watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Nỗi lòng-Chương 4 - tác giả Nguyễn khắc Mẫn Nguyễn khắc Mẫn

Nguyễn khắc Mẫn

Chương 4

Tác giả: Nguyễn khắc Mẫn

Sang năm mới, học trò phần nhiều mặc quần áo đẹp và sạch hơn năm ngoái; ai cũng vui tươi hớn hở, kể chuyện cho chúng bạn nghe những thú vui trong mấy ngày Tết vừa qua.

Nhung đẹp lộng lẫy trong bộ quần áo mới. Nàng sung sướng khi nhận thấy Thọ mặc chiếc áo len của nàng gửi biếu. Cả chiếc khăn thêu, Thọ cài ở túi áo ngực cũng là chiếc khăn tự tay nàng làm ra.

Lớp học hơi có vẻ lạnh lẽo. Chiếc bảng đen, những bàn ghế trơ trụi, những bản đồ, tranh, ảnh thuộc về cách tri và sử ký, những lọ mực đen sì không thể gợi trong tâm hồn ta những cảm tình đầm ấm dịu dàng, và nhắc ta nhớ tới những chai rượu mùi, những đĩa kẹo mứt, những bông cúc vàng khoe thắm, những nụ đào chúm chím ganh tươi và bao cảnh sán lạn khác tô điểm cho ngày xuân thêm đẹp.

Nhưng lúc này không phải là lúc nhàn rỗi, ngồi mơ màng nhìn khói thuốc lá thơm tỏa lên trần nhà. Lúc này là lúc phải ganh đua, phải lắng tai, phải chú ý, phải suy xét nghĩ ngợi.

Bởi thế nên sau mấy ngày nghỉ tết, một ít học trò trở nên vơ vẩn và chán nản vì nghĩ tới những lời trách mắng nghiêm nghị của thầy, những cái thước kẻ vào đầu, những bài chép phạt và nhất là những giờ tan học, phải ở lại, trong khi các bạn học đã được vui vẻ dong chơi.

Nhưng sau mấy ngày nghỉ ngơi, tâm trí được thư thái, phần nhiều học trò trở lại trường, nhanh nhẹn và hăng hái. Các cậu lại được nghe câu khen ngợi, những lời khuyến khích, mỗi khi làm được một bài hay, học được một bài thuộc; và những khi ấy, các cậu lại được hưởng cái vui man mác, vô hạn của kẻ làm trọn bổn phận.

Đến ngày đi học, Nhung là người vui sướng nhất. Nàng thấy tết dằng dặc buồn tẻ, nàng chỉ mong cho chóng hết. Đến trường gặp Thọ, nàng hớn hở.

Đương giảng bài, Thọ thấy Nhung lấy mùi xoa ra lau mũi, cái mùi xoa giống hệt như những cái nàng gửi cho Thọ. Thọ nhìn; Nhung hơi đỏ mặt. Nếu để ý, Thọ sẽ thấy Nhung mặc cái áo len cùng mùi, và cùng kiểu đan với cái chàng đang mặc.

****

Một buổi tối thứ bẩy. Thọ nằm trên đi văng hút thuốc lá. Tân đang chấm bài luận cho học trò. Đối mặt Tân, Đình ngồi tựa lưng vào ghế, hai tay khoanh trước ngực, mơ màng nhìn lên trần nhà. Bỗng Đình nói vơ vẩn một mình:

- Không biết "vợ tôi" bây giờ làm gì nhỉ? Có lẽ đang chấm bài, soạn bài, hay ngồi nghĩ đến tôi cũng chưa biết chừng...

Thọ và Tân phì cười - Đình cũng cười theo - Những lúc ấy, Đình nghĩ đến cô giáo An dạy trường con gái trên Việt Trì. Hai người đã đính ước với nhau, chỉ còn đợi hết tang là làm lễ cưới: An để tang cha, Đình để tang vợ. Đã một đôi khi An về Vĩnh Yên thăm Đình. Hai người cùng chung một cảnh: cha mẹ đều mất cả. An có cho Đình mượn một quyển tự vị, đêm nào Đình cũng dùng để gối đầu.

Đình bỗng rầu nét mặt, nói nhỏ:

- Chưa chắc tôi với nàng đã lấy được nhau... Trong đời tôi, nhiều sự xảy ra một cách bất ngờ quá, khiến tôi bây giờ không thể tin cái gì là vững được. Hai anh thử nghĩ xem, trong hai năm giời, mẹ chết, anh chết, cha chết, vợ chết, cả gia đình đương sum họp vui vẻ, bỗng tự nhiên tan nát. Bao người thân yêu của tôi chỉ còn lại một đứa em giai đang ho nặng, không biết còn sống nổi được bao nhiêu ngày. Bao sự đau khổ nhất trên đời, tôi đã nếm cả, có lẽ bây giờ không còn sự gì có thể làm cho tôi khóc được nữa.

Rồi Đình lại kể đến những sự vất vả của mình trong khi đi dạy học. Ra làm việc mới được gần bẩy năm đã phải đi những mười hai trường, vì trong hai năm ở nha học chính, chàng phải đi dạy thay các người được phép nghỉ, nơi nửa năm, chỗ một vài tháng. Nào khi ở vùng Nam, bị tổng lý trong làng gây chuyện; nào khi ở Yên Bái, đi chấm thi ở Sơ học Yếu Lược, bị mưa và tối trên đỉnh đèo, đường trơn, đuốc tắt, gió to, mưa nặng hạt, chỉ đợi có chớp sáng mới nhận thấy đường và đi được mấy bước. Cảnh ấy, Đình phải trải, chỉ vì người đưa đường ham chóng đến và tính sai giờ.

Muốn Đình không nhớ tới những sự buồn đã qua, Thọ nói:

- Còn anh Tân, bao giờ thì cho chị ấy đi theo?

Tân hơi chau mày:

- Thôi không nói chuyện ấy...

Đình cười:

- Anh này lạ! Hễ hỏi đến vợ, là đánh trống lảng.

Tân gọi:

- Bếp!

Thằng bếp ở dưới nhà dưới chạy lên. Thấy nó mặc chiếc áo cánh lụa mới, Thọ hỏi:

- Bếp mới may áo đấy à?

- Thưa ông vâng.

- Bao nhiêu tiền?

- Hơn hai đồng ạ.

Thọ nhìn Đình và Tân:

- Đấy là lương của nó có ba đồng một tháng.

Đình nói:

- Anh không biết, chứ trong hòm nó bao giờ cũng có thuốc lá và nước hoa.

Tân bảo bếp tính tiền chợ rồi dặn các thứ phải mua ngày hôm sau.

***

Bên ngoài có tiếng gõ cửa. Bếp chạy ra mở, Thọ ngồi dậy, reo lên:

- á! Ông Mỹ!

Mỹ vừa bước vào vừa nói:

- Bây giờ ba ông ở với nhau vui nhỉ. Tối thứ bẩy mà không đi chơi à?

- Cũng sắp sửa đi, ông ngồi chơi đã.

Trong sáu ông giáo ở Vĩnh Yên, Mỹ là người có tính lạ hơn hết. Ông chỉ biết có ông, biết đi dạy học, không để ý đến sự người khác hơn kém mình về tài trí, thần thế hoặc tiền của. Ông chỉ làm theo ý muốn và không thèm nghĩ đến dư luận. Bởi thế nên người ta đã tặng ông tiếng: Mỹ bát sách.

Mỹ cũng biết thế nên thường nói:

- Nhiều người bảo tôi gàn, tôi cũng biết. Họ bổng lộc nhiều, ăn tiêu rộng, tôi theo kịp họ thế nào được. Họ chẳng là gì mà ép mình dưới ý muốn của kẻ khác. Nhưng chưa biết tôi gàn hay họ bát sách.

Rồi Mỹ cười, đắc ý. Mọi người cười.

Thằng Bếp bưng nước lên. Mỹ nói:

- Gớm! Các anh này sang nhỉ! Cà phê cẩn thận.

Thọ hỏi Mỹ:

- Tôi thấy người ta nói ông đánh trống cô đầu giỏi lắm, phải không?

Mỹ cười:

- Anh lại hỏi kháy tôi rồi. Tôi có biết gì đâu. Hồi tôi còn ở Yên Lạc, một lần đi dự tiệc ở nhà một ông nghị, có đông đủ người tai mặt trong huyện. Họ mời tôi đánh trống: tôi từ chối. Họ ép tôi: tôi đánh liều, cứ tom rồi lại chát. Họ khúc khích cười. Tôi tức quá, quẳng roi chầu xuống nói; các anh cười à! cho ngón chầu các anh có hay mười mươi, nhưng nếu túi các anh rỗng, vị tất cô đầu đã yêu các anh bằng tôi.

Mỹ uống nốt tách cà phê, nói tiếp:

- Đối với họ, không thế, không được. Họ hay khinh người lắm. Các anh nghĩ thế nào?

- Phải lắm!

Tân vừa nói vừa mỉm cười nhìn Đình và Thọ.

Mỹ nói:

- Thằng Hùng với con Bình dạo này láo quá. Chúng nó dắt nhau đi đủ mọi nơi, ai cũng biết. Nếu phải trong bọn nhà giáo chúng mình, họ đã đồn rầm lên, bịa đặt thêm vào, rồi chỉ trích, rồi đăng báo cũng chưa biết chừng...

Tân nói:

- Có thế chúng mình mới phải giữ gìn và mới xứng cái chức "quốc dân giáo dục".

Đình cười:

- To tát thế? Gọi là chức "Gõ đầu trẻ" có đúng không?

Thọ pha trò:

- Đối với ông Thúy, dạy lớp năm, thì gọi là "Gõ đầu trẻ" hay "vú em đực" cũng chẳng sai.

Mỹ cười, rồi rủ Thọ, Đình và Tân đi đánh thăng quan.

Thọ nhìn hai bạn nói:

- Một!

Đình:

- Hai!

Tân:

- Ba!

Mỹ ngạc nhiên hỏi:

- Cái gì vậy?

- Khẩu hiệu riêng của chúng tôi.

Ngoài đường giời tối, gió thổi rì rào trên ngọn cây. Bốn người khoác vai nhau đi, thỉnh thoảng lại bật đèn "bin" lên soi đường.

Hai giờ sau, lúc Thọ, Đình và Tân trở về thấy trước cửa nhà lập loè lửa thuốc lá. Thọ nói:

- Ai lại đứng đợi chúng mình ở cửa rồi...

Lúc đến nơi, thì ra thằng bếp, đầu chải mượt bôi nước hoa, tay cầm điếu thuốc đang hút dở.

***

Tám giờ sáng. Mặt trời xuân dịu dàng tỏa ánh sáng trên những cánh lá xanh tươi. Trên một con đường đất gồ ghề thuộc phủ Vĩnh Tường, hai bên đồng ruộng trơ trụi Thọ, Đình và Tân vừa đi xe đạp thong thả vừa nói chuyện. Được độ nửa tiếng đồng hồ, ba người đến nhà ông Hàn Thịnh, một người vào hạng giầu có ở tỉnh Vĩnh Yên, ông Hàn có con giai học ở lớp Tân, nên mỗi khi ra tỉnh có việc, ông lại vào nhà Thọ chơi và mời ba người hôm nào thong thả về quê mình, nhân tiện đi bắn chim, vì nhà ông có hai khẩu súng.

Được tin bọn Thọ đến, ông Hàn vui mừng ra đón. Nhà ông Hàn làm theo kiểu mới, hai từng, có riêng phòng tiếp khách, phòng ăn, phòng ngủ. Bà Hàn, con giai và con rể ông Hàn cũng ra tiếp chuyện, ai nấy đều hớn hở như gặp được người thân đi xa mới về. Bà Hàn lại ân cần hỏi thăm đến quê quán, cha mẹ và anh em chị em Thọ. Bà tươi cười nhất là khi được biết Thọ chưa có vợ.

Uống nước xong, ông Hàn đưa bọn Thọ đi xem mọi nơi trong nhà ông: nào chỗ chứa thóc, nơi xay lúa giã gạo, nào chỗ nuôi súc vật, sân phơi thóc, nào vườn cảnh, vườn giồng cây có quả, ao thả cá. Đến đâu ông Hàn cũng nói rõ ràng về mọi thứ ông cho xem, như một ông giáo giảng minh bạch về khoa canh nông cho học trò trường Sư phạm nghe, khi đi thăm một đồn điền nào.

Sau cùng, ông Hàn đưa bọn Thọ vào một gian buồng nhỏ, trong có kê một cái giường; trên giường có khay đèn thuốc phiện. Ông Hàn mỉm cười nói: nơi hút thuốc của con rể của tôi đấy; đối với các con, tôi cho họ được tự do, để họ khỏi phải thèm muốn ao ước.

Rồi ông Hàn bảo con rể và con giai lấy súng đưa bọn Thọ đi bắn. Thọ rất thích đi trên những con đường nhỏ, bên cạnh những lũy tre xanh, những bụi rậm, chân bước nhẹ nhàng, tai lắng nghe, mắt chăm chú nhìn. Một tiếng súng nổ gần đấy, tiếng chim vỗ cánh bay. Thọ ngoảnh nhìn, thấy Tân hớn hở, vừa cười vừa cầm con chim gáy dơ lên. Thọ khen:

- Khá đấy!

Ông Hàn cho người ra mời bọn Thọ về ăn cơm. Khi gần về đến nơi, Tân sẽ đưa mắt nhìn Thọ: một thiếu nữ tha thướt từ nhà ông Hàn đi ra.

Bỗng Thọ nghe thấy trong nhà có tiếng gọi:

- Chị ơi! Về mẹ bảo đã.

Thiếu nữ lại vội vàng quay vào.

Trong khi ăn cơm, thấy ông Hàn bà Hàn săn sóc đến mình quá, Thọ ngượng, rồi bực mình. Chàng nghĩ: "Họ làm như mình còn trẻ con ấy!.."

Trong làng có một người vào chơi nhà ông Hàn. Người ấy chào mọi người rồi nói:

- Chúng tôi được tin các ông giáo về chơi, nên đến để hầu các ngài.

Thọ nói:

- Chúng tôi không dám. Mời ông ngồi xơi nước. Chắc ông có cháu học ở trường tỉnh.

- Bẩm vâng. Cháu học ở lớp nhì. Bẩm các ngài, cháu học có khá không ạ?

Tân hỏi:

- Tên cháu là gì?

- Tên cháu là Cát Văn Long.

Tân nhìn Thọ rồi lại hỏi:

- Ông cho cháu trọ ở tỉnh?

- Bẩm vâng.

- Thế đã lâu cháu chưa về nhà?

- Bẩm cháu mới về hôm thứ năm vừa rồi, nó được thầy giáo yêu lắm, xin tôi tiền để mua sách, rồi lại đi ngay.

Thọ thở dài, thương hại thay cho người nhà quê đã bị đứa con hư lừa dối, vì Long, lười biếng và vô phép với thầy giáo, đã bị đuổi được nửa tháng rồi. Nhưng bởi không muốn cho người kia phải đau khổ vì cái tin đột ngột ấy, nên Thọ không nói cho biết ngay lúc bấy giờ. Chàng phải tìm cách để những việc như thế sẽ không thể xẩy ra được nữa.

***

Buổi chiều hôm ấy, khi ở nhà ông Hàn Thịnh về. Thọ, Đình và Tân cùng nhau đi chơi trên đường Tam Đảo. Khỏi đầm Láp, đến dốc Định Trung, ba người rẽ sang đường Hà Nội. Bên trái là làng Định Trung với lũy tre xanh rì rào theo gió, bên phải là nghĩa địa, một thiếu phụ bận tang phục đứng sụt sùi bên cạnh một ngôi mộ mới.

Một chiếc ô tô từ phía Hà Nội đi lại, bọn Thọ đứng tránh sang bên đường, rồi ngả mũ chào, vì người ngồi trong xe là ông thanh tra ở Phúc Yên lên.

Tân nói:

- Ông thanh tra có lẽ cũng phục bọn nhà giáo chúng mình thanh nhã, những khi nhàn rỗi, chỉ đi ngắm cảnh giời đất, chứ không chúi mũi vào quân bài, xô xát nhau trong cuộc đen đỏ.

- Cũng có lẽ, nhưng Lại và Thúy thì sao?

Đình vừa nói vừa nhìn hai cậu học trò ở dưới ruộng đi lên. Hai cậu vào khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, khi qua mặt bọn Thọ, nhìn đi nơi khác, không ngả mũ và cũng không chào hỏi.

Tân hỏi Đình:

- Anh có nhớ ai đấy không?

- Thằng Tài và thằng Ninh học tôi năm ngoái đấy, anh cũng nhớ à?

- Sao năm nay chúng nó không đi học?

- Không biết. Đầu năm không thấy chúng nó đến. Đấy anh coi, suốt một năm giời mình rát cổ bỏng họng với chúng nó... Không trách họ bảo nghề dạy học là nghề bạc có khác!

Tân nói:

- Họ không chào còn khá đấy. Có người kể chuyện một ông giáo ngồi trên xe hỏa, đang nói chuyện với một người bạn, một ông bận âu phục sang trọng đến vỗ vai nói: "Hình như trước moa có học toa ở Đáp Cầu thì phải". Ông giáo ấy mỉm cười, lễ phép nói: "Thưa ông, hình như thế!..."

Thọ nói:

- Câu chuyện ấy chưa chắc đã có nhưng phần nhiều học trò bây giờ đối với thầy không được lễ phép như xưa. Bởi thế nên làm nghề dạy học phải kiên tâm, và nhẫn nại. Một ông giáo có thể ví với một người giồng cây bên vệ đường không hòng ăn quả và hưởng cái bóng mát của cây ấy cũng không tưởng đến những người ngồi dưới bóng mát hay ăn quả của cây mình giồng có nghĩ đến mình không, nhưng cũng cứ giồng. Một ông giáo cũng vậy. Dạy học trò ông giáo không hề nghĩ đến sau này họ xử với mình ra sao, nhưng vẫn chăm chỉ dạy. Nhưng ông giáo còn hơn người giồng cây ở chỗ biết vui sướng mỗi khi nghĩ đến những trẻ mình rèn luyện bây giờ, sau này có thể trở nên có ích cho xã hội được, tiếng tăm lừng lẫy cũng chưa biết chừng. Những khi gặp sự gì trái ý trong công việc, tôi thường mượn hai câu thơ của Trần Khánh Dư ngày xưa, đổi đi mấy chữ, để tự an ủi:



Toan từ giáo học thay nghề khác,

Lại sợ trời kia lắm kẻ đần...

Nói chuyện nên vui chân, ba người đã đi được một quãng xa, đến một con đường đất sỏi, chạy dài về bên trái. Ba người rẽ vào con đường ấy. Đường hẹp dần, cỏ xanh phủ kín, chỉ chừa một lối đi nhỏ, thẳng băng và nhẵn thín. Đồng ruộng cũng ít dần, chung quanh đồi núi liên tiếp nhau, cỏ mọc rậm, cây cối lưa thưa.

Thọ rủ hai bạn bỏ con đường chính, theo lối vết chân lượn bên sườn đồi, ngòng ngoèo theo những bụi cây rậm nhiều gai. Gần đấy, trong khoảng rừng thưa, vẳng ra những tiếng búa của người đẵn củi. Vài con trâu bò, không có ai coi, vừa đi vừa gặm cỏ dưới chân đồi. Qua một dãy ruộng, đến một khoảng đồng nhỏ hẹp, những thửa ruộng thoai thoải chạy dài từng bậc từ chân đồi xuống. Rồi lại đồi nọ tiếp đồi kia... Có chỗ cỏ mọc lấp hẳn vết chân người, như không ai đi tới đó.

Trên một ngọn đồi thấp, giữa những cây cao, cành lá um tùm. Thọ thấy một ngôi chùa nhỏ. Chàng rủ hai bạn lên đấy xem. Đường lên không có bậc, cỏ non đã mọc phủ gần kín. Trên những cành cây, không một tiếng chim. Bốn bề im lặng. Thỉnh thoảng, một vài nhát búa đẵn cây từ đằng xa vẳng đến, càng làm tăng vẻ tịch mịch của buổi chiều xuân trong quãng vắng.

Chùa nhỏ, ba gian. Tường gạch và mái ngói chỗ mốc xám đen lại, chỗ rêu phủ xanh tươi; nhiều nơi vôi cát đã lở. Một cảnh chùa không người trông nom sang sửa. Sân chùa nhỏ, bề ngang độ dăm bước, bề dài suốt dọc chùa, cỏ cây mọc chi chít. Cả mặt trước chùa là cửa gỗ đóng kín, riêng một cánh về đầu bên kia hơi hé mở. Thọ ngắm kỹ chung quanh, tưởng tượng như lạc vào một nơi nguy hiểm, chàng thường thấy tả trong nhiều tiểu thuyết Tàu, nhất là trong truyện Thủy Hử.

Tân sẽ nói:

- Các anh ạ! Tôi thấy rợn tóc gáy...

Đình giơ tay ra hiệu bảo im. Mọi người lắng tai nghe. Này lạ! Trong chùa có người rên, tiếng rên khi to khi nhỏ, có lúc ngừng hẳn lại. Thọ bảo Đình và Tân cùng xuống chân núi rồi nói:

- Chắc trong ấy có sự gì lạ. Chúng ta đi lấy mỗi người hai nắm cát, rồi thử vào xem. Nhỡ gặp quân gian, ta ném cát vào mặt, nó cũng chẳng làm gì nổi.

Đình và Tân khen phải. Nhưng vì đấy không có cát, mỗi người lấy hai nắm sỏi vụn, rồi lên đồi, cả quyết vào chùa. Trong chùa tối om, phải một lúc mới nhìn được hơi rõ. Trước bệ thờ ở gian giữa, trên một chỗ lát gạch rộng bằng chiếc chiếu, một người nằm co quắp, ôm lấy bụng, miệng rên rỉ. Bọn Thọ lại gần. Đình hỏi to:

- Ai đấy? Làm sao mà rên lên thế?

Người kia ngẩng mặt lên. Thọ kinh ngạc nói:

- ồ! Anh Ba! Anh làm sao thế? Sao lại đến đây mà nằm rên?

- Kìa ông giáo! Con đang đẵn củi ở đằng kia bỗng đau bụng quá, con không chịu nổi, phải vào đây nằm.

Bọn Thọ nhìn nhau mỉm cười, bỏ sỏi rơi xuống đất rồi cùng xoa tay cho sạch. Lúc ấy, Thọ mới nhận thấy con dao đẵn củi của Ba, ở ngay chỗ mình đứng.

Tân hỏi Thọ:

- Ba nào đấy?

Thọ kể cho bạn nghe câu chuyện mượn Ba đến ở nhà Thanh để Thanh có thì giờ học tập. Chàng rất vui lòng vì thấy Thanh học tấn tới, trong lớp chỉ còn kém có Nhung, mà cũng chẳng kém bao nhiêu nữa.

Đình nắn túi áo nói:

- Mình có lọ dầu Đại Quang mà khuấy quên đi mất.

Rồi chàng lấy lọ dầu đưa cho Ba:

- Anh nhấm một tí nuốt đi, và xoa vào bụng thì bớt đau ngay.

Ba đỡ lấy lọ dầu, làm theo lời Đình. Trong khi ấy Thọ và Tân đứng nhìn khắp mọi nơi. Trong chùa lạnh lẽo, âm thầm bẩn thỉu, tối tăm, chỉ có mấy pho tượng ngồi trơ trên ba bệ gạch, đằng trước là ba bát sành sứt mẻ, thưa thớt mấy cái chân hương cắm xiêu vẹo.

Thọ hỏi Ba:

- Thế nào, anh đã đỡ chưa? Có thể cùng về với chúng tôi được không?

- Con thấy hơi dễ chịu chắc sắp khỏi. Mời ba ông về trước. Con còn phải gánh củi về để tối nay cụ Thanh dùng đến.

Thọ, Tân và Đình lại men theo mấy cái đồi, qua một khoảng rừng thưa, đến một cánh đồng rộng. Ba người đi tắt bờ ruộng, thẳng đến chùa Hà, rồi về đường Tam Đảo. Tân pha trò:

- Quả đất tròn có khác! Đi một đường lại về một đường.

***

Chủ nhật sau, Thọ, Đình và Tân đến chơi nhà Lại. Lại nhìn Thọ, tinh ranh, sói mói:

- Hôm nọ các anh đến chơi nhà Hàn Thịnh phải không?

- Phải.

- Thảo nào!...

- Thảo nào làm sao?

- Còn vờ mãi! Anh đến xem mặt con Chi chứ gì?

Thọ phì cười:

- à ra thế! Nhưng Chi nào? Có khá không?

- Khá lắm! Tân thời đặc!

Tân nói:

- Cái cô chúng mình trông thấy ở cửa nhà Hàn Thịnh ấy mà. Con gái hắn đấy.

Thọ sẽ đưa mắt nhìn Tân, rồi hỏi Lại:

- Ai nói chuyện với ông mà ông biết?

- Hôm qua, bà cụ Kép đến đây chơi, có nói với nhà tôi là Hàn Thịnh nhờ đánh tiếng hộ, vì tự nhiên anh đến chơi nhà hắn, chắc là có ý gì khác...

- Không. Ông ấy mấy lần mời chúng tôi về chơi thì chúng tôi về chơi, chứ ai biết ông ấy có con gái.

Đình vừa gật đầu vừa nói, ra vẻ một người hiểu đời:

- Có lẽ lắm! Một anh chưa vợ, tự nhiên đến chơi nhà một người có con gái đến tuổi lấy chồng thì dù vô tình cũng ra hữu ý.

Bà Lại nói:

- Nhưng nào ai biết ông giáo vô tình hay hữu ý.

Thọ cười:

- Thế thì khó giả lời thật.

Thọ càng ngạc nhiên khi ở nhà Lại ra, đến chơi với Thúy và Mỹ, hai người đều nói với chàng về việc ấy, bà cụ Kép đến chơi, nhờ nói với Thọ là Hàn Thịnh ngỏ ý bằng lòng gả Chi cho chàng.

Thọ không còn ngờ ở sự bông đùa nữa. Chàng hiểu là chuyện có thật, một chuyện đứng đắn, một chuyện có thể làm cho chàng phải bực mình được. Mà ngay bây giờ chàng cũng đã thấy bực mình. Chàng không muốn người ta hỏi chàng một cách soi mói, nói đến chuyện vợ con của mình. Biết đâu không từ miệng nọ sang miệng kia, câu chuyện thêm vào, lan rộng ra, mọi người đều biết. Rồi Thọ nghĩ ngay đến Nhung. Nhưng chàng không dám nhận rõ rằng chính vì nghĩ đến Nhung mà câu chuyện không đâu kia, trở nên khó chịu cho mình.

Tuy vậy, Thọ vẫn thấy bứt rứt băn khoăn với ý nghĩ: "Thế nào chẳng đến tai Nhung..." Chàng nói chuyện, pha trò, cố quên đi, nhưng đó chỉ tỏ ra rằng chàng vẫn nghĩ đến.

Rồi Thọ và hai bạn lên ngay nhà cụ Kép, ở sau Văn Miếu, trên đồi Định Trung. Giữa đường Tân hỏi Thọ:

- Anh bận lòng về việc ấy à? Có lẽ anh sợ họ bắt cóc chắc.

- Không. Việc gì mà phải bận lòng...

Tân nhìn nét mặt Thọ, nghi ngờ. Mà nghi ngờ là phải. Thấy tâm hồn mình không được bình tĩnh, Thọ biết rằng bạn đã rõ ý mình.

Bọn Thọ đến nơi, thấy cụ Kép đương ngồi xem sách thuốc. Cụ ngẩng lên, vội vàng đứng dậy, cung kính chào ba người rồi mời ngồi. Cụ bà ở đâu về; trông thấy Thọ, cụ hớn hở.

Trong khi cụ Kép gọi cháu lấy ấm đun nước và cầm bình tích ra sân tháo bã chè, Đình và Tân đứng nhẩm đọc ba đạo sắc hàn lâm lồng kính trong ba cái khung gỗ sơn son treo ở ba gian nhà giữa. Trên tường, có treo hai bức địa đồ xứ Bắc Kỳ. Đình hỏi:

- Sao bản đồ của trường cụ lại đem về treo ở nhà?

Cụ Kép vừa mở nút lọ lấy chè cho vào tích, vừa nói:

- Bẩm các quan, ngày nghỉ phải đem về treo ở nhà, giờ học mới lại đem ra trường.

Cụ bà đã lại gần Thọ, nói nhỏ, có vẻ kín đáo lắm:

- Có người hỏi thăm đến ông giáo đấy...

- Thưa cụ, ai kia ạ?

- Cô Chi ấy mà. Cô Chi con ông Hàn Thịnh ấy.

- Tôi không để ý đến.

- Ông không để ý đến, nhưng người ta mong ông lắm. Cô ấy ngoan đáo để; người tươi như cái hoa; riêng về phần cô ấy cũng có đến dăm nghìn bạc vốn; cô ấy lại mới may trăm bạc quần áo, sắm bao nhiêu là đồ vàng.

- Sao cụ biết rõ thế?

- Vì cô ấy vẫn đến lấy thuốc của ông cháu.

- Còn tính nết cô ấy thì ra làm sao?

- Cô ấy thạo nữ công lắm, lại đứng đắn, lễ phép...

Cụ Kép không để vợ nói nốt, xen vào:

- Ông bà ấy nhờ chúng tôi nói giúp, thì chúng tôi chỉ biết nói giúp. Còn tính hạnh người ta chúng tôi có ở chung đâu mà biết được, nên không dám cam đoan với ngài; nhỡ sau này xẩy ra điều gì, ai chịu trách nhiệm.

Cụ bà lườm chồng một cái, rồi nói:

- Được cái ông bà ấy bằng lòng, cô ấy bằng lòng, cả nhà bằng lòng; chỉ còn đợi ông ừ một tiếng là xong việc. Ông bà ấy không lấy một tí gì đâu...

Tân cười:

- Còn đợi gì mà không ừ đi. Phải tôi, tôi ký cả hai tay.

Thọ nói:

- Tôi cũng muốn lắm, nhưng ở nhà các cụ tôi đã định có nơi rồi. Vậy phiền cụ làm ơn giả lời người ta hộ.

Tân nói:

- Hoài của... Bỏ phí mất một con cóc vàng.

Cụ Kép bà lặng thinh, chán ngắt.

***

Thọ đến lớp, thấy Loan đương ngồi gục đầu xuống bàn, nức nở khóc. Bên cạnh nàng, Nhung ngồi tỳ tay vào má, ái ngại cho bạn. Nhung đã tìm lời khuyên giải Loan, an ủi Loan, nhưng không ăn thua. Không những Loan không nín nàng càng thổn thức, hình như lời Nhung chỉ gợi thêm nỗi đau lòng của nàng. Nhung đành chịu, lặng ngồi nhìn bạn. Rồi lẩn thẩn Nhung nghĩ đến Thọ, nghĩ đến thân mình sau này, chắc đâu đã tránh khỏi cái cảnh mà Loan đang gặp, cái cảnh bị bố mẹ gả ép cho một người mình không biết hoặc không thể yêu được.

Thọ đến giữa lúc Nhung đang nghĩ lan man như thế; tự nhiên nàng đỏ mặt, cúi đầu, e lệ.

Nhung đứng lên chào Thọ, rồi nói sẽ với Loan:

- Thầy giáo đã đến đấy.

Loan lau nước mắt, đứng dậy, lên bàn giấy, nói với Thọ:

- Con đến xin thầy thôi học.

- Tại sao đang học tấn tới, chị lại xin thôi?

Loan muốn nói, nhưng không nói được, nước mắt tự dưng chẩy ra, nàng cúi đầu sụt sùi khóc. Thọ nhìn Nhung; Nhung nói:

- Thưa thầy, thầy mẹ chị ấy bắt chị ấy phải lấy chồng, chị ấy không bằng lòng.

- Lấy ai?

- Thưa thầy, lấy một người ở tỉnh Phúc Yên, hiện bây giờ đang học tư ở Hà Nội.

Loan đã đỡ thổn thức, lau ráo nước mắt, rồi nói với Thọ:

- Thưa thầy, chiều hôm nay mời thầy đến chơi nhà con, tìm lời can ngăn thầy mẹ con. Nếu thầy mẹ con nghe theo, thì thật may cho con lắm. Con còn đang tuổi đi học, thầy mẹ con chẳng thương con...

- Sao chị lại nói thế. Cha mẹ chẳng thương con thì thương ai. Để chiều tôi thử đến nhà chị xem.

Loan chào Thọ đi ra, dưới mấy chục con mắt sói mói của bọn học trò con giai đứng ở trước cửa lớp.

Tan buổi học chiều hôm ấy, ở trường ra, Thọ đến nhà Loan ngay. Cha mẹ Loan có vẻ lo nghĩ và buồn rầu. Thọ chắc là vì Loan. Thọ nói:

- Tôi trông nét mặt hai cụ dạo này kém vui vẻ?

Mẹ Loan nói:

- ấy cũng chỉ bởi con Loan đấy thôi. Con gái đã lớn, bảo gả chồng cho nó, nó cứ nhất định không bằng lòng...

- Thưa hai cụ, tôi thiết tưởng cháu đã lấy gì làm nhớn. Các cụ nên để cháu học thêm ít nữa, ép uổng làm gì. Những cặp vợ chồng bị cha mẹ gả ép, các cụ có mấy khi ăn ở với nhau được vui vẻ đâu...

Cha Loan nói:

- Ông dạy cháu cũng như đẻ ra cháu, chúng tôi chẳng dám dấu điều gì. Gả chồng cho cháu cũng là một sự bất đắc dĩ của chúng tôi, vì chúng tôi cũng còn muốn cho cháu đi học. Nhưng bởi tôi có một món nợ to ở Phúc Yên, không thể giả được. Người ta có ngỏ lời xin cháu Loan cho con giai cả người ta, và hứa sẽ không nói đến món nợ kia nữa. Nếu chúng tôi không bằng lòng, tất người ta đòi nợ; nợ không giả được chúng tôi sẽ bị kiện và rồi khổ sở cả nhà. Vả lại người ta giầu, con giai người ta đã đỗ bằng sơ học pháp việt, hiện đang học tư ở Hà Nội. Tôi chắc cháu Loan về nhà người ta sẽ được sung sướng.

Lúc ấy Thọ mới hiểu. Chàng ái ngại cho cảnh ngộ của nhà Loan. Không kể gì cha mẹ Loan bị bó buộc, phần nhiều các người khác, nhất là ở chốn thôn quê, hay có tính gả bán con như vậy. Gả con gái được nhiều tiền, là cái vinh dự cho họ, vì có thế, con gái họ mới quý giá. Không những thế, họ còn nghĩ đến công lao họ phải nuôi nấng dạy dỗ con gái từ bé đến nhớn, họ không muốn người khác được tự nhiên hưởng cái công lao ấy. Có nhiều người lúc hỏi vợ hoặc gả chồng cho con, chỉ chú ý đến một vấn đề: tiền.

Thấy Loan đứng gần đấy, Thọ bảo nàng:

- Chị đã nghe lời thầy chị nói, vậy chị nên vâng theo thì hơn. Chị nên nghĩ cho kỹ: nếu chị không ưng, nhỡ bên kia người ta kiện, thì gia tài nhà chị phải khánh kiệt, cha mẹ chịu khổ; không nói đến thương cha mẹ vội, ngay thân chị, liệu có được an nhàn không? Nếu chị thuận, thì cha mẹ chị được vui sướng, và vị tất chị đã phải khổ. Dù chị có gặp phải những lúc đau khổ chăng nữa, những lúc ấy chị nên nghĩ rằng: "Ta có khổ thế này, cảnh gia đình ta mới được êm đẹp..." thì nỗi khổ cũng giảm đi, chị sẽ thấy chị cao thượng, phấn khởi, và hăng hái, can đảm nhận lấy cái khổ; chị sẽ được hưởng cái thú vui độc nhất của những bậc biết hy sinh hạnh phúc của mình cho hạnh phúc của người. Đấy là tôi nói xa ra đó thôi, chứ người ta đã cầu chị, đã đánh đổi một món tiền to lấy chị, chắc người ta sẽ quý chị và chiều chị.

Loan lặng yên nghe Thọ nói rồi thưa:

- Thầy đã dạy, con xin vui lòng vâng theo.

Cha mẹ nàng nghe nàng nói, mừng rỡ khôn xiết, tưởng như được người cho vàng. Thực ra, không được vàng, nhưng cha mẹ nàng cũng lợi được một số tiền lớn.

Riêng Thọ thấy mình băn khoăn, ngậm ngùi thương Loan. Một cảnh tượng vẽ ra trước mặt chàng, cảnh tượng một người đàn bà gặp mẹ chồng cay nghiệt, chồng chơi bời, phải nhẫn nại, chịu âm thầm đau khổ, nhịn nhục, trong khi cha mẹ anh em mình đang vui cảnh đoàn viên.

Nhân chuyện Loan, Thọ khuyên học trò:

- Ta có hai tục rất hại, cưới sớm và ép duyên. Hai tục ấy đã gây nên bao nhiêu gia đình nếu không tan nát, vợ lìa chồng, thì cũng khổ sở điêu đứng, vợ chồng cùng coi nhau như đanh trước mắt; các anh nên để tâm trừ bỏ cái tệ ấy. Nói thế không phải là tôi xui các anh cưỡng lời cha mẹ và theo ý riêng của mình trong sự kén chọn người bạn trăm năm của các anh sau này đâu. Không. Cha mẹ các anh bao giờ cũng từng trải việc đời, hơn các anh, cũng cẩn thận hơn các anh, và bao giờ cũng muốn cho các anh được sung sướng. Còn các anh thì nông nổi, chỉ ham sắc đẹp và vâng theo cái dục vọng một thời; vậy các anh dễ lầm lỡ. Nhưng cha mẹ các anh lại phải cái tính hay ham của, có khi vì đồng tiền mà quên hết mọi sự, sẵn lòng quên đến cả nết hư tật xấu của người con gái mà mình định hỏi cho con giai mình. Bởi thế nên trong việc ấy, các anh cần phải nhờ đến sự từng trải và tính cẩn thận của các cụ để bù vào tính nông nổi của các anh. Nhưng không bao giờ nên lấy tiền làm mục đích. Nhỡ phải khi các cụ nhầm lẫn, các anh phải nói rõ mọi lẽ hầu các cụ. Các cụ nghe ra là các anh có phận nhờ. Nhưng không phải trong bọn các anh đây, ai cũng được cái may mắn là cha mẹ nhận thấy lẽ phải của mình đâu. Có nhiều cụ hay cố chấp theo thói cổ, bắt các anh phải vâng theo lời các cụ, nếu không, các cụ sẽ coi các anh là con bất hiếu và sẽ phải đau khổ vì các anh. Lúc ấy chính là lúc cho anh nào chẳng may gặp cảnh khó ấy tỏ lòng biết ơn cha mẹ và tỏ chí hơn người. Các anh sẽ phải hy sinh, cả hạnh phúc, cả ái tính, để cho các cụ được vui lòng. Hạnh phúc anh sẽ có nếu anh biết gây nên. Nhất là khi các anh biết tìm thú vui trong hạnh phúc của kẻ khác, các anh sẽ hớn hở, nếu cha mẹ các anh sung sướng. Dẫu sao, các anh cũng có thể tự hào được rằng: Các anh đã làm trọn bổn phận đối với cha mẹ. Còn nếu các anh không vâng lời các cụ, các cụ sẽ phải đau khổ; sự đau khổ ấy không bao giờ giảm, nhưng chỉ tăng lên mỗi ki các cụ trông thấy các anh, nghĩ đến các anh mà các cụ cho là không dạy nổi. Nhưng đến lượt các anh có con, các anh không còn ngần ngại gì mà không bỏ cái hủ tục ép duyên đi. Các anh chỉ nên dùng sự từng trải, óc lịch duyệt, trí hiểu biết của mình để giúp các con trong sự kén chọn bạn mà thôi chứ không nên ép uổng. Các anh sống, ở giữa hai chế độ cũ và mới. Các anh phải can đảm nhận lấy những cái dở của chế độ cũ mà cha mẹ các anh bắt các anh phải theo và hăng hái thực hành cái hay của chế độ mới, đối với hết thảy mọi người dưới quyền các anh.

Nghe Thọ nói, Nhung tưởng tượng như nhiều đoạn Thọ chủ ý khuyên riêng nàng, bảo nàng nên thực hành cái thuyết: "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy".

Nàng nghĩ: nếu thầy me ép mình lấy người khác, thì mình đến phát ốm rồi chết, chứ không thể nghe lời thầy giáo khuyên được... ép mình lấy người khác!... Rõ mình khéo lẩn thẩn!... Nào mình đã để ý đến ai đâu...

Nhung thấy buồn, một nỗi buồn phảng phất, vô cớ, nó thường ám ảnh những người hay nghĩ vẩn vơ.
Nỗi lòng
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương kết