watch sexy videos at nza-vids!
Truyện ĐỜI TỔNG THỐNG K. THỨ TƯ-CHƯƠNG 1 - tác giả Mario Puzo Mario Puzo

Mario Puzo

CHƯƠNG 1

Tác giả: Mario Puzo

Oliver Oliphant đã tròn trăm tuổi và tâm trí vẫn sáng trong như tiếng chuông. Thật bất hạnh cho lão!
Đấy là một tâm trí sáng trong, còn tinh nhạy tới mức khi phá bỏ rất nhiều phép tắc đạo lý, nó tẩy sạch trơn lương tâm lão. Một tâm trí xảo quyệt tới mức Oliver Opliphant chưa lần nào bị vấp những cái bẫy hầu như khó tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày, lão chưa hề lấy vợ, chưa từng là một ứng cử viên giữ chức vụ mang màu sắc chính trị và chưa hề có người bạn tin tưởng tuyệt đối.
Oliver Opliphant, người giàu có nhất Hoa Kỳ và có lẽ là công dân ẩn dật có uy quyền nhất, đang đón đợi Christian Klee, con trai đỡ đầu của lão, chưởng lý Tối cao pháp viện Hoa Kỳ, tại dinh cơ đồ sộ có đội vệ sĩ tuyển lựa kỹ canh gác cẩn mật chỉ nằm cách Nhà trắng mười dặm.
Sức quyến rũ của Oliphant không thua kém gì sự tài giỏi của lão: quyền lực của lão dựa vào cả hai điểm này. Tuy đã tròn trăm tuổi, các vĩ nhân tin tưởng khả năng phân tích của lão lũ lượt kéo tới lắng nghe lời khuyên bảo của Oliphant đông đến nỗi lão được mệnh danh là “Oracle” (1).
Với tư cách cố vấn Tổng thống, Oracle đã dự đoán trước các cuộc khủng hoảng về kinh tế, các vụ sụp bể ở Wall Street, đồng đô la mất giá, cuộc tháo chạy của tư bản nước ngoài, những mức tăng vọt không thể tưởng tượng nổi của giá dầu. Lão dã sự đoán trước những bước thăng trầm về chính trị ở Liên Xô, những đường lối bất ngờ của các đối thủ trong Đảng Dân chủ và Cộng hoà. Nhưng cái chính là lão đã tích luỹ được mười tỷ đô la. Lời khuyên của một người giàu nứt đố đổ vách như vậy, thậm chí dù sai trái, cũng đều như vàng ngọc là lẽ tự nhiên. Nhưng Oracle thường dự đoán gần đúng.
Bây giờ, vào Ngày Thứ Sáu Thánh Thiện này, Oracle đang bận tâm tới mỗi một điều: tổ chức lễ sinh nhật mừng ngày một trăm năm có mặt trên Trái đất này của lão. Buổi lễ sẽ được tổ chức vào Chủ Nhật Lễ Phục Sinh tại Rose Garden trong Nhà trắng, đích thân Tổng thống Hoa Kỳ là Francis Xavier Kennedy chủ trì lễ tiệc...
Tâm trạng phấn chấn vui mừng trước một việc thu hút sự chú ý của mọi người là một sự phù hoa chấp nhận được đối với Oracle. Thế giới lại nhớ tới lão trong giây phút ngắn ngủi. Lão buồn rầu nghĩ bụng, có lẽ đây là sự xuất hiện cuối cùng của lão trên vũ đài.
Tại Rome, vào Ngày Thứ Sáu Thánh Thiện, bảy tên khủng bố đã hoàn tất công việc chuẩn bị vụ ám sát Giáo hoàng. Bọn chúng gồm bốn gã đàn ông và ba phụ nữ, chúng tin rằng chúng là những kẻ giải thoát cho nhân loại. Chúng tự mệnh danh là Đức Chúa của Bạo Lực.
Trưởng nhóm đặc biệt là một tên thanh niên người Italia dày dặn kỹ thuật khủng bố. Mật danh của hắn khi tham gia chiến dịch đặc biệt là Romeo: cái tên gọi này gây hào hứng cho tính châm biếm trẻ trung của hắn và nó thật gợi cảm mơn dịu tình yêu đầy trí tuệ đối với loài người.
Chiều tối Ngày Thứ Sáu Thánh Thiện, Romeo đã nằm nghỉ trên chiếc giường cũ kỹ trải khăn hoen ố trong căn nhà an toàn do International One Hundred bố trí. Miệng ngậm thuốc lá, lòng bồn chồn một nỗi lo ám ảnh suốt bao ngày đêm, hắn đọc cuốn anh em nhà Karamazov loại in phổ thông bán rẻ. Cơ bắp chân hắn bị chuột rút vì căng thẳng, có lẽ vì sợ hãi, nhưng chẳng sao.
Thường thì rồi đâu sẽ vào đấy cả. Thế nhưng nhiệm vụ lần này thật đặc biệt, thật phức tạp, kéo theo bao nguy hiểm cho thể xác và tinh thần trong lần thi hành nhiệm vụ này, hắn thực sự là Đức Chúa của Bạo Lực, một cái tên nghe đích thực Thiên chúa giáo nên mỗi khi nhớ tới nó hắn lại phá lên cười.
Romeo là con trai của gia đình Armando Giangi một gia đình cao sang giàu có. Bố mẹ hắn muốn con trai trở thành một người thuần tính, giàu sang, ngoan đạo, nhưng những ước muốn đó trái ngược hắn bản chất khổ hạnh của hắn nên đến năm Romeo mười sáu tuổi, hắn đã khước từ mọi của cải vật chất và không chịu đi lễ nhà thờ. Và bây giờ, vào năm hai mươi ba tuổi, chẳng hiểu sao hắn lại nảy ra cái ý nổi loạn ghê gớm là ám sát Giáo hoàng? Hắn bị một sự mê tín kinh hãi luôn ám ảnh. Lúc còn nhỏ, một hồng y giáo chủ mà hắn căm ghét đã làm lễ kiên tín cho hắn. Romeo thường bị ám ảnh cái mũ màu đỏ báo điềm gở của vị Hồng y Giáo chủ nọ rất giống màu lửa hun ở dưới địa ngục.
Do đó, hình ảnh lửa hun nơi địa ngục ấy cứ khắc sâu dần trong tâm trí hắn theo từng buổi đi lễ, Romeo tự chuẩn bị cho bản thân để gây một tội ác khủng khiếp làm hàng ngàn người sẽ phải nguyền rủa tên tuổi hắn, rồi người ta sẽ biết rõ tên thật của hắn. Hắn sẽ bị bắt. Hắn đã trù tính như vậy. Nhưng lại vào dúng lúc hắn, Romeo, được tôn sùng là vị anh hùng đã ra tay cứu giúp làm thay đổi trật tự xã hội tàn ác hiện đang tồn tại. Những điều bỉ ổi kéo dài suốt trăm năm qua sắp được tẩy rửa sạch tinh. Nhưng nếu ngược lại, Romeo mỉm cười thầm nghĩ. Hàng thế kỷ trước đây, vị Giáo Hoàng đầu tiên được khoác cái tên “Innocent” (2) đã ban bố sắc lệnh cho phép tra tấn hành tội và ra rả truyền bá niềm tin thực sự và cứu rỗi những linh hồn dị giáo.
Nhà thờ sắp phong thánh cho vị Giáo chủ mà Romeo sẽ giết, điều đó càng khơi gợi tính châm biếm trẻ trung của hắn. Hắn sẽ dựng lên một vị thánh mới. Hắn vô cùng căm ghét họ, tất cả các vị giáo chủ đó. Những vị Innocent IV, Giáo chủ Pius, Giáo chủ Bennedid, ôi, quá nhiều các vị thánh, các vị này cóp nhặt của cải, các vị này đàn áp niềm tin thực sự của con người được tự do lựa chọn, các vị này dùng phép thuật ngu dân và lời lăng nhục gay gắt gây khủng hoảng niềm tin để khoe trương tài cán che giấu những nỗi bất hạnh trên đời.
Hắn, Romeo, một trong số Một Trăm Đầu Tiên của Đức Chúa của Bạo Lực sẽ vạch trần cái trò ma thuật thô bạo ấy. Một Trăm Đầu Tiên này được gọi một cách thông tục là bọn khủng bố, toả ra khắp các nước Nhật Bản, Đức, Italia,Tây Ban Nha... Kể cũng lạ là không hề thấy một tên nào trong số Một Trăm Đầu Tiên xuất hiện ở Hoa Kỳ. Tại cái đất nước dân chủ này, trong chiếc nôi của tự do này chỉ toàn thấy những nhà cách mạng trí thức hễ thấy máu đổ là mặt mày tái mét. Như vậy biết kiếm đâu ra kẻ đánh bom các toà cao ốc đã xua hết mọi người rời ra ngoài, biết kiếm đâu ra kẻ cho rằng thông dâm công khai ngay tại trên bậc thềm cửa nhà là một hành động chống đối mang tính duy tâm. Chúng thật đáng khinh. Do đó, không một tên người Hoa Kỳ nào dám ra nhập vào nhóm Một Trăm Đầu Tiên là điều chẳng lấy gì phải ngạc nhiên.
Romeo tạm bứt khỏi dòng suy nghĩ mơ mộng. Hắn chẳng rõ quái quỷ thế nào mà lại phải là một trăm. Có thể năm chục hoặc sáu chục cũng được chứ sao, đây chẳng qua chỉ là một con số tượng trưng. Nhưng, những điều tượng trưng như vậy mới tập hợp được quần chúng và lựa chọn ra được những người thích hợp. Điều duy nhất, hắn, Romeo, thực sự hiểu rõ: hắn là một trong số Một Trăm Đầu Tiên, cũng như Yabril, bạn và kẻ sẽ hỗ trợ hắn.
Một trong số cơ man nhà thờ ở Rome đang kéo chuông. Gần sáu giờ tối Ngày Thứ Sáu Thánh thiện... Một tiếng nữa Yabril sẽ tới để xem xét, kiểm tra lại toàn bộ các bước trong chiến dịch phức tạp này. Kẻ giết Giáo hoàng có thể sẽ là kẻ đi một nước cờ rất vẻ vang, nên cả một loạt hành động phiêu lưu trào tới kích thích cái đầu lãng mạn của Romeo.
Yabril là tên đàn ông duy nhất không hề run sợ Romeo, cả thể xác lẫn tinh thần. Gã biết rõ những trò gian dối của các nhà cầm quyền, những bộ mặt đạo đức giả của các nhà chức trách do luật pháp dựng lên, những mối nguy hiểm do tính lạc quan của những kẻ cuồng tín gây nên, những sơ suất bất ngờ về niềm tin thậm chí cả ở những tên khủng bố mù quáng nhất. Nhưng điều nổi bật nhất của Yabril thể hiện rõ ở điểm gã là một tài năng hiếm có trong cuộc chiến tranh cách mạng. Gã coi khinh lòng nhân từ tầm thường và tình thương hại ấu trĩ gây mủi lòng người. Yabril chỉ có một mục tiêu duy nhất: giải phóng tương lai.
Do đó Yabril tàn nhẫn hơn Romeo nhiều. Romeo giết hại người dân vô tội, bất hiếu với bố mẹ và phản bội bè bạn, giết viên luật sư đã từng chở che bảo vệ hắn. Nhưng có lần Yabril bảo hắn: “Nếu mày không dám liệng một trái bom vào vườn trẻ thì mày chưa phải là một kẻ khủng bố thực sự”.
Romeo đã đáp:
- Cái đó thì tao chịu.
Nhưng Romeo lại có thể giết chết một vị Giáo hoàng.

Yabril đến chỗ Romeo. Gã thận trọng bước trên đường phố Rome. Nhưng thực ra mọi chuyện thực sự phụ thuộc vào sự an toàn trong nội bộ, vào lòng trung thành của các chiến sĩ, tính trọn vẹn của Một Trăm Đầu Tiên. Nhưng cả bọn chúng lẫn thậm chí Romeo đều không biết quy mô đầy đủ của nhiệm vụ.
Yabril là một tên Ả Rập dễ bị ngộ nhận là một tên người Sicily, như trường hợp nhiều tên Ả Rập khác. Mặt gã mỏng, da sẫm màu, nhưng phía dưới mặt, cằm và hàm bạnh, thô hơn, tựa hồ như được đắp thêm xương. Khi nhàn rỗi, gã để râu mọc dài để che giấu nét thô kệch. Nhưng vào những lúc làm nhiệm vụ, gã cạo sạch râu. Hệt như thần chết để lộ bộ mặt thật trước đối phương.
Ánh mắt Yabril màu nâu nhạt, tóc điểm vài lọn màu xám và nét thô kệch ở cằm được lặp lại qua bộ ngực và đôi vai nở nang của gã. Chân gã dài bù đắp cho thân hình ngắn cũn và che giấu sức mạnh tiềm tàng của Yabril. Nhưng không có gì có thể che đậy được vẻ thông minh lanh lợi trong ánh mắt gã.
Yabril ghét cay ghét đắng toàn bộ quan niệm của Một Trăm Đầu Tiên. Gã cho rằng đấy là mánh lới tuyên truyền hợp thời, từ bỏ về mặt hình thức thế giới vật chất. Những anh chàng còn mài đũng quần trên ghế các trường đại học như Romeo thì quá lãng mạn.
Yabril nhận những món tiền bảo trợ của các công ty dầu của Anh, Hoa Kỳ và Hà Lan, tiền của các cơ quan phản gián Nhật, tiền công của CIA thanh toán cho các vụ thủ tiêu tối mật. Nhưng đấy chỉ là vào cái thời xa xôi mới bước chân vào nghề.
Bây giờ gã sống đàng hoàng, không khổ hạnh, vì dẫu sao gã đã có thời phải sống cuộc đời của kẻ nghèo khó rồi. Gã thích uống rượu ngon và sành ăn, thích trọ tại các khách sạn sang trọng. Gã chẳng ưa mối tình thơ mộng. Gã hoàn toàn chẳng sợ chết và run sợ trước những đau đớn về thể xác.

Mọi việc đều bố trí ổn cả. Người của Romeo đã sẵn sàng. Ngày mai, nhóm của Yabril sẽ tới Rome, hai nhóm sẽ trú tại hai ngôi nhà an toàn tách biệt, chỉ nhóm trưởng mới gặp nhau trao đổi. Yabril biết rằng đây là giờ phút trọng đại. Chủ Nhật Phục Sinh sắp tới và ngay tiếp sau đấy sẽ có một cuộc sáng tạo ngời sáng.
Yabril tới địa điểm an toàn của Romeo lúc trời xẩm tối. Toà nhà bốn tầng cũ có sân rộng và tường đá bao quanh. Tầng trệt là những căn hộ của mấy người ủng hộ bọn chúng, họ kiểm soát toàn bộ toà nhà. Một trong ba phụ nữ thuộc nhóm của Romeo mở cửa mời Yabril vào. Ả có dáng người mảnh khảnh, mặc quần gin và áo sơ mi xanh lửng cổ áo mở phanh để hở ngang ngực. Ả không mặc nịt vú nên ngực phẳng lì. Trước đây ả từng cùng Yabril tham gia một chiến dịch. Gã không ưa ả, nhưng gã rất ngại tính tàn bạo của ả. Hai bên đã có lần to tiếng tranh cãi và ả chẳng chịu làm lành.
Tên ả là Annee. Ả để mái tóc màu huyền của ả theo kiểu Prince Valiant, song chẳng thể tôn nét mặt rắn rỏi, thô kệch, nhưng buộc người ta phải chú ý tới ánh mắt nhìn giận dữ như xoáy vào tim can, thậm chí cả Romeo và Yabril cũng nhận thấy như vậy. Ả chưa được giải thích rõ toàn bộ nhiệm vụ nhưng qua nét mặt của Yabril ả biết rằng đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Annee khẽ nhếch mép cười, chẳng nói một lời, rồi khi Yabril đã bước vào, liền đóng cửa lại.
Yabril cau mày trước cảnh bừa bộ trong nhà. Đĩa, cốc bẩn, thức ăn thừa vứt lung tung nơi phòng khách, sàn nhà đầy báo chí. Nhóm Romeo gồm bốn tên đàn ông và ba phụ nữ, toàn người Italia. Phụ nữ không chịu dọn dẹp, các ả cho rằng mình tới đây là để thi hành một nhiệm vụ đặc biệt chứ không phải là một nàng hầu. Còn cánh đàn ông, đều là sinh viên đại học, hãy còn trẻ nên vẫn giữ nếp phụ nữ phải chăm sóc đàn ông như các bà mẹ Italia yêu quý của chúng đã lo toan cho bố chúng, đồng thời chúng còn cho rằng sau khi rút sẽ có người đến dọn dẹp sạch sẽ gọn gàng. Sự thoả hiệp không nói thành lời được chấp nhận qua đống rác khuất mắt trông coi. Một sự thoả hiệp chỉ làm mỗi mình Yabril nổi cáu.
Gã bảo Annee:
- Cô sống như lợn ấy!
Annee đưa ánh mắt lạnh lùng nhìn như ước chừng gã và đáp:
- Tôi chẳng phải là nàng hầu.
Và thế là Yabril liền nhận ra ngay giá trị của ả. Ả chẳng sợ gã cũng như bất kỳ một tên đàn ông, mụ đàn bà nào. Ả là một kẻ thực sự cuồng tín. Ả sẵn sàng chấp nhận chịu cảnh trói cọc thiêu sống.
Romeo từ căn hộ gác trên chạy vội xuống, trông hắn thật hào hoa và đầy sức sống nên Annee sụp ánh mắt xuống. Hắn ôm chầm Yabril, vẻ thực sự vui mừng, rồi kéo Yabril xuống sàn dưới nhà. Hai tên ngồi trên chiếc ghế dài nhỏ bằng đá. Khi trời về đêm thoảng mùi hoa xuân, rộn những tiếng thì thầm khẽ gọi nhau và trò chuyện của hàng ngàn hành hương đang đi trên các đường phố ở Lenten Rome. Nghe rõ nhất vẫn là tiếng hàng trăm quả chuông gióng giả đón Ngày Chủ Nhật Phục Sinh sắp tới.
Bóng đèn điện trên các bức tường bao sân toả sáng lờ mờ, nhưng mặt hai tên vẫn hoà vào bóng đêm. Hai tên ngồi bàn bạc trên hai giờ liền về từng chi tiết của nhiệm vụ được giao. Romeo hút thuốc lá liên tục.
Đúng hôm Thứ Sáu Thánh Thiện ấy, Tổng thống Francis Xavier Kennedy triệu tập bộ tham mưu của mình và Phó Tổng thống tới để thông báo cho họ những tin tức hoàn toàn chẳng vui chút nào.
Tổng thống gặp họ tại Yellow Oval Room trong Nhà trắng, căn phòng ông rất ưng, rộng hơn và đầy đủ tiện nghi hơn Oval Office, tuy nổi danh hơn. Yellow Room trông giống như một phòng khách hơn và họ có thể ngồi thoải mái uống trà của Anh.
Mọi người ngồi đợi Tổng thống và họ đều đứng dậy khi thấy ông đi giữa đám vệ sĩ đặc biệt bước vào phòng. Kennedy ra hiệu bảo mọi người ngồi xuống, rồi quay sang ra lệnh cho đám vệ sĩ đứng đợi ở ngoài phòng. Ông hơi khó chịu về hai điểm. Thứ nhất, theo nghi thức, đích thân Tổng thống ra lệnh cho người bên An ninh đứng đợi ở ngoài phòng và thứ hai, Phó Tổng thống phải tỏ vẻ cung kính Tổng thống. Kennedy khó chịu khi Phó Tổng thống là một phụ nữ và sự lịch sự về mặt nhà nước đã gạt loại sự lịch sự về mặt xã hội. Kennedy càng thấy khó xử khi Phó Tổng thống lại là bà Henlen Du Pray, nhiều hơn ông ta mười tuổi nhưng vẫn rất xinh đẹp và là một chính khách, nhà hoạt động xã hội tuyệt vời. Tất nhiên, đấy là những lý do ông đã lựa chọn bà làm phó cho mình, bất chấp sự phản đối của các nhân vật quan trọng trong Đảng Dân chủ.
- Trời ơi, Helen. – Francis Kennedy bảo: - Thôi, chị đừng đứng dậy mỗi khi tôi bước vào phòng nữa. Bây giờ tôi sẽ rót trà mời mọi người để bày tỏ sự khiêm tốn của mình.
- Tôi muôn được bày tỏ lòng biết ơn của mình – Helen Du Pray nói. – Tôi cho rằng ông triệu tập Phó Tổng thống đến họp cùng bộ tham mưu của mình hẳn để có người lo việc bày bàn.
Cả Tổng thống và Phó Tổng thống đều cười. Bộ tham mưu ngồi yên không cười.

Romeo ngồi hút nốt điếu thuốc tại chỗ tối trong sân. Qua bức tường ấy, hắn nhìn thấy vòm mái nhà thờ lớn Rome. Sau đó, hắn bước vào nhà. Đã đến lúc phải giải thích rõ nhiệm vụ cho người của hắn.
Annee phụ trách bảo quản giữ vũ khí. Ả mở chiếc hòm lớn lấy vũ khí và đạn dược ra phân phát. Một tên thanh niên trải chiếc khăn trải giường bẩn xuống sàn lấy chỗ để Annee bày dầu và giẻ lau súng. Bọn chúng vừa lau chùi súng ống vừa nghe Romeo giải thích. Bọn chúng đã nghe, đã hỏi và diễn tập suốt bốn tiếng liền. Annee phân phát áo quần mặc khi làm nhiệm vụ, thấy quần áo ngồ ngộ, bọn chúng trêu chọc nhau. Cuối cùng chúng ngồi ăn những món do Romeo và mấy tay thanh niên nấu. Chúng uống rượu vang mới đầu xuân để chúc mừng thắng lợi, rồi trước khi về phòng riêng, mấy tay còn ngồi đánh bài suốt một tiếng đồng hồ. Chúng chẳng cử người gác. Chúng khoá chặt cửa phòng và mang theo vũ khí vào giường. Tuy vậy, bọn chúng cũng hồi hộp mất ngủ.
Quá nửa đêm, Annee đến gõ cửa phòng Romeo. Hắn đang đọc sách. Hắn mở cửa mời ả vào, ả vớ luôn cuốn Anh em nhà Karamazov ném xuống sàn và nói, giọng khinh khỉnh:
- Lại đọc cái của nợ này?
Romeo nhún vai, mỉm cười đáp:
- Đọc cũng thấy hay hay, tính cách nhân vật đánh đúng cái chất Italia của tôi.
Chúng vội cởi quần áo và nằm ngửa trên tấm khăn trải giường bẩn. Cơ thể chúng cứ căng ra không phải vì bị kích thích tình dục mà vì một nỗi hãi hùng bí hiểm nào đấy. Romeo trừng trừng nhìn trần nhà còn ả Annee nằm nhắm chặt mắt. Ả nằm bên trái hắn và dùng tay phải nhẹ nhàng mơn hắn. Đôi vai trần của chúng kề sát nhau còn cơ thể tách xa. Khi ả thấy Romeo đã bị kích thích, ả vẫn dùng tay phải mơn tiếp hắn còn tay trái ả tự mơn bản thân. Động tác của ả chậm rãi, đều đều, làm Romeo định vuốt ve bộ ngực nhỏ của ả, nhưng ả nhăn mặt như một cô bé gái, mắt vẫn nhắm chặt. Lúc này ả mơn hắn mạnh hơn, miết chặt hơn. Annee mở mắt ra và oằn người quay về phía Romeo như muốn hôn hắn, nhưng ả chỉ vùi đầu vào ngực hắn cho đến lúc cơ thể ả bớt run rẩy. Sau đó, ả ngồi dậy, với bao thuốc lá và bật lửa của Romeo đặt trên bàn ngủ bằng đá hoa, lấy một điếu châm hút.
Romeo vào buồng tắm vò khăn mặt, rồi quay ra lau tay Annee và lau chùi người hắn. Sau đó hắn đưa khăn để ả chùi.
Bọn chúng đã sống như vậy trong lần thi hành một nhiệm vụ khác, Romeo biết rằng đây là cách âu yếm duy nhất ả chịu thừa nhận. Ả quá tự hào về tính độc lập của mình, do đó dù thế nào, ả cũng không chịu để một tên đàn ông ả không yêu được phép đi vào ả. Những gì ả vừa làm chẳng qua là để thoả mãn nhu cầu mà chẳng vi phạm quan niệm của ả về tính độc lập.
Romeo quan sát vẻ mặt Annee. Nét mặt ả lúc này thật nghiêm nghị, ánh mắt chẳng còn quá kiêu căng. Ả còn quá trẻ, Romeo thầm nghĩ, tại sao ả lại trở thành hung dữ như vậy trong một thời gian ngắn?
- Đêm nay cô muốn ngủ lại đây với tôi không, chỉ để cho có bạn thôi? – Romeo hỏi.
Annee giụi tắt điếu thuốc và đáp:
- Ồ, không đâu. Việc gì tôi phải muốn vậy? Cả hai chúng ta đều đã thoả mãn rồi, - nói xong Annee đứng dậy mặc áo xống.
Romeo vui vẻ bảo:
- Ít ra cô cũng nên nói đôi lời dịu dàng trước khi ta chia tay.
Annee đứng lại giây lát bên ngưỡng cửa, rồi quay trở vào. Romeo đã thoáng nghĩ ả sẽ lại bên giường. Ả mỉm cười, lần đầu tiên hắn thấy ả là một cô gái trẻ đáng yêu. Nhưng ả đứng khựng lại nhón chân lên và bảo:
- Romeo, Romeo, vì đó là anh, đúng không Romeo? - Ả để một ngón tay cái lên mũi chế nhạo hắn rồi bước ra khỏi phòng.

Francis Xavier Kennedy được bầu làm Tổng thống là một điều kỳ lạ trong đời sống chính trị Hoa Kỳ. Ông đã được bầu là nhờ phép nhiệm màu do tên tuổi và tài bẩm sinh về diện mạo và trí tuệ tuyệt vời tạo dựng lên, tuy trên thực tế ông chỉ được bầu một nhiệm kỳ duy nhất vào Thượng nghị viện trước khi được bầu làm Tổng thống.
Francis Kennedy là một chàng trai giỏi về luật, hai mươi tám tuổi là giáo sư ở Harward. Sau đó, ông tổ chức hãng luật sư riêng của mình tham gia những cuộc vận động lớn đòi hỏi mở rộng tự do trong chính phủ và khu vực buôn bán tư nhân, hãng luật sư của ông không kiếm được nhiều tiền, chẳng quan trọng, vì ông được thừa kế một gia tài khá lớn, nhưng hãng đem lại cho ông nhiều vinh quang. Ông tham gia những cuộc vận động đòi quyền cho những người thiểu số và phúc lợi về kinh tế cho những người tàn tật, ông bảo vệ những người không nơi nương tựa.
Kennedy đã cùng vợ con đi khắp nơi trong nước để vận động được bầu làm Tổng thống. Ông tuyên bố một cam kết mới mang tính xã hội với nhân dân Hoa Kỳ. Điều gì bắt một dân tộc văn minh phải chịu đựng? Ông hỏi họ. Đó là bản hợp đồng giữa người cai trị và kẻ bị cai trị. Chính phủ phải hứa đảm bảo an toàn ở nơi công cộng, hứa không để người dân phải chịu những thử thách gay go về kinh tế, phải hứa đảm bảo cho từng người dân được quyền và có điều kiện theo đuổi mơ ước của bản thân nhằm đem lại niềm vui hạnh phúc trong cuộc sống. Và sau đó, chỉ sau đó, kẻ bị cai trị mới buộc phải tuân thủ những luật pháp chung đảm bảo nền văn minh. Và Kennedy đề xuất một cam kết bất khả xâm phạm mang tính xã hội là toàn bộ những vấn đề lớn của xã hội Hoa Kỳ phải được đưa ra trưng cầu ý dân hơn là do Quốc hội, do Toà Thượng thẩm hoặc do Tổng thống quyết định. Ông hứa là sẽ loại trừ được tội ác. Ông hứa là sẽ xoá được cảnh nghèo đói - gốc rễ của tội ác vì tội ác nằm trong chính bản thân sự nghèo đói. Ông hứa đưa ra một chương trình đảm bảo chăm sóc sức khoẻ toàn dân và chế độ bảo hiểm xã hội thực sự có khả năng để người lao động được có cuộc sống đảm bảo khi về hưu. Để bảo đảm lời mình đã hứa và tự mình san bằng sự giàu có của chính bản thân, ông tuyên bố trên vô tuyến rằng sẽ trích bốn chục triệu đô la tiền túi trao tặng Bộ tài chính Hoa Kỳ. Buổi lễ trao tặng công khai hết sức long trọng này đã được tường thuật trong bản tin của tất cả các đài phát vô tuyến trên toàn quốc. Hành động cao đẹp của Francis Kennedy đã in sâu đậm trong tâm trí của mọi cử tri.
Ông bay tới khắp các thành phố lớn trong nước và chiếc xe ô tô của ông chạy lắc lư trên các nẻo đường về những tỉnh nhỏ. Vợ và con gái cùng đi với ông ta và vẻ xinh đẹp của vợ và con đã tôn thêm ông, ông áp đảo ý thức của mọi người. Ba cuộc tranh luận của ông với ứng cử viên Tổng thống thuộc phái Cộng hoà đã giành thắng lợi lớn. Tài trí, sự thông minh và sức trẻ tràn đầy của ông đã áp đảo đối thủ. Chưa một vị Tổng thống nào bước vào vòng đấu của cuộc bầu cử lại chiếm được lòng tin rộng khắp như ông. Ông đã chinh phục được mọi thứ, trừ thiên mệnh. Vợ ông bị chết vì ung thư trước khi ông tuyên thệ nhậm chức Tổng thống.
Fracis Xavier Kennedy cố nén nỗi đau riêng trong lòng để tiến hành bước đầu tiên trong chương trình của mình. Suốt quá trình bầu cử, ông đã đi một bước táo bạo về chính trị là lựa chọn trước những người giúp việc mình để cử tri xác nhận họ. Ông đề cử Oddblood Gray, một nhà hoạt động tích cực người da đen, là người liên lạc trực tiếp của ông với Quốc hội về những vấn đề nội bộ trong nước. Ông đã tuyển chọn một phụ nữ giúp mình trong việc điều hành và có thể đề xuất những quyết định về mặt chính trị, do đó, người này sẽ có chức năng như một thành viên tại ban tham mưu. Còn những người được đề cử khác đều theo đúng quy ước hơn. Và chính bộ tham mưu này đã hỗ trợ ông giành được thắng lợi bước đầu, giúp ông xem xét lại những luật Bảo hiểm xã hội tạo điều kiện để người lao động yên tâm có đủ tiền sinh sống khi về hưu. Kinh phí về mặt tài chính để làm nền tảng cho việc xem xét lại này lấy từ những khoản lợi nhuận của các tập đoàn khổng lồ của Hoa Kỳ, chính vì vậy họ liền trở thành kẻ thù không đội trời chung với ông.
Nhưng sau thắng lợi ban đầu, Kennedy xem ra bị hẫng mất đà. Luật dự thảo của ông để nhân dân có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý kiến về những vấn đề lớn đang còn phải tranh cãi, cũng như lời kêu gọi của ông về kế hoạch bảo hiểm sức khoẻ toàn dân đã bị Quốc hội không phê chuẩn. Và bản thân Kennedy đã không còn đủ ý chí để đương đầu phá vỡ bức tường đá do Quốc hội dựng lên cản ông. Tuy Kennedy và bộ tham mưu ở Nhà trắng của ông đã chiến đấu cực kỳ dũng cảm, nhưng các kế hoạch do ông đề ra ngày một tan vỡ tơi bời.
Ông tức giận một cách tuyệt vọng khi biết rằng cuộc chiến đấu sẽ bị thất bại vào năm cuối nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Francis Xavier Kennedy biết rằng mục đích của mình đúng đắn, ông đã đứng về phía tả, ông nâng được tinh thần của dân trí, diễn biến hành động của ông được tiến hành một cách thông minh nhất. Nhưng lúc này ông nhận thấy rằng sự thông minh và đạo lý chẳng có trọng lượng so với thủ pháp chính trị.
Tổng thống Kennedy đợi khi mọi người trong bộ tham mưu tối cao của mình đã được phục vụ xong, mới lên tiếng nói, giọng chân thành:
- Tôi không thể chạy đua trong nhiệm kỳ thứ hai, - sau đó, ông nhìn Phó Tổng thống và nói tiếp:
- Helen, tôi muốn chị chuẩn bị cho cuộc vận động bầu cử Tổng thống lần này.
Ai nấy đều lặng người, nhưng Helen Du Pray mỉm cười với Tổng thống. Nụ cười ấy là một thứ vũ khí chính trị cực kỳ sắc bén mà mọi người đang có mặt trong phòng đều biết rõ. Bà ta đáp:
- Anh Francis này, tôi cho rằng không có mặt tôi ở đây, các cố vấn của anh sẽ xem xét lại kỹ hơn quyết định có hay không tham gia tiếp cuộc vận động bầu cử. Trước khi rời khỏi phòng anh cho phép tôi được trình bày đôi lời. Theo như tôi thấy, vào thời điểm đặc biệt này, anh xem ra có vẻ nản chí lắm đấy. Nhưng tôi chẳng có khả năng xoay chuyển tình thế khá hơn khi cho rằng mình có thể lại trúng cử. Theo tôi, anh nên kiên trì hơn. Nhiệm kỳ thứ hai của anh sẽ có hiệu quả hơn.
Tổng thống Kennedy khó chịu đáp:
- Helen, chị cũng biết rõ như tôi rằng vị Tổng thống của Hoa Kỳ có nhiều đích trong nhiệm kỳ thứ nhất hơn nhiệm kỳ thứ hai.
- Đúng trong đại đa số trường hợp, - Helen Du Pray đáp: - Nhưng có thể chúng ta sẽ có một hạ nghị viện khác trong nhiệm kỳ thứ hai của anh. Và xin phép anh cho tôi được trình bày dựa theo quan điểm của chính bản thân tôi. Là Phó Tổng thống chỉ trong một nhiệm kỳ, tôi ở tư thế thấp kém hơn nếu được tiếp tục giữ cương vị của mình trong nhiệm kỳ thứ hai. Sự hỗ trợ của anh trong hai nhiệm kỳ Tổng thống sẽ hữu hiệu hơn là của một vị Tổng thống bị chính Quốc hội ngả theo Đảng Dân chủ của mình hạ bệ.
Khi thấy Helen Du Pray cầm tập hồ sơ của bà chuẩn bị rời khỏi phòng, Francis Kennedy liền bảo:
- Chị chẳng nên rời khỏi phòng làm gì.
Helen Du Pray dịu dàng mỉm cười với mọi người và nói:
- Tôi tin chắc rằng các vị tham mưu của anh sẽ trao đổi thoải mái hơn khi không có tôi, - nói xong bà rời khỏi Yellow Oval Room.
Bốn người đàn ông quây quần bên Kennedy đều ngồi im lặng. Họ là những người phụ tá rất thân cận của ông, Kennedy đã đích thân bổ nhiệm họ và họ đã không phụ lòng tin của ông. Tổng thống như Cyclops (3) kỳ lạ có một bộ óc và bốn tay. Bộ tham mưu tối cao là bốn tay của ông. Họ cũng đều là những người bạn tốt nhất của ông, và sau khi vợ qua đời, họ là những người duy nhất được coi là người trong gia đình.
Helen Du Pray khép chặt cửa sau lưng mình mấy người đàn ông liền đặt ngay ngắn tập tài liệu của họ lên bàn và ngồi uống trà, ăn bánh xăng uých.
Eugene Dazzy, phụ trách bộ tham mưu của Tổng thống vô tình nói:
- Có lẽ Helen là người khéo nhất trong việc cai quản này.
Kennedy mỉm cười với Dazzy là người ưa thích phụ nữ xinh đẹp và bảo:
- Euge, thế anh nghĩ sao? Anh cho rằng tôi còn đủ kiên nhẫn và đeo đuổi tiếp cuộc vận động bầu cử à?
Mười năm trước, khi lần đầu tiên Francis Kennedy bước vào vũ đài chính trị, Eugene Dazzy đứng đầu một công ty máy tính lớn. Ông ta là một kẻ gặm nhấm, một kẻ có thể nuốt tươi các công ty đối đầu, nhưng ông xuất thân từ một gia đình nghèo khó, nên vẫn tin vào công lý qua cảm giác thực tiễn hơn là lý tưởng lãng mạn. Ông ta tin chắc rằng tập trung tiền bạc vực mạnh quyền lực ở Hoa Kỳ thì kết quả sẽ đi đến chỗ thủ tiêu dân chủ thực sự. Và khi Kennedy bước vào con đường chính trị đi theo ngọn cờ dân chủ xã hội thực sự, Dazzy đã tổ chức một cuộc hỗ trợ về tài chính đưa Francis Kennedy leo lên tới chức Tổng thống.
Dazzy là một con người rất ân cần, có nghệ thuật điêu luyện trong việc né tránh không gây thù chuốc hoạ với những ai có ước muốn quan trọng và nhu cầu đặc biệt là phủ nhận Tổng thống. Ông ta cúi đầu hói trên giấy tờ ghi chép, thân hình to béo của ông ta kéo căng lưng tấm áo vét may rất khéo. Ông ta nói, giọng không trịnh trọng:
- Sao lại không tham gia vận động tuyển cử? Quốc hội sẽ bảo anh cần phải làm gì và khước từ điều anh muốn làm. Mọi chuyện đâu sẽ vào đấy. Ngoại trừ chính sách đối ngoại. Trong vấn đề này anh sẽ thấy khá thú vị. Thậm chí còn hay hay nữa.
“Ta thử đi sâu vào vấn đề xem sao nhé! Theo chỉ tiêu, quân đội của ta chiếm năm chục phần trăm, chúng ta đã giáo dục quá tốt các chàng trai của chúng ta, họ hết lòng yêu đất nước. Chúng ta có kỹ thuật, nhưng chẳng ai muốn mua hàng của chúng ta. Cán cân thanh toán của ta đã đi đến chỗ tuyệt vọng. Anh chỉ còn con đường tiến về phía trước. Do đó anh ra tái cử và sống thư giãn, có được bốn năm sống thoải mái. Anh còn muốn quái quỷ gì nữa, đấy không phải là một công việc dở và tiêu tiền thoải mái, - Dazzy mỉm cười và khuơ tay tỏ vẻ ta đây xem ra cũng không phải là kẻ không biết tiêu xài.
Bốn người đàn ông chăm chú quan sát Kennedy, tuy họ vẫn có vẻ vô tình dửng dưng. Chẳng ai nhận thấy Dazzy hơi quá đà thiếu tôn ti trật tự, tính khôi hài lồng trong nhận xét của ông ta đã từng cổ vũ Kennedy suốt ba năm qua.
Arthur Wix, cố vấn an ninh quốc gia, là một con người lực lưỡng có khuôn mặt của một kẻ tỉnh lớn... bố là người Do Thái, mẹ người gốc Italia. Ông ta rất dí dỏm, nhưng vẫn nể đôi chút Kennedy.
Mười năm trước, khi vận động tranh cử lần đầu tiên vào Thượng nghị viện, Wix đã gặp Kennedy. Lúc đó, ông ta là một người theo phái tự do thuộc vùng ven biển phía Đông, giáo sư dạy đạo đức học và khoa học quản lý nhà nước tại trường đại học tổng hợp Columbia. Ông ta cũng là một người rất giàu có, coi khinh tiền bạc. Quan hệ giữa hai người ngày một khăng khít gắn bó và rồi trở thành bạn bè của nhau, tình bạn của họ dựa trên phú bẩm về trí tuệ.
Kennedy cho rằng Arthur Wix là người thông minh nhất mình từng gặp. Còn Arthur lại nghĩ rằng Kennedy là người có đạo lý nhất trên vũ đài chính trị. Đây không phải – không thể - là cơ sở nền móng của một tình bạn nồng nhiệt, nhưng nó đã tạo dựng nền móng cho mối giao bang của lòng tin.
Là cố vấn an ninh quốc gia, ông ta thấy phải giữ lời ăn giọng nói thận trọng hơn những người khác. Ông nói, giọng hoàn toàn có sức thuyết phục nhưng vẫn mang âm điệu của New York, Wix bảo Dazzy:
- Euge có thể cho rằng mình có ngón đòn thủ sẵn, nhưng anh có thể có những đóng góp quý giá vào đường lối đối ngoại của nước ta. Chúng ta đóng vai trò đòn bẩy còn lớn hơn châu Âu hoặc châu Á đang nghĩ. Tôi thiết nghĩ anh nên tham gia ứng cử một nhiệm kỳ nữa. Dẫu sao, trong chính sách đối ngoại, Tổng thống Hoa Kỳ có quyền lực của một nhà vua.
Kennedy quay sang phía người ngồi bên trái mình, Oddblood “Otto” Gray là người trẻ nhất trong bộ tham mưu của Kennedy, mới ra trường được mười năm. Ông ta xuất thân từ phong trào cánh tả da đen, qua Harward và Rhodes Scholarship. Trông ông ta bệ vệ, hồi còn đi học, ông ta là một học sinh xuất sắc và có tài hùng biện. Kennedy đã bị một kẻ xúi giục bạo lực có tác phong nhã nhặn bẩm sinh và tài ngoại giao tấn công, người này có khả năng thuyết phục không cần phải đe dọa. Rồi sau đó, trong điều kiện bạo lực ở New York, Kennedy đã chiếm được lòng ngưỡng mộ và niềm tin của Gray. Kennedy đã sử dụng tài khéo léo hợp pháp đặc biệt, trí thông minh, sức hấp dẫn và đầu óc không hề mang thành kiến chủng tộc của ông ta để gỡ tình thế.
Do đó cả hai người đã chiếm được lòng ngưỡng mộ lẫn nhau.
Sau chuyện ấy, Oddblood Gray đã chèo chống hỗ trợ Kennedy trong sự nghiệp chính trị và cố thuyết phục Kennedy tham gia cuộc vận động chạy đua vào Nhà trắng. Kennedy đã chỉ định Gray vào bộ tham mưu của mình, đảm nhiệm liên lạc với Quốc hội, đảm nhiệm việc đệ trình các dự luật dự thảo của Tổng thống để Quốc hội thông qua. Lý tưởng trẻ trung của Gray chắp cánh cho thiên tài bẩm sinh về chính trị của ông bay cao. Và trong chừng mực nào đó, tất nhiên, sự lý tưởng hóa đã phải chịu thất bại, vì ông thực sự hiểu rõ chính phủ đã quản lý công việc ra sao, vì ông biết khi nào có thể dùng tác dụng của đòn bẩy, khi nào phải sử dụng sức mạnh tàn bạo của việc bảo trợ, khi nào né tránh, khi nào cần tế nhị rút.
- Otto, - Kennedy nhắc, - anh phát biểu đi chứ!
- Buông rơi, - Gray nói. – Khi vừa chớm bị thất bại.
Kennedy mỉm cười, còn mấy người kia liền phá lên cười. Gray nói tiếp:
- Anh muốn nghe tôi nói chẳng cần úp mở chứ? Tôi tán thành ý kiến của Dazzy. Quốc hội bôi bác anh, báo chí cứ nhằm mông anh thi nhau đá. Bọn vận động ở ngoài hành lang và các nhà kinh doanh lớn bóp chết những chương trình của anh. Giai cấp cần lao và trí thức có cảm giác anh phản bội họ. Và anh muốn tạo điều kiện cho bất kỳ tên khùng chết tiệt ở cái đất nước này có khả năng quật anh, đá đít anh thêm bốn năm nữa? Theo tôi, ta rút quách tất cả rời khỏi đây thôi.
Xem ra Kennedy thấy thích thú về những lời này, những đường nét đẹp của người Ailen trên khuôn mặt ông giãn nở thành một nụ cười mỉm, còn ánh mắt xanh thêm ngời sáng.
- Nói nghe vui tệ, - Kennedy bảo, - Nhưng mà thôi, anh nói nghiêm chỉnh nghe xem sao, - Kennedy biết rằng họ cố lái ông ra tái cử do lòng tự trọng của chính bản thân họ. Không một ai trong số hộ muốn rời khỏi chốn trung tâm quyền lực này. Washington này, tòa Nhà trắng này. Là con sư tử trong rạp xiếc còn hơn hoàn toàn chẳng phải là chúa sơn lâm.
- Anh muốn tôi ra tái cử, - Kennedy nói. – Nhưng để làm gì?
Otto Gray đáp:
- Tôi đâu có được quyền muốn anh ra tái cử. Tôi tham gia bộ máy này do chỗ anh đã khẩn khoản tôi giúp đỡ nhân dân tôi. Tôi đã tin anh và hiện nay vẫn tin anh. Chúng ta đã giúp và còn giúp được nhiều hơn nữa. Chúng ta còn cả đống công việc phải làm. Người giàu lại giàu hơn lên, người nghèo lại nghèo khó hơn, chỉ anh mới có khả năng thay đổi điều đó. Bây giờ chẳng phải là lúc bỏ trận đánh.
Kennedy nói:
- Nhưng tôi thắng thế quái nào được? Quốc hội thực sự bị câu lạc bộ Socrates kiểm soát.
Gray đưa ánh mắt say đắm và sinh động chỉ thấy ở tuổi trẻ nhìn cấp trên của mình.
- Ta chẳng nên nghĩ vậy. Cứ xem cái cách ta đã thắng sự chênh lệch ghê gớm thử coi. Ta lại có thể thắng. Và nếu thậm chí chẳng thắng đi nữa thì cứ thử sức có sao đâu?
Căn phòng im lặng giây lát do mọi người thấy ngài ngại trước sự im lặng của một người, người có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến Francis Kennedy, Christian Klee. Lúc này mọi con mắt đều đổ dồn về phía ông ta.
Tuy hai người là chỗ bè bạn thân thiết, nhưng Klee tỏ vẻ tôn kính Kennedy.
Kennedy luôn ngạc nhiên trước thái độ của Klee, vì Klee đánh giá cao vẻ hào hoa phong nhã qua con người Kennedy và biết rằng Kennedy sợ bị ám sát. Chính Klee đã khẩn khoản yêu cầu Kennedy ra tranh cử chức Tổng thống và đảm bảo an toàn cho cá nhân Kennedy và nếu Kennedy bổ nhiệm Klee giữ chức chưởng lý và phụ trách FBI lẫn Ban an ninh. Do đó, hiện nay Klee đã thực hiện nắm toàn bộ hệ thống an ninh trên đất Hoa Kỳ, nhưng Kennedy đã phải trả giá rất nặng về chính trị cho chuyện này. Kennedy đã phải nhượng bộ Quốc hội bằng việc bổ nhiệm hai quan tòa ở Tòa án Thượng thẩm và chức đại sứ ở Anh.
Lúc này Kennedy chăm chú nhìn Christian Klee và cuối cùng Klee lên tiếng:
- Anh có biết nhân dân lo ngại chuyện gì nhiều nhất trên cái đất nước này không? Họ chẳng bận tâm đến các mối quan hệ quốc tế. Họ chẳng bận tâm đến kinh tế. Họ chẳng cần biết đất quá khô cằn không trồng được nho. Tại các thành phố lớn và nhỏ, nhân dân lo ngại là ban đêm khi đi lại ngoài đường phố thì không thể tránh khỏi bị đấm vỡ mồm. Ban đêm nằm ngủ trên giường họ cứ nơm nớp lo bị kẻ trộm và quân giết người đến hỏi thăm.
Chúng ta hiện đang ở trong tình trạng vô chính phủ. Chính phủ không có khả năng bảo vệ từng công dân. Phụ nữ lo bị hãm hiếp, đàn ông sợ bị ám sát. Về mặt đạo lý chúng ta đã bị xuống cấp đại loại sánh ngang với loài thú. Kẻ giàu cướp tiền bạc ăn sống nuốt tươi nhân dân, còn bọn tội phạm sát hại tầng lớp nghèo khó và trung lưu. Còn anh Francis, anh là một người duy nhất có khả năng nâng chúng ta lên sống một cách đàng hoàng hơn. Tôi tin là như vậy, tôi tin rằng anh có thể cứu vãn đất nước này. Chính vì vậy tôi mới bắt tay cùng làm việc với anh. Thế mà bây giờ anh lại định bỏ rơi chúng tôi, - Klee dừng lời một lát, rồi nói tiếp: - Anh nên thử sức một lần nữa xem sao, Francis. Vỏn vẹn có bốn năm thôi mà.
Tổng thống Kennedy xúc động. Ông tạ nhận thấy rõ rang cả bốn người này vẫn còn thực sự tin tưởng ông. Và tại nơi sâu thẳm đáy lòng, Kennedy biết rằng mình cố lái để họ nói lên những lời tương tự, để họ có dịp tỏ rõ niềm tin tưởng của họ vào ông để họ phải cùng chịu trách nhiệm với ông. Kennedy thật sự vui mừng mỉm cười với họ.
- Tôi thiết nghĩ ta có thể chấm dứt vấn đề được rồi, - Kennedy nói.
Họ coi như vậy là lời giải tán và trừ Christian Klee, mấy người kia rời khỏi phòng.

Christian bất chợt hỏi:
- Khi nào cô Theresa sẽ về nhà nghỉ, anh Francis?
Kennedy nhún vai, đáp:
- Cháu nó đang ở Rome với anh bạn trai mới. Theresa sẽ bay về vào Chủ Nhật Phục Sinh. Như mọi khi, nó cứ làm ra vẻ chẳng hay biết gì về ngày lễ thánh.
Christian liền nói luôn:
- Tôi rất vui là cháu Theresa sẽ rời thoát địa ngục. Tôi thực sự chẳng thể bảo vệ nổi cháu bên châu Âu. Và cô nàng đinh ninh rằng bên ấy tha hồ muốn nói năng ra sao thì nói, không sợ bị tâu về đây, - Christian ngừng lời một lát rồi nói tiếp: - Nếu anh muốn ra tái cử, tốt hơn hết anh nên tránh xa cô con gái hoặc không thừa nhận cô ấy.
- Tôi không thể làm vậy được. Nếu tôi ra tái cử, tôi sẽ cần lá phiếu của người cấp tiến bênh vực bình quyền của phụ nữ.
Christian cười và nói:
- Được thôi. Bây giờ ta bàn về lễ sinh nhật của Oracle. Ông ta thực sự vui thích chờ đợi buổi lễ đó.
- Khỏi lo đi, - Kennedy nói. – Tôi sẽ tổ chức thật thịnh soạn. Lạy Chúa, già trăm tuổi rồi mà ông ta còn vui thích chờ đợi lễ sinh nhật của mình.
- Ông ta đã và đang là một nhân vật quan trọng, - Christian nói.
Kennedy cảnh giác nhìn Christian, rồi nói:
- Anh luôn say mê ông ta hơn tôi nhiều. Ông ta có lỗi lầm, sơ suất của riêng mình.
- Chắc chắn rồi, - Christian nói. – Nhưng tôi chưa thấy một người đàn ông nào kiểm soát được cuộc đời mình tài giỏi hơn ông ấy. Cuộc đời tôi thay đổi nhờ sự khuyên bảo và sự dìu dắt của ông ấy, - Christian ngừng lời một lát, rồi nói tiếp – Tối nay tôi sẽ dùng bữa tối với ông ấy, tôi sẽ nói lại với Oracle rằng buổi lễ nhất định sẽ được tổ chức.
Kennedy lạnh lùng mỉm cười, rồi bảo:
- Anh cứ yên tâm nói lại với ông ta điều ấy.

Thời gian còn lại trong ngày hôm đó, Kennedy ký tại Oval Office một số giấy tờ, rồi ngồi bên bàn làm việc và đưa mắt nhìn qua cửa sổ. Ông nhìn thấy phần trên các cổng quanh khu Nhà trắng cắm cọc thép căng dây thép gai truyền điện. Như mọi lần, ông khó chịu khi thấy mình ở gần kề ngay các đường phố và công chúng, tuy ông biết rằng việc lo ngại bị bất ngờ tấn công xem ra chỉ là ảo ảnh. Ông được bảo vệ tuyệt vời. Nhà trắng có bẩy hàng rào bảo vệ. Cứ cách hai dặm, mỗi tòa cao ốc lại có một đội bảo vệ bố trí trên các nóc nhà và các căn hộ. Trên tất cả các đường phố đổ về Nhà trắng đều có trạm lính biệt kích được trang bị vũ khí bắn cực nhanh và cực mạnh. Đặc vụ được gài vào đám hàng trăm du khách tới thăm tầng trệt Nhà trắng vào buổi sáng, chúng thường xuyên đi lại giữa các đám du khách, tham gia các câu chuyện vặt vãnh của họ, mắt luôn đảo quanh hốt hoảng. Mỗi insơ trong Nhà trắng mà những khách du lịch này được phép tham quan, sau các đoạn thừng ngăn, có bố trí đầu máy quay T.V. và hệ thống thu tiếng đặc biệt có thể ghi lại những tiếng thì thầm kín đáo. Tại mỗi góc hành lang đều đặt các bàn máy tính đặc biệt do các vệ sĩ mang vũ trang điều khiển, có thể coi như đấy là các bức rào chắn. Suốt thời gian dân chúng được phép thăm quan này, Kennedy luôn ở trên lầu tư mới được đặc biệt xây cất dùng làm khu vực ở. Trần, tường, sân khu vực này cũng được gia cố đặc biệt.
Lúc này, tại Oval Office nổi tiếng, nơi ông hãn hữu lui tới, trừ trường hợp phải ký những văn bản chính thức trong các đại lễ, Francis Kennedy được ngồi hoàn toàn một mình thư giãn thoải mái dăm ba phút. Kennedy lấy từ trong hộp giữ độ ẩm cho xì gà đặt lên bàn ra một điếu xì gà Cuba mảnh và dài, ngửi ngửi mùi dầu thuốc thoảng trên lớp lá thuốc cuốn vân vê trong đầu các ngòn tay. Ông ta xén một đầu điếu thuốc, thận trọng châm thuốc rít mạnh một hơi và đưa mắt nhìn qua các cửa sổ lắp kính lớp kính chống đạn.
Kennedy hình dung mình là chú bé chạy băng qua bãi cỏ xanh mượt qua trạm gác quét sơn trắng phía xa xa để đón hai bác Jack và Robert. Kennedy rất quý mến hai bác mình. Bác Jack thật duyên dáng, mang nhiều đặc tính trẻ nhỏ và có uy quyền lớn gây niềm tin rằng trẻ nhỏ có thể sử dụng quyền lực với toàn thế giới. Còn bác Robert thì rất nghiêm, đứng đắn nhưng thật dịu dàng và thích khôi hài. Và đến đây Francis Kennedy nghĩ, không, chúng ta đã gọi bác ấy là bác Bobby chứ chẳng phải Robert hoặc đôi lúc đã gọi bác ấy bằng cái tên đó? Francis Kennedy chẳng còn nhớ lại được nữa.
Nhưng Francis Kennedy đã nhớ rằng vào một ngày cách đây bốn chục năm, khi ông chạy ra đón cả hai bác ấy trên bãi cỏ này, mỗi người liền xốc một nách chú bé và nhấc bổng không để chân chạm đất mãi cho tới lúc vào đến Nhà trắng.
Và bây giờ Francis Kennedy đang ở cương vị trước đây của họ. Quyền lực đã làm ông lúc còn bé phát hoảng thì lúc này đã nằm trong tay ông. Thật đầy lòng trắc ẩn là kỷ niệm đó đã khơi gọi cho ông thấy sống lại với bao khổ đau và bao điều tốt đẹp cũng như bao nỗi ê chề thất vọng. Họ đã chết chẳng phải đề ông nghiền ngẫm chuyện sợ hãi phải rút chạy
Vào ngày Thứ Sáu Thánh Thiện này, Francis Kennedy không hề hay biết rằng toàn bộ sự việc này có thể bị hai tên khủng bố vô nghĩa ở Rome gây đảo lộn.

..........
(1) Nhà tiên tri. (Chú thích trong sách là của người dịch).
(2) Trong trắng.
(3) Người khổng lồ một mắt (Thần thoại Hy Lạp).
ĐỜI TỔNG THỐNG K. THỨ TƯ
LỜI NGƯỜI DỊCH
CHƯƠNG 1
CHƯƠNG 2
CHƯƠNG 3
CHƯƠNG 4
CHƯƠNG 5
CHƯƠNG 6
CHƯƠNG 7
CHƯƠNG 8
CHƯƠNG 9
CHƯƠNG 10
CHƯƠNG 11
CHƯƠNG 12
CHƯƠNG 13
CHƯƠNG 14
CHƯƠNG 15
CHƯƠNG 16
CHƯƠNG 17
CHƯƠNG 18
CHƯƠNG 19
CHƯƠNG 20
CHƯƠNG 21
CHƯƠNG 22
CHƯƠNG 23