watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Gặp gỡ cuối năm-- 3 - - tác giả Nguyễn Khải Nguyễn Khải

Nguyễn Khải

- 3 -

Tác giả: Nguyễn Khải

Mọi người đã ngồi vào bàn ăn, anh Hoàng mới mở cửa lững thững bước vào. Anh lần lượt bắt tay từng người, mỗi người đều thăm hỏi một câu thật âu yếm rồi mới vào buồng trong thay quần áo. Những ông già rất lịch thiệp, anh Đại thì lịch thiệp một cách phóng khoáng và bay bướm, anh Hoàng thì thận trọng, thật đúng phép tắc. Cùng đi với anh có Quân, con trai lớn của bà cô ruột tôi, hơn tôi đến dăm sáu tuổi nên tôi vẫn gọi là anh và Quân cũng xưng hô với tôi là anh, như bạn chứ không theo cái thứ bậc họ hàng. Anh sinh đẻ ở Hà Nội nhưng theo bố mẹ vào sống ở Sài Gòn từ năm còn nhỏ, cách sinh hoạt đặc dân Nam bộ nhưng giọng nói vẫn lơ lớ nửa Bắc nửa Nam. Lần đầu tôi gặp anh vào giữa tháng Năm năm 75, nhân ngày giỗ người con thứ của cô tôi bị giặc Pháp giết tại Đồng Tháp Mười hồi cuối năm 50. Nghe nói anh cũng viết báo, lại là nhân viên của nhiều hãng thông tấn nước ngoài, quen biết rất nhiều tướng tá và viên chức cao cấp của chế độ cũ, đã từng sang Mỹ học nghề làm báo những mấy năm. Người như thế là tôi muốn làm quen lắm, huống hồ còn là họ hàng. Viết về xã hội trong này được người hướng dẫn thông thạo và tin cẩn là một may mắn rất hiếm có. Nhưng ngay trong lần đầu gặp nhau tôi đã thất vọng hoàn toàn. Anh vừa lắm lời, vừa khoe khoang, lại thù địch với Việt cộng ra mặt. Anh kể đủ mọi chuyện vừa bịa vừa thực về những anh bộ đội giải phóng vào đóng quân tại một biệt thự rất sang nhưng lại đào hố mèo ngoài vườn; cho xả máy điều hòa nhưng lại mở tung các cửa vì sợ bị ngạt; gọi con ở bằng cô, gọi bà chủ là chị, nhìn người đàn bà nào cũng nghĩ là họ đã từng ngủ với Mỹ, mở sách của trẻ con rất lấy làm lạ chúng cũng học Bà Trưng, Bà Triệu, tưởng đâu chúng chỉ biết có tiểu sử ông Nixon. Vừa nói vừa cười, lại còn nhìn tôi với cái vẻ khiêu khích: "Anh không tin hả? Thì chính anh là nhà văn nhà báo mà cũng quê bỏ mẹ". Khi ra về, ông chú tôi chạy theo nói nhỏ: "Thằng Quân nó ăn nói thế nhưng nó tốt bụng lắm, cháu ở lâu sẽ hiểu". Tôi gắt lên: "Chú mời tôi đến nhà mà chú để nó chửi bộ đội tàn tệ đến thế, nghe được, hử?". Mấy lần sau gặp Quân ở nhà chị Hoàng tôi làm mặt giận, hỏi gì trả lời nấy, nhưng hắn cứ phớt lờ làm như không, lại còn muốn tiếp tục trêu chọc nữa. Một năm sau tôi có việc đến một cơ quan nghiên cứu của Đảng, vừa xuống xe đã nghe có tiếng gọi: "Ông Việt!". Tôi quay lại nhìn người gọi, trời đất ơi! Ai mà quen thế nhỉ? Quá quen, cái miệng bỡn cợt, con mắt soi mói, nhưng sao lại là hắn? Thì không là hắn còn ai nữa, nhưng tại sao, tại sao?... Người kia đã bước gần lại, vừa cười vừa hỏi: "Anh đến làm việc có lâu không?". Tôi nắm chặt lấy bàn tay Quân, đúng là Quân thật, đồng chí Quân, cuộc đời kỳ ảo như trong một cuốn tiểu thuyết tình báo, da mặt nóng bừng không biết nên nói sao cho phải. Quân vẫn cười cợt: "Bữa gặp anh đầu tiên mừng quá, muốn chọc anh chơi, biết là anh rất giận...". Tôi gạt đi: "Thôi, nói làm gì chuyện đó nữa". Anh hoạt động trong ngành quân báo từ năm 1946, tốt nghiệp trường sĩ quan ngụy ở Thủ Đức, làm việc ở cơ quan tham mưu ngụy cho đến ngày ký kết Hiệp định Genève. Năm 1955, anh giải ngũ, vẫn sống ở Sài Gòn với cái vỏ ngoài là nhân viên của hãng thông tấn AFP, viết bài bình luận về thời sự Việt Nam cho các tạp chí Life, Time của Mỹ và tờ Nouvel Observateur của Pháp. Với họ hàng, Quân là một nhà báo cỡ quốc tế, trong gia đình, anh là một trí thức yêu nước, ít nhiều có cảm tình với cách mạng, chỉ riêng một vài đồng chí lãnh đạo của kháng chiến mới biết được công việc chính của anh ta. Ba mươi lăm năm làm tình báo ở những cơ quan cấp cao nhất của địch, tham dự vào nhiều âm mưu, bồ bịch với đủ mọi loại người, đủ mọi quốc tịch, chơi chó, chơi chim, chơi cây kiểng, ăn nói như người vô tâm, làm việc như tài tử, trọng nghĩa khí, tôn thờ tình bạn và chủ nghĩa cá nhân. Sống giữa mọi người, anh là một tính cách rất rõ ràng, có một triết lý sống không mập mờ, không lẩn giấu. Còn ai dám ngờ vực một người có một cách sống rõ ràng? Khi đã biết nhau, có lần cùng ngồi trên xe hơi do anh lái, anh bảo: "Cho đến nay tôi vẫn giữ được sự phản ứng nhạy bén cả phía trước và phía sau xe, đến các ngã tư nhìn thấy chú cảnh sát giao thông tim mình vẫn đập nhanh hơn một chút". Nghe radio ở nhà cũng vậy, sau khi mở máy anh có thói quen vặn thật nhỏ và đưa mắt nhìn thoáng qua xung quanh. Một người làm tình báo dẫu là từng trải nhất cũng không thể giống hoàn toàn như người bình thường, nếu bị nghi nhất định đối phương sẽ tìm ra những chi tiết vô lý. Điều cốt tử là chớ để kẻ thù ngờ vực, tình nghi. Tôi hỏi: "Lúc nào người hoạt động tình báo dễ bị sơ suất nhất?". Anh nói: "Lúc nói chuyện, nhất là phải nói chuyện với bọn tình báo Mỹ. Cách lập luận của người cộng sản thường thiên về biện chứng pháp, thích tìm những tỷ dụ trong lịch sử, nếu lại không có bằng cấp về lịch sử thì hãy coi chừng, anh đã bị chúng chú ý. Tôi có quen tay đại sứ Mỹ ở Bangkok, William Kinmer, y cũng rất ham lý luận biện chứng, nhưng là theo cách riêng của y. Một lần thằng Adam phụ tá chính trị của đại sứ Bunker, nó còn trẻ lắm, nói tiếng Việt như người Việt, hỏi tôi: "Tại sao mày thích viết bài cho báo Mỹ?". Tôi trả lời thản nhiên: "Vì Mỹ buộc phải quan tâm tới Việt Nam nhiều hơn, hơn nữa họ trả tiền mỗi bài khá lắm!" - "Tại sao mày chống Cộng". Tôi quát lên: "Ai nói với mày tao chống Cộng! Tao chống Cộng hồi nào? Mày nói bậy, có ngày Việt Cộng nó đốp tao, tao chết mẹ!". Châm ngôn của tôi khi phải đối mặt với những thằng sừng sỏ là keep your emotion out - bỏ mọi sự xúc động ra ngoài!".

Quân nắm tay chị Hoàng bóp nhẹ một cái, bà chị giãy nảy, quát the thé: "Thằng khốn nạn, tay mày như sắt...". Anh nháy mắt với tôi rồi kéo ghế ngồi cạnh anh Quý. Hai người nói rất nhỏ với nhau một chuyện riêng, rồi nghe Quân nói to: "Nhất định là thế, tôi biết hắn mà!". Anh Quý vẫn ngậm tẩu nói tư lự: "Cảm ơn cậu, tôi sẽ có cách nói chuyện với hắn". Bình ngồi cạnh tôi, da thịt quần áo thơm nức, nom thằng bé ngon lành quá, đã có mấy cô chạy theo, không hiểu ý tứ hắn thế nào. Bình cười với tôi: "Khi nãy cháu nói hơi sỗ, chú đừng giận cháu nhá". Tôi cũng cười: "Ai lại giận nhân vật chính của mình bao giờ". Nó giương cặp mắt đen láy cực kỳ thông minh, hỏi tôi: "Định đưa cháu lên đài bất tử đấy à? Là người tốt hay kẻ xấu?". Tôi trả lời: "Cho đến nay các nhân vật chính của nền văn học ta đều là những người tốt cả" - "Theo cháu, nhân vật chính phải đặt được nhiều câu hỏi cho bạn đọc. Hắn là ai? Như thế là tốt hay xấu? Cháu là con người như thế, phải luôn luôn tự khẳng định chứ không thể chỉ khẳng định một lần".

Bình đưa mắt nhìn những người có mặt trên bàn ăn nói thì thào:

- Chú Việt, chú có e ngại một điều gì sẽ xảy ra trong bữa ăn tối nay không?

- Mình thấy cũng giống như mọi lần.

- Hình như họ đang chờ đợi, đang tính toán?

- Thì ai mà chẳng mong đợi một năm mới tốt lành hơn.

- Điều họ chờ đợi gần hơn chú ạ, họ có biết rõ cái họ đang chờ.

- Chuyện tầm phào khi nãy, hả? Nó thế thôi chứ đầu óc rỗng tuếch.

- Chưa hẳn thế đâu, có một cái gì đó buộc họ phải tính toán thật.

Chị Hoàng gõ thìa vào cạnh bát, quát to:

- Xin mời các vị không nói chuyện riêng, nghe tôi nói một tí đã.

Anh Đại mở khăn ăn gài vào cổ áo:

- Một bữa ăn có đọc diễn văn là đại tiệc rồi!

Chị Hoàng lườm nhẹ:

- Ăn rất xoàng, rượu chỉ có một chai, tiệc tùng quái gì.

Anh Hoàng ngồi cạnh Quân hỏi nhỏ:

- Rượu của cậu à?

Chị Hoàng nhướng mắt, hỏi Quân:

- Mày có mang rượu đến không?

- Một chai Martell, được không chị?

- ở đời có số thật, có bao giờ nhà này lại chỉ có một chai rượu đón giao thừa. Tôi tuyên bố vắn tắt: vì bữa ăn rất xoàng nên mỗi chúng ta phải góp vào một câu chuyện thật hay. Cấm nói chuyện riêng.

Anh Đại cười hềnh hệch:

- Mình có cái tật: bụng đã rỗng thì tai điếc đặc, ventre creux n'a point d'oreilles.

Anh Quý bênh vực sáng kiến của bà chủ nhà:

- Chị Hoàng nói có lý. Những câu chuyện thông minh nhất đều do những người bụng rỗng viết ra cả.

Anh Đại vuốt ve tấm khăn ăn trước ngực, nhìn chăm chăm vào cái đĩa không:

- Trước hết, cái bao tử phải cho chặt, rồi cái thông minh sẽ đến sau.

Anh Quý:

- Bao tử quá chặt thì chỉ nghĩ đến sự tiêu hóa thôi. Ông Truyền hồi ở Pháp thông minh hơn hồi ở Việt Nam, lúc trẻ thông minh hơn lúc già.

Nguyễn Thế Truyền là anh em con chú con bác với anh Đại, cùng ngồi tù với nhau tại Mã Đảo, là anh em nhưng không hợp nhau về chính kiến.

Chị Hoàng:

- Dân bạch đinh dám tát cụ lớn tại bến đò Tân Đệ là phải có gan lắm.

Anh Hoàng hỏi:

- Lúc ông Truyền tát ông Vi là ở đất Thái Bình hay đã sang đất Nam Định?

Anh Đại:

- Đất Nam Định, chứ đâu dám hành hung ở đất Thái Bình. Năm ấy Vi Văn Định là tổng đốc Thái Bình.

Chị Hoàng:

- Tôi lấy làm lạ tại sao Vi Văn Định lại chịu, cả thằng công sứ Thái Bình cũng chịu. Một ông bị cái tát, một ông bỗng nhiên hóa ra phò mã nước Bỉ.

Anh Đại nói lẩm bẩm:

- Vanité (5), chỉ là vanité mà thôi...

Anh Quý:

- Ông ấy đánh quan lớn Nam triều, nhưng lại bồ bịch với thằng thống sứ Bắc kỳ Tholance. Đánh tớ nhưng quen chủ thì có chuyện gì.

Anh Đại:

- Ông Truyền là người có tài lắm. Ông ấy viết văn Pháp còn giỏi hơn cả người Pháp, c'est le premier Vietnamien qui connait a fond cette langue (6), môn sinh của Anatole France mà...

Anh Quý chữa:

- Ngày ấy chưa có Vietnamien, chỉ có annamite thôi!

Anh Đại phì cười:

- Ờ, ờ... thì le premier annamite, thôi, vứt mẹ nó đi, đã là annamite thì có premier cũng chả là cái quái gì.

Chị Hoàng:

- Cái năm ông Truyền ra ứng cử cùng một liên danh với lão lang băm Hồ Nhật Tân, mình ghét quá. Lão kia là đứa vô danh, mình là người có danh lại nhà tới xin làm ét cho nó.

Anh Quý:

- Nghe người ta bảo ông Truyền có tính khiêm nhường. Năm đánh lão Vi vì đi đất mặc áo đụp nâu, như anh nông dân. Năm nọ ra ứng cử phó tổng thống là bị ép chứ thực tình chỉ muốn là người dân thường...

Anh Đại đập bàn, quát to:

- Là lập dị, là vanité, một đời làm chính trị của ông ta chỉ là cái vanité to tướng!

Anh Quý:

- Nhưng cái chết thì khá hơn, khá hơn cả cuộc đời. Ngày Bốn tháng Chín, radio báo tin Cụ Hồ mất tại Hà Nội. Tối hôm ấy, ông Truyền mời thân bằng cố hữu tới nhà ăn cơm tối với ông. Bữa đó tôi cũng được mời, cùng đi với ông bà Đại. Ăn chay, ông Truyền nhợt nhạt báo tin Cụ Hồ, một vĩ nhân còn lại của thế kỷ, người đã khai sáng một nước Việt Nam hiện đại vừa từ trần. Rồi ông nói luôn, Cụ Hồ đã mất nên ông không muốn sống thêm nữa, trên đời này chỉ có Cụ là hiểu được ông, hiểu được cả những lỗi lầm của ông, nay vị Thánh đã không còn thì ông cũng chả nên nuối tiếc cái thế giới này làm gì. Từ phút này ông đã là người chết rồi, xin có lời vĩnh biệt tất cả. Nghĩ rằng nói thế thôi, chẳng dè từ hôm sau ông tuyệt thực, nằm quay mặt vào tường, không nói hỏi với một ai nữa. Nằm được đúng mười ba ngày thì chết. Cũng là một cái chết đáng xúc động.

Quân nói khinh khỉnh:

- Dầu là một cái chết đáng xúc động cũng không thể cứu vớt một nhà cách mạng đã thất tiết. Trước sau ông ta vẫn là kẻ phản bội.

Anh Đại giơ cao hai tay:

- Nói như thế là đúng! Có tàn nhẫn một chút nhưng kết luận như thế là rất đúng. Không còn hào khí để làm cách mạng nữa thì cố giữ lấy cái tiết tháo. Chí ít cũng là một thái độ tự trọng.

Quân vẫn chưa chịu buông tha:

- Tôi cũng không tín nhiệm lắm mấy anh tri thức trùm chăn. Hèn cả, vẫn là những anh hèn. Quốc gia hữu sự, kẻ thất phu còn phải gánh trách nhiệm huống hồ là anh trí thức.

Anh Quý cười gượng gạo:

- Làm người ở cái thời buổi loạn lạc kể cũng khó nhỉ!

Quân trả lời điềm nhiên:

- Hẳn là khó rồi! Làm người đã khó, làm người trí thức lại còn khó hơn. Hằng ngày phải lựa chọn, từng việc phải lựa chọn, lầm lỡ một chút là tiếng xấu để đời.

Cả anh Chương lẫn anh Quý đều mất hẳn tự nhiên khi nghe những lời bình xét có phần gay gắt của Quân. Không hẳn là nghĩ tới chuyện đã qua, mà như có đắn đo một việc nào đó sắp tới. Quân rất hiểu họ, họ cũng biết thế, anh còn hiểu rõ cái mảnh đất họ được ươm trồng. Nhưng anh đang bàn bạc với họ chuyện gì thế? Họ đang cần ở anh sự giúp đỡ nào? Tôi không thể biết vì không bao giờ Quân nói với tôi công việc hiện nay của anh. à, chơi khơi khơi vậy thôi, lúc rảnh ngồi viết tổng kết những năm đánh Mỹ, cũng có họp hành nhưng không nhiều, đi chơi hả? ờ, thì đi, đi lúc nào chẳng được. Nói vậy thì biết vậy chứ cái tạng của anh đâu có ngồi chơi lâu được, có khi còn bận hơn cả những năm kháng chiến. Tôi đến nhà anh nhiều lần, nhưng chỉ gặp có vợ con, còn anh thì, theo anh nói, lúc ra chợ chó kiếm con Phốc nào hay hay thì mua, anh vốn rất ưa giống chó Phốc, lúc tìm một cuốn sách hiếm, lúc ra quán cà phê ngồi nhâm nhi một ly cho thoáng đầu. Vẫn còn được chơi chứ chưa phải ngày ngày đến sở, cái việc của anh, theo anh nói, giống như một nghệ sĩ, lúc tập trung xây dựng tác phẩm thì không có cả giờ ngủ giờ ăn, khi đã hoàn tất lại chơi bời dài dài. Lạy trời, đối với tôi anh vẫn giữ cái vỏ ngoài, sinh ư nghệ tử ư nghệ thuật. Nhưng tối nay tôi sẽ biết rõ hơn về tất cả. Đã có một bên đứng sát tới những quyết định hệ trọng, lập tức phía bên kia phải có sự cứu trợ kịp thời, hoặc đẩy tới hoặc chặn lại, tùy theo cái xu hướng tốt hay xấu của người trong cuộc. Sẽ là một màn kịch hứng thú đây, tôi nghĩ thầm, nhưng chưa một ai biết trước được cách kết thúc. Tạo hóa bao giờ cũng giàu óc tưởng tượng hơn nghệ sĩ, táo tợn hơn và cũng tàn nhẫn hơn. Cách kết thúc của đời sống luôn luôn là hợp lý, nhưng thông thường là ảm đạm, nghệ sĩ vốn nhân hậu và lạc quan hơn tạo hóa.

*

Bữa ăn của đêm trừ tịch không xoàng như lời rêu rao của chị Hoàng. Bàn ăn cũ cùng với bộ ghế mười hai người đã bán rồi, thay vào là cái bàn tròn rất rộng, khăn trải bàn, bát đĩa, ly tách vẫn choáng lộn như xưa, còn các món ăn dọn lên là thịnh soạn đối với thời buổi khó khăn này. Cá rút xương luộc vừa mềm, thái miếng to bày trên đĩa (mỗi khách ăn là một đĩa), rau cải xanh chẻ nhỏ nhúng tái, xếp xung quanh làm hàng, nấm Tống Cú dày thơm nhồi giò sống hầm nhừ phủ lên trên, là một món. ốc nhồi thịt băm nấm hương, lót lá gừng, hai món. Trứng muối lâu ngày ruột vỏ xanh đen trong suốt như khối ngọc. Cá nục con nhỏ kho với dầu làm giả cá sardine à l'huile. Lạp xưởng để cả chiếc. Và canh nấm, những bát canh nấm thật trong thật nhẹ. Thực đơn tạp-pí-lù. Tôi chưa được ăn một bữa cơm ngày Tết nào nấu nướng như thế cả. Không có bánh chưng, không có dưa hành và giò chả, không có những món nấu cố hữu của mọi bữa ăn được gọi là trang trọng. Nhưng nói cho thật, các món đều ngon, nấu như thế là rất khéo và tuyệt ngon. Về sau tôi được biết từng món dọn lên đều hợp với khẩu vị mỗi người, tất nhiên nhà bếp đã bỏ riêng ra hai thực khách ăn tạp là tôi và thằng Bình. Anh Đại và anh Quý rất thích cá sardine à l'huile Anh Hảo, anh Hoàng mê canh nấm. Quân thích nhắm rượu với trứng muối và ăn cơm với lạp xưởng cắn ngập chân răng. Anh Chương mấy năm đi học tập chỉ thèm có món nấm Tống Cú nhồi giò. Còn bà chủ nhà thích uống rượu vang với ốc bươu luộc. Hồi trước, có lần bà chủ nhà kỳ dị này mời khách thật sang, xe hơi đậu kín một đoạn đường để thưởng thức chỉ có một món: canh cua nấu bún sợi to với cải xanh, canh thật nóng, ớt thật cay, bưng bát mà ăn, cấm dùng thìa, vừa ăn vừa thổi, nước mắt nước mũi chảy giàn giụa. Cũng là những người biết sống, tôi nghĩ thế, vụ cái thực chứ không vụ cái danh, khỏi mất thì giờ mà sảng khoái. Nhưng là trong cách ăn, cách sống thôi, còn cách làm chính trị của cái nhà này thì dở hơn nhiều, lại chỉ vụ cái danh chứ không vụ cái thực, đã mất quá nhiều thì giờ lại còn mang thêm cái hận, cái oán.

Anh Chương ngồi trước đĩa nấm nhồi, nhăn mặt:

- Không xài được, răng lợi tôi thì xài làm sao được món này!

Chị Hoàng nguýt dài:

- Không nhai được, nuốt được thì dùng mũi mà ngửi. Vẽ chuyện!

Anh Chương cười ngượng nghịu:

- Chị Bơ ơi! Chị ơi!

Chị Bơ từ dưới bếp chạy lên, cười hiền hậu:

- Các ông các bà còn thiếu cái gì nữa? Tất cả là vừa rồi.

Anh Chương cằn nhằn:

- Không có món nào em ăn được cả. Có còn răng đâu mà nhai được các thứ này!

- Ờ, ờ, không có món nào thật mềm nhỉ. Ông ăn tạm thịt kho nhừ nhá?

Chị Bơ tên thật là chị Hỉ, cũng như tên gọi thường của chị Hoàng là bà Bò, các cháu nội của bà Bò đứa là Chuột, đứa là Đen, lại có cả một con Thẽm nữa. Nói thật tục, tên đặt thật thô, bông đùa rất sỗ sàng là thói tục của cả một dòng họ. Các đời trước lễ nghi, quan dạng nhiều quá, đời sau không phá phách một chút không thể sống nổi. Ông nội chị Bơ và ông nội chị Hoàng là anh em ruột, một dòng làm quan, một dòng làm dân thường, là bà con nghèo sống dựa vào những bà con phú quý. Mỗi lần các cháu phải đổi phủ đổi huyện lại đánh dây thép về quê mời ông bác họ lên chơi, nhờ ông thu dọn đồ đạc, đóng buộc hòm thùng, thuê xe hoặc thuê tàu chuyển tới nơi trị nhậm mới. Còn vợ chồng con cái họ thì ra Hà Nội chơi bời thỏa thích, khi trở lại nhiệm sở tất cả đã đâu vào đó, đến một cái chổi cũng không thiếu. Để đền bù công lao của ông bác - đầy tớ, các cháu mời ông ở lại phủ huyện chơi một hai tháng, ngày ba bữa cơm rượu, sáng tối hai bận cơm đen và có cái quyền nói hách với đám thừa phái, lục sự: "Thằng phủ nó nhà tôi...". Mà cũng hãnh diện đáo để, lo lắng sốt sắng đáo để. Người con gái duy nhất của ông là chị Hỉ, lên ở với chú họ là án sát Nam Định từ năm mười lăm tuổi, thoạt đầu là hầu trà thuốc, sau là phụ việc nấu nướng, dần dần thành bà quản gia. Cô chú chết chị ở với các em thành đầu bếp chính, một đời người chỉ lo có cái miếng ăn của các em ông, em bà, thích theo cái thích của họ, ghét theo cái ghét của họ, nghĩa là chị cũng sùng bái đạo Phật và rất ghét chủ nghĩa cộng sản. Có lần chị Đại và chị Bơ cãi nhau ầm ĩ cả nhà, chị Đại quát ầm ầm: "Chị rõ thật thối, con Hoàng nó ghét cộng sản còn có lý, còn chị một đời bưng rổ cọ niêu cho nhà nó mà cũng tập tọng chống cộng". Từ đó hai người không nói chuyện với nhau, tránh cả giáp mặt nhau. Chị Hoàng đi đâu cũng rêu rao: "Con mụ Ba-trăm-lẻ-tư ấy quá quắt lắm, đến bà Bơ hiền lành là thế mà cũng phải giận!". Năm nay chị Bơ đã 67, chị tuổi Sửu, kém anh Đại một giáp, còn vài năm nữa đã là 70, không chồng con, một đời hầu hạ các em mà vẫn vui vẻ, vẫn hãnh diện vì được hi sinh cho những người thân thuộc.

Chị Hảo chạy đâu từ lúc vùng vằng với ông chồng, bây giờ đã tha thướt trở lại ngồi cạnh bà chị. Chị làm ra vẻ thế thôi, chứ xưa nay chưa biết giận ai, cũng là một nét dễ mến và dễ gần. Nhưng chị không chịu nổi những câu chuyện siêu hình, phô bày cái uyên bác, cái thông minh, tôi là người nội trợ, chị vẫn nói thế, có những ham muốn tầm thường, cái vui cái giận của tôi cũng tầm thường. Có bữa gạo Long Đỉnh mới bảy đồng một ký, chị đã te tái chạy ra chợ khuân về hai tạ, gặp ai cũng thì thào: "Có tiền thì mua gạo trữ đi, đến lúc một củ khoai một chỉ vàng lại trắng mắt". Giá tiền một cái quạt bàn của hãng National khác với hãng Sanyo, một tấm drap vải tuy cũ nhưng dày khác với một tấm thêu lòe loẹt nhưng mỏng dính, mua quần áo trẻ con thì xuống chợ An Đông, quần áo của người lớn thì ở khu Dân Sinh hoặc chợ Tân Định. Rồi quà biết cô giáo và ông chủ tịch phường, tiền phúng và tiền mừng những nơi quen biết, khách mời ăn ngày thường và khách mời ăn ngày chủ nhật, chạy vù vù từ trên gác xuống dưới nhà, từ trong nhà ra ngoài đường, sáng sớm ở đầu tỉnh, bữa ăn trưa đã ở cuối tỉnh, thẻ thót, mời chào, tính toán, đắn đo, có lúc hí hửng như chỉ trong ngày mai chị sẽ cầm trong tay bạc vạn, có lúc lại hốt hoảng như gia sản, cơ nghiệp sắp mất sạch đến nơi, không khéo thì còn chết đói. Cái số vất vả, hấp tấp thế nào. Mà là người sang hẳn hoi, xưa kia là con gái cưng của Nhà nước, các con đứa tiến sĩ, đứa kỹ sư, có ai hèn đâu mà vất vả đến thế. Đúng là cái số, là do cái giờ sinh không được nhàn.

Chị Hảo múa đũa lướt qua các bát, nếm náp một chút, bình phẩm:

- Bà Bơ nấu ngon thì có ngon nhưng món nào cũng nhạt, ăn sợ sợ là.

Cô em uốn éo nhưng bà chị lại sỗ sàng:

- Tôi bị bệnh đái đường nên phải kiêng muối cô ạ, ăn được thì ăn, không ăn được thì chống đũa nhìn bọn mình ăn.

Anh Đại ăn uống rất ngon lành, vầng trán bóng đỏ đã lấm tấm mồ hôi. Ông em hai hàm răng giả mới làm cau có, vật vã với miếng nấm nhồi giò, ăn thì khó, bỏ đi không đành, than thở:

- Ngồi cạnh người ăn ngon mình lại không ăn được, tức không chịu nổi. - Rồi anh gắt lên - Cái ông này răng lợi còn vạm vỡ thế thì bao giờ mới chịu chết.

Anh Đại cầm đầu khăn chùi miệng, nói chúm chím kiêu hãnh:

- À, à, chết thế nào, mình định sống chẵn trăm, còn những hai chục năm nữa kia.

Rồi anh hỏi mọi người:

- Các ông các bà có tin cái răng nó có tai không:

Chị Hoàng bỏ vội thìa canh húp dở, nhăn mặt cười ngắc lên:

- Nỡm ạ, chết sặc bây giờ!

Anh Đại vẫn nói từ tốn:

- Cái năm tôi vừa tròn bảy chục, một sáng nọ lấy tay sờ đủ hai hàm răng, đếm được băm hai chiếc, mới than: Người già mà răng không chịu rụng là hại con hại cháu lắm đây, ăn hết lộc của chúng nó mà. Nghĩ là nói đùa, không ngờ hôm sau rụng luôn một chiếc, tuần sau rụng luôn chiếc nữa. Năm bảy mốt rụng tiếp thêm hai chiếc, thế là mất bốn cái răng cả thảy. Lại sợ quá còn sống mà mất răng thì sống cũng vô ích. Sống cốt có miếng ăn, lại không ăn được thì chết quách cho rảnh. Cũng lại than thế. Từ đó không rụng thêm một chiếc nào nữa, cho đến nay vẫn còn hăm tám cái răng bám chắc vào chân lợi. Tức là cái răng nó có tai thật.

Uống thêm một hớp rượu, rồi như chợt nghĩ ra một điều thú vị nào đó, anh Đại giơ một ngón tay lên:

- Xin các vị chú ý: nói dại chẳng may một vị nào đó trong chúng ta chết đi...

Chị Hảo giãy nảy:

- Phỉ phui! Năm hết Tết đến anh ăn nói đến là nhảm.

Chị Hoàng chống đũa, bảo cô em:

- Cô không muốn chết thì chết sao được, còn ai muốn chết nên mặc xác họ.

Anh Đại nói tiếp:

- Nếu chẳng may một ai trong chúng ta chết đi thì nên dặn con cháu chớ có mua hòm đẹp. Hò tốt lại chạm trổ, lại sơn thếp có đến ba ngàn không?

Vì là nói tới giá cả nên chị Hảo buộc phải trả lời:

- Ba ngàn hoặc ba ngàn rưỡi, thôi, không nói cái chuyện ấy, nghe ghê quá!

- Nằm trong cái hòm ấy thì khoái, nhưng đêm đến thằng gác nghĩa trang thông lưng với thằng kẻ trộm sẽ đào mả ta lên lấy hòm đem bán, còn thân mình thì... thì...

Chị Hoàng:

- Đã chết là không cần gì hết. Xác bỏ hòm, xác bó chiếu hay xác vùi nông cũng chẳng quan hệ gì. Cần nhất là phải thật sướng lúc sống.

Anh Đại kết luận:

- Theo tôi, nên mua loại hòm xoàng xoàng, khoảng bảy tám trăm bạc là được. Tiền còn dư cho con cháu nó làm vài lần gà luộc với nấm nhồi.

Chị Hảo lại tính toán:

- Hòm bảy tám trăm thì ván hở mộng vênh để lâu trong nhà thế nào được?

Chị Hoàng hỏi kháy cô em:

- Sao bảo không thích nói chuyện chết chóc năm mới?

- ừ, nói thế thôi, chứ rồi các chuyện cưới xin ma chay nội cái họ này không thoát được bàn tay tôi đâu. Thời buổi khó khăn, không tháo vát, không đi đây đi đó, ru rú xó nhà, có mất cả đống tiền cũng chỉ mua được của giả.

Quân từ nãy uống rượu nhắm với trứng muối đen, món nhậu anh thích nhất, tất nhiên hơi đắt tiền, trong Chợ Lớn họ muối, gọi là trứng Bắc Thảo, chợt anh quay người lại hỏi chị Hoàng:

- Có một ông bạn tâm đắc nhất với chị sao chị không mời ăn bữa cơm tối nay?

Chị Hoàng cười, nói lảng:

- Thì mày chẳng đang ngồi đây là gì?

- Cám ơn chị, nhưng em muốn hỏi cái ông người Hoa kia?

- À, chú Phùng, nhưng tối nay tao chỉ mời những người ruột thịt thôi.

- Người ruột thịt đã ai dám bỏ ra mười mấy lạng vàng cho thằng Tú đi chui? Không mời nhau những ngày này là thiếu ân nghĩa lắm đấy nhá!

Chỉ là một câu nói phất phơ mà cả mấy người đều ngượng nghịu. Anh Chương nói buông:

- Người Tàu họ quý tình bạn lắm, họ không có lợi dụng sự quen biết như người Việt mình.

Chị Hoàng:

- Họ giúp là họ giúp chứ nhà này thì còn có gì để họ lợi dụng?

Quân châm hút một điếu thuốc lá thơm, nhả khói, nói lấp lửng:

- Cũng vẫn có đấy!

Chị Hoàng hỏi châm chọc:

- Họ muốn kết bạn với những người chống chế độ này à?

- Không nông cạn đến thế, ý tứ chú Phùng sâu xa hơn.

Chị Hoàng vẫn nói rất thản nhiên:

- Mấy thằng nhà báo chỉ lắm chuyện. Cái nghề kiếm ăn bằng cách bày chuyện.

Quân nhấc ly rượu cầm tay vẫn hỏi bà chị về cái ông Phùng nào đó.

- Ai giới thiệu chú Phùng với gia đình này?

Chị Hoàng cau mặt, ngờ vực:

- Thì mày chứ còn ai?

- Tôi rất ân hận đã dắt ông ta đến làm quen với gia đình.

Chị Hoàng gắt to:

- Nỡm nữa chú, say hả? Có ai trách mày về cái việc đưa chú ấy đến đây đâu. Đang thiếu chân xoa lại vớ được một tay cao cường, rồi lại nhờ vả việc này việc khác, toàn việc tốn tiền cả, người ta vẫn đưa tay ra giúp, có nhắc đến ơn nghĩa lại còn gạt đi kia. Họ quân tử lắm.

Một câu chuyện mà chủ nhà muốn gạt đi, muốn né tánh, còn khách mời cứ bám theo dai dẳng, bất chấp sự khó chịu của xung quanh. Vậy cái anh chàng nhà báo này thật sự có ý định gì?

Anh Quý chăm chú nhồi thuốc vào tẩu nói nhỏ với Quân:

- Thôi, cái chuyện chú Phùng chẳng có can dự gì với ai ở đây, bỏ đi, nói chuyện khác.

Quân mỗi lúc một đáng ghét như người cố tình nhiễu sự:

- Có chứ, có liên quan đến nhiều người.

Anh Chương đã buông đũa ngồi nhấp rượu suông, anh chỉ thèm có món nấm nhồi giò nhưng lại rắn quá, mút mát một chút rồi đành bỏ:

- Thằng cha ấy làm chính trị, hả Quân? Có cái nhà này thích làm chính trị, chứ có phải ai cũng thích đâu. Một thằng lái buôn muốn làm ra vẻ học thức, thích ngồi đấu hót với những người có học, hắn thiếu cái đó mà, thế thôi, chỉ thế thôi.

Quân xoay xoay ly rượu đã gần cạn, hỏi ỡm ờ:

- Thế cái thằng Jerry Rose nó thiếu cái gì mà xin được cầu thân với anh chị? Con một ông tỷ phú, học vấn tốt nghiệp Sorbonne, chức vụ cố vấn Bộ Cải cách điền địa, lại rất trẻ và đẹp trai nữa. Theo anh thì thằng Rose thiếu cái gì?

Thỉnh thoảng trong câu chuyện chị Hoàng vẫn thường nhắc đến Jerry Rose. Bác gái tôi hồi còn sống cũng rất yêu hắn, coi như con nuôi. Ngày bác tôi mất hắn đi theo linh cữu, chít khăn trắng như người ruột thịt. Bữa hắn bị chết vì tai nạn máy bay cùng với Nguyễn Văn ứng là Bộ trưởng Bộ Cải cách điền địa tại Quảng Ngãi, cả nhà đều khóc, rồi đưa lên chùa cầu siêu. Ngày mới sang Việt Nam, Rose làm việc tại tòa lãnh sự Mỹ ở Huế, rồi cướp vợ của đồng liêu là Barnes. Barnes rút súng bắn tình địch, nhưng Rose thoát chết, chạy về Sài Gòn làm báo. Trước làm cho tờ Time sau làm cho tờ Washington Post. Quân và Rose quen nhau từ ngày ấy. Ai đã một lần nói chuyện với Rose đều nhận thấy hắn dễ thương một cách lạ lùng, e thẹn và rất ít nói. "Một người Mỹ không đáng ghét", đến với mọi người như một chàng trai tốt bụng, con nhà giàu và hết sức ngốc nghếch. Thực ra, cái anh chàng người Mỹ dễ thương nhất ấy lại là một nhân viên cựu trào của CIA, là người lên danh sách các nhân vật được cái quyền chửi Mỹ và lên án chính phủ bản xứ theo đúng giáo trình của trường "Đại học Nhà Trắng". Về sau này anh Chương và cả chị Hoàng đều biết việc đó do sự thổ lộ cố ý của Bill Kohlman, thằng què, như cách gọi của chị Đại. Sáng hăm chín tháng tư, Kohlman lại nhà riêng mời anh Chương đi cùng chuyến bay rời khỏi Việt Nam với hắn, nhưng anh Chương lại mắc họp với ông Minh lớn tại dinh Độc Lập bàn việc thành lập nội các hòa bình nên để lỡ mất.

Anh Chương trả lời câu hỏi hóc hiểm của Quân hết sức tự nhiên, anh là một chính khách thuộc phái mới, chơi bài ngỏ, không cần giấu giếm những lỗi lầm của mình.

- Thằng Rose là CIA còn có lý. Nó sang Việt Nam không để làm tiền, không để tạo thế, ắt hẳn phải có công vụ bí mật rồi. Còn chú Phùng cả Chợ Lớn biết gia đình chú mấy chục năm nay, không theo Tưởng, cũng không theo Mao, chỉ là tín đồ của Thần Tài, theo cái chủ nghĩa bao tử là đúng nhất? Chẳng lẽ chú Phùng là nhân viên của Xịa, Xịa mạnh đến thế mà thằng Mỹ cuốn cờ chuồn khỏi Việt Nam?

Quân với tay cầm ly rượu còn đầy của tôi rót sang cái ly cạn của anh, rồi hỏi mọi người:

- Các vị có muốn nghe một câu chuyện vui vui nhưng hơi dài dòng, chuyện kinh tế thôi chứ không phải chuyện chính trị, chuyện làm ăn ấy mà!

Chị Hoàng vẫn chưa hết nghi ngờ cái thằng em quỷ quái, nhưng chị vẫn trả lời:

- Chuyện vui thì được, thì lúc đầu tao đã nói mỗi người phải góp vào bữa ăn một chuyện vui.

Quân nhấp một ngụm rượu, nhìn buồn bã đĩa trứng muối trước mặt đã sạch nhẵn, nói khề khà với tôi, và tôi cũng hiểu được ngay anh muốn lấy tôi làm điểm tựa để tấn công vào một mục tiêu đã nhằm trước.

- Mấy ông nhà báo Hà Nội khi công kích nhóm cầm quyền nước này hay nước kia đã về hùa với Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam thường quá nhấn mạnh cái quan điểm chính trị của họ mà ít nhắc tới cái mối lợi của họ khi được thằng Mỹ chia phần. Cái chuyện kinh tế ấy mà, nhưng lại quan trọng lắm, rất quan trọng. Nhờ có chiến lược mở rộng ở Việt Nam mà Thái Lan xây cất được một hệ thống khách sạn cực kỳ tráng lệ cho vợ con Mỹ ở, mở rộng được sân bay cho máy bay Mỹ đậu nhờ, bán được gạo thừa vì Mỹ đang cần gạo đưa qua Việt Nam. Maroc cũng thích lính Mỹ mãi mãi có mặt ở Việt Nam vì quân nhu Mỹ sẽ đặt mua dài dài cá hộp Sumaco. úc thì bán được thịt gà cà-ri hộp, Nhật thì bán bao nylon đựng xác chết. Khi Mỹ rút quân, thằng Hồng Kông kêu thét vì mất toi một trăm triệu đôn mỗi năm do lính Mỹ qua nghỉ phép tung tiền vào các phòng trà và các tiệm may quần áo. Chẳng có dây trói nào bền hơn cái buộc của đồng tiền. Không có đồng tiền lăn qua lăn lại ai mà yêu nổi được ai?

Chị Hoàng ngắt lời:

- Nhà này quý thằng Rose không phải vì tiền. Bọn Mỹ thằng nào chẳng keo kiệt. Đến ăn cơm chỉ biết vác xác tới chứ có bao giờ biết cầm chai rượu theo.
Gặp gỡ cuối năm
- 1 -
- 2 -
- 3 -
- 4 -
- 5 -
- 6 -
- 7 -
- 8 -