Chương 7
Tác giả: Nghiêm Lệ Quân
Tai họa đưa đến cho gia đình ông sáu Long một cách bất ngờ. Sau khi đi thăm anh Cung trở về nhà, tối lại , cả vợ chồng tư Luông phát bịnh dịc tả.
Lúc đầu, ông sáu Long còn cho con trai với dâu ông uống rượu thuốc hạ thổ lâu năm, cùng với cá thứ thuốc nam sẳn có trong nhà . Chừng ông thấy cơn bịnh không chận đứng được , mà lại càng tăng thêm nặng, ông mới nhờ người hàng xóm đi gọi ban cứu cấp xã đến chữa bịnh cho vợ chôéng tư Luông.
Họ đã dùng mọi phương pháp cấp cứu dịc tã theo cổ truyền , nhưng căn bịnh của vợ chồng Tư Luôngchẳng thấy giảm được chút nào. Họ cho là vì để bịnh lậm quá nên khó chữa trị.
Đến lúc trời vừa mờ sáng thì vợ chồng Tư Luông xuôi tay nhắm mắt, sau khi để lại cho ông sáu Long mấy lời trối trăn :
- Ba ! Ba cho thằng Cung gởi lại con Nương. Ba nên bảo bọc con Nương đến ngày thăàng Cung mãn tù, nghe Ba.
Từ phút bịnh, phát nặng, chị Luông không được gần gủi con Nương, nên trước khi chị tắt hơi thở cuối cùng, chị tức tưi với ông sáu Long :
- Ba à ! Ba ráng nuôi con Nương dùm cho chú hai Cung nghe Ba.
Thế rồi, ông sáu Long phải vơ vét hết tiền bạc trong nhà, cộng với chút ít của hàng xóm , bà con chung đậu, ông lo gói gém yên mồ mả cho vợ chồng tư Luông.
Quá đau lòng , ông sáu Long gần như người mất trí . Tối ngày, ông cõng con Nương trên vai, hết ra ngồi khóc bên mã vợ chồng Tư Luông, ông lại đi lang thang ngoài vưòn mà hát lý nghêu ngao .
Mấy lúc ông hát , ông lý như vậy , con bé Nương tưởng là ông đùa giỡn với nó , nó cười ngặt nghẽo. Mà hể nó cười thì ông cũng cười . Ông cười không phải vì ông tìm thấy niềm vui sướng bên cạnh con Nương , mà chính vì nổi thống khổ dằn vặt nát tâm trí ông .
Thấy thế, hàng xóm cũng xót thương cho hoàn cảnh của ông sáu Long . Đến bửa cơm thì người ta gọi ông đến ăn. Nhưng ông chỉ cần xin rượu uống để tìm quên hơn là ăn. Miển là con Nương được no lòng thì ông cõng con Nương đi than vắng thở dài với gió với mây !
Rồi trong một đêm nọ, trong lúc ông sáu Long đang ngồi trên ván quạt cho con Nương ngủ , bổng có một người đàn ông mặc đồ đen với một người đàn bà mặc bộ bà ba trắng bước vào nhà. Ông sáu Long ngạc nhiên vội vàng bỏ chân xuống đất, xoáy mắt nhìn người đàn ông :
- Ủa ! Chú ...
Người đàn ông tươi cười :
- Thưa cậu sáu .
Sau câu chào hỏi của người đàn ông, thiếu phụ cũng bước tới một bước khẽ cúi đầu . Ông sáu Long liền đi lại bàn vặn tỏ ngọn đèn lên, vừa mời khách :
- Chú Năm, cô ... ngồi đi.
người đàn ông mà ông sáu Long gọi bằng chú Năm lẹ tay rút chiếc ghế đẩu bắc ngay trước mặt thiếu phụ:
- Thím ngồi đi thím .
Thiếu phụ tỏ vẻ ái ngại :
- Dạ được.
- Thím cứ ngồi đi rồi nói chuyện ... với cậu sáu tôi .
Thiếu phụ khép nép ngồi xuống ghế , vừa đưa mắt nhìn sang con Nương đang nằm ngủ mê.
Do sự hiện diện của thiếu phụ, ông áu Long đoán biết hai người đến đây phải có việc gì quan trọng lắm. Nhưng , ông vẩn thản nhiên mở bì thuốc vấn một điếu
Đợi chờ mãi mà ông không nghe chú Năm giới thiệu thiếu phụ kia là ai hết . Ông buộc lòng hỏi chú Năm :
- Cô đây là ... ?
Kịp hiểu ý ông, chú Năm đón lời:
- Thưa cậu sáu nó là bà con với tôi, tôi ncon nhà cô ,nó con nhà cậu.
Ông sáu Long gật đầu :
- Vậy ha ? vậy mà tôi đâu có biết.
Chú Năm nhanh miệng :
- Bị nó làm ăn ở Sài gòn, lâu lắm nó mới về đây thăm vợ chồng tôi một lần, nên bà con lối xóm ít ai biết nó.
Bây giờ , ông sáu Long mới gươợng cười :
- Hai anh em qua đây chơi, hay có chuyện chi hôn?
Chú Năm ngập ngừng :
- Dạ ... cũng có chút chuyện .
Ông sáunLong với rút bình trà rót ra hai bát, có lẽ trà đã nguội lắm rồi nên không thấy bốc khói. Đoạn ông nhếch môi phân bua :
- Hai anh em uống tạm miếng nước. Uống tạm vậy nghe, vì tôi buồn rầu ... quá nên không có lo trà nước gì hết .
Thiếu phụ nhoẻn miện cười, nụ cười hàm chút vẻ đài các:
- Dạ được, bác để cho con bác sáu.
Ông sáu Long kéo ghế ngồi ngang với chú Năm , rồi bắt đầu gạn hỏi :
- Chuyện gì đó chú?
Chú Năm đưa mắt nhìn thiếu phụ, ra vẻ suy nghĩ một lúc , đoạn hỏi lại ông sáu Long bằng giọng nghiêm trọng :
- Cậu có nghe tin tức gì về anh hai Cung hôn, cậu sáu ?
Ông sáu Long lắc đầu và rướm nước mắt :
- Vợ chồng thằng Cung chết nay đã đúng cái tuần trăm ngày rồi , là thằng Cung bị giải về quận hơn ba tháng. Từ ngày đó tới nay , tôi không biết người ta giam nó ở đâu mà đi thăm. Nghe mấy ông ngoài làng , nói nó đã bị giải luôn lên Sài gòn lâu rồi .
Chú Năm ngoảnh lại nhìn con Nương và hỏi :
- Bay giờ, cậu phải nuôi con nhỏ của hai Cung ?
Ông sáu Long chép miệng thở dài :
- Chớ giòng họ của thằng Cung còn ai đâu. Vợ chồng thằng Cung không phải ruột thịt gì của tôi, nhưng thấy hoàn cãnh nó như vậy, mình làm ngơ không đành
Chú Năm ra vẻ băn khoăn:
- Cậu ôm con nhỏ đó cậu nuôi. rồi mấy khi cậu đau ốm, cậu làm sao? Cậu già yếu rồi .
Ông sáu Long buông xuôi :
- Thì phải ráng , vậy chớ biết làm sao chú.
Chú Năm lắc đầu:
- Từng tuổi đó mà phải chắt chiu con nít nhỏ cũng khổ lắm .
Ông sáu Long phân bua :
- Phải chi thằng Cung còn bà con gì ở đây, thì tôi đem giao con nhỏ cho giòng họ nó nuôi. Nhưng mà, chú thấy chú cũng biết, bề thế của thằng Cung như vậy, không lẽ mình đem bỏ con nhỏ cho ai bây giờ.
Ông sáu Long chưa nói hết lời, nhưng bị chú Năm nhanh miệng chận ngang :
- cậu cho người ta nuôi đi .
Ông sáu Long giương tròn mắt , vừa hỏi vặn :
- Đem cho hả ?
Chú Năm liếc sang thiếu phụ và khẽ gật :
- Dạ, ai muốn xin làm con nuôi thì cậu cho nó đi.
Ông sáu Long nói nhanh:
- Đâu có được, chú .
- Bây giờ , cậu đâu còn làm việc gì nặng nề nữa được. Cậu cứ ôm con nhỏ đó , tôi sợ cậu lo cho nó không nổi, rồi nó đói rách, tội nghiệp nó.
Ông sáu Long lắc đầu lia lịa:
- Không được là không được. Đâu phải con Nương là con cháu ruột của tôi mà tôi dám đem cho.
Chú Năm gạn hỏi :
- Cậu sợ thằng Cung làm khó, làm dể cậu sau nầy chớ gì ?
Ông sáu Long lặng đi một lúc khá lâu, đoạn nhẹ gật:
- Tôi phải nuôi con Nương dùm nó tới ngày nó mãn tù.
Chú Năm cười nhạt:
- Nó bị đày bỏ xác luôn ở xứ người chớ đâu có được trở về mà cậu lo . Cái án của nó nặng lắm mà.
Ông sáu Long chớp mắt mấy lượt để xóa tan ngấn lệ đọng trong khóe mắt ông và hạ thấp giọng :
- Dầu nó có bị đày chung thân , hay nó chết ... đi nữa, tôi cũng không thể bỏ con nó. Tôi đâu có quên được cái đêm nó bị bắt , nó về đây thăm con nó, nó đã khóc lóc hết nước mắt khi nó gởi gấm con Nương cho tôi.
Tia mắt của chú Năm đi dài lên mái tóc hoa râm của ông sáu Long , vừa đổi giọng nghiêm trọng :
- Xin lổi cậu sáu, tôi nói thí dụ mà nghe, như ngày nào cậu theo ông theo bà, con Nương nó lớn khôn thì không nói gì . Nếu như nó còn nhỏ dại quá, nó phải bơ vơ ...
Nét lo âu chợt hiện rỏ trên vầng tráng rộng của ông sáu Long. Ông phóng mắt xuyên bóng đêm như cố tìm trong khoảng tối đó một chút ánh sáng soi nẻo tương lai cho con Nương.
Lặng thinh như vậy lâu lắm, ông mới buông liều :
- Tới đâu hay đó hà chú.
Chú Năm đưa mắt nhìn sang thiếu phụ như thầm hỏi ý kiến của thiếu phụ về một vấn đề gì . Thiếu phụ hội ý chồm người tới một chút , nói nhỏ với chú Năm :
-Anh cứ nói hết cho cậu sáu nghe , coi cậu sáu tính sao.
Đến đây , con Nương giật mình thức giấc quơ tay như tìm ông sáu Long. Ông vội vàng bước qua ván ngồi quạt dổ cho nó ngũ lại .
Trong lúc đó chú Năm lắc đầu , thì thầm với thiếu phụ :
- Coi bộ ổng không chịu rồi.
Thiếu phụ nhẹ cau mày:
- Mình chưa nói gì hết mà.
- Thì ỏng đã nhứt quyết như vậy rồi đó. Còn hỏi gì nữa .
Thiếu phụ nhịp nhịp đầu ngón trỏ xuống măt bàn :
- Tại anh nói như vậy ổng chẳng không chịu ... Đâu anh cứ nói chuyện rõ với cậu sáu coi sao. Vì cậu sáu không biết tôi nên tôi không dám nói , anh hỏi dùm tôi đi mà .
Đợi cho ông sáu Long dỗ con Nương xong, chú Năm liền trở lại vấn đề :
- Cậu sáu à ! Tôi muốn thưa với cậu sáu một chuyện ...
Ông sáu Long trở qua ngồi chỗ cũ , xoáy mắt nhìn chú Năm:
- Chi đó, chú?
Thấy chú Năm ra vẻ ái ngại chưa chịu nói, ông sáu Long bảo tiếp :
- Chuyện chi thì chú cứ nói đi mà. Bà con lối xóm chớ phải xa lạ đâu mà chú ngại miệng .
Chú Năm quay lại vấn đề một cách dè dặt :
- Tôi muốn thưa với cậu sáu về ... chuyện con Nương ...
Ông sáu Long kẽ gật:
- Ơ, chú nói tới đi .
Chú Năm nhẹ hất hàm sang thiếu phụ và thốt câu úp mở :
-Con em tôi đây, nó không có con, nó muốn ...
Chú Năm lại bỏ lửng câu nói tại đó .Ông sáu Long chẳng còn gì phải ngạc nhiên về cử chỉ của hai người khách và ông cũng đoán hiểu chú Năm định nói gì rồi , nên ông đở lời:
- Muốn xin con Nương làm con nuôi , phải hôn chú?
Chú Năm gật đầu lia :
- Dạ, dạ phẳi . Vợ chồng nó không con ...
Ông sáu Long chận ngay lời nói của chú Năm bằng giọng nghiêm nghị :
- Như tôi đã nói chuyện với chú hồi nãy , dẫu có đói rách, tôi cũng phải ráng nuôi con Nương , chờ ngày thằng cha nó trở về , chớ tôi không thể cho ai hết, trừ người đó là ngưởi trong giòng họ của vợ chồng thằng Cung .
Đến đây thiếu phụ mới xen vào chuyện với nụ cười tươi:
- Thưa cậu sáu, tôi cũng có ý muốn sớt bớt gánh nặng cho cậu , mới đến xin cậu rưóc con nhỏ về nuôi, cũng như mượn một đứa ... đỡ đầu con cho vợ chồng tôi, Thí dụ sau này cha con nhỏ mãn tù về, muốn bắt con nhỏ lại , thì vợ chồng tôi sẳn sàng để cho cha nó bắt lại mà không đòi hỏi chút gì hết .
Chú Năm thêm vào :
- Con em tôi nó không dám sai lời với cậu đâu. Nếu cậu muốn chắc ý thì vợ chồng nó sẽ đứng làm tờ cam kết cho cậu cầm .
Ông sáu Long khoa tay :
- Không phải tôi không tin lời cô em đây, nhưng mà ...
Thiếu phụ liền đón lời ông sáu Long :
- Cậu đừng lo, vợ chồng tôi sẽ nuôi nấng con nhỏ như con đẻ vậy. Nếu cậu bằng lòng ...
thì vợ chồng tôi kỉnh cho cậu một số tiền, để cậu dựng vốn làm ăn.
Ông sáu Long cười nhạt:
- Tôi xin lổi cô em. Nói đến tiền bạc , ai lại chẳng ham. Nhưng bây giờ thử cô em đem cho tôi cả gánh vàng, cả gánh bạc, để đổi lấy con nhỏ, tôi cũng nhứt định không. Chết tôi là tôi chịu , chớ tôi không thể bán con Nương.
Thiếu phụ nói thêm:
- Đâu phải cho đứt mà cậu sợ...
Ông sáu Long cũng ngắt lời thiếu phụ :
- Cho đứt hay không cho đứt gì cũng vậy.
Cả thiếu phụ và chú Năm thấy không lây chuyển được lòng dạ sắt đá của ông già, hai người mới không dám nhắc tới chuyện xin con Nương nữa. Nhưng chẳng lẽ đứng dậy về liền, chú Năm buộc lòng phãi ngồi lại hỏi thăm chuyện khác một hồi rồi mới kiếu về.