watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Lối đi ngay dưới chân mình-Chương 2 - tác giả Nguyễn Lê My Hoàn Nguyễn Lê My Hoàn

Nguyễn Lê My Hoàn

Chương 2

Tác giả: Nguyễn Lê My Hoàn

Cái làng quê của tôi, nó nghèo thật là nghèo, nó lam lũ thật là lam lũ, vậy mà chẳng hiểu sao tôi lại yêu nó vô cùng. Được nghỉ một, hai ngày dịp lễ, hay bất chợt một lúc nào đó chợt nhớ mẹ, nhớ làng đến cồn cào, tôi lại ra bến xe khăn gói về thăm nó, không đợi đến ngày chủ nhật cuối tháng tôi vẫn về.
Cái làng quê của tôi, vì nghèo quá mà người ta đôi lúc tị nạnh nhau về của ăn, của để, nhưng với cái chữ thì người ta trọng vô cùng. Tôi không phải là người duy nhất của làng lên Hà Nội học Đại học, nhưng tôi là con gái, mặt mũi trông sáng sủa, dễ coi, ăn ở với chòm xóm không có điều tiếng gì lại biết lăn lưng vào các công việc nặng nhọc của nhà nông, nên hầu như cả làng ai cũng mến.
Mỗi lần tôi về, bà Lam già hàng xóm lại quấy cho tôi ăn bánh đúc. Bà quấy ngon lắm. Miếng bánh trôi vào cổ cứ mát lừ đi, một thứ mát dịu dàng có mùi thơm ngan ngát của đồng quê ...
Nhiều lần tôi phụ bà xay bột, rồi xem bà làm bánh. Những khi bánh quấy xong, tôi hay giành múc vào trong những cái đĩa đàn, bà đã bày trên cái chõng tre. Bà bắc cái ghế con ngồi phe phẩy quạt cho bánh mau ráo, chóng nguội, thường chửi yêu mỗi lúc tôi không kìm được tính háu ăn, bốc vội miếng bánh mịn màng cho vào trong miệng ...
Tôi gạo bài như một con mọt sách chính cống và ít đi chơi đâu xa.
Ở trường, tôi phải đọc rất nhiều. Không phải sách văn học mà là các sách tham khảo về kinh tế chính trị, thống kê, tiền tệ và Ngân hàng ...
Chúng tôi được đưa đi thực tập ở các cơ quan, xí nghiệp và phải tập viết các đề án kinh tế.
Giữa năm 1993, tôi và một con bạn xin giấy về nhà máy thuốc lá Thừa Thiên thực tập. Nhỏ Huyền Thảo xin thực tập ở Huế đơn giản vì người yêu của nó đang làm việc tại Huế, ngay ở cái nhà máy thuốc lá kia. Anh học cùng trường nhưng trên tụi tôi hai khoá. Tôi theo nó về Huế vì đây là dịp để tôi đi xa, nhìn ngó ngoài đời xa hơn cái làng quê hiền lành của tôi và Hà Nội phồn hoa bao lâu rồi tôi đã quen thuộc.
Tôi đã gặp Danh ở một quán cà phê khá thơ mộng bên bờ sông Hương. Quán Gió thì phải. Hai bên bờ sông Hương có nhiều khoảng lý tuởng để người ta đặt một cái bàn con với vài chiếc ghế tạo một tụ điểm khá mơ màng cho những người bạn gặp nhau, chuyện gẫu hoặc chẳng cần nói gì cả, bên những phin cà phê cứ nhỏ từng giọt như đếm ... Danh bảo:
- Huế chỉ hợp cho những cặp tình nhân và những du khách nhàn du đi vãn cảnh, không phải là nơi cho Hoà Bình viết đề án kinh tế đâu. Vào Đà Nẵng với tôi đi, tôi sẽ giúp Hoà Bình viết đề án. Không tệ đâu.
Danh có mái tóc thật dài, cột dỏng lên như đuôi ngựa. Dáng thật cao và lòng khòng, tay chân dài quá khổ. Con trai như thế cũng khó gọi là đẹp.
Huyền Thảo rất ủng hộ lời đề nghị của Danh:
- Đi đi. Tao với mày cùng chen chân trong cùng cái nhà máy này coi chừng tư tưởng lớn đụng nhau mãi thì phiền. Danh đàng hoàng lắm, tao lấy đầu ra mà bảo đảm đó. Ổng là bạn thân của bồ tao ...
Bạn bè như nó thì hết nói. Rủ bạn vào đây, giờ lại đá đi chổ khác. Sự tôi cản mũi hai ông bà chăng? Đã thế thì tôi đi luôn cho bõ ghét.
Tôi khăn gói vào Đà Nẵng sau khi đã liếc mắt qua Đại Nội và ngó xem lăng Khải Định tròng méo ra làm sao
*
* *
Đà Nẵng quả có vẻ hợp cho làm ăn kinh tế hơn Huế thật. Vừa có cảng, vừa có sân bay, một khu chế xuát đang tiến hành xây dựng ở khu công nghiệp Hoà Khánh, nghe đâu một khu nữa sẽ được khởi công vào cuối năm 1993 bên kia sông Hàn ...
Dẫn tôi dạo sơ một vòng thành phố xong, Danh rủ tôi vào một quán cà phê nhạc Rock. Quán nằm trong một cái hẻm nhỏ, đầy đá dăm rệu rạo. Trong quán toàn con trai, chẳng ai thèm tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tôi ngơ ngác giữa quán. Họ đang đắm hồn vào trong lời nhạc phát ra từ hai cái loa thùng công suất lớn. Lời nhạc dứt, chỉ nghe tiếng quạt chạy êm êm. Im lặng đến ngỡ ngàng.
Danh gọi:
- Hai cà phê đen
Hỏi tôi:
- Hoà Bình có nghe nhạc Rock không?
Tôi e dè lắc đầu, thu mình lại trong cái ghế, nhìn quanh đầy cảnh giác.
Một bản nhạc Rock khác cất lên. Tôi nghe được lõm bõm: “Mama I’m coming home ...” Danh gào lên theo lời bài hát. Cái đuôi ngựa nhún nhảy. Những người khác cũng thế, họ gào lên một cách tự nhiên.
Danh cười:
- Ngại chổ ồn ào và tăm tối, Hoà Bình thi vô kinh tế làm gì?
Tôi không trả lời.
Ở Đà Nẵng tôi không quen ai, trong căn phòng chỉ toàn con trai với những tiếng nhạc, tiếng hát theo kinh khiếp thế này, tôi biết làm gì khi đột nhiên mấy bóng đèn mờ ảo thắp trên tường cho có lệ kia vụt tắt, để lại một khoảng tối thật là đen?
Danh hỏi:
- Hoà Bình đã buôn bán bao giờ chưa?
- Mặc kệ tôi!
Tôi đâm nổi cáu. Từ hôm qua đến giờ anh ta chỉ toàn hỏi tôi những câu tôi không thể trả lời là “có” được.
Danh làm ở trường thiếu niên lao động của tỉnh. Nghe cái tên cũng đoán được ở ngôi trường này có những chú ngựa non bất hảo rồi. Thấy tôi vẫn làm mặt giận, Danh lại hỏi:
- Hoà Bình không hỏi tôi làm gì ở đó sao?
- Không cai ngục thì cũng quản giáo.
Tôi nhấm nhẳng. Lòng dạ lại cồn lên nỗi tức giận vô cớ. Gã này bây giờ thật là đáng chán.
*
* *
Huyền Thảo cùng gã bồ vào Đà Nẵng chơi. Nó phá lên cười khi nghe tôi kể lại mọi chuyện.
- Giận làm gì cho mệt. Hay là càng giận lại càng yêu thương đấy?
Tôi đấm cho nó một cái:
- Tao không muốn ở dưới sự bảo bọc của gã đó nữa. Tìm cho tao một chổ trọ khác, không thì mày ... đem xác tao về Hà Nội!
Lời doạ dẫm của tôi nghe cũng ghê ghê. Huyền Thảo cuống cuồng bảo ông bồ kiếm chổ ở mới cho tôi. Nó có vẻ hoảng vì thấy mặt tôi đầy căng thẳng, không có vẻ gì là đùa được cả.
Tôi khăn gói lên ký túc xá trường Đại học Bách khoa tuốt trên Hoà Khánh ở. Càng tốt, ở đây sẽ tiện cho tôi đến khu chế xuất nắm bắt thông tin, quan sát tiến độ thi công. Quanh khu này, còn có các nhà máy dệt, thuỷ tinh phích nước, dưỡng khí ... tha hồ cho tôi tham quan, xin tài liệu, và ở ngay trong trường Bách khoa, tôi có thể tham khảo ý kiến các giáo sư rất uyên bác về những vấn đề khoa học liên quan đến đề án kinh tế của tôi.
Tôi ở chung phòng với một chị năm ba, một chị năm tư và hai cô nhỏ đang luyện thi đại học.
Chị Chi học năm ba, hỏi tôi:
- Hoà Bình bao nhiêu tuổi?
- Em sinh năm Giáp Dần
Chị Chi nhẩm tính, nói vẻ rất ngạc nhiên:
- Sinh năm 1974 hả? Sao đã học đến năm thứ ba rồi?
Tôi cười:
- Học sớm một chút, cộng được lợi một năm khi chuyển từ cấp hai lên cấp ba. Cải cách giáo dục ấy mà.
Chị Hải gật gù:
- Ừ, ừ, ngoài Bắc hồi trước học hệ mười năm mà. Hoà Bình sướng hen, sang năm ra trường hãy còn trẻ măng.
Tôi lại cười. Giá tôi biết chờ đợi và mẹ tôi biết cách nín đẻ thêm ít lau nữa có lẻ tôi đã cầm tinh con mèo chứ không phải con cọp như bây giờ. Tôi sinh ra được hai tuần thì một năm mới hiện ra: Ất Mẹo, và ít lâu sau đó nữa thì Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sinh đầu năm 1975 nhưng tôi là tuổi Dần. Bố mẹ đã đặt cho tôi một cái tên khác, đồng quê lắm kia, nhưng rồi lại đổi ý trước một sự kiện lịch sử như thế. Bố tôi lên uỷ ban xã xin làm lại giấy khai sinh cho tôi. Người ta cũng dễ dãi đồng ý trước cái lý do rất là hợp tình hợp cảnh của bố tôi. Vậy là tôi mang tên mới với họ ghép của cả bố và mẹ: Trần Nguyễn Hoà Bình.
*
* *
Khánh và Nga - hai cô nhỏ học luyện thi trong phòng, sáng nào trước khi ôm sách vở lên giảng đường ôn bài cũng chải chuốt rất kỹ lưỡng. Tôi nghĩ bụng: “Sắp thi đến nơi mà còn ngắm vuốt nhiều quá ...”
Học Bách khoa chủ yếu là các đấng mày râu. Bài vở nhiều và khó, khiến các cô nàng lọt vào trường này đều có vẻ rất nghiêm túc và khô khô. Khánh và Nga là hai vẻ tươi mát dễ thương của những bông hoa trước khi được quăng vào lửa (cách ví von ngộ nghĩnh này là của chi Hải) nên rất được các anh ở đây săn đón.
Bây giờ đã sắp vào hè. Các trường phổ thông đã lục tục làm lễ bế giảng niên học, các cô cậu tú tương lai lo phát sốt lên cho kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi vào Đại học. Ở trường Bách khoa cũng đang vào mùa thi. Tôi đợi cho chị Oanh, chị Hải ôm sách vở ra là đóng cửa lại. Giảng đường chắc chẳng còn chổ trống nào đâu ...
Trong phòng chẳng còn chút nước uống nào. Tôi nhảy xuống gường, thay quần áo rồi cầm cái bình nhựa tính xuống nhà ăn xin nước. Mở cửa phòng ra, tôi bắt gặp một cô bé vai đeo túi vải đang đứng ngần ngừ. Trông cô hiền hiền và có vẻ là một con mọt sách: cặp kiếng cận khá dày tụt xuống kẹp nơi chót mũi. Cô đưa tay đẩy kính lên, nói vẻ e dè:
- Thưa chị, cho em hỏi ... em hỏi ...
Phòng tôi là phòng cuối cùng của dãy nữ (cả ký túc xá rộng lớn chỉ có mấy phòng nữ thôi), đối diện với cửa phòng là một cái giếng, không lúc nào là vắng các chàng xuống xách nước, tắm gội, giặt quần áo ngay bên bờ giếng. Như thế không thật mỹ quan cho lắm nhưng không thể nào khác được, cái trường định cư trên đất quê thế này đào đâu ra nước máy dẫn vào các phòng tắm có ở mỗi đầu tầng? Trước mặt cả hai dãy ký túc xá xây đối diện nhau là sáu cái giếng cho cả gần hai ngàn nhân mạng, không chia nhau ra tắm giặt thì làm sao cho xuể? Chỉ có con gái là xách nước về phòng tắm, còn con trai thì làm việc ngay tại chổ, ai dòm ngó hư mắt ráng chịu.
Tôi mời cô bé vào phòng.
Hoá ra cô bé cũng đang học luyện thi như Khánh và Nga. Năm ngoái, cô nộp đơn thi vào khoa Kinh tế trường Đại học bách khoa và rớt. Một năm ở nhà, cô đã tự ôn luyện ba môn thi: Toán, Lý, Hoá và nay cô muốn lên đây luyện thêm trong những ngày nước rút cho mùa thi sắp đến. Cô bé trông thật mỏng mảnh với chân tay và dáng người mảnh dẻ, thêm làn da trắng và mái tóc đen mướt cắt ngắn.
- Sao Mỹ lại chọn Kinh tế?
- Nó trông có vẻ có sự nghiệp hơn là Sư phạm hay Tổng hợp. Hơn nữa ở nhà em, ai cũng thi khối A, các anh của em học giỏi lắm, đậu Ngoại thương, Hàng hải, Kiến trúc cả rồi. Chưa có ai thi Kinh tế, em thi, sau này ra trường, cả mấy anh em sẽ hợp tác với nhau cùng làm ăn, chắc sẽ rất tuyệt.
Chị Chi và chị Hải về, rồi đến Khánh và Nga. Mọi người dễ dàng đồng ý cho Mỹ ở cùng. Trong phòng có bốn cái gường tầng. Một cái được xoay ngang cách tường phía trong chừng có một thước, bên ngoài được dán giấy krôki cứng và trắng thành một bức bình phong, bên trong hai cái vạt gường biến thành cái giá cho chúng tôi để đồ lặt vặt và treo quần áo. Một gường tầng khác hai chị Chi và Hải ở, gường kia Khánh và Nga ở. Hai gường này nối đuôi nhau ở một mé tường. Còn cái gường nữa ở mé tường bên kia thì tôi chiếm. Tôi ở tầng trên, vạt gường tầng dưới tháo ra thành một khoảng trống để xe đạp, trước khi Mỹ đến, có một chiếc của chị Chi, nay thêm xe của Mỹ nữa là hai.
Tôi bảo Mỹ:
- Mỹ ở chung với chị. Hai chị em mình đều bé nhỏ ngủ chung một gường chắc cũng chẳng chật lắm, nhỉ?
*
* *
Danh vẫn cứ đến, đem theo sách báo liên quan đến đề án cho tôi đọc. Mặc kệ. Tôi vẫn ngồi thu lu trên gường tầng, mặt khó đăm đăm. Danh đến rồi về. Mỹ cùng ngồi học trên gường tầng với tôi, mấy lần nhấp nhổm định xuống nói chuyện với Danh cho bớt vẻ căng thẳng, thấy tôi lừ mắt lại thôi.
- Chị cấm Mỹ đấy!
Tôi nói thế khi Danh đã ra về.
- Em thấy tội ảnh quá.
- Em phải lo học đi, không cần tội nghiệp ai hết.
Mỹ đinh nói gì đó lại thôi, tự dưng tủm tỉm cười.
*
* *
Chiều thứ bảy, Mỹ đạp xe về nhà. Nhà cô bé cách trường chừng 10 km. Mỹ nhét tất cả quần áo dơ vào trong cái túi vải, sắp lại cho ngay ngắn mấy bộ đề thi và vở ghi chép trên cái giá gỗ ở đầu gường tôi. Tôi hỏi:
- Sao không giặt luôn ở đây, đem về nhà làm gì cho khổ?
- Về nhà giặt, rồi em mang bộ khác lên. Đàng nào sáng chủ nhật em cũng phải giặt quần áo cho cả ba lẫn má. Đã lao động thì lao động một thể, ở đây em chỉ học thôi cho đỡ tốn thời gian.
Mỹ đi rồi, tôi nằm và nghĩ vơ vẩn.
Khánh, Nga đã được mấy chàng kéo đi uống cà phê sau bữa cơm chiều trong căng tin.
Chị Hải, chị Chi đã chở nhau vào thành phố đến trung tâm do Đai học Ngoại ngữ mở để học Anh văn rồi. Tối nay hai chị sẽ ở lại nhà bạn, có lẻ sáng hoặc chiều mai mới về. Hai chị em chở nhau đến nơi học chắc cũng hết bốn lăm phút.
Danh đến, gõ “cóc, cóc” vào cửa. Tôi miễn cưỡng đi ra.
- Cho tôi gởi cái này cho bé Mỹ.
Chỉ vậy rồi quày quả ra về.
Khá! Bữa nay cũng biết trả đũa đấy chứ! Tôi bực bội quẳng mấy cuốn sách tham khảo Toán, Danh gởi cho Mỹ lên gường.
*
* *
Huyền Thảo gởi thư hỏi tôi đã xong đề án chưa để còn chuẩn bị về.
Mấy tuần thực tập qua thật chóng.
Chúng tôi phải về lại trường nộp đề án cho thầy, dự một môn kiểm tra nữa rồi mới được nghỉ hè.
Mỹ hỏi:
- Bây giờ em nộp đơn dự thi một trường nữa, có kịp không?
Tôi gật đầu:
- Kịp! Làm hồ sơ bổ sung, viện ra một lý do gì đó cho êm tai vào.
Mỹ cười.
*
* *
Tôi xếp quần áo, sách vở, giấy bút cho vào một túi xách, bảo Mỹ:
- Chị ra Huế đây. Vài ngày nữa em thi rồi. Chúc em may mắn nhé.
- Chị ra Huế rồi có về lại Hà Nội ngay không?
- Ồ, không. Chị còn vài việc ở Huế, chắc vài ngày nữa chị và bạn chị mới đi được.
- Cho em xin địa chỉ nơi chị ở lại mấy ngày ở Huế đi.
- Để làm gì?
- Kệ em, chị cứ ghi cho em đi mà.
*
* *
Huyền Thảo đón tôi với vẻ mặt đầy phớn phở:
- Tưởng mày mấy hôm nữa mới ra chứ?
- Sung sướng gì mà ở lại. Nhận được thư mày là tao chuẩn bị để biến ngay.
Nó cười hích hích đầy vẻ ẩn ý.
Tôi đưa quyển đề án viết tay đi đánh máy. Mấy ngày rảnh rỗi tôi lượn lờ khắp các đường phố Huế. Huế dễ thương thật, nhất là khi nhìn mấy cô gái Huế, tóc dài óng mượt, đạp xe nhẹ nhàng trên đường Lê Lợi vào buổi chiều dịu dịu ... Khi toi rãnh rổi để có thể ngắm Huế thật nhiều thì Huế đã vào hè. Các trường học đều đã đóng cửa, tôi không được ngắm những đàn bướm trắng dể thương tung ra từ các cổng trường những giờ tan học ... Ở Hà Nội lác đác đã có những trường đề nghị học sinh nữ mặc áo dài đi học, nhưng chưa được đều và nhiều như ở miền Nam. Ngoài đó, các cô bé chỉ mới mặc áo dài vào các sáng thứ hai, các dịp lễ ... thường không phải là áo dài trắng tinh khôi như nữ sinh trong này mà là áo dài có in hoa, in màu, trông cũng dễ thương nhưng mà người lớn làm sao đó ...
Huyền Thảo rủ tôi đi ăn cơm hến, bún hến ở mấy quán bên hông khách sạn Morin cũ. Hai món ăn Huế này nghe đồn ở đây bán là ngon hơn cả. Tôi ăn mà nước mắt cứ giàn giụa vì ớt bỏ quá nhiều và cay quá. Huyền Thảo có vẻ chịu được ớt, nó ăn rất ngon lành:
- Vậy là Hoà Bình không làm dâu Huế được rồi. Mới có bấy nhiêu đó mà kêu cay.
Buổi tối, Huyền Thảo mượn chủ nhà một cái lò than để nướng ngô. Ông người yêu của nó tối nay chắc phải làm ca nên để nó lơi lỏng ngồi chơi với tôi được một bữa. Tôi rắc vài hạt muối lên chổ than đang hồng. Muối nổ lép bép, mấy tia lửa bắn ra ngoài như những ngôi sao li ti.
- Mày có vẻ không ưa lão Danh?
Huyền Thảo vừa phe phẩy cái quạt mo cau, vừa xoay nhè nhẹ cái bắp ngô trên than hồng, vừa nhìn tôi dò hỏi.
- Ừ.
Tôi đáp gọn lỏn, bảo nó:
- Cẩn thận kẻo ngô cháy bây giờ.
Có tiếng gõ cửa. Huyền Thảo nhăn mũi hít hà:
- Mùi ngô nướng thơm quá. Có con rồng nào ngửi thấy mùi ngô nướng mà đến nhà tôm đây? Kìa, ra mở cửa đi chứ?
Trước mắt toi là Mỹ, sau lưng Mỹ là ... Danh.
- Chị Hoà Bình!
- Ôi, Mỹ! Sao em lại ra đây? Còn chuyện học hành, thi cử của em ...
- Thì em vẫn chăm học, có bỏ buổi nào đâu. Em ra đây để thi Đại học đấy chứ.
Mọi chuyện cứ như là trò chơi vậy.
Tôi không ngờ đến những ngày học thi cuối cùng Mỹ lại đổi ý, không thi Kinh tế nữa mà nộp đơn thi Tổng hợp Huế, khoa Anh và Đại học ngoại ngữ Đà Nẵng. Cô bé chưa một lần ra Huế và có ngay Danh là người bảo hộ. Tôi hết nhìn Mỹ rồi lại nhìn Danh. Họ đang đùa giỡn đó chăng?
- Em ra sớm hơn ngày thi hai ngày để làm hồ sơ bổ sung rồi còn nhận giấy báo thi.
Mỹ nói tỉnh queo. Còn Danh thì im lặng.
*
* *
Ba buổi Mỹ ngồi trong phòng thi là cả ba buổi tôi túc trực ngoài quán nước của trường thi đợi nó, lo đến cào gan ruột. Tôi rất mến Mỹ và cái quyết định đột ngột của nó khiến tôi chẳng còn biết nói làm sao nữa. Từ khối A nó chuyển sang khối D. Toán, Lý, Hoá giờ thành Toán, Văn, Anh, xoay làm sao cho kịp? Tôi chỉ biết ngồi cầu cho một điều kỳ lạ nào đó xẩy ra và Mỹ đậu một trong hai trường Đại học mà nó vừa mới nộp đơn tức thì ... Nếu nó rớt nữa, tôi đoán nó sẽ rất khó sống yên ổn với lòng mình. Khi không lại ... Không biết kẻ nào đã xúi Mỹ có cái quyết định điên rồ ấy? Tôi nhìn qua Danh. Sao gã lại có vẻ điềm tĩnh đến thế nhỉ?
Mỹ ra ga ngay sau khi buổi thi cuối cùng kết thúc:
- Em phải về Đà Nẵng để chuẩn bị cho kỳ thi vào tuần sau. Chị về Hà Nội đừng quên em nghen.
Nó “mi” nhẹ lên má tôi:
- Sao mặt chị có vẻ hình sự thế? Em có làm sao đâu?
- Em thì chẳng làm sao rồi.
Tôi nói vẻ hờn dỗi.
- Thôi, em lên tìm chỗ đi, tàu sắp chạy rồi đó. Về nhà cố gắng học bài để tuần sau thi cho tốt.
Mỹ nhảy lên tàu. Nó cứ thò đầu ra cửa sổ toa, tíu tít trò chuyện với tôi. Danh cứ im lặng đốt thuốc.
Một trò đùa, có phải?
Lối đi ngay dưới chân mình
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7 ( hết)