Chương 13
Tác giả: Ngô Viết Trọng
V ì lo sợ cho tính mạng Hoài vương, Quang Thiệu không dám thậm thụt dè dặt nữa. Ông cố gắng đi thật nhanh. Nhưng mới đi khỏi chòi chừng hơn trăm bước, Quang Thiệu gặp ngay hai người đang đi ngược chiều. Đó là một người đàn ông trung niên và một thiếu nam còn đầy nét khờ khạo trên mặt, chừng mười lăm tuổi. Một người cầm rựa, một người vác búa, có lẽ họ định đi rừng. Nhìn thấy họ, Quang Thiệu nghĩ ngay đấy là hạng dân dã quê mùa, người nào cũng áo rách quần bươm. Ông rất mừng vì tin chắc họ là những đối tượng không có gì nguy hiểm. Ông vồn vã chào hai người:
- Xin làm ơn cho tôi hỏi thăm một chút!
Chú nhỏ nhìn khách có vẻ ngạc nhiên trong khi người lớn tuổi vui vẻ hỏi lại:
- Ông từ đâu đến đây? Cần hỏi thăm chúng tôi chuyện gì?
Quang Thiệu nhỏ nhẹ:
- Thưa, chúng tôi là khách buôn bán vải vóc đường xa. Giữa đường không may gặp giặc cướp bị lấy hết của cải. Chúng tôi phải chạy trốn mới thoát thân được. Không ngờ lại lạc đường đến xứ này, lương khô mang theo cũng hết sạch rồi. Chưa tìm được đường về thì người anh tôi lại mắc bệnh sốt rét rất nặng. Hai ngày nay ông ấy không có chút thuốc chút cháo hồ nào lót bụng. Xin ông làm ơn làm phước giúp đỡ.
Người đàn ông nghe qua chuyện có vẻ động lòng. Ông sốt sắng nói với Quang Thiệu:
- Cũng được thôi, cứu người tức là gieo nhân lành. Ông anh bị bệnh hiện giờ nằm ở đâu? Nhà tôi cũng gần đây thôi, ông hãy dắt người bệnh theo chúng tôi về nhà nghỉ tạm mà lo chạy chữa.
Nói với khách xong, ông ta quay lại vẫy tay về phía cậu bé:
- Mình đình việc ấy lại đã con, ngày khác làm. Bây giờ đưa hai người này về nhà cứu người ta cho kịp cái đã!
Quang Thiệu thấy cách nói năng của người đàn ông thì mừng rỡ, yên lòng dắt hai người về chòi. Khi ba người đã bước vào chòi Quang Thiệu mới giật nẩy mình. Ông đã quên lửng việc bộ phẩm phục triều đình đắp trên mình Hoài vương. Quang Thiệu chỉ còn biết tự trách mình bối rối quá nên sơ sót cả chuyện cảnh giác. Hai người dân quê hết sức ngạc nhiên khi thấy người bệnh đang đắp trên thân một chiếc áo sang trọng. Quang Thiệu biết ý lúng túng giải thích cho qua:
- Chúng tôi đi buôn vải vóc mà bây giờ vốn liếng chỉ còn bấy nhiêu đấy!
Cha con người đi rừng dường như có vẻ tin lời, không nói gì. Hoài vương vẫn mê man nằm chèo queo trên tấm ván mục, thỉnh thoảng lại rên hư hử. Quang Thiệu ngồi xuống bên cạnh nhẹ nhàng đánh thức vương dậy. Vương mở mắt ngơ ngác nhìn hai người lạ và vẫn rên hư hử. Quang Thiệu nói nhỏ với vương điều gì đó, vương mệt mỏi gật đầu. Quang Thiệu xếp bộ triều phục của vương lại bỏ vào cái túi mang. Người đàn ông giao cái búa cho người con cầm đi trước rồi cùng Quang Thiệu dìu Hoài vương về nhà mình.
Quang Thiệu để ý thấy con đường đi cong queo được đắp bằng thứ đất cứng khô chai bạc màu. Hai bên là hàng rào trồng cây xanh tốt có bóng mát để khách có thể nghỉ tạm núp nắng ven đường. Đi được một đoạn khá dài, người đàn ông nói với Quang Thiệu:
- Nãy giờ quên giới thiệu mất, tôi là Cả Lục, gia đình tôi làm cả nghề rừng lẫn nghề rẫy ở nơi đây đã nhiều đời. Vùng này dân chúng thưa thớt, hay bị sốt rét nên ai cũng có phòng trữ thuốc trị trong nhà. Tôi sẽ hốt thuốc để ông anh đây uống. Nếu không giảm, tôi sẽ nhờ ông cậu tôi chữa cho. Ông cậu tôi trước là quan ngự y của triều đình. Vì buồn thế sự, ông đã xin về hưu hơn năm năm nay, hiện ở gần đây.
Bây giờ thì Quang Thiệu mới biết người đàn ông này không phải thuần túy là hạng vai u thịt bắp như ông đã tưởng lúc mới gặp. Rõ ràng Cả Lục có vẻ hiểu biết thời thế, có tư cách đàng hoàng. Anh ta đã có một ông cậu là cựu ngự y của triều đình thì gia thế anh ta chắc không phải tầm thường. Quang Thiệu nói:
- Thưa ông Cả, lúc nãy tôi cũng bối rối quên giới thiệu mất. Ông anh tôi đây là Hai Hoàng, còn tôi là Quang, đều là người hạt Nam Định.
Nói chuyện đến đây thì đã tới nhà Cả Lục.
Nhà Cả Lục gồm hai bộ phận. Nhà trên rộng, nền cao gồm ba gian hai chái lợp lá chung quân. Nhà dưới thấp hơn gồm ba gian nhỏ hơn thẳng góc và nối liền với nhà trên bởi một cái máng xối, lợp bằng tranh. Cả Lục sai người nhà dọn một phòng cho ông Hai Hoàng nằm nghỉ dưỡng bệnh. Quang Thiệu thì được mời nghỉ ở một cái giường lèo. Cả Lục thân hành coi mạch, rồi chế thuốc cho người bệnh. Đồng thời, ông thúc người nhà nấu cháo loãng cho người bệnh dùng. Cả Lục cũng cho người nhà lựa một số áo quần để hai người khách tạm thay.
Đêm đó, ông Hai có vẻ bớt sốt. Đến ngày hôm sau, ông Hai cũng ăn được ít cháo và vẫn tiếp tục uống thuốc. Thấy người bệnh thuyên giảm mau chóng ai cũng mừng. Nhưng không ngờ vào nửa đêm sau thì bệnh ông Hai bỗng trở nên nguy kịch. Người ông nóng lên dữ dội trở lại. Ông cứ nói mê sảng từng hồi. Quang Thiệu lo sợ lắm, phải túc trực bên mình ông để coi chừng. Ông Cả Lục cũng lăng xăng lo thuốc. Ông rất lấy làm lạ vì xưa nay thuốc của ông ai dùng cũng công hiệu. Với người khách này, hôm qua bệnh cũng giảm thấy rõ, bây giờ lại trở nặng đột ngột chắc phải có một nguyên do gì. Cả ngày người khách chỉ dùng một ít cháo trắng chứ có ăn gì nữa đâu! Ông chỉ còn cách cứ cho khách uống tiếp thuốc, nếu tới sáng không bớt thì đành phải cầu cứu ông cậu vậy. Người bệnh vẫn chốc chốc lại nói lảm nhảm không ai hiểu gì. Một lần thình lình người bệnh ú ớ rồi kêu to lên:
- Thuận Thiên công chúa! Nàng bây giờ ở đâu? Ta không muốn mất nàng. Ta chết mất công chúa ơi!
Câu nói đột ngột của người bệnh đã làm Quang Thiệu tái mặt, Cả Lục thì trố mắt ngạc nhiên rồi quay lại nhìn Quang Thiệu. Quang Thiệu lật đật cầm tay người bệnh lắc lắc với thái độ lúng túng:
- Tỉnh dậy, tỉnh dậy... nhân huynh ơi! Đây là nhà thầy thuốc!
Người bệnh trở mình vài cái rồi nhắm mắt thiêm thiếp. Nhưng không lâu sau đó ông lại nấc lên đau đớn:
- Thuận Thiên! Thuận Thiên! Tấm thân ngà ngọc của nàng đã về tay người khác ôm ấp rồi! Trời ơi là trời...
Quang Thiệu lại một lần nữa lay người bệnh thức dậy. Người bệnh mở mắt nhìn hai người đang đứng bên giường một chút rồi thiêm thiếp trở lại. Hai người vẫn còn nghe người bệnh tiếp tục lảm nhảm nho nhỏ: "Thuận Thiên! Thuận Thiên!...". Một chốc sau, thấy người bệnh đã ngủ yên, Cả Lục nắm tay Quang Thiệu kéo lại ngồi bên chiếc bàn nhỏ:
- Ông Quang đừng ngại nhé, tôi hỏi thật các ông là ai?
Quang Thiệu buồn rầu, ái ngại hỏi lại:
- Tôi nghe người nhân thấy người lâm nguy thì ra tay cứu giúp chứ cần chi biết lai lịch người thọ ơn thưa ông Cả?
Cả Lục nói như phân trần:
- Xin ông đừng lấy làm lạ thấy chúng tôi có vẻ tò mò. Tôi chỉ muốn biết sơ một vài điểm cần thiết để có thể phỏng đoán bệnh trạng mà chữa cho ông anh thôi.
Quang Thiệu im lặng chốc lát rồi ngùi ngùi:
- Thôi, tới nước này tôi cũng không giấu ông làm gì nữa. Người bệnh đây chính là Hoài vương Trần Liễu, còn tôi là môn khách của người, tên là Trần Quang Thiệu. Chúng tôi đang gặp nạn lớn, sống chết xin tùy lượng ông Cả vậy!
Cả Lục vô cùng ngạc nhiên:
- Vậy ra quí ngài là yếu nhân của triều đình, kẻ thôn dân không biết cam thất lễ! Nhưng sao vương gia lại mớ nói ra những lời khác lạ vậy? Phải chăng đã xảy ra chuyện gì? Tại sao tiên sinh không thông báo với bất cứ viên chức thôn xã nào về bệnh trạng của vương gia? Tôi nghĩ rằng bất cứ địa phương nào cũng có nhiệm vụ tìm mọi cách thông báo hoặc đưa vương gia về triều để kịp thời cứu chữa cho người, sao tiên sinh không tính chuyện ấy?
Quang Thiệu bất đắc dĩ phải thuật lại mọi chuyện đã xảy ra. Nghe xong, Cả Lục nói:
- Vậy sáng mai tôi phải trình việc này với cậu tôi thử cậu tôi tính sao!
Quang Thiệu ngần ngại:
- Xin ông Cả tha lỗi, liệu trình lại với ông cụ có thể gây sự nguy hiểm không đây?
- Tiên sinh cứ yên lòng. Cậu tôi một đời chỉ biết cứu người, không màng danh lợi cho nên ông mới từ quan về ở ẩn. Ông ta là một thầy thuốc có tài, đã từng làm ngự y trong triều. Nếu không nhờ tay ông ta, tôi sợ mình không đủ sức chữa cho vương gia. Tuy nhiên, để ngăn ngừa chuyện có thể tiết lộ đến tai mắt triều đình, xin tiên sinh cũng như vương gia phải giữ kín tông tích. Từ nay hai vị nên coi như thân nhân của tôi cho tiện.
Quang Thiệu nghe Cả Lục nói thế thì cám ơn rối rít.
Hôm sau, vừa tảng sáng, Cả Lục thân hành sang nhà ông cậu. Sau khi nghe cháu trình bày đầu đuôi câu chuyện, ông cậu cười:
- Cậu không ngờ cháu to gan đến thế. Chứa chấp phản tặc có thể mắc tội tru di tam tộc như chơi đấy. Nhưng làm việc nhân nghĩa thì trời không phụ lòng đâu. Cháu đã có lòng như vậy thì cậu đâu dám tiếc sức. Tuy nhiên, phải hết sức cẩn thận nhé.
- Dạ, cháu sẽ hết sức cẩn thận.
Quang Thiệu ở nhà hồi hộp đợi chờ. Một chốc sau thì Cả Lục trở về với một ông già. Quang Thiệu ngạc nhiên thấy ông già có gương mặt quen quen. Hình như đã gặp nhau đâu đây rồi.
- Kính chào cụ!
- Không dám, kính chào tiên sinh!
Hai người chào nhau trước khi Cả Lục kịp giới thiệu. Qua giây phút ngạc nhiên, Quang Thiệu chợt nhớ ra đây chính là ông già câu cá mà Hoài vương và ông đã trông thấy hôm kia. Quang Thiệu mừng rỡ như gặp được người quen cũ. Ông già tỏ vẻ rất sốt sắng:
- Xin tiên sinh cho phép tôi vào thăm vương gia một tí.
Quang Thiệu và Cả Lục đi trước, ông già theo sau. Trước tiên ông già đứng quan sát từng cử động của người bệnh. Trong khi đó Cả Lục đi lấy một chiếc ghế nhỏ mang lại. Ông già ngồi xuống ghế xong mới bắt đầu sờ trán, cầm tay người bệnh xem mạch. Việc làm này khiến Hoài vương hơi tỉnh táo. Vương mở mắt ra thấy ông già thì lộ vẻ ngạc nhiên lắm. Vương quay nhìn về phía Quang Thiệu như muốn hỏi. Quang Thiệu biết ý giải thích:
- Vương gia, đây chính là cụ già câu cá mà mình gặp hôm kia. Cụ chính là một viên quan ngự y của triều đình đã hồi hưu. Vương gia yên trí chắc chắn cụ sẽ chữa lành bệnh cho vương gia.
Đến lượt cả cụ già lẫn Cả Lục ngạc nhiên, Cả Lục hỏi:
- Thì ra vương gia và tiên sinh đã gặp cậu tôi rồi?
- Không, thật ra bữa đó chúng tôi đã thấy cụ khi cụ đang câu cá nhưng chúng tôi ẩn mặt không dám lại chào.
Cụ già vái Hoài vương một cái:
- Lão là Phạm Lũy, kính chào vương gia, xin tha tội thất lễ!
Vương nhẹ gật đầu, mặt có sắc vui nhưng không nói gì, tỏ vẻ mệt nhọc. Sau đó vương lại nhắm mắt. Cụ Phạm nhìn sắc mặt rồi xin phép xem lưỡi, sờ lưng rồi lại cầm tay vương bắt mạch rất cẩn thận. Quang Thiệu im lặng lo lắng chờ đợi.
Thấy cụ già đã ngừng tay, Quang Thiệu nôn nóng hỏi:
- Thưa cụ, bệnh tình vương gia ra thế nào?
- Lẽ ra bệnh chưa đến nỗi nào, nhưng vì uất khí bên trong xung lên quá dữ dội làm kinh mạch đảo lộn hết, khiến bệnh chóng trở nên kịch liệt. Nếu để chậm một hai ngày nữa có lẽ khó phương cứu chữa... Bây giờ gặp lão rồi tiên sinh cứ yên chí.
Cụ Phạm trở ra ngoài hốt thuốc và chỉ cho người nhà Cả Lục cách sử dụng. Sau đó, Cả Lục mời cụ cùng Quang Thiệu ngồi uống trà.
Uống xong một ngụm nước, Quang Thiệu thưa:
- Kính thưa cụ, thưa ông Cả Lục, tính mạng vương gia nếu không gặp nhị vị chắc không xong rồi. Chúng tôi thật mang ơn nhị vị như ơn trời biển tái tạo. Nếu sau này chúng tôi được giải oan mà trở về triều thì nhất định vương gia sẽ không quên cái ơn lớn ấy đâu...
Cụ Phạm khoát tay:
- Xin tiên sinh đừng bận tâm chuyện đó làm gì. Cứu nguy giúp khốn là sở nguyện của chúng tôi. Bây giờ chúng ta cầu sao cho vương gia chóng phục hồi sức khỏe, tai qua nạn khỏi là chúng tôi mừng rồi. À, tiên sinh có thể cho lão biết tình trạng cựu hoàng Chiêu Thánh bây giờ ra sao không? Đáng tiếc, một người sắc nước hương trời như vậy mà số phận lại quá hẩm hiu!
- Thưa cụ, chính tôi cũng không biết gì cả. Tôi theo Hoài vương đi bên ngoài nên rất mơ hồ về chuyện xảy ra ở trong triều.
Cụ Phạm thở dài:
- Không ngờ thời buổi này lại xảy ra những chuyện động trời đến thế!
- Thưa cụ, tôi nghĩ chắc cụ đã quá chán chốn bụi hồng nên mới về đây tìm thú lâm tuyền?
- Vâng, thưa tiên sinh, cuộc đời dâu bể lắm chuyện thị phi, lão phu phần chán ngán công danh, phần tuổi già sức yếu nên về ở ẩn chốn này cũng hơn năm năm rồi. Lão phu là ngự y từng phục vụ các triều Cao Tôn, Huệ Tôn, Chiêu Hoàng nhà Lý rồi đến triều Thái Tôn nhà Trần. Tuy đã qui ẩn, lão phu vẫn nguyện mình còn giúp đời được gì thì cứ giúp. Tiên sinh cần gì cứ nói, lão phu rất sẵn sàng giúp đỡ trong phạm vi khả năng của mình.
- Thưa cụ, việc chữa bệnh cho vương gia là chính yếu trước mắt. Chúng tôi đội ơn nhị vị quá nhiều rồi. Nhưng sau này chúng tôi vẫn có thể còn làm phiền cụ và ông Cả Lục nhiều nữa.
- Không sao, xin tiên sinh cứ việc! Ở triều xảy ra bao nhiêu chuyện lớn lao như vậy mà lão đây có hề nghe gì đâu! Nếu vương gia và tiên sinh không đến đây không biết bao giờ lão mới biết được. Rõ là ếch ngồi đáy giếng.
*
Chừng mươi hôm sau thì Hoài vương lành bệnh. Gia đình Cả Lục hằng ngày cung phụng thức ăn cho vương rất hợp cách và đầy đủ để vương chóng được hồi phục. Có lẽ ngại ở lại lâu làm gia chủ hao tốn quá, lại có thể gây liên lụy cho gia chủ, Hoài vương bèn xin cáo từ lên đường. Lúc bấy giờ hai ông đã có đủ áo quần ngụy trang để có thể trà trộn trong dân chúng. Cụ Phạm Lũy cảm thấy ái ngại cho hai người, đề nghị:
- Vương gia về đâu bây giờ? Theo lão nghĩ, chỗ này coi như chốn thâm sơn cùng cốc ít ai biết tới, Vương gia cứ yên tâm tạm dung thân một thời gian đã. Lão sẽ cho người về kinh dò xem bao giờ tình hình thật thuận lợi rồi tính sau cũng được, cần gì mà vội!
Cả Lục cũng ân cần mời giữ đến mấy lần. Hoài vương thấy tình ý chủ nhân như vậy bèn chịu nương náu ở đó một thời gian nữa. Từ đó hằng ngày cụ Phạm thường qua lại đánh cờ hoặc đàm đạo thơ văn để hai người được khuây khỏa...
Nhưng chẳng bao lâu sau, Hoài vương lại tỏ vẻ ray rứt khó chịu. Chuyện công chúa Thuận Thiên đành cam phận, nhưng còn các con nữa, bây giờ chúng ra sao? Những dấu hỏi cứ đập vào đầu khiến Hoài vương không thể nào nguôi ngoai được. Trên mặt vương lúc nào cũng hiện rõ vẻ khổ não. Ngày kia, trong một lần uống trà cùng cụ Phạm và Cả Lục và Quang Thiệu, Hoài vương nói:
- Ta rất cảm kích tấm chân tình của cụ Phạm và ông Cả dành cho ta. Ta cũng rất cảm kích lòng trung thành, chung thủy của Quang Thiệu đối với ta lâu nay. Kể từ giờ phút này, ta không muốn phiền nhiễu tới ai nữa. Công chúa Thuận Thiên đã về tay người khác, lẽ sống của ta cũng không còn. Vả lại, ta còn hai vương tử vô tội là Tuấn và Doãn, chúng cần sống. Ta vui lòng nhận lãnh sự oan khuất, ta muốn về triều chịu chết để cứu lấy hai vương tử. Cha mẹ nào mà chẳng thương con! Ta đã thấy bao nhiêu cơn ác mộng về chúng. Những hình ảnh hai đứa trẻ thơ ngây bị đày đọa hoặc bị giết thê thảm cứ hiện lên tâm trí ta, ta không chịu nổi nữa. Hôm nay ta quyết về triều một mình. Quang Thiệu không nên theo ta làm gì, đừng hi sinh vô ích, hãy tìm đường sống cho mình. Các người đừng bận bịu vì ta nữa nhé!
Cụ Phạm hết sức xúc động nói:
- Vương gia đã quyết lòng thì lão không dám cản. Tuy nhiên, lão cũng xin tiễn vương gia mấy lời chân thành: Lão đã cho người thăm dò và được biết, chính Hoàng thượng cũng đau khổ chẳng kém gì vương gia. Đã có lần Hoàng thượng bỏ triều trốn vào núi tu hành nhưng rồi Thái sư đem bá quan lên núi rước trở về. Hoàng thượng rất thương và rất lo lắng cho số phận của vương gia. Nhưng ngược lại, triều đình đã có lệnh, bất cứ giới chức nào cũng được phép "tiền trảm hậu tấu" khi gặp vương gia. Vậy, xin vương gia nghĩ kỹ lại. Chỉ có Hoàng thượng là người có thể che chở cho vương gia. Dạo này Hoàng thượng chán nản việc đời nên hay rong chơi sông hồ. Tốt nhất là vương gia làm thế nào để diện kiến được Hoàng thượng thì may ra có thể an toàn. Vương gia còn sống thì nỗi oan khuất sẽ có ngày được tẩy rửa. Xin vương gia liệu lấy!
Quang Thiệu cũng xúc động nói:
- Vương gia nói vậy chứ tôi nỡ nào bỏ vương gia giữa lúc này? Nếu tôi sợ khổ, sợ chết, tôi đâu có theo vương gia đến bây giờ! Nhưng tôi nghĩ rằng, nỗi đau khổ quá lớn đã làm tổn hại đến sự suy nghĩ chín chắn của vương gia. Vương gia nên nén lòng ẩn nhẫn một thời gian nữa, chính tôi sẽ đích thân theo dõi, dò xét tình hình thế nào rồi chúng ta về triều cũng không muộn.
Nhưng Hoài vương cương quyết nói:
- Không, ý ta đã quyết. Nếu không chết vì triều đình thì ta cũng chết dọc đường mà thôi. Quang Thiệu, nếu ông thương ta, hãy bảo trọng cái thân, sau này có dịp, ông dìu dắt che chở các vương tử cho ta, biết đâu chúng lại trả thù được cho ta! Đó là điều ta kỳ vọng ở ông đấy!
Quang Thiệu rưng rưng nước mắt:
- Tôi xin hứa trước mọi người, tôi sẽ hết lòng làm những việc vương gia ủy thác. Nhưng bây giờ, tôi xin được theo chân vương gia tới khi nào vương gia gặp được Hoàng thượng. Tôi không muốn vương gia mắc mớp bọn tiểu nhân dọc đường!
Hoài vương lắc đầu:
- Không được! Nếu ta gặp hoạn nạn dọc đường, ông nổi nóng nhảy vào rồi cũng gặp chuyện không may thì sao? Vậy là tuyệt đường trông cậy của ta rồi!
Cụ Phạm lên tiếng:
- Nếu vương gia đã quả quyết như vậy thì xin cứ việc. Nhưng xin phép cho lão được tổ chức một bữa rượu tiễn chân cho thỏa tình. Vương gia lên đường chậm thêm vài ba bữa nữa cũng không muộn!
Thế là hai hôm sau Hoài vương Trần Liễu giã từ mọi người để ra đi. Vương đi chưa tới nửa ngày thì Trần Quang Thiệu cũng lên đường.