Tiểu sử
Tác giả: Nguyễn Công Hoan
Nguyễn Công Hoan sinh năm 1903, tại Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Văn Giang tỉnh Bắc Ninh, nay là tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình Nho học, mất năm 1977 tại Hà Nội.
Nguyễn Công Hoan viết văn từ năm 17 tuổi, năm 20 tuổi xuất bản tập truyện ngắn Kiếp hồng nhan, và năm 32 tuổi (1935), nổi tiếng với tập truyện ngắn Kép Tư Bền.
Trước cách mạng tháng Tám ông làm nghề dạy học thường bị Pháp theo dõi phải đổi trường nhiều lần. Sau cách mạng tháng Tám ông hăng hái tham gia kháng chiến, trên lĩnh vực văn hoá văn nghệ: Chủ bút báo Vệ quốc quân, Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam... Nguyễn Công Hoan đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1, 1996).
Sự nghiệp văn học của Nguyễn Công Hoan khá đồ sộ với hàng trăm truyện ngắn và nhiều tiểu. Các tác phẩm của ông đã được tái bản nhiều lần và hiện được chọn lại trong bộ Tuyển tập Nguyễn Công Hoan (3 tập, Nhà xuất bản Văn học, 1983 - 1986).
Những ngày đáng nhớ của nhà văn Nguyễn Công Hoan tại 66 Thợ Nhuộm
Suốt 12 năm (từ năm 1964 - 1976), nhà văn Nguyễn Công Hoan cùng vợ là cụ Vũ Thị Yến đã về sống với con cháu và sáng tác trong một căn phòng vỏn vẹn 30m2 trong ngôi nhà 66 phố Thợ Nhuộm nay là trụ sở Báo CAND.
Ngày 6/6, Báo CAND đã long trọng tổ chức buổi lễ gắn biển kỷ niệm tên nhà văn Nguyễn Công Hoan tại 66 - Thợ Nhuộm, Hà Nội, trụ sở của Báo CAND, đúng ngày giỗ lần thứ 29 của ông.
Có mặt trong buổi lễ này là con trai của nhà văn, Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an cùng phu nhân; vợ chồng nhà văn Lê Minh, con gái của nhà văn và các con cháu. Cũng thật thân tình trong buổi lễ hôm nay còn có sự tham dự của các Giám đốc NXB Văn học, NXB Hội Nhà văn, NXB Thanh niên, NXB Công an nhân dân... những nơi từng in rất nhiều tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan.
Đọc diễn văn tại buổi lễ, Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước, Tổng Biên tập Báo CAND và Chuyên đề ANTG khẳng định: "Khuôn viên và cấu trúc tòa nhà này có thay đổi nhiều so với trước, nhưng lòng ngưỡng mộ của chúng tôi đối với nhà văn Nguyễn Công Hoan và Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài, thủ trưởng cũ của chúng tôi thì không hề suy giảm...".
Những con số 6 thú vị
Nhà văn Nguyễn Công Hoan sinh ngày 6/3/1903 tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (không phải là thuộc tỉnh Hải Dương như Từ điển Văn học - bộ mới NXB Thế giới 2004 trang 1.114 đã nhầm). Ông sinh ngày mùng 6, mất cũng ngày 6 (tháng 6/1977). Năm 1946, nhà văn Nguyễn Công Hoan, khi đó là Giám đốc Sở Kiểm duyệt báo chí trong chính quyền cách mạng đã cấp giấy phép cho Báo CAND ra số đầu tiên với tên là Công an mới, tiền thân của Báo CAND ngày nay.
Người có sáng kiến tổ chức xin giấy phép xuất bản tờ báo Công an mới là chiến sĩ Công an trẻ Nguyễn Tài, Bí thư chi bộ kiêm Bí thư Đoàn Công an cứu quốc. Nhờ thế, ngày 1/11/1946, Báo Công an mới đã phát hành số đầu tiên. Đến nay, Báo CAND đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày phát hành số báo đầu tiên.
Lại nữa, suốt 12 năm (từ năm 1964 - 1976), nhà văn Nguyễn Công Hoan cùng vợ là cụ Vũ Thị Yến đã về sống với con cháu và sáng tác tại ngôi nhà 66 Thợ Nhuộm này. Đến năm 1976, ông cùng gia đình con trai là Cục trưởng Công an Nguyễn Tài vừa bất khuất trở về từ nhà tù của Mỹ - chính quyền Sài Gòn chuyển về khu tập thể Trung Tự. Và năm 1996, nhà văn Nguyễn Công Hoan được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Vậy là sắp 60 năm, ngày nhà văn Nguyễn Công Hoan ký giấy phép xuất bản Báo Công an mới, tại 66 Thợ Nhuộm nơi ông sống xưa và trụ sở Báo CAND nay, đúng vào ngày giỗ của ông 6/6, tờ báo mà ông ký cho ra mắt long trọng làm lễ gắn biển kỷ niệm tên tuổi ông, Chủ tịch đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam...
Trang đời trang văn
Bà Trần Thị Bắc (tên khai sinh là Nguyễn Thị Nghiêm), phu nhân đồng chí Nguyễn Tài, người nhiều năm được Bộ Công an cử chăm sóc và đào tạo con cái của các cán bộ miền Bắc chi viện cho An ninh miền Nam kể cho chúng tôi nghe: Trước đây, gia đình bà được Bộ Công an xếp cho ở trong ngôi nhà 66 Thợ Nhuộm cùng với 3 gia đình khác, trong đó có gia đình cố Thiếu tướng Hoàng Mai, nguyên Tổng Biên tập Báo CAND...
Đầu năm 1964, do đồng chí Nguyễn Tài bí mật vào miền Nam chiến đấu, ông bà Nguyễn Công Hoan rời làng Võng Thị thơ mộng về 66 Thợ Nhuộm để giúp con dâu chăm sóc 4 cháu nhỏ để con trai yên tâm công tác. Vậy là cả ông bà nội với 5 mẹ con chỉ sống trong một căn phòng vỏn vẹn có gần 30m2.
Bà Bắc kể rằng, những ngày ấy, đêm nào bà cũng thấy nhà văn Nguyễn Công Hoan dậy viết trên một cái bàn nhỏ kê ở góc nhà, người con dâu cùng mẹ chồng đã kê cho ông một bộ bàn ghế uống nước để tiếp khách văn. Thi thoảng, bà thấy nhà thơ Tú Mỡ, Xuân Diệu đến chơi. Nhà văn Nguyễn Công Hoan có vóc dáng cao cao, ông thường di dép nhẹ nhàng lúc đêm khuya ra bàn viết những điều vừa chợt đến. Sáng ra ông thức dậy sớm đi tưới mấy cây hoa trước nhà.
Còn cụ bà Vũ Thị Yến thì chăm một cây trầu tươi tốt ở phía tay trái ngôi nhà 66 Thợ Nhuộm, bà cũng hay ăn trầu nên răng rất chắc và đẹp. Rất nhiều lần, nhà văn đang viết say sưa thì Hà Nội báo động có máy bay Mỹ bắn phá, bà Vũ Thị Yến xua con dâu và các cháu nhỏ xuống hầm. Riêng nhà văn Nguyễn Công Hoan thì chạy ra đường, ngửa mặt lên trời mong nhìn thấy máy bay địch. Bà hét lên: "Ông có vào không, nó bắn chết bây giờ". Không ngờ nhà văn trào phúng bậc thầy vẫn dí dỏm ngạo nghễ: "Bà không phải lo. Nó có nhìn thấy tôi đâu mà bắn".
Nhà văn Lê Minh, người con gái út của nhà văn Nguyễn Công Hoan kể, hồi ấy, căn buồng ở 66 Thợ Nhuộm quá chật, ông thường sang nhà bà ở 72 Lý Thường Kiệt để viết. Có hai cuốn sách được cha bà viết trong thời gian này, đó là cuốn "Hỏi chuyện các nhà văn", cuốn thứ hai là "Nhớ gì ghi nấy". Cuốn sách với tên gọi giản dị thô mộc này không ngờ lại có số phận long đong lận đận đến kỳ lạ. Năm 1977, sau khi ông mất, cuốn sách này đành dở dang. Đến năm 1998, nhà văn Lê Minh tổ chức in toàn tập và lấy lại tên ban đầu "Nhớ gì ghi nấy".
Có một câu chuyện mà đến bây giờ bà Trần Thị Bắc còn nhớ như in: "Ông thường dạy các cháu những điều tưởng như nhỏ vụn: rải cái chiếu phải rải cho ngay ngắn thì cái tâm của mình cũng ngay ngắn. Bữa cơm dọn ra, ông thường ăn thức ăn còn dư từ bữa trước để nhường thức ăn mới cho con cháu. Nghĩ lại thấy thương ông quá. Những ngày kham khổ, vất vả đó có lẽ cũng thấm vào trang văn của bố chồng tôi".
Xin kể lại một chút về người vợ của nhà văn Nguyễn Công Hoan, cụ Vũ Thị Yến. Theo lời bà Trần Thị Bắc, có lần nhà văn Nguyễn Công Hoan đã tâm sự với con dâu thế này: "Mẹ con là người đóng góp hơn 50% vào thành công sự nghiệp văn học của cha". Bà đã vượt qua nhiều gian khổ, chịu đựng nhiều mất mát, đau đớn, chăm sóc các con, coi sóc việc nhà chồng để dồn sự bình tâm cho ông trên từng trang viết.
Hiếm có một người vợ nhà văn nào như bà Vũ Thị Yến, người có công với nước từng phải chứng kiến nhiều nỗi đau đến thế. Trong kháng chiến chống Pháp, bà đau đớn lắm khi biết tin hai người em trai nhà văn Nguyễn Công Hoan là Nguyễn Công Bồng (Nha Công an Trung ương) và Nguyễn Công Mỹ hy sinh trong công tác. Rồi người con trai của ông bà là Nguyễn Tài Khoái cũng hy sinh ở Nam Định.
Ngày 19/12/1949, bà chịu 3 cái tang đau đớn cùng một lúc: Bom của giặc Pháp đã bỏ xuống Đào Xá, Hà Nam làm chết người mẹ của nhà văn Nguyễn Công Hoan, vợ và con liệt sĩ Nguyễn Công Mỹ...
Nhưng sức vóc của một phụ nữ như bà chịu đựng thật vô bờ. Có lần, suốt 3 năm không thấy con trai Nguyễn Tài từ chiến trường gửi thư về, bà linh cảm con có điều gì không lành và năm 1973 bí mật vào trụ sở Bộ Công an xin gặp Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn.
Gặp Bộ trưởng, bà nói quả quyết: "Thưa bác, bác đã hiểu rõ hoàn cảnh gia đình nhà tôi qua bao hoạn nạn rồi. Chúng tôi đủ can đảm để đón nhận điều xấu nhất. Vì sao ba năm nay Tài không gửi thư về? Có chuyện không hay xảy ra với Tài phải không? Chúng tôi muốn biết sự thật vì đủ sức chịu đựng và có trách nhiệm giữ bí mật cho cách mạng". Nói những lời quả quyết, kiên gan, có lẽ người mẹ ấy muốn nén giữ một tiếng khóc, một nỗi đau đang chực bật ra khỏi lòng.
Nghe vậy Bộ trưởng im lặng trong giây lát, giọng nhỏ lại: "Bác đã nói thế thì chúng tôi cũng xin nói thật. Trong một chuyến đi công tác, Tài bị địch bắt giam nhưng Bộ vẫn nắm được tin tức, hiện Tài vẫn khỏe mạnh, hai bác cứ yên tâm". Bà Yến chào Bộ trưởng ra về. "Bí mật" ấy chỉ có bà, nhà văn Nguyễn Công Hoan và cô con dâu biết. Bạn bè, con cháu, họ hàng, ai hỏi tin tức gì về Nguyễn Tài, bà đều bảo: "Tài đi học ở Liên Xô".
Đằng đẵng 11 năm xa con, vợ xa chồng, đến tháng 6/1975, người con Nguyễn Tài đã trở về sum họp với gia đình tại 66 Thợ Nhuộm. Suốt đời bà lặng lẽ hy sinh như thế, không yêu cầu chồng con một điều gì. Chỉ duy một lần bà "xin" tiền của ông. Năm 1996, bà nhận được số tiền Giải thưởng Hồ Chí Minh của nhà văn Nguyễn Công Hoan, bà đã lấy 1 triệu đồng gửi biếu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam có 9 con đẻ, một con rể, một cháu nội hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Mãi sau này, có người lần ra địa chỉ, đến hỏi mới biết là của bà Vũ Thị Yến, vợ nhà văn Nguyễn Công Hoan gửi.
Cũng tại buổi lễ nói trên, thay mặt các thế hệ làm Báo CAND, nhà văn Hữu Ước một lần nữa xúc động nói: Những nhà báo CAND chúng tôi rất tự hào được làm việc ở ngôi nhà 66 Thợ Nhuộm, nơi nhà văn Nguyễn Công Hoan từng sống và sáng tác văn học 12 năm cuối đời. Nhà văn Nguyễn Công Hoan luôn là tấm gương trong cuộc sống, lao động và sáng tạo của những người cầm bút CAND".
Thu Phương