B- VAI TRÒ CỦA HẢI QUÂN TRONG VIỆC BẢO VỆ ĐẤT NƯỚC
Tác giả: Nguyễn Duy Chính
1/ Nạn hải khấu
Từ thế kỷ 16, dưới triều Minh, nước Tàu bị nạn cướp biển quấy phá. Những hải tặc đó thường là người Nhật nên được đặt tên là oải khấu (wokou, giặc lùn). Hải tặc không phải chỉ hoạt động dọc theo bờ biển Trung Hoa mà kéo dài từ Triều Tiên xuống đến tận Mã Lai. Thành thử, cả một vùng duyên hải rộng lớn coi như không thuộc quyền kiểm soát của quan quân. Các toán giặc đó cũng hoành hành dọc theo duyên hải nước ta và được gọi là giặc tàu ô vì thuyền của chúng sơn đen. Gernet Jacques đã nhận định như sau:
Vào thế kỷ 16, hải tặc bành trướng đến một mức độ chưa từng có và nguyên nhân có thể tìm ra được là nó có liên quan trực tiếp đến việc phát triển thương mại trên mặt biển ở Đông Á, từ Nhật Bản kéo đến Indonesia. Các vua nhà Minh đối phó bằng chính sách ngăn cấm nhưng thiếu liên tục và chặt chẽ chỉ vì quan điểm chiến lược và kinh tế mỗi lúc một khác.[37]
Từ thời vua Thế Tông nhà Minh, cướp bể càng hoành hành, lấy các đảo ngoài khơi làm căn cứ, đói thì vào cướp bóc, bảy tỉnh duyên hải không nơi nào yên.[38] Đến khi Hồ Tôn Hiến, Tổng Đốc Chiết Giang ra lệnh cấm dân chúng liên lạc, tiếp ứng cho họ, nạn giặc bể mới suy dần.[39] Thời đó, người Trung Hoa không những không muốn giao thiệp với bên ngoài mà họ còn cấm không cho học ngoại ngữ cũng như dạy tiếng Tàu cho người nước ngoài. Trong khi người châu Âu phát triển hàng hải và tìm đường chinh phục thuộc địa thì Trung Hoa lại tài giảm hải quân vì từ khi đào xong Vận Hà (Grand Canal) năm 1411 họ không còn cần đến việc chuyên chở hàng hóa bằng đường biển.
Sang đời Thanh, nước Tàu vẫn tiếp tục chính sách bỏ trống duyên hải nhằm mục tiêu cô lập bọn giặc biển. Thời kỳ đó, Việt Nam ta đang thời kỳ Nam Bắc phân tranh, có những lực lượng hải quân tương đối mạnh nên hải khấu không dám cướp phá nhiều mà lại tập trung vào miền Nam Trung Hoa rồi lan dần lên tận miền Bắc. Chúng chuyển hướng xuống lập căn cứ ở Đài Loan, Philippines và những đảo ngoài khơi Thái Bình Dương. Nước ta thời đó cũng có nhiều tướng tài như Hoàng Ngũ Phúc, Hoàng Đình Bảo, Nguyễn Hữu Chỉnh … khiến bọn giặc bể phải kiêng dè.
Đời Tây Sơn, thủy quân nước ta rất mạnh nên hải khấu không dám quấy nhiễu. Hơn thế nữa, khi chúng bị quân Thanh đánh đuổi còn sang thần phục nước ta, được vua Quan Trung phong quan chức và cấp dưỡng để quay trở lại quấy phá miền Nam nước Tàu.[40]
Vào thời trung cổ, những loại thuyền bè của hải khấu đều nhẹ và nhanh, sử dụng cả chèo chống lẫn buồm. Bọn chúng lại liều lĩnh và tàn ác, chính vì thế quan quân triều đình không sao tiễu trừ được.
2/ Tuần Dương Quân
Không phải đến thế kỷ 19 người Việt Nam mới nhìn thấy sự quan trọng của mặt biển. Ngay từ thời Tây Sơn, cuối thế kỷ 18 Nguyễn Huệ đã chủ trương phát triển một lực lượng hải quân và hải quân thời Tây Sơn đã đạt được nhiều chiến công hiển hách, tiêu diệt nhiều chiến thuyền của châu Âu.
Quan điểm của Bùi Viện cũng tương tự và sự nghiệp của ông được nhắc đến nhiều là thay vì chỉ dâng sớ yêu cầu triều đình cải cách, chính tiên sinh đã đứng ra chịu trách nhiệm để cải tổ hải quân, đồng thời thành lập một hạm đội có khả năng lưu động tác chiến để chứng minh những gì ông đề nghị.
a/ Vai trò của Tuần Dương Quân
Một trong những vai trò chính yếu của Tuần Dương Quân là để bảo vệ mặt biển. Nước ta có đến hơn 2000 cây số mặt biển nên việc giữ yên hải phận là một công tác quan trọng không phải chỉ trong việc quốc phòng mà cả về giao thông và thương mại.
Dưới triều Nguyễn kinh đô nước ta đặt tại Huế để cân bằng hai đầu Gia Định – Thăng Long. Tuy nhiên về mặt kinh tế, Huế nhỏ hẹp và cằn cỗi không thuận tiện cho việc đi lại, chính vì thế Hà Nội và Saigon vẫn có nhiều ưu điểm hơn về mặt ngoại thương.
Khi đề ra dự án xây dựng một đội ngũ hải quân, Bùi Viện đã nhấn mạnh đến vai trò thu lợi của nó, cái mà ngày nay trong quản trị người ta gọi là ROI (return-on-investment), nghĩa là cái được so sánh với cái mất. Ông đã sớm hiểu được tình hình túng quẫn của triều đình sau những chiến phí và bồi thường cho những nước thắng trận theo hòa ước năm Nhâm Tuất (1862) và Giáp Tuất (1874), lại chinh chiến giặc giã liên miên nên kho đụn đều trống rỗng.
Việc xây dựng một hạm đội, dù là tuần tiễu hay phòng ngự đều đòi hỏi một kinh phí rất cao, triều đình Huế vì thế rất tiện tặn trong những chi phí binh bị. Do đó, Bùi Viện gần như phải tự xoay sở lấy để thực hiện nguyện vọng của mình. Tuần Dương Quân vì thế được xây dựng theo những tiêu chuẩn sau đây:
- Tự túc tự cường: Tuần Dương Quân đóng vai trò bảo vệ các thuyền buôn đi từ Bắc vào Nam. Vì địa thế nước ta dài và hẹp, đường sá chưa được mở mang nên đi từ Bắc vào Nam chủ yếu vẫn là đường bể. Tuy nhiên giặc cướp rất nhiều mà triều đình thì bất lực khiến cho dân chúng không thể qua lại và vì thế kinh tế không thể nào phát triển được.
Biết rằng nếu trông chờ vào triều đình cung cấp phương tiện thì sẽ không bao giờ thành, Bùi Viện đã mở rộng tầm hoạt động quốc phòng, biến Tuần Dương Quân từ một lực lượng bảo vệ duyên hải thành một lực lượng hải quân đóng vai bảo tiêu và tuần hành bằng cách:
* Sử dụng ngay đội Tuần Dương Quân mà triều đình thành lập để đi tiễu trừ giặc bể
* Cải tiến Tuần Dương Quân thành một đội vận tải lương tiền cho triều đình
* Dùng Tuần Dương Quân để hộ vệ các nhà buôn thu lợi dùng vào việc trang bị[41]
Với chương trình đó, đội Tuần Dương Quân đã có thể sử dụng ba nguồn tài nguyên: chi phí của hải quân, tiền đóng góp “mãi lộ” của nhà buôn và tiền công vận tải lương tiền cho triều đình. Một tính toán sơ khởi chúng ta đã thấy Bùi Viện không những có đầu óc tổ chức mà lại biết kinh doanh, tối ưu hóa (optimization) hoạt động của mình đồng thời tối đa hóa (maximization) các nguồn lợi tức.
Chương trình thực hiện tuần dương đội do đó có một kinh phí tương đối dồi dào theo chiều hướng lũy tiến, càng hiệu quả thì các nhà buôn càng tin tưởng, càng tin tưởng thì số đóng góp càng nhiều và do đó việc canh tân càng nhanh chóng. Ngoài ra triều đình Huế cũng không còn phải lo nhiều mặt mà mặt nào cũng nửa vời, có thể tập trung khuyến khích việc thương mại và bang giao với nước ngoài, đồng thời giảm thiểu được công tác bố phòng dọc theo duyên hải, biến những pháo đài quân sự thành những cửa biển cho tàu cập bến. Xem lại lịch sử nước ta, triều đình rất quan tâm về việc bố phòng nhưng không có tiền để thực hiện những kế hoạch lớn, lại thiếu ý niệm xây dựng vốn đầu tiên ngoài việc gia tăng thuế má là điều mà vua Tự Đức không muốn làm. Cái quan niệm cần kiệm giản phác của nhà nho không thể áp dụng vào việc canh tân.
- Cải tiến hiệu năng:
a/ Cải tiến kỹ thuật để gia tăng sự lưu động (mobility) của hải quân: Ngay từ đầu Bùi công đã nhìn thấy ưu điểm của thuyền bè hải tặc. Như chúng ta đã biết, hải khấu dọc theo bờ bể Trung Hoa và Việt Nam thời đó không phải chỉ là những đám giặc lẻ tẻ mà là những tổ chức khá qui mô. Đám hải khấu đó vốn dĩ là tàn quân của Thiên Địa Hội, Bạch Liên Giáo … là những tổ chức mưu đồ phản Thanh phục Minh nhưng không thành công nay trở thành cướp biển, có căn cứ và mạng lưới liên lạc khắp vùng đông và đông nam châu Á. Ngoài tổ chức chặt chẽ, họ cũng có trình độ và đã mua được nhiều tàu bè, súng ống của châu Âu và không ngại đụng độ với các chiến thuyền ngoại quốc. Trong tờ biểu tâu lên vua Tự Đức, Bùi Viện viết:
… Việc trị an ở ngoài bể, gần đây nước ta tin cậy vào công cuộc hải phòng của một nước ngoài. Nhưng chống chọi với hàng muôn ngàn chiếc thuyền của giặc tầu ô, chúng ta chỉ có vài chiếc tàu thủy, vừa chậm chạp vừa nặng nề. Giữ được chỗ nọ thì hỏng chỗ kia, vài con voi địch với một đàn hổ, thế dù mạnh đến đâu cũng không thể che chở cho xiết được. Và những tàu thủy lòng sâu bảy, tám thước mà thuyền giặc thì lòng chỉ ba, bốn thước là cùng. Nếu gặp tầu thủy đi tuần thì giặc đã có một cách đối phó rất giản dị và có hiệu lực vô cùng là chúng tránh thuyền vào những chỗ bể nông, tầu không sao đến được mà bắn cũng không tới …
Do đó việc đầu tiên Bùi Viện nghĩ tới là phải thành lập được một đội tuần phòng hải dương bằng hoặc hơn quân giặc bể.
b/ Cải tiến tiếp liệu (logistics) để ứng phó kịp thời
Trước kia dọc theo bờ bể nước ta có thiết lập những đội quan phòng, với nhiêm vụ chính yếu là “tiễu giặc ngoài bể”. Thức tế những đội quan phòng này chỉ làm nhiệm vụ báo động theo kiểu mỗi khi dân làng gặp cướp hay thú dữ thì đem nồi đồng mâm thau ra gõ để thông tin đồng thời dọa nạt kẻ địch. Phương pháp đó đã kém hữu hiệu lại thụ động, chỉ khi nào bọn cướp đã bỏ đi lúc đó mới chạy ra tiếp ứng. Bùi Viện nhận xét rất đúng:
… Thực ra từ khi đặt ra đến giờ, những đội quan phòng ở các đồn duyên hà không có ích gì cho nhà nước cả. Vì chức trách của họ là phải phòng ngừa giặc bể, mà giặc bể thì chỉ hoành hành ở ngoài khơi. Dù họ có biết đích là ngoài bể có giặc nữa cũng chỉ đến dương mắt mà nhìn, chứ không có cách gì xoay trở …[42]
Do đó ông quan niệm đánh giặc phải đánh ngay từ ngoài bể, biến những đội Tuần Dương (theo nghĩa đi tuần) thành thủy quân chiến đấu, giảm thiểu trách nhiệm cho các đội quan phòng bằng cách giải ngũ những thành phần yếu đuối, già nua và chỉ giao cho họ nhiệm vụ tổ chức những hải cảng và “hỏi giấy thông hành những người ngoại quốc hoặc bản xứ qua lại các thương cảng”[43]
Ông đề nghị lập một thủy đội hỗn hợp bao gồm dân chài (700/1000) và hải tặc chiêu hồi (300/1000) có địa bàn hoạt động toàn quốc nghĩa là thống nhất chỉ huy, địa phương tiếp ứng, có thể tập turng lực lượng để hành quân những trận lớn đối phó với giặc mà không để bị rơi vào thế thụ động như trước.
Ông cũng đề nghị chia thành hai loại căn cứ tiếp liệu :
§ Các đồn lớn ở hải cảng là căn cứ của đội tuần dương,
§ Các đồn nhỏ ở những nơi hiểm yếu là nơi liên lạc và hỗ trợ.
c/ Cải tiến khả năng binh sĩ để chiến đấu hiệu quả
Một trong những quan điểm sáng suốt mà có lẽ sau những lần ra nước ngoài ông đã học hỏi được của các nước phương Tây là phải tuyển chọn và tổ chức binh sĩ cho tinh nhuệ. Trước đây quan ta vẫn chỉ cốt tuyển lính cho đủ số, bổ đồng cho mỗi làng nên người được chọn thường là dân quê nghèo khổ bị bắt đi chẳng khác gì đi đày, khả năng đã kém cỏi mà tinh thần lại càng suy sụp. Bùi Viện đề nghị chỉ tuyển lính trong các làng dân chài là những người có kinh nghiệm và quen với sóng gió, cộng thêm với chính bọn giặc bể được chiêu dụ về cộng tác với triều đình, trọng về phẩm chứ không trọng về lượng, lại cho họ lương bổng đầy đủ[44]
b/ Tổ chức
Bùi Viện được giao cho chức Tuần Tải Nha Chánh Quản Đốc kiêm Tham Biện Thương Chính[45], ông lập tức cùng với Phó Quản Đốc Đặng Văn Ứng (võ cử xuất thân) tuyển mộ binh lính và chia thành hai loại:
- Thủy Dũng: là binh lính người Việt tuyển mộ từ các dân chài dọc theo duyên hải có những điều kiện “trí dũng, đức hạnh, bơi lội giỏi, thuộc đường bể, biết trước những lúc có thể xẩy ra mưa gió, thông các phép tính” (điều 1 chiêu mộ)
- Thanh Đoàn: là những người Tàu, kể cả giặc bể được chiêu mộ làm lính trong Tuần Dương Quân, do chính người Tàu chỉ huy.
Việc thành lập Tuần Dương Quân được Bùi công soạn thành điều lệ, bao gồm lời nói đầu và 20 điều khoản chia ra như sau:
a/ Thể lệ tổng quát (điều 1, điều 2)
b/ Lương bổng và cấp bậc (điều 3)
c/ Tưởng thưởng cho người chiêu mộ (điều 4)
d/ Phụ cấp, binh phục (điều 5)
e/ Trợ cấp gia đình (điều 6)
f/ Chế tài đối với lính đào ngũ (điều 7)
g/ Kỷ luật binh trại (điều 8)
h/ Kỷ luật khi giao tranh (điều 9)
i/ Kỷ luật đối với dân chúng (điều 10)
j/ Tưởng thưởng khi giao tranh (điều 11)
k/ Trợ cấp tử tuất (điều 12, 13)
l/ Các hình phạt:
- vi phạm khi tại ngũ (điều 14)
- hà lạm của công (điều 15)
- thi hành công tác (điều 16)
m/ Các ngạch thư lại:
- tuyển mộ (điều 17),
- lương hướng (điều 18)
- kỷ luật (điều 19)
n/ Các ngạch tạp vụ khác (điều 20)
c/ Tuyển mộ
Vì chú trọng đến khả năng binh lính, Bùi Viện đã đưa ra những tiêu chuẩn tuyển mộ rõ rệt và tưởng thưởng những ai tìm được người. Người nào mộ được:
- 5 đến 10 thủy binh: thì được phong đội trưởng
- 10 thủy binh: -- tòng cửu phẩm
- 20 thủy binh: -- chánh cửu phẩm
- 30 thủy binh: -- tòng bát phẩm
- 40 thủy binh: -- chánh bát phẩm
- 50 thủy binh: -- tòng thất phẩm
- 60 thủy binh: -- chánh thất phẩm
- 70 thủy binh: -- tòng lục phẩm
- 80 thủy binh: -- chánh lục phẩm
- 90 thủy binh: -- tòng ngũ phẩm
- 100 thủy binh: -- chánh ngũ phẩm
- 200 thủy binh: -- tòng tứ phẩm
- 300 thủy binh: -- chánh tứ phẩm [46]
Ông cũng đưa ra những tiêu chuẩn nhất định để tuyển mộ, mặc dù còn đại cương nhưng đã có những nguyên tắc rõ rệt để chia ra thượng hạng, trung hạng và hạ hạng (điều 2). Điều chính yếu đây là những người tình nguyện chứ không phải bị cưỡng bách và chính vì thế không phải bất cứ ai cũng có thể gia nhập Tuần Dương Quân mà phải hội đủ một số điều kiện nhất định. Ngoài ra những người đó còn phải có lý lịch tốt, được thân thuộc và lý dịch bảo đảm (điều 1).
d/ Kỷ luật
Có thể nói kỷ luật mà Bùi Viện đưa ra là kỷ luật thép áp dụng trong thời chiến. Điều đó cũng không lấy làm lạ vì kỷ luật là sức mạnh của đoàn quân, chưa nói những kẻ ông chiêu mộ đều là thành phần rất táo tợn, vừa phải lấy lợi mà dụ, vừa phải lấy uy mà trừng trị. Ông đưa ra những trách nhiệm liên đới giữa binh sĩ và người chiêu mộ, vừa chịu tội, vừa phải bồi thường công quĩ. Ông lại áp dụng những hình phạt khắt khe chúng ta thường thấy trong sử sách những giai đoạn cần phải củng cố lại uy quyền của người làm tướng, chẳng hạn như “Nếu binh sĩ nào gặp trời mưa mà lấy nón của dân để đội thì lập tức bị chém đầu để thị chúng” (điều 10).
Một điều chúng ta cũng nhận ra là Bùi Viện không trị binh theo lối nhân nghĩa của nhà nho mà theo kiểu giang hồ nghĩa sĩ – nghĩa là ông áp dụng chính những qui luật có sẵn của bọn hải khấu. Hải khấu ở biển đông thường là hội viên của một số bang hội, giáo phái, có những nghĩa khí riêng của tổ chức nhưng đồng thời cũng rất tàn nhẫn với kẻ phản bội hay không hết lòng. Có lẽ Bùi Viện đã nghiên cứu khá sâu rộng về những tổ chức này và nắm vững được những qui luật của họ nên đã đưa ra những biện pháp tưởng thưởng và trừng phạt khác thường.
Kêu gọi tính anh hùng hảo hán, lòng trọng lợi, cùng kỷ luật nghiêm minh đã khiến đám giặc bể có cảm tưởng ông là một thủ lãnh kiệt hiệt gần gũi với họ hơn là một văn quan thư sinh. Hết lòng với anh em, chia vui xẻ buồn, đụng trận xông ra trước, ông đã áp dụng đúng mức đạo làm tướng mà cổ nhân thường đề cao. Cũng nên thêm rằng, trước đây các quốc gia Đông Á chưa có trường huấn luyện tướng soái mà chỉ bổ nhiệm theo nhận xét riêng của vua quan, vốn thường là văn nhân chuyển sang võ nghiệp rồi tự mình tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm.
Trước đây, việc một văn quan bị chỉ định cầm quân thường là một cách trừng phạt chứ không phải là thăng thưởng nên ai nấy đều lo sợ và bối rối. Trái lại Bùi Viện trông chờ một dịp để thi thố tài năng và điều đó cũng là một chí hướng khác thường so với những nhà nho khác.
e/ Lương bổng
Xét về lương bổng, có thể nói Bùi Viện đã đưa ra một qui chế rất hậu hĩ để chiêu dụ nhân tài. Quả thực vậy, đời Minh Mạng, nhà vua cua cũng đã đặt ra tiền “dưỡng liêm” để ngăn ngừa tham quan ô lại. Khi tổ chức Tuần Dương Quân, Bùi Viện đã ấn định không những lương bổng cho người lính mà còn nghĩ đến trợ cấp gia đình và nhất là cả tiền tử tuất rất hậu cho thân nhân người quá cố nếu chết trong khi giao tranh. Điều đó chứng tỏ ông quan tâm đến những nỗi lo của binh sĩ dưới quyền và hiểu rằng muốn họ yên tâm và hết lòng trong công tác, phải cho họ được thoải mái không phải lo đến cơm áo cho vợ con ở nhà.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đặt câu hỏi là những con số mà ông Phan Trần Chúc ghi ra có thực sự chính xác hay không? Đối chiếu lương bổng một vài cấp bậc dưới triều Minh Mạng[47] và của Tuần Dương Quân do Bùi Viện đưa ra[48] ta thấy sự chênh lệch quá xa:
Phẩm hàm
Lương năm
Xuân phục
Gạo
Lương TDQ
Phụ cấp
Tứ phẩm
80 quan
14 quan
60 phương
360 quan
Ngũ phẩm
40 quan
9 quan
43 phương
300 quan
Lục phẩm
30 quan
7 quan
25 phương
264 quan
Thất phẩm
25 quan
5 quan
20 phương
240 quan
Bát phẩm
20 quan
5 quan
18 phương
216 quan
Cửu phẩm
18 quan
4 quan
16 phương
180 quan
Binh sĩ /Thủy binh thượng hạng
12 quan
24 phương
72 quan
24 phương
24 quan
Lương một Tuần Dương Quân hạng tứ phẩm gấp 4 lương của triều đình, ngang với nhất, nhị phẩm là một chuyện khó tin và xem ra công quĩ khó lòng mà đảm đương nổi, dẫu rằng có thêm những nguồn lợi tức khác, dù đã thu tiền “mãi lộ” của các nhà buôn. Đó là chưa kể các phụ cấp gia đình của các viên chức có ngạch trật mà chúng ta không thấy đề cập đến. Nếu đúng như thế, chắc chắn sẽ gặp sự chống đối của đồng liêu hay triều thần.
Ngay cả các viên chức “hành chánh”, nha lại, sai dịch cũng được trợ cấp hậu hĩ tới mức khó tưởng tượng:
… Theo quốc lệ hiện hành chung cho các ngạch: Bát phẩm mỗi viên mỗi tháng được 1 quan 8 tiền, gạo 1 phương 20 bát, cửu phẩm 1 quan 5 tiền, gạo 1 phương 10 bát; vị nhập lưu thư lại (người chưa vào ngạch gì) 1 quan tiền, 1 phương gạo.
Theo lệ mới định riêng về ngạch tuần tải: viên bát phẩm mỗi tháng được cấp thêm tiền 14 quan, cửu phẩm 12 quan, vị nhập lưu thư lại 10 quan …[49]
Lương bổng gấp 8 lần bình thường e rằng không chính xác. Tiếc rằng Phan Trần Chúc không đưa ra những tài liệu ông đã tham khảo để hậu nhân có thể tra cứu nên không biết tài liệu sử dụng có chính xác hay không.
Bùi Viện cũng đưa ra những số mục khá cao về tử tuất, tử trận cả về tiền bạc lẫn truy tặng danh tước. Những tưởng thưởng cho binh sĩ khi cướp hay lấy được thuyền giặc mang về cũng rất đáng kể chứng tỏ ông muốn sử dụng đám giặc khách chiêu hồi được như những người lính đánh thuê. Chúng ta cũng có thể nghĩ là có thể ông đã học được cách thức của người Trung Hoa trước đó không lâu khi họ trả tiền để cho hai sĩ quan ngoại quốc đem quân đánh với giặc Thái Bình Thiên Quốc. Đó là Frederick T. Ward (Mỹ) và sau đó Charles G. Gordon (Anh) chỉ huy đội quân được mệnh danh là Vạn Thắng Quân (Ever-Victorious Army). Cũng rất có thể uy tín vang dậy của đoàn quân này đã ảnh hưởng đến Bùi Viện khi ông qua Quảng Châu đưa đến quyết định của ông muốn sang Mỹ cầu viện và học hỏi về binh bị. Trước đó mấy năm, triều đình Huế cũng áp dụng chính sách này và đã mướn giặc Cờ Đen chống lại quân Pháp giết được Francis Garnier (1873).
3/ Một số chiến công
Thủy quân của Bùi Viện tuy còn non trẻ nhưng đã sớm lập được một số chiến công. Tháng tư năm 1878, quân ta giao chiến với giặc Tầu Ô ở Hà Tĩnh, dùng hỏa công đốt tàu địch khiến chúng phải chạy trốn, tịch thu một chiến thuyền cùng lương thực đạn dược và bắt được 18 tên cướp.
Đến tháng 5 cùng năm, quân ta lại giao tranh với địch ở Thanh Hóa trong khi hải phỉ đang cướp một tàu buôn. Quân ta truy kích địch đến tận đảo Hải Nam (Trung Hoa), tịch thu một chiến thuyền và đạn dược, khí giới.
Nhờ hai chiến công đó, dân chúng cảm thấy tự tin hơn nên các thương cảng trở nên sầm uất, tàu thuyền ra vào buôn bán ngày một nhiều. Một thời gian sau, các chi điếm cũng được mở tại Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam. Trên bộ, Bùi Viện cho xây lại những pháo đài, bố trí súng đại bác để canh phòng mặt biển.