Vườn Hoa Tình Nghĩa
Tác giả: Lê Nguyễn Hiệp
Mười năm qua rất nhanh tưởng chừng mới ngày nào. Ông có thói quen dậy rất sớm vì bệnh khó ngủ, chả gì cùng tòm tèm hơn sáu bó rồi. 5 giờ sáng vợ con còn ngủ, ông đặt bình nước trên bếp, trong khi chờ đợi nước sôi, ông cất bước khó nhọc đến bên tủ trà lấy một ít trà sen bỏ vào bình trà sứ, bình trà sứ này là đồ biếu từ thằng bạn thân sỏ lá tặng nhân dịp sinh nhật thứ 60 của ông, thằng này hiện đang ngụ ở quận cam, ngữ nó cũng chẳng tốt lành gì. Nó gói rất cẩn thận, đến mấy lượt giấy khiến ông nay tay đã run mở muốn tê rần cánh tay luôn, bố khỉ nó không nghĩ cho ông đang bị bệnh tê thấp kinh niên, lượt giấy cuối cùng rớt ra một tấm thiệp.
- Tặng bác cả bình trà sứ quí này để an hưởng tuổi gìa.
Đọc xong máu ông dồn lên óc muốn đập bình trà, nhưng nghĩ sao ông lại thôi vì tiếc của, ấy vậy mà vài năm sau bình trà sứ lại được việc, giờ ông chỉ có pha trà trong chiếc bình cũ kỹ này mà thôi, chứ bình khác thì lại không thấy ngon.
Tiếng nước sôi réo gọi ông, ông vội chạy tới tắt bếp, người ông lảo đảo té sõng xoài xuống sàn vì vấp ngã vào chiếc dép đi trong nhà, ông điếng người giận cá chém thớt cầm chiếc dép ném cái bịch vào tường, tiếng động chạm vang lên nghe khô khan trong căn phòng im lặng. Cỡ như ông còn trẻ khoảng 10 năm về trước ông đã chửi toáng lên rồi, già rồi nên tính nóng của ông cũng bớt dần theo thời gian, chả vậy mà vợ ông yêu ông ra riết nhưng ông chẳng còn sức lực nào mà dòm với ngó, rỏ chán. Ông cắn răng chịu đau lồm cồm ngồi dậy, chẳng lẽ lại kêu vợ ra đỡ thì xệ quá. Tắt bếp đổ nước sôi vào bình trà, tay phải cầm bình trà tay kia cầm chiếc tách nhỏ, đi lệ khệ ra vườn có vẻ khó nhọc, tới patio ông ngồi phịch xuống ghế thở dốc, trông giống như hình ảnh người tù khổ sai Pavilion. Ngồi xuống ghế, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt ông là tấm biển nhỏ ghi hàng chữ “Vườn Hoa Tình Nghĩa”.
Thế mà cũng đã 10 năm rồi nhể! hồi đó khu vườn chỉ toàn rặt thứ cỏ khô cháy và lớp đất pha trôn sỏi. Không được người trông coi, thứ cỏ hoang tha hồ mọc vô trật tự, loại cỏ hoang có bông trắng bay tứ tung khi có ngọn gió hơi mạnh thổi qua, cứ mỗi lần như thế ông hắt xì liên miên, chả là ông rất dị ứng với phấn hoa. Hắt hơi một hồi mặt ông đỏ gấc ngồi bệt xuống ghế thở hắt, thế này thì chịu sao nổi ông phải ra tay tận diệt loài cỏ hung dữ này không khéo ông chết mất vì hắt hơi. Ra hôm Depot mua thuốc diệt cỏ cũng chẳng thấm vào đâu, tiền mất tật mang tụi hãng này quảng cáo láo khoét quá, cái này cũng một phần do ông chứ chả phải thuốc không công hiệu. Ông sợ dùng nhiều thuốc quá có hại cho sức khoẻ vì ông loáng thoáng nghe về chất khai quang có chất độc mầu da cam nên ông pha nửa thuốc và hơn nửa phần còn lại là nước, biết đâu thuốc ông dùng chẳng pha thứ độc hại đó. Ông cứ làm theo ý mình cho chắc ăn, phòng bệnh hơn chữa bệnh, vợ ông cứ nói khéo ông sao chưa gìa mà đã lẩn thẩn, lo vẩn vơ. Mẹ mày biết cái chó gì! Mỗi lần ông muốn trấn áp ra oai ông cứ nhắc lại mấy chữ “mẹ mày biết chó gì”, có chết không cơ chứ! cứ mỗi lần như thế vợ ông đành ngâm miệng lại im thin thít. Vợ ông tức lắm không làm gì được, nguây nguẩy đít đi vào trong nhà miệng nói vừa đủ cho ông nghe lõm bõm chữ được chữ không, “ối giời! không gì tôi cũng đẻ ra các ông”. Không thấy ông phản ứng, chắc tai ông lãng nên không nghe rõ.
Dùng thuốc diệt cỏ pha trộn nước theo lối ông sáng chế không tận diệt được cỏ dại, ông bèn ra góc đường mướn mấy đứa Mễ về giúp đào đất để nhổ tận gốc. Gặp mấy thằng lười như hủi làm chậm quá, ông bực mình xắn tay áo vào làm phụ, kết quả tối hôm đó ông mình mẩy rêm hết cả, đụng đâu đau đó, hai cái chân đứng muốn không vững. Tối đến ông nhờ vợ đấm bóp, đấm quá mỏi tay bà bèn lấy cái máy đấm bóp rà từ trên vai xuống dưới chân, mắt thì nhìn say mê vào màn ảnh ti vi, quả là nhất cử lưỡng tiện cái máy đấm bóp thế mà được việc. Rị mọ riết mảnh đất hoang đã ra dáng vẻ cái vườn với nhiều cây ăn trái được trồng chung quanh bờ rào ngăn cách nhà hàng xóm. Ông cũng học lóm đâu đó được cái mốt thời đại, đổ xi măng con đường đi vòng quanh vuờn, nhưng ở giữa vẫn còn trống không ông vẫn chưa biết làm chi. Thôi thì chuyện đó hãy tính sau, giờ thì phải làm cho xong cái patio nhỏ vừa đủ kê cái bàn tròn cho bốn người ngồi, ông cũng táy máy đo đạc mua gỗ về đóng. Được cái bên Mỹ này, đều đã có sẵn mẫu nên chỉ việc đóng thôi, ấy vậy mà có một lần ông sơ ý xẩy tay đập thẳng cật lực cái búa vào ngón tay thay vì cái đinh, đau quá ông la oai oái, vừa ôm ngón tay vừa văng tục cho bớt đau. Người ngoài thì nghe chói tai chứ ông chửi nghe cứ ngọt sớt, mà cái chửi của ông có tác dụng thật, ngón tay đau của ông nghe chửi đã đời cũng phải đến bớt đau đi.
Dạo này nghe ai nói ông mua rượu chát Burgundy hiệu Carlo Rossi uống vào rất có công hiệu về cả hai vấn đề, nên ông cứ tà tà tu một cốc rượu chát mầu tím đưa cay với khô bò “Beef Jerky” hiệu Pacific Gold, mới đầu ông không tin nhưng uống vào thấy có hiệu quả không ngờ, ấy mới chết. Càng ngày ông càng lậm vào thiếu nó ông chịu không được. Cuộc đời cứ rượu với thịt thì không có gì đáng nói, đáng sống ra phết. Nhưng bỗng một ngày bà nhà cảm thấy đau ngực ông vội vàng chở bà đi chiếu điện, kết quả bác sĩ cho biết bà bị bứu độc một thứ ung thư vú cần phải chiếu điện để diệt tế bào. Bà nghe choáng váng mặt mày, bầu trời tự dưng sụp đổ trước mặt, căn bệnh mà người phụ nữ nào cũng sợ, tưởng chừng chỉ xảy đến với ai đó, nhưng không ngờ nạn nhân khốn khổ lại là bà. Bà khóc tưởng chừng như không còn một giọt lệ, gọi điện thoại cho người chị để tìm kiếm một lời an ủi, nào ngờ người chị xúc động khóc khiến bà thêm bấn loạn, bị bênh này coi như cầm chắc cái chết, bà bị ám ảnh bởi hai chữ ung thư, tinh thần bà xa xút thấy rõ. Mấy lần chiếu điện không ăn thua gì chỉ càng làm cho bà đau đớn thêm, bác sĩ nói chỉ còn có nước cắt bỏ tế bào chết thì mới mong ngăn chặn được. Tóc bà mới đầu trắng xóa sau rụng chỉ còn lưa thưa vài sợi, nhìn trong gương bà không còn nhận ra hình giáng xưa nữa mà là một người xa lạ nào đó, bà tủi thân và khóc cho số phận không may. Ba ngày cho bà suy nghĩ, người phụ nữ có đôi nhũ hoa là đẹp bỏ nó thì còn gì là phái tính, bà hỏi ý kiến ông. Ông suy nghĩ rất lung và đi đến kết luận, tính mạng là trên hết, còn những chuyện kia hạ hồi phân giải. Cuộc giải phẩu dai dẳng mất hết hơn 5 giờ cuối cùng cũng xong, ông vào phòng dưỡng bịnh thấy bà vẫn còn nằm thiêm thiếp vì thuốc mê còn ngấm, ông cầm tay bà lạnh ngắt, vài giờ sau bà mới hơi tỉnh mở mắt thấy ông ngồi cạnh, bà mở nụ cười gượng gạo, thỉnh thoảng mặt bà nhăn nhó vì vết mổ hành. Ông hỏi liên miên mà bà chỉ hơi gật với lắc đầu. Về nhà sau hai ngày nằm bịnh viện, bà đi lại còn rất khó nhọc vì vết mổ thứ hai ở vùng bụng để lấy mỡ đắp vào phần vú bị cắt.
Tưởng là cuộc giải phẫu một bên vú đã tạm thời cất đi nỗi lo âu, không ngờ lần tái khám chiếu điện 3 tháng sau với kết quả tồi tệ hơn làm bà kiệt sức hết còn hy vọng, bên phía vú còn lại đang bị ăn dần và lan vào máu với nhiều bạch huyết cầu được sản sinh, đây mới là điều đáng sợ. Bà lại nghĩ đến cái chết lởn vởn và những đứa con còn lại chúng rất cần bà, bà bỏ đi sao đành. Ông an ủi bà và hỏi bà muốn gì, đi du lịch thế giới, bà chợt nảy trong đầu một lời yêu cầu, ông có thể làm cho bà hòn non bộ có tượng đức mẹ để cầu nguyện. Ờ! Ý kiến thật hay, tập trung vào công việc làm hòn non bộ sẽ khiến bà bận rộn quên đi nỗi ám ảnh của cái chết, bi quan là kẻ thù của người bệnh ung thư. Ông nghe đài quảng cáo riết cũng nhập tâm hồi nào chẳng hay.
Đầu tiên ông đi kiếm mua tượng đức mẹ, lùng sục khắp nơi ông mới thấy vừa ý bức tượng đức mẹ bồng con. Những cây hoa được ông mang về từng ít một, công việc đòi hỏi nhiều ngày, vì bà ông ra sức đào xới đổ xi măng, cái công việc nghệ thuật mà ông chưa từng bắt tay vào. Lưng ông vì vác nặng nên còng xuống thấy rõ. Trong thời gian làm hòn non bộ bà vẫn tiếp tục khám bệnh chiếu điện liên miên, nhiều khi kiệt sức. Tuy nhiên những lúc khoẻ bà lê bước ra ngồi ngay cửa ra vào vườn nhìn ông hoàn tất khu vườn. Nhiều khi ông rất khó tính, những lúc như thế này thấy ông cặm cụi đào xới, bà lại thấy ông dễ thương.
Người bác sĩ cho bà thử thuốc mới khám phá, bằng cách chiếu điện và tiêm vào người bà một lượng thuốc khá mạnh, nguyên tuần bà bị thuốc hành nôn mửa, ngứa ngáy kinh khủng, người cứ rũ ra không còn đủ sức chống cự, bà trăn trối lại những lời không tốt với bà chị, sang tuần thứ hai người chị gọi xuống hỏi thăm thì thấy bà cười khanh khách nói năng như sáo, sau cơn vật vã vì thuốc người bà khoẻ ra. Có điều mình mẩy ngứa ngáy như bị ghẻ, cái ngứa từ trong máu ra nên khó chịu vô cùng. Sang đợt thử thuốc mới đợt ba, bác sĩ báo một tin mừng, lượng bạch huyết đã bị giảm xuống rất nhiều chứng tỏ tế bào ung thư trong máu đã bị đẩy lui. Tin mừng đến thì cũng vừa lúc hòn non bộ đã được ông hoàn tất, với tượng đức mẹ được ông trịnh trọng để lên tầng đá cao, một nhiệm mầu của thánh linh căn bệnh của vợ ông đã được chặn đứng.
Vườn hoa tình nghĩa, nó gắn liền với những năm tháng vợ ông đã vật lộn với tử thần. Những ngày tháng qua ông vừa làm vườn vừa thầm cầu nguyện, ông vốn dĩ là kẻ khô đạo dù là đạo gốc, đôi khi những giọt nước mắt rơi xuống đất khi nghĩ đến cơn đau tận xương mà bà phải chịu đựng.
Lê Nguyễn Hiệp
Irvine, 12 tháng 7 năm 2005