Chương 6
Tác giả: Nguyễn Khắc Thuần
I - THẾ THỨ TRIỀU HỒ (1400 - 1407)
1 - Vài nét về đất nước thời Hồ
Ngày 28 tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần. Triều Hồ được dựng lên kể từ đó. Triều Hồ chỉ tồn tại chưa đầy 7 năm, nhưng vấn đề triều Hồ lại là một trong những vấn đề lớn của lịch sử sử học Việt Nam.
Thực ra, ngay từ khi chưa lên ngôi, ảnh hưởng của Hồ Quý Ly đối với chính sự của đất nước đã rất mạnh mẽ. Ảnh hưởng đó càng trở nên to lớn kể từ khi Hồ Quý Ly lên ngôi hoàng đế. Sau đây là vài niên đại cần lưu ý của giai đoạn lịch sử từ cuối thế kỉ thứ XIV đến những năm đầu của thế kỉ thứ XV, khi triều Hồ bị sụp đổ bởi cuộc tấn công xâm lược của quân Minh.
- Tháng 11 năm Đinh Sửu (1397) Hồ Quý Ly (lúc bấy giờ là Tuyên trung vệ quốc đại vương) đã ép vua Trần Thuận Tông (cũng là con rể của Hồ Quý Ly), dời đô vào Đại Lại (Thanh Hoá).
- Ngày 28 tháng 2 năm Canh Thìn (1400) cướp ngôi của nhà Trần từ tay cháu ngoại mới 4 tuổi là Trần An (tức vua Trần Thiếu Đế), tự lập làm vua. đổi quốc hiệu là Đại Ngu.
- Cuối năm 1406. quân Minh mượn cớ phù Trần diệt Hồ đã đem quân sang xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến chống Minh do triều Hồ lãnh đạo chỉ kéo dài được mấy tháng rồi bị thất bại hoàn toàn vào giữa năm 1407. Nước ta bị quân Minh đô hộ kể từ đó.
Về dân số, theo Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kí, quyển 9, tờ 4-a) thì vào giữa năm 1407, quân Minh thống kê được ở nước ta có tất cả 3 129 500 hộ. Con số đó hiển nhiên là chưa chính xác nhưng dẫu sao thì cũng đủ để gợi cho chúng ta một ý niệm khả dĩ để hình dung.
Lãnh thổ của đất nước thời Hồ có được mở rộng hơn về phía nam bởi cuộc tấn công vào Chiêm Thành tháng 7 năm Nhâm Ngọ (1402). Với cuộc tấn công này, nhà Hồ đã chiếm của Chiêm Thành hai châu là Chiêm Động và Cổ Luỹ. Từ hai châu này, nhà Hồ cho đổi thành bốn châu là Thăng, Hoa Tư và Nghĩa. Sau, bốn châu lại ghép thành hai, đó là Thăng Hoa và Tư Nghĩa. Nếu so với bản đồ hiện đại, hai châu này nay tương ứng với toàn bộ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (bây giờ là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng (chú thích của CB) ), cộng với toàn bộ tỉnh Quảng Ngãi. Tổng số hộ mà quân Minh thống kê năm 1407 như đã nói ở trên là bao hàm cả những hộ ở vùng đất mới chiếm.
2 - Thế thứ triều Hồ
a - Hồ Quý Ly (1400)
Tiên tổ của Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật, di cư đến nước ta trong khoảng thời Ngũ đại thập quốc (907 - 960). Hồ Hưng Dật định cư tại thôn Bào Đột, phủ Diễn Châu (nay là Nghệ An) và từ đó về sau, con cháu của ông đời đời làm trại chủ của đất này.
Đến đời thứ 12, một người của họ Hồ là Hồ Liêm đã bỏ Diễn Châu di cư ra đất Đại Lại (Thanh Hoá). Hồ Liêm làm con nuôi của quan Tuyên uý là Lê Huấn, nên đổi gọi là họ Lê. Sử cũ có lúc chép Hồ Quý Ly là Lê Quý Ly cũng bởi sự kiện này. Hồ Quý Ly là cháu bốn đời của Hồ Liêm.
Thuở nhỏ, Hồ Quý Ly theo học võ với một võ sư người họ Nguyễn, hiệu là Sư Tề. Sư Tề có người con trai là Nguyễn Đa Phương cũng rất giỏi võ nghệ. Hồ Quý Ly kết nghĩa anh em với Nguyễn Đa Phương.
Đường danh vọng của Hồ Quy Ly được khởi đầu từ đời Trần Nghệ Tông (1370 – 1372), với chức vụ đầu tiên rất khiêm nhượng là Chi hậu tứ cục chánh chưởng. Từ đây, Hồ Quý Ly liên tục được thăng quan tiến chức. Xin liệt kê những nấc thang quan trọng nhất trên con đường thăng tiến của Hồ Quý Ly như sau:
- Năm 1371: được vua Trần Nghệ Tông phong tước Trung Tuyên Quốc Thượng Hầu, chức Khu mật viện đại sứ.
- Năm 1375: được thượng hoàng Trần Nghệ Tông và vua Trần Duệ Tông thăng chức Tham mưu quân sự.
- Năm 1379: được thượng hoàng Trần Nghệ Tông và vua Trần Phế Đế thăng chức Tiểu tư không, kiêm Khu mật viện đại sứ.
- Năm 1380: được thượng hoàng Trần Nghệ Tông và vua Trần Phế Đế thăng chức Nguyên nhung, quản việc Hải tây đô thống chế.
- Năm 1387: được thượng hoàng Trần Nghệ Tông và vua Trần Phế Đế thăng chức Đồng bình chương sự (thành viên cơ quan tối cao của nhà nước).
- Năm 1395: được vua Trần Thuận Tông thăng tước Tuyên Trung Vệ Quốc Đại Vương.
- Năm 1397: ép vua Trần Thuận Tông phải dời đô từ Thăng Long vào Đại Lại (Thanh Hoá).
- Năm 1398: ép vua Trần Thuận Tông phải nhường ngôi cho thái tử Trần An (lúc này mới 2 tuổi). Trần An lên ngôi, đó là vua Trần Thiếu Đế (1398 - 1400).
- Năm 1399: giết vua Trần Thuận Tông, sau lại giết thêm một lúc 370 người mà Hồ Quý Ly cho là thuộc phe đối nghịch với mình, rồi tự xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng.
- Năm 1400: Cướp ngôi của nhà Trần, tự lập làm vua, đổi tên nước là Đại Ngu, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên.
- Tháng 12 năm 1400: Nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương, để làm thượng hoàng.
- Giữa năm 1407, khi cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược bị thất bại, Hồ Quý Ly bị bắt về Trung Quốc, rồi bị giết, thọ 70 tuổi (1337-1407).
b - Hồ Hán Thương (1400-1407)
- Con thứ của Hồ Quý Ly, em của Hồ Nguyên Trừng, sinh năm nào không rõ.
- Năm 1399: xưng là Nhiếp thái phó.
- Tháng 1 năm Canh Thìn (1400) được lập làm thái tử (dẫu lúc này vua Trần Thiếu Đế vẫn đang ở ngôi và họ Hồ chỉ là ngoại thích).
- Tháng 12 năm 1400, được cha là Hồ Quý Ly nhường ngôi. Hồ Hán Thương làm vua hơn 6 năm (12-1400 đến 6-1407).
- Tháng 6 năm 1407, bị thua trận, rồi bị quân Minh bắt giải về Trung Quốc cùng với cha, anh và nhiều triều thần khác, sau không rõ mất năm nào.
- Trong thời gian ở ngôi, Hồ Hán Thương đã đặt hai niên hiệu sau đây:
• Thiệu Thành: 1401 - 1402
• Khai Đại: 1403 - 1407.
Trở lên là triều Hồ, tồn tại từ năm 1400 đến năm 1407, gồm hai đời vua. Cả hai vua đều chết ở Trung Quốc, không đặt miếu hiệu nên sử chép theo họ tên thật chứ không chép theo miếu hiệu như các vua của những triều đại khác.
II - THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN ĐÔ HỘ CỦA NHÀ MINH
Từ giữa năm 1407, quân Minh ráo riết đẩy mạnh quá trình xây dựng bộ máy đô hộ trên đất nước ta. Quá trình này diễn ra trong điều kiện nhân dân ta liên tục nổi dậy chiến đấu giành độc lập, cho nên vừa chậm chạp, vừa không bám chặt được cơ sở xã hội của nước ta. Đặc điểm chung của chính quyền đô hộ thời thuộc Minh là bên cạnh hệ thống quan chức hành chính với một lực lượng bảo vệ hùng hậu, còn có cả một hệ thống tướng lãnh trực tiếp cầm quân, sẵn sàng ứng phó với mọi tình hình. Quyền hành của tướng cầm đầu lực lượng vũ trang rất lớn, có khi còn lấn át cả quyền của hệ thống quan chức hành chính. So sánh thì khập khiễng và dễ gây ra sự ngộ nhận, nhưng đại để, nhà Minh vừa thiết lập một chính quyền quân quản do tướng lĩnh nấm giữ, vừa cố gắng thiết lập một chính quyền dân sự để giải quyết những công việc của buổi giao thời. Bởi đặc điểm này, việc xây dựng thế thứ chính quyền đô hộ của nhà Minh không đơn giản như thế thứ của các triều đại khác.
Đại để quân Minh đã thiết lập mấy thế hệ chính quyền đô hộ sau đây:
1 - Chính quyền trực trị của tướng lĩnh (Bộ chỉ huy xâm lăng của quân Minh)
- Tổng chỉ huy: Thành quốc công Chu Năng. Nhưng Chu Năng vừa đi đến Long Châu (Trung Quốc) thì bị bệnh mà chết, nhà Minh phải cho Trương Phụ lên nắm quyền thay.
- Phó tổng chỉ huy thứ nhất: Tân Thành hầu Trương Phụ.
- Phó tổng chỉ huy thứ hai: Tây Bình hầu Mộc Thạnh.
- Các tướng tham mưu:
• Tả tham tướng: Phong Thành hầu Lý Bân.
• Hữu tham tướng: Vân Dương bá Trần Húc.
- Chính quyền này tồn tại cho đến tháng 8 năm 1414 mới hết. Tháng đó, Trương Phụ về nước. Trong khi chính quyền trực trị đang tồn tại thì hệ thống chính quyền gồm các quan chức dân sự cũng từng bước được xây dựng.
2 - Thế thứ quan chức hành chính dân sự
- Từ 1407 đến tháng 9 năm 1424:
• Đứng đầu: Hoàng Phúc. Khi mới sang, Hoàng Phúc chỉ mới ở chức án sát. Sau, Hoàng Phúc được thăng dần lên đến chức Công bộ thượng thư. Tháng 9 năm 1424, Hoàng Phúc về nước.
• Phụ tá cho Hoàng Phúc trong việc trông coi lực lượng vũ trang là Đô chỉ huy sứ Lữ Nghị.
- Từ tháng 9 năm 1424 đến tháng 10 năm 1426:
Đứng đầu: Trần Hiệp. Bấy giờ, Trần Hiệp là Binh bộ thượng thư. Tháng 11 năm 1426, Trần Hiệp chết trong trận Tốt Động – Chúc Động, nhưng trước đó không bao lâu, do tình hình quá căng thẳng, vai trò của các quan chức hành chính dân sự đã bị lu mờ.
Phụ tá cho Trần Hiệp là An Bình bá Lý An và Tham tướng Trần Trí cùng nhiều tướng lĩnh khác.
3 - Guồng máy quân sự sau tháng 8 năm 1414
- Tháng 8 năm 1414, Trương Phụ về nước, Phong Thành hầu Lý Bân được cử lên thay. Phụ tá cho Lý Bân là An Bình bá Lý An và Tham tướng Trần Trí.
- Tháng 10 năm 1414, do tình hình căng thẳng, Tân Thành hầu Trương Phụ lại sang. Trương Phụ ở lại cho đến năm 1417 mới về. Lý Bân, Lý An cùng các tướng khác trở thành người cộng sự với Trương Phụ.
- Từ năm 1417 đến đầu năm 1422, Phong Thành hầu Lý Bân lại trở thành người chịu trách nhiệm cao nhất về mọi hoạt động của lực lượng vũ trang nhà Minh ở nước ta. Phụ tá cho Lý Bân là Lý An và Trần Trí.
- Tháng 2 năm Nhâm Dần (1422) Lý Bân mất vì bệnh, An Bình bá Lý An lên thay.
- Từ tháng 10 năm Bính Ngọ (1426), do những thắng lợi dồn dập của Lam Sơn, Lý An buộc phải kêu cứu thảm thiết. Nhà Minh liền cử Thành Sơn hầu Vương Thông sang thay. Vương Thông sau phải chịu bó tay đầu hàng Lam Sơn.
- Tháng 8 năm Đinh Mùi (1427), nhà Minh cử Chinh Lỗ tướng quân, thái tử thái phó, An Viễn hầu là Liễu Thăng đem quân sang, thay Vương Thông và quyết xoay chuyển tình thế. Nhưng, đạo quân cứu viện này đã bị Lam Sơn đánh cho tan tành. Liễu Thăng và nhiều tướng cao cấp khác của giặc đã chết khi mới vào biên giới của nước ta.