Mitch Albom
PHUƠNG TIỆN NGHE NHÌN
Tác giả: Mitch Albom
Tháng Ba năm 1995, một chiếc xe hơi sang trọng đưa Ted Koppel, người dẫn chương trình truyền hình Câu chuyện hàng đêm của hãng truyền hình ABC, xịch đỗ trước những bậc thềm phủ đầy tuyết ngoài cửa nhà thầy Morrie ở West Newton (Massachusetts).
Giờ đây, thầy Morrie phải ngồi cả ngày trong xe lăn, và ông đã quen với việc người khác nâng ông như nâng một bao cát nặng trịch từ ghế lên giường và ngược lại. Thầy thường ho trong lúc ăn uống. Với đôi chân đã bị liệt hoàn toàn, thầy không bao giờ có thể đi lại được nữa.
Tuy thế, thầy Morrie chẳng hề buồn phiền. Ngược lại, giờ đây ông giống như cây pháo bông đang cháy, lúc nào cũng toé ra những ý tưởng rực rỡ. Thầy ghi chúng lên những tập giấy nháp vàng ố, bì thư, cặp giấy. Triết học của thầy phảng phất hình bóng cái chết: "Hãy chấp nhận nhũng gì bạn có thể làm được và cả những điều không thể làm được"; "Hãy chấp nhận quá khứ như những gì đã xảy ra, không phủ nhận cũng không vứt bỏ nó” ; "Hãy học tha thứ cho mình và cho những người khác"; "Chớ bao giờ cho là đã quá muộn để tận tâm với công việc".
Thầy Morrie đã tích lũy được khoảng năm chục câu "cách ngôn" tương tự và ông chia sẻ chúng với bạn bè. Một người bạn, đồng nghiệp với thầy ở trường Brandeis, giáo sư Maurie Stein, đã lựa vài ba câu gởi cho phóng viên của tờ Địa cầu Boston. Anh chàng này bèn viết một bài phóng sự dài về thầy Morrie với đầu đề:
KHÓA HỌC SAU CHÓT CỦA VỊ GIÁO SƯ:
CÁI CHẾT CỦA BẢN THÂN
Bài báo lọt vào mắt chủ nhiệm chương trình Câu chuyện hàng đêm của ABC và nó được gửi tới Washington D.C cho Ted Koppel.
"Xem đây này,” người chủ nhiệm nói.
Chuyện tiếp theo bạn đã biết. Căn phòng nhỏ của thầy Morrie chật ních các tay quay camera truyền hình, còn chiếc xe của Ted Koppel đậu trước nhà.
Một vài người bạn cùng những người thân trong gia đình thầy Morrie quây quần chờ gặp Ted. Khi con người nổi danh ấy bước vào nhà, họ tranh nhau nói ồn ào. Thầy Morrie tự lăn xe ra cửa, nhướng mày và cắt đứt sự ồn ào bằng một giọng cao và du dương như hát.
"Ted, tôi cần kiểm tra anh trước khi chấp nhận trả lời phỏng vấn".
Một thoáng im lặng ngượng nghịu trước khi hai người đàn ông dẫn nhau vào phòng làm việc. Cánh cửa khép lại sau lưng họ.
"Tôi hy vọng Ted sẽ dễ dàng thuyết phục được Morrie". người nào đó thì thào phía ngoài cửa.
Trong phòng, Morrie ra dấu cho Koppel ngồi xuống. Ted đặt hai bàn tay lên đùi và mỉm cười.
"Kể cho tôi nghe cái gì đó gắn bó gần gũi với anh nhất", thầy Morrie hỏi.
"Với tôi ấy à?"
Koppel chăm chú nhìn ông già. "Được thôi", Ted đáp và rồi anh kể về những đứa con mình. Tất nhiên, con cái chắc chắn là những gì gần gụi nhất, phải không?
"Tốt". thầy Morrie nói. "Nào, bây giờ hãy nói cho ta nghe về lòng trung thành của anh".
Koppel bối rối. "Thật khó nói những chuyện ấy với người khác chỉ trong vài phút".
"Ted. tôi sắp chết", thầy Morrie nói, mắt ông nhìn Koppel săm soi qua đôi kiếng. "Tôi chẳng còn bao nhiêu thời gian".
Koppel cười. Được thôi. Chúng ta sẽ nói chuyện về lòng trung thực. Koppel trích dẫn một số đoạn của Marcus Aurelius mà ông rất thích.
Morrie gật đầu.
"Bây giờ hãy để tôi hỏi cụ đôi chút chứ", Koppel nói "Cụ đã có khi nào xem chương trình của chúng tôi chưa?"
Thầy Morrie nhún vai: "Hình như hai lần"
"Hai lần? Có thế thôi à?"
"Đừng buồn. Tôi xem chương trình của Oprah vỏn vẹn có một lần"
"Vâng. Thế sau hai lần xem chương trình của tôi cụ nghĩ gì?"
Thầy Morrie thoáng ngập ngừng: "Nói thật lòng chứ?"
"Vâng"
"Tôi nghĩ anh là kẻ tự ngắm mình"
Koppel phá ra cười.
"Tôi quá xấu xí để tự say mê chính mình". Ông ta đáp.
Chả mấy chốc camêra truyền hình bắt đầu chạy qua chạy lại trước lò sưởi phòng khách. Koppel khoác lên mình bộ áo vét diêm dúa màu xanh da trời, còn thầy Morrie lại từ chối chỉnh trang quần áo và hoá trang đôi chút. Ông bảo rằng cái chết phải làm cho người ta cảm thấy lúng túng vì thế ông không chịu để cho người ta đánh phấn lên mặt.
Thầy Morrie ngồi trong xe lăn nên hình ảnh đôi chân bị teo tóp của thầy không hề lọt vào ống kính camêra. Tay thầy vẫn còn cử động được nên khi nói chuyện thầy vẫn ra dấu biểu lộ những cảm xúc của mình khi phải đối diện với thần chết.
"Ted", thầy nói, "khi biết mắc bệnh nan y, tôi tự hỏi liệu mình sẽ lãnh đạm với thế giới hay vẫn sống theo cách mà tôi muốn: tự trọng và điềm tĩnh, dũng cảm và hài hước. Có những buổi sáng tôi khóc và khóc mãi như đang dự đám tang chính mình vậy. Lại có những buổi sáng tôi cảm thấy giận dữ và cay đắng.
“Nhưng tất cả những thái cực ấy đều không kéo dài được lâu. Tôi đứng dậy và nói: “Tôi muốn sống...”
"Cho đến giờ tôi đã làm được điều đó. Liệu tôi còn đủ khả năng tiếp tục hay không, tôi chưa biết. Nhưng tôi đánh cuộc rằng tôi sẽ làm được".
Kopel dường như bị cuốn hút bởi câu chuyện của Morrie. Hai người đàm luận về kiếp sau, rồi sau chuyển sang việc sinh hoạt của thầy ngày càng phụ thuộc vào những người khác. Hiện thầy cần người bón cho ăn, cần người chuyện trò và giúp thầy di chuyển từ chỗ này qua chỗ khác. Koppel hỏi liệu thầy có sợ hãi tình trạng suy sụp từ từ này hay không?
Chương trình được phát sóng vào tối thứ Sáu. Nó bắt đầu bằng hình ảnh Ted Koppel ngồi sau bàn giấy của mình ở Washington. Giọng của ông oang oang đầy quyền lực.
"Morrie Schwartz là ai," Koppel nói, "và tại sao cho tới trước đêm nay đã có quá nhiều người quan tâm tới ông?"
Đúng thời khắc đó, trong ngôi nhà trên một quả đồi nhỏ nằm cách trường quay vài ngàn cây số, tôi tình cờ bật máy truyền hình. Lời của người dẫn chương trình "Morrie Schwartz là ai?” khiến toàn thân tôi tê cứng.