Chương 12 (chương kết)
Tác giả: Lưu Thị Lương
Chuông điện thoại reng inh ỏi buổi trưa. Tiếng anh hai rổn rảng:
- A lố! Muốn gặp Mỹ Chi hả? Bạn hả? Gấp lắm hả? Chà chà... Nhưng bây giờ chưa được. À ờ… Bởi vì nó đang ở trong một chỗ không nên nói.
Chi hét vọng ra:
- Anh Hai đưa máy cho em!
Nhà Chi mới sắm cái điện thoại mẹ bồng con ở cửa hàng bán đồ thiên hạ xài chán chê rồi thải ra. Hai anh em suốt ngày cứ mong ngóng có ai gọi cho mình để có dịp đi qua đi lại trong nhà mà nói chuyện. Cũng bảnh toỏng, đâu thua gì điện thoại di động.
Cái điện thoại đó, nói từ trên nhà xuống bếp, ra cửa sổ, lên gác… Chỗ nào cũng nghe.
Chi hé hé cánh cửa phòng tắm, anh Hai kêu ọe ọe, luồn vào cái máy con, bằng chiếc giày người lớn.
- A lô!
Ôi, ân hận cũng đã muộn màng rồi Chi ơi!
- A lô! Chí mén nè!
Mén là tên mà Chi đặt thêm cho thằng bạn mập. Chi nói gấp:
- Lát nữa gọi lại đi!
Rồi lật đật tắt máy. Làm như cái máy điện thoại có thể thu phát được mùi vị, hay là biết truyền hình trực tiếp vậy.
Chi không nôn nóng nghe cho lắm, vì lúc này, hai đứa thường có dịp nói chuyện với nhau.
Sau buổi thi hát, Chi chịu nhận làm đồng đội của Chí. Hai đứa chạy bộ mỗi buổi sáng. Sau đó, Chi đi tập thể dục, Chí đi bơi. Có bữa đổi món bằng cách đạp xe, đi vòng vòng.
Chí băn khoăn:
- Tui vẫn còn thắc mắc. Tại sao bữa đó, anh Hai của bạn không cho tụi mình chơi với nhau. Ảnh không cho bạn bắt máy, phải không?
Chi đã thấy, Chí thiệt sự là đứa đàng hoàng, không phải như Chi đã tưởng tượng là loại tội phạm thế hệ mới.
Chi kể không dấu diếm:
- Bữa đó tui ở nhà một mình, giả bộ nói anh Hai tui về. Rồi chuông reng, tui không nhấc máy.
- Lì ghê!
- Dám nói bạn lì hả?
Sợ Chi giận, Chí giải thích:
- Nhưng cái lì của bạn, trong thời điểm này, có chỗ xài được. Thí dụ gặp đồ ăn ngon, làm mặt lì không chịu ăn thì quá tốt. Bạn sẽ làm gương cho tui.
Giải quyết xong nhu cầu cá nhân, Chi tự gọi cho Chí.
Chí vừa a lô là nói liền, không để Chi kịp hỏi có chuyện gì đó.
- Chiều nay hai đứa tụi mình đi ăn tiệc. Tui mời. Nói chính xác là ban văn nghệ trường tui mời bà.
- Lý do?
- Ăn mừng đậu hạng nhất toàn đoàn.
- Dính gì tới tui?
- Ban văn nghệ trường tui nhất trí bầu bà là cổ động viên dễ thương nhất.
- Nhớ lại bữa đó còn quê cùng mình đây nè!
- Vui chứ.
- Thôi không đi.
- Không đi uổng lắm đó.
- Không ăn tiệc là tốt cho việc rèn luyện thể hình, sao lại uổng chớ. Đúng là cái mặt tham ăn.
- Không phải chuyện ăn uống tầm thường như bà nghĩ đâu. Bà là bạn của tui. Là đồng đội. Lúc khó khăn nguy hiểm, tụi mình phải ở bên nhau.
- Để cản ông đừng ăn như con heo phải không?
- Ừ. Chịu đi chưa?
- Mấy giờ?
- Năm giờ tui lại đón bà. Tự túc đạp xe.
- Ông không dặn tui ăn mặc ra sao hả?
- Miễn đừng mặc áo bơi là được.
- Đồ quỷ!
*
* *
Tưởng ban văn nghệ của trường giựt giải nhất phải ghê gớm lắm.
Gởi xe ở sân trước, Chí dắt Chi đi bộ cả trăm thước, đi mãi tới sân phía sau trường.
Một nơi hẻo lánh, chỉ có phân mèo hoang lổn nhổn và mọc đầy cỏ dại.
Cái phòng tập nhỏ xíu, chật ních.
Chỉ có mười người, kể cả cô giáo phụ trách, kể luôn khách mời là Chi.
Nổi bật nhất trong căn phòng lủng củng đồ đạc âm thanh là một cái bánh kem màu hồng, mô phỏng hình dạng cây đàn organ.
Chí vào trước, uốn giọng nói the thé:
- Tiết mục đặc sắc nhất chương trình hôm naỵ Xin thân mật giới thiệu: bạn Mỹ Chi, học sinh trường Tràng Thi, cổ động viên độc đáo nhất giải ca hát mùa hè này.
Tiếng vỗ tay bị chìm lỉm trong tiếng đàn tiếng trống gióng lên, thay cho lời chào mừng.
Chi vào sau, bởi vì khung cửa không đủ chỗ cho hai đứa.
Chi lễ phép khoanh tay, hướng về phía người lớn nhất trong phòng:
- Dạ thưa cô em mới tới.
Cô giáo chưa kịp đáp lời thì ở một góc nào đó, một giọng nói ngạc nhiên cất lên.
- Ủa! Hổng phải bận áo tắm như bữa hổm hả?
Câu chào hỏi đầu tiên của chủ nhà dành cho khách đã tạo ngay được cảm giác gần gũi, bạn bè. Cả đám hè nhau cười rần rần.
Trai gái lăng xăng mời Chi:
- Ngồi đi. Ngồi tự nhiên. Ghế này là ghế riêng của Chí đem từ nhà tới đó.
- Ê! Chí chịu khó đứng bữa nay nghe!
- Ăn ổi đi bạn!
- Ăn mận ngon hơn.
- Ăn đá lạnh không có chất béo.
Cô phụ trách vỗ tay ra hiệu giữ trật tự. Ai nấy đều dừng hết mọi hoạt động, như phim vidéo đang chiếu mà bị bấm nút pause.
Cô giáo nói:
- Các em! Hôm nay ban văn nghệ có tổ chức một buổi tiệc nhỏ chung vui nhân dịp trường ta đạt giải nhất toàn đoàn, đồng thời chúc mừng bạn Chí đoạt được giải thưởng "Giọng ca nam hay nhất". Đặc biệt, chúng ta còn có khách mời là bạn Chi, vừa là bạn của Chí, vừa là cổ động viên nhiệt tình nhất của trường mình, mặc dù bạn là học sinh của trường khác. Cô đề nghị chúng ta một lần nữa hoan nghênh sự có mặt của bạn Chi ở đây, ngày hôm nay.
- Hoan hô!
- Hoan hỉ!
- Hoan ca!
- Hát đi các bạn ơi!
- Hát đi Chí ơi!
- Đàn đi Châu ơi!
Căn phòng nhỏ lập tức dồn dập một khúc dạo đầu quen thuộc, nghe y như trong băng, đĩa nhạc.
Chi nhìn về hướng phát ra tiếng đàn. Lúc đó Chi mới biết đánh đàn rành nghề cỡ đó chỉ là một đứa con gái. Hèn gì trường nó giựt giải nhất.
Chi nói nhỏ với Chí:
- Đẹp quá trời!
Chí gật đầu một cái cốp, thì thào:
- Không sai lầm.
- Cái mặt diễn viên. Cái mình người mẫu.
- Đúng lắm!
- Đẹp nhất đám con gái xinh đẹp ở đây.
- Bà đúng là đồng đội của tui.
Cái mặt diễn viên hét:
- Lo hát đi! Ở đó mà nói chuyện.
Chí mén hả họng hát liền:
- Ôi con bướm phượng…
Nhưng con nhỏ đánh đàn ngừng tay, nói cụt lủn:
- Rớt nhịp.
Chí nhún vai chấp nhận. Nó nuốt nước miếng, lịch sự nói:
- Xin lỗi!
Rồi nó đứng nghiêm, kiên nhẫn chờ nghe lại khúc dạo đầu.
Nhưng, lại nhưng nữa, con nhỏ ra lệnh:
- Bài khác.
Rồi nó múa tay lia lịa trên mặt đàn, chân nhịp như máy dưới gầm cây đàn.
Nhạc tuôn ra như nước chảy.
Và Chí ngửa cổ, nhắm mắt lại, hát mê man.
Cả căn phòng đặc quánh đất trời mây bay gió thổi, nắng vàng rười rượi và mưa rơi tí tách...
Chí hát dứt lời, đàn chưa tắt tiếng, bạn bè nhao nhao yêu cầu:
- Tặng hoa đi Chi.
- Một hai ba . Tặng đi.
Châu lên tiếng, giọng đanh thép:
- Không được! Cấm tặng hoa!
Cả phòng ngơ ngác:
- Sao kỳ vậy?
- Quyền gì cấm chứ?
Thấy tình hình căng thẳng, cô giáo can thiệp:
- Mấy em chú ý. Mình đang có khách quý nhé.
Châu nói tiếp, giọng vỡ ra tiếng cười:
- Phải ôm hôn thắm thiết mới đúng!
Cả phòng, trừ cô giáo, Chi và Chí ra, đều đồng loạt gào lên hưởng ứng:
- Nhất trí!
- Một hai ba! Ôm hôn đi!
Chi nói:
- Cổ động viên độc đáo nhất, chỉ biết làm ra điều độc đáo nhất, một lần. Một và chỉ một mà thôi, các bạn ơi.
Châu nói, vẫn trống không, cộc lốc:
- Hay!
Chí tiếp luôn:
- Hay có thưởng không đó?
Châu vênh cái mặt thanh tú, chu cái miệng xinh xinh lên, thách thức:
- Thưởng cho nửa cái bánh kem. Dám không?
Nó còn làm cái đàn cất tiếng cười khèng khẹc để minh họa nữa.
Chí le lưỡi ra, rụt cổ lại thay cho câu trả lời. Châu nhịp nhịp đôi chân thon thả, rất có vẻ khoái chí. Nó thừa biết, cả Chi lẫn Chí không đời nào dám liếm một miếng bánh kem nhỏ như cái phím đàn vẽ trên mặt bánh.
Chi nhã nhặn nói.
- Cho mình cám ơn. Mình đang trong thời kỳ đai ẹt.
Nhưng cả đám còn lại hăng hái cho mấy lời khuyên.
- Trong bánh có giấu một hột me may mắn đó.
- Bắt chước bên tây ấy mà. Chia mỗi người một miếng bánh. Ai bắt được hột đậu thì được làm vua . Muốn gì cũng chiều.
Chí từ chối rất khéo:
- Thôi. Lỡ tui được làm vua, tui phải lấy làm vợ hết mấy chị học trò ở đây hay sao? Thà chết còn sướng hơn.
Mấy đứa con gái nhào vô cấu nhéo tưng bừng thằng mập, không trật một chỗ nào:
- Hỗn!
- Láo!
- Mất nết!
Còn mấy thằng con trai thì reo hò động viên:
- Nhéo cho nó xịt mỡ đi!
*
* *
Tan tiệc, Châu tót lên cái sườn xe của Chí. Ngồi nghiêng một bên, như khoe cái váy xẻ tà, Châu ra lệnh.
- Chở về coi!
Chí lúng túng nói với Chi.
- Bà đi chung với tụi tui luôn nhe . Tui còn phải đưa bà về nữa.
Chi ừ ừ. Hai chiếc xe đạp không đi song song như mọi ngày.
Chi nói:
- Đừng đi hàng đôi làm cản trở giao thông.
Rồi ngừng một nhịp đạp, để xe của mình lùi lại phía sau.
Đưa tay đàn giỏi giang xinh đẹp kiêu kỳ về tới nhà, chờ cổng nhà nó lạnh lùng đóng lại, hai đứa mới đi song song ra đường.
Chi hỏi:
- Chí mén đói bụng không?
Chí cười lém lỉnh:
- Ăn chưa no.
Chi gật đầu:
- Tui cũng vậy. Kiếm chỗ nào uống nước đi.
Chí lắc đầu:
- Kiếm chỗ ăn trái cây hay hơn.
Ở chỗ bán trái cây, Chí gọi hai đĩa, cẩn thận dặn dò.
- Lấy ba thứ củ sắn, mận, ổi thôi nghe!
Hai đứa nhai chậm theo lời khuyên dành cho người muốn giảm cân nhưng ăn rất chăm chỉ vì đã tới giờ cơm.
Gần hết nửa đĩa, Chi nhìn Chí chằm chằm, nghiêm giọng hỏi.
- Nói thiệt đi. Ông đem tui tới để dằn mặt con nhỏ Châu phải không?
- Không.
- Xạo.
- Thiệt ra, tui muốn chỉ cho bà nhìn thấy cái động cơ thúc đẩy tui muốn ốm. Bà mới thông cảm cho đồng đội của bà mà hết sức giúp đỡ.
- Nhưng nó đâu thèm để ý tới ông nếu hôm nay không có cái bản mặt của tui.
- Nói thiệt, không ngờ tình hình lại xoay ngược quá đã như vậy. Bữa nay là lần đầu tiên, Châu cho phép tui đưa nó về nhà đó. Mọi lần, nó bắt đi chung cả bầy.
- Yên tâm đi. Điều đó chứng tỏ nó có sợ mất ông.
- Có thể có thiệt không?
- Hy vọng bao giờ cũng tốt mà, Chí mén.
- Hy vọng tụi mình sẽ vượt qua được trận thử thách này.
- Để Châu chịu ngó ngàng tới Chí.
- Để giữ được người bạn tốt như Chi nữa.
Hai đứa tự động đưa tay ra. Rồi tay đứa này vỗ chát vào tay đứa kia, như cầu thủ chúc mừng bàn thắng ngay trên sân cỏ.
Rồi im lặng ăn tiếp.
Chi đẩy cái đĩa của mình ra giữa bàn, chống tay hai lên má.
- Nói thiệt với ông chuyện này nghe!
- Chuyện gì?
Chi ngoẹo cổ, như đang đòi anh Hai của mình chiều chuộng:
- Tui vẫn chưa no.
Mắt Chí bật sáng, hưởng ứng.
- Tui cũng vậy.
- Tính sao đây?
Chí giơ cao cái nĩa có hai cái răng lên, ngoắc gọi chủ quán.
- Chị Ơi! Cho thêm hai dĩa nữa. Giống như cũ.
Sài Gòn, tháng 5-2002.
Hết