watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bão Ngầm Trên Biển Phong Lan-Chương 8 - tác giả Người Thứ 8 Người Thứ 8

Người Thứ 8

Chương 8

Tác giả: Người Thứ 8

V ăn Bình chống nạnh, vẻ mặt phớt tỉnh :

- Nếu các anh muốn tôi ra trường bay thì chịu khó xách va li giùm. Chẳng giấu gì anh, tôi lười kinh khủng, chỉ quen sai bảo bồi khách sạn.

Miệng khẩu tiểu liên được nâng lên cồ chàng :

- Ông lộn xộn, tôi sẽ bóp cò.



Văn Bình cười khẩy không đáp. Chàng biết bọn nhân viên của Lim Koon không dám bắn. Sợ gây rắc rối với ông Hoàng hắn không dám đụng đến chân lông chàng. Hắn chỉ mong trục xuất chàng êm thắm để được nghênh ngang một mình một chợ.



Ngoài hai nhân viên võ trang tiểu liên còn tên thứ ba đứng cách cửa phòng Văn Bình một quãng. Hắn bước vào, ngoan ngoãn xắp xếp hành trang cho chàng rồi xách va li ra cầu thang.



Trời nóng chảy mỡ mà cả bọn đều mặc áo tơi mưa thùng thình. Chúng giấu tiểu liên sau áo, đoạn kèm sát Văn Bình. Đến cầu thang, chàng gặp một cô gái Tàu xinh xắn, tóc cắt ngắn, trông mũm mỉm và ngon lành. Chàng cười với nàng. Nàng cười trả. Chàng bèn tiến lên vỗ hẹ mông nàng. Nàng chồm lên như bị điện giật.



Tầng dưới khách sạn cho nhiều người ngồi đứng lố nhố. Phần đông là du khách Mỹ. Du khách Mỹ thường khoái lữ quán Liên Lục Địa có lẽ vì sự tiếp đón ở đo được chu đáo, việc cung cấp ăn uống lại hợp khẩu, nó lại tọa lạc trên con đường gồm thượng vàng hạ cám, tìm gì cũng thấy, mua gì cũng có.

Thiên hạ đang bận tíu tít không để ý đến Văn Bình và hai nhân viên Phản Gián áp tải. Văn Bình móc ví lấy tiền thì một tên xua tay :

- Trả rồi. Yêu cầu ông bước ra.



Những tia nắng cháy bỏng đâm xỉa vào mặt chàng. Từ nơi được điều hòa khí hậu ra ngoài, chàng có cảm giác như mỗi tia nắng mặt trời là mũi kim xuyên thủng quần áo và thiêu đốt thân thể.



Chàng vội dừng lại. Vì chàng vừa thoáng thấy Agong. Agong đang nhẩn nha từ bên trái khách sạn bước tới. Hắn cũng nhận ra chàng. Hắn há miệng toan gọi chàng, song chàng đã giơ bàn tay làm dấu cho hắn nín lặng. Agong quả là điệp viên thông minh và có nhiều kinh nghiệm, hắn hiểu ngay thâm ý của Văn Bình. Hắn đổi ngay hướng đi để khỏi giáp mặt chàng.



Trèo lên xe, Văn Bình cố tình rềnh rang để xem Agong ở đâu. Chàng cảm thấy vững dạ vì Agong đậu xe bên kia đường. Thân hình hắn xấu như ma mút, lại gầy đét, nom khó thương, thế mà xe hơi của hắn lại thuộc loại xinh xắn, đắt tiền, loại đua giành cho con gái đôi mươi kiều diễm. Khỏi cần nhìn kỹ, chàng vẫn nhận ra hắn, nhờ điếu xì gà to tổ bố vắt vẻo trên miệng, khói tuôn mù mịt.



Sở Phản Gián của Lim Koon phải là sở của những kẻ ăn hại, nếu không Agong đã không dám chường mặt ra đường với chiếc xe đua chói lòa, đôi mắt lé loạn xạ và điếu xì gà ngang ngược.



Lim Koon có biệt nhỡn với Văn Bình nên đã kiếm cho chàng một chiếc xe hơi êm ái để ra phi trường. Đường Vườn Cây là cái rốn của thành phố nên tuy trời nắng hai bên lề vẫn đông nghẹt, thiên hạ mua sắm rộn rịp, phần đông là du khách.

- Tài xế lái vào đại lộ Sì Tam Fót (1).



Chẳng biết ông già thống đốc người Anh này ăn ở ra sao khiến cho đến nay người Anh ra đi tên ông ta vẫn còn, không những được mượn đặt cho phố xá, mà còn cả cho hàng chục thứ nữa. Nào là một khách sạn (2) sang trọng nhất mực với 126 phòng chẳn chòi nhìn ra biển, nào là tàng viện, nào là trường nữ, ôi chao, với toàn nữ sinh Tàu bé nhỏ khả ái.



Đối với Văn Bình, con đường này lưu giữ khá nhiều kỷ niệm. Vì ở đó có những cửa hàng bán da rắn, da cá sấu. Đồ da thì ở đâu cũng có, nhan nhản ở Sàigòn cũng như trong các đô thị khác ở Viễn Đông, nhưng ít nơi nào bán đồ da rắn đẹp và quý bằng Tân Gia Ba. Văn Bình quen một hiệu bán da đại bản (3) một loại rắn độc sống ở úc Châu, người Trung Hoa gọi là xà hủy, nó mềm không gẫy, luôn luôn bóng nhẫy như được đánh vẹt ni, nó được dùng làm dây lưng hoặc bót phơi( portefeulle) thì tuyệt, phiền một nỗi nó quá đắt, đắt gấp mấy chục lần da cá sấu thượng hạng. Văn Bình quen hiệu bán da rắn đại bản sau nhiều lần mài gót giày trên vĩa hè đường Sì Tam Fót. Chàng bắt gặp một cô gái Tàu có cái eo và bộ mông uốn éo như rắn sau cửa kiếng trong suốt. Chàng đứng lại, bước vào viện cớ mua hàng để tán tỉnh, và do đó, chàng khám phá ra nàng bán da đại bản. Chàng tốn bộn tiền mua đồ làm quà (kể ra quà này rất đáng giá, cô gái không nói thách, không những thế nàng còn trừ bớt nữa...) nhưng đền lại, người đẹp cũng không quên biếu chàng thật nhiều thiện cảm về tinh thần cũng như về... xác thịt. Rồi năm tháng trôi qua, Văn Bình thưa ghé Tân Gia Ba dần. Lần chót chàng đến nơi, nhảy xuống xe, chạy vội đến cửa tiệm đồ da thì chủ cũ đã đồi nghề, giai nhân đã đi lấy chồng, những sợi dây da, và những cái bót phơi vẫn bằng da đại bản mềm mại và láng bóng như xưa, giá tiền lại rẻ hơn xưa, ấy thế mà Văn Bình lại thấy da đại bản xấu kinh khủng và giá tiền đắt lòi tròng con mắt.



Mùi gió biển và nước biển tạt vào xe. Bên này đường là bãi cỏ xanh rì rộng rãi, dùng làm vận động trường, kế cận tòa nhà cũ Quốc Hội, Tối Cao Pháp Viện và Tòa Đô sảnh, xa hơn nữa là đường biển mang tên nữ hoàng Anh. Ánh nắng xế trưa chiếu loang loáng trên tháp nhà thờ trắng xóa.



Tự dưng Văn Bình ríu mắt buồn ngủ. Chàng lim dim dựa đệm xe. Hai nhân viên Phản Gián ngồi bên, súng gác ngang đùi, còn tên thứ ba ở băng trước cạnh tài xế luôn luôn theo dõi chàng bằng cặp mắt cú vọ.



Đàn em Lim Koon được võ trang đầy đủ và tối tân, chúng lại cẩn trọng đúng mức, tuy nhiên Văn Bình không lấy làm quan ngại. Ra đến ngoại ô, chàng biểu diễn nghề mọn cũng kịp chán, vả lại còn có Agong lẽo đẽo phía sau. Chiếc xe đua nhỏ xíu của hắn reo lên những tiếng bum bum điếc tai. Chắc hắn gắn thêm ống sắp măng đặc biệt, loại thanh niên con ông cháu cha ưa dùng để làm le với gái. Khỏi quay lưng hoặc dán mắt vào kiếng chiếu hậu Văn Bình đã thấy sự hiện diện của Agong. Quen thuộc đường đi nước bước trên đảo, hắn có thể giúp chàng một tay dễ dàng...



Xe đang phóng bon bon bỗng loạng choạng. Tài xế chửi tục bằng tiếng Tàu rồi lái vào vệ đường.

Lốp trước bị nổ. Văn Bình toan mở cửa xe nhưng một tên Phản Gián chặn lại:

- Không được, ông phải ngồi trên này. Chúng tôi thay vỏ lốp trong vòng 10 phút.



Văn Bình không đáp. Sự bể lốp có thể do ngẫu nhiên, tuy vậy chàng không tin. Thế tất có bàn tay phá hoại bí mật, chẳng hạn Agong. Hắn bố trí cho xe ăn "banh" để giải cứu chàng. Kỹ nghệ tình báo ngày nay đã tìm ra hàng chục cách làm hư xe không lưu lại dấu yết. Dụng cụ gọn gẽ và hữu hiệu bậc nhất được giới trong nghề mệnh danh là "nụ hôn thần diệu." Nó là cây đinh ngắn bằng nửa đốt tay, đường kính bằng cây bút chì, sơn nhiều mầu khác nhau khá đẹp mắt, và được chế tạo bằng một hóa chất lạ, đặt vào cao su thì nó hút chặt, xe hơi chạy một quãng, nó tiết ra một chất nhờn làm vỏ lốp xe nổ xẹp và sau khi vỏ lốp xe nổ xẹp thì định "nụ hôn thần diệu" tự động bắn văng ra xa, chủ xe không thể tìm thấy.



Một ông mãnh đa tình trong C.I.A. mê say một nữ đồng nghiệp, song không lọt vào mắt xanh của nàng nên phát minh ra cây đinh ác ôn bắt xe nàng nằm ụ dọc đường vắng vẻ, rồi người anh hùng hào hoa vọt qua, đậu lại, chở nàng về thành phố kiếm vỏ xơ cua. Trên hai chặng đi, chặng về, nàng cảm kích sự sốt sắng của chàng và ngã vào vòng tay của chàng. Đêm ấy, chàng hôn đã đời. Phát minh này được ban chuyên môn C.I.A. hoàn bị, và để kỷ niệm cái đêm thần diệu trên xe, nó được kêu là "nụ hôn thần diệu."

Cây đinh làm xẹp lốp, thường được điệp viên hành động C.I.A. xài ở Viễn Đông. Agong là nhân viên C.I.A. tất vỏ xe Phản Gián bị xẹp "ngẫu nhiên" là do Agong.



Văn Bình mỉm cười, ngó tài xế và đồng bọn lúi húi kê con đội, lăn bánh mới ra thay, mồ hôi nhễ nhại. Trên nhân viên Phản Gián thứ tự thọc tay túi quần, thái độ nghiêm trọng, luôn luôn lưu ý đến chàng, như thể sợ chàng có phép tàng hình trốn mất.



Trời vẫn nắng chang chang. Đường sá không vắng vẻ song cũng không đông đúc. Thỉnh thoảng một chiếc xe hơi vụt qua. Thời khắc thuận tiện đối với Văn Bình đã đến... Sỡ dĩ chàng ngồi chờ, chưa ra tay, vì muốn Agong ra tay dùm. Nhưng chẳng hiểu sao Agong vẫn biệt tăm. Nóng ruột chàng ngó phía sau. Chiếc xe đua xin xắn của Agong không thấy đâu hết.



3 phút, 5 phút rồi 10 phút...



Bánh xe được thay xong. Bọn nhân viên Phản Gián thở phòa. Tên tài xế lại văng tục một dây. Văn Bình đặt tay vào nắm cửa. Chàng sửa soạn làm thịt hai đối phương cùng một lúc.



Song le biến cố đã xảy ra.



Đạn tiểu liên nổ ròn. Loạt đạn này từ một chiếc xe hơi đen bít bùng từ phía sau lướt tới nhanh như trận cuồng phong. Người ngồi trong xe chỉ bắn một băng. Rồi chiếc xe hơi đen mất dạng ở khúc rẽ.



Văn Bình tông cửa vọt xuống đường. Bốn nhân viên Phản Gián của Lim Koon bị trúng đạn, nằm oằn oại. Chúng đứng rải rác, mỗi tên một chỗ chặn hai hông xe, vậy mà hung thủ bắn không trật viên nàọ, hầu hết đều trúng thượng bộ. Văn Bình quan sát vết thương, nhưng sau mấy giây đồng hồ nghiên cứu chàng lắc đầu chịu trận.



Cả bốn nhân viên Phản Gián đều thiệt mạng.



Sát nhân phải là tay thần xạ. Chàng không kịp nhìn được mặt hắn. Chàng cũng không kịp nhìn được bảng số. Nhưng dẫu nhớ rõ cũng vô ích vì chắc chắn đây là bọn sát nhân chuyên nghiệp dùng bảng số giả.



Nhưng bọn sát nhân chuyên nghiệp này là ai?



Văn Bình mở máy, quay đầu xe, trở về thành phố. Chàng đang bị đẩy vào thế kẹt. Khi không chàng đeo đỉnh bài sát nhân trên ngực. Chàng có thể kêu oan về tội giết một nhân viên của Lim Koon, rồi chở xác đến đền kỷ niệm tướng Lim Bo Seng, song chàng đừng hòng kêu oan về tội giết bốn nhân viện khác trên đường ra phi trường. Chứng cớ đã hiện rành rành... chàng đã hạ thủ họ bằng tiểu liên rồi cướp xe bỏ trốn.



Thoạt tiên chàng nảy ý định gọi điện thoại thông báo cho Lim Koon. Sau một phút cân nhắc chàng lái xe về thị trấn vì chàng biết chắc Lim Koon không tin chàng. Lần này hắn tống giam chàng rồi truy tố ra tòa còn là nhẹ. Trong cơn nóng giận biết đâu hắn chẳng đẹt chàng một phát...



Chàng chỉ biết trở về thị trấn chứ chưa biết sẽ đi đâu. Tân Gia Ba là mỏm đất nhỏ xíu chàng phải thu hình thành con muỗi mới thoát khỏi màng lưới truy tầm của Phản Gián.



Xe hơi chạy đựợc nửa cây số, Văn Bình bỗng thắng gấp. Chàng vừa thấy xe đua của Agong đậu nép bên đường. Tay hắn còn cầm con đội, nghĩa là xe hắn cũng xẹp lốp.



Mặt hắn tái mét, tay hắn run run khiến con đội suýt rớt xuống mặt cỏ. Hắn lấm lét:

- Bọn Phản Gián đâu rồi ?

Chàng mở cửa chiếc xe đua chật chội, ấn hắn ngồi trước vô lăng :

- Lái đi.



Tinh thần Agong còn bấn loạn nên hắn đạp lút ga xăng và trả chân "côn" quá gấp làm chiếc xe đua mảnh khảnh chồm lên, xém chút nữa đâm nhằm chiếc xe đò đồ sộ, nghêng ngang chạy ngược chiều. Chiếc xe đò chở đầy hành khách, trên mui hàng hóa chất cao ngất, mấy tên lơ bám tòng teng bên hông và sau xe cùng gân cồ chửi rủa.

Văn Bình hỏi hắn :

- Anh đau hả ?

Agong đáp :

- Không. Tôi sợ.

- Đã hoàn hồn chưa ?

- Rồi.

- Vậy sang ngay số 2. Thùng nước đã sôi sùng sục, nếu anh tiếp tục gài số 1 thì xe sẽ lột "biên" và nằm ụ cả tuần.



Agong bắt đầu phóng nhanh. Tay bánh của hắn không còn trật trẹo như cách đó một vài phút, hắn đã phục hồi được sự điềm tĩnh nghề nghiệp. Rồi hắn thở dài:

- Đi đoong hết ?

Văn Bình gật đầu :

- Ừ, đi đoong hết.

- Chết cha... Đánh họ bất tỉnh đủ rồi... Đằng này anh lại giết họ. Lim Koon thù độc và thù dai bậc nhất. Hắn sẽ không tha anh đâu. Anh làm nên chuyện, hắn làm thịt anh đã đành, hắn sẽ nhân dịp này triệt hạ luôn cả tôi nữa.

- Không phải tôi giết.

- Hừ, còn ai vào đấy.

- Một chiếc xe vọt qua và xả súng. Tôi ngồi trong xe nên không trúng đạn.

- Thật hả ?

- Chẳng lẽ tôi bịa.

- Anh nói thì tôi tin. Tôi đâu dám ngờ vực anh. Nhưng khốn nỗi Lim Koon đa nghi hơn Tào Tháo. Dầu hắn biết rõ anh vô can hắn cũng thừa gió bẻ măng như thường. Giờ đây anh tính sao ?

- Tùy anh.

- Nếu tôi là anh, tôi sẽ ra bờ biển, kiếm thuyền máy vù thẳng một mạch. Không thể rời đảo bằng đường hàng không hoặc bằng đường bộ.

- Còn điệp vụ Disa ?

- Tính mạng trên hết. Anh chỉ có triển vọng thành công nếu Lim Koon giúp đỡ, hoặc ít ra không phá thối.

- Không cần Lim Koon, được anh giúp đỡ là đủ, quá đủ.

- Tôi sẽ cố gắng hết sức. Anh xuống thuyền trước, mọi việc để tôi lo liệu.

- Anh đã tìm ra nơi Hsiang-pen Lih trú ngụ ?

- Chưa. Anh vừa nói trong điện thoại là nơi Hsiang ẩn núp và cất giấu chất độc Disa đã được chỉ huy ghi trong họa đồ. Họa đồ đảo Hồng. Anh có mang họa đồ trong mình không ?

- Có.

- Thật hên cho anh và tôi. Hết khúc đường này đến khu sầm uất, nhà cửa chen chúc như bát úp. Tôi thuê ở đó một căn phố khá kín đáo. Chúng mình đến đó bàn bạc tiện hơn, vì tôi e trong vòng một giờ Lim Koon sẽ chặn bít mọi nẻo đường và in hình anh cho cảnh sát nổi chìm lùng bắt trên đảo.



Căn nhà của Agong nằm khuất trong hẻm sâu hun hút. Tới đầu hẻm Văn Bình mới hiểu tại sao Agong xấu như ma mút lại tậu chiếc xe đua vỏ lát tích nhẹ tâng, bé tí teo như đồ chơi. Bởi vì hẻm quá chật, lượn ngoằn ngoèo giống con giun bò trên đất, nếu là xe hơi thông thường thì chỉ vào đến phần ba hẻm là tắc tị.

Tuy là hẻm người Tàu trong một thành phố Tàu, Văn Bình lại không thấy áo quần phơi phong bừa bải, cũng không thấy người lớn và con nít đứng, nằm, ngồi chềnh ềnh, ngăn cản sự lưu thông. Ngoài mấy xe đồ uống, mì, cháo và satê ở đầu hẻm và mấy đứa con nít chơi đùa trong bóng râm, lối đi trong hẻm không bị cắt quãng. Agong phóng nhanh bằng xe gắn máy, chứng tỏ hắn đã lui tới cái hẻm trái khoáy này nhiều lần.

Dường như đọc được ý nghĩ của chàng, Agong cắt nghĩa :

- Đã gần một giờ trưa, mọi người vừa ăn cơm xong, bắt đầu đi ngủ nên chúng mình mới được thảnh thơi. Nếu đến đây hồi sáng sớm ánh nắng chưa rọi tới, hoặc sau bữa cơm tối thì ôi thôi... còn toét mắt, khàn cuống họng và vẹo xương sườn mới đến được cuối hẻm...



Càng vào sâu hẻm càng nở phình, quang cảnh hai bên khang trang hơn. Toàn là nhà trệt, xây cất theo một kiến trúc chung, không nét nào đặc sắc, tuy nhiên, điều làm Văn Bình chú ý là sự sạch sẽ. Căn nhà của Agong có cả vườn hoa nhỏ phía trước. Hắn đậu xe, không buồn lên kiếng và khỏa cửa, hắn đẩy nhẹ cổng gỗ, bước qua những chậu hoa phong lan rồi mở cửa phòng ngoài.



Bên ngoài trời nắng chảy mỡ nên khi bước vào nhà Văn Bình cảm thấy thể xác và tinh thần sảng khoái. Nếu có hàn thử biễu thì không khí trong nhà chỉ độ 22, 23 độ bách phân. Agong đã vặn máy lạnh từ trước. Nghĩa là sau khi thủ tiêu thi thể của Cheng Ho, hắn đã về đây nghỉ ngơi.

Ngồi xuống ghế, chàng hỏi hắn :

- Về vụ Cheng, anh làm xong chưa ?

Agong đáp :

- Xong hoàn toàn. Như tôi đã nói, tôi rưới acit cho thịt xương hắn rữa nát, chảy thành nước. Làm như vậy hơi lâu nhưng cũng may tôi không bị bọn nhân viên của Lim Koon quấy rầy. Gần rạng đông tôi mới hoàn tất. Tôi gọi điện thoại cho anh nhưng nhân viên khách sạn đáp anh chưa về. Gọi mãi không đựợc, tôi đàng xách xe lại khách sạn Liên Lục Địa. Thấy anh về tôi không dám lên cùng vì Lim Koon và đồng bọn đã đến trước.

- Xe anh bị nổ lốp ?

- Vâng. Nhưng tôi không tin cả xe của tôi lẫn xe của Lim Koon đều bị nổ lốp cùng một lúc, xe của Lim Koon tôi không dám bảo đảm, chứ còn xe tôi... tôi vừa thay lốp mới, đường xá lại nhẵn thín. Tôi tin là kẻ địch nào đó tìm cách phá hoại.

- Theo anh, kẻ địch là ai ?

- Tân Gia Ba là nơi hẹn hò của mọi cơ quan điệp báo từ Đông sang Tây, nên kẻ địch có thể là Tây phương muốn ăn mảnh hoặc cũng có thể là phe Xã Hội Chủ Nghĩa. Biết đâu Lim Koon chẳng bố trí và hạ sát nhân viên Phản Gián để lôi anh vào tù. Và nhất là tạo cơ hội loại trừ tôi.

- Lạ thật... Lim Koon thù anh và anh cũng thù hắn. Tôi có cảm tưởng là mối thù truyền kiếp...

- Chẳng có gì lạ. Ba chúng tôi lớn lên và kiếm ăn ở đây. Nếu không xảy ra đại chiến, quân đội Nhật chiếm đóng đảo có lẽ ngày nay chúng tôi vẫn là bạn, hoặc giả không đến nỗi coi nhau như kẻ thù bất cộng đái thiên. Không riêng ở đây mà trên toàn cõi Viễn Đông, những nơi bị ngoại bang đô hộ, trận thế chiến vừa qua là đầu mối của nhiều sự chia rẽ ghê gớm. Cheng và tôi hoạt động cho đồng minh kháng Nhật. Còn Lim hoạt động cho Nhật. Nói cho đúng, hắn là mật báo viên cho nhà cầm quyền Nhật. Vì là mật báo viên nên không có bằng cớ kết tội hắn. Sau ngày hòa bình tái lập, hồ sơ Lim Koon được bạch hóa. Tại sao được bạch hóa, chúng tôi không biết, dường như hắn có quan thầy trong guồng máy Nhà Nước, rồi hắn gia nhập ngành an ninh, hắn kiên nhẫn trèo các nấc thang từ dưới lên cao.

- Anh quen Hsiang không ?

- Hsiang-pen Lih ấy à ? Không.

- Cheng không nói rõ với anh.

- Không. Tuy chúng tôi kết bạn với nhau, tuy tôi yêu em gái hắn ngày xưa và bây giờ là em cột chèo của hắn, Cheng và tôi lại là hai thái cực riêng biệt. Hắn ít tâm sự với tôi. Chúng tôi chỉ gặp nhau vì công việc, hắn không san xẻ bí mật nên nhiều phen tôi cũng không san xẻ bí mật với hắn. Trong điệp vụ Disa hiện hành, Cheng Ho tiếp xúc với Hsiang một mình.

- Anh và hắn không ưa nhau ?

- Vấn đề này không hề xảy ra. Một phần vì hoạt động điệp báo cần giữ bí mật, bí mật chừng nào tốt chừng nấy, phần khác vì chúng tôi ở xa nhau... ngoài ra cũng phải nhắc đến hoàn cảnh đặc biệt của Cheng...

- Vân Kiều mắc bệnh thần kinh bỏ nhà ra đi ?

- Vâng. Anh mới đến đảo chưa được một ngày mà biết chuyện riêng của Cheng Ho, anh tài thật... Tôi tìm cách an ủi hắn, nhưng hắn càng buồn rầu hơn, từ ít lâu nay hắn đâm ra lầm lì, lắm lúc phát sợ, tưởng như hắn có thể ăn tươi nuốt sống mọi người.

- Hiện Vân Kiều ở đâu ?

- Không biết.

- Là tình máu mủ mà vợ anh không để ý?

- Sau ngày nàng bỏ đi, hắn bàn bạc với vợ tôi. Khi ấy hắn chưa biết nàng đi đâu. Gần đây, tâm tính hắn hoàn toàn thay đồi, dường như hắn có liên lạc với Vân Kiều. Tôi hỏi hắn thì hắn trợn mắt quát tôi im. Tôi toan phản đối, hắn liền vung tay chém gẫy mặt bàn. Anh biết không, cái bàn này bằng gỗ trắc, cẳng nó to như cánh tay, búa tạ đập không sụp, mặt bàn bằng gỗ trầm hương, được luộc nước sôi và tẩm nhựa cây rừng, dai bền như áo ngăn đạn ni lông của Mỹ, Cheng Ho mua ở Nêpan hơn ba chục ngàn N.r. (4) vậy mà Cheng chỉ chém nhẹ là vỡ nát. Cheng rất giỏi võ, tính hắn đằm, nhưng cộc, hắn nổi nóng thì trời cũng bất cần, huống hồ là thằng em cột chèo... Cho nên tôi ngậm thinh luôn, không dám căn vặn nữa.

Agong bỗng coi đồng hồ tay rồi giật mình :

- Sắp đến giờ đông người, chúng mình sửa soạn đi thì vừa. Họa đồ của Cheng đâu, anh đưa cho tôi.

Văn Bình lấy giấy bút song Agong gạt ngang, giọng đượm vẻ sửng sốt và lo âu :

- Anh vẽ lại ư ?

Văn Bình đáp :

- Sợ Lim Koon tịch thu tôi phải xé vụn rồi đốt thành than. Anh yên tâm, tôi có thể vẽ lại đúng nguyên bản.

Cặp mắt Agong bỗng đỏ ngầu :

- Văn Bình, anh nói dối. Thiếu tôi giúp sức, anh đừng hòng tìm ra Hsiang và các thùng thép Disa. Anh không nên đòn phép nữa. Nếu anh chơi xấu, anh không ra khỏi căn nhà này được đâu.



Agong lùi lại sát tường, vẻ lừng khừng ốm yếu của hắn đã mất hẳn. Điếu xì gà to tồng ngồng được hắn nhổ bẹt xuống đất, hàm răng vàng khè khấp khểnh của hắn nhô ra. Thảo nào... nhất lé, nhì lùn.... Agong quả không hổ danh với câu phương ngôn Á Đông. Mới đó, hắn đã trở mặt. Trở mặt nhanh như chong chóng. Hắn là nhân viên C.I.A., được C.I.A. tin dùng trong nhiều năm. ông Hoàng dặn chàng đi đôi với hắn trong điệp vụ Disa.



Té ra chỉ là tấn kịch.



Vai trò thật sự của Agong đã xuất lộ hoàn toàn.



Xuất lộ với khẩu súng trên tay. Một khẩu H+h (5) ngắn, gọn cối đựng 8 viên đạn.





Chú thích:

1. Đường này mang tên Sir staníord Raffles, thống đốc Tân Gia Ba năm 1881.

2. Khách sạn Raffles, ngoài ra còn có Raffles Museum, Raffles Institute và trường nữ Raffles nữa...

3. Đó là con rắn taipan (oxyuranus scutellatus) được coi là giống rắn rất độc, rắn taipan cái có bộ da đẹp và quý hơn rắn đực.

4. N.r. là đồng rúp Nepal. Một đô la Mỹ tương đương với 10, 10 đồng rupee Nepal.

5. Tức là súng lục Barrington and Richardson, new deíender double action revolver, kiểu thể thao (sportman D.A.) điệp viên thường dùng vì nhẹ và dễ trúng đích.
Bão Ngầm Trên Biển Phong Lan
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Đoạn kết