ĐỊNH HUỚNG
Tác giả: Mitch Albom
Một tay tôi quay vô lăng điều khiển xe hơi quẹo sang phố có ngôi nhà của thầy Morrie ở West Newton, tay còn lại cầm ly cà phê, đầu ngoẹo xuống vai giữ chiếc điện thoại di động. Tôi đang thảo luận với người chủ nhiệm về chương trình truyền hình chúng tôi đang thực hiện. Mắt tôi hết liếc nhìn mặt số chiếc đồng hồ điện tử đeo tay - chuyến bay khứ hồi của tôi sẽ cất cánh sau vài giờ nữa - lại dòm chừng số hòm thư dựng bên con đường cao tốc ba làn xe. Tóm lại tôi làm tới năm việc cùng một lúc.
"Quay lại băng coi nào!", tôi nói với người chủ nhiệm chương trình qua điện thoại. "Cho nghe lại đoạn đó lần nữa đi".
"Được" ông ta trả lời. "Chờ chút nhé”
Đột nhiên ngôi nhà cần tìm xuất hiện như tù dưới đất chui lên. Tôi đạp thắng gấp. Ly cà phê sóng sánh, rớt vài giọt lên đùi. Xe vừa dừng lại, đập vào mắt tôi là bóng một cây gỗ thích Nhật Bản lớn và ba người ngồi gần đường rẽ vào nhà. Một cô gái, một người phụ nữ đã luống tuổi bên cạnh một ông già nhỏ thó ngồi trong chiếc xe lăn.
Thầy Morrie.
Thoáng thấy bóng thầy, người tôi tê cứng.
"Alô?", tiếng người chủ nhiệm vang lên trong tai tôi "Cậu sao im lặng thế...?"
Đã 16 năm tôi không gặp lại nay tóc thầy đã thưa hơn, gần như bạc trắng. Khuôn mặt hốc hác. Bỗng nhiên tôi cảm thấy mình chưa sẵn sàng cho cuộc đoàn viên này. Tôi chỉ mong thầy đừng nhận ra sự có mặt của tôi để tôi có thể lái xe qua khu này thêm vài vòng vừa tranh thủ hoàn tất công việc dở dang, vừa chuẩn bị tâm lý cho cuộc gặp gỡ. Thế nhưng thầy Morrie đang mỉm cười nhìn chiếc xe hơi như chờ tôi xuất hiện.
"Này”, lại tiếng của người chủ nhiệm chương trình. "Cậu có đó không đấy?"
Nhớ tới những năm tháng bên thầy, nhớ tới lòng tốt và sự kiên nhẫn mà thầy đã dành cho tôi khi tôi còn trẻ, tôi chỉ muốn quăng máy điện thoại đi, nhảy ra khỏi xe nhào tới ôm hôn thầy.
Nhưng rồi tôi tắt máy xe hơi, cúi gập người xuống ghế ra bộ tìm kiếm vật gì.
"Tôi đây", tôi thì thào vào máy di động và tiếp tục điện đàm với người chủ nhiệm chương trình cho tới lúc chúng tôi bàn xong việc.
Tôi vừa ứng xử theo đúng cái cách đã giúp tôi trở thành người xuất sắc nhất trong công việc. Chăm lo công việc trên hết, thậm chí cả khi người thầy cũ đang hấp hối chờ tôi trên bãi cỏ. Tôi không tự hào về điều này, nhưng tôi đã hành xử như vậy.
Còn bây giờ, thầy Morrie đang ôm hôn tôi. Những cọng râu lưa thưa của ông cọ vào má tôi. Tôi giải thích với ông rằng vì mải kiếm chùm chìa khoá nên tôi mới nấn ná trong xe lâu như vậy. Tôi siết chặt ông vào lòng, dường như muốn khoả lấp nhũng lời dối trá của mình. Mặc dầu mặt trời mùa xuân ấm áp, thầy Morrie vẫn khoác thiếc áo gió, chân thầy ẩn dưới tấm mền mỏng. Người thầy phảng phất mùi hơi chua chua thường thấy ở những người dùng thuốc quá nhiều. Khi thầy áp mặt vào sát má tôi, tôi nghe thấy hơi thở dốc bên tai.
"Anh bạn cũ của ta rốt cục cũng đã trở về!", thầy Morrie nói khẽ .
Ông bám cứng không rời, hai cánh tay khư khư giữ chặt khủy tay tôi. Tôi sửng sốt trước tình cảm đặc biệt ông dành cho tôi sau bấy nhiêu năm. Quả tình, từ lâu tôi đã tự nhốt mình giữa bốn bức tường đá do chính tôi dựng lên ngăn cách hiện tại với quá khứ. Lâu nay, tôi quên rằng đã có thời tôi và thầy rất gần gũi nhau. Ký ức như sống lại, nhắc tôi nhớ đến ngày tốt nghiệp, nhớ chiếc cặp, nhớ những giọt nước mắt của thầy lúc chia tay. Tôi nuốt nước bọt. Tự đáy lòng, tôi hiểu rằng mình đã không còn là cậu sinh viên tốt bụng mang quà tặng thầy giáo như trong trí nhớ của thầy Morrie.
Tôi chỉ hy vọng là sau cuộc gặp gỡ kéo dài vài giờ sắp tới, trong tâm niệm của thầy, tôi sẽ lại vẫn là cậu học trò xưa.
Vào nhà, thầy trò cùng ngồi bên chiếc bàn bằng gỗ óc chó bên chiếc cửa sổ trông sang nhà hàng xóm. Thầy Morrie cuống quýt lăn đôi bánh xe lăn để tìm góc ngồi thuận tiện nhất. Như thủa xưa, thầy hỏi tôi có nếm một chút gì không. Tôi gật đầu. Chị giúp việc người Ý mập mạp tên là Connie cắt mấy khoanh bánh mì đặt cạnh đĩa xà lách trộn, gà nấu đậu.
Vừa nhác thấy Connie đặt lên bàn một nắm thuốc, thầy Morrie nhìn chúng thở dài. Hai hốc mắt thầy trũng sâu, đôi gò má cao cao hơn so với hình ảnh ghi trong ký ức của tôi. Chúng khiến cho vẻ mặt thầy khắc nghiệt hơn xưa, cho tới lúc nụ cười xuất hiện trên môi.
"Này Mitch", thầy nói nhẹ nhàng, "Con biết ta sắp chết chứ?"
Tôi biết.
"Vậy thì", Morrie nuốt nốt mấy viên thuốc còn lại, đặt chiếc ly giấy xuống, hít vào một hơi sâu rồi thở mạnh ra. "Ta sẽ kể cho con hay nó ra sao".
"Nó? Cái chết ư thưa thầy?"
"Phải", thầy đáp.
Những bài giảng cuối cùng của thầy đã bắt đầu như vậy, ngoài chủ ý của tôi.
Dạo tôi còn học năm thứ nhất, thầy Morrie là vị giáo sư cao tuổi nhất trường, còn tôi là cậu sinh viên măng sữa. Hòng bù lại sự thiếu hụt về tuổi tác, tôi thường mặc chiếc áo trấn thủ xám, năng lui tới một câu lạc bộ thể thao trong vùng tập quyền Anh và đi vòng vòng với điếu thuốc lá cháy dở trên môi mặc dù tôi chẳng hề biết hút thuốc. Lúc nào cửa kính xe hơi Mercury Congar của tôi cũng hạ xuống, từ đó vọng ra tiếng nhạc rống ong ỏng. Tôi muốn phô bày bản thân như một người cứng cỏi và từng trải. Kỳ tình, tôi bị cuốn hút bởi sự dịu đàng của thầy Morrie. Còn ông lại làm như không chú ý tới những trò làm bộ làm tịch trẻ con của tôi, vì thế tôi chùng xuống.
Học hết năm thứ nhất với thầy, tôi chuyển sang lớp khác. Thầy Morrie dễ dãi trong việc chấm điểm, thầy không chú ý tới điểm số của học trò. Người ta kể rằng hồi còn chiến tranh Việt Nam, đã có lần thầy chấm điểm A cho tất cả sinh viên nam trong lớp để họ khỏi bị gọi quân dịch.
Thầy Morrie thích biệt danh, vì thế tôi chuyển sang gọi thầy là Coach, theo đúng cách chúng tôi vẫn xưng hô với huấn luyện viên trong câu lạc bộ thể thao của trường.
“Coach à?”, thầy Morrie nhướng mày. "Tốt. Vậy ta sẽ là huấn luyện viên, còn con sẽ là vận động viên. Con có thể chơi được tất cả những trò đời mà bây giờ ta đành chịu thua vì đã quá già.”