Ông Mù Bán Vé Số
Tác giả: Lê Nguyễn Hiệp
Không biết ông đến đây từ hồi nào, có điều khi tôi có đủ trí khôn để nhớ để phân biệt sự vật ông đã hiện diện đi khắp phố Ông Tạ rồi. Ông lúc nào hễ đi ra đường là đóng cánh bộ áo dài đen bên ngoài, cái áo và cái quần trắng bên trong, cái áo được may hai túi dưới đựng tiền cùng vé số, tay cầm cây gậy giống như một học trò nho nhã. Ông bẩm sinh đã bị mù từ hồi nhỏ, người ta hay gọi là ông Bảo bán vé số. Đúng theo luật bù trừ, ông không nhìn thấy đường nhưng tai ông rất thính, nhất là mấy ngón tay bén nhạy. Ông không đeo kiếng đen như số người bị mù khác, trời sinh sao để vậy. Hai đôi mắt trắng dã không linh động luôn nhìn về phía trước khi nói chuyện nhưng người đối diện có cảm tưởng không phải ông nhìn mình, đôi tai vểnh hẳn lên để ghi rõ những âm thanh chung quanh ông.
Sáng sớm tinh mơ ông bắt đầu đi ra đường tay trái cầm tập vé số tay phải cầm cây gậy dò đường. Đi tới ngã ba hay ngã tư ông dừng lại nghe ngóng một lúc yên chí không còn xe chạy ông mới bước chân xuống đường, tay đưa cây gậy ngang dọc khua đập cọc cọc để chắc chắn không có lỗ trũng sâu hay những viên gạch chắn đường. Những con đường vùng Ông Tạ thời đó chưa được tốt đẹp có nhiều ổ gà, nhất là khi đi vào các ngõ hẻm. Có điều tôi vẫn thắc mắc xe hơi hoặc xe gắn máy thì còn có tiếng động chứ xe đạp chạy chậm rất êm làm sao ông có thể thính tai đến mức vẫn phân biệt được đó tiếng động xe đạp hay tiếng người đi bộ từ xa đi đến.
Ông vừa đi vừa rao.
- Vé số kiến thiết quốc gia đây, xin mời bà con mua.
Ban đầu người lớn và trẻ nít trong khu phố còn thấy lạ, về sau ông gìa mù bán vé số trở thành hình ảnh quen thuộc không thể thiếu. Nhiều người mua ủng hộ ông, bởi thế ông vẫn sống được qua ngày thoải mái có đồng ra đồng vào. Đi một vòng khắp nơi buổi chiều ông trở về lại khu nhà tôi đứng bán tiếp.
Ông còn trẻ lắm trạc cỡ 30 tuổi nên bọn trẻ chúng tôi gọi là chú Bảo. Mẹ tôi hay sai tôi mua vé số chỗ chú Bảo, một hôm tôi tinh nghịch thử coi chú có phân biệt được tiền loại nào không.
- Chú Bảo, bán cho mẹ cháu 30 tấm vé số.
- Thằng Hiệp phải không?
Chú nghe tiếng là biết người đó là ai.
- Hiệp đây chú, có vé số cặp đôi hay cặp ba không chú?
- Vé số đây cháu đếm lại coi có đủ không?
Tôi không cần coi lại, chú Bảo đưa là chắc chắn không sai đi đâu được, bàn tay nhạy bén trời cho lướt đến đâu như cái máy đếm trúng phong phóc. Tôi đưa một nắm tiền giấy khác nhau để thử tài chú. Chầm chậm không vội vã, mấy ngón tay chú vuốt thẳng tờ giầy bạc bị tôi làm nhầu, xong chú xoay xoay tờ giấy bạc hai vòng, những ngón tay lướt nhẹ vào cạnh giấy, ý chừng chú muốn đo độ lớn của tờ giấy bạc chắc. Cuối cùng chú sờ lên trên những hình nổi ở hai mặt giấy bạc, chú đếm.
- Một đồng, hai đồng, năm đồng, mười đồng….
Chú mỉm cười.
- Mày tính thử tài chú sao vậy thằng Hiệp.
Tôi cười lấp liếm.
- Dạ không dám đâu chú ơi, tại nhà cháu còn toàn tiền lẻ.
Thỉnh thoảng chú nổi hứng ca cho bọn trẻ tôi nghe bài hát của nhạc sĩ Trần Văn Trạch.
- Xổ số kiến thiết quốc gia giúp đồng bào ta… xổ số mau lên xổ số gần đến…
Giọng bắc rặc quê của chú cố gắng bắt chước giọng nam nghe cho giống Trần Văn Trạch, không lọt tai chút nào tức cười muốn chết, vui thật.
Khoảng thời gian sau tôi thấy có một người đàn bà trạc chừng 26 tuổi bầy một cái bàn vuông nhỏ trên vỉa hè có để nhiều tập vé số ngồi bán, thấy chú cẩn thận dặn dò người đàn bà mới xuất hiện trong khu phố, xếp tập vé số đâu vào đó trên bàn xong rồi chú mới cất bước lên đường cho một ngày dài. Hỏi ra chú mới lấy vợ. Cô Bảo không bị mù như chú, chân tay lành lặn, chỉ có điều không được đẹp và trông có vẻ quê mùa chất phác. Ông trời đã thương chú ban cho chú cô vợ chân chất để làm bầu bạn cho qua khỏi những ngày dài, cuộc sống của chú có ý nghĩa hơn. Trước đó chú đã vui vẻ nhưng từ ngày có vợ chú vui hơn nhiều. Thời đó vào năm 1963 dọc hai bên đường Thoại Ngọc Hầu các sập hàng nhỏ vẫn được phép bầy bán trên vỉa hè nếu có sự đồng ý của các chủ tiệm, mỗi cửa hàng lớn đều có sự hiện diện của các sạp hàng nhỏ chiếm một diện tích khiêm nhường trước cửa.
Ngày qua ngày cô Bảo cũng đã sinh cho chú một đứa con như bao nhiêu người vợ khác. Đứa con trai đầu lòng ra đời lành lạnh và khoẻ như một đứa trẻ bình thuờng, cô Bảo nghỉ một tháng dưỡng sức, khu phố vắng cái bàn bán vé số một thời gian, cũng không thấy chú Bảo chiều chiều ghé về đây phụ bán vé số với vợ, chú về thẳng căn nhà đầm ấm có tiếng khóc trẻ thơ. Tháng sau lại thấy cô Bảo ra ngồi bán vé số tiếp, trên tay bồng đứa con một tháng tuổi, thỉnh thoảng đứa bé khóc ré, cô Bảo vạch vú ra đứa bé đói ăn mút nghe kêu chùn chụt. Người khu phố lại chứng kiến cảnh chiều về chú Bảo ghé chỗ vợ phụ bán cho đến chiều tối. sau đó vợ chồng chú cho ra đời tiếp một đứa con trai khác và rồi ngưng hẳn. Có lẻ chú cảm thấy không kham nổi gánh nặng hơn nữa. Một vợ hai đứa con quả là gánh nặng rất lớn cho một người mù như chú. Vào thời này một gia đình có 6 hoặc 7 đứa con là chuyện rất thường. Chú mù nhưng rất thương và có trách nhiệm với vợ con, còn hơn cả vạn những người chồng lành lặn mà mang đủ các tật tứ đổ tường. Hai đứa trẻ lớn lên vô tư vui đùa bên bàn bán vé số, quanh quẩn bên mẹ, chạy lại ôm chầm lấy chú khi thấy bóng chú từ phía xa đi lại. Dắt chú ngồi ở cái ghế bên cạnh. Chú ngồi xuống mỉm cười vuốt đầu hai đứa con, một thứ hạnh phúc bình dị.
Để vợ ngồi bán ở khu phố Ông Tạ chú Bảo vẫn tiếp tục đi bán dạo vé số trong các khu xóm từ ngã tư Bảy Hiền đến Bắc Hải, Tân Chí Linh đến Sao Mai Nghĩa Hòa. Đôi chân chú vẫn lê đều trên các con đường lớn nhỏ quen thuộc. Mà bây giờ chú không những chỉ lo cho bản thân chú mà còn cho người vợ và hai đứa con trai.
Chú vẫn đóng bộ áo dài đen như những năm còn độc than, không thay đổi. Bóng chú vẫn đổ dài trên con đường hẻm vào những buổi chiều, miệt mài không ngừng nghỉ. Giọng rao vé số của chú vẫn thanh và khoẻ. Cây gậy vẫn theo dính bên mình chú như một vật hộ thân, cây gậy trung thành đi trước dẫn đường, chú mò mẫm theo sau.
Một kiếp người đáng sống.
Lê Nguyễn Hiệp
20-1-2004