Chương 11
Tác giả: Người Thứ 8
T iếng quát này từ khe đá bên trái vọng ra, ngân vang trong thạch động âm u ngập nước non nửa. Nó chỉ gồm một câu ngắn ngủi nhưng vô cùng dữ dằn:
- Cấm nhúc nhích.
Thằng Sue đứng sững trên tảng đá lớn lâu ngày bị sóng biển xối chảy thành phẳng lì như được gọt bào bằng máy. Văn Bình ngồi thụp xuống, hy vọng ca bin thuyền máy che khuất thân thể chàng. Chàng phản ứng thật nhanh lẹ và thật êm thắm. Chàng đinh ninh người vừa cất tiếng quát đang mai phục sau kẹt hang chỉ mới thấy thằng Sue mà chưa thấy chàng. Trong trường hợp này chàng có thể đoạt phần chủ động.
Điều chàng không ngờ là kẻ núp sau đá đã thấy chàng rõ mồn một. Bằng chứng là hắn oang oang tiếp :
- Yêu cầu người trong ca nô đứng thẳng dậy. Rồi trèo lên bờ. Đừng tẩu thoát hoặc kháng cự vô ích.
Văn Bình đành ló mặt và đặt chân xuống phiến đá hoa cương nhẵn nhụi. Thằng Sue lên tiếng :
- Ai đó. Tôi là người quen. Nhân viên của ông Cheng Ho đây.
Tiếng quát hồi nãy dịu hơn song vẫn còn nguyên chất liệu gay gắt pha lẫn hống hách :
- Biết rồi. Mày là thằng Sue.
Thằng Su đáp giọng tươi rói:
- Vâng. Cháu là Sue. Phiền bác cho cháu lên bờ. Ông cùng đi với cháu là bạn thân của ông Cheng.
- Biết rồi. Câm cái miệng. Bây giờ mày đặt hai bàn tay lên đỉnh đầu. Cả ông khách của mày nữa. Xong xuôi, hai người bước thẳng vào đây.
Khe đá bên trái không nhỏ hẹp như Văn Bình tượng. Nó cao bằng đầu người, và bề ngang vừa hai người đàn ông chui lọt. Sở dĩ chàng không nhìn thấy vì nhỡn tuyến của chàng bị hàng rào thạch nhũ che lấp. Bên trong khe đá còn rộng hơn nhiều. Rộng như phòng dạ tiệc của một đại lữ quán. Và đèn nê ông được thắp sáng trưng.
Đối phương là người Tàu trạc ba mươi, chiều cao và chiều ngang ợ mực độ trung bình, nhưng bắp thịt cứng rắn như được tạc đẽo trong khối kim khí. Hắn mặc áo thun trắng nện bắp thịt tay được phơi bày toàn vẹn, thoạt trông Văn Bình phải vị nể. Hắn phải mất nhiều công phu tập luyện nếu không đôi vai long đình đã làm thân hình mất vẻ thuôn tròn cân đối. Nhờ hàng rào thạch nhũ hắn có thể đứng khơi khơi quan sát chiếc ho bo Rimini từ ngoài biển chui vào hang. Nghĩa là ngay sau khi Văn Bình đột nhập giang sơn đảo Hồng, hắn đã nhìn thấy. Nhìn thấy mà không hành động, hắn đợi chàng lên bờ xong xuôi mới xuất đầu lộ diện.
Thằng Sue hỏi, vẻ sửng sốt nổi bật trên mặt:
- Ông là ai ?
Gã Tàu sẵn giọng :
- Tao mà ai thì thây kệ tao. Một lần nữa, tao hạ lệnh cho mày câm miệng.
Thằng Sue vùng vằng :
- Ừ thì câm. Bây giờ ông làm gì tôi ?
Gã Tàu lia miệng súng tiểu liên :
- Mày đi thứ nhì. Nhường ông khách của mày đi trước. Được, cứ đi thẳng, đến đâu chỉ đường đến đấy.
Vách thạch động trơn bóng như được đánh vẹt ni. Ánh đèn ống dịu mắt nhảy múa trên nền thạch động lót đá trắng, lớn bằng mặt bàn buya rô của các tổng giám đốc công ty, đặc biệt là phiến đá nào cũng được gọt vuông, kích thước không chênh lệch nhau bao nhiêu. Chỉ riêng các phiến đá trắng này cho thấy thạch động đảo Hồng là một công trình kiến trúc quy mô, đòi nhiều phương tiện và thời gian. Nền hang đá mòn, chứng tỏ các phiến đá lót này đã được xử dụng từ nhiều chục năm nay...
Gã Tàu ra lệnh :
- Đứng lại, quẹo sang trái.
Văn Bình đã đi hết gian phòng rộng ở sau khe đá. Chàng đụng một con đường ngang, hai bên vẫn là tường đá kiên cố. Nhưng khác một điều là một phía có những bậc thang ăn ngầm xuống đất, phía kia lại có những bậc thang dẫn lên trên.
Gã Tàu lại cất tiếng :
- Trèo mau lên.
Văn Bình giả vờ bước sang phía có cầu thang ngầm. Gã Tàu dằm dẳn:
- Ai bảo ông xuống hầm. Tôi bảo quẹo trái ngay, còn khệnh khạng gì nữa.
Văn Bình đả đớt:
- Té ra bên trái là đường xuống hầm. Hầm chứa các thùng thép hả ?
Gã Tàu trợn mắt:
- Thùng thép Disa là cái thá gì ? Có chịu hà tiện nước bọt, bước rảo lên không... Bà cụ đang chờ, muốn ăn đạn thì cứ tiếp tục lừng khừng.
Thằng Sue mau miệng :
- Thưa ông, bà cụ nào đang chờ ?
Gã Tàu gắt gỏng :
- Đồ nhãi ranh, không được quyền hỏi.
Thằng Sue đốp ngay :
- Thử đấu một hiệp với nhãi ranh xem ai thắng.
Vặn Bình đinh ninh sự hỗn xược của thằng Sue làm gã Tàu nộ khí xung thiên đánh đòn hội chợ. Nhưng gã Tàu lại hết xịu mặt và rú cười sằng sặc :
- Mày đòi tỉ thí hả ? Đáng tiếc mày còn nhỏ, gân cốt chưa đủ cứng cáp, tao không thể chấp thuận.
Thằng Sue trề môi:
- Ông sợ thì thôi.
Gã Tàu vần cười ròn :
- Rõ cha nào con nấy... Mày chẳng khác cha mày một li.
- Ông quen ba tôi ?
- Dĩ nhiên. Tao ít tuổi hơn, nhưng tao đã có dịp làm dưới quyền cha mày một thời gian.
- Tại đâu ?
- Tao đã tự nguyện không bép xép thế mà mày chưa hỏi đã nói oang oang. Sớm muộn mày sẽ biết, mày đừng căn vặn tao nữa. Lẽ ra mày phải tôn tao là chú. Đời nào chú tỉ thí với cháu phải không ?
Gã Tàu ném trước mặt thằng Sue hai túi vải tròn bằng nỉ đen dầy, rồi nói tiếp :
- Nhanh lên, bà cụ đang chờ... Mau chụp túi vải lên đầu ông khách. Còn túi kia đề giành cho mày... Xong chưa ? Được rồi, mày nắm bàn tay ông khách.
Tuy gã Tàu tỏ ra thận trọng, Văn Bình vẫn khám phá ra hớ hênh. Chàng có thể phản công, áp đảo hắn và dùng hắn làm hướng đạo. Song chàng lại ngoan ngoãn tuân lệnh. Chàng thầm nghĩ tuân lệnh lợi hơn phản công, cướp quyền chủ động.
Gã Tàu lại dõng dạc :
- Sue, mày cứ dắt ông khách đi thẳng. Không vấp váp đâu mà sợ. Còn tay phải của mày... tay tao đây, nắm lấy rồi bước đều.
Văn Bình đã ra khỏi thạch động gắn đèn nê ông. Vì lằn sáng trước mắt nhạt dần, nhạt dần. Gió mát thổi rần rần. Chàng nghe rõ tiếng sóng vỗ đá, và tiếng réo quen thuộc của nước thủy triều. Con đường được lót đá và nhẵn nhụi như trong thạch động.
Văn Bình được dẫn đi quanh co một lát. Rồi gã Tàu hô :
- Đứng lại. Gỡ túi vải che mặt.
Văn Bình hơi choáng váng trước những luốn hoa ngay ngắn chạy thành hàng dài thẳng băng. Toàn là hoa lê-dơn. Tân Gia Ba là địa đàng của hoa lê-dơn có khác. Đủ kiếu, đủ mầu. Đối diện vườn hoa là ngôi nhà trệt, kiến trúc kiểu Trung Hoa cổ, mái vươn cong cong. Ngôi nhà trệt này có mái hiên thật rộng, phía ngoài treo hàng trăm chậu phong lan, loại phong lan rừng trồng trong những bồn gỗ quét sơn lân tinh, óng ánh dưới ánh điện.
Gã Tàu nói :
- Mời ông vào xa lông. Hồng đại nương sai tôi ra tận bến để tiếp đón ông. Xin ông cứ tự nhiên. Thằng Sue không được đi theo. Nó phải ở ngoài này với tôi.
Ngôi nhà trệt được cất bằng gỗ, lợp tranh, trông thật đơn giản, song cũng thật đẹp mắt. Nhìn ngoài, nó có vẻ mỏng manh, yếu đuối, tưởng chừng gió nhẹ cũng sụp. Vậy mà những cơn phong ba dữ dội trên biển Nam Dương vẫn chẳng thấp tháp gì, bằng cớ là nó còn đứng ngạo nghễ giữa thửa đất rộng trồng hoa. Dưới ánh đèn, Văn Bình nhận thấy vách gỗ nổi cao bóng loáng. Nghĩa là ngôi nhà trệt này được dựng lên từ mấy chục năm nay. Nghĩa lậ sự mỏng mảnh, yếu đuối của nó chỉ có tính cách giả tạo, hoàn toàn giả tạo. Cũng giống như sự mỏng mảnh, sự yếu đuối giả tạo của những người đàn bà xuất hiện trong điệp vụ Disa trên đảo Phong Lan...
Chưa đặt chân vào nhà Văn Bình đã biết chủ nhân là người Trung Hoa. Mấy trăm chậu hoa phong lan treo lủng lẳng dưới mái tranh được dán giấy hồng, viết chữ nho bằng mực đen lánh. Mỗi mảnh giấy hồng chỉ lớn bằng ngón tay giữa, dán theo chiều ngang của chậu hoa, đề tên loại phong lan được trồng trong chậu. Mảnh giấy đã nhỏ, chữ viết còn nhỏ hơn, lại đá thảo vô cùng bay bướm. Văn Bình đến gần, kiễng gót mới đọc được rõ.
Lan có nhiều loại, hàng năm khách chơi hoa vương giả này đều tìm thêm loại mới. Rất ít ai nhớ hết tên lan, tuy nhiên, lan cũng như người, có tên tuồi hẳn hòi, được ghi thành bản tướng mạo, chứ không phải đặt tên xạo, ai muốn gọi ra sao cũng được. Văn Bình không đến nỗi cù lần về lan (mặc dầu chơi lan là thú riêng của người ở ẩn, không còn màng đến nhân tình thế thái, hoàn toàn khác nếp sống giông bảo của điệp viên hành động z.28) chàng nhớ khá nhiều, ấy thế mà chàng không hiểu tí gì về tên những giỏ lan đang đung đưa trước mắt...
Chàng lẩm nhẩm đọc... cửu Nghi Lan.... Linh Lăng Lan... Dương Hải Lan.... Thương Ngô Lan... Quân Sơn Lan....
Đối với Văn Bình, một nhà chơi lan có hạng, những cái tên mỹ miều này lại xa lạ như cậu bé đọc danh từ chuyên môn trong tự điển khoa học của người lớn. Cửu Nghi Lan, Linh Lăng Lan, Dương Hải Lan.... Trong thế giới sưu tập phong lan từ đông sang tây làm quái gì có những phương danh kỳ cục như vậy !
Chàng đang băn khoăn thì sau lưng có tiếng thỏ thẻ :
- Kính mời ông vào khách đường.
Chàng quay lại. Gã Tàu thủ súng tiểu liên và thằng Sue biến đâu mất. Những việc xảy ra trước đó một vài phút đã trở thành mộng mị. Chàng có cảm tưởng lạc vào thế giới chàng đang sống.
Người vừa cất tiếng, là cô gái xinh tươi, trạc 15, 16 tuồi. Nàng là người Tàu, căn cứ vào giọng Quảng Đông trơn tru, và cách phục sức. Nàng mặc y phục bằng đoạn, một thứ đoạn trơn bóng, tha thướt, màu hồng nhạt, nàng dận hài mũi cong cũng bằng đoạn màu hồng nhạt, tóc nàng kết bím buông rũ trên bờ vai thuôn tròn. Diện mạo nàng khá quyến rũ. Tuy nhiên thân hình nàng hơi gầy, bụng dẹp lép đã đành, bộ ngực cần thiết cũng dẹp lép nữa, lối phục sức này cho chàng thấy nàng là gia nhân.
Nhưng chàng cũng cứ hỏi lấy lệ:
- Cô là ai ?
Cô gái vòng tay, cung kính đáp :
- Cháu là a hoàn của đại nương.
Nàng nép sang bên cho Văn Bình bước vào khách đường. Căn phòng chẳng có gì hết, ngoài bốn bức tựờng gỗ trơn tru, nền lót đá trắng nổi vân vàng như cẩm thạch Ý Đại Lợi. Giữa nha kê cái bàn và hai cai ghế cũng bằng đa trắng. Một người đàn bà ngồi trên ghế bành bên trái. Văn Bình không biết nàng bao nhiêu tuồi vì nàng đeo mặt nạ như phụ nữ Hồi Giáo ngày xưa. Mạng mặt của phụ nữ Hồi Giáo tương đối mỏng, đôi khi có thể nhìn thấu khuôn mặt, đằng này nàng mang mạng dầy bằng nhung đen. Căn cứ vào thân hình, Văn Bình đoán nàng chưa già. Giọng nói cũng vậy... nàng có giọng nói trong trẻo khiến chàng có thiện cảm ngay.
Thấy chàng nàng không đứng dậy, mà chỉ chìa tay mời ngồi xuống ghế đá. Tay nàng đeo găng, nàng mặc áo dài che lấp tay chân và cổ, nên Văn Bình càng không đoán được, già, trẻ, xấu, đẹp.
Vả lại, chàng không có thời giờ suy nghĩ về tuổi tác và nhan sắc của thiếu phụ, vì sau khi chàng thi lễ, nàng đã choảng chàng một chưởng sửng sốt bằng cách ung dung gọi tên chàng :
- Vinh dự cho tôi được diện kiến z.28.
Văn Bình cố nhoẻn nụ cười điềm tĩnh :
- Không dám. Vinh dự được hầu chuyện bà. Té ra bà cũng biết tôi ?
- Ông là vì sao Bắc Đẩu, ai lại không biết. Thế nào, dạo này ông Hoàng khỏe không ?
Văn Bình khựng người:
- Thưa bà, ông tổng giám đốc của tôi vẫn quặt quẹo luôn. Lớn tuồi rồi mà, thưa bà...
Thiếu phụ nói:
- Vậy mà trí óc ông già còn khôn ngoan đáo để.
- Ông định hỏi cung tôi hả ? Đêm còn dài, còn nhiều thời giờ, tôi sẽ cho phép ông lục vấn tha hồ. Nhưng theo tập quán người Tàu chúng tôi, chủ phải tiếp khách trọng hậu, ông là khách quý nên sự thù tạc cần phải trọng hậu đặc biệt. Cũng theo tập quán nước tôi, trước khi vào chuyện, người ta thường bàn luận ngoài đề. Nào, chúng ta bắt đầu bằng chuyện hoa lan.
- Thưa bà, tôi đến đây không phải để nghe chuyện hoa lan.
- Ông đừng dối lòng. Hồi nãy, tôi thấy ông ngạc nhiên khi đọc tên lan. ông ngạc nhiên là đúng. Vì đó là tên tự tôi đặt. Cửu Nghi Lan là loại lan mang tên một rặng núi trong tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, nơi phát nguyên ra sông Tiêu giang. Sông Tương giang chảy từ núi Dương Hải trong tỉnh Quảng Tây, đến huyện Linh Lăng thì nhập một với sông Tiêu giang. Tôi đặt tên Cửu Nghi Lan, Linh Lăng Lan, Dương Hải Lan là vậy... ông nghe nói đến hai sông Tiêu Tương chứ ?
- Thưa bà vâng. Chúng tôi là người Việt, song thích tìm hiểu điển tích Trung Hoa. Ngày xưa, vua Thuấn đi tuần thú và băng hà ở đất Thương Ngô bên dòng sông Tiêu Tương. Hai bà vợ của vua Thuấn là Nga Hoàng và Nữ Anh ngồi khóc không nguôi bên bờ sông, nước mắt làm đổi mầu lá tre, mối tình của hai bà đối với nhà vua sâu rộng đến nỗi người đời thường dùng hai tiếng Tiêu Tương để chỉ sự nhớ thương của trai gái. Xin lỗi bà... nếu tôi không lầm, bà mượn tích cũ Tiêu Tương đặt tên lan vì bà cũng mang trong lòng một bầu tâm sự như....
- Việc này có nhiều lý do, tâm sự u uẩn chỉ giữ một phần phụ thuộc. Lý do thứ nhất, tôi rất mê lan, nhưng vườn lan đại quý này không hẳn là do tôi gầy dựng, khi tôi dọn đến đây hoa lan đã nở khắp đảo. ông ghé vườn Bách Thảo Tân Gia Ba chưa ?
- Rồi.
- Nghĩa là ông đã có dịp chiên ngưỡng những cây lan hiếm nhất được trưng bày trong Lan thất ở độ, dưới quyền bảo trợ của Hội Phong Lan Mã Lai. Lan của chúng tôi được xuất cảng đi khắp nơi, khách du bốn phương tới đều không quên viếng Lan thất, nhưng ông Văn Bình ơi, lan trong vườn Bách Thảo, hay cả vườn ươm Man-đai (1) được coi là vườn ươm hữu danh, cũng chỉ là lan quê mùa, bậc trung, lan được trồng trên đảo Hồng mới đích thật lan đàn chị, lan vương giả, lan tiên nữ... Đảo Hồng này do một nhà tỷ phú ẩn dật mua tậu làm của riêng, tôi không biết rõ bao nhiêu, song nghe nói là món tiền rất lớn. Nhờ bờ đảo bằng đá lởm chởm, dựng đứng như tường thành nên đảo Hồng nghiễm nhiên trở thành vùng bất khả xâm phạm, ngoài con đường duy nhất qua hang đá, chỉ có thể liên lạc với đảo bằng phi cơ nhẹ mà thôi. Vì vậy chủ nhân đảo Hồng được tự do an dưỡng trên biển rộng với vườn lan xuất phàm. Khi tôi dọn đến đây, khu vườn đã có gần 500 giống lan khác nhau, tôi dùng phương pháp khoa học tạo thêm mấy chục giống lan mới, rồi mượn điển tích Tiêu Tương đặt tên.Lý do thứ hai, tôi lấy điển tích Tiêu Tương vì gia đình bên ngoại của tôi liên hệ với Tống Địch.
- Đại họa sĩ Tống Địch, nồi tiếng ở Trung Quốc về 8 bức tranh sông Tiêu Tương, gọi là "Tiêu Tương bát cảnh" ?
- Người ta khen ông quán triệt kim cổ không phải ngoa. Vâng, Tống Địch là họa sĩ 8 bức tranh Tiêu Tương từng được dân mê tranh ca tụng. Thật kỳ lạ, hầu hết con gái trong giòng họ tôi đều vẽ giỏi. Riêng tôi cũng vẽ giỏi. Và trong đời tôi đã vẽ cảnh Tiêu Tựơng gần 100 lần... Con gái tôi cũng vẽ giỏi... cũng thích vẽ cảnh sông Tiêu Tương như tôi. Ông Văn Bình, ông đã biết tôi là ai.... ông thử nói tôi nghe.
Văn Bình đứng dậy :
- Và là thân mẫu hai đệ nhất giai nhân trên đảo, Vân Kiều và Vân Anh.
Thiếu phụ che mạng cũng đứng dậy :
- Đúng. Kiều Anh là con gái cưng của tôi. Tôi phải thưởng ông mới được. Các con đâu, bưng rượu xa rát vào đây cho ta.
Dường như mọi việc được sắp đặt từ trước, thiếu phụ vừa dứt lời thì cô gái nhỏ nhắn mặc áo đoạn hồi nãy rén vào bằng cửa hông với cái khay bạc đựng ve rượu và hai chén nhỏ. Thiếu phụ khoan thai rót rượu ra chén rồi mời Văn Bình :
- Ông chỉ uống một hớp khỏi cổ là cảm thấy tâm thần đổi khác.
Văn Bình cầm chén rượu, bộ điệu tần ngần, thiếu phụ che mạng tủm tỉm cười. Nàng vén góc mạng, kê chén rượu xa rát vào môi. Khi nàng cười miệng nàng hé ra tuyệt đẹp. Tấm mạng dầy cộm lại được buông xuống. Thiếu phụ nói:
- Ông sợ hả ? Rượu xa rát này không giống thứ rượu Cheng Ho gọi là thang ma phế của Hoa Đà đâu.
Văn Bình trân trân ngó thiếu phụ :
- Bà cũng biết tôi có mặt trong nhà riêng của Cheng khi hắn lâm chung ?
- Biết chứ.
- Bà nghe được cuộc trò chuyện giữa Cheng và tôi ?
- Dĩ nhiên.
- Tất bà là người chủ mưu. Bà có liên hệ với Hsiang-pen Lih?
- Thong thả, ông Văn Bình. Tôi biết ông chỉ ưa whsiky, và ngoài thứ rượu phượng Tây này ra, rượu nào ông cũng chê dở. Chắc chắn ông sẽ thay đồi nhận định. So sánh với xa rát do tôi pha chế, rượu huýt ky mới là đồ bỏ. Cheng dậy tôi cách pha chế, song tôi đã nghiên cứu, thí nghiệm thêm, cho nên rượu thuốc của tôi ngon hơn. Cheng nói đúng đấy, có khoảng 150 phép pha chế rễ cây xa rát khác nhau, phép pha chế này làm thân thể và trí óc sảng khoái như thể mọi tế bào được đột nhiên đổi mới.
Văn Bình nhắp thử một ngụm. Vị rượụ không cay, không hắc. Nó tỏa ra mùi thơm nhẹ. Lưỡi chàng dúng vào rượu, chàng có ngay cảm giác như một luồng điện tê mê được truyền vào dây thần kinh vị giác ở đầu lưỡi, làm rung chuyển châu thân. Chàng đẩy cái chén cạn rượu về phía thiếu phụ.
Thiếu phụ lắc đầu :
- Ông bắt đầu yêu rượu xa rát rồi hả ? Nhưng giờ đây ông chỉ nên dùng tạm một chén thôi, uống chén thứ nhì sẽ đòi chén thứ ba, rồi chén thứ ba gọi chén thứ tư... ông bằng lòng nhé. Công việc xong xuôi, tôi sẽ mời ông một bữa say túy lúy.
Thiếu phụ ra lệnh cho a hoàn :
- Bưng ra ngoài đi con.
Ruột gan lâng lâng, Văn Bình nói:
- Thưa, rượu xa rát của bà ngon thật.
Thiếu phụ gật đầu :
- Tôi có nhiều bộ chén đặc biệt, rượu xa rát đựng trong chén này sẽ gia tăng độ ngon nhiều lắm. Nếu ông giải đáp đúng nguyện ước của tôi, ông sẽ được vừa ý.
- Nghĩa là...?
- Tôi vốn có thiện cảm với đối thủ thông minh nên trước khi ông đến đây tôi đã nhũ thầm sẽ giành cho ông mọi sự dễ dãi trong trường hợp ông giải đáp được hai câu hỏi về đời tư của tôi. Nếu ông bí xị, bắt buộc tôi phải sai gia nhân nhốt ông xuống hầm bê tông chôn sâu dưới đáy biển, nhưng ông đã trả lời được một, ông biết Kiều Anh là con gái tôi. Bây giờ đến câu hỏi thứ hai: tôi là ai?
- Bà là đại nương.
- Người ta tôn tôi là đại nương từ mấy chục năm nay. ông lại nghe gia nhân của tôi gọi tôi như vậy khi ông đặt chân lên đảo Hồng. Tôi muốn ông giải thích rõ ràng, đại nương nghĩa là gì ?
- Là chị cả trong Thanh Hồng bang ở Tân Gia Ba. Bà điều khiển tồ chức Nhất cửu, gồm những đảng viên từ tỉnh Phước Kiến tới.
- Ông giỏi lắm. Tuy nhiên câu trả lời của ông vẫn chưa được đầy đủ. Trong đời tư, tôi làm gì và tôi là ai?
- Thưa bà, xin bà thứ lỗi cho tôi đã gợi lại quá khứ. Bà là nhà y sĩ giải phẩu lỗi lạc tại bệnh viện Toàn Khoa trước ngày quân đội Nhật chiếm đảo. Bà đã tản cư trên tàu Li-wo. Và bà chính là...
- Tôi chịu thua ông. ông Văn Bình ơi... tôi chính là vợ của khoa học gia Fat-yew. Fat chế ra hơi độc Disa, còn Kiều Anh là con gái Fat, nên mẹ con tôi liên hệ đến vụ này chỉ là chuyện tất nhiên. Theo hồ sơ lưu lại thì vợ chồng tôi thiệt mạng cùng thủy thủ đoàn. Sự thật là chúng tôi còn sống. Chúng tôi được đưa xuống ca nô cấp cứu trước khi tàu đắm. Và chúng tôi trôi giạt vào một hòn đảo. Tình báo đồng minh biết chúng tôi còn sống nên bí mật cho người nhái đến tìm. Ông nghe nói đến vụ đại úy Lai ơn chứ ?
- Cuộc hành trình của hai toán biệt kích do Lai ơn chỉ huy từ úc Châu lên Tân Gia Ba cuối năm 1943 đã được mô tả tường tận trong hồ sơ tôi đọc ở Sàigòn trước ngày lên đường.
- Vâng, theo hồ sơ thì dưới quyền Lai ơn có 2 đội người nhái. Nhưng sự thật là 3. Đội thứ ba thuộc quyền điều khiển bí mật của MI-6, họ cùng đi với Lai-ơn song sau khi Lai-ơn đánh đắm chiến hạm Nhật bằng mìn từ thạch thì đội MI-6 này ở lại. Họ móc nối được với chúng tôi. Nhưng chỉ một thời gian sau, họ bị phục kích chết.
- Họ bị ai phục kích ?
- Chuyện này rắc rối lắm, lần lượt tôi sẽ kể ông nghe. Cái chết của toàn đội MI-6 là đòn cảnh cáo nghiêm trọng đối với vợ chồng tôi. Do đó, chúng tôi rút vào bóng tối. Chồng tôi lớn tuổi hơn tôi, tạng người lại yếu, sau cuộc đắm tàu ngoài khơi làm chồng tôi hỏng một lá phổi, nên trước ngày quân đội Nhật đầu hàng, hòa bình vãn hồi trên đảo, chồng tôi từ trần. Thật ra, nếu tôi không giải phẩu kịp thời nhiều lần thì chồng tôi đã chết từ những năm 1939-1940... Tôi ở lại một mình với hai đứa con gái phải nuôi nấng, và chí lớn chưa thành... Trở ngại ghê gớm bủa vây tôi tứ phía. Nhưng tôi không thể xao lãng sứ mạng thiêng liên do thiên vương để lại.
- Thưa bà, bà có liên hệ thế nào với Thiên Vương Hồng Tú Toàn?
- Cháu ruột. Tôi gọi thiên vương bằng bác. Cuộc thất trận của thiên vương trước quân đội Lý Hồng Chương đưa đến một phong trào thanh trừng đẫm máu, những người dính dấp đến Thái Bình Thiên Quốc đều bị bắt giữ, tàn sát, cho nên gia đình tôi phải trốn khỏi đất Tàu. Thật ra khi cha tôi ra đi, tôi chưa chào đời. Cha tôi lưu lạc ở Viễn Đông nhiều năm trước khi qua Mỹ. Tôi được sinh hạ ở Mỹ. Một thời gian sau, cha tôi mang tôi về Viễn Đông để dạy dỗ tôi nhớ đến quê hương và thiên vương. Tôi theo học tại Hoa Kỳ, tốt nghiệp y sĩ giải phẩu và tôi gặp Fat-yew.
Khi ấy cha tôi đã mệnh chung và tôi đã trở thành yêu nhân của Thanh Hồng bang. Fat rời nước Mỹ, một phần vì không muốn phát minh Disa lọt vào tay Ngũ Giác Đài, phần khác là do tôi thúc đẩy. Fat vốn hiếu sinh, ông không hề giết một con kiến, ông là người Tàu, ông không chịu đựng nổi cái cảnh Trung Hoa là cường quốc lẫy lừng trong lịch sử, từng phát minh thiên văn học, súng đạn, lại bị ngựời da trắng xô xuống hàng em út và nô bộc, cho nên ông đã nghe lời tôi, và tôi đã thuyết phục Fat trở thành một phần tử đắc lực, trung thành trong Hồng bang.
Mục đích của Hồng bang cũng như của thiên vương, và của mọi công dân Tàu yêu nước sáng suốt khác, là đưa Trung Quốc khỏi sự ngưng trệ, sự chia rẽ, sự thoái bộ. Trung Hoa phải khôi phục vai trò đại cường quốc số một trên nghe lời tôi, và tôi đã thuyết phục Fat trở thành một phần tử đắc lực, trung thành trong Hồng bang.
Mục đích của Hồng bang cũng như của thiên vương, và của mọi công dân Tàu yêu nước sáng suốt khác, là đưa Trụng Quốc khỏi sự ngưng trệ, sự chia rẽ, sự thoái bộ. Trung Hoa phải khôi phục vai trò đại cường quốc số một trên thế giới.
Và sự nghiệp này chỉ có hy vọng thành tựu nếu Trung Hoa nắm giữ được võ khí tuyệt đối. Trời đã cho Fat-yew tìm ra chất độc Disa. Nguyên liệu chế tạo có thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Fat rút ra từ xương con cá lòng tong, tác dụng chiến tranh lại vô cùng ghê gớm, chỉ cần nhồi chất Disa vào bom hoặc hõa tiễn bắn qua nước địch là quân đội và dân chúng đích bị tê liệt, không phương cách nào cứu chữa nồi. Đặc biệt là Fat đã chế được Disa bằng bột, pha với nước uống và thức ăn, và cả Disa bằng hơi, không khác gì hơi ngạt.
Trước ngày nội chiến Quốc-Cộng tái diễn ác liệt, tôi đã cử đại diện tiếp xúc với phe Quốc Dân Đảng. Chẳng giấu gì ông, chúng tôi có cảm tình với phe Tưởng hơn phe Mao mặc dầu phe Tưởng không ưa gì phe trung thành với thiên vương là chúng tôi. Điều kiện của chúng tôi rất giản dị, và cũng rất minh bạch: trao quyền hành cho Hồng bang, tái lập đế chế, và phe Mao Trạch Đông sẽ bị loại khỏi vòng chiến trong vòng 24 giờ đồng hồ bằng võ khí tuyệt đối Disa.
Cuộc thương thuyết mới bắt đầu thì đầu dây tình báo Quốc Dân Đảng ở Tân Gia Ba bị kẹt. Chúng tôi đành phải chờ đợi, trong lúc ấy, Mao Trạch Đôn chiếm đóng toàn thể Hoa Lục. Điều đình với phe Tưởng thì dễ gì chúng tôi có người nằm sẵn bên trong, nhưng còn với phe Mao... Do đó, chúng tôi phải liệu tích cách khác.
- Cheng Ho là đại diện của Hồng bang trong việc điều đình với phe Tưởng?
- Không hẳn Cheng là đại diện. Cheng chỉ là một người trong phái đoàn điều đình. Chắc ông đã biết trong đại chiến vừa qua, Cheng đã hợp tác chặt chẽ với tình báo phe Tưởng.
- Rồi chuyển qua C.I.A.
- Xin ông nhớ C.I.A. tìm Cheng, không phải Cheng tìm C.I.A.. Cheng qua Sàigòn lập nghiệp vì trong thời gian phục vụ trên đảo với tư cách nhân viên ban E, Cheng đã gây ra nhiều va chạm, có thể dẫn đến sự trả thù. Được Mỹ móc nối trở về hoạt động. Cheng nghĩ hắn là thành phần trung kiên, am hiểu dân tình địa phương, và có khả năng nghề nghiệp nên C.I.A. tín nhiệm và thu nạp. Riêng tôi lại nghĩ khác.
- Bà cho rằng C.I.A. dùng Cheng để thu hồi những thùng thép Disa ?
- Ông nói đúng. Trung ương C.I.A. đã nghiên cứu hồ sơ Disa, họ lý luận Cheng là người trong phái đoàn điều đình thế tất còn giữ liên lạc với chúng tôi.
- Họ biết bà còn sống ?
- Biết. Nhưng chỉ biết lờ mờ thôi. Họ còn biết Hồng bang ở đây được tổ chức mạnh mẽ và chu đáo. Tôi chờ Cheng về sống ở đảo một thời gian mới xuất đầu lộ diện. Cheng tỏ ra nhiệt thành đối với công việc trong bang, cũng như đối với lý tưởng của tôi. Nhưng tôi chựa kịp bàn bạc chi tiết với Cheng thì căn bệnh cũ, căn bệnh tôi tưởng đã khắc phục hoàn toàn, hoặc ít ra là chịu nằm yên không phá phách, lại tái phát, và lần này thì nó phát tán một cách tàn bạo hơn, khiến tôi phải lánh mặt.
- Thưa bà, tôi không dám...
- Đàn ông lịch sự thường không vặn hỏi đàn bà về những điều liên quan đến nhan sắc của họ. Thái độ lịch sự của ông làm tôi cảm kích. Tuy nhiên, ông cứ việc nêu thắc mắc, tôi xin trả lời hết. Tôi đã hiểu ý ông. ông muốn hỏi tôi mắc bệnh gì phải không ?
Ông Văn Bình ơi, hồi xưa tôi có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, tôi đã lập gia đình với Fat-yew và sinh đẻ nhiều lần mà sắc đẹp không biến đổi. cổ nhân có câu thơ "giai nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu", tôi còn sống sờ sờ, nhưng còn sống cũng như chết, ông ạ, vì căn bệnh của tôi là căn bệnh quái ác. Căn bệnh này do vi trùng Hansen gây ra...
- Thưa bà...
- Ông đừng kiếm lời an ủi, vả lại tôi không thích được an ủi, mặc dầu tôi vẫn là đàn bà với tất cả sự yếu mềm cố hữu của đàn bà. Phải, tôi mắc bệnh phong cùi. Kể ra, điều này không lạ; đàn bà tuyệt đẹp thường chết yểu, nếu không chết cũng mang bệnh nan y, phần đông là mắc bệnh phong cùi. Vi trùng Hansen bắt đầu tàn phá thân thể tôi trong những ngày tôi sống ở Hoa Kỳ. Fat tìm mọi phương cách chữa chạy cho tôi và căn bệnh đã thuyên giảm. Tôi chỉ bị những thương tật nhỏ ở chân và tay. Rồi đột nhiên căn bệnh ngưng lại. Tôi có cảm tượng vi trùng Hansen đã bị khoa học đánh bại. Nhưng vi trùng này chỉ giả vờ né trốn. Nó rình cơ hội thuận tiện để quất tôi ngã sụm. Tôi sắp sửa mượn tay Cheng tiếp xúc lại với C.I.A. thì bọn vi trùng khốn kiếp ăn đứt một cánh mũi. Mặt tôi nổi mụn nhọt sần sùi, đỏ ngầu.
Tôi lại rút vào bí mật. Nhưng chuyến này không phải để mài nanh rũa vuốt, chờ cơ hội quang phục, mà là tấn công vi trùng phong cùi Hansen... Trời cố tình hại tôi, ông ạ. Nước Mỹ là nước hầu như không có người cùi (2) thì tôi lại mang bệnh cùi. Bệnh cùi có hai hình thức, bệnh nhẹ thì ăn nhập dây thần kinh, làm da tê liệt, ngón tay ngón chân và các bộ phận khác trong cơ thể teo nhỏ và rớt rụng, bệnh nặng thì làm da dầy cộm, mọc đầy mụn lở đỏ lòm hết, nhất là trên mặt, và tàn phá cả mũi và họng. Mắc bệnh nặng thì chỉ sống từ 5 đến 10 năm là chết : chết vì mụn lở làm nghẹt thở. Còn bệnh nhẹ thì có thể kéo dài từ 20 đến 30 năm.
Hồi ở Mỹ, tôi chỉ mắc hình thức nhẹ của bệnh cùi. Chẳng hiểu sao khi tái phát nó lại chuyển sang hình thức nặng. Hơn thế, nó còn tái phát theo nhịp độ phi mã. Tôi là y sĩ, tuy không chuyên khoa phong cùi, nhưng đã có đủ kiến thức để hiểu cái ngày từ giả cõi đời không còn xa mấy. Trước ngày về chầu tiên tổ tôi quyết đạt thành mục đích đã vạch nên ủy thác cho Cheng Ho thương lượng với C.I.A., đệ nghị C.I.A. giúp phương tiện đột nhập thủ đô Bắc Kinh, các biệt kích Hồng bang sẽ tấn công bằng chất Disa và bắt giữ toàn bộ lãnh tụ Trung Cộng. Nhưng Cheng đã từ chối. Cheng cho biết chẳng bao giờ C.I.A. chấp thuận, sợ gây đại chiến thứ ba. Theo lời hắn, phương pháp tuyệt hảo là đòi tiền. Đòi thật nhiều tiền. Tôi không bằng lòng, nhưng vi trùng Hansen mỗi ngày một hành hạ thêm dữ dằn, tôi đành bật đèn xanh cho Cheng Ho.
- Và bà đổi tên Hsiang-pen Lih.
- Oổi tên không đúng. Vì tôi chỉ đề ra chủ trương, mọi chi tiết đều do Cheng sắp xếp. Hsiang là một trong những nhân viên an ninh có mặt trên tàu Li-wo. Con tàu bị bắn chìm và Hsiang đã thiệt mạng. Cheng dùng tên Hsiang để tiếp xúc với trung ương C.I.A. và MI-6. Công việc được tiến hành trôi chảy nên tôi đinh ninh có 20 triệu đô la xung vào quỹ phát triển của Hồng bang. Nếu có số tiền khổng lồ này, tôi có thể an tâm nhắm mắt.
Nhưng tình báo đồng minh lại không hoàn toàn tin cậy Cheng. Họ chỉ cho phép hắn khai sơn phá thạch. Và họ cử ông tới, đích thân điều khiển tại chỗ. Nếu Cheng không thay lòng đồi dạ thì sự hiện diện của ông càng giúp tôi thành công mau chóng. Đằng này...
- Cheng phản bà ?
- Phải. Trong đời, tôi chưa tin ai bằng hắn. Không dè hắn đã bị đồng tiền làm tối mắt. Tôi khám phá ra thì đã muộn. Hắn đã manh tâm đánh cắp bản đồ về nơi giấu thùng thép Disa đem bán cho Lim Koon lấy một triệu đô la Mỹ. Họa đồ này có một bản duy nhất, tự tay tôi vẽ. Chỉ riêng tôi biết nơi cất giấu, người lạ phải nắm được họa đồ mới có thể tìm thấy. Hắn lợi dụng chuyến qua đảo, Cheng rất giỏi võ, hắn từng làm nghề dậy võ ở nước ông. Cheng ra đảo Hồng thăm tôi, lừa tôi pha chế rượu xa rát lẻn vào thư phòng thực hiện ý đồ đen tối. May thay tôi phăng ra trước khi hắn trở lại đất liền, nên tôi không thể không hạ sát hắn. Hắn mê rượu tapai tôi bèn pha chất Disa vào rượu cho hắn uống. Mục đích của tôi là trừ khử Cheng, không ngờ cả á xẩm của Agong cũng thiệt mạng oan uổng.
- Theo thiển ý, bà hơi nghiêm khắc với Cheng. Trước khi tắt thở, hắn có trối trăn nhiều điều quan trọng. Nói ra e bà không tin nhưng sự thật là Cheng nhờ tôi giúp đỡ Vân Kiều.
- Tôi tin lắm chớ... ông đừng sợ tôi nghi ngờ vì những lời cuối cùng củạ Cheng đã được tôi thu băng. Hắn chỉ nói được tiếng Lam... thì chết, ông dư biết con gái tôi mang họ Lam, Vân Kiều và Vân Anh là hai chị em cùng mang họ Lam trong điển tích cầu Lam ngày xưa. Đành rằng Cheng gửi gắm con gái tôi cho ông song sự hối hận trước khi chết của hắn cũng chưa đủ đền bù lại sự thương mến và tín nhiệm lớn lao của gia đình tôi đối với hắn. Ông tính, Vân Kiều là kim chi ngọc diệp, tôi cưng nó hơn cưng trứng mỏng, vậy mà vị tình thiên vương tôi đã nghiến răng hy sinh tất cả, gả nó cho Cheng... Nếu Cheng là ông hoặc là một phần của ông thì sự hợp ngẫu này không đến nỗi tủi, đằng này con tôi như hoa hồng nở trong sương xuân buổi sớm thì Cheng già khọm, tóc bạc phơ, vai rộng, mặt nhỏ, báo hiệu sự yểu tướng và phản cốt...
Tôi mang con tôi cho hắn để hắn đóng góp hữu hiệu vào sự nghiệp quang phục giòng dõi thiên vương và đặc biệt là hoàn thành kế hoạch 20 triệu Mỹ Kim. Hắn đã phản thùng, tôi không còn đường nào khác. Tấm họa đồ hắn đánh cắp có thể làm sự nghiệp quang phục tan ra thành mây khói nếu nó bị lọt vào tay người lạ.
- Thưa bà, tôi đã khờ khạo đốt nó ra than.
- Đó là cái may cho ông. Nếu ông cất giữ trong mình, giờ này ông đã nằm gọn trong bụng cá ngoài khơi Tân Gia Ba cũng như Cheng Ho thằng rể đốn mạt của tôi.
- Dầu sao Cheng cũng đã chết. Tôi tưởng bà nên tìm cách thông cảm và tha thứ.
- Vâng, tôi xin nghe lời ông. Tôi đã luốn tuổi mà lửa lòng chưa tắt. Tôi vẫn còn sự nóng giận dữ dằn như hồi trẻ. Thật ra, như ông vừa nói, tôi hơi nghiêm khắc với rể. Hẳn ông đã biết Cheng có người mẹ Ấn Độ, trở về quê hương rồi biệt tích, hắn lại có cô em rời đảo năm 1942 theo làn sóng tản cư rồi cũng biệt tích. Theo tin tức tôi nhận được thì cả hai còn sống. Bà mẹ hiện tàn tật, quanh năm nằm liệt giường, chẳng bao lâu nữa sẽ chết. Bà mẹ mắc bệnh gì, ông biết không ?
- Trời, câu chuyện của bà gồm nhiều tình tiết éo le và ly kỳ như tiểu thuyết trinh thám. Và nếu biết rõ tôi đã không nín hơi chờ bà kể tiếp.
- Xin lỗi ông nhé, nhiều khi tôi lẩm cẩm như bà cụ 80. Mẫu thân của Cheng mắc một bệnh xấu hổ, bệnh giang mai. Vi trùng giang mai đục ruỗng lục phủ ngũ tạng của bà nên bà bị hoàn toàn tê liệt, sở dĩ bà có vi trùng giang mai vì trong những ngày sống ở Ấn Độ bà làm nghề buôn hương bán phấn. Bà sợ điếm nhục cho gia đình của Cheng, một gia đình tử tế, hiền lương nên không dám quay lại Tân Gia Ba, và không dám liên lạc với con trai. Hiện bà ở chung với con gái. Và cô này cũng chẳng hay ho gì. Cô ta bị ngồi tù hai, ba phen về tội buôn bán ma túy, và hiện nay cũng bệnh rề rề. Tôi khám phá ra tình trạng gia đình của Cheng trong một bức thơ do em gái của hắn từ Ấn gửi tới, nếu tôi đọc được không lẽ Lim Koon lại thua kém. Cheng là nhân viên C.I.A. Thế tất Lim Koon phải theo dõi thư tín của Cheng, phương chi Lim và Cheng chẳng ưa gì nhau từ nhiều năm nay. Lim Koon nắm được bằng chứng về ba mẹ và cô con gái nên Cheng bị săng ta dễ dàng. Tôi thuật lại ông nghe là để xác nhận với sự thông cảm của tôi đối với trường hợp của Cheng, nhưng thông cảm là một việc còn tha thứ là việc khác. Tôi giết Cheng là vạn bất đắc dĩ. Vì hắn là sợi dây liên lạc duy nhất giữa tôi và thế giới bên ngoài. Chỉ có hắn mới biết kế hoạch của tôi. Chỉ có hắn mới biết tôi đội lốt Hsiang-pen Lih.
- Lim Koon không biết ?
- Không. Cũng như tình báo Tây phương, hắn chỉ biết tôi còn sống. Nhưng không biết ở đâu.
- Còn về phần Agong ?
- À, ông rể thứ hai của tôi. Tôi sắp nhắc đến hắn thì ông đã nói trước. Một trong các lý do khiến tôi tàn nhẫn với Cheng là Agong. Vì do Cheng tôi mới biết Agong. Họ là bạn thân từ hồi để chỏm. Agong xấu hơn ma út, tôi gả Vân Anh cho hắn là do Cheng khẩn khoản yêu cầu. Cheng tâm sự là Agong móc nối với GRU Sô Viết, gả Vân Anh cho Agong là để đầu tư, vạn nhất tình báo Tây phương không chịu xuất ra 20 triệu mỹ kim thì sẽ dùng Agong làm cây cầu với Liên Sô. Đúng ra, lời thuyết phục của Cheng không làm tôi lay chuyển, vì tôi đã hy sinh con Vân Kiều, tôi không thể nhắm mắt hy sinh luôn con Vân Anh nữa, huống hồ con Vân Anh đàn giỏi, vẽ giỏi, võ cũng giỏi nữa. Nhưng ông ơi, thằng Agong mê con gái của tôi đến đỗi mất hết lương tri, hắn lừa con gái tôi say rượu rồi phá hoại đời trinh nữ. Người Tàu chúng tội vốn theo truyền thống cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, con gái chỉ thất thân với chồng, cho nên tôi đành phải nghiến răng để ngọc quý cho ngâu vầy...
Sự hy sinh của tôi bị đáp ứng bằng sự lợi dụng. Agong ăn lương của C.I.A. song lại trung thành với GRU. Hắn lén gặp đặc phái viên số Viết ở đây để xin chỉ thị. Sau khi giết Cheng Ho, tôi không thể buông tha Agong. Đó chỉ là biện pháp bảo vệ thông thường. Phương chi Agong lại là tay sai của gián điệp Sô Viết GRU.
- Nên bà sai giết hắn hồi chiều ?
- Phải. Vân Anh núp ở phòng bên trong khi ông trò chuyện với Agong. Vân Anh chĩa súng qua khe cửa bắn Agong vì để chậm một giây đồng hồ hắn sẽ phăng ra mọi đầu mối. Cheng không hề cho hắn biết các bí mật... Cho nên Agong không thể biết sự liên hệ của con gái tôi với vụ Disa... Khi ấy ông nhắc lại lời trăng trối của Cheng.
- Vâng, tôi nhắc đến tiếng nói cuối cùng của Cheng là tiếng Lam. Chuyện ấy theo tôi chẳng có gì quan trọng lắm.
- Rất quan trọng. Vì tôi không muốn ông nắm vững hết mọi vấn đề trước khi ra đảo Hồng, ông chưa nắm vững, ông mới tò mò, và ông mới đến đây gặp... Hsiang-pen Lih.
- Giờ gặp rồi đấy. Hsiang-pen Lih muốn gì ?
- Ông có duyên tệ. Tôi già nua còn rung động, huống hồ đàn bà trẻ. Từ trước đến nay, tôi chỉ giao thiệp qua trung gian. Cheng Ho quá tham, hắn ăn tiền C.I.A. chưa hả hê, hắn còn ti toe một triệu đô la của Lim Koon nữa. Hắn bị gạt ra ngoài, cuộc thương lượng giữa ông và tôi được dễ hơn. Tôi vẫn duy trì đề nghị cũ.
- Bà sẽ giao hết các thùng thép?
- Vâng.
- Các thùng thép hiện được cất ở đâu?
- Vì điều kiện an ninh, các thùng thép đựng chất Disa được cất trong một hang ngầm dưới biển. Ngoài khơi Tân Gia Ba có nhiều hang ngầm như vậy. Cheng Ho đánh cắp tấm họa đồ với hy vọng tìm ra con đường từ đảo Hồng đến hang ngầm. Hắn đã chết, tấm họa đồ cũng bị hủy. Nhưng giá hắn còn sống, giá tấm họa đồ còn nằm trong tay hắn, hắn cũng đừng hòng chiếm đoạt kho Disa. Vì, thưa ông, từ phòng riêng trên đảo Hồng tôi có thể điều khiển bằng điện tử hang đá Disa. Tôi chỉ bấm nút là toàn thể nổ tan tành. Tại hang ngầm này còn nhiều dụng cụ an ninh kỳ lạ, ông đến nơi sẽ thấy.
- Bà cho phép tôi đến tận nơi ?
- Vâng. Trước khi trả tiền, người mua có quyền được coi hàng xem tốt hay xấu. Tôi để sẳn một điện đài cực mạnh, ông có thể liên lạc với tổng hành doanh của ông ở Sàigòn. Công việc trả tiền và giao hàng được tiến hành theo một thể thức đơn giản và lẹ làng : tôi đã dặn ngân hàng O.d.B. ở Thụy Sĩ, ông Hoàng đánh khẩn điện chuyển số tiền 20 triệu mỹ kim vào trương mục của tôi ở O.d.B., ngay sau khi việc chuyển tiền được thực hiện, nhân viên của tôi ở Thụy Sĩ sẽ báo tin bằng vô tuyến điện mật mã. Nói tóm lại, công việc này có thể được hoàn tất trong vòng 3 hoặc 4 tiếng đồng hồ. Bây giờ, mời ông ghé thăm hang ngầm. Hy vọng chúng ta có thể cụng ly xa rát ăn mừng trước khi mặt trời mọc.
- Thưa bà, tôi đã sẵn sàng...
- Vâng. Trước khi tạm biệt, tôi cần dặn ông điều này : đảo Hồng là giang sơn bất khả xâm phạm của tôi từ nhiều năm nay, ông là đệ nhất võ sĩ, nhưng tài nghệ con người dầu là tài nghệ siêu đẳng cũng chỉ là trò đùa đối với khí giới điện tử. Khắp đảo tôi đều thiết trí máy móc phòng vệ điện tử. Bởi vậy, ông giữ thái độ ôn hòa thì hơn. Tôi vốn ghét chém giết, ông đừng buộc tôi phạm thêm tội ác...
- Thưa bà... bà vốn ghét chém giết, nhưng trong 24 giờ qua bà nhúng tay vào máu hơi nhiều.
- Ông Văn Bình, lối phát biểu sống sượng và khiếm nhã của ông có thể làm tôi mất thiện cảm với ông. Tôi chỉ hạ lệnh giết hai thằng rể phản bội. Chi có thế thôi. Nếu Cheng và Agong không phản bội, tôi không phá giới sát.
- Thưa bà... nếu bà không phá giới sát thì ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của các nhân viên Phản Gián dưới quyền Lim Koon ?
- Tôi có thể trả lời minh bạch và cương quyết là không giết họ.
- Vậy thủ phạm là ma ?
- Ông muốn nói lỡm, nhưng sự thật không khác lời ông bao nhiêu. Vâng, thủ phạm là ma. Con ma từ rừng rậm, núi cao hiện về. Ông đã gặp con ma khủng khiếp ấy.
- Tướng Nhật chân gỗ Tôkita ?
- Phải. Tôkita chủ trương những vụ hạ sát này để xô ông vào đường cùng, khiến ông phải hợp tác với hắn, chống lại tôi.
- Bà quen Tôkita ?
- Khá nhiều. Tôi quen hắn từ hồi con gái. Tôi cắp sách đi học ở Mỹ, đang là thiếu nữ ngây thơ, chưa biết đến sứ mạng quang phục do thiên vương để lại, chưa được bầu làm Hồng đại nương trong bang, thì Tôkita đã là trung úy tình báo trong quân đội Nhật, và tòng sự trong văn phòng tùy viên quân sự tòa đạị sứ Nhật tại Mỹ. Tôi nhắc lại chuyện cũ để ông hiểu là Tôkita đã lớn tuổi. Nếu tôi không lầm, Tôkita đã xấp xỉ thất tuần tuy thân hình và dung mạo còn trẻ.
Định mạng oái oăm đã sui tôi về Tân Gia Ba với chồng, và Tôkita là võ quan tham mưu của tướng tư lệnh Nhật đánh chiếm Tân Gia Ba. Khi ấy hắn đeo lon tá, được coi là chuyên viên điệp báo hữu hạng. Hắn nhìn xa thấy rộng, biết trước Nhật bại trận nên đào ngũ trốn vào rừng. Trong nhiều năm liền, hắn tu luyện võ công dọc vùng rừng núi Tây Tạng, Nê Pan, Ấn Độ, Miến Điện. Hắn đã là cao thủ nhu đạo, thời gian lưu vong này giúp hắn quán triệt những môn võ kỳ bí, và ngày nay hắn trở thành vô địch. Hắn thuộc giòng giõi quý phái, không phải con nhà thường dân, hắn lại là yếu nhân đảng Hắc Long. Tôi nghi đảng Hắc Long đã hạ lệnh cho Tôkita rút trước vào bóng tối để bảo toàn lực lượng. Mục đích của đảng Hắc Long cũng là quang phục. Chúng tôi nuôi mục đích quang phục Trung Hoa cho thiên vương thì đảng Hắc Long và Tôkita nuôi mục đích quang phục Nhật Bản và nâng Nhật Bản lên hàng đại cường bá chủ thế giới...
Dường như ngày xưa Tôkita đã nghe nói đến phát minh Disa của chồng tôi. Và ngày nay hắn trở về Tân Gia Ba để lôi kéo tôi theo hắn.
- Bà vừa dùng chữ "lôi kéo." Thưa bà, tôi trộm nghĩ...
- Khỏi cần rào trước đón sau, ông Văn Bình. Chữ "lôi kéo" được tôi dùng một cách chủ ý. Hồi ở Mỹ, Tôkita đã có cảm tình sâu xa đối với tôi. Hắn bị thất vọng vì dầu sao hắn là cộng dân một nước thù nghịch của tổ quốc tôi, tôi là con cháu thiên vương tô[ không thể kết thân với người ngoại quốc. Sau khi về Tân Gia Ba, hắn tìm cách gặp tôi và tôi đã thoái thác... Thân thể tôi đã bị vi trùng cùi tàn phá, tôi lại già rồi... và tôi còn sứ mạng phải làm tròn, phải không ông ?
Dầu sao sự xuất hiện của Tôkita cũng làm tôi bối rối rất nhiều. Tôi khó thể chống lại hắn về phương diện võ thuật. Tôi lại mắc kẹt phần nào về mặt tình cảm.
- Bà còn... yêu Tôkita ?
- Còn yêu e không đúng. Tôi chưa hề yêu hắn. Trong đời tôi chỉ yêu chồng. Tôi chỉ yêu con tôi. Tôi chỉ yêu sứ mạng quang phục của thiên vương. Tôi mắc kẹt với Tôkita vì một người đàn bà. Một trong những người vợ trẻ của hắn.
- Vâng, tên nàng là Disa. Tôkita không còn trẻ nữa, nhưng sức khỏe cũng như hấp lực của hắn không thua thanh niên. Tôi không hiểu sao hắn cưới được Disa. Có lẽ trời muốn hại tôi. Vì Disa cũng là nữ thủ lãnh trong bang. Nàng cộ liên hệ huyết thống với tôi. Nắm được yếu điểm của tôi, Tôkita không coi tôi ra gì nữa. Hắn không dám mạnh tay đối với tôi, sợ tôi làm liều, tiêu hủy kho độc chất. Hắn bèn chặt hết vây cánh của tôi, tìm cách bao vây tôi. Hắn không đếm xỉa đến Lim Koon. Hắn chỉ ngán ông. Nên hắn cũng mua chuộc ông.
- Thưa bà, liên hệ huyết thống giữa bà và Disa ra sao ?
Nữ y sĩ giải phẩu Hồng đại nương, vợ của khoa học gia đại tài Fat-yew, thân mẫu của giai nhân Vân Anh, Vân Kiều, cháu ruột của thiên vương Hồng Tú Toàn, hiện thời là Hsiang Pen-lih... ngồi thừ trong ghế bành đá, mạng che mặt hơi rung rung. Văn Bình đoán biết thiếu phụ đang bị xúc động cực độ. Thiếu phụ thở dài:
- Ông Văn Bình, sự đời thật éo le, cô gái mang tên Disa chính là...
Thiếu phụ ngưng bặt. Vì phía sau có tiếng người cất lên, một tiếng nói phụ nữ quen thuộc, thánh thót nhưng cương quyết:
- Mẹ, mẹ đừng nói nữa... Tại sao mẹ lại thố lộ tâm tình với người lạ ?
Văn Bình quay lại. Chàng nhận ra Vân Anh vợ của Agong. Đêm trước, gặp nàng ở Johore Bahru, chàng đã bồi hồi, ngây ngất. Hương thơm những luống hoa mới nở từ ngoài vườn bay vào phòng nàng, quyện với hương thơm thủy tiên đặt trên cái đôn Sứ men trắng như tuyết, vẫn không át được hương thơm từ da thịt nàng tiết ra. Một hương thơm kỳ diệu... Khi ấy nàng mặc đồ chẽn Tàu nên chàng thấy rõ các đường cong tuyệt vời. Giờ đây, nàng phục súc theo lối Tây phương, áo ngắn xiêm ngắn, hương thơm độc đáo của thân thể nàng bay lừng trong không khí, khiến chàng thêm bồi hồi ngây ngất.
Khi ấy, Vân Anh đón chàng bằng bút vẽ và ly rượu. Giờ đây nàng đón tiếp chàng bằng sự thù nghịch.
Cặp mắt nồng nàn như chứa tia nắng ấm của Vân Anh đã trở thành lạnh lùng và tàn nhẫn.
Văn Bình hiểu liền. Thời khắc êm đềm đã qua. Vì gã Tàu mặc áo thun võ trang tiểu liên đang đứng bên Vân Anh. Mũi súng của hắn chĩa thẳng về phía chàng. Và sợ chàng còn tiếp tục mê ngủ, gã Tàu đã cẩn thận lên đạn kêu soạch.
Chú thích:
1. Đó là vườn ươm lan Mandai Orchid Nurseries, bên trong có hai nhà ươm hạt giống, trên một diện tích rộng 8 mẫu tây.
2. Đúng, dẫn chứng trong năm 1949, Mỹ có 500.000 người chết về bệnh tim thì chỉ có 4 người chết về bệnh cùi. Ngoài Mỹ ra, các nước như Gia Nã Đại và Tây Âu cũng hiếm có bệnh nhân cùi. Bệnh này tác hại mạnh mẽ ở Phi-Á, các hải đảo ở Thái Bình Dương và nhất là Hoa Nam.