A - THẾ GIỚI VÀO THẾ KỶ 19
Tác giả: Nguyễn Duy Chính
1/ Cuộc cách mạng kỹ nghệ
Thế kỷ 19 đưa các nước châu Âu từ tình trạng lạc hậu về nhiều mặt thành chủ nhân ông của thế giới. Những tiến bộ kỹ thuật, kỹ nghệ và cơ cấu xã hội mới đã thay đổi hẳn nhiều quốc gia đưa đến việc gia tăng tranh giành ảnh hưởng và thuộc địa đưa đến những bước nhảy vọt về quân sự. Cuộc cách mạng khởi đầu từ cuối thế kỷ 18 khi người châu Âu biết áp dụng máy chạy hơi nước vào ngành hàng hải cùng áp dụng một số khoa học mới để sử dụng các loại súng đại bác trên thương thuyền và chiến hạm. Trước đây nhiều quốc gia đã có những hạm đội lớn nhưng chỉ dùng các loại máy ném đá (projectile-throwing machines) cồng kềnh, kém chính xác và thiếu linh động. Những cải cách về tàu bè và xe hỏa đã tạo nên những chuyển động mới trong sản xuất và nhu cầu tiêu thụ. Năm 1765, James Watt chế tạo được máy chạy bằng hơi nước và đến năm 1791 thì tìm ra cách có thể biến sức hơi nước thành sức quay tròn[4]. Ở Pháp, trường Bách Khoa (Ecole Polytechnique) được thành lập tại Paris năm 1794. Một loạt các phát minh tiếp theo như máy điện tín (telegraph), điện[5], động cơ điện, máy ảnh … vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 tạo nên những thay đổi lớn trong sinh hoạt, thúc đẩy những quốc gia châu Âu đi tìm thị trường và nguyên liệu.
Đầu thế kỷ 19, chiếc tàu Savannah chạy bằng hơi nước đã có thể vượt Đại Tây Dương đến châu Mỹ trong 29 ngày rưỡi [6]. Chỉ vài chục năm sau, bộ mặt của nhiều đô thị Âu Mỹ đã thay đổi hẳn. Người ta đã biết sử dụng điện và nhiều lãnh vực kỹ nghệ mới được thành hình. Đường sắt chạy từ Stockton đến Darlington được xây dựng năm 1826 và nhanh chóng đi vào phục vụ hành khách năm 1830 sau khi Robert Stevens vẽ kiều đường rầy hình chữ T (T-Rail). Đến năm 1860, người Pháp tên là Lenoir chế tạo được máy nổ (internal-combustion engine).
Những tiến bộ đó đã gia tăng năng suất chuyên chở lên hàng chục lần đồng thời giảm được phí tổn khiến cho các quốc gia châu Âu, châu Mỹ bỏ nhiều tài khoản lớn xây dựng thiết lộ và đóng tàu. Năng suất kỹ nghệ và nông nghiệp vì thế cũng tăng vọt. Nhiều hãng xưởng sản xuất với qui mô lớn khởi đầu cho chế độ tư bản.
Những khám phá mới trong khoa học đã đóng góp cho sự phát triển của nhân loại trên nhiều mặt, kể cả kỹ thuật quân sự. Không một kỹ thuật nào có thể tách rời thành một phát minh vĩ đại nếu không có những tiến bộ tương tự ở mặt khác. Nhu cầu giao thông khiến cho đường sá, cầu cồng được mở mang đồng thời cải thiện hệ thống truyền tin khiến cho thế giới càng ngày càng thu hẹp lại. Kỹ thuật được trao đổi, vay mượn, chế biến cho thích nghi với từng khu vực và càng ngày càng đa dạng.
2/ Cải cách quân sự của châu Âu
Ngay từ thế kỷ 15, nhiều quốc gia đã tìm cách đóng những chiến thuyền có trang bị đại bác để dùng vào chiến đấu trên biển cả. Tiến bộ cơ khí trên cả việc chế tạo súng thần công lẫn kỹ thuật đóng tàu cộng thêm kiến thức mới về hàng hải đã đưa những đoàn thủy thủ có óc mạo hiểm đến những vùng xa xôi. Ưu điểm về hỏa khí (firearms) đã khiến họ chinh phục được nhiều vùng đất cách chính quốc hàng nghìn dặm.
Việc cải tiến súng ống cũng tạo ra những chiến thuật, chiến lược mới. Trước hết là sự thay đổi về bố phòng. Ở những thế kỷ trước, phương pháp chính yếu là xây đồn đắp lũy, lấy hào sâu tường cao để cố thủ, là kết quả của một nền văn minh nông nghiệp chú trọng vào bảo vệ đất đai và thực phẩm thu hoạch. Phương pháp cố thủ đó hữu hiệu trong đoản kỳ nhưng thất bại ở thế kỷ 12, 13 khi người Mông Cổ dùng con ngựa là phương tiện di động chính với vũ khí là cây cung gọn nhẹ và mạnh, lấy tàn sát phá hủy làm mối đe dọa chính.[7] Tới thế kỷ 15 khi thuốc nổ đã được sử dụng nhiều, súng thần công được coi là vũ khí chính trên chiến trường và có thể tấn công từ xa thì hình thể và cách bố trí thành lũy cũng thay đổi. Từ lối xây tường dày trơn nhẵn của thời Trung Cổ thành trì được chuyển sang việc xây dựng những pháo đài để đặt súng bắn ra theo nhiều hướng (thời gian đó súng thần công rất nặng nề, khó chuyển hướng và thường đặt theo một lối nhất định). Sebastien Le Preste de Vauban (1633-1707), kỹ sư công phá chính của vua Louis XIV đã hoàn chỉnh kỹ thuật và vẽ kiểu thành, thường được gọi là kiểu Vauban.[8] Kiểu thành này có khả năng phòng ngự chặt chẽ và khó mà tấn công nếu đối phương không vượt trội về nhân lực và hỏa lực.[9]
Song song với những tiến bộ về kỹ thuật và vận chuyển, tiếp liệu, càng về sau tổ chức quân đội càng trở nên qui mô hơn và số lượng quân sĩ trong một chiến dịch cũng tăng dần. Ba trọng điểm: cách bố phòng, hỏa khí và qui mô của binh đoàn đã đem đến những thay đổi lớn trong chiến lược và chiến thuật.
Quân đội không chỉ là những người lính cầm súng mà là những đoàn quân được chuyên môn hóa, đòi hỏi sự hiểu biết về kỹ thuật các loại võ khí, máy móc, theo tiêu chuẩn huấn luyện cho từng cấp bậc. Việc sử dụng đại pháo đòi hỏi sĩ quan và xạ thủ phải am tường những cơ bản về đạn đạo, biết tính toán độ nhắm và tầm xa để đạt được hiệu quả chính xác. Thành thử các đoàn quân và thuyền bè bắt buộc phải cần đến những chuyên viên hay kỹ sư có căn bản về toán pháp (mathematics-based engineer). Ngoài ra quân đội lại còn phải có sĩ quan cơ khí đi theo để sửa chữa mỗi khi bị trục trặc.[10]
Về mặt hàng hải, từ cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 19 các sử gia gọi là thời đại giương buồm (The Great Age of Sail), giai đoạn mà nhiều quốc gia tranh nhau làm chủ biển cả đưa những đoàn tàu đi chinh phục các xứ xa lạ làm thuộc địa. Vì nước nào cũng muốn làm bá chủ và lấn lướt nước kia, các quốc gia Tâu Âu phải tăng cường sức mạnh hải quân để bảo vệ lấy mình.
Dưới thời Louis XIV nước Pháp đã tiến lên tranh giành ảnh hưởng với nước Anh. Trong khoảng từ 1661 đến 1683, nước Pháp theo đuổi một chính sách trọng thương toàn bộ (full-scale mercantilist policy), khuyến khích mọi loại buôn bán nếu đem lợi về cho chính quốc. Pháp nhanh chóng biến thành một quốc gia hàng đầu về hải quân khiến họ có những đoàn thương thuyền đồng thời cũng là những đoàn quân đi xâm lăng nước khác.
Nước Anh cũng lập tức đề phòng ông bạn láng giềng bằng một chính sách tương tự chú trọng đến chiếm đóng lãnh thổ, dùng chiến tranh nuôi chiến tranh, lấy ngay tài nguyên của các vùng vừa chinh phục làm bàn đạp cho những chiến dịch tiếp theo. Sự giàu có của chính quốc, sức mạnh của hải quân, tài nguyên chiến lược của thuộc địa và trọng điểm quân sự là bốn yếu tố chính trong việc đề ra một chính sách phát triển của Anh quốc vào giai đoạn này. Nhờ chính sách buôn bán và khai thác thuộc địa, nước Anh ngày càng giàu, hải quân Anh càng lúc càng mạnh và đế quốc Anh mỗi ngày một thêm mở rộng.
Đến cuối thế kỷ 18, người Anh đề ra chiến thuật thủy bộ tác chiến (amphibious operations) và chú trọng về tấn công gần trong khi người Pháp thì lại dùng kỹ thuật bắn đại bác từ xa trước khi đổ bộ theo kiểu mà sau này người ta gọi là tiền pháo hậu xung. Sự tranh chấp và chiến tranh giữa các cường quốc châu Âu đã đem đến nhiều cải tiến, từ việc tiêu chuẩn hóa các tín hiệu truyền tin (signal) đến hoàn chỉnh các loại súng ống. Chiến thuyền của người Anh được chế tạo nhiều tầng, bọc đồng bên ngoài, súng đại bác cũng không còn cố định mà có thể xoay một góc 900 (mỗi bên trái phải 450) và họ có thể bắn tới ba viên trong một phút. Họ cũng chế tạo được đại bác ngắn nòng (carronade hay short-barreled gun) rất tiện cho di chuyển và cận chiến, hữu dụng cho việc yểm trợ bộ binh.