Cái thú tổ tôm
Tác giả: Nguyễn Công Hoan
Nhiều người lấy làm lại cứ hỏi nhau tại làm sao ông nghị Đào độ này thích tổ tôm thế.
Kể cũng lả việc quái gở thực? Vì xưa nay ông ấy chúa ghét đánh bạc. Đến ngay như lũ trẻ nhà ông ấy ngày tết, túm tụm lại, đánh tam cúc một xu bốn cây với nhau, mà ông cũng cấm nữa là?
Còn ông, thì đố ai thấy ông chầu rìa một đám bạc nào. Ông thường nói:
- Đánh bạc, vừa hại tiền, vừa hại thì giờ, vừa hại sức khoẻ. Nhà nào mà bố mẹ hay mê man cờ bạc, thì con trai hư đằng con trai, con gái hư đằng con gái. Chẳng thế, cứ bắc kiềng lên lưng tôi mà đun!
Thế mà sau khi ông goá vợ được vài tháng, thì ông mê tổ tôm như điếu đổ.
Có người bảo ông mới được làm nghị viên, nên học cách giao thiệp. Nhưng đánh tổ tôm nào phải cách giao thiệp? Vả ngày hội đồng dân biểu họp nào có phải các ông nghị đến hội quán Khai Trí Tiến Đức để đánh tổ tôm đâu?
Vậy thì chắc rằng bà nghị mất, ông đâm buồn. Buồn thì phải tìm cách tiêu khiển. Rượu không biết uống, phiện không biết hút, gái không biết chơi, thì ông có thỉnh thoảng đánh canh tổ tôm, có hại gì? Không hại nhất, là ông chưa có con trai hay con gái lớn.
Tổ tôm, ông mới học hơn một tháng. Nhưng ngay từ lúc mới học, ông đã dám ngồi một chân. Ông chỉ đánh ở nhà cụ Chánh Bá. Ở chỗ khác, dù có lập cuộc tổ tôm mà thiếu một chân, thì giá họ có mời rã bọt mép, cũng không khi nào ông ngồi đánh. Có lẽ vì ông không chịu tiếng bê tha chăng
Nhiều lúc, ông sang nhà cụ Chánh Bá, rồi cho người đi mời con bạc đến. Có khi cụ Chánh Bá không tiền ông cũng cố ép cho vay để cụ đánh. Nhưng không mấy khi ông nhớ nợ. Cụ Chánh Bá muốn để đến bao giờ ông cũng không nhắc đòi.
Vậy mà ông chỉ đánh bạc để cầu vui thôi, chứ không mấy khi ông ngồi nóng chỗ. Ông cầm bài độ dăm bẩy ván, khi đã góp tiền đâu vào đấy, là ông mượn người đánh hộ. Rồi hoặc về nhà, hoặc đi có việc đâu một lúc lâu mới lại đến. Làng để ý vào cây bài quá, nên không ai hỏi nhau xem ông đi đâu.
Người ta, mà nhất là những người được ông nghị Đào nhờ cầm bài hộ, đều tỏ ý khen ông về lối chơi nhã nhặn, quân tử như thế. Họ khen. Vì họ muốn ông giữ mãi cái thói quen dễ chịu ấy. Người thì được đánh bạc không phải góp tiền, mà vì ông không hỏi căn vặn được thua bao nhiêu, nên họ đễ ăn bớt. Người thì được thông lưng nhau, đề một mình ông bị thiệt, vì họ coi ông như con bò!
Thực ra, chơi cái lối đánh tổ tôm cung phụng ấy, ông nghị Đào còn là mất chán tiền! Mà không chịu học đánh luôn luôn, thì còn xơi ông mới cao được. Ai lại ngay bây giờ, ông còn phải hỏi thế nào là lèo, cửu vạn, cửu sách và chi chi có là lưng không. Mà nào ông đã thuộc chữ quân bài đâu? Cứ đưa ông một quân, bịt kín chỗ vẽ đi, hỏi là quân gì, đố ông có biết?
Cho nên, tuy ông lên bài rất chậm, ăn hoặc phỗng nhiều lúc rất lẩm cẩm, nhưng ai cũng cố kiên gan mà khen. Họ khen ông rằng:
- Đánh với ông nghị bao giờ cũng vui quá.
- Họ vui vì họ chắc mẩm phần được. Dù không ù cũng được mười mươi.
***
Cũng như mọi bận, những anh con bạc túng tiền đã tề tựu cả ở nhà cụ Chánh Bá để chờ ông nghị Đào đến nữa là vừa đủ chân.
Anh người nhà đã chia sẵn bài, và bầy cả vào hỏi cái khay. Anh ta đã chẻ ít đóm, và làm đèn cẩn thận.
Cô Xuyến, con cụ Chánh Bá đã xếp đầy một cơi trầu để chờ khách. Xong việc, cô đương ngồi ngoài hiên, ghé vào ánh sáng ngọn đèn, mà xâu những hào trinh.
Mới mười chín tuổi đầu, nhưng cô Xuyến giỏi lắm. Thường cô đi chợ đi búa các nơi; buôn bán rất đảm đang, ai cũng khen. Nhiều anh con trai làng, thấy cô có sắc lại có vốn muốn hỏi cô làm vợ để được cưới cả cô lẫn cái vốn của cô. Nhưng cụ Chánh Bá còn kén kỹ lắm. Cụ không thích gả cho người làng, vì cụ xem chả cậu nào đáng mặt vác áo thụng đến làm rể cụ. Họ đều nghèo, và con nhà tầm thường cả. Cô Xuyến nhà cụ tiếng rằng ngày thường vẫn áo nâu, quần lụa, đi đất trông có vẻ nhà quê, nhưng ngày tết, thì cô ăn mặc sang nhất tổng. Cái khăn gấm tây, cái áo cát-sơ-mi hoa, cái quần lĩnh bóng, đổi dép Nhật Bản, và bộ dây xà tích dài đến tận đầu gối. Cứ cách ăn mặc thế, thì cô Xuyến phải lấy một anh chồng ít ra là có bằng Sết-ti-vi-ca. Huống hồ cô còn có vốn riêng, lại là con gái lớn của một ông Chánh tổng cựu, có hàm cửu phạm bá hộ thì ít ra ông bố cũng phải thách đến dăm trăm là ít.
Thêm một ván cung Tổ nữa là sáu, mọi người bỏ tiền ra góp. Ông nghị Đào tuy không ù được ván nào, nhưng rất vui vẻ. Xưa nay, chưa ai hề thấy ông thua bạc mà phát bẳn bao giờ. Ông quăng hai tờ bạc giấy vào giữa rồi hỏi cụ Chánh:
- Thế nào? Cụ có tiền chưa?
- Có ông để tôi bảo cháu lấy.
Rồi cụ Chánh gọi cô Xuyến:
- Cho thầy vay hai đồng, mày!
Cô Xuyến tưới như cái hoa, đứng cạnh đèn, đếm tiền. Nhưng tiếc thay, cái hoa đẹp ấy lại không có ai thưởng thức. Vì ai cũng hai mắt đổ dồn cả vào hai quân bài bắt cái.
Bỗng ông nghị nghiêm chỉnh, ngấc đầu lên, hỏi:
- Có đủ không, cô?
- Dạ, bẩm đủ ạ. May, con vừa đòi được món nợ.
Đoạn cô đưa cụ Chánh nhón tiền, rồi đi vào. Mọi người giao hẹn phần của mình góp xong xuôi, quân bài bắt đầu đen đét xuống chiếu tiến, rồi lui, rồi lại nhẩy rải rác khắp chỗ nọ, chỗ kia.
Rồi ù, rồi lấy tiền. Rồi ván này. Rồi ván khác. Ông nghị Đào đã thấy chán, ông ngáp. Rồi ông gọi:
- Anh nào cầm bài hộ tôi tý này.
Họ đã thuộc tính, nên bao giờ cũng có vài anh dự khuyết, chực sẵn cả ở sau lưng ông. Ông đứng dậy, nhìn bài một lúc, bàn quân ăn quân đánh, hỏi nước thấp nước cao. Rồi một lát, ông không nói, đứng im. Rồi ông sang gian bên, hút thuốc, uống nước. Rồi ông ra hè, thỉnh thoảng nói vào một câu để đánh tiếng. Rồi im hẳn.
Trong khi ấy, cả làng không ai chú ý đến ông nữa.
Ai cũng để cả tâm trí mải vào cây lục vạn, tam sách, ăn năm binh, hay bốc tốt cho cao.
- Cụ chịu à?
- Vâng, đen quá. Hết hội này, tôi phải đổi chỗ mới được. Đánh tổ tôm mã không được ù, bài xấu, thì chán chết. Không trách ông nghị hay đứng dậy cũng phải.
- Vâng, cụ đổi chỗ cho cháu!
- À? Để tôi bảo nó pha ấm nước chè tàu, uống cho tỉnh ngủ nhé.
Dứt lời cụ Chánh Bá, anh người nhà thưa:
- Bẩm nước đương đun dưới bếp ạ.
- Càng hay, anh sắp ấm chén để tôi pha cho.
Nói xong, cụ Chánh đứng dậy, vườn vai, gân tay chân kêu răng rắc.
- Chà? Giãn thịt giãn xương! Đem khay chè ra đây tôi xuống bếp mang nước sôi lên hộ. Hoài của, giá đừng chịu thì vừa rồi được cái phỗng!
Rồi không tiếc nữa, cụ Chánh Bá mở cửa ra ngoài cầm đèn xuống bếp:
- Ừ, ra lúc mỏi mà được đi đi lại lại thì nó khoan khoái lắm nhỉ.
Nhưng thấy trong bếp lừa tắt ngấm tắt ngầm, cụ hỏi to;
- Đun thế kia thì đời nào nước sôi? Con Xuyến đâu rồi!
- Dạ!
- Mày ở đâu?
- Thưa thầy, con ở trong bếp này.
- Sao không đun quàng nước lên. Lại để tắt lửa thế?
- Nó vừa mới tắt, con thổi mãi không được.
Cụ Chánh Bá bước vào cạnh ông đồ rau, gắt:
- Rơm không có thì mày đun bằng gì?
Cô Xuyến cuống cuồng, chổng mông lên, cố thổi đống tro tắt ngấm tắt ngầm.
Cụ Chánh đặt đèn xuống, mắng con:
- Mày lười, có khi nào được. Chỉ tố hết hơi mà thôi. Để tao rút rơm cho vậy.
Nói đoạn, cụ đi ra mé đống rơm gần đó.
Bỗng trong chỗ tối cụ thấy lù lù có cái bóng đen đen.
Vừa ngạc nhiên, vừa sợ, cụ giật mình, hỏi:
- Ai?
- Tôi đây, cụ Chánh đấy à?
- À ông nghị đấy à? Ông đứng đây làm gì thế?
Rồi chẳng hay cụ Chánh thương ông nghị đã phải đứng chơi ngoài sương tối tăm không biết tự bao giờ hay sao, cụ đủng đỉnh nói:
- Mời ông lên nhà xơi nước chứ?
***
Vậy xin độc giả đoán nét mặt ông nghị Đào tôi bấy giờ thế nào. Và ông có lên nhà xơi nước hay không?
9-9-1934