Chương 4
Tác giả: Lưu Thị Lương
Đó là chuyện từ đầu năm học, ở trường. Còn ở nhà, chuyện hai anh em giận nhau kéo dài cho tới lúc nghỉ hè, má dắt Chi đi bác sĩ.
Anh Hai làm hòa trước.
Chờ má dắt xe ra cửa, anh Hai nhào tới xin xỏ.
- Má cho con đi theo. Duyệt đi má!
Má gạt ngay:
- Không duyệt diếc gì hết. Xe chỉ chở hai người là đúng luật. Tống ba vừa dễ gây tai nạn, vừa bị phạt mất tiền tốn của.
- Con đi riêng. Bạn con chở.
- Đi làm gì?
- Thì đi cho biết với người ta.
- Biết làm gì?
- Biết để giúp đỡ em mình.
Má nghe anh Hai nói thế bèn rất cảm động mà gật đầu cái rụp:
- Con biết thương em như vậy là tốt. Duyệt cho đi theo.
Nhưng Chi không nghĩ giống như má. Chi luôn cảnh giác rằng, mình có một ông anh. Mà ông anh ấy, lúc nào cũng ở trong tư thế tiến công, rình chụp, chỉ chờ dịp sơ xuất của con em gái tội nghiệp mà chọc quê, chọc giận.
Chi ngửa cổ nhìn anh Hai, tuôn ra một dây thắc mắc:
- Anh đi với bạn, mà bạn là ai? Trai hay gái? Mập hay ốm?
Anh Hai nháy mắt. Mắt anh hai lóe ra những tia nhìn tinh quái:
- Tú. Cái thằng bị anh em mình tống ba hôm bữa trước. Còn nhớ không?
- Á!
- Á gì?
- Anh nghỉ chọc em một ngày là ăn cơm không ngon hả?
Anh Hai đút tay vô túi quần:
- Bởi vậy…
- Bởi vậy cái gì?
- Mở miệng ra là ăn ăn ăn... Tới thế kỷ sau, mày mới mong ốm nổi. Còn kiếp này thì bó tay rồi.
Chi tuyệt vọng kêu:
- Má! Coi anh Hai nè!
Anh Hai nhe răng nói trây trúa:
- Coi cái gì? Có gì mà coi?
Chi giậm chân lẹt bẹt, đầu lắc như múa lân. Má quát lên, hơi giận:
- Thôi! Tụi bây có chịu đi chưa? Trễ giờ rồi kìa. Anh em gì mà cãi nhau hoài không chán. Con cái gì đâu. Thiệt là bất hạnh quá!
Má bước thẳng ra cửa, không gọi, không chờ đứa nào hết. Chi lạch bạch chạy theo kêu thất thanh:
- Má ơi má, chờ con với!
Khi bước xuống bậc thềm, Chi nhìn vô trong nhà thấy anh Hai đang gọi điện thoại, giọng điệu cũng gấp gáp lắm:
- Ờ... Lẹ lẹ lên nghe! Tao mặc quần áo, mang giày sẵn sàng rồi. Hả? Kịp mà! Má tao chạy chậm rì hà...
Chi biết, anh Hai đang hẹn với anh Tú. Nhưng Chi không biết nên phản ứng như thế nào nữa.
Tuy bên ngoài mình mẩy mập mạnh bặm trợn, nhưng bên trong tâm hồn, Chi là một đứa nhỏ yếu đuối. Nếu dùng từ của khoa tâm lý học thì bảo Chi là người nhạy cảm. Chi hay khóc, dễ mủi lòng, mau xúc động. Thấy đám ma ai đâu không biết, đi ngoài đường Chi cũng cay cay mắt. Đọc truyện, coi phim, tới chỗ chia ly hay đoàn tụ cha mẹ vợ chồng con cái… nước mắt Chi chảy ròng ròng như đang ăn lẩu ớt hiểm. Nói cho rõ hơn, tất cả những gì xảy ra, tạo thành niềm vui, nỗi buồn, sự thích thú… đều làm cho Chi bị ảnh hưởng, lây lan.
Mà anh Tú, bạn của anh Hai, mới nhìn qua là đã thấy đó là một người cao ráo, quần áo gọn gàng sạch sẽ, đẹp trai. Anh Hai còn quảng cáo: học giỏi, hát hay, biết chơi nhiều môn thể thao...
Tóm lại là đẹp. Mà đẹp thì hay làm cho Chi bâng khuâng. Bâng khuâng thì mơ mộng. Mơ mộng thì tưởng tượng tơ tưởng. Như những cô thiếu nữ mùa thu tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi, trong bài thơ gì ấy, quên rồi...
Cõi mơ mộng thì bao la . Có thể mơ về một chàng hoàng tử cưỡi trên lưng một con ngựa trắng. Từ xa ghé tới, chàng hỏi: "Phải chăng đây là nhà của cô bé Lọ Lem? Ta đến để tặng nàng đôi giày bằng thủy tinh, gót bảy phân, độ cao vừa phải, không sợ té... ".
Đó, đại khái về anh Tú là như vậy.
Đại khái là Chi bị xúc động vì anh Tú rồi.
Khi xúc động người ta mắc cỡ.
Người ta chỉ muốn trưng bày ra những cái tốt đẹp xinh xẻo thôi, còn cái dở ẹt, cái xấu xí thì chôn giấu cất biệt hết.
Vậy mà, anh Hai nỡ lòng nào đem anh Tú tới chỗ Chi khám bệnh.
Chẳng khác nào nói:
- Tú ơi! Mày nhìn coi! Em tao xấu quá, phải không?
Chi nghĩ ngợi lung tung khi ngồi sau lưng má chạy xuôi ngược trên đường.
Vái trời cho hai người bị bể bánh xe. Hoặc là, vì gấp đuổi theo quá, vượt luôn đèn đỏ nên bị thổi còi bắt phạt. Mà trong túi không có đủ tiền, phải quay trở về nhà lấy thêm.
Cho đáng đời thứ đồ tò mò, tọc mạch chuyện riêng tư của người khác...
Nhưng... Chi vẫn lo lắng lắm!
Rất có thể, chuyện xin đi theo có kèm thêm thằng bạn, lại là một âm mưu gì đó của ông anh đáng sợ lúc nào cũng nói ong óng rằng làm như vậy cũng chỉ vì thương đứa em không bé bỏng!
*
* *
Anh Hai chẳng bị gì hết. Thượng lộ bình an.
Khi má vừa thắng két bánh xe trước cổng phòng khám, Chi quay đầu lại đã thấy hai người cười nhăn nhở, ngay sau lưng mình.
Ý lộn! Chỉ có anh Hai cười nhăn nhở thôi. Còn anh Tú thì cười đẹp mê hồn, như mấy tấm hình in trên trang bìa những tờ báo ảnh tài tử đóng phim và ca sĩ ngôi sao sáng chói.
Từ cái cười có tầm cỡ người mẫu ấy, thốt ra câu nói lễ phép:
- Dạ thưa bác, con mới tới!
Má ờ ờ vì đang mắc bận coi người ta ghi số, lấy thẻ gởi xe.
Ước gì Chi là má, Chi sẽ nói:
- Tới làm gì vậy con?
Nhưng Chi chỉ là một cô bé có bệnh trong người đang hồi hộp trước giờ gặp mặt bác sĩ. Nỗi lo âu làm cho Chi không còn sức mở nổi cái miệng của mình ra mà nói một câu gì hết.
Và Chi - trước mặt anh Tú - lại còn là một cô gái đang lãng mạn dâng trào nữa.
Chi đang run rẩy trong lòng. Hai vành tai đang nong nóng. Tim đập thình thịch. Mạch nhảy tưng tưng.
Anh Tú quay sang hỏi Chi . Hỏi cho có chuyện mà hỏi, theo phép xã giao thông thường.
- Đi lần đầu hả nhỏ?
Chi lí nhí trả lời:
- Dạ!
Anh Tú nhỏ nhẹ như dỗ con nít. Chỉ thiếu một điều, trên tay anh không có mấy cục kẹo sặc sỡ thôi!
- Đừng sợ. Trong đó có nhiều người giống em lắm.
Chi nghe lùng bùng hai lỗ tai. Chẳng hiểu anh Tú nói vậy là có ý gì.
Nhưng Chi không giỡn. Không hỏi lại. Mà còn quên cả chào anh Tú trước khi quay lưng đi nữa.
Chi lùi lũi và líu ríu theo sát gót chân má, qua cổng, vào trong khoảng sân đầy cây xanh mát rượi.
Nghe đằng sau anh Hai nhắc (không) khéo:
- Coi chừng máng tay áo vô cái chốt cửa kìa.
Chi quay lại, mắt muốn trợn ngược. Ý ẹ ơi! Một người dễ ghét và một người dễ thương đang lừng lững đi ngay sau lưng mình. Bốn cái tay của họ đút túi quần, thật là thong dong, thoải mái như đi dạo mát. Đi theo tới cổng chưa đủ hay sao mà còn mò vô đây? Chi muốn đuổi anh Hai, anh Tú về cho rồi bởi vì cứ cái điệu này thì một lát nữa Chi phải chường mặt, ngồi chịu trận cho anh Tú thấy, cho anh Tú nghe bác sĩ hỏi Chi... cân nặng bao nhiêu ký lô...
Người ta thường nói phụ nữ không bao giờ leo lên cái cân trước mặt bạn trai của họ.
Chi là phụ nữ nè. Vậy mà Chi sắp phải leo lên bàn cân, trước mặt anh Tú.
Trước mặt anh Hai của Chi nữa.
Anh Hai dám giả bộ xỉu lắm.
Hoặc là anh ấy sẽ la ó lên cái số ký lô của Chi, con số mà chỉ có bốn người trong nhà biết thôi - như là một bí mật gia đình vậy đó.
Chi muốn đuổi họ về quá đi.
Nhưng má đang ngoắc tay lia lịa kêu gọi đằng trước.
- Chi! Chi! Má đây nè! Mau lên!
Chi rảo bước như chạy. Kệ hai tên đó.
Trong này đông người, biết đâu họ sẽ bị mất dấu. Ráng nhanh chân thêm chút nữa! Chi thở phì phì, tự động viên mình. Má nắm tay Chi chen vào một đám đông. Hai má con đứng nghiên cứu tấm bảng chỉ dẫn các phòng khám chuyên khoa. Chi đọc rồi kêu:
- Tuốt trên lầu bốn đó má ơi!
Má xoay người, ngó dáo dác chung quanh.
Chi nhắc:
- Lầu bốn thiệt mà!
Má nói:
- Biết rồi. Chắc là có thang máy.
Tất nhiên là có thang máy.
Đây là phòng khám đa khoa, bệnh gì cũng chữa nên rất nhiều loại bệnh nhân. Trước cửa thang máy có tấm bảng nhỏ: "Thang máy dùng cho bệnh nhân. Chú ý: chỉ dành riêng cho người dưới năm mươi lăm ký".
Má nhìn Chi dò hỏi, miệng má có một nụ cười… méo xẹo.
- Tính sao đây con gái?
Chi đẩy má:
- Má đi thang máy một mình, con đi thang bộ.
Má lo lắng:
- Hồi nào giờ con có phải đi tới chỗ lạ một mình bao giờ đâu. Thôi, hai má con mình cùng đi thang bộ cho rồi. Cũng đâu đến nỗi mỏi chân nhiều lắm.
Má mang đôi giày cao gót, mà thang bộ thì vừa dài vừa trơn. Lỡ má trợt chân, trẹo mắt cá thì khổ. Chi cố gắng biện luận để thuyết phục má bước vô thang máy:
- Con hiểu rồi má ơi. Họ để phòng khám ở tầng trên cùng là muốn cho mình, à quên, cho mấy đứa như con phải đi bộ để có dịp toát mồ hôi, như tập thể thao cho săn da chắc thịt đó thôi.
Có tiếng anh Hai chen vô:
- Thấy chưa? Tao đã nói là em tao thông minh lắm mà.
Anh Tú gật đầu liền một lúc hai ba cái:
Rồi anh rủ:
- Ba người tụi mình đi bộ chung cho vui. Hén?
Má nói:
- Má đi thang máy nghen.
Ba đứa đồng loạt dạ vang rân như đang đóng vai quân sĩ trong tuồng cải lương mà nghe chủ tướng hô "Hỡi ba quân!".
Hết tầng một, Chi đổ mồ hôi hột.
Anh Tú nói:
- Cố gắng lên. Còn ba lầu nữa thôi!
Tầng hai, Chi nghe mình thở ra hơi ở lỗ tai.
Anh Tú nói:
- Cứ từ từ mà đi. Không cần gấp như vậy đâu. Phòng khám nằm ngay đầu cầu thang lầu bốn, lên tới là gặp liền.
Chi nói trong tiếng thở phì phì:
- Anh Tú có vẻ rành chỗ này quá hén!
Anh Tú cười một tiếng hì:
- Tại anh có đi qua mấy lần rồi.
- Ủa, anh Tú đâu có em mà dắt đi chỗ này?
- Đúng, anh chẳng có ai để dắt mà chính là anh được ba anh dắt đi khám bệnh.
Tầng ba, trước mắt Chi, mọi thứ như đang bừng nở hoa hòe tới mấy quầng, muốn hết thấy đường.
- Hả? Anh bị bệnh gì?
- Bệnh ốm nhách.
Chi dụi mắt, bàng hoàng:
- Thiệt không? Sao bây giờ thấy thân hình anh đều đặn như mấy thầy dạy thể dục trong trường em mà.
- Thì anh đã được chữa hết bệnh chớ sao nữa.
Tầng bốn, hai chân Chi luống cuống líu quíu vì mỏi rã rời sau khi leo tám chục bậc cầu thang.
Vì nỗi lo sắp gặp mặt bác sĩ.
Vì choáng váng bởi tin tức nóng hổi vừa được anh Tú cho biết.
Chi há miệng như con cá bị ra khỏi nước.
- Chết rồi! Vậy ở đây đâu phải là chuyên khoa béo phì. Người ta đã chữa thành công người ốm thành người đẹp, em còn khám làm chi cho mất công. Hay là mình kêu má đi về hả anh Hai?
Anh Hai nhăn mặt.
- Về cái gì? Không biết thì đừng có nói lộn xộn.
Anh Hai quay qua, nạt luôn anh Tú:
- Còn mày nữa. Tưởng dắt theo để động viên khuyến khích nó dùm tao, ai dè mày còn làm cho nó sợ thêm.
Anh Tú chỉ còn cách nhe răng ra cười, để vuốt giận anh Hai:
- Ai dè em mày có lối suy luận kỳ cục như vậy đâu. Mới nói ốm là nó nghĩ tới mập liền. Rồi lo sợ linh tinh.
Anh Hai:
- Hừ...
Anh Tú reo lên cho nhẹ bớt không khí nặng nề:
- Tới chỗ rồi nè!
Chi cũng reo cho đỡ quê:
- Má kìa!
Bốn người đứng chúm chụm trước cửa phòng khám đang mở rộng.
Má đẩy nhẹ lưng Chi, nói khẽ:
- Vô đi con!
Không ngoái đầu nhìn người thân, Chi rụt rè và nặng nề bước vào căn phòng đáng sợ đó với bộ dạng e dè lúng túng của một kẻ đã để quên niềm tự tin của mình ở nhà mình, trước lúc ra đi...