Chương 13
Tác giả: Minh Hương
Chiều thứ bảy, Từ Anh không về nhà. Bữa cơm chỉ có Từ My và cu Kỳ, bà Thi thì mệt mỏi không thiết gì đến ăn uống.
“Hôm nay cu Kỳ làm sao ấy nhỉ?” Từ My nghĩ như vậy khi thấy thái độ không bình thường của em trai. Suốt buổi ăn, nó không hỏi câu nào, cứ lầm lũi như một cái bóng. Không chịu nổi trước thái độ kỳ lạ đó, Từ My hỏi:
– Hôm nay, em làm sao vậy?
Lúc này cậu ta mới chịu nhìn lên, nhưng vẫn không ngưng và cơm.
– Ăn cái kiểu ấy là mắc nghẹn bây giờ đấy.
Cu Kỳ cũng không buồn đính chính, chú bé đang nghĩ đến chuyện sáng nay của mẹ. Nhưng chú không muốn nói gì với Từ My, vì chú cho rằng: “con gái thường lắm chuyện”. Chừng nào xong nói với chị ấy cũng chẳng muộn.
Ăn xong, mặc quần áo vào, cu Kỳ nói:
– Em đến nhà bạn nghe chị My.
Đang dọn dẹp bát đĩa, nghe cu Kỳ nói, My ngước lên dặn:
– Đi đâu thì đi, nhưng về sớm khóa cổng nghen.
– Dạ.
Nói xong, cậu bé dắt xe đạp ra khỏi nhà.
oOo
“Tan trường, tan trường.
Tà áo em bay lựa mây trắng
Tan trường, tan…”.
– Anh Phương!
Hùng Phương đang ngồi ôm cây đàn ghi ta, miệng hát nho nhỏ bài hát quen thuộc. Nghe tiếng gọi, anh nhìn ra phía cửa sổ thì bắt gặp một gương mặt quen thuộc. Anh bỏ đàn xuống, đi ra mở cửa.
– Vào đây! Vào đây em.
– Anh Phương! Anh em ta đi uống nước nha.
“Chà! Hôm nay có gì mà chú bé ra vẻ người lớn quá ta”. Mỉm cười với Kỳ, anh nói:
– Cu Kỳ bỏ ý định “phục thù” rồi à?
Chú bé cố giải thích:
– Để khi khác em sẽ phục thù anh. Còn hôm nay em muốn nói với anh một chuyện quan trọng mà.
– Chuyện quan trọng gì đi nữa, thì em cũng phải vào nhà một chút chứ.
– Nhưng…
– Thôi được rồi, chờ anh xin phép đã nhé.
“Ông này hôm nay còn làm bộ làm tịch nữa, xin với chả phép, đi thì đi quách cho rồi. Người ta nóng ruột muốn chết còn ông thì cứ là con con cà con kê mãi”.
– Đi em.
Phương dẫn ra một chiếc xe đạp nữa, hai anh em hòa nhập với từng đoàn người dập dìu trên đường phố. Chạy được một đoạn khá xa, Phương hỏi:
– Mẹ khỏe không em?
“Ái chà chà! Ông này cả gan thật, chưa chi đã gọi me nghe… ngọt xớt”.
– Cám ơn anh, mẹ em vẫn khoẻ.
– Lúc nãy em đi, chị Mỹ đang làm gì?
“Biết mà, làm bộ hỏi thăm vòng vòng để rồi tấp bên lại một chỗ. Bụng dạ Ông, tôi biết tỏng tòng tong rồi, ông ơi”.
– Em làm sao vậy Kỳ? – Phương hỏi khi thấy chú bé im lặng đột ngột.
– À! Chị ấy vừa mới đi đâu đó với bạn.
Hùng Phương hỏi dồn:
– Bạn nào vậy?
– Ừm, thì cái anh gì bạn cùng lớp với chị ấy, em không rõ nữa.
– Chỉ có hai người à?
– Dạ.
Hùng Phương không hỏi gì nữa, anh lầm lũi đạp xe. Thấy không nên kéo dài tình trạng này cu Kỳ nói:
– Mình vào đây uống nước đi anh Phương. – Cậu bé chỉ cái quán nhỏ bên đường.
– Ừ, cũng được.
Hai anh em dẫn xe đạp vào dựng một góc rồi kéo ghế ngồi cạnh đó.
Hùng Phương đốt thuốc lá. Anh rít một hơi thật sâu và nhìn vào khoảng không phía trước mặt. Nhìn anh, tự nhiên Kỳ thấy hối hận vì câu nói đùa vô ý thức của mình. Cậu bé phá vỡ bầu không khí im lặng:
– Anh Phương này!
– Gì đó em? – Giọng anh vẫn ngọt ngào.
– Khi nãy em nói đùa đấy.
Như chưa hiểu được câu nói của cậu bé, Phương nhíu mày.
– Chị My em ở nhà học bài chứ không có đi chơi với ai cả. – Kỳ giải thích.
– Thì ra nãy giờ em ngỡ anh buồn vì chuyện chị My đó hả? – Phương cười thật hiền.
– Nếu thực sự như vậy, anh có buồn chị My không?
Hùng Phương rít thật sâu một hơi thuốc nữa. Nhìn Kỳ một hồi lâu, anh nói:
– Em muốn biết thật à?
– Nhưng anh không muốn nói thì thôi, em không ép đâu.
– Thôi, ta bỏ qua chuyện đó nhé. – Hùng Phương chấm dứt câu chuyện bằng cách hỏi lảng sang đề tài khác.
– Khi nãy em có nói chuyện gì cần đến anh vậy?
Cu Kỳ trở lại nhiệm vụ chính của mình. Em kể toàn bộ câu chuyện giữa người đàn ông và mẹ mình. Cuối cùng, cậu nói:
– Có cách nào giúp mẹ em lấy lại số tiền đó không anh?
Hùng Phương thôi không hút thuốc nữa. Sau một lúc suy nghĩ, không trả lời thẳng câu hỏi của cu Kỳ, anh nói:
– Cái máy hỏng đó bây giờ ở đâu? Em có nghe ông ấy nói không?
– Hình như người ta vừa chở đến cho mẹ em hồi chiều.
– Thôi được rồi, anh sẽ đến gặp mẹ để nói chuyện này.
Cu Kỳ hốt hoảng:
– Không được đâu anh, chuyện này em nghe trộm mà. Anh đến nói chuyện với mẹ, lỡ…
Hùng Phương nhìn cu Kỳ bằng ánh mắt nghiêm nghị mà trước nay chú bé chưa từng thấy ở anh, nhưng gìo.ng Phương vẫn không có gì là giận dữ.
– Em có muốn giúp mẹ không?
– Tất nhiên là có.
– Thế tại sao không đồng ý việc anh đến gặp bà?
Thấy chú bé có vẻ lúng túng, Phương hỏi tiếp chuyện khác:
– Từ Anh có về không em?
– Dạ không.
– Sáng mai, Từ My có nhà chứ?
– Hình như chị ấy có giờ học thêm buổi sáng.
– Vậy là ổn rồi. Anh muốn nói chuyện này chỉ có hai chúng ta biết thôi.
– Em cũng thế.
Như đã trút được gánh nặng trong lòng, mặt cu Kỳ sáng lên, trông chú mạnh mẽ và đàn ông dễ sợ.
– Sáng mai, mấy giờ anh đến?
– Khoảng bảy giờ rưỡi.
– Em đợi.
– Giờ thì chia tay ở đây nhé.
Hai an hem cùng đứng dậy, mỗi người rẽ một hướng.
oOo
– Kỳ ơi! Sáng rồi, dậy đi em.
Cu Kỳ ngồi bật dậy, chú liếc nhìn đồng hồ tay “Chết! Bảy giờ rồi à?”. Kỳ nhảy vội xuống giường và đi vào phòng tắm.
– Chị vẫn chưa đi học à?
– Chị đi ngay bây giờ đây. Cháo chị nấu sẵn cho mẹ bắc trên bếp. Tí nữa mẹ dậy, em lấy cho mẹ ăn nghe.
– Còn em ăn gì đây? – Cậu bé tranh thủ hỏi.
– Gói mì Vifon chị để trong tủ ấy.
Thế là cậu bé nhanh chóng đi vào bếp để giải quyết vấn đề bao tử.
Ăn sáng xong, cu Kỳ ra phòng khách ngồi chờ Hùng Phương.
Bà Thi đã dậy từ bao giờ, bà mặc bộ bà ba màu vàng chanh may rất khéo, càng làm tăng thêm vẻ quý phái ở bà. Thấy mẹ xách giỏ từ trong phòng bước ra, cu Kỳ hoảng hốt:
– Hôm nay, mẹ đi đâu vậy?
– Mẹ đi chợ.
Cu Kỳ đứng dậy, nắm cánh tay mẹ.
– Nhưng mẹ chưa khỏe hẳn mà. Mẹ ăn cháo nha. Tí nữa muốn ăn gì, mẹ bảo con đi chợ mua cũng được.
Bà Thi nhìn con bằng ánh mắt thật buồn. Ngồi xuống ghế xa lông, bà nói:
– Mẹ còn phải đi công chuyện nữa.
Cu Kỳ liếc nhìn ra cổng. “Bảy giờ hai mươi lăm, tí xíu nữa anh Phương sẽ đến. Phải tìm cách giữ mẹ Ở nhà mới được”.
– Con lấy cháo mẹ ăn xong, rồi đi cũng được mà.
– Mẹ không đói.
– Vậy thì con khuấy sữa cho mẹ uống nha?
Thấy không thể từ chối trước sự lo lắng của con trai, bà Thi nhẹ gật đầu.
Vừa khuấy xong ly sữa cho mẹ, cu Kỳ mới ngồi vào ghế, thì có tiếng chuông reo ngoài cổng. Đã biết đó là ai, nhưng chú vẫn vờ như không biết.
– Để con ra mở cửa xem ai nha mẹ.
– Ừ.
Hùng Phương lễ phép:
– Cháu chào bác ạ.
– Ủa! Phương đó hả?
– Thưa, lúc này bác vẫn khỏe?
– Cám ơn cháu, bác vẫn khỏe.
Nhìn một lượt khắp nhà, Phương hỏi:
– Tuần này, Từ Anh không về sao bác?
– Nó có báo trước là bận việc gì đó, nên không về được. Hôm nay cháu đến đây chơi hay có chuyện gì không vậy?
Phương cười vờ thật thà:
– Chẳng giấu gì bác, cháu và anh Đắc Phong có mở một cơ sở sửa chữa máy móc đủ loại, nhưng lúc này ế ẩm quá bác à. Do đó cháu muốn đến hỏi thăm bác xem trong xí nghiệp ta có máy móc gì bị hỏng không, để chúng cháu có thể nhận về sửa hoặc tân trang.
Mắt bà Thi vụt sáng lên:
– Thế à? May mắn quá! Hôm qua bạn của bác có mang đến đây một cái máy in đã cũ, cần tân trang lại hoàn toàn. Vậy cháu vào phòng bác xem thử nhé.
Bà Thi đứng lên đi về phòng mình, Hùng Phương nháy mắt với cu Kỳ. Vài phút sau, anh đã đứng trước một cái máy cũ, hay nói đúng hơn đó chỉ là một đống sắt vụn. “Hèn gì không ai thèm nhận sửa cả”.
– Cháu xem có thể sửa giùm bác trong thời gian ngắn nhất không?
Xem kỹ từng bộ phận máy, Hùng Phương khẳng định:
– Loại máy này, chúng con đã có sửa qua, nhưng thời gian nhanh hay chậm thì con phải bàn với anh Phong, sau đó mới có thể trả lời bác được.
– Vậy à!
Để đạt được mục đích cuối cùng, Phương đành phải nói dối:
– Theo dự đoán của con, thì để hoàn thành máy này, phải mất từ một tháng đến hai tháng, bác à.
Bà Thi quá khổ sở nên thú nhận:
– Để sửa máy này, bác phải đổi lấy cả hai cây vàng đó cháu.
Rồi thế là y như rằng, bà Thi kể lại toàn bộ sự việc cho Phương nghe. Anh kết luận:
– Có thể đây là một nhóm chuyên làm hàng giả, và bác đã vô tình đưa tiền cho bọn chúng mua những nguyên liệu phế thải về để chế biến lại.
Nước mắt bà Thi lưng tròng:
– Bác không hề biết gì về chuyện này Phương ơi. Chỉ tại bác ham lợi thôi mà.
Hùng Phương an ủi:
– Chắc là không sao đâu. Chúng con sẽ tìm cách lấy lại số tiền đó cho bác. – Ngưng lại một tí anh nói tiếp – Thế, thường khi bác giao tiền cho ai?
– Bác đưa cho ông Luân, cháu à.
Ông Luân? Hùng Phương sửng sốt thật sự. Sao lại là ông ấy? Ông ấy cũng là nạn nhân ư? Hay là… Hùng Phương đột nhiên thấy bực dọc:
– Có lẽ cháu không lãnh cái máy này được.
– Cháu không giúp được bác sao?
Nhìn gương mặt người đàn bà trước mặt, tự dưng Phương lại nhờ đến mẹ mình quá. Đã một thời bà đau khổ vì người đàn ông ấy. Chẳng lẽ bây giờ anh lại để cho người đàn bà này mất tiền vì ông ta sao?
– Thôi được, cháu sẽ mang máy này về nhà ngay bây giờ.
Bà Thi đứng lên khỏi ghế, nắm lấy cánh tay Phương tỏ vẻ biết ơn:
– Bác tin tưởng rất nhiều ở cháu. Còn thời gian và địa điểm giao hàng, bác sẽ báo với cháu sau nhé.
– Dạ.
Hùng Phưong ra về, lòng anh rối như tơ vò.