watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Sống nhờ-Chương 3 - tác giả Mạnh Phú Tư Mạnh Phú Tư

Mạnh Phú Tư

Chương 3

Tác giả: Mạnh Phú Tư

Hai bà cháu tôi chia rẽ nhau, tôi về ở với bà ngoại tôi. Hai ông bà tôi cũng vào hạng trung bình trong làng không đến nỗi túng thiếu. Khi hai ông bà tôi mới lấy nhau thì gia tài cũng có tới sáu bảy mẫu. Nhưng ông tôi ham mê cờ bạc quá, hai lần ông tôi thua xóc đĩa, bán hết cả ruộng. Hai bàn tay trắng, ông tôi phải đi làm cai ở mấy tỉnh xa. Trong hồi đó bà tôi không còn đất cày cấy phải đi buôn. Bà tôi buôn đủ mọi thứ: Nước mắm, gạo, muối... gánh vã từ chợ nọ sang chợ kia có tới tám chín cây số. Sau mấy năm cần cù hai ông bà lại lập lại được cơ nghiệp cũ rồi lại trở về nghề nông. Tôi không hề nghĩ tới sự về ở với ông bà ngoại tôi. Cái ý định ấy là chính mẹ thằng ở của chú hai tôi đã mách tôi. Bà ta bảo tôi:
-Tội gì! Về ở với ông bà ngoại có sướng không. Chẳng phải chăn trâu, cắt cỏ. Ngày hai bữa no nê. Đã nhiều lần tôi định theo lời bà ta. Nhưng chẳng hiểu tại sao tôi cứ lưỡng lự mãi. Lần này thì tôi nhất quyết. Tìm được tới nhà ông bà ngoại tôi, tôi không dám vào ngay. Tôi mon men ngoài cổng. Tôi thập thò mãi, y như một đứa trẻ hành khất còn băn khoăn, chẳng biết vào cái nơi đó có gặp bữa chăng. Đàn chó cứ thỉnh thoảng lại xô nhau ra sủa rồi lại chạy về. Không một bóng người ra đây. Sau hết tôi đành phải bẻ một cành rào rồi đánh bạo đi vào một mình. Người tôi gặp đầu tiên ở cổng vào là dì tôi. Dì tôi mắng chó cho tôi và hỏi tôi:
-Mày đi đâu thế? Lúc đó bà tôi ở trong nhà hỏi vọng ra:
-Ai thế mày?
-Thằng cu Dần.
-Dần nào?
-Thằng cháu Dần ấy mà!
-Nó đi đâu thế? Bảo nó vào đây. Dì tôi đưa tôi vào với bà tôi. Lúc bấy giờ vào quãng chiều, gần tối. Bà tôi ngồi trên một góc giường, tay đang đếm tràng hạt, miệng tụng kinh. Tôi bỗng thành sợ sệt khi thấy cái vẻ tôn nghiêm của bà tôi. Những câu rì rầm:
“Nam vô... Phật... Nam mô Quan Thế âm bồ tát...” cứ từng tiếng một theo hạt chuỗi mà buông xuống. Tiếng hạt cọ nhau và giọng khàn khàn của bà tôi vang khẽ trong gian buồng tôi tối, yên lặng. Tôi tưởng như tôi đặt chân vào một nơi rất thiêng liêng có u uất linh hồn của một vị thần thánh nào. 83 84 Mạnh phú Tư Sống nhờ Prev Page 2 Next Tôi bước chân qua ngưỡng cửa rồi đứng đờ người ở một góc nhà, mặt cúi gầm, thỉnh thoảng lại ngẩng đầu nhìn trộm. Bà tôi xẵng tiếng hỏi:
-Thằng kia mày đi đâu, mà đứng thưỡn người ra đó? Chẳng chào hỏi ai cả. Rõ cái đồ không bố hỗn láo quen rồi.
Khi tìm tới ông bà ngoại tôi, tôi đã tin rằng tôi sẽ được mọi người âu yếm chiều đãi tôi. Sẽ không ai hắt hủi tôi như khi còn ở với hai chú tôi. Nhưng nhời trách mắng của bà tôi đã làm tôi hoàn toàn thất vọng. Tôi mang máng hiểu rằng có lẽ cái cảnh đổi chủ của tôi sẽ chẳng mang lại cho tôi được cái gì dễ chịu hơn trước. Tủi thân quá, tôi nấc lên khóc. Bà tôi không hề có một lời dỗ dành, mắng thêm tôi:
-Làm sao mà lại lần mò về nhà tao mà khóc. Rõ tội cái thân tao chửa! Có lẽ bà tôi cũng đã đoán biết được rằng trong cái cơn khóc của tôi ẩn giấu những cái đau khổ mà tôi chỉ có thể thốt ra được bằng những hạt nước mắt hơn là bằng lời nói. Bởi thế mà khi nói với tôi những câu trên đây, bà tôi có một giọng buồn buồn, vừa nói vừa thở dài, không khác cái giọng nói phì phào của một người hấp hối gần chết cố giối lời lại. Tôi yên lặng, không nói gì, và chỉ nghĩ đến cách thoát thân ra khỏi nhà bà tôi. Bà tôi dịu giọng hỏi:
-Mày đi đâu đấy cháu? Lại đây với bà. Bà tôi buông chuỗi tràng hạt, đưa tay khẽ vẫy tôi. Cái vẻ trìu mến đó đã khiến tôi thành bạo dạn, tin cẩn. Tôi từ từ lại gần bà tôi. Bà tôi khẽ xoa đầu tôi:
-Bà mày hay ai sai mày lại đây có việc gì? Hay lại bỏ nhà tới đây? Bà tôi lắc lắc đầu thở dài:
-Thôi, hỏng thôi, cháu ạ! Chín mười tuổi đầu rồi còn gì! Hình như cái cảnh sống của tôi ở nhà bà nội tôi và hai chú tôi, bà ngoại tôi đã dò la biết hết cả. Bà tôi lên tiếng mắng tôi:
-Cha bố mày chứ! Bố mày chết đi, mẹ mày nó còn một tý tuổi đầu thế này, thì nó phải đi lấy chồng chứ! Mày có thân thì mày cũng phải lo chứ! Ai lại cứ theo cái thằng ở mà lang thang suốt ngày trong làng... Người ta cho đi học thì lại phá cả bàn thờ của ông thày rồi trốn không thèm đi học nữa! Hỏng! Thế là hỏng cả! Tiếng chuông chùa về chiều ngân nga từ đầu làng đưa lại. Bà tôi lại nâng chuỗi hạt và lần theo từng đốt lẩm bẩm:
“Nam và Phật... Nam vô Quan thế âm bồ tát... Ma ha tát...” Nhưng sau vài câu tụng kinh, bà tôi lại ngừng rồi vẻ mặt chán nản, bà tôi như nói một mình:
-Chết cha còn chú... Hai người chú mà không nuôi nổi đứa cháu côi. Lăn lóc hết tay người nọ sang tay người kia mà vẫn chẳng yên thân.
Nghe những câu nói đượm đôi vẻ thương yêu thầm kín đó, tôi cảm động, không sao giữ được nước mắt. Bà tôi kéo sát tôi lại gần:
-Bây giờ ở với chú nào? Tôi vẫn không nói gì, chỉ khóc. Bà tôi lại dịu giọng nói sát tận tai tôi:
-Về đây ở với bà nhé. Tôi nín hẳn khóc, gật đầu. Từ đó tôi bắt đầu ở với ông bà ngoại tôi. Gia đình ông bà tôi gồm có hai ông bà, dì tôi và tôi. Hai ông bà tôi được hai giai và hai gái. Hai cậu tôi đã có gia đình riêng. Một cậu tôi lấy chính cô tôi. Dì tôi vẫn còn ở nhà với ông bà tôi. Cụ ngoại tôi cũng hãy còn sống. Cụ tôi ở với cậu lớn tôi. Ba gia đình tuy phân chia nhưng cũng vẫn gần gũi nhau. Chỉ cách nhau một hàng rào thấp, một khu vườn và một lối đi chung nhỏ. Gia tài đã chia cả cho trai gái. Người nào cũng có đủ để làm ăn. Bà ngoại tôi kể chuyện lại rằng lúc chia nhà, hai cậu tôi tranh nhau lấy cái nhà trên, người nào cũng không thích cái nhà dưới tuy hai cái đều đáng giá ngang nhau. Ai cũng sợ rằng nhà dưới gần cổng thì lại phải tốn gạo cho hành khất. Tôi về ở nhà với ông bà được mấy ngày thì xảy ra câu chuyện rắc rối: Chú hai tôi lấy cớ là giai theo cha, gái theo mẹ.
Cha tôi chết, còn để tôi lại, mọi quyền thế về tôi đều phải ở trong tay những người bên họ nội. Chú tôi nhất định đòi tôi về.
-Cháu tao chứ chẳng phải cháu của ai! Không trả lại tao thì tao kiện cho nổ xác ra, chứ đừng có tưởng. Bà tôi ngọt giọng:
-Bác ăn nói chẳng nên quá thế. Nó về đây thì tôi nuôi chứ nào tôi bắt bớ gì nó. Giọt máu đào hơn ao nước lã, chả lẽ tôi lại đuổi nó đi. ông tôi cắt lời bà tôi:
-Việc gì mà phải phân trần. Người ta muốn bắt nó về thì để cho nó về, khó khăn gì. Chú tôi vẫn hùng hổ, vẫn giọng gắt gỏng:
-Bắt về! Tôi bắt về chứ tôi lại để nó ở đây à. Đời nào tôi lại chịu lép vế, cho làng người ta chửi vào mặt tôi ấy à. Tôi bắt về rồi tôi còn đi kiện nữa cơ, chứ đừng tưởng chơi. Dì tôi cũng len vào cuộc cãi nhau:
-Kiện, kiện ai mới được chứ! Vào mà lôi nó về. Quý báu gì! Dứt câu, dì tôi cầm lấy tay tôi kéo tôi sềnh sệch ra ngõ.
-Xéo! Xéo ngay về với bà với chú mày. ở đây người ta không có gạo. Tôi hét lên khóc và nhất định cựa tay, không theo dì tôi. Hai dì cháu cứ giằng co như thế mãi. Bà tôi bảo dì tôi:
-Buông nó ra, con. Chết cha còn chú, vắng mẹ bú dì. Sao mày lại nỡ thế! Chú tôi vẫn đứng ngoài bờ rào, nói với vào nhà bà tôi. Thỉnh thoảng lại hét lên:
-Muốn sống mang giả cháu ông. Riêng về tôi, tôi vẫn cố tìm cách lẩn trốn. Cô tôi can thiệp tới:
-Cậu cứ về đi! Rồi hôm nào tôi dỗ dành nó tôi đưa nó về. Ai giữ nó làm gì. Nó có chịu về đâu... Chú tôi hét mắng tôi:
-Cái thằng cu Dần đâu! Mày có muốn sống ra đây rồi đi về không! ông mà vào bây giờ thì ông giết chết tươi... Tôi sợ quá. Nhớ lại cái ngày chú tôi say rượu đập phá mọi vật trong nhà tôi mê hoảng trốn sau đống rơm ngoài vườn rồi lân la vào nằm trong thùng trấu ở một góc bếp. Chú tôi gọi chán rồi bỏ về. Từ hôm ấy, tôi lấm lét sống trong nhà ông bà tôi, lúc nào cũng sợ chú tôi tới bắt về. Hễ có bóng người qua lại ngoài cổng là tôi lại tìm nơi trú ẩn. Những ngày thứ nhất sống với ông bà tôi cũng được dễ chịu. Ngày hai bữa cơm rồi tôi lê la bên cụ tôi. Tôi lấy cho cụ tôi cái gậy chống, rót cho cụ tôi chén nước, hoặc treo hộ cụ tôi bộ tràng hạt vào chiếc đinh trên tường. Tôi kể lể những câu chuyện vụn vặt, buồn nản của tôi cho cụ tôi nghe. Bàn tay cụ tôi phủ một làn da đã rắn cứng không còn cho tôi những cảm giác tươi mát của những bàn tay còn xinh non của các bà mẹ trẻ tuổi, song tôi nghĩ rằng như thế vẫn còn hơn là không có gì! Vả tôi có ao ước hơn, tôi cũng không thể được tosi chí kia mà! Tôi nói lại cho cụ tôi biết rõ rằng chú lớn, chú hai đối đãi với tôi ra sao. Có khi câu chuyện chưa dứt, tôi ngẩng đầu nhìn cụ tôi: trên hai má lõm, phủ làn da dăn đã ròng ròng chảy những hạt nước mắt to và nặng. Thấy thế, bất giác tôi cũng khóc. Cụ tôi hạ chuỗi hạt mệt nhọc đưa cánh tay xương xương ôm vai tôi, ấn tôi vào lòng rồi ngừng niệm Phật, phì phào bảo tôi:
-Khốn nạn, chắt tôi! Cảm động quá cụ tôi cũng không nói được gì hơn nữa, và lại khóc... Những ngày được lân la bên cụ tôi, đối với tôi thực quả là những ngày vàng trong sự đổi cảnh sống của tôi. Nhưng ít ỏi lắm. Có lẽ chưa được tới một tháng. ông bà tôi đối với tôi tuy không được thân yêu như giữa đôi cha mẹ và người con, song cũng không ác nghiệt, hắt hủi tôi như hai người chú. Trong sự bảo ban tôi, tuy không phải là những lời ngọt ngào, yêu dấu nhưng ông bà tôi cũng chẳng hề gắt gỏng với tôi bao giờ. Song le giữa dì tôi và tôi đã có một sự hiềm khích lạ lùng. Đối với dì tôi, tôi không hề có chút cảm tình đặc biệt gì, nhưng tôi cũng không tỏ lòng ghét bỏ. Vậy mà dì tôi đã ngược đãi tôi một cách rất tàn bạo.
ông bà tôi cứ mặc tôi: ăn rồi đi chơi miễn là đừng nghịch ngợm nguy hiểm. Dì tôi hình như khó chịu về cái cảnh an nhàn của tôi, cố tìm cách bắt tôi làm đủ mọi việc. Sáng sớm nào cũng vậy, tôi vừa buông bát đứng dậy khỏi mâm cơm là dì tôi đã gắt gỏng bảo tôi ngay:
-Cái thằng Dần sắp sửa rồi lại nhảy đi chơi bây giờ đấy... ông ở nhà tôi nhờ một tý cái này! Bà tôi nhìn dì tôi mắng:
-Dào ồi! Công lên việc xuống gì! Cái xác bằng ngần nấy mà còn cứ phải sai thằng bé suốt ngày.
-Nuôi thì phải bắt làm chứ, có dễ cứ để mà thờ.
Tôi rất sợ phải để cho dì tôi sai, nên sáng nào cũng vậy cứ ăn xong, chưa kịp xỉa răng, uống nước, có khi miếng cơm còn nhai dở trong miệng tôi đã tìm cách trốn lánh để thoát khỏi nhà. Hôm nào mà trốn không được thì thực khổ với dì tôi. Quét nhà, quét sân, đó là những công việc thường thường . Tôi sợ nhất là những buổi xay thóc. Dì tôi giao cho một thúng thóc đầy có ngọn. Cái cối xay nặng quá, có khi đã cố hết sức mà chiếc cối vẫn không thể đi hết được một vòng. Mỗi lần tôi chỉ đổ vào cối độ chừng một bát thóc mà cũng không kéo nổi. Thỉnh thoảng chiếc tràng xay lại đập đánh bịch vào ngực tôi. Cứ quay được vài vòng tôi lại ngừng tay đứng thở rồi vội vàng chạy ra vun thóc vào lòng cối. Những hạt thóc xiết vỏ rì rì chảy trên chiếc nia làm tôi đến sốt ruột. Có khi thấy thúng thóc còn đầy quá, tôi chỉ muốn khóc. Nhưng rồi tôi lại cố; cố chán rồi lại muốn ngồi mà khóc. Cứ như thế đến hết cả một ngày mới cạn được thúng thóc. Rồi tối đến, khi đi ngủ nằm trên chiếc giường vạc tre, tôi thấy tất cả người như bị sai khớp xương: đau, rức. Ngoài cái nạn xay lúa, tôi còn sợ một cái nạn nữa là phải theo dì tôi ra ruộng để móc cua đồng. Trời nắng chang chang. Dì tôi bắt tôi đóng một chiếc khố nâu, đội một cái nón rách đeo chiếc giỏ đan đằng sau lưng rồi theo dì tôi ra đồng. Nước trong ruộng nóng đến rát cả da chân. Tôi vẫn cứ phải lõm bõm lội, lần theo những bờ con. Mỗi khi thấy một cái lỗ nho nhỏ lại thò tay móc; có khi thọc sâu tới tận nách mới bắt ra được một con cua con, chỉ bằng ngón chân út. Một đôi lần, trúng phải một cái lỗ cua to, chưa thọc tay vào đã bị cua cắp. Đau quá, tôi kêu lên. Dì tôi đang lõm bõm bên cạnh vội giục tôi:
-Bắt lấy, bắt lấy! Chịu đau một tý. Cua cắp thì đã chết được à mà kêu rối lên thế!
Tôi cắn chặt hai hàm răng, mặc cho mồ hôi và nước mắt chảy, cố lôi được con cua ra ngoài. Hai càng lớn nó cặp chặt đến nỗi không sao gỡ ra được, tôi phải bẻ đi. Con cua đã bỏ vào giỏ rồi mà hai càng vẫn không rời khỏi bàn tay tôi. Khi nạy được hai cái càng ra, lòng bàn tay đã tím bầm. Tôi cứ bị thế luôn, nên tôi sợ gặp phải những con cua to. Nhưng tôi lại mong có nó vì hôm nào hoặc được ít cua quá hoặc chỉ toàn những cua con, dì tôi lại đánh tôi từ ngoài đồng về tới nhà. Tôi đi trước, dì tôi theo sau, thỉnh thoảng lại phát tôi một cái trên lưng hay trên mông. Nhặt được một cành rào bên rìa đường, dì tôi để nguyên cả gai, đánh tôi vun vút, y như người ta giong một con trâu lười lĩnh không chịu bước. Tôi khóc thét lên, dì tôi cũng không tha lại mắng thêm:
-ử ử cái gì! ăn của người ta thì phải làm chứ. Ai đầy tớ nhà mày. Không làm thì đừng có nhằm mà hốc. Cút về với chú nhớn chú bé nhà mày sớm. Tôi cố nín, nhưng nghe thấy những câu mỉa mai soi mói ấy, tôi lại thấy tủi thân đau đớn hơn là những cái phát, những que đòn, và tôi càng khóc to. Cứ mỗi lần bị bất kỳ ai hắt hủi và mắng mỏ như vậy, tôi lại nhớ lại mẹ tôi ở xa, tôi lại nhớ lại người cô hiền từ đã qua đời của tôi. Lòng tôi buồn đến thắt lại. Tôi chỉ còn biết mon men bên cụ tôi. Chút tình yêu thương của mẹ tôi và cô tôi có khi xui tôi quên hết mọi cái ác tâm của những người khác trong gia đình, nhưng cũng có khi chỉ khiến tôi cảm rõ thấy cái số phận hèn mọn đau đớn của tôi bên những người cùng máu mủ với tôi. Hôm nào ở đồng trở về nhà tôi cũng bị lấm, đầy những bùn từ đầu tới chân. Bà tôi nhìn thấy thương hại lại mắng dì tôi:
-Rõ khổ! Cua với cáy thì là mấy vạn mà mày bắt tội nó thế kia. Trông người rõ y như cái con ma lem! Dì tôi tìm cách chống chế ngay:
-Ma lem thì tắm chứ làm sao! Nó ra đồng nó chỉ lăn xuống bùn nó tắm thì đừng thế ư. Chỉ bắt cua thì làm gì mà lấm! Bà tôi thở hắt ra, ngọt ngào bảo dì tôi:
-Mày không nên thế; rồi tội giời ai mang. Mày cũng nên thương nó một tý. Chết cha còn chú, vắng mẹ bú dì. Cái câu ví này, tôi nhớ rõ ràng lần nào nói đến tôi và dì tôi, bà tôi cũng không quên viện nó ra. Bà tôi nói câu đó bằng một giọng ra vẻ thương đứa cháu côi. Lần nào nghe câu đó tôi cũng thấy lòng dịu lại, và tôi lại yêu bà tôi hơn, dù rằng câu nói đó chẳng bao giờ khiến dì tôi rộng lượng với tôi đôi chút. Bữa nào mà tôi lấm láp nhiều và biết rằng tự tôi, tôi không thể rửa sạch được, bà tôi lại dẫn tôi sang ao hàng xóm tắm và gội đầu cho tôi. Khi tôi đã mặc quần áo xong, bà tôi để tôi ngồi bên mình, vạch từng sợi tóc để bắt chấy cho tôi. Những lúc đó, hai tay tôi ôm lấy hai đùi bà tôi. Tôi nghịch ngợm sờ hai đầu vú chảy sệ trên ngực và vừa cười vừa bảo bà tôi:
-Bà ơi! Bà cho cháu bú miếng. Bà tôi vỗ yêu trên đầu tôi:
-Cha bố cháu! Chín mười tuổi đầu còn đòi bú. Bú bà già thì lấy đâu ra sữa. Hai bà cháu lại khúc khích cười với nhau, tôi xoăn xoe bên bà tôi, không khác một con mèo con lởn vởn bên mẹ nó, ngoe nguẩy cái đuôi để dạy nó học vồ, học nấp. Vào những lúc đó thì tôi tưởng như tôi được sống ngay bên mẹ tôi, người mẹ đã già đi nhiều. ông ngoại tôi đối với tôi không hẳn là ghét bỏ tôi, nhưng cũng chẳng yêu thương tôi lắm. Những lúc tôi bị dì tôi hắt hủi hoặc bắt làm nhiều việc nặng nhọc quá sức tôi, ông tôi cũng chỉ mắng qua dì tôi một, hai câu:
-Gớm! Làm gì mà bắt tội nó thế! Cái con ấy liều liệu đấy.
Những câu mắng ấy chẳng bao giờ có hiệu quả hay là có thì cũng chỉ được trong một lúc. Rồi dì tôi tức bực lại tìm cách trả thù lại vào một dịp nào khác. Tôi chỉ hay gần gụi ông tôi vào buổi sáng, lúc ông tôi mới ngủ dậy. Theo thường lệ, tôi dóm một cái hỏa lò đất, đốt những mảnh củi ông tôi đã đẵn được ở trong vườn rồi quạt cho ông tôi một ấm nước sôi. Quạt bằng chiếc siêu đồng bao giờ cũng chóng hơn, nhưng ông tôi bắt phải dùng chiếc siêu đất. ông tôi bảo dùng ấm đất nước trà bao giờ cũng ngon hơn. Nước thì ông tôi vẫn tích trữ lấy thứ nước mưa hứng giữa trời. Trong khi tôi lạch bạch quạt chiếc hỏa lò, tàn củi lách tách nổ bắn ra những hoa cải đỏ lừ, ông tôi ngồi xếp chân bằng tròn trên một chiếc giường lau đi lau lại bộ ấm chén đã sạch tinh bằng một miếng khăn vải tây điều rồi dốc dốc những sợi trà trong lòng bàn tay. Bao giờ cũng chỉ đến hai lần dốc là vừa một ấm. Nhờ cái thói quen ấy, không bao giờ cái lượng đó nhiều quá hay ít quá. ông tôi chỉ uống hai hay ba chén là đủ nghiện, nhưng bao giờ ông tôi cũng bắt phải giữ ấm nước cho thật sôi. Khi nào nước trà đã nhạt ông tôi đổ bã và một ít nước sôi vào một cái bình to, để uống khi khát hoặc sau những bữa cơm. Cứ bữa trà sớm xong, hai ông cháu lại xa nhau. Và gần nhau chẳng qua chỉ có thế. Không một lời âu yếm. Không một cử chỉ yêu thương. Ngoài cái chứng nghiện trà, ông tôi còn nghiện thuốc lá. ông tôi hút cái thứ thuốc lá An Nam, cuộn tròn theo lối sâu kèn của người miền Trung. Điếu thuốc lá ông tôi cứ để dính trên môi, bao giờ hút lại đưa lưỡi lôi vào tới gần ngập điếu thuốc. Không bao giờ ông tôi vứt một cái mẩu thuốc đi. Cứ điếu thuốc tắt ông tôi lại xấp tý nước bọt dính nó vào một góc tường. Những buổi mưa dầm, ông tôi rỗi rãi lại ngồi tháo những đầu thuốc ra. Cái thuốc ấy ông tôi gói riêng ra; người bảo là chính thứ thuốc đó mới thực ngon. Tất cả mọi thứ giải trí của ông tôi là cái vườn cảnh và con gà trống. Bao giờ rỗi rãi ông tôi vừa ngậm điếu thuốc vừa tỷ mỷ cắt những cành lá úa trong chậu lan, đắp thêm chút rêu trên cái núi đá con trong chiếc bể xây bé tý, hoặc uốn mấy cây si nhỏ thành hình con hạc, con công...
Hết cái vườn cảnh, ông tôi săn sóc tới con gà trống. Con gà này ông tôi lấy giống mãi tận một nơi xa mang về. Nó có một đặc điểm là một ngày chỉ gáy ba lần: Sáng sớm, nửa đêm và lúc mặt trời đã lặn. Cứ theo tiếng gáy của con gà ấy ông tôi gọi người nhà dậy thổi cơm đi làm không bao giờ sớm quá mà cũng không bao giờ trễ quá. ông tôi vẫn khen nó gáy đúng hơn cả đồng hồ Ba Chuông Hải Phòng. Con gà rất lười. Hễ ông tôi cất tiếng gọi là nó chạy sát ngay đến chân, ông tôi vuốt ve nó, phủi cho nó những bụi bám trên bộ lông. ông tôi lại còn cái tài nghe giọng nó gáy. ông tôi bảo hễ giọng cất cao, nghe lanh lảnh là trời nắng ráo, hễ cái giọng khàn khàn là trời u ám sắp mưa. Cứ dựa vào cái giọng gáy của con trống, ít khi ông tôi đoán nhầm thời tiết. Nếu không săn sóc đến cái vườn cảnh hoặc con gà giờ ấy, ông tôi lại mời mấy ông bạn đồng tuổi tới, uống ấm trà, đánh một ván cờ hoặc vài hội tổ tôm góp nhỏ để thi nhau nước cao thấp. Những lúc tôi bị dì tôi mắng chửi, người can thiệp nhiều và gay go chính là cô tôi. Người cô này đã nhiều lần phải chịu những nhời đay nghiến, bóng gió của dì tôi. Dì tôi cố tìm cách nói những câu tuy là mắng tôi xong có ý kháy cô tôi:
-úi chà... o... o... Chú nọ với chú kia mà có thằng bé không nuôi được phải bỏ lay bỏ lắt ra đó. Người nhà ai. Mang tiếng có bà mà thế! Chỉ cháu bà nội, tội bà ngoại! Chỉ vài câu nói như vậy là đủ khiến cô tôi khó chịu. Và cũng chỉ vài câu ấy là cuộc cãi vã có thể bắt đầu ngay được:
-Cái con ranh đừng có bóng gió nọ kia. Người nhà tao đấy.
-Người nhà tao thì rước về mà nuôi. Sao lại cứ bỏ cho người khác phải phục dịch ngày hai bữa như bố già...
-Ai bỏ! Chẳng qua cháu tao nó dại, có bà, có chú nó không chịu ở nó lại về ăn nhờ đây thì mới ra chuyện! Dì tôi lại nhắc nhỏm đến câu chuyện bất hòa của chú tôi rồi khích bác:
-Chuyện! Chuyện làm sao! Chuyện đe đi kiện người ta ấy à! Rõ khéo! Chỉ anh hùng rơm! Nói thì một tấc đến giời mà chẳng dám kiện ai.
-Mày đừng có láo. Tao mà không lấy anh mày thì tao vằm mặt mày ra. Cậu tôi can thiệp, nhẹ tiếng bảo cô tôi:
-Người đâu mà lạ thế! Chấp làm gì cái con bé con ấy! Dì cháu nó sao thì mặc chúng. Cũng là trẻ con cả.
-Trẻ con gì! Mười sáu, mười bảy tuổi đầu rồi! Không thằng nào nó rước đi cho còn cứ ở nhà làm mẹ già mãi. Cái hạng ấy rồi không khéo lại đi đánh đĩ sớm. Bao giờ cũng vậy, hễ xảy ra câu chuyện xích mích thì thế nào cô tôi cũng đả động đến sự muộn chồng của dì tôi, tuy dì tôi chưa nhiều tuổi lắm. Cứ bị những câu nói chọc tức như thế dì tôi đành chịu nhịn ngay. Nhưng lại đến bà tôi lên tiếng:
-Này tôi bảo thực chị! Từ khi chị về làm dâu đến giờ tôi chẳng có tàn nhẫn gì với chị. Chị đừng có đanh đá với con tôi! Chị đừng có bêu xấu. Nó ế chồng làm mẹ già ở cái nhà này cũng không việc gì đến chị.
-Nó còn tàn nhẫn với cháu tôi, tôi còn bêu xấu nó... Trước những câu chuyện xô xát trong gia đình, cụ tôi vẫn tỏ vẻ lãnh đạm. Nhưng bao giờ có liên can đến tôi, cụ tôi lại thở dài nói một mình:
-ăn ở cũng phải có giời chứ! Cứ bới xấu nhau thì Trời Phật nào chứng minh cho. Nghe cụ tôi nói, tôi lại tìm cách xa lánh bà tôi để xoăn xoe bên người cụ già. Cụ tôi đưa hai bàn tay dăn deo ôm tôi vào lòng rồi cứ thế mà khóc. Bộ tràng hạt ở cổ cụ tôi cọ vào sau gáy tôi. Một cảm giác lành lạnh đi suốt người tôi khiến tôi sung sướng thấy cái ấm áp trong lòng người cụ già. Cụ tôi méo hẳn mồm, hai lợi không răng để nhô rõ ra. Cụ tôi khẽ nói bên tai tôi:
-Khổ lắm! Bố chết rồi mẹ đi lấy chồng. Nào ngờ đâu con đến cái đận ấy. Chẳng qua kiếp trước mày vụng tu con ạ. Tôi nghe những câu đó, chẳng biết nói sao với cụ, tôi chỉ nhìn cụ tôi mà khóc thầm. Cái tuổi lên chín lên mười đã gây cho tôi bao nhiêu tính tình yêu và ghét người. Ngay vào cái tuổi ấy, tôi cũng đã cảm rõ thấy rằng chỉ một việc tốt cỏn con, cũng đủ làm tôi yêu mến và chỉ một việc tai ác không lớn lao gì cũng khiến tôi thù hằn mãi mãi. Và cũng bắt đầu từ cái tuổi ấy, tôi hiểu rằng trong những chuyện bất hòa về gia đình, tôi vẫn là kẻ đáng thương hơn cả...
Ai sẵn lòng mến tôi đôi chút thì nói hay cho tôi; ai ghét bỏ tôi thì đổ vào tôi tất cả những tội ác mà người ta có thể tưởng tượng ra được. Đến nỗi tôi không hiểu tôi là một đứa trẻ tốt hay xấu. Và tôi cũng không biết rõ ai thực lòng tốt với tôi, ai hoàn toàn ác với tôi. Tôi chưa yêu ai hẳn và cũng chưa ghét ai hẳn. Bà ngoại tôi cũng đã nhiều lần tỏ vẻ âu yếm tôi, nhưng mỗi khi có chuyện xích mích với cô tôi, bà tôi cũng có những câu nói về tôi, đau đớn không kém gì người dì ác nghiệt của tôi. Cũng vì thế mà tôi đã chán cái cảnh sống bên ông bà tôi. Tôi lại tìm đường trở về với bà nội. Đã từ lâu, tôi không được gặp bà tôi, tôi cũng thấy nhớ và tôi vẫn băn khoăn chẳng hiểu bà tôi ở với chú nào, và có được dễ chịu hơn trước không.
***
Tôi bỏ nhà ông ngoại tôi vào lúc con gà giờ của ông tôi đã gáy tối và lên chuồng. Trời đã phủ màu đen nhạt, không còn trông rõ mặt người. Ra khỏi nhà được một quãng đường tôi thành rút rát. Trở về nhà bà nội tôi, chỉ có hai lối trong làng. Mà lối nào cũng nguy hiểm cả. Đi lối đồng thì phải qua một hòn đá gần Văn Chỉ làng. Người ta kể chuyện rằng ở cái cầu đá ấy có một con yêu tinh cứ tối đến là hiện thành một con chó trắng, ngồi ngay ở đầu cầu. Ai qua lại nó trêu chọc. Người mạnh bóng vía nó chỉ lẩn quẩn bên chân để cản bước, mà người nào yếu bóng vía, mới trông thấy nó đã chạy thì nó đuổi, vừa đuổi vừa sủa, có khi ngã cả xuống ao xuống rãnh. Nhiều người trong xóm nói rằng có đứa trẻ sợ con chó trắng quá, đến nỗi lúc nó đuổi thành cuống chân không thể nào chạy được rồi nằm chết ngất ở một cái thùng tát nước. Mà đi lối trong làng, tôi lại phải qua một cây thị. Cây thị này có ma. Con ma này cứ khi mặt trời lặn là mắc võng trên hai cành thị vừa đưa vừa hát ru con. Tiếng võng kẽo kẹt như hai ngọn tre, cọ vào nhau. Có người quả quyết nói đã được nghe tiếng hát của con ma ấy, rất trong và văng vẳng như tiếng sáo diều từ xa đưa lại. Bao giờ con nó đã ngủ say nó hiện thành người đàn bà rất đẹp để trêu người qua lại. Đang đi gặp nó, nó chào hỏi hẳn hoi. Đáp lời nó rồi nói chuyện với nó đến hết một quãng đường nó sờ tay lên vai mình thấy lạnh toát, giật mình mới biết là ma thì nó đã biến mất. Cũng có khi nó giả dạng đàn ông mời người ta, ngày mai, ngày kia lại nhà nó xơi giỗ cụ. Nó tự nhận là ông xã nọ ông xã kia trong làng. Tới khi người ta nhận lời nó mới hợm hĩnh đáp:
-Thế xin ông đúng hẹn hộ, để khỏi phải mời lại... Nhà tôi ở ngọn cây thị. Lúc bấy giờ mới biết nó là ma. Người ta bảo đó là oan hồn của hai mẹ con người hành khất cõng nhau trèo lên ngọn thị ăn trộm rồi bị ngã chết. Nhưng trúng vào một giờ thiêng nên linh hồn hiện được thành người. Về sau cây thị ấy đẵn đi, người thợ mộc đã bị hai nhát rìu vào ống chân, rồi bỏ giở không dám đánh gốc nữa. Cây thị chưa mất hẳn tích; con ma vẫn cứ ở chỗ ấy. Những câu chuyện rùng rợn này càng làm tôi lo sợ. Tôi cố đi thêm một đoạn đường nữa, rồi thành lưỡng lự, tôi lại đành trở lại nhà ông tôi. Hôm sau, tôi lân la sang ở với cô tôi. Cũng không được lâu lắm. Chẳng phải vì cô tôi hay cậu tôi đã quá tàn bạo với tôi. Mọi sự chỉ bởi câu chuyện dưới đây: Cậu tôi sai tôi đi mua rượu. Tôi cầm hai hào với chiếc chai đi lang thang khắp làng. Rượu không mua được, tôi lại gặp ngay một bàn đáo ở đầu đình. Tôi nhập cuộc. Hai hào thua hết. Muốn tìm cách gỡ gạc, tôi bán luôn chiếc chai lấy hai xu. Và cả hai xu này tôi cũng thua hết. Bữa cơm ấy tôi không dám trở về nhà. Cậu tôi chờ mãi rồi bổ đi tìm. Thấy tôi nằm đói lả, lờ đờ ngủ trên một phiến đá trước đình làng. Tôi đang nằm mơ những chuyện rất kỳ lạ thì một bàn tay nắm chặt lấy tôi. Tôi mở mắt kêu thét lên:
-Cháu lạy cậu, cháu lạy cậu, lần sau cháu không dám thế nữa! Cậu tôi chẳng thèm nghe lời tôi phân trần trợn tròn hai mắt, tát tôi một cái đến ngã ngửa người và quát:
-Rượu của tao đâu? Hừ! Cái quân này! Mất rượu lại mất cả chai! Về đây! Cậu tôi lôi tôi từ đó về nhà. Cậu tôi bắt nhịn bữa cơm hôm ấy và tra khảo tôi về chiếc chai. Tôi vẫn không dám nói sự thực. Cậu tôi nhắc đi nhắc lại:
-Chai đâu không tìm được về đây thì ông giết sống. Thỉnh thoảng cậu tôi lại mắng thêm một câu:
-Bố nó chứ! Con với cháu chửa nuôi đã phá hại. Cái chai hàng mấy hào bạc của người ta. Tôi ngồi ở một chái nhà, cụ tôi chống gậy rón rén đến gần tôi, dúi ngầm cho tôi một nắm cơm với mấy con tôm kho:
-ăn đi, cậu mày không biết đâu. ăn đi kẻo đói lả mất thôi... Tôi cầm nắm cơm, vồ vập ăn. Cụ tôi ngồi bên cạnh phe phẩy quạt cho tôi bằng một mảnh mo rách. Có lẽ chưa bao giờ tôi được ăn một bữa cơm ngon đến thế. Cụ tôi nhặt từng hột cơm rơi trên manh chiếu, tự tay đút cho tôi ăn. Hai con mắt không còn được tinh sáng của cụ tôi đăm đăm nhìn tôi; tôi thấy rõ lòng thương của cụ tôi trong khi nhai miếng cơm vầng với con tôm mằn mặn. Tôi ăn xong, cụ tôi khẽ vỗ vai tôi:
-Ngồi đấy! Ngồi đấy, rồi cụ lấy nước cho mà uống. Cụ tôi cho tôi một bát nước lã bảo tôi uống rồi lấy một vạt áo lau mồm cho tôi.
-Tối nay cứ về nhà mà ăn cơm. Cậu mày nó dọa đấy. Tôi nghẹn ngào trong cổ. Khẽ lắc đầu.
-Cháu không muốn ở với nó nữa ư? Tôi lại lắc đầu. Cụ tôi nói không ra tiếng:
-Rõ khổ! Thật là con không cha như nhà không nóc. Tôi níu lấy cánh tay cụ tôi:
-Cụ đừng nói... Nhỡ cậu biết.
-Cha tiên nhân nhà nó! Nó biết thì nó làm gì? Tao thì giết, giết hết cả lò nhà nó... Cụ tôi dắt tôi dậy:
-Tao bảo. Tao đưa mày sang ở với cậu hai mày. Vợ chồng nó cũng tử tế. Thằng chồng nó không có máu mê rượu chè. Thế rồi, tôi đi trước, cụ tôi khòm lưng theo sau; một tay bá vai tôi và một tay chống chiếc gậy tre đã bóng lộn vì dùng từ lâu.
Chuỗi tràng hạt lúc lắc dưới cổ, tôi dẫn cụ tôi sang nhà cậu hai. Đến nơi, cụ tôi mệt nhọc ngồi xuống đầu hè, ôm tôi bên người. Bằng một giọng đượm nước mắt, cụ tôi bảo cậu tôi:
-Chẳng qua trời bắt tội nó thế... Khốn nạn! Chưa lọt lòng mẹ đã bồ côi cha!... Rồi mẹ nó lại bỏ đi lấy chồng... Chẳng nhờ vào ông cô bà cậu thì còn biết nương tựa vào ai... Thôi thì mày thương lấy nó, đừng bắt tội nó làm gì khó nhọc quá... Nó đã nhớn nhao gì. Mới tám chín tuổi đầu... ăn ở cho có nhân có nghĩa rồi Trời Phật chứng minh cho mày... Cụ tôi uể oải nói những câu đó, thỉnh thoảng ngắt đoạn ngồi thở. Và bởi hai hàm răng đã gần rụng hết, nên câu nói không được rõ ràng. Trả lời những tiếng đó, cậu tôi chỉ có một câu lãnh đạm:
-Được, thì để nó đấy, tôi nuôi!
Cụ tôi ra về, để tôi lại với cậu hai tôi. Tôi biết cậu tôi vì nể lời cụ tôi mà nhận nuôi tôi hơn là vì thương tôi chưa lọt lòng mẹ đã bồ côi cha. Song tôi tự an ủi rằng nếu ở với cậu mà phải khổ sở quá, thì tôi lại trở lại với cô tôi. Và trong óc tôi lúc đó vẽ lại cái cảnh trên kia: Tôi đi trước, cụ tôi khòm lưng theo sau với chiếc gậy tre bóng, bộ tràng hạt dưới cổ. Thực rõ hai kẻ hành khất, có khác họa là cụ tôi chỉ xin ăn cho riêng mình tôi. Cậu mợ tôi đã có một đứa con trai lên ba. Tất cả nhà, có lẽ bà tôi yêu cặp vợ chồng này hơn cả. Cứ theo như chính bà tôi nói lại thì lúc mới đầu mợ tôi chê cậu tôi. Mợ tôi là con một ông Hương, có nhiều người bảo mợ tôi đẹp nhất làng và trước khi bà tôi tới hỏi cho cậu tôi, đã có bao nhiêu người mối manh. Một ông lý trưởng, một ông chánh tổng và bao nhiêu người có chức tước khác nữa. Nhưng rồi sau hết, người nào cũng bỏ dở chỉ vì chuyện sau đây. Người anh ruột mợ tôi cứ đêm tới thì ăn vận giả đàn bà đi lang thang khắp làng trêu ghẹo những con trai. Có một lần người đó đã nói chuyện hàng giờ với một chàng nông phu suốt từ xẩm tối cho tới quá nửa đêm mà người này không biết được sự trá hình. Rồi người trong làng đồn rằng chính người mợ tôi đã có cái lối chơi trai lơ đó vì hai anh em rất giống nhau. Những tiếng đồn này lan mãi ra, và mợ tôi bị những người khác bỏ dở; người mẹ mợ tôi đành bắt ép gán gả cho cậu tôi. Sau ngày cưới được mấy bữa mợ tôi bỏ nhà trốn đi. Mọi người bảo nhau đi tìm khắp các làng lân cận thấy mợ tôi trú thân ở một quán nước. Từ lần ấy, mợ tôi cũng chịu về nhà; ngày hai bữa, lo lắng các công việc. Nhưng cứ chiều tối đến thì ôm manh chiếu ra ngủ ngoài chái nhà, hoặc vào ngủ chung với dì tôi.
Cứ xa chồng như thế trong gần một năm. Bà tôi bảo tại cưới phải giờ xấu nên mới có chuyện không hay đó. Bà tôi đi lễ khắp nơi cầu cho cậu mợ tôi thuận hòa nhau. Không hiểu sự cầu nguyện đó có linh nghiệm hay không; nhưng sau hết đôi vợ chồng cũng chung sống được với nhau. Đối với người mợ này, tôi rất có nhiều cảm tình. Cái vẻ đẹp, cái dịu dàng trong tiếng nói của mợ tôi đã làm tôi lưu luyến ngay từ khi tôi mới tới ở với cậu mợ tôi. Cả ngày tôi chỉ phải bế đứa em giai để cậu mợ tôi khỏi bận bịu về con. Sáng nào cũng vậy, cứ cơm xong tôi cõng đứa em trên vai ra đi. Đi đủ mọi nơi. Đình, chùa trong làng. Các ngã ba, ngã tư để làm bạn với những đứa trẻ khác xóm. Tôi bỏ đứa em lê la vầy đất rồi đánh khăng, thả thia lia bằng những mảnh sành nạy ở bờ đường. Bao giờ thấy vài ba nóc bếp trong xóm đã bốc khói, báo hiệu bữa cơm trưa đã tới, tôi lại cõng đứa em về nhà. ăn xong tôi lại cõng đứa em đi. Có khi tôi cùng mấy đứa trẻ đưa nhau ra tận ngoài đồng tìm một thửa ruộng khô đào lỗ rồi đánh quần với nhau. Cứ như thế cho tới gần một tháng, đứa em bị sốt mất mấy ngày. Từ đó cậu mợ tôi không bằng lòng để tôi bế đứa em đi khỏi nhà nữa. Thực là một cái khổ cho tôi. Tôi đã bắt thói quen với sự lêu lổng.
Tất cả cái thế giới nô nghịch của tôi lúc đó chỉ thu gọn ở một cái sân con, hai cái nhà rơm và một khu vườn của ông tôi. Nhưng rồi cả khu vườn này tôi cũng không được đặt chân tới. Một bữa bế đứa em sang đó chơi. Cây khế của ông tôi giồng mới nẩy được một quả. Tôi chẩy luôn quả khế cho đứa em. ông tôi bắt được. ông tôi lấy chiếc roi mây đánh tôi. Tôi sợ quá cứ vừa lạy van vừa nói:
-Cháu lạy ông, cháu chắp vào giả ông.
Tôi cố cầm quả khế dính vào với cuống nó, hai tay run run. ông tôi giật lấy quả khế rồi đánh tôi hai roi liền. Tôi ù té chạy bỏ cả đứa em ngồi khóc ở gốc khế. Từ ngày ấy, ông tôi cấm hẳn không cho tôi lai vãng tới khu vườn đó nữa. Trong cái thế giới eo hẹp ấy lại không có một đứa trẻ đồng tuổi để làm bạn, tôi thành chán nản và lại muốn bỏ cậu mợ tôi để đi tìm một nơi khác. Cái sự hám đi lang thang đây đó đã quyến rũ tôi đến nỗi lúc thèm muốn tôi lại bế đứa em ra đứng cổng nhìn hết mọi phương như một kẻ lạc đường tìm hướng. Nhưng lần nào cậu tôi cũng quát:
-Đi đâu! Muốn sống thì ở nhà! Muốn đi chơi đâu thì bỏ giả con tao. Mợ tôi cũng tìm cách giữ tôi, nhưng mợ tôi có những câu nói ngọt ngào khiến tôi cảm động, không muốn trái lời. Bảo tôi trái lời sao được khi mà mợ tôi, vuốt mái tóc em tôi vuốt cả mái tóc tôi rồi dịu dàng nói với tôi:
-Sao hai anh em cứ phải đưa nhau đi. ở nhà mà chơi cũng được chứ sao.
Mợ tôi nhìn tôi. Hai con mắt hiền từ như hai mắt người mẹ sẵn lòng tha thứ cho đứa con có lỗi:
-ở nhà cháu ạ. Ngoan rồi mợ thương, kẻo cậu cháu mà đánh thì mợ cũng chẳng dám bênh đâu. Rồi chỉ khổ thân cháu. Tôi cảm động, không trả lời sao, tôi âu yếm nhìn đứa em và một sự lưu luyến gì đã xui tôi ôm ghì chặt nó trên ngực tôi. Chưa bao giờ tôi thấy yêu thương đứa em bằng lúc đó. Nhưng dù sao sự lang thang đã thành một cố tật trong người tôi. Thế là một ngày tôi bỏ hẳn đứa em, nhất quyết không trở lại nhà cậu tôi, theo mấy đứa trẻ đi lêu têu khắp làng. Đến bữa tối về, mợ tôi lại thương hại lấy giấu cậu tôi cho tôi một bát cơm có chan canh, trộn lẫn với các thức ăn. Bao giờ trao bát cơm sang tay tôi, mợ tôi cũng khẽ bảo tôi:
-Thôi lần này thì ở nhà. Nhưng chẳng bao giờ tôi nghe lời mợ tôi nữa. Trong khi tôi lêu lổng như thế, cứ người này tưởng tôi ăn ở nhà người khác, không ai thổi cơm thêm cho tôi. Vào những lúc bị đói ấy, tôi lại tìm mợ tôi rồi thú thực:
-Cháu đói quá, mợ ạ. Mợ tôi thở dài:
-Cháu hư lắm. Đã bảo ở nhà ngày hai bữa rồi chỉ có bế em mà cứ đi suốt ngày. Thực là lắm mối tối năm không. Mợ tôi đong cho một bát gạo bảo tôi đi thổi cơm lấy mà ăn. Mợ tôi lấy cho một đĩa rau, bát nước mắm để ngay ở góc bếp. Tôi thổi xong niêu cơm rồi cứ ngồi yên ngay ở bếp chờ cho tới khi cơm chín. Tôi cầm một chiếc que cời bếp gõ lên trên ông đầu rau lẩm bẩm đọc mấy câu thần chú tự tôi nghĩ ra, theo cái điệu của những bài phụ đồng chổi hoặc đồng ếch:
-Chín... chín...! A, a, a chín, chín! Có liệu mà chín cho mau! Có liệu mà chín cho mau...
Nhưng có tụng kinh chăng nữa cũng nhiều lần tôi vội vàng bắc cơm ra ăn sống. Có khi hãy còn nguyên cả hột gạo. ăn cho xong bữa, ăn cho no để lại tiếp lại cái cuộc lêu lổng quanh làng. Bao giờ mợ tôi súc gạo cho tôi mà cậu tôi biết cậu tôi lại mắng:
-Gạo đâu mà lắm thế. Kệ đời nhà nó. Nó về với bà nội nó. Rõ chỉ bụt chùa nhà không thiêng. Mợ tôi chặc lưỡi:
-Cái thằng bé nó bằng một tý tuổi đầu thì nó đã biết gì! Cái ngày bằng tuổi nó có dễ mình không hư bằng vạn!... Được mợ tôi bênh, tôi tự lấy làm bằng lòng. Tôi vẫn không sao quên được lòng tốt của mợ tôi và tôi hiểu rõ rằng chỉ có mợ tôi là đáng để tôi thú những tội lỗi của tôi. Nhưng dù sao tôi cũng phải nhận rằng lòng thương của mợ tôi đã làm tôi hư thêm một đôi phần. Mợ tôi cứ ngấm ngầm cho tôi ăn, và tôi không sao bỏ được cái thói lêu lổng.
Những quần áo rách tôi cũng đưa cho mợ tôi vá, nhưng có khi vá không kịp tôi phá rách. Trong khi chờ có quần áo lành, tôi lấy dây rơm buộc túm những chỗ rách lại mặc vậy. Nhiều khi nô nghịch đến nỗi ngã sứt chân tay; vết thương đầy những đất thành bị sâu. Cụ tôi lại cặm cụi tìm một con ốc nhồi, lấy vỏ nướng chín rồi tán nhỏ như bột rắc vào chỗ loét của tôi. Bằng cái môn thuốc đó mà không khỏi cụ tôi lại bắt tôi lục lọi trong khắp xó nhà bắt một con cóc mổ lấy gan rồi đắp vào nơi bị thủng. Những lúc tôi ra nắng nhiều bị sốt hoặc rức đầu, cụ tôi sắc cho tôi một ấm nước gạo mồng năm rang vàng hay chườm trán cho tôi bằng những thứ lá mồng năm mang hơ nóng. Từ đầu làng, giữa làng cho đến cuối làng, trẻ con nào tôi cũng quen và ai ai, già trẻ, cũng đều biết mặt tôi. Nhà ai có giỗ, nhà ai ăn uống vào lúc nào và bữa cơm có những món gì tôi đều biết rõ. Vườn nhà ai rộng, hẹp tôi cũng tường tận. Bưởi, thị, ổi, hồng quân, nhãn... trong làng có thứ cây gì và bất kỳ giồng trong một khu vườn kín đáo đến đâu tôi cũng đều được nếm qua cả.
Đến nỗi một lần tôi ngồi với mấy người lớn cùng làng, hóng mát ở đầu đình, họ mang tôi ra mà làm vè để chế tôi. Hình như bốn câu vè gần như dưới đây: Làng ta có thằng Dân cù, Đầu trộm đuôi cướp chẳng từ nhà ai. ăn xong nó lại rông rài, Có con có cháu mà chẳng liệu bài dạy khôn.
Sống nhờ
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5 (Chương kết)