Bữa Cơm Ngày Cuối Năm
Tác giả: Lưu Cẩm Vân
Ngày tôi còn nhỏ, cái tết của gia đình tôi được chuẩn bị rất chu đáo. Từ đầu tháng chạp, cứ cách vài buổi chợ là má tôi đã mua dần mấy khúc vải. Ba má tôi không giàu nhưng lại đông con nên thứ gì cũng phải chia ra mua làm nhiều lần. Mua đủ vải, má tôi lại tự tay đo cắt và đo may cho chị em tôi mỗi đứa hai bộ. Quần áo may xong, giặt ủi rồi cất vào tủ, má cẩn thận bỏ thêm ít viên long não để quần áo được thơm hơn. Lo xong quần áo cho con là đã qua nửa tháng chạp, mỗi ngày đi chợ má tôi lại mua thêm khi thì ký măng khô, có lúc là vài ký đậu xanh, vài lá nấm mèo, kim châm… Dần dần cái tủ đựng thức ăn chứa được đủ thứ để nấu thức ăn cúng cho mấy ngày tết.
Không khí trong nhà như chộn rộn hơn những ngày trước vì lũ trẻ trong nhà kể cả đứa bé nhất cũng được giao việc để làm. Hai mươi lăm tháng chạp, má tôi bắt đầu ngâm măng khô, mỗi ngày hai buổi khi vo gạo nấu cơm tôi phải thay nước gạo cho măng mau mềm và trắng. Những ngày đó má tôi bắt đầu rim mứt tết, chỉ là những loại mứt thường dùng như mứt dừa, mứt gừng và mứt khoai. Đêm nào cũng vậy, tôi theo má tỉ mỉ gọt khoai, gọt gừng, lòng hào hứng nghĩ đến chén chè nấu bằng những mẩu khoai tỉa thừa ra trước khi ngâm vôi để rim. Những ngày ấy bọn trẻ chúng tôi được nghỉ tết, không còn phải học bài, làm bài nên chúng tôi cứ quanh quẩn ở nhà bếp, hít vào tận trong lồng ngực mùi gừng, mùi đường sôi lên thơm rực cả nhà.
Hai mươi tám tết (năm nào thiếu ngày ba mươi thì phải sớm một ngày) má tôi đi chợ thật sớm để mua lá chuối, phải là thứ lá chuối hột to bản dây và xanh thẫm. Lá mua về má lại giao cho chúng tôi đem phơi, lá được trải đều lên những cái sàng to rồi đặt ở những nơi có nắng. Chúng tôi có bổn phận trở cho đều đến khi lá dịu thì mang vào, lau từng chiếc rồi phân loại lá đẹp, lá xấu, xếp riêng cẩn thận. Bà nội tôi mang mấy bó lạt đã được ngâm nước, ngồi tỉ mỉ chẻ nhỏ thật đều. Mãi về sau này mỗi khi nghĩ về bà nội tôi lại nhớ mùi nồng cay của vôi, của trầu. Tôi theo bà nội tập têm trầu từ đó, có lần tò mò nhai thử một miếng trầu mà tê cả môi, cả lưỡi. Bà nội tôi là một phụ nữ điển hình của ngày xưa, bà hiền như bà tiên trong truyện cổ tích, bao giờ làm gì cũng nhẹ nhàng và chẳng nghe bà to tiếng với ai. Đêm hai chín tết bà nội và má tôi không ngủ. Chiếc chiếu rộng được trải ra giữa nhà, nếp được ngâm từ hôm trước, vớt ra để ráo lúc chiều. Đậu xanh hầm kỹ, nắm lại từng nắm to và một tô lớn đựng những dây thịt ba chỉ đã được ướp gia vị ngon lành. Bà nội tôi lựa từng chiếc lá, lá nào xấu thì cho nằm ngoài, còn những chiếc lá xanh đặt bên trong để khi bánh chín thì phải có màu xanh mới đẹp. Tôi tập hoài mà chẳng bao giờ gói được những chiếc bánh tét đẹp như bà nội tôi làm, những chiếc bánh đều nhau đến từng sợi lạt, bằng nhau như đếm. Khi thúng nếp đã vơi thì bao giờ bà nội cũng chừa lại một ít để gói riêng những cái bánh ú nhỏ mà bọn trẻ chúng tôi sẽ được ăn vào sáng sớm ngày 30 tết. Thùng nước đặt trên ba hòn đá chẻ bắc tạm giữa sân, bánh gói xong vừa lúc nước sôi là đến lúc trời vừa sáng, má tôi cẩn thận xếp từng chiếc, chèn lá chuối lên trên rồi mới đậy nắp. Bếp lửa phải được cháy đều và bao giờ bên dưới cũng có một nồi nước sôi để thỉnh thoảng châm vào thùng cho bánh chín đều.
Mấy ngày cận tết nhà tôi rất rộn ràng, ông nội tôi không cho dọn dẹp trước mà đến sáng 30 ông mới gọi bầy cháu cùng ông ra sân dội rửa mấy chậu cây kiểng, mà phải là cọ rửa đến từng chiếc lá. Mọi việc hoàn tất khi chiều vừa tắt nắng, lúc ấy phòng khách nhà tôi đẹp rực rỡ. Cây mai chuẩn bị trước bây giờ được cắm trong chiếc bình gốm cổ cao, đặt giữa nhà, những cành hoa vàng đã bắt đầu nở lác đác, chen vào đó là những cánh thiệp chúc xuân, cô tôi còn màu mè khoác lên cành mai mấy dây kim tuyến đỏ, vàng lấp lánh. Chúng tôi sung sướng đứng ngắm lại công trình của mình, đó là bộ lư đồng sáng bóng mà mấy chị em hì hục lau chùi cả buổi sáng. Bao giờ tôi cũng được phần cắm vào chiếc bình to một bó hoa lay ơn đỏ rực, là loại hoa mà ba tôi rất thích.
Trong lúc đó, ở ngoài sân bà nội và má chuẩn bị mâm cơm cúng đón ông, bà. Năm nào cũng vậy, ở giữa chiếc bàn tròn chễm chệ một con gà trống chéo cánh, miệng ngậm trái ớt đỏ tỉa hoa, chung quanh là những món xào, chiên và không khi nào thiếu một tô thịt kho măng.
Kết thúc bữa cúng, đợi cho hương tàn một nửa, ba tôi đóng cổng nhà và không tiếp khách. Bữa chiều hôm đó nhà tôi không dọn cơm chiều, đứa trẻ nào đói bụng thì ăn tạm chén cơm sơ sài để đợi đến đêm.
Đêm ba mươi nhà tôi có lệ phải về nhà từ đường để thắp hương cho ông bà và thăm hỏi các bậc cao niên trong họ. Khi ông nội tôi mất, tôi cũng vừa đúng tuổi để theo ba và cô chú trong những đêm như thế. Lúc đó, đường phố không giống như mọi ngày, không gian trong trẻo hơn và đất trời êm ả, sâu lắng hơn. Ngoài đường chỉ lác đác ít người đi chùa, nhà nhà đều đóng cổng, ở đâu cũng nhìn thấy các bàn thờ ấm áp mà rực rỡ hương hoa. Có lẽ vậy mà đi ngoài đường vẫn thấy hương thơm nồng nàn trong gió đông se se lạnh. Chúng tôi trở về trước giờ giao thừa ít phút, má tôi đã chuẩn bị trà nước để ba tôi thắp hương trên bàn thờ ông bà, những ngọn nến ấm áp cứ cháy đến tận cùng và trầm hương cứ thơm thoang thoảng cả nhà. Những năm xưa còn có thể đốt một dây pháo và lúc đó không khí tết mới chộn rộn làm sao.
Bữa cơm giao thừa bắt đầu lúc nửa đêm, tất cả các món ăn cúng ban chiều được dọn trên bàn, thêm mấy đĩa bánh tét vừa được vớt ra chưa kịp nguội. Những khoanh bánh tét được "cắt" bằng sợi chỉ lớn đã chuẩn bị sẵn, đều đặn với phần nhân ở giữa tròn vành vạnh như cái nhụy hoa. Cả nhà quây quần nhau, rượu được rót ra trong cái ly nhỏ cao chân, trang trọng hơn ngày thường. Bọn nhỏ cũng tỉnh ngủ, hớn hở chọn cho mình một thứ nước ngọt. Sau khi nâng ly chúc mừng ông bà, cha mẹ, bữa ăn thực sự bắt đầu với những câu chuyện, thường là ôn lại chuyện cũ. Ba tôi tranh thủ nhắc lại chuyện xưa và tranh thủ dạy dỗ con cái đôi điều, có những điều tôi nghe lại nhiều lần cho đến khi đã lớn tôi không bao giờ quên.
Sau khi lập gia đình, có được mái nhà riêng của mình, tôi vẫn còn giữ được vài thói quen của gia đình. Tôi không phải đóng cửa tủ một ngày hay kiêng xách nước, quét nhà đến trưa mồng một tết nhưng bữa cơm đêm giao thừa tôi vẫn còn giữ được. Khi ba tôi mất đi, anh chị em chúng tôi mỗi người đều có gia đình riêng, bữa cơm cuối năm với ba má không còn giữ được. Chiều ba mươi tết tôi cùng chồng con về thăm má, thắp cho ba nén hương rồi trở lại nhà mình. Bữa cơm đón ông bà càng ngày càng đơn giản hơn cho đến khi chỉ còn là các thứ trái cây. Không ai trách được ai, cuộc sống càng lúc càng bộn bề, mỗi người đều có công việc riêng. Các gia đình bây giờ chỉ còn năm ba người, không còn phải tốn công sức như ngày xưa, áo quần đã có sẵn ở các cửa hiệu sang trọng. Mấy ngày cuối năm cứ việc ra chợ là có đủ thứ, bánh tét nóng hổi với đủ loại dưa, củ mà ngày xưa má con tôi đã phải tỉ mỉ cắt, tỉa, phơi nắng suốt mấy ngày, có lúc quên món gì đó thì tìm ra siêu thị - phục vụ đến tối 30.
Chiều cuối năm trong nhà tôi cũng có đủ thứ mặc dầu đơn giản hơn. Vẫn cây mai giữa nhà, không còn mấy dây kim tuyến, vẫn cái bàn thờ trang nhã với bình hoa lay- Ơn đỏ để nhắc nhở tôi nhớ đến ba tôi. Đêm 30 chúng tôi cũng đi ra đường, không gian cũng mới tinh tươm nhưng cái đêm trừ tịch năm xưa đã bị xé toạc bởi tiếng nổ của các loại xe máy và giọng cười không giữ của những người trẻ tuổi. Bây giờ người ta chơi tết tưng bừng hơn, đường phố đầy người và bầu trời rộn rã pháo hoa. Không còn ai phải lén lút hái lộc, bởi lá non đã được bày bán khắp đường phố.
Chúng tôi trở về đúng giao thừa, không có pháo nổ từ xa, chỉ có đài truyền hình phát bản nhạc xuân quen thuộc. Bữa cơm giao thừa vẫn được dọn ra nhưng trên cái mâm nhỏ chỉ là mấy dĩa nem chả, vài lát bánh tét và dĩa xôi. Rượu vẫn được rót ra trong mấy cái ly cao chân nhưng hai đứa con chỉ ăn vội vài miếng cho ba mẹ vui lòng rồi xin phép đi ngủ trước. Chỉ còn hai vợ chồng ngồi đối diện với nhau, cùng chạm ly vào nhau với những hồi ức, rồi cả buồn, cả vui cứ trộn lẫn vào nhau. Rồi chuyện cũ, chuyện mới đan xen với nhau cho đến khi hơi rượu ấm ran cả lồng ngực, có đôi khi cả mấy giọt nước mắt lẫn trong nụ cười. Đêm sâu hơn, không có tiếng pháo, nhưng trong lúc trong trẻo nhất của đất trời, tình yêu lại đằm thắm hơn để người cảm thấy gần nhau hơn.
Cứ thế, năm nào cũng vậy, cuộc sống cứ trôi qua theo ngày tháng và dù rất cũ nhưng bữa cơm giao thừa vẫn làm cho tôi xao xuyến những nỗi niềm khó tả.
Hết