Chương 1
Tác giả: Lưu Thị Lương
Ba đi họp.
Má đi chợ.
Hai anh em đang ngồi học bài trước mặt nhau. Tự nhiên, anh Hai rên lên:
- Tôi là cô gái trời bắt mập.
Lại còn kèm thêm mấy tiếng i í i ì i phía sau, bắt chước theo kiểu ngâm thơ đêm khuya trên đài phát thanh.
Vì không có ba má ở nhà nên Chi không ngồi tại chỗ, ngửa cổ lên trần nhà mà la như thường ngày: "Má ơi. Coi anh Hai nè!".
Cách phản ứng đó, lúc này, vừa mất công vừa bị anh Hai nói là vô duyên.
Chi phải dùng cách khác. Chi lập tức quăng cây viết, phóng ra khỏi bàn, nhảy thình thịch trên sàn nhà và miệng thì la eo éo:
- Cái đồ nhái thơ của người tạ Nhái thơ của người ta.
Nhưng anh Hai cứ tỉnh bơ, ngồi dựa ngửa trên ghế, tay vuốt vuốt bộ râu còn ở đâu đó trong tương lai, chưa mọc ra trên cái cằm nhẵn nhụi. Anh lại còn lên mặt lý giải. Làm như mình là một chuyên gia nghiên cứu về thơ, có tầm cỡ… trong nước.
- Đáng lẽ phải đọc "Em là cô gái trời bắt béo" mới đúng y chang bằng trắc của câu thơ, mới giống giống bài thơ nổi tiếng ấy. Nhưng mập là tiếng phổ biến ở miền Nam nước ta, nên anh mạnh dạn dùng cho nó dễ hiểu. Em thông cảm. Mà nói cho cùng, mình là hàng nhái. Đừng đòi hỏi nhiều không nên!
Chi ngồi trở lại vô ghế, không dậm chân nữa. Cái mặt căng thẳng của Chi xịu xuống như bịch nước mía đã hút hết nước. Không tức nữa. Chi mím môi thật chặt, khít rịt, không nói nữa. Cái đầu cúi gằm, con mắt cụp lại, không thèm nhìn nữa.
Bộ dạng cô em - không bé nhỏ - thê thảm tới cỡ đó mà anh Hai vẫn không chịu buông thạ Anh Hai tấn công tiếp, hiệp hai:
- Mập nghe có vẻ rõ ràng, cụ thể hơn. Mình thường dùng tiếng béo để chỉ đồ ăn. Thí dụ nước cốt dừa, sốt may-zon-ne, đồ chiên xào… Dứt khoát dùng từ mập ở đây là chính xác nhất. Đồng ý không, bé… bự?
Chi vẫn không thèm dòm lên. Không nói, không giãy dụa. Chi ngồi như đã hóa thành bức tượng.
Anh Hai lẩm nhẩm:
- Ờ, tại anh bị quên. Hình như Chi chưa bao giờ được là bé hết á! Từ hồi biết soi mình trong gương tới giờ, Chi đã thấy mình bự. Càng lớn càng thấy bề ngang phình ra thêm. Càng ngày càng thấy sắp sửa chật chội trong tấm gương gắn trước cánh cửa tủ treo quần áo. Hí hí...
Chưa hết, anh Hai còn chạy lại trước cánh cửa tủ có gắn tấm kiếng. Nhái giọng phim kiếm hiệp, tuồng cải lương, anh hỏi, eo éo, chảnh thấy ghét:
- Gương kia ngự ở trên tường.
Tìm khắp thế giới ai người mập hơn?
Như vầy làm sao chịu nổi?
Chi khóc hu hu.
Những giọt nước mắt to tướng như hột dưa, lăn lông lốc trên hai gò má phúng phính như... cái mặt nạ đầu ông địa vừa quạt vừa múa bụng trước mặt con lân.
Chi chùi nước mắt, bệu bạo oán trách.
- Vậy mà cứ lải nhải suốt ngày: "Anh em như thể tay chân... ".
Anh Hai gật đầu cốp cốp trong tấm gương soi.
- "Anh em như thể tay chân... " đúng chớ sao. Anh là tay, em là chân.
Chi hít mũi sịt sịt, than tiếp:
- Vậy mà không thương em miếng nào!
- Nhưng chân to, đầy thịt, mua... giày dép khó lựa thấy mồ! Đúng chưa?
Mặc dù tức muốn nghẹn, nhưng Chi đành phải gật đầu trước sự thật không thể nào chối cãi ấy:
- Đúng! Nhưng tại vì nguyên cái phố giày dép đó không tiệm nào có giày số lớn chớ bộ?
- Đúng rồi! Mấy tiệm đó không có loại giày số lớn giành cho con nít. Em xỏ vô đôi nào cũng bị chật bề ngang, thiếu bề dài. Mà muốn vừa bề ngang thì phải mang giày con trai…
- Cuối cùng thì cũng mua được chớ bộ? Chịu khó đi lùng, riết là phải ra thôi.
Chi hất mặt về phía kẹt cửa, chỗ đặt cái kệ giày dép:
- Chất đống ở đó kìa!
Anh Hai có dịp chĩa mũi dùi, châm chích thêm một điểm yếu nữa của Chị Chuyện cỡ người quá khổ, không có sai [size] ấy mà! Anh Hai nói mí mí:
- Ờ. Thì cũng giống như đi mua áo quần may sẵn vậy đó.
Chi ngẩng đầu lên:
- Mua áo quần may sẵn, rồi sao?
Anh Hai giả bộ ngó cái trần nhà mới quét mạng nhện hôm qua:
- Rồi đi từ chợ lớn cho tới shop bự. Tìm riết mà đâu có ra!
Chi sừng sộ:
- Tìm cái gì?
- Tìm cái gì thì người đi tìm tự biết. Hỏi làm chi?
Chi đỏ mặt:
- Sao anh biết? Ai cho phép anh xía vô chuyện riêng quần áo của… tuỉ Con trai tò mò coi chừng biến thành con gái bây giờ.
Anh Hai ngồi ngay lưng dậy, nói giọng bình luận viên:
- Thiên hạ đồn vậy mà đúng thiệt. Mấy người thừa ký lô thường hay nóng tính, dễ nổi giận. Đụng chuyện nhỏ thì gây gổ nhỏ. Đụng chuyện lớn thì cãi lộn to.
Chi nổi nóng rồi đây nè! Chi gây liền:
- Chuyện này là to hay nhỏ? Hả?
Anh Hai cố ý nói dằng dai để chọc tức cô em gái lớn xác gấp đôi ông anh:
- Chuyện này là chuyện nào?
Chi ấp úng:
- Thì chuyện người anh tàn nhẫn chê bai đứa em quý hiếm của mình đó!
Anh Hai cười hố hố:
- Qúa đúng! Đứa em quý hiếm. Chỉ có một mà không bao giờ có hai!
Chi lại xịu mặt xuống.
Thua một bàn trông thấy ngay trước mắt rồi! Nói như vậy chỉ tạo thêm điều kiện cho anh Hai chọc ghẹo thêm thôi.
Đúng y như rằng. Anh Hai đang nói nữa kia kìa:
- Bởi vì có một đứa em như tao cũng bằng người ta có hai đứa em đem lên cân vậy thôi. Mà không chừng, một đứa em của tao còn nặng hơn hai đứa em của thiên hạ nữa!
Chi chạy qua nắm áo anh Hai kéo. Áo thun mặc ở nhà đã cũ, vừa rộng vừa dãn nên bị Chi lôi dài ra cả khúc, bằng cánh tay (!)
Anh Hai la ê ệ Còn Chi la chói lói:
- Không được giỡn nữa. Anh nói thiệt đi. Chuyện anh chọc em gái là chuyện to hay chuyện nhỏ?
Anh Hai cười cười, điều đình:
- Thả ra tao mới nói. Còn kéo áo nữa, tao chọc nữa, tức bể bụng, ráng chịu.
Chi thả áo anh hai ra, hậm hực:
- Rồi đó. Nói đi!
Anh Hai nói chậm và rõ.
- Đối với anh là chuyện to . Còn đối với em là chuyện nhỏ.
- Tại sao? Hổng hiểu.
- Chuyện to đối với anh, vì anh không muốn thấy đứa em gái xinh xắn dễ thương của mình, có hình dáng xồ xề dễ sợ. Lúc nào anh cũng băn khoăn về vẻ ngoài của em. Việc đó làm anh suy nghĩ nhiều, mất nhiều thời giờ, nên nó là chuyện to.
- Hiểu rồi. Ba má cũng giống anh đó!
- Còn đối với em lại là chuyện nhỏ. Vì em không thèm sửa đổi. Em không bận tâm. Em cứ thoải mái, thích gì làm nấy. Ngay cả khi bạn anh nói: "Mày chở em gái, mà tụi tao dòm từ sau dòm tới thì không thấy mày đâu hết trơn", em cũng không nao núng.
Chi cãi:
- Người ta nói như vậy hoài. Có gì mới đâu?
- Bởi vậy mới nói em coi đó là chuyện nhỏ đó.
Chi cố cãi:
- Em còn mắc học. Giờ rảnh đâu mà chăm lo sửa sang vóc dáng.
Anh Hai nói hớt:
- Mà học mệt thì phải ăn. Ăn no thì phải ngủ. Ngủ thì nằm im không nhúc nhích, không tiêu hao năng lượng. Suy ra thì phải... mập.
Chi lại nổi sùng lên:
- Mập kệ tui!
- Thấy chưa! Em coi đó là chuyện nhỏ mà. Nói chuyện với em chán quá!
Chi nói lẫy:
- Mặc kệ anh!
Anh Hai xô ghế đứng lên, bước ra cửa, vừa đi vừa nói:
- Ha! Tức quá! Xuống bếp, kiếm cái gì ăn chơi...
Chi hét, không phải để gọi mà là trách móc.
- Anh Hai!
Tiếng anh Hai vẳng lại:
- Không nghe!
Chi đứng tại chỗ ngó theo, tức đầy một bụng.
Anh Hai coi vậy mà thâm lắm.
Anh biết thừa một điều: khi giận, khi buồn, khi vui, khi v.v… Chi đều có biểu hiện cụ thể là phải kiếm cái gì đó (ăn được) bỏ vô miệng. Hoặc nhấm nháp, hoặc nhâm nhi, hoặc nuốt liền tù tì...
Bây giờ mà Chi nhào xuống thì sẽ đụng đầu anh Hai ngay trước cửa tủ lạnh. Anh Hai càng có cớ để châm chích, châm biếm và châm... ngòi nổ cơn tức tối của Chi.
Chi giậm chân, la:
- Đồ… anh Hai không biết thương em!
Tiếng anh Hai dưới bếp vọng lên:
- Đồ con… em không biết nghe lời!
Hai anh em vậy là giận nhau.