watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Khói Lam Chiều-Chương Kết - tác giả Lưu Trọng Lư Lưu Trọng Lư

Lưu Trọng Lư

Chương Kết

Tác giả: Lưu Trọng Lư

Con Vịnh về là vợ nhà thằng Mõ đã hơn một năm. Cửa nhà nó săn sóc một cách chu đáo, tươm tất. Với ba chục bạc ông Phó Thanh cho nó, con Vịnh mở một ngôi hàng xén, bán buôn những đồ tạp hóa ở chợ. Nó bắt tay vào làm việc gì, là được việc ấy vì nó được cái nết siêng năng, cần kiệm. Buôn bán gặp may, nó dành dụm từng đồng một đồng hai, cuối năm nó đã có cái vốn hơn trăm bạc. Thằng Mõ thấy cửa nhà ngày một hưng thịnh, thì nó vui lòng quên cái lỗi xưa của vợ và chiều chuộng vợ đủ điều, nó đã từ dịch cái chức Mõ và bỏ ra ba chục bạc để chạy cái chức Hương dịch. Nó không muốn thiên hạ gọi vợ nó một cách khinh bỉ: "cái chị nhà anh Mõ". Từ nay nó là ông Hương dịch, và vợ nó là bà Hương dịch. Mỗi khi nó nghe có người kính cẩn gọi vợ nó bằng "bà Hương" thì nó sung sướng quá. Một hôm nó bảo vợ nó:
- Mụ Hương, ráng làm ăn siêng năng cần kiệm, qua sang năm, tôi sẽ ra ứng cử Phó lý.
- Thôi, khéo đa mang làm chi nữa, ông Hương. Để tiền mà nuôi con!
- Mụ Hương nói nghe phải đấy!
Thiên hạ ngó vào, ai cũng tấm tắc khen ngợi hai vợ chồng thằng Mõ biết ăn ở với nhau thuận hòa. Những chúng bạn con Vịnh xì xào với nhau:
- Số con ấy thế mà tốt đấy! Được gặp ngay nhà ông Hương Tá (tên thằng Mõ) làm ăn nên nỗi.
Nhưng họ có biết đâu rằng: đôi khi con Vịnh hồi tưởng đến chuyện đã qua, mà ôm lòng đòi đoạn...
Mỗi khi nó nhìn thằng Cu, nhận thấy trên cái mặt thằng bé như in cái hình ảnh của con người luân lạc ở phương xa, thì hai hàng lệ lại tuôn ra như suối. Nhưng hễ thấy bóng thằng Mõ ở ngoài đi vào, nó vội vàng đứng dậy gạt lệ hỏi chồng:
- Ông Hương chưa ra thăm ruộng à?
- Tôi vào chơi với thằng Cu một tí đã!
Dẫu sao thì thằng Mõ cũng là ân nhân của mẹ con nó. Nếu không phải là vì tình ái thì cũng là nghĩa vụ, nó phải vui vẻ mà ra gánh vác cái giang sơn nhà chồng. Kể thì con Vịnh cũng quí mến chồng lắm. Đi chợ thấy con cá nào tươi nó cũng tranh mua cho được, về nấu nướng cho chồng ăn. Những sầu não trong giây lát rồi cũng tiêu tán vào trong những công việc hằng ngày. Làm việc là quên hết mọi sự. Cái hình ảnh thằng Đối, rồi nó cũng phai nhạt dần trong tâm trí con Vịnh.
Nhưng, một buổi chiều thu...
Một buổi chiều thu, khi tan chợ rồi, con Vịnh đi vào rừng sim, chặt ít củi khô về thổi. Bỗng tần ngần, nó nghe như từ cái dĩ vãng xa xăm, đưa lại tiếng sáo trúc não nùng. Những bụi sim già xào xạc khua động cái buồn ủ rũ trong lúc chiều tà. Buồn rầu, nó ôm bó củi ra về. Đến cây đa, dưới chân rừng, nó thấy đi trước nó có hai người, một người gánh kén và một người vác cái cày trên vai. Nó đi sau nghe lõm được câu chuyện của 2 người.
Người gánh kén nói:
- Va đã về với tôi đến Mường Héo, nghĩa là chính giữa đèo Măng Gia rồi thì không may va cảm bịnh. Tội nghiệp quá! Ở đấy không có làng mạc nào hết, va phải nghỉ lại ở giữa đường, tôi lấy bàn đèn ra tiêm cho va mấy điếu, và đã hơi đỡ, nếu ko có việc gì thì hai ba hôm va cũng về được nơi xứ sở. Không may trong lúc ấy thì chúng tôi gặp thằng Phỉ, con ông Mục Néo ở làng dưới lên. Vô tình, thằng Phỉ đem chuyện đã xảy ra với con Vịnh kể lại cho va nghe. Nào khi con Vịnh có mang, bị xeo đưa ra chợ làm nhục, nào khi về với thằng Mõ... Nghe hết đầu đuôi sự tình va nổi uất lên. Bịnh trở lại. Chỉ trong 2 giờ đồng hồ thì va chết. Tôi với thằng Phỉ phải ở lại đấy mất một ngày, khâm liệm, chôn cất va.
- Tội nghiệp quá!
- Khi ra đi hai anh em, mà về có một mình, thật là ảo não quá!
- Thế vốn liếng của va, có gì ko?
- Trong lưng va cũng còn được năm ba trăm bạc tôi còn niêm giữ để giao lại cho ông Phó Thanh. Về chuyến này va cũng định trốn đưa con Vịnh lên. Thế ra bây giờ đã lấy nhà thằng Mõ rồi!
- Lấy đã hơn một năm.
- Con ấy thế mà bạc!
- Kể thì cũng là bất đắc dĩ.
Con Vịnh đi sau lưng, nghe câu chuyện như sét đánh ngang tai, chân tay rụng rời... Đến cây bàng, ông Chan, người bạn đồng hành của thằng Đối và chàng nông phu kia rẽ vào xóm đình, còn con Vịnh thì đi thẳng về xóm chợ.
Về đến nhà, nghe tiếng thằng Cu khóc, nó vất mạnh bó củi xuống sân, rồi vội vàng chạy vào với con... Nó cầm lấy tao nôi, nó ru thằng bé mà hát rằng:
" Yêu anh thịt nát xương mòn
Yêu anh đến thác cũng còn yêu anh"
lại hát:
" Nhớ ai em những khóc thầm
Năm thân áo vải ướt đầm như mưa
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai"
Hát rồi, nó tự trách mình hát chi những giọng thê lương ảo não. Nhưng những giọt lệ vẫn tiếp nhau rơi tràn trên gò má...
Nó lặng im nhìn ra ngoài trời...
Trước khi tản vào cõi mờ mịt, khói thổi cơm chiều tỏa ra từng đám xanh như còn lưu luyến những mái tranh màu ảm đạm...
Cảnh vật như thuộc về thời dĩ vãng.
Khói Lam Chiều
Chương I
Chương II
Chương III
Chương IV
Chương V
Chương Kết