watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Ba Lê - Mắt Biếc Môi Hồng-Chương III - tác giả Người Thứ 8 Người Thứ 8

Người Thứ 8

Chương III

Tác giả: Người Thứ 8

S ở dĩ bàn ghế đồ lỏng chỏng là vì Nguyễn Phước Bửu Khoa rút hai tay ra khỏi bụng và ngã xấp, khiến gã râu ria, bồi phòng kiêm hỏa đầu quân, luống cuống chạy tới. Sự sợ hãi đã làm hắn mất phương hướng, thay vì chạy thẳng hắn lại đâm đầu vào cái bàn nhỏ bên trên đặt toàn chai lọ thủy tinh : cái bàn nhẹ bị lật nghiêng, đồ đạc vỡ loảng xoảng, gã râu ria ngã vùi và kéo theo mấy cái ghế.



Tuy nhiên, tiếng động mà Văn Bình chú ý nhất là do khối sắt từ phía sau Bửu Khoa phóng tới. Khối sắt này hình tròn như quả tạ, kẻ vừa ném phải có nhiều công phu luyện tập vì chẳng phải bất cứ ai cũng có thể vận dụng 5, 6 ký kim khí nhẹ tăng như con nít bắn bi. Văn Bình nhanh mắt, ngoẹo cổ tránh thoát, khối sắt tròn được quăng mạnh đến nỗi cánh cửa bị chẻ làm đôi và dứt khỏi ba bản lề rơi luôn xuống đất.



Hung thủ núp cạnh tủ buýp-phê. Ném ám khí xong, hắn co chân nhảy ra. Chắc hắn vững tin vào tài nghệ của hắn nên tuy bị bắt quả tang hắn vẫn không lộ vẻ nao núng. Cách Văn Bình hai mét hắn phi thân, quét ngang hông chàng một ngọn cước karatê.



Văn Bình lùi sát tường để tránh. Chàng chưa phản công vì chàng cần quan sát kỹ lưỡng căn phòng xem ngoài hung thủ ra còn ai nữa không. Đây là phòng làm việc. Chỉ thấy bàn, ghế và tủ. Một phần căn phòng được dùng làm nơi thí nghiệm với các dụng cụ khoa học hình thù cổ quái và máy móc điện tử tinh vi, song Văn Bình nhận thấy Bửu Khoa làm việc giấy tờ ở đây nhiều hơn là thí nghiệm thực hành, và ngoài nơi này ra chắc đang còn phòng thí nghiệm khác trong tòa nhà.



Bửu Khoa không tha thiết đến nghệ thuật nên trên tường có nhiều bức ảnh mà chẳng được bức nào nên thân. Hầu hết là ảnh y học. Cũng có vài ba chân dung phụ nữ, song không có gì đặc sắc.

Hung thủ đang đối diện với chàng có lẽ là người lạ duy nhất trong phòng, vì Văn Bình thấy ngoài cái tủ buýp-phê ra, không còn chỗ núp kín đáo nào khác.



Như vậy, chàng đã có thể yên tâm. Một chọi 3, chọi 10 chàng còn coi là trò đùa, huống hồ là một chọi một. Trong vi phân thời khắc, trước khi đối phương xấn lại để gở lại ngọn cước bị hụt, Văn Bình đã phăng ra yếu điểm của hắn. Hắn là người phương Tây, về khoản đồ sộ và nặng ký chàng chỉ đáng làm em út. Hắn biết đá karatê, và vờn quyền theo nhu đạo, lại thạo ném ám khí nặng, thế tất hắn không phải là võ sĩ cà mèng như đám đàn ông ngồi xe DS bị chàng đánh ngã tứ tán.



Hắn đá hụt nên tỏ vẻ thận trọng hơn trước. Hắn hơi rùn người, vươn ra nhưng chưa tấn công. Thấy bàn tay lớn hơn cái găng đánh bốc, và nhất là cái lưng tròn bành, dầy và rộng như bộ ván bên dưới bộ mặt ngắn ngủn, phũ phàng, đầy mụn và vết thẹo ngang dọc, Văn Bình đã biết ngay "căn cước" của hắn.

Hắn là "anh hai" trong số mấy chục khối thịt khổng lồ chuyên sống bằng nghề xưng hùng xưng bá tại khu Chợ trung ương của thành phố. Bất cứ khu chợ nào trên thế giới cũng có du đãng và trùm du đãng, chợ trung ương Ba Lê đã khét tiếng những trùm du đãng chưa nơi nào có. Trong chợ này, có chừng 500 người nặng trăm ký trở lên, họ làm trật tự viên hoặc khuân vác ở quầy hàng, thường thường vác trên vai nửa con bò, nghĩa là 250 ký. Không phải ai cũng hành nghề khuân vác này được, họ có đoàn thể hẳn hoi, muốn gia nhập hội phải đeo nổi trên vai một cái bồ đựng 2 tạ đá và đi nổi 150 mét. Có người vác nổi 3 tạ, và còn nỗi máu anh hùng mời một cô gái nõn nà trèo lên lưng dạo chơi vài vòng nữa.



Đa số phu khuân vác đều hành nghề lương thiện. Thiểu số gồm những kẻ bán trời không văn tự, không vợ, không con, hợp thành nhóm riêng, và bầu bán cấp chỉ huy theo thủ tục rất dân chủ. Nghĩa là hàng năm, chức "anh hai" được tuyển chọn một lần, cả bọn tụ tập lại, có người tự ý tranh cử hoặc được bạn bè đề cử, và các ứng viên lên võ đài tranh tài cao thấp. Trong những lần ghé Ba Lê, Văn Bình được nghe kể lại thành tích của bọn trùm du đãng tại khu chợ chính, đặc biệt là thành tích của một tên "anh hai" võ nghệ cao cường. Hắn chuyên xử dụng môn đá, tuy nhiên môn ruột của hắn là ném bi thép, một loại bi tròn bằng sắt đặc, tuy gọi là bi nhưng lớn hơn trái banh tơ-nít. Cách xa hàng chục mét, hắn vẫn ném trúng mục phiêu nhỏ bằng bàn tay. Hắn làm mưa, làm gió tại khu chợ trong gần chục năm, ngày nay hắn đã quá ngũ tuần, gân cốt không còn tráng kiện như hồi thanh xuân nữa, nhưng không ai dám vuốt râu hùm vì hắn đã truyền nghề mọn lại cho một số đàn em.



Gã đàn ông mặt thẹo, lưng rộng vừa ném hụt bi-thép phải là dân chơi có hạng từ khu chợ tới. Văn Bình đã đọ quyền với nhiều dân chơi có hạng ở kinh đô ánh sáng, nhưng chưa có cơ hộị thù tiếp dân chơi của các quầy hàng thịt [1]. Chàng bèn nghiêng đầu cười khẩy, dáng điệu khiêu khích. Hắn đã tiến đến gần sát người chàng nên không tiện dùng cước pháp. Hắn cũng biết như vậy và dồn sức vào cánh tay.



Hắn càu nhàu mấy tiếng Pháp tục tỉu đồng thời chập hai nắm tay làm một giáng xuống vai chàng. Chàng có thể đỡ đòn hoặc tránh đòn dễ dàng vì lối tấn công của hắn thiếu tính cách thần tốc. Tuy nhiên chàng muốn biểu diễn tài nghệ chịu đòn cho hắn kiềng mặt người Việt da vàng. Nhưng nếu chàng kềm chế tự ái, để không coi đối phương nặng gấp đôi chàng và bắp thịt rắn không thua bắp thịt chàng là đồ bỏ thì chàng đã không đau điếng. Vì chàng khinh địch, chàng không tích cực vận kình, biến da thịt trên vai thành hào lũy bất khả xâm phạm. Té ra miếng đòn hai nắm tay chập một của hắn thuộc loại chân truyền... Văn Bình khuỵu xuống, mắt tối sầm.



Chàng đang loạng choạng thì hắn xây mình, hạ thấp xuống, ghé vai húc chàng một cái thật mạnh. Không dám lơ mơ như trước nữa, Văn Bình phải nhảy lùi đụng ttường, và quét chân sát đất, hầu làm cho đối phương mất thế quân bình. Dầu sao chàng cũng đổ mồ hôi hột. Nếu chàng thoái chậm một phần trăm giây đồng hồ, sức húc kinh hồn của hắn có thể tông gẫy xương sườn của chàng.



Chàng được bạn bè kể lại nghệ thuật tấn công bằng vai của dân chơi ở khu chợ chính Ba Lê mà chàng không tin, giờ đây chàng mới thấy đúng. Họ có thể dùng vai xô đổ bức tường kiên cố. Hàng ngày, hàng đêm khuân nặng trong một thời gian dài đã luyện cho vai họ cứng như thép trui trong lò.



Giới phu khuân vác ở chợ chính Ba Lê được nhà vua rất trọng vọng thời xưa. Mỗi khi nhà vua băng hà, họ được cử đại diện khiêng quan tài từ hoàng cung tới giáo đường. Lý do là vì khu chợ ở gần hoàng cung, nhưng theo huyền thoại, sở dĩ họ được tuyển chọn là vì một số "anh hai" trong bọn họ đã có bờ vai vô cùng kiên cố.



Rầm... rầm... gã đàn ông mặt thẹo hụt đòn, nhào vào cái tủ thư viện, đựng toàn là sách. Tủ này cao hơn 2 mét rưỡi, được chia làm nhiều ngăn từ gần mặt đất lên đến trần phòng, ngăn nào cũng đầy ứ sách đóng bìa cứng. Sách về khoa học thường dầy cộm, ổng số sách trong tủ lên đến 3, 4 tạ là ít, vậy mà hắn cũng hất vèo sang bên, sách rớt ra ngoài kêu lên những tiếng ầm ầm không ngớt.



Tự ái cố hữu của điệp viên bách chiến bách thắng z.28 đã bị va chạm cao độ. Chàng đã ăn đòn xửng vửng. Nhưng đòn đau trên da thịt chưa làm chàng tê tái bằng đòn đau tinh thần. Gã mặt thẹo đã chơi trèo ngang ngược, hạ nhục chàng ngay trước mắt người đẹp, sự tức giận pha lẫn xấu hổ làm chàng tăng thêm sức mạnh.



Gã mặt thẹo toan tái diễn đòn vai thì Văn Bình đã chặn trước. Chàng đánh luôn đòn chân và đòn tay cùng một lúc. Yếu tố to cao chỉ có lợi trong các trận đấu lấy thịt đè người, và hoàn toàn có hại trước đối phương am tường bí quyết điểm huyệt atêmi. Vì hai đòn atêmi phủ đầu của Văn Bình đã làm hắn suy giảm phân nửa mãnh lực. Hắn gầm lên như sấm đoạn lăn xả vào người chàng, ôm đại ngang lưng hòng quật ngã. Nhưng hắn chỉ mới chạm vào áo chàng là đã bị đánh bật ngữa. Chàng bồi thêm ngọn độc cước giữa đan điền, khí huyết đột nhiên bế cản, gã mặt thẹo bổ sứt cạp lăn kềnh ra.



Cuộc đọ sức giữa Văn Bình và gã mặt thẹo kéo dài trong vòng mấy phút đồng hồ. Tuy chỉ có 60 giây mà chàng có cảm tưởng như 60 phút. Vì chàng nóng ruột muốn biết thương tích của giáo sư Bửu Khoa và nữ thư ký Diễm Hà ra sao.



Chàng lấy làm mừng khi thấy Bửu Khoa và Diễm Hà được đỡ dựa lưng vào tường. Nghĩa là hai người đều sống. Diễm Hà có vẻ đau đớn và mệt mỏi hơn, da nàng mỗi lúc một tái, nàng thở một cách khó khăn như thể cuống họng bị chặn nghẹt.



Bửu Khoa đã nhận ra chàng, ông ta cười, miệng hơi méo, chứng tỏ ông ta cười gượng gạo, cười để trấn an khách. Khác với dự đoán của chàng, Bửu Khoa không còn là thanh niên sung sức nữa, những nếp nhăn thời gian đã hiện rõ trên cổ, trên vầng trán rộng, và nhất là ở đuôi mắt. Dường như ông ta đã cố gắng làm đẹp, nhờ nhà giải phẫu thẩm mỹ mổ kéo căng da mặt, nhưng nổ lực khoa học đã chịu thua sức tàn phá của tạo hóa. Nếu ông ta không nhuộm tóc chắc hẵn mái đầu đã bạc phơ, tuy nhiên, chàng có cảm tưởng là ông ta bận bịu nhiều công việc quan trọng trong mấy tuần qua vì tóc nhuộm đã lợt, hai bên màng tang xoắn lên và đỏ quạch như râu ngô mà ông ta chưa thể đến được tiệm cắt tóc.



Bửu Khoa trạc 60 tuổi. Tuổi này chưa phải tuổi già, vì ở phương Tâỵ, kể từ 65 tuổi người ta mới gọi là "tuổi thứ ba". Tiến bộ khoa học đã làm con người trẻ lại dễ dàng. Cho nên, với tuổi lục tuần, Bửu Khoa còn hảo ngọt, còn có hàng tá con rơi và bồ trẻ măng, cũng không phải là chuyện động trời, vả lại, Bửu Khoa có một thân thể khá cốt-tô, cử chỉ còn vững vàng, tự tin như là con trai, cặp mắt lại ướt uớt, ông ta say mê đàn bà và đàn bà say mê ông ta chỉ là sự việc thông thường như chàng mê say thuốc lá Salem, rượu huýt-ky và người đẹp núi lửa vòng mông vòng ngực 160 xăng-ti-mét vậy...



Bửu Khoa mặc com-lê sậm, khoác ba-đờ-suy bên ngoài. Cái mũ dạ vành mềm và cái phu-la quấn cổ rớt văng trên đất. Những đồ phụ tùng này cho thấy ông ta sửa soạn ra đường. Trời chưa tối, và chưa lạnh lắm mà ông ta trưng diện ba-đờ-suy lẫn phu-la, thế tất ông ta sửa soạn đi đâu xa.



Diễm Hà cũng đã tỉnh lại hoàn toàn. Sau ót nàng còn vết máu ướt và một cục bướu lớn bằng trái ổi. Chắc nàng đang ngồi làm việc thì gian phi đi vòng ra sau bàn giấy và đánh vào gáy nàng khiến nàng bất tỉnh. Bửu Khoa có võ nên đã chiến đấu ngang ngửa trước khi bị đòn đau ở bụng, ngã khuỵu xuống, địch toan đánh bồi để kết thúc cuộc quần thảo thì cửa phòng mở tung, đoàn cứu tinh xuất hiện.

Chàng nói với Bửu Khoa :

- Tôi là Văn Bình. Đáng tiếc là giáo sư gặp nạn. Lẽ ra tôi đến sớm hơn nữa.

Bửu Khoa hơi đỏ mặt. Tính sừng sộ quen thuộc sắp sửa bùng lên. Ông ta dằn giọng với Lệ Liên :

- Em lái xe lộn đường một chiều rồi bị cảnh sát tốp lại biên phạt hả ? Tôi đã dặn em cả trăm, cả ngàn lần mà em không thèm nghe. Khi ra đường phải thận trọng. Phố xá Ba Lê không phải như ở đồng quê, em phóng như mưa thì còn có ngày chết nữa kìa... Từ đây đến đó chỉ có nửa cây số, em cũng lạc đường được ư ? Em từng đậu cử nhân khoa học, lại theo bậc đại học, trí thông minh của em đâu đến nỗi kém, tại sao không nhớ nỗi các con đường một chiều ?

Lệ Liên đáp, dịu dàng :

- Em xin lỗi giáo sư.

Bửu Khoa nói như hét:

- Xin lỗi... xin lỗi, em bắn tôi chết rồi cũng xin lỗi à...



Đột nhiên Bửu Khoa ngưng nói. Có lẽ ông ta bắt đầu nhận thấy sự lố bịch của mình trước mặt khách lạ. Lệ Liên đưa mù-soa cho ông ta lau mồ hôi rồi dìu lên ghế dài. ông ta củng ngón tay vào đầu nàng rồi nói, giọng trở lại bình thường :

- Tôi buồn cười quá, em bắn tôi chết thì còn xin lỗi thế nào được nữa... Em đã biết tính tôi nóng như lửa mà cứ trêu tức tôi hoài.

Rồi hắn phân bua với Văn Bình :

- Khổ quá, tôi chừa mãi không được. Hễ ai làm phật ý là tôi sừng sộ. Như tôi đã nói với ông, tôi gặp ông rồi ra sân bay. Tôi chờ cô Lệ Liên mãi không thấy về nên đâm cáu. Cô bé này vẫn có thói quen lái xe la cà, đường xá đàng hoàng không đi, cứ đút đầu vào hẻm cụt và đường một chiều, và tệ hơn nữa là ở các ngã tư có đèn lưu thông, đèn xanh thì thắng lại, còn đèn vàng đèn đỏ thì tống hết ga xăng. Vì chúng ta có chuyện cần, Lệ Liên là người tin cậy, tôi mới nhờ cô ta đi đón. Ngờ đâu chứng nào vẫn tật nấy.



Văn Bình định thuật lại tai nạn Lệ Liên gặp dọc đường và cuộc ẩu đả với bọn cô hồn trong xe DS, nhưng chàng bắt gặp đuôi mắt đầy ý nghĩa của nàng. Nàng không muốn làm phiền Bửu Khoa. Thái độ này chứng tỏ nàng yêu Bửu Khoa ghê gớm. Bảo rằng ông ta xấu trai e không đúng, vì mặt mũi khá cân đối, bộ mã lại dễ nhìn, nhưng thật khó mà khen ông ta khôi ngô, hợp "týp" đàn bà choai choai hiện tại. Nàng yêu ông ta ghê gớm chỉ có thể vì một trong hai nguyên nhân sau đây : yêu tài bác vật có một không hai, hoặc yêu tài... ngầm, tài này đàn ông nhỏ tuổi thường thua đàn ông lớn tuổi, và những kẻ có tài thiên bẩm thường giấu kín, chỉ riêng đàn bà trong phòng vắng mới biết, một khi đã nếm mùi thì chết cũng không buông. Văn Bình có ý nghĩ là Lệ Liên yêu Bửu Khoa về cả hai đặc tài, tài lộ và tài ngầm. Bỗng nhiên chàng thèm địa vị của Bửu Khoa. Chàng thèm vì sực nhớ đến ông ổng giám đốc. Mai kia, già bằng ông Hoàng, giáo sư Bửu Khoa vẫn dẻo vẫn dai. Văn Bình đâm sợ tuổi già. Chàng hy vọng còn giữ được sức lực. Nếu chàng ốm o xụi bại như ông ổng giám đốc thì thà... chết sướng hơn.

Nguyễn Phước Bửu Khoa quan sát cục bướu đọng máu sau ót của Diễm Hà rồi ra lệnh cho gã râu ria xum xoe đứng bên :

- Nhờ chú đưa cô Hà sang phòng bên nghỉ, sau đó chú kêu điện thoại cho bác sĩ.

Diễm Hà đứng dậy, giọng trong trẻo :

- Cám ơn giáo sư, em hết đau rồi. Để chú Sáu lo việc khác.

Giáo sư Bửu Khoa gạt phắt:

- Không được. Em bị đánh vào đầu, cần cho y sĩ khám lại và chụp hình xương sọ. Vả lại, hôm nay em làm việc quá nhiều, từ sáng đến giờ chưa có phút nào xả hơi, cho nên em phải dưỡng sức.



Văn Bình biết Bửu Khoa kiếm cớ đuổi khéo các cộng sự viên để được tự do nói chuyện với chàng. Lệ Liên quả là người đàn bà tế nhị, gã râu ria mang cái tên cục mịch là chú Sáu vừa khép cửa phòng thì nàng cũng đứng dậy :

- Giáo sư quên. Em cũng cần nghỉ một lát.



Chẳng nói chẳng rằng, Nguyễn Phước Bửu Khoa kéo Lệ Liên lại, hôn nhẹ lên má nàng, ông ta hôn Lệ Liên với cử chỉ âu yếm nhưng phớt đời, như thể căn phòng được đóng kín và không có mặt người lạ. Ông ta đãng trí hay bất chấp dư luận, Văn Bình chưa rõ, song điều chàng có thể nhận thấy ngay lão già 35 Bửu Khoa có một lối hôn độc đáo, không những hôn bằng miệng mà còn hôn bằng tay, bằng chân, bằng mọi bộ phận trong thân thể nữa. Văn Bình có cảm tưởng Lệ Liên đang bị đè nghiến trong vòng tay lực lưỡng và nàng dính bết lấy da thịt ông ta. Chàng đứng xa hai người một sải tay, hơi nóng hừng hực từ thân thể bị kích thích tột độ của Lệ Liên thổi ùa lại làm chàng ran rát. Lệ Liên và các cô gái khác gắn bó sống chết với nhà bác học lục tuần hảo ngọt này chỉ là chuyện dĩ nhiên. Nếu công việc được thành tựu suông sẻ, chàng phải cắp sách thụ giáo giáo sư nghệ thuật vuốt ve đàn bà của giáo sư di truyền học Nguyễn Phước Bửu Khoa mới được.



Nhìn Lệ Liên núng nẩy bước ra khỏi phòng, Bửu Khoa chắc lưỡi:

- Ông thấy hai cô thư ký của tôi ra sao ?

Văn Bình cũng chắc lưỡi:

- Đẹp, giỏi và ngoan nữa. Nhưng theo thiển ý, đàn bà đẹp, giỏi và ngoan không hiếm. Nếu hiếm, chỉ hiếm những người đàn ông như ông. Thú thật là tôi đi nhiều, quen nhiều, song chưa gặp ai lớn tuổi mà còn tráng kiện và hấp dẫn như ông.



Bửu Khoa cười, để lộ hai cái răng vàng óng ánh ở sâu bên trong :

- Ông đoán tôi bao nhiêu tuổi ?

Văn Bình lắc đầu :

- Chịu. Kể về tài ba và kinh nghiệm, ông phải là người sống nhiều tuổi đời. Nhưng về diện mạo, thân hình, cũng như về sức khỏe, ông lại còn quá trẻ.

- Trẻ nghĩa là mấy chục ? Năm chục, sáu chục, bẩy chục ?

- Chết chửa. Người như ông làm cách nào đến bẩy mươi được. Nhiều nhất là 60. Và 60 là...

- Thôi, để tôi nói thật cho ông khỏi mất thời giờ. Nhiều người cũng cho tôi là 60, 62 là cùng. Nhưng tuổi đúng của tôi tính đến hôm nay là 75. Vâng, tôi vừa chẵn 75 tuổi Tây... Tính theo tuổi ta thì tôi 77. Vì tôi ra đời ngày 23 tháng Chạp, ông Táo chầu trời, có 7 ngày hết năm ta mà tôi có thêm những 2 tuổi.

- Trời ơi, tôi không tin. ông... cụ., gần 80 tuổi rồi ư ?

- Hừ... tại sao anh lại gọi tôi là cụ ? Sự thật là tôi đã 77 tuổi, song tôi còn khỏe, còn mạnh như đàn ông 40, 45. Chẳng thế mà thằng cha khổng lồ chỉ dám đánh trộm tôi, chứ không dám đối diện... A, tôi quên thuật ông nghe việc xảy ra, chú Sáu vừa ra, tôi đang đọc thư cho Diễm Hà ghi tốc ký thì tôi bị tấn công sau lưng. Nhờ Diễm Hà nhìn thấy la lên nên tôi không bị trọng thương, hắn bèn đánh nàng bất tỉnh rồi quay ra quần thảo với tôi. Nếu tôi không vụng về để hắn đá trúng bụng thì có lẽ chưa chắc mèo nào cắn miêu nào...

- Ông có biết hắn là tay sai của ai không ?

- Không. Tôi thưởng bị người lạ lẻn vào nhà lấy trộm tài liệu hoặc chặn đường hành hung như vậy. Riết rồi đâm quen, tôi ỷ võ nghệ và tài bắn súng nên chẳng buồn nhờ nhà chức trách bảo vệ nữa. Vả lại, ông nghĩ coi... đàn ông ở đây, uống vang thượng hạng, và ăn phó mát thượng hạng, người nào người nấy bụng phưỡn ra, họ làm cận vệ cho tôi thì tôi càng chóng chết. Thiên hạ rõ nực cười, họ muốn tôi hợp tác với họ, họ hứa hẹn đủ điều, họ trả hàng chục triệu đô-la tiền thưởng, đinh ninh tôi nghe theo, đến khi tôi thẳng tay từ chối, họ liền giở thói vũ phu...

- Họ là gián điệp Cộng sản, phải không giáo sư ?

- Úi chao, nếu họ chỉ là Cộng sản không thôi thì tôi cũng đỡ tủi thân. Đằng này phe nào, nước nào cũng nhảy vào vòng chiến. Họ không thể hiểu rằng tiền bạc, danh vọng và ngay cả sắc đẹp nữa, đều không mua chụộc được tôi. Trong đời, tôi chỉ rung động trước tình bạn. Tôi chịu cực, chịu khổ tại Ba Lê, nghĩ cách móc mối và thuyết phục Tôlan là vì tình bạn ngày xưa. Tôi không thể khoanh tay đứng nhìn bạn ngày xưa của tôi chết dần chết mòn vì những chứng bệnh vô lý và xuẩn ngốc là bệnh già, ông rõ chưa ?

- Thưa... ông là bạn già của ông Hoàng ?

- Đích thị. Ông Hoàng chưa cho anh biết hả ? Gớm, cái anh già này luôn luôn méo mó nghề nghiệp... nhưng chẳng hề gì đâu, ông Hoàng đã nói với tôi về đại tá z.28. Anh là đại tá z.28 phải không ? Chỉ thấy mặt anh là biết liền, ông Hoàng thường nói trên đời này có 2 thằng đàn ông đệ nhất đa tình, già là Bửu Khoa, còn trẻ là đại tá Văn Bình z.28. Hà hà... ông Hoàng khen anh lắm, nếu không ông ta chẳng giao công việc này cho anh. ông ta hiểu tính tôi, cái tính bốc đồng ấy mà, khoái thì làm, không khoái thì tẩy chay, súng kê sát thái dương cũng... cóc cần.



Ngày xửa, ngày xưa, bọn chúng tôi bỏ quê hương ra nước ngoài để tìm phương tiện tranh thủ độc lập. Chúng tôi ra đi đông lắm, trong phong trào Đông Du có đến hàng ngàn, song chỉ một số vài ba trăm qua Châu Âu. Tôi lấy tên Bửu Khoa, Nguyễn Phước Bửu Khoa là để che dấu hoạt động dĩ vãng, đúng họ của tôi là họ Trần, tôi sinh trưởng ở tỉnh Quảng Nam tại Gò Nổi, thuộc phủ Điện Bàn. Gò Nổi là nơi chôn nhau cắt rốn của những anh hùng dân tộc như Trần Cao Vân, Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ.... Tôi không có vinh dự làm họ gần với ông Trần Cao Vân, song nhờ cha mẹ cũng ăn mày được ít chữ thánh hiền và hiểu được thảm cảnh nước mất nhà tan để liên lạc với Việt Nam Quang Phục hội. Ông Trần Cao Vân và ông Thái Phiên móc nối với vua Duy Tân để phất cờ khởi nghĩa. Chuyện này xảy ra từ hơn nửa thế kỷ mà tôi vẫn nhớ rõ, cuộc khởi nghĩa định vào 3-5-1916, nhưng bại lộ, vua Duy Tân bị Pháp bắt và đưa đi đầy, còn Trần Cao Vân, Thái Phiên và Phạn Hữu Khánh bị xử chém tại An Hòa, anh em thanh niên chúng tôi dính líu vào vụ này nên bị lùng bắt ráo riết. Tôi mầy mò xin được chân rửa bát dưới tàu thủy, lênh đênh sang Tàu, rồi từ đó qua Âu Châu. Tôi kết bạn với ông Hoàng ở Pháp. Tôi vừa đi làm, vừa đi học, tốt nghiệp y khoa bác sĩ, tiến sĩ khoa học trong khi ông Hoàng làm phóng viên báo chí, làm cách mạng, làm gián điệp. Tuy ít gặp nhau vì mỗi người một nghề nghiệp, một hoàn cảnh, song chúng tôi rất ý hợp tâm đầu, tôi là một trong số rất ít bạn phù rể của ông Hoàng khi ông thành hôn với bà Maria ở Ý Đại Lợi [2].

Lẽ ra, với kiến thức chuyên môn của tôi, tôi có bổn phận trở về giúp nước, và nếu không muốn nói đến chữ tồ quốc quá thiêng liêng thì tôi cũng có bổn phận đối với tình bạn con chấy cắn đôi. Nhưng định mạng éo le không cho phép tôi hồi hương, anh ạ. Tôi phải lưu lại đất khách quê người vì... duyên nợ đàn bà, ông Hoàng đã biết điều này nên trong nhiều năm liền, ông ta không đặt vấn đề hồi hương với tôi.

- Thưa... chắc bà nhà không hợp với khí hậu và thủy thổ Sàigòn ?

- Tôi là người đàn ông độc thân, anh quên rồi ư ? Nói cho đúng, tôi hiện sống độc thân là do những liên hệ với dĩ vãng. Sở dĩ tôi không già cũng do những liên hệ này mà ra. Dĩ vãng lạ lùng ấy bắt đầu từ những năm trước đại chiến thứ hai, tôi đã hơn 40 tuổi, đã tạo được tiếng tăm trong y học và sinh vật học trước khi chuyển qua di truyền học và bí quyết trường sinh bất lão.



Khi chiến tranh Trung-Nhật bùng nổ với vụ Lư cầu Kiều, và Hít-le võ trang mạnh mẽ nước Đức, đời sống ở Âu Châu vẫn bình thản, tôi đang kiếm tiền như nước và chơi bời kinh khủng. Anh tính, ban ngày thì ở trong phòng mổ, tôi mổ từ sáng đến tối, và mổ rất giỏi nên bệnh nhân và bạn đồng nghiệp trọng vọng, tối về phòng thí nghiệm, từ 9, 10 giờ trở đi, tôi la cà xuống xóm, nhiều khi 4, 5 giờ sáng chưa về. Về nhà, chỉ chợp mắt qua loa là phải đi bệnh viện. Cuộc sống phí sức này đã làm thân thể tôi yếu đuối, và tôi trở thành ông già, mặc dầu tôi mới 43, 44 gì đó. Tôi già trước tuổi, tóc bạc gần hết, mắt hoa, đầu gối và bàn tay run... khiến cho lưỡi dao giải phẫu mất tính cách chính xác, và quân đội Pháp vừa bại trận, nước Pháp bị chiếm đóng thì tôi cũng phải... giải nghệ y sĩ giải phẫu.



May thay, tôi gặp nàng. Nhờ nàng, tôi đã tìm lại được hương vị của cuộc đời thanh xuân. Tôi làm lễ cưới nàng trùng vào ngày tướng Đờ-Gôn lên tiếng trên đài bá âm Luân-Đôn, kêu gọi dân chúng Pháp kháng chiến chống Đức Quốc Xã.

- Ngày 18-6-1940?

- Phải, ngày 18-6. Năm ấy tôi đã 48. Nàng là người Trung Hoa, giòng họ Lý, nổi tiếng bên Tầu, không phải về thơ văn mà về kỷ lục sống lâu. Nàng là con gái của Lý Trương Uyên, người phá kỷ lục sống lâu nhất trên thế giới, 256 tuổi mới chết [3]. Sau vụ Lư cầu Kiều, nàng trôi giạt sang Âu Châu, gia đình nàng cũng ly tán tại Hoa Lục. Nàng kể cho tôi nghe gốc gác của nàng, trong giòng họ nàng, yểu ra cũng sống trên 150 tuổi, tôi là nhà khoa học nên không tin, chắc anh cũng biết khoa học rất nghiệt ngã, chỉ phê phán trên những bằng chứng cụ thể và xác đáng, về vụ ông bành tổ Lý Trương Uyên báo chí có nói song giới khoa học không công nhận. Không riêng vụ này, nhiều vụ phá kỷ lục khác cũng không được chính thức công nhận như ở Liên Sô sống 190 tuổi [4], Hung Gia Lợi, 185 tuổi, Ba Tư 185 tuổi. Theo thống kê, thì trong số 2.100.000 người mới có thể có một người sống đến 115 tuổi, và con người sống thọ nhất chỉ được 114 tuổi, tên là Du-be [5].

Nàng nói, tôi không tin, nhưng thời gian qua, tôi bắt buộc phải tin. Tôi chung sống tình vợ chồng với nàng, dần dà tôi trẻ ra, tóc tôi đang bạc hóa ra đen, những nếp nhăn biến mất, sức lực tôi trở nên dồi dào như thể tôi mới 35, 39 tuổi, tôi có cảm tưởng là được dùng thuốc cải lão hoàn đồng.

- Bà ấy cho cho ông uống thứ thuốc nào lạ không ?

- Không, hoàn toàn không. Mãi sau này tôi mới khám phá ra. Vợ chồng đi lại với nhau, những tế bào trong bộ phận sinh dục của nàng đã qua cơ thể tôi và đó là những yếu tố làm thay đồi tạng phủ và giúp tôi trẻ lại. Giờ đây, chuyện này không còn là chuyện hoang đường nữa, nhưng cách đây 30 năm, không ai dám khẳng định rằng tuổi thọ có thể tăng lên gấp đôi, gấp ba nhờ những hóa chất chứa đựng trong tế bào mà mắt thường không nhìn thấy.



Nàng rất đẹp, đàn bà phương Tây còn mỏi chân mới theo kịp nhan sắc của nàng. Không những đẹp, nàng còn trẻ nữa. Ngày cũng như đêm, lúc nào nàng cũng tươi như bông hồng vừa được tưới nước. Tôi không hỏi tuổi nàng, vì căn cứ vào thân thể và lối sống của nàng, tôi biết chắc nàng chỉ độ 25, 26 tuổi. Anh tính, hồi ấy tôi 48 tuổi, cưới được con gái 25, 26 đẹp đẽ, phúc hậu, sướng quá Lưu Thần, Nguyễn Triệu lên tiên, tôi còn tra khảo số tuổi thật của nàng làm gì nữa.... Té ra tuổi nàng không phải như vậy. Anh thử đoán tuổi thật của nàng hồi ấy là bao nhiêu ?

- Bằng tuổi ông.

- Bằng tuổi tôi, nghĩa là 48 ư ? Còn lâu, anh Văn Bình ơi. Tôi nói ra, hẳn anh không ngờ. Hồi ấy, khi nàng nói cho tôi biết sự thật, tôi đã ngớ ngẩn suốt mấy tiếng đồng hồ. Hồi ấy, vợ tôi đã 82 tuổi rồi anh ạ...

- Bao nhiêu ? ông nói bà ấy bao nhiêu tuổi ?

- 82.

- Trời ơi, đàn bà 82 mà lấy chồng 48. Nếu ông không phải là giáo sư Bửu Khoa, có lẽ tôi bịt tai không nghe nữa.

- Ông Hoàng cũng đã có lần dọa bịt tai như anh. Vợ tôi đã hơn 80 thế mà vấn đề sinh lực lại nóng bỏng như con gái. Nàng cho biết con gái họ Lý sống thọ hơn con trai. Nếu cuộc đời tiếp tục chạy nhịp bình thường, thì ngày nay vợ tôi vẫn còn, nàng mới 110 tuổi... Nhưng trời đã bắt chúng tôi nửa đường đứt gánh, vợ tôi từ trần trong một tai nạn xe hơi. Nàng chết là tại tôi, tôi hẹn nàng 4 giờ chiều chờ tôi để đến viện bảo tàng coi một bức danh họa, tôi lại về chậm, đúng hơn, tôi quên phứt, mãi đến gần 5 giờ tôi mới nhớ ra và hối hả quay xe về nhà thì nàng đã được một người bạn chở đi. Xe hơi của người bạn này gặp tai nạn và vợ tôi tử thương.



Từ đó, tôi mắc bệnh coi đồng hồ cả ngày và hẹn đúng từng giây từng phút. Tôi không thể bỏ Ba Lê để về Sàigòn vì vợ tôi đã yên giấc ngàn thu ở Ba Lê và tôi đã hứa hàng ngày đến thăm mộ nàng.



Và cũng từ đó, tôi lăn xả vào công cuộc nghiên cứu di truyền học. Vì nếu tôi khám phá được những bí mật về sự sinh sản của tế bào tôi đã có thể cứu sống vợ tôi. Nàng bị thương nơi tim, nàng chỉ có thể thoát khỏi nanh vuốt Tử Thần nếu tôi chế tạo được trái tim mới. Nhưng nói thì dễ, còn làm thì khó nên công cuộc nghiên cứu của tôi gặp hết thất bại này đến thất bại kháv. Cho đến ngày tái ngộ Tôlan.

- Trước kia ông đã quen Tôlan ?

- Phải, chúng tôi quen nhau ở Ba Lê, thoạt đầu ở trường đại học, tôi học thuốc, Tôlan học sinh vật học, sau đó, tôi ra trường, mở phòng mạch, Tôlan trở thành bạn thân của vợ chồng tôi. Tôlan có khiếu đặc biệt về di truyền học, hồi ấy hắn đã được giới khoa học quốc tế chú ý, nhưng đại chiến chấm dứt, Tôlan rời Ba Lê để về nước, ở Nam Tư. Rồi chúng tôi mất tin tức của nhau. Mỗi lần có hội nghị di truyền học, tôi đều tìm kiếm Tôlan song hắn đã hoàn toàn biệt tích, tôi ngỡ hắn đã chết, hoặc bị giam cầm. Vì hắn là người ưa sống tự do, tất không kham nổi những sự kềm kẹp của chính quyền Cộng sản. Đùng một cái, hắn gõ cửa nhà tôi tại Ba Lê. Thì ra hắn bị bịnh ung thư, trong 10 năm chống lại Thần Chết, cũng trong thời gian này, hắn mai danh ẩn tích, sống thầm lặng trong phòng thí nghiệm để chọc thủng màn bí mật di truyền học.



Hắn đến thăm tôi với hai mục đích : thứ nhất, tham dự một hội nghị chuyên môn, thứ hai, báo tin là hắn đã bình phục. Khi đó, giới khoa học Đông Tây đang xôn xao về cuộc thí nghiệm của hai bác sĩ Shettles và Petrucci [6] nuôi "trứng" trong ống thủy tinh để thành bào thai.



Cuộc thí nghiệm này cho thấy khoa học có thể chế tạo được con người. Đáng kể hơn nữa là hai cuộc thí nghiệm khác của bác sĩ Gurdon và bác sĩ Spiegelman [7]. Bác sĩ Speilgeman thành công trong việc chế tạo một vi khuẩn đặc biệt, nói theo từ ngữ điệp báo là vi khuẩn phản gián, nên nó giống hệt các vi khuẩn sanh bệnh, song nó lại giả vờ kết tình đồng chí với chúng để đánh từ bên trong đánh ra. Còn bác sĩ Gurdon thì lấy một hột "trứng" của con ếch, dùng tia cực tím giết chết cái nhân của nó, và thay vào bằng cái nhân rút từ tế bào con cóc, kết quả là chế tạo được một bào thai nửa ếch nửa cóc. Anh đã thấy rõ chưa ? Khoa học chế tạo được ếch nhái tất một ngày kia sẽ chế tạo được con người. Con người sẽ hết bệnh tật vì sẽ có các loại vi trùng, vi khuẩn phản gián, nội tuyến giữ vai trò phòng thủ.



Sự có mặt của Tôlan đã làm toàn thể hội nghị kinh hoàng. Vì tất cả những cuộc thí nghiệm của Shettles, Petrucci, Spiegelman và Gurdon, đã được Tôlan hoàn thành từ lâu, và đạt được những kết quả không ai ngờ nổi. Sáng hôm ấy, đến phiên Tôlan tường trình trước hội nghị, kèm theo những hình chụp và vật dụng chứng minh, thì Tôlan bị bệnh tim đột ngột tại hội trường, đúng 5 phút trước giờ khai mạc.

- Thưa... Tôlan bao nhiêu tuổi ?

- Kém tôi 10 tuổi. Hắn độ 66, 67 gì đó. Tuy vậy, hắn già hơn tôi nhiều. Vì lẽ vợ hắn không phải là giòng giõi của Lý Trương Uyên.

- Có thật ông ta phải ngưng cuộc thuyết trình vì bệnh tim không ?

- Tôi không thể trả lời. Hôm ấy tôi bị cúm nên phải ở nhà. Đến khi tôi được tin thì Tôlan đã lên máy bay về thẳng Nam Tư. Và từ đấy đến nay, không ai nghe nói đến Tôlan nữa. Chính phủ Cộng sản Nam Tư không cho biết hắn còn sống hay chết và nếu còn sống thì hiện ở đâu, và làm gì. Thư từ gửi cho hắn đều bị hoàn trả.



Rồi ông Hoàng liên lạc với tôi, yêu cầu tôi tìm mọi cách đưa Tôlan ra khỏi bức màn sắt.

- Nghĩa là Tôlan còn sống ?

- Phải, còn sống nhăn, ông Hoàng phái một nữ nhân viên sang đây gặp tôi. Tên cô ta là Nguyên Hương, nghe đâu là bí thư trưởng của ông Hoàng. Nguyên Hương cho tôi coi một xấp ảnh chụp Tôlan ở trong một trang trại hẻo lánh cách thủ đô Nam Tư gần 50 cây số. Những tấm hình này cho thấy ông Hoàng đã nghĩ đến Tôlan từ trước và nếu không vấp phải những trở ngại lớn lao, ông ta đã không phiền đến tôi.

- Chắc trang trại của Tôlan được công an mật vụ bảo vệ hết sức kiên cố, không thể đột nhập được... !

- Dĩ nhiên. Tôi dùng chữ "pháo đài" để mô tả trang trại này cũng không ngoa. Nó nằm trên đỉnh một ngọn đồi trọc, lên xuống chỉ có một con đường vòng duy nhất, hàng rào được truyền điện cao thế, khu vườn cũng như các phòng trong nhà được canh phòng bằng máy vô tuyến truyền hình, chó bẹt-giê và một đội cận vệ.

- Tôlan bị giam lỏng ?

- Không. Hắn được tự do xê dịch, vả lại, vấn đề kiểm soát an ninh không thể đặt ra với Tôlan vì hắn có công với kháng chiến và là bạn của thống chế Titô, nhà độc tài cai trị Nam Tư từ sau thế chiến thứ hai đến nay. Titô rất trọng hắn, mặc dầu hắn cứng đầu như con lừa. Không trọng cũng không được vì Tôlan là tài sản của Nam Tư, nếu Tôlan bất mãn, bỏ trốn ra nước ngoài thì hàng chục cường quốc sẵn sàng đánh nhau bươu đầu sứt tai để giành giựt hắn...

- Tôlan không bất mãn ?

- Không, ông Hoàng chịu thua, và nhờ tôi giúp một tay sau khi ông nhận thấy không thể tổ chức bắt cóc hoặc khai thác sự bất mãn. Gặp tôi, Nguyên Hương đưa ra một số kế hoạch nhằm thúc giục Tôlan xuất ngoại với sự đồng ý và bão trợ của nhà cầm quyền. Vì tôi phải giáp mặt Tôlan mới hy vọng lôi kéo được hắn. Nhưng chính phủ Nam Tư đã cấm Tôlan xuất ngoại vì lý do an ninh, muốn giải tỏa lệnh này, phải nhờ đến thống chế Titô.



Như anh đã biết, Titô không còn trẻ nữa. Những người hét ra lửa, quen cai trị, quen sống sung sướng, đều là những người thèm sống lâu. Từ ngày ăn mừng thượng thọ 70 đến giờ, Titô có vẻ lo lắng nhiều hơn trước, sức khỏe của ông ta suy sút rõ rệt, ông ta sai nhân viên đến khắp hang cùng ngõ hẻm để kiếm thuốc trường sinh bất lão, song họ đều quay về tay trắng. Titô theo dõi chặt chẽ công cuộc khảo cứu của Tôlan, vì nếu Tôlan thành công, ông ta sẽ có thể tiếp tục làm Chủ Tịch xứ Nam Tư đến ngàn năm như ông già trong thánh kinh công giáo [8] hoặc ông Bành Tổ Trung Quốc [9].



Qua trung gian của báo chí, ông Hoàng báo cho các cố vấn của thống chế Titô về một khám phá mới trong lãnh vực di truyền học : đó là làng Vin-ca-bam-ba ở cộng hòa Êquatơ, thuộc Nam Mỹ. Tại làng này, sống trên trăm tuổi là thường. Nhiều chuyên viên trên thế giới đã đến tận nơi để tìm hiểu. Họ cho biết sở dĩ dân làng này sống đại thọ là nhờ nước uống trong vùng rất tinh khiết, và trồng một số rau đậu do họ tự tay trồng trọt. Tin tức về làng Vil-ca-bam- ba [10] được truyền đến tai thống chế Titô như tên lửa trên đường thuốc súng, và Titô triệu Tôlan đến hỏi ý kiến. Tôlan chưa có cợ hội nào khảo sát phong thổ một nơi có nhiều người sống trên trăm tuổi nên ngỏ ý muốn đi. Nếu là đi phó hội quốc tế, hoặc mở một cuộc khảo sát thông thường thì Titô đã từ chối, đằng này, Tôlan xuất ngoại là để tìm phương thuốc trường sinh cho mình nên Titô chấp thuận một cách vui vẻ.



Mặc dầu Tôlan được một số cận vệ tháp tùng suốt ngày đêm, tôi vẫn gặp được hắn và thực hiện kế hoạch của ông Hoàng. Tôlan cũng góa vợ như tôi, song tôi không có con chính thức, còn Tôlan có một đứa con gái. Trong trận đại chiến thứ hai, hắn yêu một nữ họa sĩ cũng người Nam Tư, hai người không lấy được nhau vì hoàn cảnh gia đình, sau khi hòa bình trở lại, họ hồi hương và tuy chưa là vợ chồng, họ đã có con với nhau. Họ sắp sửa làm hôn thú để có thể chung sống công khai hợp pháp thì tai biến xảy ra. Thân phụ của người vợ dính líu vào âm mưu chống thống chế Titô, phải bỏ nước trốn đi, và Tôlan bỗng dưng mất cả vợ lẫn con, đứa con gái xinh xắn hồi ấy còn ẳm ngửa.



Người vợ nếu còn sống thì bây giờ độ 45, 46 tuổi. Nàng khá đẹp, học giỏi, lại trẻ, ngoan, sinh trưởng trong một gia đình quý phái, khiến Tôlan không thể quên nàng. Thân phụ nàng lưu vọng sang Hoa Kỳ và dường như khi đứa trẻ lên 8, 9 tuổi thì nàng mang bạo bệnh tư trần. Mỗi lần đến Ba Lê, Tôlan đều nhờ tôi điều tra tông tích của đứa trẻ, hắn không dám nhờ các cơ quan an ninh Nam Tư, sợ bị liên lụy thì ít, mà sợ họ giết đứa trẻ thì nhiều.

- Ông Hoàng đã tìm ra đứa trẻ và dùng nó làm cái mồi nhử Tôlan ra khỏi bức màn sắt.

- Đúng, ông Hoàng đã tìm ra đứa trẻ. Nhưng đứa trẻ này đã lớn, trở thành một cô gái tuyệt đẹp. Gặp Tôlan tại Nam Mỹ, tôi cho hắn coi xấp ảnh con gái hắn, từ ngày lọt lòng, nằm nôi, chập chững biết đi, cắp sách đến trường mẫu giáo đến ngày trưởng thành, với những nét giống mẹ như đúc, với tài vẽ bay bướm của mẹ. Chẳng hiểu ông Hoàng có bùa phép nào mà kiếm được cả một số thư từ của người mẹ. Bà này viết nhiều thư cho chồng. Viết nhưng không gửi. Và để lại một cuốn nhật ký. Tôi là nhà khoa học, chỉ quen với phòng thí nghiệm, ít thích tình cảm vụn, vậy mà đọc qua tập thư và mấy trang nhật ký tôi cũng nôn nao gan ruột. Tôi là người ngoại cuộc mà còn xúc động như vậy, chẳng hiểu người trong cuộc như Tôlan phải bị xúc động đến đâu nữa...

- Sau đó Tôlan đòi đi tìm con ?

- Không. Hắn không nói gì cả. Hắn ngồi im rất lâu rồi rút khăn mù-soa lau nước mắt. Rồi đột ngột hỏi tôi "C.I.A. hay I s đưa những kỷ vật này cho anh ?", tôi đáp không, hắn hỏi tiếp "hay là cơ quan điệp báo Liên Sô ?", tôi lại đáp không. Hắn thở dài, nói "tôi hỏi cho biết đấy thôi, nếu những cơ quan này dính vào thì thật kẹt cho tôi, nhưng dầu bị kẹt tôi vẫn phải nhảy vào, vì anh là bạn thân, anh hẳn biết vợ tôi là người tôi yêu hơn cả yêu đời tôi nữa, và ngoài vợ tôi còn con tôi... ai đưa những đồ ấy, anh nói đi, tôi sẵn sàng làm theo những điều kiện của họ miễn sao cha con tôi được trùng phùng."



Tôi nhắc đến tên ông Hoàng và sở Mật Vụ thì Tôlan mỉm cười, có vẻ không còn thắc mắc nữa. Tôi chuyển cho Tôlan những điều kiện của ông Hoàng : rời Nam Tư đi Sàigòn, ký khế ước phục vụ trong một thời gian tối đa là 10 năm, tối thiểu là 5 năm, về quyền lợi vật chất không đặt giới hạn, đền bù lại, Tôlan sẽ được tái hợp với con gái. Tôlan nhận lời. Hắn xin phép trở về Nam Tư để thu xếp, và trong vòng hai tháng sau kiếm cớ đi Nam Mỹ chuyến nữa hầu trốn qua Ba Lê.

Giọng nói của Nguyễn Phước Bửu Khoa trầm hẳn như sợ những vành tai lạ nghe trộm :

- Tôlan đã đúng hẹn. Gần hai tháng sau, hắn qua Ba Lê.



Văn Bình chăm chú nhìn Bửu Khoa. Thân thể ông ta khá đẫy đà, cái ba-đờ-suy bằng vải len dầy càng làm tăng vẻ đẫy đà. Trông ông, đố ai dám đoán tuổi hơn 60, chứ đừng là 77 nữa. Vậy mà tuổi thật là 77, như ông ta xác nhận. Nếu có cuộc thi làm tình, vị tất Bửu Khoa chịu thua thanh niên ba, bốn mươi. Chàng đã quen nhiều thanh niên mới một dúm tuổi trên đầu mà khối óc đặc sệt, tay chân khòng khèo, chưa đụng đến đàn bà đã thở hổn hển như mới dự cuộc đua việt dã mấy chục cây số.

Bửu Khoa gật đầu :

- Phải.

- Tôi muốn gặp Tôlan ngay được không ?

- Không được, vấn đề tiếp xúc đã được dự liệu từ trước. Phi cơ từ Nam Tư chỉ đến đậu lại trường bay 3 tiếng đồng hồ để đổ nhiên liệu và rước thêm hành khách. Tôlan đã lỉnh ra ngoài, thuê tắc-xi về trung tâm thành phố. Theo kế hoạch, hắn chỉ gọi điện thoại báo tin cho tôi, chứ không đích thân đến nhà tôi. Vì không riêng Nam Tư, mọi chính phủ trên thế giới đều muốn tóm cổ hắn, mang về làm việc. Phản gián Nam Tư không thể không biết Tôlan là bạn thân của tôi. Thế tất sau khi Tôlan biệt tích, họ phải theo dõi chỗ ở của tôi và hành động của tôi.

- Như vậy ông còn sai Lệ Liên đưa tôi về đây làm gì ?

- Tôi không biết. Tôi chỉ áp dụng đúng những chi tiết được ghi sẵn trong kế hoạch của ông Hoàng.

- Tôlan hiện trú ở đâu ?

- Tôi không biết. Nếu biết nơi hắn ở thì công việc của tôi đã giản dị hơn nhiềụ. Tôi chỉ cần lái xe đến, chở hắn ra ngoại ô là xong. Ba Lê như mê hồn trận, tôi có nhiều địa chỉ vô cùng kín đáo, giấu cả một tiểu đoàn binh sĩ cũng còn thừa chỗ, huống hồ chỉ có một mình Tôlan và người thư ký.

- Thư ký riêng ?

- Phải. Mà là nữ thư ký. Tôlan cũng thích bay bướm như tôi. Vả lại, hầu hết đàn ông bận bịu khoa học đều cảm thấy cô độc, và muốn kết bạn với đàn bà đẹp. Cô thư ký riêng của Tôlan vừa đẹp, khỏe, lại vừa trẻ nữa.

- Cũng chưa bằng Lệ Liên và Diễm Hà của ông.

- Cám ơn anh cố ý khen tôi, nhưng sự thật là cô thư ký của Tôlan trội hơn nhiều. Nhưng chúng ta phí thời giờ bàn luận sắc đẹp của thiên hạ làm gì hả anh Văn Bình ? Tôi nghĩ rằng đêm nay anh còn phải thăm viếng nhiều bạn bè, trời sắp tối, thủ đô Ba Lê ban đêm là cõi thiên đường, anh bó gối trong phòng thật uổng.

- Vâng, tôi xin cáo từ, còn xác chết của gã thẹo này ?

- Chẳng sao, chỉ cần 10 phút là hơn trăm kí thịt xương của hắn sẽ biến ra nước trong buồng tắm.

Văn Bình mở cửa, định bước ra ngoài. Nhưng Nguyễn Phước Bửu Khoa vội nói:

- Không, không, mời anh đi ra lối này.



Hồi nãy, Văn Bình đã quan sát căn phòng. Ngoài cánh cửa bằng gỗ tếch nặng phục phịch mở ra hành lang, chàng không thấy cánh cửa nào nữa. Té ra Bửu Khoa dẫn chàng vòng qua giảy bàn dài, bên trên kê những dụng cụ thí nghiệm bằng pha lê và kim khí bóng loáng, để đến một tấm rèm nhung đen. Bửu Khoa kéo rèm. Phía sau là cái tủ đựng sách, nằm trong lỗ hẻm hình vuông của tường phòng. Bửu Khoa đẩy cái tủ sang bên. Một cánh cửa nhỏ lộ ra.



Phòng làm việc của Bửu Khoa được thiết trí bí hiểm không kém buy-rô một yếu nhân điệp báo.



Như thể đọc được tư tưởng của chàng, Bửu Khoa mở cửa cho chàng chui qua, miệng nói:

- Anh kinh ngạc phải không ? Thú thật với anh, tác giả của cánh cửa hiểm hóc này không phải là tôi. Mà là của một ông hoàng đa tình dưới triều vua Lô-Y thập tứ. Nhà vua nổi tiếng đa tình cho nên quần thần và giới quý tộc cũng lây bệnh đa tình. Chủ nhân tòa nhà này lại đa tình kinh khủng, ông ta giữ một chức lớn trong triều, được vua nể vì, sản nghiệp đã to lớn, ông ta lại còn đẹp trai nữa nên đàn bà, con gái đẹp theo sau cả đống, ông ta sai đào một cái hầm riêng, trang bị đầy đủ tiện nghi, ra vào bằng cửa bí mật, để hẹn hò với giai nhân, khỏi bị bà xã ghen tuông. Lẽ ra tôi gặp anh ở một địa điểm khác nhưng ông Hoàng không đồng ý. Kế hoạch của ông Hoàng được vạch rõ từng li từng tí làm tôi phát sốt. Tiếp xúc xong với anh, tôi phải đi ngay, về phần anh, anh sẽ về bằng cửa hậu.

- Có lẽ ông Hoàng sợ bại lộ.

- Hư... Nếu sợ bại lộ tại sao lại mời anh rầm rộ đến bằng cửa trước. Phản gián Pháp và do thám địch tất phải nhìn thấy. Tôi không tin là họ thông manh. Đúng rồi, anh Văn Bình ơi, ông tổng giám đốc của anh đã bắt đầu lẩm cẩm. Khó ai qua tuổi 70 mà thoát khỏi lẩm cẩm.

- Thưa ông, còn lâu ông Hoàng mới lẩm cẩm. Các cộng sự viên ở đây biết đường hầm này không ?

- Không. Trừ chú Sáu.

- Nghĩa là chú Sáu được tin cậy hơn Lệ Liên và Diễm Hà ?

- Tôi không định nói thế. Chú Sáu sinh sống luôn tại đây với tôi nên không thể không biết, còn Lệ Liên và Diễm Hà chỉ đến làm việc.



Hai người đi qua một hành lang hẹp rồi bước xuống cầu thang hình xoắn ốc. Bửu Khoa mở đèn bấm, một vệt sáng xanh quét trên nền nhà bằng đá láng bóng. Một mùi thơm quen thuộc xông vào mũi Văn Bình. Mùi rượu vang đựng trong thùng gỗ. Pháp quốc là nơi sản xuất rượu vang ngon nhất thế giới, nhà quyền quý nào cũng có hầm rượu. Lần nào ghé Ba Lê, Văn Bình cũng đều không quên ghé thăm cái hầm đặc biệt của một đồng nghiệp điệp báo bợm nhậu hỗn danh là "vua rượu" [11]. Hầm của hắn chứa hàng vạn lít rượu đủ loại, hắn o bế hơn cả ông già 35 o bế gái tơ, không khí trong hầm luôn luôn mát mẻ, dầu ngoài trời nắng hè chảy mỡ hoặc tuyết đông giá buốt, hàn thử biểu ở đó phải giữ vững từ 10 đến 14 độ, để bảo vệ rượu vang, mọi kẽ hở được bịt kín để những mùi lạ khỏi lọt vào hầm, và tường hầm còn được lót lát-tích hãm thanh như phòng ghi âm thượng thặng hầu tiếng động phố xá không đến làm kinh động giấc nghỉ êm ái của nàng... vang...



Hầm rượu của Bửu Khoa không khác hầm rượu được liệt vào hạng thượng lưu của "vua rượu". Nghĩa là nền nhà có vẻ ẩm ướt mà khí hậu lại có vẻ khô ráo. Văn Bình đê mê như đang lạc vào thế giới không âm thanh, đâu đây chỉ có hương thơm trinh nguyên ngào ngạt. Bửu Khoa tắt đèn bấm :

- Ông thấy rõ đường đi rồi chứ ? Xin lỗi ông nhé, tôi có mấy két rượu trắng phải cất trong tối. Hễ ra gặp ánh sáng, nhất là ánh đèn, nó sẽ ngả ra màu vàng. Và không thơm ngon như cũ nữa.

Văn Bình nói, giọng vui vẻ :

- Không sao, tôi cũng là dân mê rượu như ông. Rượu vang ngon thường sợ ánh sáng.

- Trời, tôi cứ đinh ninh ông chỉ biết uống whuýt-ky.

- Vâng, whuýt-ky là món tôi khoái khẩu nhất. Nhưng tôi đâu dám... chê rượu vang. Vì rượu vang cũng như đàn bà ấy.

- Ông nói đúng. Người ta bảo rằng đàn bà Pháp khá đẹp và khá ngon lành là do rượu vang.

Pháp có cả thảy 350 vùng trồng nho khác nhau thì cũng sản xuất 350 loại đàn bà khác nhau [12] sở dĩ tôi ở lì lại đây, không chịu hồi hương là vì tôi trót đa mang rượu vang biết nói cũng như rượu vang không biết nói. vả lại, hồi vợ tôi còn sống, nàng cũng mê rượu vang như tôi. Nàng tậu được một thửa vườn nho nổi tiếng, nho ở đó ép thành rượu đặc biệt gửi về Ba Lê, mỗi ngày tôi đều cúng rượu cho nàng. Lạ thật ông ạ... tôi đã yêu hàng ngàn, hàng vạn đàn bà trong đời, vậy mà tôi vẫn không quên được nàng.

Nguyễn Phước Bửu Khoa nín lặng. Văn Bình chỉ nghe thấy tiếng giầy của nhà bác học gõ đều đều trên sàn hầm. Chắc ông ta đang thả hồn về dĩ vãng. Cuối hầm có một ngọn đèn điện le lói. Bửu Khoa chỉ cánh cửa sắt nhỏ ở góc :

- Hầm này ăn luồn dưới đất sang biệt thự kế bên. Một biệt thự cổ, khá rộng, chủ nhân là một bà già thuộc giòng vua chúa, bà này mắc bệnh bán thân bất toại, quanh năm nằm trong phòng trên lầu do vợ chồng tên tài xế hầu hạ. Vợ chồng lão tài xế cũng không có con cháu nên căn nhà vắng tanh vắng ngắt, ông tha hồ nghênh ngang trong vườn, khỏi sợ ai bắt gặp. Ông nhớ nhé, mở cửa sắt ra, có cầu thang gạch dẫn lên trên mặt đất. Trên đó là cái lăng được xây bằng đá cẩm thạch, bà già chủ nhân làm chúc thư để được chôn cất trong lăng, nhưng hiện nay bà già vẫn sống nhăn nên lăng này mọc đầy cây cỏ. Chung quanh lăng có cây ăn trái xum xuê, ban ngày ông cũng có thể vào ra tự do, chứ đừng nói là ban đêm, trời tối om nữa. Sau hàng rào cây ăn trái là đường phố. Thôi chào ông, hẹn sáng mai.



Nguyễn Phước Bửu Khoa nắm bàn tay chàng khá lâu. Dường như ông ta muốn nói điều gì mà hoàn cảnh không cho phép. Mãi đến khi cánh cửa sắt nghiến kèn kẹt trên bản lề rỉ sét, ông ta mới gọi chàng :

- Nè, ông Văn Bình, ông tổng giám đốc có dặn ông điều gì đặc biệt nữa không ?

Văn Bình hơi biến sắc. Chàng đã ngậm miệng kịp để tiếng "không" kẹt lại trong cuống họng. Chàng có linh tính là Bửu Khoa vừa nhắc đến một điểm hệ trọng. Chàng bèn nhún vai, đáp lưỡng :

- Có. Cũng có dặn một vài điều như thường lệ.

Bửu Khoa lắc đầu :

- Không, đây là một chuyện hơi đặc biệt, ông Hoàng hứa trao cho Tôlan một bức thư mới nhất do con gái Tôlan viết cho cha. Kèm theo tấm hình mới nhất.



Trời ơi ! Văn Bình chân ướt chân ráo đến Ba Lê, chưa kịp ăn cơm, chưa kịp gọi điện thoại hỏi thăm các cô bạn quen thuộc, chàng chưa hề tiếp xúc với nhân viên nào từ Sàigòn bay qua. ông Hoàng chỉ ra lệnh bằng mật điện, một bức mật điện ngắn ngủn, là chàng đến gặp Nguyễn Phước Bửu Khoa và từ đó đến giáo sư di truyền học Tôlan. Thế thôi. Ngoài ra, không còn gì nữa khác. Giờ đây Bửu Khoa đòi thư, đòi hình để nộp cho Tôlan, chàng xoay ở đâu ra những của nợ ấy ?

Tuy vậy chàng chỉ ừ hử, lựa lời đối đáp. Bửu Khoa hỏi dồn :

- Ông có mang theo lá thư và tấm hình ấy không ?

Bắt buộc chàng phải đối phương là "có". Song chàng cố tìm cách hoãn binh :

- Vâng, tôi sẽ đưa những vật này cho Tôlan vào sáng mai.

Bửu Khoa lại ngần ngừ một vài giây trước khi hỏi bằng giọng ngạc nhiên :

- Còn cái... của tôi ?

Văn Bình đành khất liều :

- Cũng xin hẹn đến sáng mai.

Bửu Khoa ra vẻ ngạc nhiên hơn :

- Phiền quá nhỉ ! Lẽ ra tôi và ông Hoàng là bạn thân từ nhiều năm nay, vấn đề tiền bạc không nên đặt ra, nhưng chính cô Nguyên Hương đã thay mặt ông Hoàng lặp đi lặp lại là sau vụ này tôi cần qua Mỹ một thời gian... Tôi nói tôi chỉ xin một số tiền nhỏ để tiêu pha dè xẻn 5, 7 tháng thì cô Nguyên Hương cho biết là ông Hoàng đã giành sẵn nửa triệu đô-la. Vâng, nửa triệu mỹ kim, ông Hoàng có nhã ý giúp tôi trang bị một cơ sở mới. Ngoài ra còn tiền thưởng cho Tôlan nữa.



Văn Bình chỉ có thể tỏ thái độ bằng sự nín lặng. Chàng giả vờ nhíu lông mày, bàn tay khum quanh tai để nghe ngóng, vẻ mặt thật nghiêm trọng, song Bửu Khoa đã cuời dòn :

- Ông quên rồi ư ? Hầm rượu này được hãm thanh. Cho dẫu ông ra đến cửa lăng và hét khàn cổ cũng không ai để ý...

- Không, tôi không nói như thế. Tôi vừa nghe được một tiếng động khả nghi.

Đứng bên chàng, Bửu Khoa nín thở. Chung quanh hai người thật ra chẳng có tiếng động khả nghi nào hết. Chẳng qua chàng bịa chuyện để đánh trống lảng vì ông Hoàng du chàng vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Bửu Khoa thì thào :

- Quái, tôi không nghe thấy gì cả.

Chàng thì thào lại:

- Có. Như thể tiếng chân người. Tiếng giầy đạp nhẹ nhẹ trên mặt đất. ông để mặc tôi đi một mình, tiện hơn.



Như cái máy, Bửu Khoa kéo cánh cửa sắt, và khóa lại. Trước mặt Văn Bình là bóng tối dầy đặc. Qua lớp cửa sắt, chàng vẫn nghe rõ tiếng thở gấp gáp của Bửu Khoa. Lời nói của chàng đã làm ông ta lo sợ thật sự. Bửu Khoa gõ hai tiếng vào cửa sắt, dường như để chúc chàng may mắn rồi quay về đường cũ.

Hơi lạnh, một hơi lạnh ghê gớm không biết từ đâu hiện ra vây kín Văn Bình.



Chú thích:

1. Bộ truyện z.28 này được viết trước ngày 4-3-1969, ngày mà khu chợ trung ương rộng 58 mẫu được nhà cầm quyền di chuyển ra vùng ngoại ô Rungis. Nguồn tin báo chí cho biết số người khổng lồ khuân vác hiện hành nghề ở Rungis chỉ còn chừng 350, và trong số này chừng 10 phần trăm là "dân chơi có hạng".

2. Muốn biết rõ về người vợ của ông Hoàng, và một trong những người bạn trai thân thiết của ông (tỉ phú Pô-lốt), xin đọc "điệp viên áo tím" đã xuất bản.

3. Theo tin báo chí, Lý Trương Uyên sinh năm 1680 và tạ thế năm 1936.

4. Ngoài kỷ lục 190 tuổi. Liên Sô còn khoe là riêng tại cộng hòa Nga (124 triệu dân) họ đếm được hơn 100 người thọ từ 120 đến 158 tuổi. Tại Azerbaijan và Géorgie có nhiều người thọ trên 100 tuổi.

5. Đó là Pierre Joubert, sinh tại Gia-nã-đại, ngày 15-7-1701 chết ngày 16-11-1814, thọ được 113 năm 124 ngày. Trường hợp của Joubert đã được chính phủ Gia-nã-đại điều tra và xác nhận.

6. Bác sĩ Landrum Shettles, thuộc đại học đường Columbia, Hoa kỳ, và bác sĩ Daniele Petrucci, tại Bologne, Ý đại lợi.

7. Bác sĩ J.B. Gurdon tại trường đại học Oxíord, Anh Quốc và bác sĩ Sol Spiegelman tại trường đại học Columbia, Hoa Kỳ.

8. Ông già trong Thánh Kinh tên là Methouselah, ra đời trước nạn đại hồng thủy và sống được 985 năm.

9. Ông Bành Tổ sống dưới Đường Nghêu thuộc vùng Bành Thành được 700 tuổi mới chết.

10. Làng Vilcabamba này hiện có gần 90 ông già bà cả trên dưới trăm tuổi. Điều lạ là từ khi ra đời đến 15 tuổi có nhiều người chết, song đã quá 15 thì sống đến trăm tuổi. Tuy lớn tuổi, họ đều làm lụng suốt ngày, bí quyết có lẽ vì khí hậu thích hợp, từ 21 đến 28 độ, mỗi tuần ăn thịt một lần.

11. Muốn biết "vua rượu" là ai, xin đọc "Mây mưa Thụy Sĩ" đã xuất bản.

12. Nước Pháp có 350 vùng trồng nho, nhưng về số rượu vang thì có đến 250.000 thứ (xin nhắc lại 250 ngàn) thường gọi tên theo chủ vườn như Château-Yquem, Mouton Rothschild...
Ba Lê - Mắt Biếc Môi Hồng
Trước khi vào chuyện
Chương I
Chương II
Chương III
Chương IV
Chương V
Chương VI
Chương VII
Chương VIII
Chương IX
Chương X
Chương XI
Chương XII
Chương XII
Chương XIII
Chương XIV