Nó Và Giấc Mộng Chưa Thành
Tác giả: Lê Nguyễn Hiệp
Tôi quen nó cũng chỉ là sự tình cờ qua một đàn anh sinh viên đi trước tôi một năm. Nó và H, tôi tạm gọi anh sinh viên đó là H. Nó người Ban Mê Thuật vào Sài Gòn để trọ học, may mắn gặp được H mang về ở cùng nhà. Nhà nghèo nên nó đã phải ra đời rất sớm, khuôn mặt trông gìa trước tuổi và tinh khôn hơn những bạn cùng lứa. Với tính láu cá khôn lanh nó đã giúp cho bố của H nhiều việc, sai đi mua đồ hay đòi nợ chỗ này chỗ kia. Năm tháng qua đi nó đã trở thành một thành viên của gia đình H lúc nào không hay. H qua Nhật du học trước, H đi rồi ở nhà nó lại càng trở thêm đắc lực hơn nữa, bố H tin tưởng nó nhiều hơn coi như con cháu trong nhà. Nó cũng có mộng đi du học Nhật nhưng tiền bạc thì không, mặc dù nó học giỏi và thông minh, nhưng cũng chưa đủ xuất sắc để xin được học bổng. Lấy được lòng tin của bố H, một bữa có hai bác cháu nó trình bầy rất khôn khéo.
- Thưa bác cháu muốn mượn bác số tiền hơi lớn để đi du học cùng với H?
Ông bác giật mình nhìn nó một hồi rồi hỏi.
- Tiền đâu cháu trả lại bác? Nếu bác nghe thông, bác hứa sẽ giúp đỡ cháu.
Nó trình bầy rất cặn kẽ từng chi tiết một như của một kẻ gìa đầu từng trải cuộc đời, chứ không phải của một cậu học trò 20 tuổi.
- Cháu qua đó sẽ đi làm trả tiền bác. Còn một cách nữa bác chuyển tiền theo hối đoái du học 110 đồng, qua Nhật cháu gởi trả lại một nửa số tiền đô la, bác có thể đổi lại theo hối suất 220 đồng hoặc theo giá chợ đen cao hơn, như vậy tính theo tiền Việt bác không mất đồng nào. Hồi đó chính phủ đã gián tiếp chi cấp học bổng một nửa cho các sinh viên tư phí cho đến sau mùa hè đỏ lửa thì không còn giúp nữa.
- Cháu học được từ của ai vậy mới có bằng tí tuổi đầu cháu đã nghĩ ra được như thế chả bù với thằng H con của bác có vẻ khờ khạo, bác tin cháu sẽ sống được bên Nhật. Thôi được bác hứa giúp cho cháu.
- Cháu cám ơn bác rất nhiều, ơn này cháu không bao giờ quên.
Thế là nó qua được Nhật không tốn một đồng cắc nào cả. Trên đời loại người tháo vát như nó kể hơi hiếm. Tôi thì lại càng khù khờ gấp bội, sống bám vào gia đình từ nhỏ đến lớn, chuyện tiếp xúc bên ngoài đời lại nhút nhát hơn ai hết. Khù khờ và chậm chạp như tôi nên đã bỏ lỡ rất nhiều dịp may trong cuộc đời.
Tôi qua Nhật sau nó vài tháng và được H sắp xếp ở chung với nó và thằng bạn nữa. Ba thằng ở chung một căn phòng thuê. Mấy tháng đầu nó còn góp tiền sau đó nó trở mòi than không tiền để tôi và thằng bạn kia trả tiền phòng, chẳng lẽ đuổi nó ra ngoài thôi đành phải chấp nhận. Những ngày đầu tiên nó dậy tôi cách nấu mì bỏ thêm rau cải bắp và quậy trứng vào ăn cũng rất ngon, thêm tí hành nữa cho ngậy mùi. Lần đầu tiên tôi được ăn tô mì gói ngon đến như vậy. Sau đó nó rủ tôi đi tán gái Nhật, mặt tôi cứ ớ ra.
- Tầm bậy mầy! mới qua vài tuần tao đâu biết tiếng Nhật đâu mà tán gái, không khéo nó chửi cho thì có nước độn thổ.
- Tin tao đi nói tiếng Nhật ngọng thì mới tán gái được chứ nói giỏi như tụi tao chỉ có nước đi ăn mày, gái Nhật không thích nữa đâu.
Tôi cũng thử đi để coi nó nói có đúng không. Hai đứa ra nhà ga đứng đợi như con thú rình mồi. Từ xa có hai cô bé vô phúc trông thật mát mắt đi đến. Nó bèn sáp vô còn tôi thì run thấy mồ tổ luôn.
- Thằng bạn tôi mới qua Nhật muốn học tiếng Nhật hai cô giúp nó được không.
- Không sao đâu hai đứa tôi sẵn sàng giúp.
Gái Nhật họ dạn dĩ và giúp đỡ người họ có biết đâu là gặp hai thằng sạo. Nghe nó tán gái kiểu “học tiếng Nhật” này tôi ngượng hết sức, mặt tôi đỏ như gấc, còn mặt nó vốn đã thâm sẵn nên chẳng thấy thay đổi gì cả. Chẳng lẽ lại rút dù đã lỡ phóng lao thì phải theo lao. Đại loại tán gái Nhật là như vậy, nếu có duyên thì trở thành chồng vợ hoặc người tình tạm bợ, còn không thì sẽ không còn gặp lại sau buổi đầu gặp gỡ. Buổi đầu chàng Việt và nàng Nhật gặp mặt mà không có “phút đầu gặp nhau tinh tú quay cuồng” thì chia tay nhau là phải. Âu cũng là cái duyên số.
Thỉnh thoảng nó đưa hình và thư của con vợ hờ của nó bên Sài Gòn gởi qua. Mới 20 tuổi đầu nó đã biết chơi trò vợ chồng hờ, thằng có vẻ gìa trước tuổi, hay tuổi thật của nó ít ra cũng phải 24 hay hơn? chẳng lẽ nó khai gian?
- Mày có tính cưới cô ta làm vợ không?
- Mày hỏi lãng xẹt. Cô ta là gái bán bar mà, chỉ cặp chơi cho vui chứ cưới hỏi gì.
- Nhưng trong thư cô ta viết yêu mày tha thiết muốn cưới mày làm chồng.
- Tao chỉ lợi dụng cô ta về tiền bạc thôi.
- Thì ra mày là thằng kỹ sư đào mỏ!
- Cuộc đời tao quá nghèo, tao chỉ cần có tiền. Hy vọng học xong đại học tao sẽ kiếm
được nhiều tiền, cho bỏ những ngày bần hàn.
- Còn giọt máu của mày? Tao nghe trong thư cô ta nói sẽ có con.
- Đ.M. im cái miệng mày lại hỏi gì mà nhiều quá vậy. Không biết có phải của tao hay của người nào đó!
Vài tháng sau nhờ tính tháo vát nó đã kiếm được việc làm ban đêm ở một vũ trường mới mở trong khu ăn chơi Shinzuku, công việc bưng nước uống và đồ ăn cho khách. Có lẽ nhờ thế nó đã trả được món nợ cho bố H như nó đã hứa. Dù sao đối với bố H nó rất tôn kính. Khu Shinzuku là một nơi buôn bán sầm uất và ăn chơi cũng nhất mực. Nhà ga xe lửa Shinzuku rộng lớn có nhiều ngã ngách rất dễ bị lạc cho những người mới tới.Tôi cũng đã bị lạc tại nhà ga này một lần. Người đâu như kiến bò từng đàn, dáng đi nhanh nhẹn trông có vẻ bận bịu chứ không được nhàn hạ như người Sài Gòn.
Tôi và nó vào học chung cùng trường đại học. Nó theo ngành cơ khí còn tôi ngành điện. Kỳ này nó về ở chung với H cũng vào trường này trước đó một năm. Tôi thở phào nhẹ nhõm bỏ được cái nợ. H nhà có tiền nên cũng rất hào phóng chịu chứa chấp nó như ở Sài Gòn.
Một số cơ sở làm ăn chung quanh trường đại học thường yết thị những công việc arubaito (part time) trong khuôn viên đại học để cho các sinh viên có dịp kiếm thêm tiền tiêu. Có ông chủ chuyên sản xuất đồ trao tặng giải thưởng cho các môn bóng bàn, bóng rổ, bóng chày, vân vân …, đến tận nhà nó để kêu đi làm. Cô con gái chủ nhà thường mang xe hơi đến chở nó đi làm sau giờ học. Làm được vài tháng nó quen mửng cũ quay ra tán tỉnh cô gái, sắc đẹp của cô vào thuộc loại nhìn không mát mắt. Như vậy thì đã sao có tiền trước đã. Nhưng dư tính của nó không thành ông chủ biết được cho nó đi luôn. Vuột mất một con mồi nó hơi hậm hực.
Sau đó nó dọn ra ở riêng với mấy thằng bạn Nhật. Qua năm thứ hai với tính tình vui vẻ hoạt bát nó đã có rất nhiều bạn học người Nhật. Đi làm thêm buổi tối cũng đủ tiền để trả tiền mướn phòng. Còn ăn uống thì đã có mấy thằng bạn Nhật mang đồ ăn đến ăn chung. Căn phòng nó trở thành nơi tụ họp thường xuyên của bốn thằng bạn Nhật kể cả nó nữa là năm. Đứa mang bịch gạo, đứa mang mấy thùng mì, mấy bịch trứng. Căn phòng rộn ràng tiếng nói cười, nhất là khi mùa thi tới. Giọng ca của nó rất trầm ấm, thỉnh thoảng nó trổ tài ca vài bản nhạc Nhật với cây đàn thùng khiến tụi bạn sững sờ vì phát âm tiếng Nhật quá chuẩn của nó. Thường những kẻ hoạt bát học ngoại ngữ rất nhanh và giỏi. Nó là thằng lém lỉnh thì khỏi nói rồi.
Nhờ quen với bạn Nhật nhiều nó biết chỗ nào có việc arubaito, nó đã giới thiệu cho tôi đi làm ngày chủ nhật hàng tuần ở hãng xe Suzuki vùng Saitama. Hãng xe tọa lạc ở khu đất khá rộng lớn, nghe nói hãng này trong đệ nhị thế chiến là nơi sản xuất ra các chiếc máy bay Kamikaze một thời làm rúng động hải quân Mỹ. Công việc thật đơn giản chỉ mất khoảng hơn hai tiếng mà lãnh tiền khá bộn, khiêng những mảng sắt lớn có nhiều lỗ tròn trong nhà sơn xe ra ngoài bồn át xít để rửa cho sạch sơn bám vào lỗ. Sau khi sơn xe một tuần những lỗ này bị bám đầy bụi sơn dính từng mảng. Hàng tuần chúng tôi chở nhau trên chiếc xe gắn máy Honda C50 cũ mèm đã được mua với gía rẻ mạt 200 đô. Hầu như vào thời đầu thập niên 70 đa số sinh viên Nhật đã có xe hơi không mới thì cũ. Cậu ấm nào con nhà giầu thì sắm chiếc thể thao Mustang, Transam cáo cạnh của Mỹ thay vì Nissan, Toyota, hoặc Honda thì quá thường. Tuổi trẻ Nhật thời này đã may mắn thừa hưởng được nhiều thành quả tốt đẹp do sự làm việc cật lực của cha ông họ. Họ không biết và còn nghĩ đến chiến tranh.
Tính nó hay lân la nói chuyện với láng giềng, nó làm quen được với gia đình người Nhật bên cạnh, gồm một mẹ và hai đứa con nhỏ khoảng dưới mười tuổi. Người đàn bà lớn tuổi đã ly dị vài năm. Bà lãnh đồ quần áo về nhà để may vá. Công việc phát đạt bà đã mua được căn nhà để ở gần trường đại học, gần căn phòng nó mướn. Thỉnh thoảng có vài món ăn ngon bà mang lên phòng hoặc gọi nó xuống ăn.
Bữa nay rảnh nó mở tờ báo lá cải của mấy thằng bạn Nhật mang tới. Tờ báo có đăng mấy tấm hình thiếu nữ thiếu vải vóc trông thật bắt mắt. Nó nghe tiếng gõ cửa.
- Dare desu ka ! (Ai đó!)
- Atashi, obasan desu. (Thím nè).
- Dozo, obasan. (Vào đi thím)
Nó lười biếng không chịu mở cửa. Thím đẩy cửa bước vào với một tô mì còn bốc khói. Tờ báo lá cải vẫn còn để tênh hênh trên bàn, thím liếc mắt qua ngó tủm tỉm cười.
- Anata dame desu ne, warui kochan. (cậu hư quá! sao lại coi mấy cái hình này).
Chỉ đợi có thế nó quàng tay qua ôm người đàn bà đang quì gối bên cạnh. Người đàn bà đẩy nó ra, dẫy dụa cầm chừng như thể khuyến khích nó.
- Da…me…ne…a…na…ta…
Tiếng rên rỉ của người đàn bà sau nhiều năm cô đơn lạnh lẽo, bỗng nổ bùng thành tiếng vỡ của quả bong bóng căng phồng, trước còn nhỏ sau lớn dần theo nhịp độ.
Từ đó lâu lâu nó mượn bà thím ít tiền để trả tiền phòng. Có lúc nó nhớ có lúc nó không, bà thím cũng chẳng thèm đòi nó làm chi. Coi như là có vay có trả. Nó đã chinh phục được người đàn bà, và cuộc sống tầm gửi lại bắt đầu. Nó ít đi làm hơn bỏ thời gian vào việc học và gần gũi với thím, người đàn bà cũng chấp nhận như thế. Bù lại nó kèm cho hai đứa nhỏ học bài.
Đời sống thư giãn hơn sau khi quen được bà thím, nó bắt đầu tập tành học thói trưởng gỉa như của kẻ giầu sang có nhiều tiền. Bắt chước người hùng James Bond 007 nó mua rượu whisky hạng bét rót vào ly rượu thuỷ tinh, không một chút đá và sô đa, nó nốc rượu nguyên chất nồng độ nặng đến cháy cổ. Có lẽ chưa quen uống nó ho sặc sụa. Mẹ! nhìn James Bond uống ngon thế sao nó cảm thấy rát cả cổ có ngon gì đâu! Rõ nỡm, James với Bond. Nó thích điển trai như 007 nhưng khuôn mặt nó lại giống Charles Bronson mới chết chứ! Cũng có một thời gian nó chơi ngậm ống vố tay kia cầm ly ruợu, mặc quần xà lỏn. Tôi nói không quá lời bởi vì ngồi trong phòng mùa hè nóng nực chẳng lẽ mặc veston uống rượu coi nó dị hợm.
Cuộc sống nửa nạc nửa mỡ với người đàn bà cứ đều như thế trôi qua cho đến ngày nó ra trường với mảnh bằng kỹ sư cơ khí. Tương lai của nó rạng rỡ, nó đã có thể rời được người đàn bà. Nó sắp có tiền, nó không còn cần phải cúi mặt với đời. Từ đây nó có quyền ngẩng cao đầu. Nó đã xin được công việc kỹ sư trong cở xưởng Mitsubishi ở Kyoto miền nam nước Nhật. Ngày interview đầu tiên nó đã được ông boss tương lai dắt đi tham quan một vòng hãng. Được nhận vào làm phân xưởng chế tạo thắng xe điện, nó mừng rên trong bụng. Hãng rất lớn có nhà ăn và cư xá cho nhân viên.
Ngày từ gĩa người đàn bà nó cũng hơi buồn dù sao bà cũng đã giúp đỡ nó quá nhiều cả về tiền bạc lẫn sinh lý. Người đàn bà rất rầu rĩ, bà biết một đi nó sẽ không bao giờ trở lại.
- Sayonara! Ogenki ne. (Hãy bảo trọng thân thể)
- Arigato Obasan. (Cám ơn thím rầt nhiều)
- Denwa Kudasai ne. (Nhớ gọi điện thoại nghe không)
Trên chuyến xe lửa tốc hành từ Đông Kinh đến Kyoto nó ngồi dựa đầu thoải mái vào nệm ghế nghĩ lại quãng đời đã qua. Cả cuộc đời của nó tìm đủ mọi cách để có thể sống bám vào người khác như con ký sinh. Cuộc đời là một trường tranh đấu để sống, tiếc thay phương cách của nó không được quang minh cho lắm. Dù thế nào đi nữa nó cũng là thằng thật tháo vát. Nó cố gắng để vươn lên khỏi lốt ký sinh sống tầm gửi hướng đến một đời sống chân thiện hơn. Nó mơ về Việt Nam cưới cô vợ trẻ đẹp mang qua Nhật sống một đời sống sung túc, có nhà cửa, có xe hơi. Hai vợ chồng sẽ đi du lịch khắp âu châu. Sinh ra những đứa con kháu khỉnh thông minh. Nó sẽ quên hết tất cả dĩ vãng, bỏ lại sau lưng những ngày khổ cực, những cuộc đời tình ái bất đắc dĩ.
Chân trời mới đang mở rộng trước mắt nó.
* * *
Sau ngày ra trường tôi và nó mỗi người một phương, từ đó không còn liên lạc với nhau. Mấy năm sau nghe tin về nó thì được biết nó đã ra đi, lòng tôi chùng xuống, dù sao cũng đã 5 năm trời ở gần bên nhau.
[i]“Tại sao vậy mộng ước chưa hoàn thành mày đã vội bỏ cuộc chơi. Sao mày không ở lại vì còn nhiều điều tao phải học khôn từ mày. Dù mày có tốt hay xấu mày cũng vẫn là bạn chia ngọt sẻ bùi với tao trong những ngày tháng còn là sinh viên túng thiếu, bữa no bữa đói. Nếu còn sống chắc mày sẽ thành công hơn tao gấp bội. Thông minh, học giỏi, hoạt bát, láu lỉnh đó là những đặc tính của mày mà trời đã ban phát cho. Tao chỉ mong có được một phần mười của mày thì cũng đủ mãn nguyện lắm rồi.
Thôi cũng xong. Mày đã đi qua hết bốn cửa ải cuộc đời “Sinh Lão Bệnh Tử”. Mày đã trở về cát bụi. Tiền tài, vật chất, tình ái, bon chen, danh vọng, dối trá chỉ còn là cơn gió thoảng. Tao vẫn còn nhớ bản Cát Bụi của Trịnh Công Sơn mà mày vẫn thường hát cho bạn bè nghe trong những lúc gặp mặt. Giọng của mày trầm ấm nghe rất đạt, rất buồn và nhớ quê hương quá. Không ngờ đó là dấu hiệu trở về...”
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi
Lê Nguyễn Hiệp
Irvine 10-12-2003