watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Lý Trần Tình Hận-Chương 10 - tác giả Ngô Viết Trọng Ngô Viết Trọng

Ngô Viết Trọng

Chương 10

Tác giả: Ngô Viết Trọng

T uy phải trải qua một cơn biến động tình cảm não nề sau khi bất đắc dĩ phải truất phế và cô lập Chiêu Thánh hoàng hậu, hai hôm sau vua Thái Tôn lại phải gắng lâm triều. Trông ngài vẫn còn lộ rõ vẻ thẫn thờ mệt mỏi. Sau khi triều đình khánh chúc xong, vua Thái Tôn cho mọi người bình thân và đợi họ lần lượt tâu việc. Vị quan đầu tiên quì trước bệ rồng là Hải Dương hầu Trần Phong, hầu trịnh trong tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, trời đất phải luôn luôn có đủ mặt trời mặt trăng. Vạn vật muôn loài đã có cha thì phải có mẹ. Nước đã có vua thì không thể thiếu hoàng hậu. Hiện nay triều đình mới khiếm khuyết ngôi vị hoàng hậu, xin bệ hạ cho tuyển chọn người có đức lớn để lập ngay mới hợp lẽ!
Vài vị quan khác cùng lên tiếng tán thành ý kiến này.
Đề cập đến chuyện này chẳng khác gì lấy con dao nhọn mà khoét vào tâm tư nhà vua. Vua Thái Tôn đau đớn cố dằn cơn giận, ngài chưa kịp phán lời gì thì Thái sư Trần Thủ Độ bước ra tâu tiếp:
- Tâu bệ hạ, Hải Dương hầu và các quan nói rất đúng. Bây giờ lập hoàng hậu là chuyện khẩn thiết. Điều kiện cần thiết cho vị quốc mẫu phải là người mẫu mực nết hạnh, phải thuộc giòng dõi quí phái, và cần thiết hơn hết là phải mắn con. Hạ thần nhận thấy trong triều ta hiện tại chỉ có nội tướng của Hoài vương Trần Liễu, tức Thuận Thiên công chúa là có đủ những điều kiện ấy. Vậy, xin bệ hạ xuống lệnh cho chọn ngày lành tháng tốt để phong Thuận Thiên công chúa làm hoàng hậu!
Vua Thái Tôn nghe Thái sư tâu như thế thì ngớ người ra như bỗng nhiên bị rơi vào một cõi xa lạ. Ngài bàng hoàng chốc lát mới trấn tĩnh được, ngài phán:
- Không thể được! Không thể được! Thuận Thiên công chúa đã là chị dâu trẫm. Trẫm không bao giờ làm chuyện đó. Thiên hạ thiếu gì phụ nữ mà trẫm phải giựt vợ của anh mình! Hoàng thúc và các quan nên chọn người khác. Ngày xưa, Quan Vân Trường bị Tào Tháo ép ở chung phòng với hai người vợ của Lưu Bị - người anh kết nghĩa của ông ta - ông ta vẫn giữ đạo nghĩa bằng cách cầm đuốc sáng đêm để tránh hiềm nghi. Đó chỉ là anh em kết nghĩa thôi mà Vân Trường còn giữ đạo nghĩa đến thế. Nay nếu trẫm lại làm trái đạo như vậy thiên hạ bây giờ và ngàn sau nữa sẽ đánh giá thế nào về trẫm?
Phán xong, vua Thái Tôn với thái độ vô cùng bất mãn, rũ áo đi vào cung.
Trần Thái sư thấy thái độ của vua Thái Tôn, quay sang nói với triều thần:
- Hôm nay long thể bất an. Hãy tạm hoãn chuyện ấy lại. Bây giờ các quan hãy lui về! Ngày mai chúng ta sẽ bàn nghị lại.
Thái sư không nói gì nữa nhưng trông cũng có vẻ bất mãn lắm. Các đại thần cũng từng toán gặp nhau xôn xao bàn tán trước khi ra về. Dĩ nhiên tin này không mấy chốc chuyện bàn tán cũng đến tai gia đình Hoài vương Trần Liễu trong khi vương vẫn còn đi tuần thú chưa về.
Để đề phòng bất trắc, Thái sư Trần Thủ Độ đã cho một toán do thám đến canh chừng ở phủ Hoài vương.
Công chúa Thuận Thiên được tin ấy vô cùng đau khổ. Thuận Thiên khóc đến húp cả con mắt. Ôi, làm sao để chén rượu tiễn chàng đi công cán đừng thành chén rượu vĩnh biệt đây! Bà biết rằng khi Trần Thủ Độ đã muốn làm gì thì không còn ai cản được. Tuyệt vọng, Thuận Thiên lén dẫn một con thị tì thân tín mang một ít của riêng lẻn trốn. Hai thầy trò tìm đến chùa Thiên Đức do nhà sư Tuệ Đống trụ trì để xin tá túc. Sau khi lễ Phật xong, Thuận Thiên công chúa thưa với sư Tuệ Đống:
- Bạch sư phụ! Giòng họ Lý chúng con phát tích từ cửa thiền. Tổ tiên chúng con dựng lập bao nhiêu chùa chiền, thi thố bao nhiêu ân đức chứ có làm ác bao giờ đâu! Thế mà không hiểu vì lẽ nào con cháu phải gánh chịu họa diệt tộc! Nhiều người phải chịu cảnh chôn sống! Riêng Thuận Thiên, Chiêu Thánh chúng con đã phạm tội gì mà phải khổ đau vì duyên số đến mức này? Kính xin sư phụ cho vài lời chỉ giáo!
Sư Tuệ Đống nhìn công chúa bằng cặp mắt hiền hậu:
- Nam mô A Di Đà Phật! Chúng sanh mê mờ không thấy rõ ngọn nguồn tội lỗi. Thưa công chúa, trường hợp này gọi là Phật ngữ gọi là cộng nghiệp. Ngay như giòng họ đức Thích Ca cũng bị tiêu diệt sạch khi ngài còn tại thế. Theo giáo pháp Phật, ở trên đời mọi sinh vật đều phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử và muôn vật đều không thoát khỏi bốn tướng tương tục "thành, trụ, hoại, không". Đó là định luật tất nhiên, bất biến. Công chúa hãy nghe bần tăng kể lại trường hợp này:
"Nước Ca Tì La rất hưng thịnh từ khi lập quốc cho đến đời Phật. Nguyên khi vua Ba Tư Nặc nước Kiều Tất La chưa qui y Phật đã cho sứ giả đến Ca Tì La cầu hôn với giòng họ Thích Ca. Các thân vương của giòng họ này tự cao tự đại cho giòng họ mình là cao quí nhất đời nên không chịu. Tuy vậy, họ cũng ngán vì lúc bấy giờ Kiều Tất La là một cường quốc vùng châu thổ sông Hằng. Vì thế, họ đã dùng một tì nữ trong cung tên Mạt Lỵ tráo thành vương nữ đem gả cho vua Ba Tư Nặc. Mạt Lỵ có sắc đẹp lại thông minh nên được vua Ba Tư Nặc rất yêu quí, phong làm đệ nhất phu nhân. Mạt Lỵ sinh con đầu lòng đặt tên là Tỳ Lưu Ly. Năm Tỳ Lưu Ly lên tám, được vua cha cho về quê ngoại để học bắn cung vì nước Ca Tì La rất giỏi về xạ thuật. Bấy giờ trong thành Ca Tỳ La mới kiến thiết xong một đại giảng đường nguy nga chỉ dành riêng đón Phật khi ngài về thuyết pháp. Giòng họ Thích Ca cho đây là chốn thiêng liêng nên tuyệt đối cấm không cho những kẻ ti tiện bước vào. Không dè Tỳ Lưu Ly nhân thả bộ rong chơi trong cung, lạc vào chốn cấm địa ấy. Các thân vương bắt gặp đã xỉ vả không tiếc lời, bảo rằng con của gái nô lệ đã làm ô uế cấm địa. Họ đuổi Tỳ Lưu Ly ra và lập tức truyền gia nhân cấp tốc bới đất cũ trong giảng đường lên đổ đi và đem đất mới thay vào. Tỳ Lưu Ly nộ khí xung thiên thề độc rằng "Khi nào lên ngôi vua, ta thề tiêu diệt sạch giòng họ Thích Ca mới hả giận".
"Khi trở về nước, Tỳ Lưu Ly ngày đêm mưu tính việc rửa hận. Một hôm vua Ba Tư Nặc và Mạt Lỵ bận đi tuần thú, Tỳ Lưu Ly cùng nghịch thần Ca Lê Da Na tập họp quân đội đoạt lấy ấn kiếm làm phản. Vua Ba Tư Nặc cùng Mạt Lỵ phải chạy sang tị nạn ở Ca Tì La. Không bao lâu sau, ông chết ở Ca Tì La."
"Nghe tin vua cha mất, Tỳ Lưu Ly giết anh là thái tử Kỳ Đà rồi lên ngôi báu.
"Trong một buổi đại triều, Tỳ Lưu Ly hỏi bá quan:"
"- Nếu có kẻ sỉ nhục đấng quốc vương tôn quí của mình, khinh thị đấng quốc vương ấy là con giòng hạ tiện, tội ấy các khanh nghĩ nên xử trị như thế nào?"
"Mọi người đều đáp rằng tội ấy đáng tru di. Tỳ Lưu Ly tiếp:"
"- Giòng họ Thích Ca tự cao tự đại. Họ cho rằng ta là con của một gái nô lệ, vậy, nay ta phải hưng binh tru diệt họ!"
"Ba lần xuất quân, ba lần Tỳ Lưu Ly gặp Phật tìm cách ngăn trở. Nhưng đến lần thứ tư, biết rằng không ngăn đón được nữa vì nghiệp nhân quá khứ của giòng họ Thích Ca quá nặng, Phật xót xa báo cho A Nan biết rằng trong 7 ngày nữa thì giòng họ Thích Ca sẽ bị tuyệt diệt."
"Tỳ Lưu Ly hãm thành Ca Tì La, sau đó hạ thành giết sạch tất cả quân dân không chừa một ai rồi sát nhập nước này vào lãnh thổ Kiều Tất La của ông ta."
Giòng họ Thích Ca tuyệt diệt chỉ vì một sự kiêu ngạo nhưng đó chỉ là nguyên nhân gần. Dĩ nhiên là còn nhiều nguyên nhân khác nằm trong lẽ báo ứng.
Chính Đức Thích Ca không cứu được cho giòng họ của ngài là vì ngài thấy "túc trái tiền khiên" của những người trong giòng họ mình quá lớn. Những người trong giòng họ ngài đã gây quá nhiều tội lỗi trong nhiều kiếp trước nên bây giờ phải trả. Tự mình tạo nghiệp dữ tất không cách gì cứu gỡ được.
Họ Lý ta hiện tại có lẽ cũng lâm vào trường hợp tương tự. Thầy kể chuyện này cho công chúa nghe hi vọng công chúa ứng ngộ ở cái lẽ luân hồi, nghiệp báo để bớt khổ đau. Nhà Lý thi ân bố đức nhiều thật, đồng thời cũng hưởng vinh hoa phú quí một thời gian hơn hai trăm năm rồi. Theo vũ trụ quan "thành, trụ, hoại, không", bây giờ đến ngày cùng cũng là lẽ tất nhiên. Những tai kiếp luân hồi nghiệp báo cũng mượn cửa nhà Lý lúc suy tàn để báo ứng. Nhà Trần rồi đây cũng phải gánh những kết quả mà ngày nay họ đang gieo. Vậy, cốt lõi là công chúa phải tự cứu lấy mình chứ không ai có thể giúp công chúa được. Muốn thoát ra vòng khổ đau thì chỉ có cách là sám hối tu tĩnh, làm điều thiện để gỡ nợ cho những kiếp trước và gieo nhân lành cho những kiếp sau. Chốn này gần kinh đô, công chúa không thể tá túc lâu dài. Vả, đây lại là chùa dành cho nam giới, dù cửa thiền luôn mở rộng nhưng lý cũng không thể chứa chấp công chúa được. Tuy nhiên, bây giờ trời sắp tối, bần tăng sẽ cho dọn một phòng để công chúa nghỉ tạm đỡ đêm nay. Nếu việc này để Trần Thái sư biết được thì cũng phiền lắm đấy!
*
Công chúa Thuận Thiên lẻn đến chùa Thiên Đức, tuy đã cải dạng cẩn thận nhưng cũng không thoát khỏi cặp mắt nghi ngờ, theo dõi của một người. Hắn là Phan Năng, một tên trong đội do thám của triều đình. Với cặp mắt nhà nghề, dáng dấp và cử chỉ của công chúa làm sao hắn không đoán ra được! Phan Năng hớn hở đến thẳng dinh Thái sư. Lúc ấy Thái sư còn bận giải quyết công việc trong triều chưa về, chỉ có Linh Từ quốc mẫu ở nhà. Quốc mẫu thấy hắn tìm đến đoán có chuyện liền ân cần hỏi:
- Ngươi dọ thám thấy được điều gì lạ không? Hãy nói cho ta nghe!
Phan Năng thưa:
- Bẩm quốc mẫu, hình như công chúa Thuận Thiên đã cải dạng đi trốn. Tôi không biết mặt công chúa nhưng thấy một thiếu phụ trẻ đẹp hình như có thai, ăn mặc tầm thường nhưng phong thái trông rất khả nghi, đi cùng một một thiếu phụ khác có vẻ như tôi tớ, đến chùa Thiên Đức!
Quốc mẫu nghe qua hoảng hốt nói:
- Thôi, ngươi cứ lui về coi như không biết, đừng có báo với Thái sư làm gì! Ta sẽ hậu thưởng cho ngươi về vụ khám phá này!
Phan Năng vừa lui gót thì Trần quốc mẫu lập tức dẫn hai thị tì tìm đến chùa Thiên Đức. Bà rất sợ Thuận Thiên công chúa trốn đi vì như thế nàng chắc chắn chết dưới tay chồng bà. Thuận Thiên công chúa chết thì số phận Chiêu Thánh công chúa cũng lâm nguy. Kinh nghiệm qua lịch sử cho bà biết bất cứ người nào được lập làm hoàng hậu sau này cũng sẽ tìm cách hại Chiêu Thánh, nhất là Chiêu Thánh lại là cái gai trước mắt vị Thái sư tàn độc. Chỉ có Thuận Thiên là người duy nhất có thể bao dung che chở cho Chiêu Thánh. Nghĩ thế nên ban đầu bà không muốn lập Thuận Thiên làm hoàng hậu nhưng bây giờ bà trở lại rất tán thành chủ trương ấy.
Khi quốc mẫu đến chùa Thiên Đức thì trời vừa chạng vạng. Sư Tuệ Đống đã đoán ra việc gì, bước ra nghinh tiếp thưa:
- A Di Đà Phật! Bần tăng tham kiến quốc mẫu! Quốc mẫu đến chùa giữa lúc tối tăm này chắc có chuyện gì quan trọng?
Quốc mẫu nói:
- Đại sư, ta đến đây vì việc công chúa Thuận Thiên! Nghe công chúa đang có mặt ở đây, xin đại sư cho ta gặp công chúa!
Biết không thể giấu giếm được, sư Tuệ Đống bèn dẫn quốc mẫu vào phòng vừa dọn cho thầy trò công chúa trú qua đêm. Sư thưa thêm:
- Công chúa xin ở lại một đêm, bần tăng không thể cải lệnh. Xin quốc mẫu xá tội!
Quốc mẫu khoát tay:
- Ta hiểu, không sao! Cho ta gặp công chúa là được rồi! Nhưng ta muốn đại sư cùng vào gặp công chúa nói giúp ta một tiếng. Ta biết lời nói của đại sư rất giá trị!
Thấy mặt mẹ công chúa liền khóc òa. Quốc mẫu cũng xúc động ôm chầm lấy con. Công chúa thổn thức:
- Con không ngờ phận con hẩm hiu đến thế này! Con thề chịu chết chứ không thể phản bội Hoài vương được! Con không thể dứt bỏ chữ trung trinh! Mẹ có cách gì cứu con thoát khỏi hoàn cảnh này không mẹ? Mẹ ơi! Mẹ thương con thì mẹ hãy tìm cách cứu con với!
Quốc mẫu cũng không cầm được nước mắt. Nhưng bà cố trấn tĩnh nói với con:
- Con hãy xem mẹ đây! Há lẽ mẹ không biết giữ chữ trinh với Phụ vương con! Nhưng nếu mẹ quyết làm như thế mẹ sợ hai con lâm nguy nên đành phải tùng quyền. Bây giờ tới lượt con, nếu con không chịu làm hoàng hậu thì tánh mạng con chắc chắn không giữ được! Không những thế mà Chiêu Thánh em con cũng khó sống và chồng con Hoài vương Liễu cũng khó yên thân! Ngoài ra, con phải thương đến vương tử Doãn và hài nhi đang ở trong bụng nữa! Con phải nghe mẹ mà hi sinh để cứu vớt những người khác! Con hãy trở về phủ lập tức!
Công chúa nghe mẹ khuyên càng khóc ròng lên:
- Mẹ ơi mẹ! Con thà chết chứ không muốn sống nhơ nhớp như thế này! Hoài vương Liễu vừa là chồng mà cũng là tri âm tri kỷ của con! Con nhất định không phản bội chàng! Nếu mẹ cũng ép con, con xin chết ngay trước mặt mẹ bây giờ! Con không còn muốn sống nữa...
Quốc mẫu thấy con nói nhất quyết như vậy bèn quay nhìn sư Tuệ Đống. Sư Tuệ Đống hiểu ý nói với công chúa:
- Thầy nghĩ là công chúa nên nghe lời quốc mẫu. Trước hết là công chúa sẽ cứu khổ được nhiều người như Hoài vương, vương tử Doãn, cái thai trong bụng và nhất là có thể cứu tử Chiêu Thánh công chúa, làm quốc mẫu thoát khỏi cảnh đau lòng. Đó cũng là một cách gieo nhân. Nếu công chúa nhất quyết không chịu trở về thì cầm chắc sẽ gây liên lụy đến rất nhiều người. Theo lẽ quả báo, nếu có cơ hội trả nghiệp quả mà tránh chưa chịu trả thì oan trái vẫn còn đó, có nghĩa là phải trả dịp khác. Cũng có nghĩa là sự đau khổ còn kéo dài qua nhiều kiếp khác. Không nên như thế!...
Quốc mẫu lại nói vào:
- Đại sư dạy đúng đó con ơi! Con đã mang nợ những kiếp trước mà bây giờ còn trốn tránh khác nào tự mình kéo dài, chồng chất thêm nợ cho những kiếp sau thôi! Con hãy nghe đại sư, nghe mẹ mà trở về!
Cuối cùng công chúa Thuận Thiên đành theo Linh Từ quốc mẫu trở về kinh thành.
*
Hôm sau, Thái sư Trần Thủ Độ cùng đi với Linh Từ quốc mẫu vào ra mắt vua Thái Tôn. Thủ Độ là chú họ thế mặt cha, quốc mẫu là cô ruột và cũng là nhạc mẫu của vua Thái Tôn, vua bất đắc dĩ phải cho mời vào cung. Thái sư và quốc mẫu đều cố đem lẽ bảo vệ ngôi báu của họ Trần ra thuyết phục và nài ép vua Thái Tôn phải lập Thuận Thiên làm hoàng hậu. Vua Thái Tôn quá đau khổ, mệt mỏi, chán chường vì chuyện đó nhưng rồi cũng phải nhận lời.
Thế là ngày kế tiếp đó triều đình tổ chức lễ tôn lập hoàng hậu.
Có lẽ đây là cuộc tôn lập hoàng hậu lạ lùng nhất trong lịch sử nhân loại. Nhà vua ngơ ngáo buồn thiu, tân hoàng hậu cũng bơ thờ không một nụ cười. Cái khác đời nữa là hoàng hậu đã có thai hơn ba tháng với một người khác...
Thuận Thiên công chúa giờ đã trở thành hoàng hậu. Bà được các quan và đoàn thái giám, tì nữ phò về cung.
Sau buổi lễ tôn lập hoàng hậu, vua Thái Tôn buồn bực về trở long sàng nằm vắt tay lên trán. Bấy giờ ngài mới thấy thấm thía lời dạy "Đời là bể khổ" của Đức Phật. Ngài thương yêu Chiêu Thánh vô cùng mà giờ phải chia xa vĩnh viễn. Ngài kính quí Hoài vương Trần Liễu vô cùng mà giờ đây lại thành cướp vợ của người. Hai người ấy, hai người thân yêu nhất của ngài, chắc chắn đang oán hận ngài và đau khổ vô cùng. Họ làm sao thấu hiểu được ngài cũng chỉ là nạn nhân! Ôi! Quyền uy! Ngai vàng! Giòng họ! Nó tạo nên biết bao nhiêu đau khổ cho thiên hạ! Đức Thích Ca đã bỏ ngai vàng như bỏ chiếc dép đứt, tại sao ta không bắt chước ngài?
*
Một buổi sáng, người ta thấy ba người bộ hành trẻ tuổi đi về phía núi Yên Tử thuộc địa phận Hải Dương. Họ nghỉ chân dưới một gốc cây rợp bóng mát trong số những cây cổ thụ bên đường gần một cánh đồng rộng lớn. Trời nắng gắt, lũ trẻ chăn trâu thả trâu xuống cả cánh đồng rồi tập trung dưới các gốc cây để đánh đáo hoặc kể chuyện đời xưa cho nhau nghe. Một số nông phu cũng kéo nhau lên ngồi dưới các gốc cây đó uống nước, hút thuốc hoặc mang cơm ra ăn.
Một bọn nhỏ đánh đáo ăn cõng, đứa nào thua phải cõng đứa thắng. Có một đứa thắng liên tiếp nhiều lần, đắc chí ngồi trên lưng bạn nhún nhảy nói:
- Tao làm vua nên có ngựa cưỡi hoài!
Một nông dân ngồi gần đó cười:
- Làm dân mà cứ ngày no ba bữa vợ chồng hòa thuận con cái sum vầy là sướng nhất rồi chứ làm vua khổ lắm ham chi mà mong?
Một nông dân khác cười hô hố, nói:
- Ông nói lạ! Làm vua muốn ăn chi cũng có! Muốn chơi cô nào cũng được! Muốn chặt đầu ai thì chặt! Sao lại không sướng kìa?
Trong mấy người bộ hành có kẻ sầm mặt có kẻ nhíu mày. Người nông dân thứ nhất vô tình lại cười:
- Chú mày không thấy ông vua mới vừa giết sạch trơn giòng họ vua cũ đó sao? Ông vua cũ đã vào chùa tu mà cũng không được yên thân, vẫn phải thắt cổ mà chết đấy! Ai trong giòng còn sót thì phải đổi ra họ khác hết. Làm vua vinh sang một thời rồi chuốc lấy chuyện diệt tộc như thế chú mày thấy có sướng không?
Một nông dân thứ ba, ngồi trong một toán khác nói xen vào:
- Việc đời được đó mất đó biết đâu chừng! Giành được cầm trong tay rồi cũng chưa chắc là của mình. Cái của cải, cái phú quí vinh hoa nó vậy đấy! Mấy ông nghe đây!
Ông ta cất giọng ngâm lên sang sảng:
"Nhất phái thanh sơn cảnh sắc u,
Tiền nhân điền địa hậu nhân thu!
Hậu nhân thu đắc mạc hoan hỉ!
Hoàn hữu thu nhân tại hậu đầu!"
Đấy, một dãi núi xanh cảnh sắc u nhã, ruộng đất của người trước người sau thu lấy. Người sau dù thu lấy được cũng khoan vội mừng, vì đã có những kẻ muốn lấy đi nữa đứng chực phía sau lưng mình rồi đấy.
Người bộ hành trẻ tuổi nhất nghe chuyện thở dài đứng dậy. Hai người kia cũng lật đật đứng dậy theo. Họ lại tiếp tục lên đường. Đi cách xa đám nông dân và lũ chăn trâu một đoạn, người trẻ tuổi than thở:
- Thế là người đời cứ cho ta là kẻ làm những việc bạc tình, bạc nghĩa, thất nhân, ác đức chứ họ đâu có biết ta cũng chỉ là một nạn nhân! Ôi! Vương làm chi! Đế làm chi! Giờ ta muốn làm một người dân tầm thường cũng không được nữa!
Khi bóng chiều đã ngã dài thì ba người bộ hành lên tới chùa Yên Tử. Chùa này do vị quốc sư Phù Vân trụ trì. Vị quốc sư vừa thấy ba người khách thì ông kêu lên:
- A Di Đà Phật! Bệ hạ vì sao ra nông nỗi này!
Người khách trẻ quì xuống trước mặt vị sư. Hai người kia cũng quì xuống theo. Vị sư hoảng hốt lật đật bước tới định đỡ nhà vua dậy nhưng người khách trẻ nói:
- Đệ tử không còn là thiên tử nữa. Đệ tử đã nhất quyết xuất gia. Xin quốc sư rộng lòng thu nhận và xuống tóc cho đệ tử!
Quốc sư Phù Vân đỡ nhà vua dậy:
- A Di Đà Phật! Cửa thiền tuy rộng mở, nhưng số bệ hạ còn phải hưởng phước vinh hoa, còn phải chịu trách nhiệm về sự an nguy của dân tộc Đại Việt. Bệ hạ chưa thể tự tiện tránh cõi đời được đâu! Giai đoạn này đất nước đang cần tới bệ hạ, không ai có thể thay thế bệ hạ được. Xin bệ hạ hãy giữ gìn long thể.
Nhưng nhà vua năn nỉ:
- Xin quốc sư hiểu cho, đệ tử đã chán chường công danh phú quí cũng như duyên nợ lắm rồi! Hơn nữa, đệ tử tuổi còn thơ ấu, học hành non nớt, kiến thức hẹp hòi, không thể nào chấp chưởng việc lớn. Ý đệ tử đã dứt khoát, xin quốc sư mở rộng con đường giải thoát cho đệ tử! Đệ tử chỉ muốn sớm hôm vui vầy với kinh kệ mà thôi.
Quốc sư Phù Vân ôn tồn nói:
- A Di Đà Phật! Thôi được, trong lúc bệ hạ đương cơn bức xúc, hãy tạm dung ở cửa thiền năm ba ngày cho tinh thần lắng dịu đã. Mong bệ hạ sớm ổn định mình rồng. Bần tăng tin rằng không sớm thì muộn thế nào triều đình cũng lên đây rước bệ hạ về.
Sau đó, quốc sư khiến người dọn chỗ cho vua nghỉ.
Quốc sư Phù Vân nói không sai. Chỉ tới trưa hôm sau, quan quân do chính Thái sư Trần Thủ Độ dẫn đầu rầm rộ kéo lên chùa Yên Tử. Trần Thủ Độ dẫn các quan vào ra mắt vua Thái Tôn và thưa:
- Nước một ngày không thể thiếu vua, xin bệ hạ hãy trở về kinh thành kẻo thần dân trông ngóng!
Vua Thái Tôn buồn rầu nói:
- Trẫm hãy còn thơ ấu, chưa đảm đương được việc trọng đại, vua cha (Trần Thừa) lại vội từ trần, thành ra trẫm mất người nương tựa, không dám để nhơ nhuốc đến xã tắc!
Thái sư nài nỉ mãi nhưng vua Thái Tôn cũng nhất quyết không chịu về. Thái sư bèn quay sang nói với các quan:
- Thôi được, thiên tử ở đâu thì triều đình ở đấy!
Nói xong, ông ra lệnh chuẩn bị cho xây dựng cung điện để biến núi Yên Tử thành kinh đô. Quốc sư Phù Vân vốn biết tính Thái sư đã nói thì tất làm, ông lo sợ phải đến năn nỉ với vua Thái Tôn:
- Bệ hạ nên quay loan giá về kinh thành, không nên để họ làm tổn hại đến của cải của muôn dân và tổn hại đến chốn núi rừng!
Vua Thái Tôn bất đắc dĩ phải theo triều đình trở về Thăng Long.
Lý Trần Tình Hận
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19