tâm. Trái nắng trở trời cũng có một tay nó lo lắng cho bà, họa hoằn lắm các anh chị mới trở về ít lâu rồi lại đi ra khỏi xứ.
Nó đi lùng mua những con ghẹ vào buổi sáng, về sau này quen rồi người ta mang thẳng đến giao cho nó mỗi ngày. Buổi chiều sau khi đã chăm lo cho đàn heo con xong nó bắt tay vào việc làm riêu. Nó chứng nào tật đó dù đã có vợ, nó vẫn cởi trần trùng trục đánh độc chiếc quần đùi đã sờn chỉ. Nó chăm chỉ ngồi bóc từng con ghẹ, bẻ càng và lột vỏ cứng, phần thịt mềm được bỏ qua cái chậu lớn đổ đầy nước ngay bên cạnh. Vợ nó ngồi trên giường day vú cho con bú, vừa nhìn chồng làm việc. Những ngày đầu lấy nhau người vợ rất lo lắng, sợ người chồng hiền lành không biết làm công việc gì để mà nuôi sống hai vợ chồng và rồi còn con cái nữa. Cái lo của chị rồi cũng từ từ tan theo ngày tháng trôi đi. Giờ chị bỏ hẳn bán gánh rau muống chỉ còn ngồi bán nồi bún riêu ngày hơn hai tiếng, và suốt ngày ở trong nhà trông coi con không phải đi ra ngoài như hồi xưa bán gánh rau muống, bao nhiêu cực nhọc người chồng gánh hết. Thỉnh thoảng hai vợ chồng dư tiền mua vài lượng vàng làm của. Cuộc đời chị tưởng cái nghèo sẽ bám riết suốt đời, nào ngờ định mệnh đã sắp xếp cho gặp người chồng bề ngoài như quả dưa xanh vỏ mà bên trong đỏ lòng.
Cả một nồi ghẹ to tổ chảng đã được nó thanh toán gọn lẹ. Rửa sạch số ghẹ được bóc vỏ ngoài rồi cho vào cối đá gĩa cho nhừ. Mồ hôi trán chảy xuống mặt nó, hơi mệt nhọc nhưng có đáng là bao, nó còn phải để dành tiền về sau này ráng lo cho con được có chữ hay như người ta, đời nó đã thất học. Đang nghĩ miên man nó giật mình số ghẹ được gỉa nát từ hồi nào, nó đổ vào rổ lớn để lọc lại lần cuối bớt số bã để lấy phần nước cốt. Cuối cùng nồi bún riêu lớn đã được nó hoàn tất, nghe có vẻ dễ những cũng mất khá nhiều thì giờ. Vợ nó ngồi bán gánh bún riêu từ 3 giờ đến 5 giờ chiều là hết nồi bún riêu, nó làm khá ngon nên khách ăn uống đến nườm nượp. Ngày bán hai tiếng nó cũng dư sống nuôi cả gia đình. Chấn không ngờ cách pha chế làm bún riêu của nó nghĩ ra lại được bà con hưởng ứng khen ngon. Những sợi bún nhỏ được thay vào bún có sợi to. Tiếng đồn đi xa, người này kháo đến tai người nọ, hàng bún nhiều khi khách phải xếp hàng chờ đợi làm cản trở lưu thông trên con đường vốn đã nhỏ bề ngang.
Bà cụ ngồi ngó khách hàng ra vô ăn uống cũng lấy thế làm vui, ít ra bà cũng không bõ công nuôi Chấn, nó chịu khó làm việc và còn dành thời giờ săn sóc cho bà. Các con bà đã lần lượt đi ra nước ngoài sống, bà gìa rồi không muốn đi xa xóm làng, ít ra ở đây bà còn nghe hiểu, có những người gìa cùng trạc tuổi bà ngồi lê mách lẻo cũng qua được những chuỗi ngày về chiều. Thằng bé con Chấn đi chập chững đến bên cạnh bà nội, kêu bập bẹ bà bà, bà ôm nó vào lòng. Hạnh phúc nhỏ nhoi cuối đời bà. Rút cục chỉ có nó đứa con nuôi bà thường bạc đãi ít để ý nhất lại là người thân thiết gần gũi với bà đến cuối cuộc đời.
Nhận được thư của cậu con trai lớn từ nước ngoài gởi về than khổ vì hoàn cảnh gia đình không được êm ấm, hai vợ chồng nó đã ly dị, người vợ bỏ đi lấy một người ngoại chủng để lại mấy đứa con. Người con dâu hồi còn ở chung với bà, tính tình cũng được lắm, biết kính trên nhường dưới. Vậy mà ai ngờ qua xứ người cô ta lại thay đổi ghê gớm như thế, bà không thể hiểu nổi. Bà suy nghĩ thương con đâm bệnh, sau đó ra đi vì chứng bịnh của tuổi gìa. Chấn chạy ngược chạy xuôi lo đám tang cho mẹ, người mà đã nuôi nấng Chấn từ hồi còn nhỏ. Các anh chị cũng từ nước ngoài về đưa đám. Sau đó vài tuần lễ người chị cả trước khi lên đường trở về xứ ngoài, cầm lá thư đưa cho Chấn bảo đây là di chúc của bà cụ.
“Chấn con, mẹ đã nhờ người viết di chúc này và dặn chừng nào mẹ ra đi sẽ đưa cho con đọc. Thật ra từ nhỏ cho đến lớn mẹ chưa một lần đối xử tốt với con, trong khi các anh chị khác thì được mẹ giúp đỡ. Hai vợ chồng con cứ ở lại trong cái nhà này dù sao cũng có công đóng góp của con, căn nhà này con đã được nuôi dưỡng suốt hơn 40 năm trời. Mẹ chia đều căn nhà này cho con và các anh chị, mỗi người một phần, bây giờ con cứ ở lại lo trông coi căn nhà, và dùng cửa hàng để buôn bán. Mẹ nghĩ các anh chị ở nước ngoài chắc thỉnh thoảng về thăm xứ sở cũng cần chỗ nghỉ ngơi qua ngày. Con ráng giữ căn nhà như một gia phả. Dù con ít học, điều này cũng là lỗi của mẹ đã không để con đi học, nhưng với sự cần cù làm việc của con, mẹ chắc con sẽ thành công trên đường đời.
Có một điều cho đến lúc chết mẹ vẫn còn hối hận là đã không để cho con học hành đến nơi đến chốn như người anh của con. Nhiều lần con đòi đi học mà mẹ viện đủ thứ lý do để cản trở, không thử thì sao biết con có học được hay không? Mẹ giúp con mở quán bán bún riêu và con đã thành công, thì biết đâu nếu con được học hành đầy đủ con chẳng đã thành công như các đứa trẻ khác cùng phố mà con hằng ngưỡng mộ họ.”
Đọc xong Chấn ứa nước mắt hai bên khoé mắt. Nó không ngờ mẹ nó bên ngoài cái vẻ khó khăn nhưng vẫn kín đáo để ý đến cuộc sống của nó. Bầy heo con đói kêu ỏm tỏi, Chấn ngồi dậy đi về phía nhà sau. Bầy heo thấy bóng nó đi tới lại càng ồn ào hơn.
- Ụt ịt!!!
- Tiên sư bố mấy anh! Có để tôi yên không nào!
Chị vợ nhìn theo chồng khẽ mỉm cười. Sao thấy anh dễ thương! tự nhiên đôi má chị đỏ hồng lên, chị muốn thêm một đứa con nữa với anh.
Lê Nguyễn Hiệp (Irvine, tháng ba, 2004)

Các tác phẩm khác của Lê Nguyễn Hiệp

Vườn Hoa Tình Nghĩa

Ông Năm Mê Cờ

Ông Mù Bán Vé Số

Nó Và Giấc Mộng Chưa Thành

Những Đứa Con Và Niềm Hạnh Phúc

Những Cuộc Tình Dang Dở Và Hạnh Phúc Muộn

Mùa Đông Tình Phụ

Mối Tình Câm

Kỷ Niệm Gặp Tiên Trên Núi Tuyết Nigata

Đổi Thay Kiếp Người

Cuộc Tình Thoáng Qua

Bài Ca Tình yêu