Lời đề tựa của giáo sư Trần Văn Giàu
Tác giả: Nguyễn Khắc Thuần
Một dân tộc mà đời đời tồn tại và phát triển, một dân tộc mà nở mày nở mặt được với các dân tộc khác trên thế giới, trước hết là nhờ cái quốc học của mình. Quốc học của một dân tộc, dầu nhỏ dầu lớn, đều luôn luôn gồm có lịch sử, văn chương, tư tưởng (tín ngưỡng) của riêng mình. Ba bộ phận ấy của quốc học như cái thế chân vạc, đỡ chiếc đỉnh mãi mãi không dứt khói hương. Chúng ta có thể tự hào mà nói rằng, những sáng tác mang tính văn học đầu tiên của người Việt Nam là sáng tác về đề tài lịch sử, thấm nhuần tư tưởng yêu nước thương nòi. Đọc các truyền thuyết, thần thoại, cổ tích thì rõ. Và xưa nay, ông bà ta luôn luôn cho rằng, để giáo dục các thế hệ con cháu, không gì hơn là dạy lịch sử: lịch sử dân tộc, lịch sử quê hương, lịch sử gia đình, lịch sử các vị anh hùng, nam và nữ.
Nay Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành thêm một quyển sử, như quyển sử ta đang có trong tay, thì tôi hoan nghênh lắm. Sách này tôi đặc biệt hoan nghênh, chính vì nó đi vào một đề tài lịch sử không thể khô khan hơn được nữa! Thế thứ các triều vua Việt Nam chẳng phải là một đề tài khô khan sao? Khô khan quá đi chứ. Nhưng lại cần thiết biết mấy. Chỉ tiếc rằng mãi đến hôm nay mới có.
Trước kia ở thời phong kiến, ở nước Nam cũng như ở nước Bắc, các sử quan có lệ chép sử theo đời vua, vua này kế vua kia, đời này sang đời nọ. Sau này, vào thời cận và hiện đại, sử không còn là sử riêng của các vua chúa và hoàng hậu nữa. Khoa học lịch sử ngay trên đất nước Việt Nam, từ mấy mươi năm nay, đã phát triển đến một trình độ có thể tự hào. Nhưng cũng chính vì nó phát triển mạnh trong nghiên cứu cũng như trong giáo dục, cho nên, rất cần đến dăm ba quyển sử mang tính chất công cụ. Quyển Thế thứ các triều vua Việt Nam của Nguyễn Khắc Thuần là một quyển sách công cụ cần thiết đó.
Bất kì ai cầm bút đứng giảng đều cần loại sách công cụ này để tránh vô số cái sai bất ngờ trong nghề viết và nói. Nguyễn Khắc Thuần có lần tâm sự với tôi rằng:
- Nếu lấy việc của nhà Đinh đem gán cho nhà Trần, lấy việc của nhà Lý đem gán cho nhà Hồ, hoặc giả là lấy việc của nhà Lê đem gán cho nhà Nguyễn… thì dẫu là vô tình hay cố ý, đều không khỏi mang tội với tổ tiên.
Có lẽ tổ tiên không nỡ bắt tội con cháu gì cả, nhưng mà con cháu phải biết trân trọng lịch sử dân tộc mình. Sử mênh mông như rừng, biển, trí nhớ của một nhà giáo, nhà văn làm sao có thể bảo đảm là luôn luôn đặt mọi sự kiện vào đúng với khung thời gian lịch sử của nó được? Mà đặt sai khung thời gian thì còn hiểu và nói được gì? Trí nhớ của ai cũng có hạn. Khi nghi ngờ, khi chưa chắc, thì ta đem sách công cụ ra mà tra cứu. Quyển Thế thứ các triều vua Việt Nam là một “bộ nhớ” không tốn điện của mọi người. Nó khô khan thật, mà nhà giáo, nhà văn, người làm công tác văn hoá nào cũng cần có. Tôi chợt nghĩ rằng, nếu Nhà xuất bản Giáo dục cho ra đời sớm mấy quyển sách công cụ nữa của ngành lịch sử thì hay biết mấy, ví dụ như một quyển họa đồ cương vực Việt Nam qua các thời đại, hoặc như quyển tuyển tập các bài thi nổi tiếng của sĩ tử thời Lê, thời Nguyễn v.v…
Tôi rất hoan nghênh nỗ lực của Nguyễn Khắc Thuần, vì đó là sự đáp ứng khá kịp thời cho một nhu cầu phổ biến. Tôi càng hoan nghênh Nhà xuất bản Giáo dục, lần này cũng như nhiều lần khác, đã đặt lợi ích văn hoá dân tộc lên trên sự tính toán vốn có của thị trường sách vở.
Thành phố Hồ Chí Minh.
tháng 7-1993
GS. TRẦN VĂN GIÀU