Về Hưu
Tác giả: Lưu Cẩm Vân
Chị tỉnh giấc vào lúc mờ sáng, khi con cưỡng ở nhà hàng xóm cất tiếng hát líu lọ Như mọi ngày, chị không vội choàng dậy mà nằm yên lắng nghe mọi tiếng động ở chung quanh. Trước nhà tiếng nước phun rào rào trên lá cây, hẳn là chồng chị sắp tưới xong những chậu kiểng xếp hàng hàng trên sân. Chị như nhìn thấy cả những hạt nước nhỏ li ti bám đầy trên lá của cây mai bên cạnh cửa sổ, những hạt nước trong như thủy tinh đang lấp lánh tia nắng đầu tiên của một ngày. Mọi ngày của chị đều giống nhau. Trong khi chị cố tình nằm nán lại trên giường, lười biếng lim dim mắt nhìn ra cửa sổ đợi trời sáng dần thì con mèo nhỏ sau một đêm đi hoang sẽ nhẹ nhàng phóng qua cửa sổ, đứng trên bàn làm việc của chị, sau khi nghiêng nghiêng cái đầu nhỏ nghe ngóng nó nhảy ngay xuống giường nằm nép sát vào chân chị, dụi dụi cái thân thể mềm mại ấm áp rồi nằm yên. Sáng nào cũng vậy chị phải lấy cơm trộn cá cho nó ăn rồi mới đi làm việc của mình, nếu không nó sẵn sàng níu lấy chân chị mà kêu meo meo đến khi nào được ăn mới thôi.
Đợi mãi mà chị vẫn nằm yên, con mèo nhổm dậy nằm thu lu, đầu gác lên chân trước, lim dim mắt nhìn chủ, chị cũng he hé mắt nhìn nó. Giấc ngủ đã hoàn toàn biến mất, chị tỉnh táo và nhận ra mình không cần phải dậy sớm, không cần phải vội vội vàng vàng quơ quàng tay chân gọi là tập thể dục, vội vàng với tất thảy mọi thứ để kịp giờ đến trường học. Bây giờ, chị có thể chìu theo cơn làm biếng để nằm đây tưởng tượng lại công việc của những ngày đã trôi quạ Chị chưa kịp thả lòng mình đi lang thang thì chồng chị bước vào. Chị nhìn người đàn ông của mình và bỗng dưng chị nhớ là lâu lắm rồi chị không nhìn kỹ anh ấy. Mái tóc lười chải của anh vẫn che lấp vầng trán cao và đôi mắt đa tình ngày nào giờ đây xếp đầy nếp nhăn. Anh ở trần, khuôn ngực lép kẹp nhưng vòng bụng lại đầy đặn hơn, kết quả của những buổi nhậu với những ly bia đầy ắp. Anh lơ đãng đứng trước bàn trang điểm của vợ, không nhìn vào gương, quơ cái lược cào mấy nhát cho có trên mái tóc bắt đầu có sợi bạc. Rồi anh cũng không nhìn chị, mở tủ tìm cái áo vừa nói:
- Sáng rồi em, dậy thôi kẻo trễ giờ.
Không nghe trả lời anh quay lại, chị xoay mình quơ cái gối rồi nằm nghiêng ôm lấy nó nhắm mắt lại. Chị chờ anh nghiêng mình, âu yếm vuốt tóc vợ rồi hôn chị, chị sẽ xoay mình ôm lấy cổ anh, cho phép mình nhõng nhẽo như ngày xưa. Nhưng chẳng có nụ hôn nào như chị tưởng tượng, thời lãng mạn ấy qua đã lâu lắm rồi. Chị không còn nhớ bắt đầu từ khi nào chị và anh ấy ít nói chuyện với nhau hoặc là những câu chuyện về công việc, về đứa con đang đi học xa nhà. Chị không còn giận hờn trách móc nếu anh có phải làm việc bỏ chị một mình với cái máy truyền hình. Anh cũng không áy náy để vợ ăn cơm một mình và chị cũng bỏ thói quen phải đợi anh về mới ăn cơm. Lâu rồi anh với chị không còn giận hờn nhau mà nếu có bực bội giận hờn thì đối phương cũng không tỏ ra quan tâm, cơn giận sẽ tự nhiên biến mất. Chị không hiểu sự thay đổi ấy có từ lúc nào, đó là dấu hiệu của tuổi già hay là họ bắt đầu nhàm chán nhau!
Đợi mãi không thấy chị trở dậy anh bước vào ngồi bên cạnh, đặt tay lên vai chị "Em à". Chị mở mắt tỉnh táo: "Em biết rồi, hôm nay em không đi làm". Anh định hỏi tại sao thì hình như chợt nhớ ra, anh "à" một tiếng, nắn nắn vai chị: "Ở nhà đừng buồn, anh đi làm nghen". Chị nằm yên lắng nghe tiếng anh dắt xe ra sân, lắng nghe tiếng đóng cổng rồi tiếng xe anh chạy vụt đi. Cho đến khi thấy là không thể nằm thêm, chị mới trở dậy và bắt đầu buổi sáng của mình. Nhưng sau tất cả những công việc như mọi ngày thì chị chẳng biết phải làm gì, buổi sáng còn dài quá, giờ này không chừng mới bắt đầu tiết học đầu tiên. Xem nào, bắt đầu từ hôm nay con bé Nga sẽ thay chị bước vào lớp 61, hôm nay có một tiết Tập làm văn, chị đã để dành trả bài bập cho học trò. Mấy hôm trước chị đã bàn giao công việc cho Nga, cô ấy sẽ thay chị vừa làm chủ nhiệm vừa dạy văn cho lớp 61. Chị vốn không thích bỏ dở công việc của mình nhưng không được, cứ đủ ngày tháng là phải nghỉ. Cái nguyên tắc cứng nhắc ấy chẳng hay ho gì, chị muốn xin nghỉ trước ít tháng cũng không được mà muốn nán lại đôi tháng cũng không. Người bảo chị đã công tác đủ rồi, đã đến lúc nên nghỉ ngơi.
Chị đóng cổng, ra cái chợ nhỏ cách nhà mình một ngã tư đường. Chẳng cần phải vội vã, chỉ mấy bước chân chị có thể loanh quanh từ hàng cá đến hàng rau, vậy tại sao ngày trước chị cứ phải hối hả, lúc nào cũng giục người khác vì không thể đứng chờ. Hôm nay chị tha hồ lựa chọn, tha hồ trả giá, cũng lạ, cứ cầm lên thả xuống mà chị chưa chọn được bó rau nào vì bó nào cũng tươi xanh trông thật ngon mắt. Ngày trước chị chẳng để ý vì có khi chị phải mua bó rau cuối cùng.
Lúc chị về, bóng nắng chưa đến được giữa sân, chẳng có gì vội vã, chị ngồi ngay ở bậc thềm vừa nhặt rau vừa nhìn ngắm. Buổi sáng ở nhà mình thật yên ả, lâu rồi chị mới có cảm giác bình yên trong lòng không phải bồn chồn tính toán điều gì. Nhưng rồi chị lại nhớ, giờ này là giờ ra chơi, sau khi chia nhau mấy tách trà nguội, bọn chị sẽ chuyện trò rôm rả, thường là chuyện thời trang, mua sắm. Mới hôm qua đây, Bích Hà khoe một bộ váy mới nhất của Hàn Quốc, bộ váy màu "be" thật đẹp ai cũng trầm trồ. Chị Tuyết, người hơi thấp nên thích sưu tầm những đôi giày cao lại khoe mới mua đôi guốc sơn mài. Đôi guốc cao gót màu đen bóng trông cũng hay, lại là theo mốt. Bây giờ các bà, có cô lại thích mang guốc. Cũng là đôi guốc gỗ nhưng có muôn trùng kiểu, bạt ngàn loại quai - Tuyết bảo thế và tự hào: "Mang guốc là mốt nhất".
Nhớ lại cô Tuyết hơi béo một chút quay qua quay lại trên đôi guốc nhọn hoắt chị bỗng bật cười. Rồi chị bỗng nghĩ đến cô Hân, không biết hôm nay đã hết buồn chưa. Cô Hân thua chị vài tuổi, cũng không còn trẻ gì, bỗng dưng phát hiện ra chồng ngoại tình. Con người lâu nay vẫn tự hào về người chồng mẫu mực của mình giờ ngậm bồ hòn làm ngọt, đến lúc không giấu được ai mới thổ lộ với bạn bè hòng tìm kế để lôi kéo ông chồng già ra khỏi mê lộ.
Chị cẩn thận chọn từng cọng rau, bỏ đi mấy cái lá vàng, cũng lại lâu lắm chị mới có thời gian để ngồi tỉ mỉ nhặt từng lá rau. Cái tập thể của trường cũ nhốn nháo đủ thứ chuyện như thế cũng đã từng tước mất của chị nhiều thời gian. Chuyện giáo án, chuyện học trò, cả chuyện vui buồn của đồng nghiệp đến nỗi làm việc gì cũng chọn những việc đơn giản. Bây giờ về nhà rồi mà chị chưa hết vương vấn chuyện cũ. Hôm nay là ngày đầu tiên chị thật sự nghỉ việc, chiều qua cả trường đã tổ chức một buổi tiệc, nói theo cách bây giờ là một buổi nhậu, để chia tay chị về nghỉ hưu. Thời đại mới cái gì cũng khác, lúc chị còn trẻ mỗi lần trường có việc ăn uống là tất cả phụ nữ đều xăn tay áo mỗi người một món. Ai cũng muốn khoe tài nữ công gia chánh của mình. Bây giờ thì khác, chẳng ai cần cái nữ hạnh xưa rích đó nữa, ai cũng muốn khỏe thân. Có việc cứ hẹn nhau đến nhà hàng nào đó, rồi cũng thịt nướng, thịt luộc, lẩu mắm, lẩu dê… có đủ cả bia bọt. Nâng ly chúc mừng, chia vui. Ăn uống no nê xong đứng dậy ai về đường nấy, khỏe re.
Hôm nay chị muốn khác đi. Ngày đầu được rảnh rang, chị định nấu một bữa cơm tươm tất cho chồng, không phải ăn thức ăn cũ hay mì gói chắc là anh vui lắm. Chị nấu một nồi canh chua cá lóc, tôm rang với thịt ba chỉ là những món anh thích. Phần mình thì chị chuẩn bị một đĩa rau muống luộc, món ăn nhẹ bụng để khỏi tăng cân. Mấy lúc gần đây mặc áo dài đi dạy chị thấy vòng hai của mình đầy đặn lắm rồi.
Trong khi chờ đợi chồng về, chị ngồi vào bàn vi tính của anh. Dù bận rộn anh cũng dạy chị mấy thứ cơ bản để sử dụng máy, chị mở trang sức khỏe, làm đẹp dễ xem có gì mới không nhưng cũng chỉ là những thông tin cũ rích. Chị lại tắt mạng, nhấp chuột vào trò chơi xếp nút trên máy. Thật bực mình, cái máy tinh quái hết chỗ nói, chị không làm sao chơi tới năm trăm điểm. Dầu vậy chị cũng kiên nhẫn bắt đầu lại để đợi chồng. Lúc chị sắp thua thì chuông điện thoại reo, chắc là con gái gọi về, chị nhấc máy không biết con gọi về bất thường để làm gì thì nghe tiếng của anh: "Em ơi, anh bận khách đột xuất, trưa không về. Em ăn cơm một mình, đừng buồn nghen". Chị chưa kịp hỏi thì anh đã tắt máy.
Chị vào bếp dở nắp nồi canh chua đang bốc hơi nóng hổi, mấy con tôm đỏ mình khoanh mình chen giữa mấy miếng thịt mỡ bóng lộng, lấm tấm mấy hạt tiêu đen thật ngon lành. Chị thở ra, bới một chén cơm đặt trên cái mâm nhỏ cùng chén xì dầu nổi lên mấy lát ớt đỏ và một đĩa rau muống luộc, rồi bê lên phòng khách, bật ti vi vừa xem vừa ăn. Chị tự nhủ: "Không có gì lạ, vẫn như mọi ngày đó thôi".
Nga gọi điện hỏi: "Sao chị không đến trường chơi, ai cũng nhắc đến chị". Chị nghe lời người đồng nghiệp trẻ tuổi. Vài hôm sau đó chị dậy sớm, cũng sửa soạn trang điểm và chọn cái áo dài vừa ý nhất. Bọn học trò cũ gặp chị, có đứa cúi đầu chào, có đứa chỉ toe miệng cười, một số đứa thì đứng đằng xa nhìn tới. Căn phòng dành cho giáo viên cũng đầy ắp những con người bận rộn, họ chỉ hỏi chị mỗi người một câu rồi loay hoay chuẩn bị lên lớp. Con bé Nga biến thoắng: "Chị ngồi chơi một chút, lát ra chơi em nói chuyện này cho nghe". Chị cười gượng, trả lời qua quýt, lòng bồi hồi khi nghe tiếng trống trường vang lên rộn rã. Mọi người trở lại với công việc, còn chị cảm thấy mình trở nên thừa thãi, nên đứng dậy từ giã. Cô hiệu phó mời chị lấy lệ: "Ở chơi thêm một chút nữa". "Dạ, thôi cô làm việc, mình về. Để hôm khác".
Chị đi qua khoảng sân rộng mới đây còn ồn ào tiếng chạy nhảy, cười đùa của bầy học trò nhỏ, sân trường bây giờ im ắng trở nên to rộng hơn, khiến cho tiếng guốc của chị lạc lõng rời rạc. Tránh không nhìn vào cửa các lớp học, chị cẩn thận bước để không giẫm lên mấy chiếc lá bàng khô màu nâu úa rơi rải rác dưới sân, để khỏi nghe tiếng lá gãy vụn như tiếng rạn vỡ của lòng mình.
Chị ghé chợ trước khi về nhà, những công việc của mỗi ngày qua được lập lại như một thời khóa biểu mới quen. Chị không vui cũng không buồn khi nghiệm ra rằng tình cảm không thể giả được, yêu và không yêu giữa mọi người với nhau có thể nhận ra ngaỵ Vậy thì tại mình hay tại người mà chỉ mới xa nhau ít ngày khi gặp lại đã nhạt như nước ốc? Thôi kệ. Chị lại tự an ủi mình. Người ta còn phải làm việc, chỉ tại mình rảnh rỗi quá đó thôi.
Dầu vậy, chị tự hứa với lòng là chẳng bao giờ trở lại nơi cũ nữa. Chẳng bao giờ…
Hết