watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Gặp gỡ cuối năm-- 6 - - tác giả Nguyễn Khải Nguyễn Khải

Nguyễn Khải

- 6 -

Tác giả: Nguyễn Khải

Chị Hảo đang thề sống thề chết với cả nhà rằng năm vừa rồi chị túng lắm, sang năm mới có vận mới thế nào, chứ tiêu pha như hiện nay thì chỉ ít tháng nữa phải bán hết nhà cửa, đồ đạc, vợ chồng, bà cháu đến dắt nhau trở ra Hà Nội thôi.

- Hai ông bà già, tám đứa cháu cả nội cả ngoại, mười miệng ăn, một mình tôi xoay sở sao nổi, sắp bị gậy đến nơi chứ sung sướng nỗi gì? Năm mới vào tôi lên mười cân, tháng trước cân lại tụt xuống gần như cũ. Mà ai cũng bảo bà Hảo phải có trong tay vài chục lượng vàng.

Chị Hoàng vênh mặt lên:

- Cô khổ mặc xác cô, nhưng làm sao mà khổ được. Năm cô mới vào thì cô túng, cô khổ, còn bây giờ thì cô sướng nhất họ. Mỗi tháng một thùng đồ từ ngoại quốc gửi về lại còn mở miệng kêu khổ, không sợ người ta chửi cho.

Chị Hảo thở dài đến não ruột:

- Ôi giời đất ơi, một tháng có thùng đồ thì chẳng có, nhưng một năm cũng được nhận giấy báo lãnh vài bốn lượt. Đi lãnh đồ hồi hộp như chờ ngày xổ của vé số ấy. Cũng là một kí lô hàng, người ta thì gửi cho nhau nào là radio cassette, là lụa Pháp, là Campollon, B12, cầm nhẹ tênh tênh nhưng bán ra toàn tiền ngàn cả. Hôm nọ em ra lãnh hàng ở Bưu điện có một bà nhận một gói hàng sao mà bé thế, mà nhẹ thế, đến lúc bà ta tháo dây, mở hộp, hàng tơ Pháp nó bung ra bằng một gian nhà, phải cả trăm mét, họ cuốn gói thế nào mà khéo ơi là khéo, cũng gọi là một kí lô hàng! Đằng này anh em con cháu toàn loại trí thức dở hơi, gửi cho chú thím, anh chị những bông gòn, hộp quẹt, những mì ăn liền, đường vàng, rồi cả slip và bánh mì sấy khô. Mở ra mà xấu hổ, đến người giao hàng họ cũng phì cười.

Anh Đại đã cởi áo ngoài, đầu hơi ngoẹo về một bên vai, mi mắt hơi cụp xuống như ngủ, một cách ngủ chập chờn của người già, bỗng mở choàng mắt nhìn ngơ ngác xung quanh, rồi nhìn cô em miệng múm mím như cười.

- Đừng kêu khổ, khổ hay sướng là do mình cả.

Chị Hảo càng kêu rên:

- Thì tại em cả mà. Một đời vất vả vì chồng vì con làm sao mà nhàn, mà sướng!

Anh Đại lắc lắc đầu, vẻ mặt hiền lành, mềm dịu như Phật sống:

- Không phải, tại cô nghĩ đến đồng tiền nhiều quá. Đồng tiền nó lạ lắm, càng đếm lại càng thiếu. Các cụ đã dạy: chớ có đếm tiền!

Anh Quý:

- Sao bảo sang năm mới, chị có Song Lộc chiếu?

- Thì nghe ông Chương nói thế, chứ đã có gì cầm chắc được.

Chị Hoàng cười khẩy:

- Bói toán con tườu, tính được tương lai đã không đến nỗi khốn nạn!

Anh Quý hỏi thành thật:

- Anh Chương biết được mệnh mình, tại sao năm 75 không đi luôn còn ở lại làm gì cho khổ?

Anh Chương trả lời rất tự nhiên:

- Biết chứ, vì biết được mệnh mình nên tôi mới không đi.

Chị Hoàng bĩu dài môi:

- Đừng có nói phét. Sao không dám bảo thẳng ở lại để chờ ngày làm tổng thống!

Anh Chương:

- Năm ấy, trong lá số tôi, Thiên Khôi nằm cung Sửu lại gặp Tuần gặp Không. Cái đầu mà gặp đao có bằng thép cũng phải rơi. Đi là chết, ở lại chịu đày đọa ít năm thì thoát. Tôi yên tâm ở lại, có bảo là ngu là khùng tôi vẫn ở lại.

Anh Đại gật gù:

- Biết được trước hả? Hay nhỉ. Ông Phan Huy Quát lãnh tụ chống Cộng mà dám ở lại chắc cũng là do cái số?

Anh Chương vẫn nói không cười:

- Cái đại hạn mười năm vừa rồi của tôi xấu lắm. Nửa đầu thì lên cao, nửa sau thì xuống thấp. Toàn hung tinh cả: Thiên Hình, Kình Dương, Lực Sĩ, Thất Sát, bị tù bị trói, bị đánh là lý đương nhiên. Còn đại hạn mười năm tới thì đẹp hơn nhiều, toàn sao lành: Thái Dương, Thái Âm, Tả Hữu, mà lại đắc địa. Nhưng bảo cầm chắc cả mọi việc đều tốt thì cũng khó lắm, còn ăn nhau ở cái đức nữa. Đức năng thắng số. Phật cũng bảo: cái đức có thể đổi được cả nghiệp. Năm ông cụ nhà này tổng đốc Hải Dương, có một tay tri phủ, tuổi chưa đến ba mươi mà làm nghề cai trị tuyệt giỏi, lại tài hoa. Ông cụ bảo hắn đưa lá số cho xem thì lá số đẹp quá, vào loại thượng cách, đã phải khen "thằng này chỉ khoảng bốn mươi tuổi phải làm đến đại thần". Trong dinh có một ông lục sự giỏi nghề tướng số lắm, khi ông cụ đưa lá số kia cho ông coi, thì ông ta than: "Cụ lớn kỳ vọng vào cái bộ xương khô này mà làm gì. Cung phúc đức của ông ta kém quá". Không ai tin hết. Nửa năm sau tay tri phủ bị tai nạn xe hơi chết thật. Đấy, cái đức thắng cái số là như thế. Lại một chuyện vui nữa. Năm tôi đi học tập ngoài kia, có một cựu đại tá, cải tạo đã rất tốt, bỗng dưng chuồn mất. Thằng điên thật, ngay ở trong này cứ luẩn quẩn trên đất liền cũng khó thoát, nữa là ngoài kia. Hai hôm sau hắn bị anh em dân quân bắt được, dẫn về, phải cùm chân xích tay mất nửa tháng. Rồi hắn cũng được tha, cho về cùng một lần với tôi. Đi đường tôi hỏi hắn: "Cậu tính thế nào mà dám liền đến thế?". Hắn nhăn răng cười: "Trong lá số tôi, cung Giải ách có Hóa Khoa. Bao nhiêu lần đã kề cái chết mười mươi mà rồi thoát cả. Nghĩ rằng cứ trốn bừa đi, may thì lọt, mà có bị cung Giải thì lợi hại nhất, gươm có kề cổ vẫn thoát như thường.

Tôi hỏi anh Quý:

- Riêng anh có tin ở tử vi không?

Anh Quý cầm tẩu ở tay, nói tư lự:

- Trước kia tôi cũng không biết có tử vi nữa, mình làm mình chịu vệc gì phải hỏi ai. Cái năm tôi bị mấy ông cách mạng tạm giữ hai tuần, trong bụng đã lo quá, trung úy, đại úy còn đi tù huống hồ anh đại sứ. Khi anh em cán bộ hỏi xu hướng chính trị của tôi, tôi đáp: "Tôi không làm chính trị, tôi chỉ là viên chức của Bộ ngoại giao thôi". Họ nhìn nhau cười, rồi vặn: "Đại sứ khng làm chính trị thì ai làm?" - "Chỉ mấy thằng bự thuộc đảng này phái kia họ làm thôi, còn bọn tôi có ai để tâm đến chính trị, tôi là phản động nay đã hối cải, có khi họ thương là thật mà tha cho. Thật tình mình không để tâm tới chính trị, mà chỉ mài giũa có cái nghề của mình, cái toi cũng không tin, hả? Vậy mà mấy ông cách mạng tin đấy, có tin mới cho mình tự do thế này chứ! Bị giữ đã mươi hôm, nóng ruột quá, ăn khổ, ngủ khổ, tắm khổ cũng được, không sao, nhưng mà lo, lo phải ngồi tù đến mãn đời. Đến ngày thứ mười một, có một thằng cha làm ở tòa án bị giam cùng phòng, lấy giúp mình một lá số. Tính toán một hồi rồi bảo tiểu hạn của ông nhẹ lắm, có quý nhân phò trợ, chỉ nội năm sáu ngày nữa là được tha thôi. Chuyện bố láo! Quý nhân bây giờ đều là ngụy cả, phò trợ cách nào? Mà có được nhận xét đến thì cũng phải dăm ba tháng nữa là nhanh. Đến ngày thứ mười lăm, có một anh cán bộ bước sồng sộc vào phòng giam, hỏi to: "Ông nào là Bùi Quý?". Tôi đứng lên. "Ông mang tư trang theo tôi nhá!". Tôi xếp quần áo gối đầu cho vào cái túi xách tay, chào anh em rồi bước ra cửa, nghĩ bụng phen này là án đã thành, chưa biết bị giam ở Chí Hòa hay lao khám nào khác. Không chừng còn bị đưa ra ngoài Bắc cũng nên. Ông làm ở tòa án bỗng gọi theo: "Ông Quý, còn bát đũa của ông này!". Anh cán bộ bảo: "Khỏi cần!". A, thằng tù không cần mang theo bát đũa thì hoặc đem bắn, hoặc tha về. Bắn chắc chưa phải, hẳn là tha rồi. Tha thật, ở tù đúng mười lăm ngày. Sao lại may mắn đến thế! Về nhà nghĩ cứ sợ mãi cái lão làm ở tòa án. Chẳng hiểu cái thân của ông ta nay ra sao, vẫn còn ở trong tù hay đã được trở về với gia đình?

Quân đã đòi thêm một tách cà phê pha đặc, khen bà Bơ pha quá ngon, nếu mở quán có thể vào loại nổi tiếng, ấy là với những khách hàng cốt đến uống tách cà phê ngon chứ không nhằm cái gì khác.

Chị Hoàng che miệng cười:

- Này, tôi với bà Bơ có thể mở quán cà phê ôm được đấy!

Anh Chương cau mặt:

- Cái bà này ăn nói mỗi ngày một tệ.

- Bây giờ đổi đời rồi bố trẻ ạ. Bà xuống làm con, ông xuống làm thằng. Cho tôi hỏi, hồi ở ngoài kia đã có lúc nào ông bị người ta gọi là thằng chưa?

Quân nói lảng:

- Chỉ có mấy người ngồi đây mà đã có hai nhà trí thức cỡ bự tin ở tướng số rồi. Cái "đảng" này xem chừng mạnh dữ a!

Anh Quý chữa:

- Chưa hoàn toàn tin như ông Chương, nhưng cũng đã bắt đầu có tin.

Quân:

- Anh tính toán những việc sắp tới bằng tử vi hay bằng sự hiểu biết của chính anh?

- Phải là mình chứ, nhưng cũng có trông chờ chút ít vào cái vận may rủi. Mọi người đều thế cả, hay riêng nhà báo thì không thế?

Quân cười khó hiểu:

- Tôi cũng có được một cách đoán vận may rủi, thường là đúng lắm, nếu anh muốn thì lát nữa tôi coi cho.

Anh Quý ngồi nghiêng người, tay cầm tẩu tì nhẹ lên cạnh bàn, mắt hơi nheo lại nhìn anh chàng nhà báo, một cái nhìn thật kiêu kỳ, thật trí thức:

- Anh đoán thế nào được cái vận sắp tới của tôi, không một thuật ngữ nào đoán được cả. Nếu tôi có được một chỗ dựa vững chắc cho một cách nghĩ, tức khắc tôi sẽ biết cách tự khu xử...

Rồi anh nói với anh Hảo:

- Tôi giống anh rất nhiều phương diện chỉ khác nhau anh chọn lựa đúng nên anh thắng, tôi chọn lựa nhằm nên tôi thua. Anh không phải thay đổi một cách nghĩ, còn tôi phải làm lại từ đầu. Hiện nay trong tôi là một khoảng trống đến dễ sợ. Tôi không tự giải đáp được tất cả, tôi chưa tìm ra một lý lẻ nào để sống, sống với các anh, sống cho riêng tôi. Các anh là những người yêu nước vĩ đại nhất, đúng! Các anh dám hy sinh tất cả những gì thuộc về cá nhân cho nền độc lập của Tổ quốc, đúng! Nhưng các anh có biết thương cái số phận khốn khổ của người dân trong này qua nhiều cơn biến loạn không? Trong các diễn văn thì có nhưng còn những biện pháp thực hiện cụ thể? Các anh có rộng lượng, thể tất cho những kẻ đã từng hợp tác với địch không? Chính sách thì nói rõ lắm, nhưng còn trong cách đối xử hằng ngày? Nghe người trên nói tôi tin, nhìn đến người dưới làm lại buồn, lại không tin nữa. Sáng thì tin, tối lại không tin. Tin và không tin, sống không nổi, anh Hảo ạ. Năm 45 và năm 54 rất khác với năm 75. Thời thế khác, nhân tâm khác, có bao nhiêu quan niệm đã đổi khác từ ngày Mỹ sang, không dễ một sớm một chiều đã xóa bỏ được. Các cụ bảo: đa thư thì loạn tâm, càng biết nhiều càng bối rối, nhưng không biết nhiều thì làm sao định được thế nào là thật, thế nào là giả và mình phải lựa chọn cái nào? Phải lựa chọn mỗi ngày và qua mỗi việc. Họ nói thế làm thế là đúng hay sai? Hình như lúc này tôi nghe bên nào nói cũng có điều phải cả. Mà đã phải cả tức là không còn phân biệt chính tà nữa, thái độ hỗn loạn, hành động hỗn loạn, tưởng là làm đúng mà hóa ra lại rất sai. Chưa bao giờ cái anh trí thức, nhất là anh trí thức vừa được cách mạng đem lại tự do, phải vất vả lựa chọn như bây giờ. Đã bảo nhau phải theo cách mạng, ủng hộ triệt để cách mạng, thiếu thốn mấy vẫn chịu được, nhưng cách mạng đâu đã tin. Vào làm cơ quan thì chưa được giao việc đúng với khả năng, nói thật lại cho là nói láo, nói xách động, không nói, lại như người bàng quan, người của chế độ cũ, người thất bại với bao nhiêu mặc cảm. Thái độ hiện nay của một bộ phận trong giới trí thức Sài Gòn là chờ xem, đã chờ xem là vô trách nhiệm rồi, là rất không nên rồi. Nhưng chúng tôi phải làm gì? Hãy trả lời tôi đi! - Anh chợt ngừng lại, đưa mắt nhìn bọn tôi với cái ý giễu cợt, tự giễu anh thì đúng hơn, rồi cười xòa, nói tiếp: - Mà thôi, các anh khỏi phải trả lời. Đòi ở các anh một lời hứa hẹn, một chút ve vuốt rồi mới định được cái thái độ sắp tới nghĩ cũng kỳ, có phải không?

*

Anh Chương tự nhận mình là kẻ thất bại, một đời làm chính trị thất bại, anh Quý cũng thế, song giữa họ lại rất khác nhau. Anh Chương luôn luôn là người của một thể chế chính trị, của một phía, thái độ rõ ràng. Chí nguyện của anh Quý khiêm tốn hơn, anh chỉ mong được là một trí thức - viên chức, là người có tài nhưng cái tài ấy phải được người cầm quyền sử dụng thì mới có cơ hội bộc lộ. Trong số những người Việt Nam học luật ở Paris thì anh Quý là người đầu tiên và cũng là người sau cùng được công nhận là Thư ký hội đồng các luật sư Paris. Học vị như thế nhưng có trở về cái xứ thuộc địa hành nghề, không khéo suốt đời cũng chỉ là anh thầy cãi vô danh và túng kiết. Năm 55, Diệm bắn tin muốn mời anh ra làm việc, ai cũng nghĩ anh sẽ từ chối, nhưng thật bất ngờ, anh lại nhận lời đến là nhanh nhảu. Con người trí thức rất khó chập nhận một ông cựu thượng thư đầu óc thì hủ lậu, dáng vẻ thì quan cách, vốn là người của Pháp, sau là người của Mỹ, chẳng có tư cách gì để đứng đầu một chính phủ tự xem đã thoát ách thực dân. Nhưng con người viên chức lại hết sức hỉ hả, vì đã có một cơ hội để xuất đầu lộ diện. Năm 57, Diệm sang Mỹ thì anh Quý là cố vấn hạng nhất của sứ quán Sài Gòn tại Hoa Kỳ cùng với Trần Văn Chương là đại sứ, còn bà vợ của ông này thay chồng làm quan sát viên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Anh Quý trông nom việc đón tiếp, nên bà vợ ông đại sứ liền nói nhỏ với ông cố vấn: "Ông Diệm không có vợ, tôi xin đi theo ông Diệm trong suốt chuyến công du, vậy tôi sẽ là first lady nhá?" Anh Quý trả lời: "Ông Diệm không vợ là không vợ, không thấy ai bảo phải thay thế bằng một bà đệ nhất phu nhân, nếu bà đi theo thì cứ đi với danh nghĩa là bà vợ ông đại sứ". Thế là anh viên chức mẫn cán lại muốn trở về con người trí thức tự do rồi! Luật lệ nào, hả? Mẹ vợ ông Ngô Đình Nhu muốn, tức là vợ chồng ông cố vấn muốn, cậy có bằng cao mà dám chọc vào ổ kiến lửa chăng? Năm anh Quý sang Pháp làm việc cùng với Phạm Duy Khiêm cũng vẫn gặp một chuyện rắc rối có quan hệ tới gia đình tổng thống. Bà Nhu có một bà dì là bà Nguyễn Thiều, chồng chết, rất đẹp và cũng rất lẳng đến nói với cháu xin chân thư ký tại tòa soạn đại sứ ở Paris. Ông Khiêm xưa có tằng tịu với bà chị, tức là mẹ Trần Lệ Xuân nên cũng không muốn đưa tay ra hứng lấy cô em góa bụa của người tình cũ. Riêng anh Quý thì giận dữ ra mặt, bà Thiều chưa bao giờ là viên chức của Bộ Ngoại giao, chỉ vì có quan hệ họ hàng với người cầm quyền lớn mà Bộ Ngoại giao phải bổ nhiệm. Một ông đại sứ, một ông sứ thần hạng nhì đồng lòng không nhận người thì Bộ phải chịu, nhưng vợ chồng ông cố vấn nhất định sẽ để tâm. Nhân Khiêm được Vincent Auriol là tổng thống Pháp lúc bấy giờ trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh, Diệm liền cách chức đại sứ và gọi về nước với lý do các đại sứ không được qua mặt tổng thống nhận huân chương của chính phủ nước ngoài. Khiêm không về, xin cư trú chính trị tại Pháp, làm nghề dạy học, và lúc rảnh ngồi viết một truyện tình bằng tiếng Pháp, bỏ tiền tự in lấy, nhan đề Nam et Sylvie văn chương lâm ly, thảm thiết đại loại kiểu Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Quý cũng bị gọi về vì chuyện này, ngồi chơi xơi nước ở Bộ Ngoại giao, không bị đuổi hẳn nhưng cũng không được giao việc mới. Mất chức đã đành nhưng còn mất luôn cả bè bạn, vì đã là người của gia đình Ngô Trần tức là phải đối mặt với tất cả những ai còn lại. Diệm đổ, rồi Minh đổ, Khánh lên, lại thêm một lần lựa chọn mới. Nguyễn Khánh là người Trà Vinh, dân cậu, xuất thân là học sinh trường quân sự Nước Ngọt của Pháp, ăn chơi đàn hát thì được chứ làm chính trị hồi nào, so với Diệm cái nấc thang xã hội của kẻ cầm quyền còn tụt xuống một bậc xa hơn.

Nhưng khi Nguyễn Khánh mời Bùi Quý phụ giúp Nguyễn Văn Bông là Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, soạn thảo hiến chương Vũng Tàu, thì anh lại không thể từ chối. Một cơ hội quá đẹp để dương danh với thiên hạ! Nhưng vẫn là một tính toán nhầm lẫn. Bản hiến chương bị dân chúng Sài Gòn đả đảo kịch liệt, đến chính Khánh cũng phải hô theo "Đả đảo hiến chương Vũng Tàu!" và tự tay xét bỏ. Nếu như anh Quý còn lại một vài người bạn nào đó để tâm sự, để than thở thì lần này coi như mất sạch. Không ai có thể tin được một trí thức tự do lại có thể bênh vực một thể chế sặc sụa mùi vị độc tài. Lại thất bại, lần sau còn đau đớn hơn cả lần trước. Khánh đổ, một nhóm quân nhân nổi lên tranh đoạt nhau nắm quyền điều khiển quốc gia. Năm anh Quý còn ở Mỹ, thì các danh tướng của chế độ mới là cấp úy, cấp tá được cử sang Mỹ học về quân sự. Họ còn trẻ lại được Mỹ chọn dùng để lần lượt thay thế các ông đại tá già do các trường quân sự Pháp đào tạo. Hồi ấy, Lê Nguyên Khang là trung úy, Vĩnh Lộc là thiếu tá, Cao Văn Viên là trung tá, Nguyễn Văn Thiệu, trung tá, giám đốc trường võ bị Đà Lạt, còn Nguyễn Chánh Thi mới là đại úy nhậm chức chứ chưa được đại úy thực thụ. Những anh trung tá, thiếu tá, đại úy quèn, tiếng Pháp nói thì được nhưng viết chưa được, tiếng Anh lại chưa thông thì bình đẳng làm sao với nhà ngoại giao xuất thân là tiến sĩ luật. Dăm sáu năm sau, thời thế đổi thay, các sĩ quan học trò năm xưa đã là những ủy viên đầy quyền thế của các hội đồng tướng lĩnh, ủy ban hành pháp, ủy ban lãnh đạo quốc gia, có quyền triệt hồi, cách chức, lưu đày, bỏ tù tất cả những ông đại sứ có bằng cấp cao nhất. Thế sự đã đảo điên đến thế thì còn hy vọng gì được ăn thịt! Ăn rau thôi, ăn rau đến mãn kiếp! Nào ngờ, trong đám võ biền lại có kẻ chợt nhớ tới cái ông tiến sĩ luật và tiến cử ông đi làm đại sứ ở Tây Đức. Thật khó cho anh biết chừng nào, vì vẫn khinh họ thật, vẫn ghét họ thật nhưng miếng mồi họ mời mọc lại thơm ngon quá, ngoảnh mặt không nổi. Nửa đời người ao ước mà chưa được, bỗng dưng cái chức tước thèm muốn rơi đến tận tay, đành chịu tội với thiên hạ vậy, chứ nỡ nào để cái tài của mình mai một với tuổi già. Anh viên chức vừa được mãn nguyện, thì anh trí thức lại muốn bày tỏ nỗi niềm riêng. Anh phàn nàn với người này và người kia về sự có mặt của lính Mỹ tại Việt Nam đã quá lâu và quá nhiều; anh phản đối người bạn đồng minh đã nhân danh tự do để mặc sức xả bom đạn tiêu diệt một dân tộc đang đấu tranh cho tự do; anh tiên đoán chế độ Việt Nam cộng hòa không thể tồn tại lâu dài nếu người cầm quyền cứ mải chạy theo cái chiến xa của Mỹ. Là người đại diện cho một thể chế lại công kích chính cái thể chế mình được ủy quyền, nên lập tức ông đại sứ bị triệu hồi, tra vấn cứu xét ít lâu rồi sang làm đổng lý văn phòng của Bộ ngoại giao, có danh vị nhưng không có quyền hạn, gọi là được trọng cũng chỉ cái bề ngoài. Một năm sau anh Quý đệ đơn xin từ chức, dứt bỏ hẳn giấc mộng quan trường để được sống hoàn toàn với con người trí thức. Nghĩ cho cùng, cái mồi phú quý thế mà độc. Đã ngậm được nó thì chớ có hả miệng ra. Đã há miệng ra thì rất dễ rơi tuột. Anh viên chức có thể một đời ngậm miệng, nhưng anh trí thức đôi lúc đú đởn lại muốn há miệng ra. Đã là người làm thuê thì không thể là bậc trí giả, là người của phú quý thì không thể là người của đạo lý. Trong hai phải chọn lấy một, sống nhập nhằng ở khoảng giữa là khổ lắm, không làm được việc gì cho hẳn hoi mà cũng không nói được câu gì cho xuôi lọt. Thì vừa mới đây khi anh bộc bạch những lời tâm huyết với chế độ mới, lo âu cho nó, băn khoăn về những chính sách phải có của nó, nhưng có ai chịu nghe anh một cách trân trọng đâu. Vì khi nghe con người trí thức trong anh nói không thể không nghĩ tới cái bả phú quý anh đã chịu lụy trong nhiều năm. Anh trí thức có quyền phê bình điều này điều kia, câu đúng câu sai vẫn có thể nghe được. Nhưng cái viên chức đã từng được ưu đãi thì có quyền gì mà hóng hớt? Nó khó là thế! Quân đã nói làm người rất khó, làm người trí thức cho đúng cái nghĩa của nó tất nhiên lại càng khó.

*

Bình nói với tôi:

- Bây giờ chú có đi đâu cũng nghe người ta nói đến giá cả, đến đồng lương và các cách kiếm ra tiền. Cháu xin kể chú nghe một chuyện có liên quan đến đồng tiền, đến sức mạnh quyến rũ của đồng tiền. Cháu có một thằng bạn rất thân, cùng học với nhau ở Liên Xô mấy năm, rồi lại cùng vào nhận công tác tại thành phố này. Năm vừa rôi, tức là năm 79, hắn có mấy tin vui liền: được đề bạt làm phó giám đốc một xí nghiệp hóa chất, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Và một tin không được vui lắm: cô vợ có bầu đứa con thứ hai. Hắn về xí nghiệp được một tháng thì vợ bị sảy. Lương hai vợ chồng khoảng một trăm rưỡi, một con, lại vợ đau, tiêu pha ở cái đất Sài Gòn này, làm sao mà không túng thiếu. Ngoài Hà Nội ít ai giắt tiền tiêu vặt bằng giấy mười đồng, còn trong này ngay tờ năm chục cũng nhàu nát, đen bẩn, có dễ đến cả ngàn vạn bàn tay giành giật, tranh cướp nó trong ngày. Cái mãi lực của một thành phố lớn đến dễ sợ. Có thể gác bỏ việc tiêu sắm những món lớn, nhưng không thể không mua thuốc cho vợ con (vì có những đơn thuốc phải kiếm ngoài mới có), không thể không mua cái ăn hằng ngày, lại cũng không thể nói với bạn bè và người thân rằng chúng tôi đã hết tiền xin quý vị khi khác hãy lại thăm. Một bữa cơm mời khách, khách thân tình đến thăm nhau, chứ không phải khách nhậu nhẹt, cũng phải tiêu khoảng ba bốn chục bạc. Một bữa cơm mời mất đứt một nửa tháng lương. Rồi còn phải đóng góp vào việc vui buồn của thiên hạ, cuộc sống xã hội mà, tránh sao được, vả lại cũng không nên lẩn tránh. Ngã xe không lo đầu gối sưng mà chỉ buồn vì bị rách một miếng quần. Mất cắp một bộ quần áo, một chiếc xe đạp là một tai họa. Cháu xin nói tiếp câu chuyện của thằng bạn. Nó túng quá nên nó phải đi vay. Vay bạn chỉ được dăm mười đồng chẳng giải quyết được gì. Cuối cùng phải vay thằng phụ trách vật tư, nó có tiền nên mỗi lần vay được hai trăm, bốn năm lần vay đã nợ có trên ngàn đồng. Cứ biết là vay chứ kiếm đâu ra tiền mà trả. Gia đình cán bộ chỉ có thể gom tiền bằng cách nuôi heo, nhưng vợ ốm, con nhỏ, nấu cơm ăn còn chẳng xong nói gì tới chuyện nuôi heo. Cứ biết là nợ, còn trả bằng cách nào thì sau sẽ tính. Vì cậu đó không tính được nên cái thằng vật tư buộc phải tính giúp, vì ở Sài Gòn không ai cho vay không cả. Đồng tiền ở đây đẻ nhanh hơn ở Hà Nội, miễn là biết cách luân chuyển. Găm tiền một nơi cả năm là tối k��à con ở đây có thói quen trữ vàng với đôla, đó là hàng hóa, chứ không quen trữ tiền mặt như người ngoài kia. Trong kho của xí nghiệp lúc này có ba thùng soude nấu xà bông khoảng năm trăm kí lô, mà lại không nằm ở sổ sách nào, vì khi kiểm kê đã bỏ sót. Thằng vật tư chỉ xin với đồng chí phó giám đốc phụ trách về kỹ thuật và vật tư ký giấy xuất kho cho hắn, chỉ cần thế thôi, và cũng rất hợp thể thức, còn mọi việc sau đó tự hắn sẽ lo liệu lấy. Một chữ ký được chục ngàn, tiền nợ cũ coi như xong, chỗ anh em với nhau em có thì anh dùng có gì mà nợ. Nhưng cái thằng vật tư ăn tham quá chỉ muốn chia đôi cho phó giám đốc, bỏ qua thằng thủ kho. Thằng thủ kho cũng là đứa tinh, biết là có chuyện mờ ám liền ghi hàng xuất ra khỏi kho và báo lên trên. Chỉ trong vòng một tuần cái việc mờ ám nọ hoàn toàn bị vỡ lở. Hiện nay thằng bạn cháu bị đình chỉ công tác, nằm nhà, không khéo còn bị đuổi ra khỏi Đảng. Vừa mới hôm qua, cháu đến thăm vợ chồng nó, giận có ít mà thương rất nhiều. Hai đứa chỉ nhìn nhau rồi khóc. Nó không kêu xin, không oán trách, sẵn sàng chấp nhận cái số phận không may mắn. Nhưng rồi vợ chồng nó sẽ sống ra sao? Cháu tự hỏi vậy, với số lương một trăm rưởi một tháng và món nợ ngót nghét hai ngàn? Nó sẽ tốt lên hay sẽ xấu đi? Cháu sợ rằng nó sẽ xấu đi. Khi đã quẫn thì dễ liều lắm, ai mà tính được trước những hành động tệ hại của một anh liều. Còn một câu chuyện nữa cũng rất thương tâm, nhưng theo một cách khác. ở công ty cháu có một anh trung úy chuyển ngành, làm công tác kỹ thuật tại một xưởng máy. Anh ấy là người Hà Nội, vào Nam chiến đấu từ những năm sáu mươi, có ba bốn huân chương, lấy một cô vợ Sài Gòn, không đẹp nhưng rất hiền, và đã có với nhau một đứa con. Lương chồng khoảng trên tám chục, vợ là nhân viên kế toán một xí nghiệp dệt, lương bốn mươi lăm đồng. Lại một bà mẹ vợ nữa. Một trăm ba chục đồng những bốn miệng ăn. Túng lắm. Nhưng vào nhà không ai biết họ túng. Lúc nào cũng đàng hoàng. Nói chuyện không ai nhắc đến miếng ăn, đến tiền bạc, đến sự túng thiếu, vợ chồng mẹ con bảo nhau thật khéo. Nói thế, chứ túng vẫn là túng, không nhắc đến tiền nhưng hằng ngày vẫn phải tiêu tiền. Cuối cùng, anh bạn cháu phải mượn tiền mua một cái xe máy cũ làm nghề chở khách, ban ngày là cán bộ nhà nước, tối đến và ngày nghỉ là anh lái xe Honda ôm. Rồi lại mua một cái máy lạnh, chữa lại thành máy làm đá, một tháng kiếm thêm khoảng năm, sáu trăm đồng. Lần này thì sống đàng hoàng thật, dư dật thật, chứ không phải giả cách nữa. Mời bạn đến nhậu đã dám mua mực khô, thịt bò, hoặc có giết con gà, con vịt cũng không phải tính toán nhiều lắm. Một tối hai vợ chồng đều bảo cháu đến ăn cơm, chồng đã bảo rồi, vợ còn đạp xe tới nhắn lại. Bữa cơm tối cũng chỉ có một mình cháu là khách mời, và một đứa cháu làm công nhân ở Ba Son. Uống được vài hớp rượu, anh bạn cháu hỏi: "Chú Bình thấy đời sống của vợ chồng tôi dạo này thế nào? Dư dật lắm hả? Đúng là khá quá, phải không?". Nghe câu hỏi đã lạ, ngắm nhìn vẻ mặt gượng gạo của cả gia đình càng lạ hơn. Có tiền, có nhiều tiền mà xem chừng không được vui như trước, ấm cúng như trước, hồn nhiên như trước. Có chuyện gì thế? Cháu nín lặng không trả lời. Chị ấy mách: "Hồi này anh hay uống rượu quá chú à. Trong miệng lúc nào cũng có mùi rượu, tôi buồn quá". Anh chồng nói khiêu khích: "Ô hay, đã làm cái thằng lái xe Honda ôm lại không uống rượu, hả? Cái bệnh nghề nghiệp mà!". Cháu vẫn cúi mặt xuống ăn, ăn cho xong rồi còn chuồn. "Sao bữa nay chú ít nói thế, không nói cũng được, có chuyện gì mà nói, chẳng lẽ tôi lại kể cho chú nghe tôi đã kiếm tiền như thế nào, cò kè từ năm mươi xu tới một đồng như thế nào. Đã kiếm cơm thì còn tư cách gì nữa!". Bà cụ chỉ ăn có lưng bát rồi bồng cháu đứng lên, lấy cớ nó phá quá, các chú không nói chuyện được. Anh bạn cháu đưa mắt nhìn theo, gầm gừ: "Cho nó đi ngủ luôn đi, má ạ. Ai không uống, không ăn thì đứng dậy luôn đi. Tôi sẽ ngồi một mình cả đêm nay". Người vợ nhìn chồng nước mắt rơm rớm, trách nhỏ: "Mình lại say rồi, uống ít thôi, ngày mai còn dậy sớm". Anh chồng nói gay gắt: "Tôi không cần đi làm nữa, nhà nước trả lương có tám chục, tôi chạy xe một tháng sáu trăm, tôi không đi làm nữa, xin nghỉ hưu, để thành một thằng lái Honda ôm hoàn toàn". Nói được thế phải là người còn tốt lắm, anh đâu có hoan hỉ, có thỏa mãn với sự đầy đủ của hôm nay. Xem ra anh vẫn tiếc ngày hôm qua, sự túng thiếu trong sạch của hôm qua. Không một ai dám cãi lại anh, anh nói lảm nhảm một mình, rồi bưng mặt khóc, nghe tiếng khóc mới thảm chứ. Anh chưa say đâu, làm ra vẻ say để có dịp nói tuột nỗi lòng của anh thì đúng hơn. Anh nhìn cháu một lúc lâu, chén rượu vẫn cầm ở tay, rồi bảo: "Nửa năm rồi, tôi chỉ nhận ra có một điều: đồng tiền không thể làm ra hạnh phúc. Nghe xưa quá, cổ quá, chú nhỉ? Đã có hàng triệu người nói như vậy rồi. Có vở kịch nào, cuốn sách nào không có một câu tương tự. Nhưng hồi trẻ, tôi không tin. Chẳng qua mấy anh không có tiền mới nói như vậy, viết như vậy, chứ người nhiều tiền đâu có nghe họ nói gì. Họ cứ nín lặng làm tiền và tiêu tiền. Mà vẫn rất hạnh phúc. Có tiền mua tiên cũng được, phải không chú? ở thời buổi này có nhiều tiền vẫn sướng lắm. Bất cứ cơ quan nào cũng có dăm ba thằng hám tiền ngồi sẵn ở đó rồi, xin gì mà không có tiền lót tay là không xong. Xin nhà, tiền; xin việc làm: tiền; vô bệnh viện: tiền; mua được thuốc hiếm: tiền; kiểm tra bằng lái xe: cũng vẫn tiền. Trong các mối quan hệ giao dịch, đồng tiền mở cửa, rồi giấy tờ mới theo sau. Sức mạnh của đồng tiền ghê gớm đến thế, nhưng tôi vẫn cam đoan với chú: đồng tiền không thể nâng cao phẩm giá con người. Ngược lại là khác, hoàn toàn ngược lại. Tôi nói điều này với tư cách là người đang có tiền, mà đồng tiền vợ chồng tôi kiếm ra cũng lương thiện, cũng chính đáng. Nhưng tôi đi theo cách mạng, dám nhận mọi hy sinh, kể cả cái chết, không phải để cuối cùng có được nhiều tiền. Về Sài Gòn, tôi chịu đói, chịu thiếu cả mấy năm không phải vì tôi hèn không thể kiếm nổi ra tiền. Đồng tiền không thể là lý tưởng của vợ chồng tôi, của gia đình tôi. Tôi muốn một cái gì đẹp hơn, cao hơn thế, tôi muốn thực hiện cái lý tưởng của người cộng sản, tiêu diệt mọi tệ nạn xã hội sinh ra chỉ vì sự hoành hành của đồng tiền. Điều này tôi chỉ dám nói với chú thôi, tôi tin rằng chú hiểu tôi. Còn tâm sự với anh em họ chỉ ừ ào, mọi người đều thế cả sao mình lại muốn sống khác đi, nghĩ khác đi, có khi lại còn cho là tôi gàn, nếu không gàn thì cũng rởm, làm ra vẻ, đã lái xe Honda ôm, đã làm đá bỏ mối bán còn bày đặt băn khoăn, đau đớn vì không được sống như lý tưởng! Gàn! Rởm! Đạo đức giả! Có khi tôi chỉ là như thế thật. Vì tối nay đây, tôi vẫn lại nhảy lên xe đến bến đợi khách bên chợ Xóm Chiếu. Sáng mai trước giờ đi làm, bà xã tôi vẫn đem đá đi bỏ các tiệm quen, và tối về vẫn có thịt để ăn, có rượu để uống. Cuộc sống mà, năm nay còn thắc mắc, năm tới sẽ hết mọi thắc mắc, sẽ an tâm và vui vẻ mà làm tiền, không chừng lại hiểu được ra rằng chỉ mấy thằng nhà báo, nhà văn kiết túng mới đứng ngoài dè bỉu đồng tiền, chứ thật ra có tiền vẫn cứ tốt, càng nhiều tiền càng tốt, nó làm người ta sang trọng hơn, có nhiều bạn bè hơn và tìm ra hạnh phúc cũng dễ hơn!
Gặp gỡ cuối năm
- 1 -
- 2 -
- 3 -
- 4 -
- 5 -
- 6 -
- 7 -
- 8 -