Thư ngỏ của tác giả viết nhân dịp sách được tái bản
Tác giả: Nguyễn Khắc Thuần
Năm Nhâm Thân, niên hiệu Thiệu Long thứ 15 (1272), quan giữ chức Quốc sử viện giám tu, tước Nhân Uyên Hầu là bảng nhãn Lê Văn Hưu (1230-1322) đã hoàn tất bộ chính sử đầu tiên của nước nhà là Đại Việt sử kí gồm tất cả 30 quyển. Sách dâng lên, vua Trần Thánh Tông (1258-1278) xuống chiếu đặc biệt khen ngợi. Đại Việt sử kí nay đã thất truyền, nhưng ở thời Lê Sơ, sách vẫn còn và được Ngô Sĩ Liên cùng các sử gia xuất chúng đương thời đánh giá rất cao. Bởi được sự trân trọng và đánh giá cao như vậy, Đại Việt sử kí đã hoá thân, trở thành một bộ phận của Đại Việt sử kí toàn thư.
Từ ấy, hơn bảy thế kỉ đã trôi qua…
Cùng với sự tiến bộ không ngừng của khoa học và cùng với sự nghiêm cẩn tích luỹ kinh nghiệm trong nhiều đời, lịch sử sử học Việt Nam đã liên tục tiến được những bước rất xa. Hàng ngàn công trình lớn nhỏ đã được biên soạn, hàng loạt các dòng phát triển khác nhau của lịch sử đã được tập trung nghiên cứu… Ngày nay, bên cạnh những bộ chính sử của quốc gia, chúng ta còn có lịch sử của các địa phương, lịch sử của các ngành, lịch sử của các thành phần dân tộc… và cả lịch sử sử học nữa. Sự phát triển mau chóng và mạnh mẽ đó đã từng bước đáp ứng nhu cầu củng cố và nâng cao hiểu biết lịch sử của mỗi chúng ta.
Thói thường, trước bất cứ một vấn đề hay một sự kiện nào của lịch sử, ai ai cũng có quyền đòi hỏi được cung cấp những thông tin thiết yếu như: ở đâu? lúc nào? sự thể ra sao? Trả lời ở đâu, cũng có nghĩa là nói đến không gian của sự kiện và vấn đề. Trả lời lúc nào, cũng có nghĩa là nói đến thời gian của sự kiện và vấn đề. Trả lời sự thể ra sao, cũng có nghĩa là nói đến diễn biến cũng như nội dung căn bản của sự kiện và vấn đề. Trong ba thông tin thiết yếu nói trên, thông tin thứ hai thoạt trông ngỡ như rất đơn giản mà thực thì lại rất phức tạp.
Chúng ta đã quá quen với cách tính thời gian theo lịch: âm lịch và dương lịch, phật lịch hoặc giả là lịch riêng của một số thành phần dân tộc ít người khác. Nhưng, trong quá khứ, cha ông ta lại quen xác định thời điểm của các sự kiện và vấn đề theo thế thứ và niên hiệu của các đời vua chính thống. Không ai viết là năm 1010 mà lại viết là đời Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên nguyên niên, cũng không ai viết là năm 1472 mà lại viết là đời Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 3 v.v… Tất nhiên, phép viết sử theo lối biên niên cũng bắt buộc sử gia phải kê ra đầy đủ cả tên năm theo can, chi của âm lịch nữa, nhưng tên năm theo can, chi của âm lịch chỉ có 60 tên riêng biệt mà lịch sử thì lại đằng đẵng hàng ngàn năm, cho nên, sự trùng lặp của tên năm theo can, chi của âm lịch rất dễ gây ra sự nhầm lẫn. Nếu không nắm được thế thứ trước sau của các triều vua, thì dù có nắm được tên năm theo can, chi của âm lịch, chúng ta cũng không dễ gì xác định thời gian diễn ra của các sự kiện và vấn đề. Từ thực tế này, một vấn đề quan trọng khác đã nảy sinh, đó là làm sao để có thể tra cứu một cách dễ dàng và nhanh chóng về thế thứ cũng như niên hiệu cụ thể của các triều vua Việt Nam?
Công bằng mà xét, cách đây hơn hai chục năm, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội cũng đã có cho ra mắt cuốn Niên biểu Việt Nam của tập thể nhóm nghiên cứu Văn Vật (Vụ Bảo tồn – Bảo tàng, bộ Văn hoá), do nhà nghiên cứu Lê Thước chủ biên. Sách ấy được bạn đọc nhiệt liệt hoan nghênh, và do đó, đã được tái bản vào năm 1970. Song, cũng công bằng mà xét Niên biểu Việt Nam có hai nhược điểm khá rõ. Một là xuất bản đã lâu, nay không phải ai cũng còn giữ được, và hai là phần niên biểu là phần chính thì viết quá sơ sài, trong khi đó, phần chuyển đổi âm dương lịch là phần phụ thì lại chiếm đến hơn hai phần ba số trang của sách. Đọc sách mà chỉ cốt tìm hạn chế của sách là điều tối kị, nhưng viết sách mà không thấy hạn chế của người đi trước để cố gắng tìm cách khắc phục cũng là điều không hay. Xuất phát từ nhận thức như vậy, chúng tôi mạnh dạn biên soạn cuốn sách này.
Đúng như tên gọi của nó, sách này chủ yếu là giới thiệu thế thứ và niên hiệu trước sau của các triều vua Việt Nam. Mỗi một triều đại, chúng tôi lần lượt cung cấp cho bạn đọc các thông tin chính sau đây:
- Họ và tên của các vua.
- Thân sinh và thân mẫu của các vua.
- Ngày, tháng, năm sinh của các vua.
- Ngày, tháng, năm được lập làm thái tử (nếu có) và ngày, tháng, năm lên ngôi của các vua.
- Ngày, tháng, năm làm thượng hoàng và tổng cộng thời gian làm thượng hoàng (nếu có).
- Niên hiệu và thời gian sử dụng cụ thể của niên hiệu đó.
- Tổng cộng thời gian ở ngôi.
- Ngày, tháng, năm mất và tuổi thọ của từng vua.
- v.v…
Có một thực tế không thể phủ nhận trong lịch sử là không phải lúc nào ở nước ta cũng chỉ có một triều vua duy nhất, và trong nhiều thế kỉ, bên cạnh vua, triều đình còn có cả chúa nữa. Sách này không làm nhiệm vụ đánh giá mà chỉ làm nhiệm vụ thống kê. Bởi vậy, vua chúa các đời dẫu yếu hay mạnh, quản lí dân cư và đất đai ít hay nhiều, vị trí lịch sử thấp hay cao… chúng tôi đều cố gắng giới thiệu tất cả những gì liên quan đến thế thứ của họ mà chúng tôi đã thu thập được.
Tất nhiên, tất cả mọi thông tin đều được khai thác trực tiếp từ nguyên bản chữ Hán của các bộ sử cũ. Chúng tôi cố gắng làm như vậy, chẳng qua cũng chỉ vì muốn tránh tình trạng “tam sao thất bản” hiện đang khá phổ biến mà thôi.
Thư tịch cổ của ta là nguồn tư liệu chủ yếu nhất, nhưng cuốn Thế thứ các triều vua Việt Nam này không phải chỉ được viết trên cơ sở dịch và hệt thống những ghi chép trong thư tịch cổ của ta. Ở khá nhiều trường hợp, thư tịch cổ của ta cũng đã tự bộc lộ sự thiếu nhất quán, nhất là phần chép lịch sử từ thế kỉ thứ X trở về trước.
Xưa nay, các sách thường chỉ chủ yếu là giới thiệu thời gian trị vì của các đời vua. Chúng tôi cũng làm như vậy. Nhưng để bạn đọc dễ hình dung hơn, chúng tôi cung cấp thêm hai dạng thông tin khác, đó là phạm vi lãnh thổ và dân số của đất nước qua các đời. Những thông tin này nằm tản mạn trong sử cũ, việc thống kê rất khó khăn. Phần giới thiệu thêm của chúng tôi có thể là không cần thiết đối với tất cả bạn đọc, nhưng thiết nghĩ là với những bạn đọc ít có thời gian để đi tra cứu ở các thư viện, ắt cũng có chút ích lợi nhất định nào đó. Cuối sách, chúng tôi lập bảng hướng dẫn cách chuyển đổi âm dương lịch, và bảng tra niên hiệu các đời vua (có kèm chữ Hán) sắp xếp theo vần chữ cái của tiếng Việt.
Quyển sách nhỏ này được biên soạn ngay trong quá trình biên soạn bộ Việt sử giai thoại (8 tập) và một số công trình khác. Nếu không có sự động viên chân tình và mạnh mẽ của Nhà xuất bản Giáo dục và sự cổ vũ của các bậc đồng nghiệp, chúng tôi khó có thể hoàn thành công việc đúng như dự kiến ban đầu. Nhân dịp sách đến được với bạn đọc gần xa, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình đối với Nhà xuất bản Giáo dục và với các bậc đồng nghiệp, đặc biệt là hai nhà sử học lão thành: Giáo sư TRẦN VĂN GIÀU và Giáo sư LÊ VĂN SÁU. Chúng tôi cũng hi vọng là sẽ nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc, để khi có dịp tái bản, chúng tôi sẽ sửa chữa, làm cho cuốn sách này ngày một tốt hơn.
Thành phố Hồ Chí Minh
ngày 18-4-l993
NGUYỄN KHẮC THUẦN