Cát Dung
Tác giả: Lưu Cẩm Vân
Bất hạnh cùng cực, với nhiều người có thể là dấu chấm hết niềm vui sống, nhưng với cô gái miền biển Cát Dung, lại là cơ hội để sống một cách mãnh liệt và sâu sắc hơn... Giọng văn của cây bút nữ Nha Trang Lưu Cẩm Vân giản dị, không có những đột phá về mặt văn phong, nhưng cách nhìn đời ấm áp, đầy nữ tính của chị làm người đọc cảm động và thêm tin yêu cuộc sống.
Cát Dung nói - Em 23 tuổi, cầm tinh con rồng. Nhưng lần đầu tiên gặp Cát Dung, Hoà cứ nghĩ cô nhiều tuổi hơn. Con gái tuổi rồng cao số, khổ lắm. Điều này thì chắc đúng, mới nhìn đã thấy Cát Dung vất vả, nếu được sung túc hẳn Cát Dung đẹp hơn. Nước da cô không trắng lắm nhưng đôi mắt sâu và mái tóc dày được búi lại sau gáy để lộ hai hàng tóc mai dài làm cho khuôn mặt cô gợi cảm hơn. Cát Dung làm một nghề mà ít cô gái nào chọn - bán ghẹ rong. Cứ vào buổi chiều, Cát Dung gánh một gánh ghẹ luộc đi dọc bờ biển. Khách hàng của cô đa phần là những người ngoại quốc thích nằm phơi nắng trên bãi biển. Thường thì giá cả thứ hàng này rất trời ơi nên Cát Dung kiếm sống được, nhưng đến mùa biển động thì buôn bán thất thường. Khi không có ghẹ, Cát Dung bán đậu phộng luộc, lời lãi chẳng bao nhiêu vì cả rổ đậu luộc không bằng nửa bữa ăn nhậu của một người đàn ông ở nhà hàng này.
Có lần Hoà hỏi Cát Dung: "Sao em không đổi nghề gì khá hơn một chút". Cô chỉ lắc đầu. Hoà mới về làm quản lý nhà hàng này ít lâu, nó nằm ngay trên bãi biển, nơi tập trung nhiều khách du lịch. Nghĩa là hàng ngày Hoà tiếp xúc với đủ mọi hạng người từ những khách sang trọng đến những đứa bé đánh giày và những người bán hàng rong. Hoà đã từng nghĩ rằng cuộc sống đã thay đổi, người ta đã sung sướng hơn nên mới dư dả để cùng nhau đi du lịch, vãn cảnh. Từng đoàn người áo quần đẹp đẽ, sang trọng, cười nói tự tin với những bữa ăn đầy ắp, bia rượu uống như nước chảy. Nhưng cùng lúc Hoà cũng nhìn thấy mấy đứa trẻ đánh giày đứng nhìn thèm thuồng mớ thức ăn thừa mứa trên bàn. ánh mắt của bọn nhỏ khiến anh phải quay mặt đi. Lần đó, Cát Dung cũng thấy, cô cười như thông cảm với những ý nghĩ của Hoà.
Công việc không cho phép Hoà nói chuyện nhiều với Cát Dung nhưng hễ có lúc nào anh rảnh rang là lại đến bên cô nói chuyện, nhưng chỉ toàn chuyện tào lao về cuộc mưu sinh trên bãi biển này. Cô chẳng hề nói gì về mình.
Mùa hè qua tự lúc nào Hoà không để ý, đến lúc thấy vắng những chiếc môtô nước lượn lờ trên biển và không còn những cánh dù của khách du lịch lơ lửng trên không gian xanh ngắt, Hoà mới nhận ra trời đã vào giữa thụ Biển bây giờ ngả màu xám, chiều chiều đã có ít ghe bạn ra khơi. Mấy hôm nay biển động, sóng lớn đập vào tận chỗ dãy ghế phơi nắng kê trên bãi. Hoà không thấy Cát Dung đi bán. Rồi trời lại trở nắng, nắng vẫn chói chang, buổi chiều Hoà dạo quanh kiểm tra lại bàn ghế dưới bãi. Cát Dung ngồi dưới tán cây tra, thứ cây mà ở đảo Trường Sa gọi là cây phong ba, cô hái một cái lá tròn.. phe phẩy quạt và cười chào Hoà:
- Anh chưa về?
- Em nghỉ mấy hôm nay phải không?
- Con em đau.
Hoà trợn mắt nhìn Dung. Cô thản nhiên:
- Con gái em ba tuổi rồi.
Cát Dung lấy chồng năm 20 tuổi, chồng cô là một chàng trai lớn hơn cô vài tuổi. Hai người là láng giềng với nhau, hẹn hò không bao lâu thì cô về nhà chồng, không lễ lạt cưới hỏi vì Cát Dung đã có thai. Chồng Cát Dung ham chơi mà không thích làm việc. Nhà nghèo, chồng chỉ biết ăn nhậu say sưa, sinh con được mấy tháng, Cát Dung đã đi làm. Cô làm đủ thứ nghề, cả đi ở đợ, đứa con không được săn sóc cứ đau yếu luôn. Không chịu nổi chồng, Cát Dung bồng con bỏ đi. Cũng chả ai đi tìm. Cô mồ côi cha, còn mẹ cũng bỏ đi với người đàn ông khác từ lâu. May mà còn có mẹ con của một người bạn cưu mang mẹ con cộ Cát Dung được dạy nấu xôi, nấu chè gánh đi bán. Nhưng trời như hành kẻ khó, đứa con gái nhỏ cứ đau ốm liên miên. Năm hơn một tuổi nó lên sởi rồi bị biến chứng đủ thứ bệnh, Cát Dung hết vốn làm ăn - Cô liều mạng phải "đứng đường"...
Hoà không hình dung nổi những cay cực mà Cát Dung kể. Cô không biết ai đã cho cô cái tên thật đẹp, nghe thật đài các mà đời cô khổ như thế! Cô phải bán thân để nuôi con, mà cũng không phải dễ dàng gì khi đem thân xác mình đi bán. Có lúc bị khách hàng "chơi" rồi quỵt tiền, có lúc khách giày vò thân xác cô cho "xứng đồng tiền" bỏ ra, dù giá cũng rẻ mạt… Nước mắt cơ hồ không còn để chảy ra vì bao nhiêu cay cực Cát Dung đã nuốt ngược vào lòng. Đêm đêm đi làm về, nhìn mỗi chiếc bóng quạnh quẽ của mình đi trước, lắng nghe tiếng bước chân của mình, buồn đến chết người. Nhưng không ai chết được vì buồn khi trái tim vẫn đập và người ta vẫn phải cơm ngày hai bữa. Cô vẫn phải sống và không thốt được một lời than vãn bởi đâu có ai để chia sẻ cùng cô bao nhiêu điều khốn khó.
Một đêm khuya, trên đường về, Cát Dung bị một bọn thanh niên trấn lột rồi thay nhau cưỡng hiếp cộ Những người công nhân vệ sinh nhìn thấy cô chết lịm bên đường dưới cơn mưa xối xả lúc gần sáng. Cát Dung đau một trận gần chết. Một lần nữa cô lại được mẹ con người bạn vực dậy, săn sóc, nuôi dưỡng. Sống lại được, Cát Dung từ bỏ hẳn cái nghề khắc nghiệt kia để hàng ngày đi bán ghẹ rong.
Dạo này khách nước ngoài đến nhà hàng nơi Hoà làm việc khá đông. Hoà bận túi bụi, anh không có thời giờ nói chuyện với Cát Dung mà cũng không có lúc rảnh để ý đến cộ Một hôm, Hoà đang xem lại cách bố trí cho một bữa tiệc sinh nhật được đặt trước thì Cát Dung gọi anh. Cô chìa một mảnh giấy nhỏ cho Hoà, rụt rè nói:
- Anh Hoà đọc giùm em.
Hoà ngạc nhiên:
- Sao em không đọc?
- Em không biết đọc tiếng Tây.
- Đây là chữ Việt mà!
- Vậy hả?
Hoà trợn mắt nhìn Cát Dung đang cúi gằm mặt xuống đất. Cô di di mấy ngón chân dưới cát, nói lí nhí:
- Em không biết đọc!
Hoà thở ra và nhìn Cát Dung tội nghiệp:
- Em không đi học bao giờ à?
- Có, lâu lắm đâu hồi nhỏ, được một hai năm gì đó rồi bỏ. Em quên hết mặt chữ rồi, mà tờ giấy nói gì hở anh?
Hoà không nén được tiếng thở dài, trả mảnh giấy cho Cát Dung:
- Ai đó hẹn em tối nay gặp nhau trước khách sạn bên kia.
Cát Dung cảm ơn rồi chạy vụt đi, Hoà thầm lo cho cộ Anh liên tưởng đến những cô gái lấy chồng nước ngoài, nhiều cô cứ hất mặt lên trời nói hàng tràng tiếng bồi rồi cứ tưởng mình không phải là người Việt Nam. Cát Dung có ý định đó không nhỉ? Hoà không muốn có lần mình sẽ nhìn cô đầy ác cảm như đã từng nhìn các cô gái mất gốc. Hoà nghĩ không thể có một thứ gọi là tình yêu giữa hai người hoàn toàn khác nhau về ngôn ngữ.
Nhưng cũng đến lúc Cát Dung lấy chồng. Một buổi chiều, Cát Dung vào nhà hàng, cô gọi hai ly càphê và mời Hoà:
- Anh Hoà ngồi với em một chút được không?
Hoà kéo ghế ngồi đối diện với Cát Dung. Cô không nhìn anh mà ngó mông lung ra biển. Biển chiều mùa này sóng lớn. Những con sóng dồi lên những chiếc ghe nhỏ nhấp nhô, thấp thoáng giữa khơi xạ Thật lâu Cát Dung mới quay lại, cô cười với Hoà:
- Em sắp lấy chồng.
- Vậy à! Chúc mừng em! Ai thế?
- Anh Anbe, người viết thư hẹn em hồi đó.
Hoà nhăn mặt:
- Người Pháp à? Sao lại là người Pháp?
Cát Dung cắn môi:
- Đàn ông Việt Nam đâu dám lấy em làm vợ.
- Em chưa gặp thôi.
- Gặp rồi. Người cao ráo, có vẻ tốt bụng, nhưng người đó không phải dành cho em.
Hoà đốt một điếu thuốc, anh thở khói và nheo mắt:
- Sao vậy?
- Không dám chứ sao? Làm sao ai dám lấy em? Nếu em nói em yêu anh, anh dám không?
Hoà chột dạ, Cát Dung nói tiếp:
- Em nói thật, em yêu anh, dù biết rằng anh đã có người yêu. Nhưng nếu không có chị ấy, anh cũng đâu chọn người như em phải không? Nhưng Anbe thì dám, mà anh ấy lai tỏ tình với em trước. Em nói em có con, em nghèo, em dốt, em đã từng là gái giang hồ. Em không có gì hết. Nhưng anh ấy vẫn nói yêu em và muốn cưới em làm vợ. Em hỏi Anbe yêu em vì cái gì, anh ấy trả lời - yêu là yêu, đâu phải vì cái gì!
Hoà tò mò:
- Anh ta nói tiếng Pháp à?
- Không tiếng Việt. ảnh nói tiếng Việt giỏi lắm. ảnh là thầy giáo, ảnh rất tốt…
Cát Dung từ giã và hẹn sẽ mời Hoà dự đám cưới, nhưng rồi lâu Hoà không gặp cô, cũng không thấy thư từ mời mọc. Rồi Hoà cũng quên đi. Lâu lắm, có đến cả năm sau, Hoà cưới vợ rồi chuyển sang làm việc ở công ty du lịch. Cuộc sống bộn bề khiến anh không còn nhớ đến Cát Dung.
Nhưng khi gặp Cát Dung, thì Hoà cũng không bất ngờ lắm. Hoà gặp Cát Dung trong lúc anh ngồi trên xe ngắm người đi chợ để đợi vợ. Cát Dung không còn vẻ vất vả như hồi nào. Trong cách ăn mặc đơn sơ nhưng trang điểm kín đáo, Cát Dung trông đẹp đằm thắm và dịu dàng. Cát Dung mừng rỡ chào Hoà:
- Anh Hoà. Lâu quá không gặp. Anh Hoà đổi chỗ làm phải không?
- Ừ. Em ra sao rồi. Cưới chưa?
- Con trai em được hai tháng rồi.
- Vẫn Anbe chứ?
- Dạ. Ảnh mới về Pháp, đang làm thủ tục để đưa mẹ con em qua đó.
- Sang Pháp à? Anbe tốt không?
- Ảnh dễ thương lắm. Viết thư cho em hoài. Anh cười ngạo em đó à! Em biết đọc, biết viết rồi. Anbe dạy cho em.
Hoà chúc mừng Cát Dung. Cô vui vẻ từ giã anh:
- Xem như em chào anh Hoà từ bây giờ. Chúc anh hạnh phúc, vui vẻ.
Hoà nhìn Cát Dung bước đi nhanh nhẹn, tự tin, khác xa với hồi nào. Hoà mừng cho cô.
Rồi anh cũng quên đi, Cát Dung chỉ như bao người Hoà gặp trên đường đi mỗi ngày. Nhưng có một lần Hoà gặp Cát Dung, lần này Hoà gọi cô trước:
- Cát Dung! Em chưa sang Pháp à?
- Anh Hoà! Ôi, lâu quá mới gặp được anh, vui ghê! Em không đi Pháp nữa.
- Sao vậy? Anbe à?
- Không, Anbe vẫn tốt với em, nhưng em nghĩ lại rồi, qua bên đó em chỉ biết có Anbe, còn mọi thứ đều xa lạ, buồn lắm.
- Rồi sẽ quen thôi - Hoà bảo - Ở bên đó em sẽ giàu có, sung sướng hơn.
- Có thể là như vậy, nhưng ở đâu cũng phải có việc làm chứ anh, lại phải sống giữa một nơi xa lạ, em thấy nhớ nhà lắm.
- Em quyết định ở lại, Anbe có nói gì không?
- Anbe chiều em thôi. Anh ấy nói sẽ thu xếp để qua đây nhiều hơn. Anbe kêu em đi học nghề, em đang học maỵ Có thể Anbe sẽ ở luôn bên này với mẹ con em.
Hoà đùa:
- Em yêu quê hương quá nhỉ?
Cát Dung nói thật thà:
- Em không biết nói văn hoa như mấy anh. Em chưa từng nghĩ quê hương là gì nhưng được ở chính nơi mình sinh ra và lớn lên, em được cảm thấy được yên ổn hơn. Vậy thôi.
Hoà nhìn Cát Dung. Rõ ràng, cô đã khác trước rất nhiều.
- Sắp tết rồi, năm nay là năm con rồng. Năm tuổi của em đó, nhưng chắc là không có gì làm cho em khổ nữa đâu. Tết năm nay em sẽ đưa Anbe tới thăm, chúc tết vợ chồng anh. Bây giờ thì em dám đến nhà anh rồi, chứ hồi đó mời anh dự đám cưới, em còn không dám.
Hoà bất ngờ, chưa biết nói gì, Cát Dung cũng không đợi anh trả lời đã vui vẻ bước đi. Hoà định hỏi vì sao Cát Dung biết nhà anh nhưng rồi anh tự trả lời - lựa chọn cách sống khó như vậy, Cát Dung còn làm được, huống gì...
Hết