Chương 10
Tác giả: Lương Phụng Nghi
Hoàng hôn buông xuống, cửa thang máy lại mở, một nhóm khách bước ra, áo quần lịch sự, sang trọng ...
Trong số ấy có một gương mặt quen quen.
Tôi chen vào đám đông, vài người hoảng hốt dạt ra. Tôi nắm tay bà Trương.
– Bà Trương! Bà Trương, tôi đợi bà cả ngày rồi!
Lúc đầu bà ta giật mình, sau đó la toáng lên:
– Cô buông tay tôi ra, cô là ai?
– Tôi là Đoàn Uất Văn, mẹ tôi quen bà, tôi đã bảo lãnh cho con rể bà ...
– Người nào lại đây mau! – Bà Trương vùng ra, hô hoán lên, mấy tên nhân viên chạy đến.
– Cô này điên rồi, gọi cảnh sát tới bắt đi!
– Bà ... - Mắt tôi đầy vẻ giận dữ như ánh lửa sẵn sàng đốt cháy mọi vật.
Bà Trương Trọng Hiên chạy bộ ra phía ngoài, một chiếc xe mở cửa sẵn, bà chui vội vào và vụt biến đi mất.
– Này, bà đi khỏi mau, đừng có tới đây làm loạn cả lên.
Viên quản lý kéo tôi ra lề đường.
– Đừng tới nữa, nếu không tôi gọi cảnh sát đấy.
Tôi loạng choạng chạy đến nhà Thính Đồng.
Thính Đồng đưa tôi vào phòng khách, cô ta kinh hãi nhìn tôi.
Đã mấy lần, cô nàng cũng đã đến tôi cầu cứu trong tình trạng như vậy.
Thực là đổi thay biến chuyển trong đời này!
– Thính Đồng, cứu tôi với!
Nước mắt tôi lại như khối băng tan, chảy dài xa ngàn dặm!
Tôi sẽ nhờ vào bạn, một người thân duy nhất trên đời. Nỗi đau khổ của tôi đột nhiên vỡ òa, không sao ngăn được.
Thính Đồng mang cho tôi khăn nóng lau mặt. Cô pha cho tôi ly cacao, đoạn lấy gối để tôi nằm trên sa lông nghỉ ngơi.
Tôi nuốt nước mắt kể lại thảm kịch vừa qua.
Ngoại trừ việc tiền bạc dây dưa với ngân hàng, tôi không kể gì khác.
Tôi siết chặt tay Thính Đồng, hỏi:
– Thi Gia Ký có thể giúp được tôi không?
– Anh ấy sao?
– Anh ta là giám đốc ngân hàng, có thể giúp tôi đấy!
Thính Đồng lộ vẻ khó coi.
Tôi hỏi:
– Anh ấy còn đi lại với cô chứ?
Thính Đồng gật đầu:
– Chúng tôi có cơ hội kết hôn, anh ấy sẽ lo thủ tục ly hôn.
Tựa như cả năm qua tôi mới nghe tin tốt lành như thế!
Tôi thực lòng vui cho cô nàng:
– Hãy đi nói hộ tôi. Gia hạn cho tôi một năm rưỡi!
– Để tôi nghĩ xem! Chị cứ ở đây, để tôi đi ăn tối với Gia Ký xong sẽ về bàn với chị.
Thính Đồng mang cho tôi cái chăn mỏng, đoạn đi ra cửa.
Sau cơn mưa bảo tơi bời tôi cũng có nơi ngơi nghỉ.
Thính Đồng, một người không quan hệ máu thịt, lại hơn cả chị em!
Lòng tôi lại như dao cắt Trong nước mắt mơ hồ, tôi chìm vào giấc ngủ!
Giấc ngủ tôi lại ắp đầy mộng mị:
Giữa rừng núi hoang sơ gai góc, dẫy đầy những rắn, rít, chuột, kiến, một mình tôi đứng giữa hang sâu, kêu trời chẳng thấu, gọi đất không xong. Hốt nhiên giữa biển khơi mênh mông tôi vớ được thân cây, càng vùng vẫy tôi càng chìm sâu xuống. Khi trở lại khu vườn quen xưa, thấy Uất Chân úp mặt khóc lóc, mẹ tôi đang giận dữ, bà tát tai tôi ...
Từ giấc mơ tôi giật mình thức dậy.
Cả người tôi lạnh buốt, người choáng muốn vỡ ra, tôi sờ đầu. Ôi! Tay nóng bỏng. Tôi bị ốm rồi!
Không còn ngủ được, tôi lấy nước uống, đoạn lại ngả người lên ghế nệm dài, chờ Thính Đồng về!
Thính Đồng là chỗ dựa duy nhất của tôi!
Nhà Thính Đồng trở thành nơi trú thân của tôi. Nếu Thính Đồng hỏi tôi sao không về với Cẩm Xương, tôi quyết sẽ không nói gì, chỉ bảo là Cẩm Xương hoàn toàn không hay biết việc tôi về đây giải quyết nợ nần.
Thính Đồng đẩy cửa vào, thấy tôi đã tỉnh, hỏi:
– Chị có đói không?
Tôi lắc đầu.
– Phải có sức mới tỉnh táo đối phó với khó khăn trước mắt, còn cam chịu rút lui thì đành chịu vậy.
Tôi gật đầu.
– Thính Đồng,cô gặp Thi Gia Ký có nhắc việc tôi không?
Thính Đồng thở dài vừa lắc đầu:
– Không có, không nhắc đến.
Tôi lặng thinh.
– Uất Văn, không phải là tôi không muốn giúp chị, nhưng Thi Gia Ký đang lo lắng chuyện ly hôn, lòng không ổn định. Tôi không thể vì chuyện riêng mình mà làm anh ấy thêm lo nghĩ.
Tôi nín lặng.
– Anh ấy phải chịu nhiều áp lực, chị không biết đâu. Giờ phút này lại muốn anh ta giúp bạn của mình, sợ anh hiểu lầm và càng thêm khó xử! Tôi thật không hiểu sao chị lại hồ đồ nhúng tay vào việc đó như thế!
Tôi thòng chân xuống đất, ngồi thẳng lên.
– Giày chị ở ngoài cửa kia. Chị muốn về nhà phải không?
Tôi nhìn Thính Đồng cũng chẳng nói gì.
– Hãy về nhà sớm! Nghỉ ngơi một ngày, ngày mai sẽ nghĩ cách!
– Tôi ngủ lại đêm nay được không?
– Uất Văn, chị đừng có làm trẻ con giận hờn, rốt cục cũng phải về nhà.
Chuyện chị sớm muộn gì thì mọi người cũng biết, nó sẽ ồn lên, rồi Cẩm Xương sẽ có cách giúp chị. – Thính Đồng lặng lẽ thở dài. - Trước kia tôi đã nói với chị bao lần rồi, mình làm nội trợ trong nhà phải có tiền bạc riêng mới được, gặp chuyện cần thiết thì mình tự lo lấy là tốt nhất, vậy mà chị không tin!
– Để tôi ngủ lại đêm nay, ngày mai tôi sẽ về nhà, tôi mệt mỏi lắm ...
Thính Đồng ngồi bên tôi buông miệng nói, lời nói như những hòn đá buộc vào chân tôi, càng lúc càng nặng nề khiến tôi không cựa quậy được.
– Uất Văn ... Thính Đồng hơi mất bình tĩnh. – Hãy phấn chấn lên, chuyện lớn tày trời nào cũng có cách giải quyết! Tối nay chị trở về nhà đi. Vả lại, Thi Gia Ký cũng sẽ đến. Tôi đi mua thức ăn tối cho anh ấy. Tôi đã nói rồi, hôm nay tinh thần anh ta không ổn định, tôi không muốn vào thời điểm quyết định này lại nảy sinh thêm vấn đề. Tôi muốn ở bên anh ấy ...
Tôi chầm chậm đứng lên, mang giày và chào tạm biệt Thính Đồng.
Thính Đồng nói với theo:
– Phấn chấn lên, ngày mai gọi điện cho tôi.
Tôi chưa bao giờ lang thang trên đường phố nhìn cảnh đêm đô thị.
Từ bé, tôi là đứa con gái ngoan, sau bữa cơm là tuyệt chẳng ra khỏi nhà. Sau khi lập gia đình, tôi chỉ quanh quẩn trong nhà, chẳng thích đi xa.
Đêm nay sao trời xán lạn.
Ngoại trừ tiền nợ ngân hàng, tôi chẳng còn gì lo nghĩ.
Và chẳng biết tự lúc nào, tôi lại đi lần ra biển, ngồi trên băng ghế dài chờ đợi trời sáng.
Trong đời, có những điều lạ lùng, không hiểu không được.
Gió biển từng chặp thổi đến khiến đầu óc tôi tỉnh lại.
Mẹ tôi sợ tôi, bà trốn về quê. Cả gánh nặng ngàn cân bà trút sang tôi.
Từ trước đến giờ, cuộc sống của bà như chỉ có một đứa con gái, người đó không phải là tôi.
Còn chồng! Gần 20 năm chồng vợ, lại không ngờ đi ăn nằm với em vợ. Tôi cho rằng Cẩm Xương và Uất Chân ít nhiều gì cũng có nỗi khổ riêng tư, và tâm bệnh phải chữa trị bằng tâm dược!
Em gái tôi, khỏi phải nói, tôi có nợ ai đi nữa cũng chẳng hề nợ nó!
Ai chẳng biết sự vắng lặng, cô đơn là điều khó chịu, nhưng cùng một thời gian hơn 300 ngày xa xôi cô độc, Cẩm Xương có quyền lầm lỗi, còn tôi phải tuân thủ theo nghĩa vụ?
Ai lại chẳng bị áp lực trong cuộc sống, ai lại chẳng có điều khổ khó buông lời, ai chẳng muốn có người sớt chia buồn vui khó khăn? Nỗi đau thương, buồn tủi của mỗi con người cũng sâu thẳm như đại dương kia, nhưng cũng không nên vì thế mà đành hy sinh hạnh phúc của kẻ khác để che lấp đi khổ sở của riêng mình!
Tôi có sai lầm chăng?
Sóng dạt lên bờ, âm thanh vang vọng nhắc nhở tôi đã mắc phải sai lầm rồi.
Sai lầm vì lười. Tôi đã buông mình trôi qua trong năm tháng, chẳng liệu lo con đường dài trước mắt, chẳng thực sự mong cầu, chẳng suy nghĩ học tập. Tôi đã thoát ly xã hội, rời bỏ chồng theo mong muốn của anh.
Sai lầm từ lúc đầu, hành vi, tư tưởng tôi không đuổi kịp thời đại nên rơi lại phía sau người, trở thành trò cười cho người thân và bạn bè, làm thành khoảng cách khiến họ chẳng muốn thừa nhận mình! Cùng đường với họ mà đâm ra xa lạ!
Rốt cục lại, chẳng ai hiểu đến trách nhiệm, tâm tình và nhu cầu của tôi.
Cuộc sống tôi chẳng có ý nghĩa cứ kéo dài ngay này qua ngày khác?
Không. Đến hôm nay đây, tôi đột nhiên nhận ra là có nghĩa ...
Đối với Thính Đồng ...
Tôi buồn buồn nhưng không thất vọng. Từ bé, tôi đã tình nguyện kết thân với cô, và đã là người thân, tôi không thể vì lợi ích của mình mà buộc cô ta phải hết lòng lo lắng cho tôi!
Tôi nhìn vào khoảng không đen tối trước mắt, từng điểm sao lấp lánh, phía bên kia bờ đầy ánh sáng óng ánh. Cảnh đêm thật mỹ lệ. Lòng tôi thầm cảm ơn vì đã thức tỉnh đêm nay.
– A! Cô gái, đêm nay cô đơn hả?
Tôi thất kinh hồn vía. Một tên lưu manh đột nhiên tiến đến tôi:
áo quần rách rưới, mặt mày bẩn thỉu, tóc tai như cả ngàn năm chưa chải, người bốc ra mùi chua nồng hôi hám, miệng lộ hai hàm răng khập khểnh đáng khiếp. Tôi kinh hãi nhìn hắn.
Gã lưu manh thấy tôi ngồi yên, hắn cười hi hi, nói:
– Đừng sợ lạnh lẽo, đêm nay anh ở bên em, được không?
Tôi cứ trố mắt nhìn hắn, lòng bi ai. Vận rủi còn đeo đuổi tôi đến bao giờ mới dứt đây?
Gã đàn ông vạm vỡ vừa nói vừa quơ quơ tay, đột nhiên hắn chồm lấy định ôm chầm lấy tôi.
Chẳng những không sợ hãi tránh né, tôi lại cười lớn lên!
Thật là tức cười. Kẻ lưu manh kia, mỗi cử động, lời nói của hắn đều thô bỉ, hạ tiện hiển hiện như thế. Thế nhưng nó có gì đáng sợ? Muốn né tránh, chỉ cần la toáng lên là người đi đường, cảnh sát sẽ ập đến bắt hắn - thật dễ dàng. Đáng sợ không phải là đao thương trước mắt, mà chính là tên bắn lén sau lưng kia.Những âm mưu hãm hại, áp bức, khinh bỉ, điếm nhục - đều không thể phòng tránh được; chỉ e là bạn la hét đến khản cổ cũng chẳng ai đến giúp?
Còn cái kẻ lang thang, du thủ du thực kia có là bao?
Giỏi lắm hắn cũng chỉ định hãm hiếp, sát hại tôi thôi. Giờ đây, hẳn nhiên tôi không lấy đó làm khổ sở. Còn sợ? Không bao giờ!
Và tôi cười lớn lên, cười điên cuồng, cười đến không còn ngăn được.
Gã đàn ông bất ngờ rụt tay lại, lùi từng bước một, và đột nhiên hắn quay đầu chạy mất. Nhìn thấy tôi cười, mặt đầy nước mắt, chẳng khác nào quỷ hiện giữa đêm khuya, chắc gã không dám quay lại nhìn.
Và tôi lại hiểu thêm một điều:
đối diện với cái ác trước mắt, đừng bao giờ sợ hãi, có vậy mới chiến thắng được.
Chỉ trong có ba ngày mà tôi đã hiểu biết được biết bao điều mà nửa đời qua tôi không biết đến.
Trời vừa sáng. Tôi lững thững vào phố và gọi xe đến khách sạn gần đó.
Tôi vất đồ đạc trong phòng ngủ, đoạn ngồi trước gương tự nhủ:
– Đoàn Uất Văn, hiện tại ngươi có hai cách để chọn lựa, một là vào phòng tắm, mở nước đầy bồn, vào ngâm mình trong nước, sau đó đập bể miếng kính cắt vào khủy tay. Thực là đơn giản, chẳng có gì khó khăn! Thậm chí sau đó cũng chẳng biết đau đớn. Còn cách nữa là ngủ một giấc cho đã, khi tỉnh dậy thì đổi thay nếp sống, trở thành một con người mới!
Chỉ có hai con đường, chẳng còn cách gì khác. Phải nhanh chóng giải quyết.
Cuối cùng tôi đứng lên đi vào phòng tắm.
Vất quần áo sang bên, tôi lấy tay xoa mặt, vai, bụng ... một dòng máu nóng chạy mạnh trong da thịt, tôi muốn thay xương đổi cốt, làm một người đầu thai trở lại cõi đời này.
Tôi mở vòi nước cho đầy bồn tắm, đoạn ngâm mình trong nước, tôi nhắm mắt lại để cho mình thư giãn, hoàn toàn thư giãn. Mọi quá khứ đã trở thành quá khứ.
Thật rất lâu ...
Tôi ra khỏi phòng tắm, thay y phục và lăn ra phòng ngủ.
Chẳng còn mộng mị.
Sự khởi đầu tốt đẹp là được nửa thành công rồi.
Đời người cũng chẳng nên mộng mị.
Tôi ngủ đến mặt trời lên đến ba sào mới tỉnh dậy ...
Tôi gọi điện đến quầy phục vụ khách sạn, đặt một bộ âu phục màu ngà đúng theo tuổi tác, thước tấc.
Tôi ăn sáng tại phòng, sau đó thay y phục, ra hỏi khách sạn.
Xe đưa tôi đến ngân hàng Hằng Mậu, tôi đến phòng tổng giám đốc Trần Nghiệp Quảng. Ông ta hơi lạ lùng nhìn tôi.
– Xin lỗi ông, vì thời gian gấp quá nên tôi không hẹn ông trước, tôi không định là ông sẽ tiếp tôi! Tôi nghĩ mình có thể đợi đến lúc ông rảnh!
– Không, không, đừng khách sáo quá. Tôi biết tâm trạng của bà, sự tình nếu giải quyết càng sớm thì càng tốt.
– Đúng vậy. Tôi hớp một ngụm trà.
– Bà Vương, hôm nay tinh thần bà phấn khởi lắm.
– Thưa ông Trần, số tiền 200 vạn tôi không thể trả ngay được, chỉ cần ông cho tôi thời hạn hai tháng thì đại khái tôi mới lo liệu được.
– Hai tháng?
– Vâng, tôi có thể trả dứt phân nửa. Ở Vancouver tôi có căn hộ một lầu, năm rồi tôi mua với giá mười bảy vạn đồng Canada, nay đã lên ba mươi phần trăm.
Theo tính toán của tôi, nếu được giá, tôi sẽ bán nó đi và trả hết cho ngân hàng, còn giá thấp thì ... - Tôi khẽ thở dài - phải đợi tôi làm thủ tục ly hôn, chia tài sản xong mới trả được.
Trần Nghiệp Quảng ra vẻ do dự.
– Thưa ông Trần, tất cả tôi chỉ có vậy, thủ tục ly hôn ắt phải mất thời gian, tôi muốn nhờ luật sư làm việc với chồng tôi để biết giá trị tài sản và quy ra tiền đưa cho tôi, tôi sẽ bù vào cho đủ số.
Ông Trần nhìn tôi:
– Bà Vương, bà chỉ là nội trợ trong gia đình à?
– Trước kia là vậy.
– Cũng may là ngân hàng Hằng Mậu không phải là ngân hàng mua bán nên việc xử lý nghiệp vụ khá thoáng. Được, tôi sẽ báo lại ban giám đốc.
– Cảm ơn ông đã giúp. – Tôi nói rõ. - Thực ra là cùng giúp hai bên, còn như bắt tôi vào tù, đúng như ông nói, điều đó chẳng lợi cho ai cả.
Từ nay trở đi, tôi phải ghi nhớ rõ:
chẳng hết lòng cảm kích, chẳng bố thí ân huệ. Trên quan hệ phải sòng phẳng để chẳng ai nợ ai!
– Ông Trần, tôi cần một luật sư, ông có thể giới thiệu cho tôi một vị nào quen biết được không?
– Được. Luật sư Thang là cố vấn pháp luật cho ngân hàng chúng tôi, ông ấy có người em mở văn phòng luật, đấy là một người có tài, đáng tin cậy được.
Tôi từ biệt Trần Nghiệp Quảng, đi ngay đến luật sư Thang Cung Khiêm.
Thang Cung Khiêm là người đứng tuổi, cẩn thận. Tôi giao ông việc trả nợ ngân hàng và ly hôn.
– Bà Vương, giấy tờ nhà ở Vancouver, bà có mang theo không?
Tôi gật đầu.
– Nếu như bà nhượng lại với giá đã mua thì chúng tôi rất hoan nghênh. – Thang Cung Khiêm nói với vẻ hồ hởi.
– Ai mua cũng vậy thôi, chỉ mong càng sớm càng tốt.
– Không thành vấn đề. Tôi có bạn cùng nghề ở Vancouver, họ sẽ lo các giấy tờ, tôi sẽ báo ngay cho bà.
– Thưa luật sư, xin cho hỏi, ông mua nhà để làm gì?
– Bỏ ra đầu tư, tạm thời là cho thuê.
– Tôi có thể thuê lại không?
– Bà muốn về lại Canada?
– Phải về gấp.
– Chuyện cho thuê ...
– Ông cứ điều tra giá cả thị trường, sau đó cho tôi biết, hạn thuê từng năm.
– Bà Vương, bà không giống người nội trợ trong gia đình đâu.
– Tại sao?
– Bà làm việc rất nhanh, đấy là phong cách chức nghiệp.
– Kích thích quá tất lộ ra đấy!
Tôi nói thật, trước luật sư Thang tôi chẳng cần che giấu điều gì, ông ấy có thể chẳng tin tôi vì tính hài hước của tôi, trước những đổi thay chẳng nao lòng lo sợ.
– Luật sư, tôi rất nóng lòng về nhà, chẳng biết Hằng Mậu có buông tôi không?
– Tôi tin là được, chỉ cần nội trong hai ba ngày giao cho họ 17 vạn đồng Canada, số còn lại sẽ làm giấy trả sau, có thể họ sẽ vì tình cảm mà rút lại đơn tố cáo.
– Tình cảm mà gượng ép quá thì chẳng cần gì!
– Chưa hẳn vậy. Khi thả bà rồi liệu bà trốn đi đâu chứ? Vả lại, tôi thấy mấy viên chức ở ngân hàng tin tưởng bà, họ không cố ý gây phiền phức đâu. - Luật sư Thang dừng lại một lúc. – Trái lại, chuyện ly hôn chưa biết có chóng giải quyết hay không?
– Chứng cứ đã rõ, chồng tôi thông gian với em tôi, đích thân tôi nhìn thấy, về mặt luật pháp, tôi có quyền ly dị!
– Trên nguyên tắc là đúng đấy, nhưng ... nếu ông Vương muốn gặp bà và khéo giải thích; huống hồ còn việc phân chia tài sản, quyền nuôi dưỡng con gái ... tất cả phải được bàn bạc.
– Chỉ cần giải quyết chóng vánh. Tôi không có yêu cầu gì. Căn hộ hiện tại là tôi và Cẩm Xương cùng đứng tên, tôi có lý do để được chia phân nửa, cũng khoảng 150 vạn đồng; các tài sản khác tôi không màng đến. Đối với đứa con gái ...
Tôi suy nghĩ một lúc, đáp:
– Nó sắp 17 tuổi, tự nó quyết định. Nó theo tôi, tôi hoan nghênh; còn nó muốn theo ba, tôi cũng chẳng phản đối.
– Bà Vương, bà nên nghĩ kỹ, ý của tôi là thân gia của ông Vương, đương nhiên là không thể ở trong tòa nhà đó một mình. Tôi đại diện cho bà, tôi phải đặt quyền lợi trên hết!
– Cảm ơn ông, tôi chỉ làm theo lẽ rất công bằng mà thôi. Căn nhà ở Canada là Cẩm Xương mua cho tôi, nay phải để tôi bán để trả nợ.
– Thưa bà Vương, bà quen biết con rể Trương Trọng Hiên à?
– Gặp một lần!
Luật sư Thang thở dài.
Ra khỏi phòng luật sư, tôi lao vào công việc cần thiết khác.
Trước tiên tôi đi khám bệnh. Hôm qua tôi bị sốt, nay thấy choáng váng, chân đi không vững.
Chẳng thương tiếc đến mình thì ai còn để ý đến ta chứ?
Tôi gọi điện chị Cầu, báo với chị vẫn bình an, nhờ chị chuyển lời cho Bái Bái, tạm thời tôi chưa muốn nói chuyện với nó.
Tôi gọi điện đến chỗ làm Mạnh Thính Đồng:
cô đi vắng. Tôi nhắn với người bí thư, việc khó khăn của tôi đã giải quyết xong, khỏi phải lo nghĩ, khi về Canada sẽ liên lạc lại.