Chương 9
Tác giả: Nghiêm Lệ Quân
Trời mưa oi bức như than đỏ đổ lên đầu , để cho cái khu Bàn Cờ biến thành cái lò lữa. Từ lúc mới bước vô nhà cô bảy Hợi , em ruột của ông , ông cảm thấy ngột ngạt vô cùng. Ông mở hết hàng nút áo , rồi cầm hai vạt quạt lạch phạch, vừa bắt đầu đằng trước đi ra đằng sau, bắt đầu đi đằng sau đi ra đằng trước với một chiều dài mà nếu ông bước rộng thì chỉ chừng vài bước là hết.
Thay áo dài xong , cô bảy Hợi đi ra với cây quạt kè trên tay đem đưa cho ông sáu Long :
- Quạt nè anh sáu . Quạt đi cho mát .
Ông sáu Long tiếp lấy cây quạt trong lúc cô bảy Hợi đảo mắt quanh nhà, tiếp nói trống:
- Ủa ! Con Nương đâu rồi?
Ông sáu Long hất hàm đáp:
- Con Hớn ẵm ra đằng trước kia.
Cô Bảy Hợi vói lên vách rút cây chổi lông quét lia lịa lên cái ( đi văng ) cây đã thâm đen, vừa nói dòn:
- Nằm đi , anh sáu. Nằm nghĩ cho khỏe.
Ông sáu Long không nằm và lắc đầu :
- Chắc tôi ở trên nầy không được quá, cô bảy .
Cô bảy Hợi ra vẻ băn khoăn :
- Sao vậy, anh sáu.
Ông sáu Long cười khì:
- Coi bộ tù túng quá! Ở dưới mình thì đất đai mênh mông, còn trên này , gì mà đi ra đằng sau ... đụng trở ra đằng trước ... đụng !
Cô bảy cười phân bua :
- Tại nhà cửa đông thì phải chật hẹp như vậy đó anh. Ở lâu rồi thì cũng quen đi. Sao mấy lần trước anh lên ở chơi được, rồi bây giờ anh ở không được.
Ông sáu Long giảng giải:
- Mấy lần trước là lên ở chơi một hai ngày rồi về, còn bây giờ phải ở luôn. Mà chắc tôi ở đây chừng ba ngày là tôi cuồng chưn.
- Thủng thẳng rồi cũng quen chớ, anh. Hồi tôi với ba nó lên sống đất nầy, tôi cũng cằn nhằn như anh vậy đó, nhưng dần ngày này qua ngày nọ, mình mới không thấy tù túng nữa. Trái lại , nếu bây giờ tôi phải về dưới mình , là tôi chịu không được.
- Ở dưới mình mát mẻ chớ.
- Mát mẻ thì tôi chịu, nhưng có cái nhà cửa lưa thưa , mình có chuyện gì la làng cũng không ai nghe. Vườn tược thì cỏ cây um tùm thấy sợ...
Thấy ông sáu Long đứng vuột áo ra, cô bảy Hợi tiếp:
- Hay là anh lên gác nằm nghĩ. Trên gác có gió mát hơn dưới này . Đi, anh lên nằm nghĩ một chút . Ba thằng Hải cũng gần về rồi à .
Ông sáu Long nối gót theo cô bảy Hợi lên gác.
Nhưng, lên vừa hết cầu thang là ông muốn dội ngược vì hơi nóng trên mái tôn hực ra.
Biết ý ông, cô bảy lật đật chạy lại rút khúc cây chống cánh cửa gió lên . Vuông cửa gió chỉ bằng hai gang tay , lại thêm bị mái nhà bên kia chụp lên, thành ra chẳng được chút gió nào lọt vào trong .
Cô bảy Hợi quay lại:
- Đó, như vậy là mát rồi đó anh. Ban đêm, trên này gió thổi lạnh vậy đó.
Ông sáu Long tủm tỉm:
- Như lò lửa đây chớ mát gì.
Cô bảy Hợi nói nhanh:
- Hổng có nóng đâu. Tại vì hồi sáng tới giờ bịt cửa nên hơi hầm một chút.
Cô lại tất cả lấy cái ghế bố trải ra, vổ đập lộp bộp trên mặt cho bụi bay đi bớt, vừa bảo anh mình .
- Nằm đây nè, anh sáu. Để tôi chạy xuống bắt nồi cơm.
Dù biết là nóng bức, nhưng ông sáu Long muốn chìu ý cô bảy Hợi cho cô vui lòng, chớ chẳng lẽ mới leo lên đây , rồi lại trở xuống liền.
Ông ráng chịu đựng sức nóng, ngã lưng nằm xuống hgế bố, chỉ được chừng cháy hết nữa điếu thuốc, thì ông thấy mồ hôi tuôn như tắm, mà chẳng được chút gió thoảng vào vuông cửa nhỏ kia. Ông sáu Long liền bật dậy , tuột xuống gác. Thấy cô bảy Hợi đang nấu nướng trong bếp , ông thở dài, vuốt mồ hôi trán:
- Ý cha ...
Cô bảy Hợi quay lại nhìn ông :
- Cái gì vậy , anh sáu ?
Ông chép miệng :
- Sao mà hầm quá!
Cô bảy an ủi:
-Tại bữa nay trời đứng gió à anh.
Nhưng , hết cái khó chịu này đến nổi bực mình khác. Hôm sau, ông theo ba Đông vô hãng nhận việc làm. Người ta sai ông lau bàn ghế, người ta bắt ông đổ dĩa gạt tàn, người ta bảo ông xách giỏ giấy đem đốt.
Ông mừng thầm nên ra đằng sau nói nhỏ với ba Đông :
- Tưởng việc gì nặng nhọc, chớ đốt giấy , lau bàn mà ăn lương tháng năm trăm là tiên trên đời !
Ba Đông vui vẽ:
- Đó, trước kia, tôi nói anh làm sao? Phần anh làm chỉ có bao nhiêu đó thôi hà. Khỏa ru bà rù! Phải hôn?
Ông sáu Long gật đầu cười :
- Sướng chớ, rồi thì phủi tay ngồi nghỉ.
Nhưng, mọi việc đưa đến không như tưởng, không như ý ông mong muốn , mà ông cũng không thể ngờ được. Hết buổi làm sáng, đến buổi làm chiều. Buồi chiều, người ta bắt ông làm thêm một việc nữa là quét phòng.
Quét vừa xong, ông đem chổi ra sau kho cất, lại gặp một thằng cha mập mặc áo bốn túi hét ông:
- Cu li.!
Chưa biết người ấy làm chức vụ gì trong hãng, nhưng ông nghe ông ta hét như vậy nên tưởng là hạng ... bự lắm. Ông chạy lại khép nép :
- Dạ ... Chi ông ?
Người mặc áo bốn túi hất hàm:
- Ông làm hồi sáng phải hôn ?
Ông sáu Long xoa tay :
- Dạ phải .
Người mập gắt :
- Vô làm từ hồi sáng, mà sao để cầu tiêu hôi quá vậy ?
Ông sáu Long ngơ ngác :
- Cái đó... ông xếp gì đó biểu tôi quét dọn trên văn phòng không thôi...Tôi đâu có biết ...
Người mập chận lời ông , nói như là ra lịnh:
- Ông còn phải rữa nhà cầu nữa. Đi kiếm thùng xách nước rữa đi, đừng để ông chủ phải kêu rầy tới việc đó là ông bị đuổi à.
Nghe người ta bắt ông làm đến việc đó nữa, ông sáu Long giận sôi lên tận cổ, nhưng ông cố dằn nén cho êm chuyện . Ông vừa thầm định bụng rằng:
- Thà về vườn chết đói cũng cam, chớ thằng Long này không thể đi làm việc đó được.
Thấy ông còn đứng trơ ra đó, người mập bảo tiếp:
- Đi xách nước rửa cho sạch sẻ, hốt giấy đem đốt, mau đi ông già. Ông chậm chạp quá vậy sao được.
Ông sáu Long lặng lẽ quay lưng, nhưng không phải ông đi lấy thùng xách nước ... như người ta sai khiến ông, mà ông đi thẳng ra chợ Sài Gòn đón xe ngựa về Bàn Cờ.
Thấy anh mình về sớm, cô bảy Hợi ngạc nhiên :
- Ủa! Chưa tới giờ mà sao anh về, anh sáu? Anh bỏ quên giấy tờ gì đó , phải hôn?
Ông sáu Long ra vẻ buồn chán lắc đầu :
- Hổng có.
Thấy gương mặt ông sáu không được vui, cô bảy Hợi thêm băng khoăn.
- Vậy chớ sao anh về sớm?
Giọng ông sáu Long lạnh lùng :
- Tại không muốn làm nữa thì về vậy hà.
Cô bảy giương tròn mắt nhìn ông:
- Có gì nặng nề nên anh làm không nổi phải hôn?
Ông sáu Long cũng lắc đầu:
- Hổn có.
- Hay là ai nói gì anh, nên anh buồn bỏ về đây ?
- Có ai nói gì đâu.
Cô bảy Hợi buông xuôi:
- Anh coi được thì làm, không được thì thôi, anh cứ nằm nhà, trông coi nhà cửa dùm tôi, cần gì.
Ông sáu Long làm thinh, nhưng trong đầu óc ông đã có quyết địng rồi. Ông đi thu nhặt hết những quần áo cũa ông, cũa con Nương rồi gói lại một gói.
Thấy hành động và cử chỉ của ông, cô bảy Hợi như đã sinh nghi, cô theo hỏi:
- Anh gói quần áo lại chi vậy?
Không muốn cho cô bảy biết sớm ý địng của ông, ông làm vẻ thản nhiên mỉm cười:
- Gom lại cho có nơi, có chổ vậy đó mà.
- Thì tôi đã để riêng cho anh cái rương nhỏ đặng anh cất quần áo của anh với con Nương, như vậy là yên rồi , mà anh còn lôi ra , lấy giấy gói chi nữa ?
Ông sáu Long đáp:
- Kệ, gói như vậy cũng được, cần gì rương.
Sự vắng mặt đột ngột của ông sáu Long làm cho ba Đông cũng phải lo âu. Hết giờ làm, ba Đông liền đạp xe một mạch về nhà, kiếm anh mình mà hỏi:
- Chưa mãn giờ mà sao anh bỏ về, anh sáu?
Ông sáu Long cũng đáp bằng những câu trả lời với cô bảy Hợi lúc nãy .
Nghi là phải có việc gì xảy ra nên ông sáu Long mới bỏ ra về , ba Đông theo gạn mãi ông mới chịu nói :
- Tôi nghèo, tôi đói là tôi chịu, chớ tôi không thể bỏ xứ sở để lên đây quét cầu tiêu, rửa cầu xí cho họ được.
Ba Đông ngạc nhiên:
- Ai biểu anh làm việc đó? Phần anh chỉ có quét dọn trên bu rô (văn phòng) thôi mà.
- Cái thằng mập mập đen đen , bận cái áo bốn túi , nó bắt tôi phải làm luôn việc đó.
Ba Đông hỏi nhanh:
- Thằng ba Liếu phải hôn?
- Tôi không biết nó tên gì, làm ông gì trong đó.
- Nó có bịt mấy cây răng vàng hàm trên phải hôn?
- Ừ phải.
Ba Đông đập tay bem bép:
- Thôi rồi, anh gặp cái thằng mập đó nó nồ anh rồi. Sao anh không kiếm tôi, nói cho tôi biết đặng tôi chửi trong mặt nó.
Ông sáu Long phân trần:
- Tại tôi thấy nó la hét với tôi, tôi tưởng đâu nó làm xếp gì trong hảng.
Ba Đông tỏ vẻ giận dữ và chận lời ông sáu Long:
- Làm ông gì! Nó làm sớp phơ ( tài xế) của ông chủ. Nó cũng nịnh bợ, đâm thọc lắm nên mới được chạy xe cho ông chủ đó chớ hồi nó mới vô người ta cho nó... lãnh cái dãy nhà cầu... cầu ngẹt, người ta kêu nó ; giấy đầy, người ta réo nó, rồi bây giờ nó làm tàn với anh, tôi tức quá, hồi đó anh không chịu nói cho tôi biết, mà lại làm thinh bỏ ra về. Mai anh vô với tôi, rồi tôi xài xể nó cho anh coi.
Cô bảy Hợi xen vào lời chồng:
- Mắng tạt vô mặt cho nó biết nhục chớ im đâu được. Nó có quyền hành gì mà sai khiến mình. Nó cũng như là cu li, nhưng mà nó được ngồi xe, cầm tay bánh, chớ nó có cao hơn ai, danh vọng gì đó mà làm phách.
Ba Đông cau mày, tiếp theo lời vợ :
- Tôi ghét cái giọng ma cũ, ăn hiếp ma mới đó quá. Hồi đó, tôi mới vô thì tôi gặp thằng hai Nhựt, nó ăn hiếp tôi cũng như anh bây giờ vậy đó. Không biết chừng sáng mai tôi vô tôi thưa ông chủ biết.
Ông sáu Long cười nhẹ:
- Thôi thưa gởi làm chi dượng.
- Mình làm thinh, nó được nước lấn lướt.
- Tôi nói thiệt với dượng, không phải tôi sợ nó. Tánh tôi ngang tàng , chưa bao giờ biết sợ ai hết, nhưng mà hồi trưa tôi phải ngậm câm ráng nhịn cái thằng mập đó, vì tôi nghĩ là dưông bảo đảm đem cho tôi vô làm, nếu tôi không biết nhịn nhục thì dượng mang tiếng.
Ông sáu Long tằng hắng, đoạn nói tiếp bằng giọng chậm rãi:
- Thôi, dượng bỏ qua đi. Hể im xuôi thì tôi làm còn không thì thôi, dượng không nên thưa gởi làm chi, rồi sanh oán sanh thù, không tốt cho dượng.
Ba Đông hỏi gạn:
- Bộ anh tính nghĩ luôn hả, không đi làm nữa hay sao?
Ông sáu Long cười khỉnh:
- Ăn vàng tôi cũng không thèm.
Ba Đông ra dáng suy tính một , đoạn nói:
- Vậy thì để thủng thẳng rồi tôi kiếm chổ khác cho anh.
Ông sáu Long lắc đầu ra vẻ chán chường:
- Thôi dương.
Ba Đông khoa tay ra điệu bộ:
- Ừ, cũng được nữa, anh cứ ở nhà trông coi nhà cữa dùm tôi, để tôi với mẹ bầy trẻ được yên tâm vững bụng mà đi làm. Như vậy, tụi này đói thì anh đói, tụi này no thé anh no. Nói nghe chơi vậy chớ làm gì đói được.
Ông sáu Long cũng lắc đầu:
- Tôi không thể làm cây tầm gởi được dượng à.
Nét mặt Ba Đông hơi buồn . Cô bảy Hợi xen hỏi:
- Vậy chớ anh muốn sao? Để anh đi làm thì cũng đâu có lợi gì hơn là anh để cho tôi đi bán thêm buổi chiều?
Ông sáu Long đáp nhỏ:
- Tôi tính về dưới.
Cô bảy Hợi thảnh thốt:
- Hả? Anh tính trở về dưới?
Ông sáu Long nhẹ gật:
- Ừ, sống chết gì ở dưới cho yên thân.
Cô bảy cau mày:
- Sao tánh ý anh kỳ quá vậy, anh sáu?
Ông sáu Long phân bua:
- Tôi còn đủ tay, đủ chưn, tôi còn làm lụng được, mặt mũi nào đi ăn bòn ăn bám...
Ba Đông ngắt ngang:
- Gì mà đi ăn bòn ăn bám, anh? Anh cứ nói vậy hoài, Em út của anh chớ phải ai vô đó hay sao .
Cô bảy tiếp theo lời chồng bằng giọng hàm chút xúc động:
- Anh coi, bây giờ trong anh em mình còn ai nữa đâu. Đầu đưôi chỉ có anh với tôi hà. Anh khư khư đòi ở dưới một mình , rồi khi anh đau ốm, ai biết , ai hay ?
Ông sáu Long ngồi chết lặng một hồi ra dáng đắng đo suy nghĩ ghê lắm. Ông thầm nghĩ rằng những lời của cô bảy hợi vừa nói cũng chí lý, nhưng ông thấy phân vân trước hai lẽ, ở với em hay phải trở về xứ sở, ông chưa quyết định được. Về thì em ruột buồn phiền không ít, nhưng ở thì biết đâu ngày nào đó sẽ xảy ra chuyện mích lòng em rể.
Thấy cô bảy không vui, ông cũng không đành dứt khoát ý định một cách quá rắn rỏi:
Để một phút dò xét thái độ của người anh, cô bảy tiếp:
-Anh về dưới rồi anh làm gì để có ăn, có mặc?
Ông sáu Long chậm rãi đáp:
- Thì làm rẫy.
Cô bảy cuời nhẹ:
- Anh tính làm rẫy mà anh trồng thứ gì? Hay là anh cứ trồng ba cái dây lang, ba cây mì đó.
Ông sáu Long nói nhanh:
- Ý! Cô tưởng thứ đó ít tiền hay sao?
Cô bảy Hợi giảng giải:
- Không phải tôi chê trồng thứ đó bán ít tiền. Anh phải nhớ là trồng khoai, trồng rẫy thì chì có tiền bỏ túi một mùa thôi. Hết mùa là ngơ. Đâu phải khoai mọc ra củ hoài cho anh bán từ ngày này qua ngày nọ.
Ông sáu Long chận lời cô bảy:
- Khi khoai đã đào hết củ thì mình làm việc khác.
Cô bảy vặn:
- Làm việc gì?
- Thiếu gì việc làm.
Cô bảy lắc đầu lia lịa:
- Thôi, anh ơi là anh ơi! Tôi nói mà không đúng thì chặt cái đầu của tôi. Anh về dưới thấy mồ, thấy mả của thằng Luông đó rồi anh thêm buồn rầu, anh hỏng làm gì được hết .Như hôm tôi về rước anh, tôi thấy đó , mấy vòng khoai mới trồng trước cửa bị heo lối xóm nó cày, nó ủi tanh bành, hổng còn một ngoe nào hết . Anh ở trên này với tụi này là anh còn khuây khỏa được. Về dưới là anh cũng bỏ phế chớ trồng trọt gì được.
Ông sáu Long nói :
- Đâu có. Về dưới , tôi lên vồng trồng lại hết chớ. Buồn rầu bao nhiêu thì vợ chồng thằng Luông không sống lại được.
Và ông hạ thấp giọng nói tiếp:
- Tôi phải ráng làm nguôi để còn lo cho con Nương ...
Cô bảy cười:
- Anh nói thì nghe được lắm, nhưng chừng về dưới thì anh tâm sầu, bạch xác, ngơ ngơ ngẩn ngẩn như điên.
Dượng ba Đông xen vào bằng giọng cương quyết:
- Thôi, vợ chồng tôi đã rước anh lên đây rồi thì anh ở đây, hổng có về đâu hết á.
Cô bảy Hợi nói với chồng:
- Hèn chi hồi chiều thấy ảnh gom hết quần áo của ảnh với của con Nương , tôi sanh nghi , tôi hỏi thì ảnh nói gom lại cho có nơi, có chỗ.
Ba Đông dặn dò vợ:
-ờ, không có tôi ở nhà, ảnh có đòi về, mình đừng cho ảnh về à. Ảnh mà lọt trở về dưới thì đừng có mong kéo ảnh lên nữa. Tôi biết trước như vậy đó.
Ông sáu Long cười :
- Chừng tôi muốn về trời mà cản tôi.
Ba Đông hỏi vợ:
- Rồi đồ đạc anh sáu ảnh gom để đâu?
Cô bảy Hợi chỉ tay:
- Ảnh gói một gói nhựt trình để trên gác á.
- Mình lấy dấu đi.
Cô bảy gật nhanh:
- Ừ, Để rồi tôi lấy bỏ vô rương có khoá, khóa lại chớ.
Ông sáu Long cười dài:
- Bộ cô dượng nói dấu quần áo là tôi về không được hay sao? Cùng lắm là tôi bận bộ đồ trên mình như vậy ra xe về cũng được vậy.
Cô bảy tìm cách làm ngặt anh mình :
- Anh muốn về, nhưng phải bỏ con Nương lại cho tôi .
Ông sáu Long cười lớn với giọng cả quyết:
- Đâu có được,cô. Tôi đâu là con Nương đó chớ.
Cô bảy Hợi nói nhanh:
- Đi bán buổi sáng tôi ẵm nó theo.
Ông sáu Long lắc đầu lia lịa:
- Không, cô nó đừng nghĩ tới chuyện bắt con Nương , tôi nghe cô nói như vậy cũng bằng ai cầm dao mà đâm mà thọc trong tim gan tôi vậy đó.
Cô bảy Hợi ứa nước mắt:
- Đâu phải tôi tính bắt con nhỏ làm chi . Tôi muốn giữ nó là vì tôi không muốn anh em xa lìa nhau. Anh cứ đòi trở về dưới hoài là anh không biết thương chồng tôi, Phải chi vợ chồng thằng Luông còn thì anh muốn ở đâu thì anh ở, tôi không cầm cản anh làm chi.
Thấy vợ chồng cô bảy Hợi hết lòng lo lắng cho mình, ông sáu Long lấy làm xót xa:
- Cô dượng còn gánh nặng gia đình...
Cô bảy Hợi ngắt ngang bằng quyết định:
- Tôi nói thôi, tôi nhất định không cho anh về . Anh khôngcó tính tới tính lui gì nữa hết.
Ông sáu Long lặng thinh và ông thầm buông xuôi :
- Thì thôi, mình đành phải chìu lòng em út cho nó vui. Nếu anh em được hòa thuận vui vẻ, thì mình ở lâu, bằng không thì chừng đó mình sẽ liệu .