watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Lối đi ngay dưới chân mình-Chương 6 - tác giả Nguyễn Lê My Hoàn Nguyễn Lê My Hoàn

Nguyễn Lê My Hoàn

Chương 6

Tác giả: Nguyễn Lê My Hoàn

Tháng mười một
Tôi đã vào Sài Gòn được năm tháng.
Mẹ vừa gởi thư cho tôi kể chuyện nhà, chuyện cửa. Giấc này mẹ tôi ra đồng chắc phải trùm khăn cho bớt rét. Gió bấc về, thêm mưa phùn nữa, cái lạnh như thấm sâu thêm vào da thịt.
*
* *
Năm tháng.
Da tôi đen hơn vì nắng Sài Gòn. Tôi không để tóc dài nữa. Đường phố đầy bụi và khói xe, mái tóc dài của tôi sau một ngày đi đường trở nên rít và xơ xác lạ. Thời gian gội đầu và hong khô mái tóc dài quá lưng trở nên quá lâu, không thể chấp nhận được đối với công việc thường hay chạy ngoài đường như công việc của tôi - tôi cắt tóc ngắn, thật ngắn, sáu ót tỉa lưa thưa thành một cái đuôi rùa. Tôi cũng không nướng bồ kết để ngâm nước gội đầu nữa - lại lý do sợ tốn thời gian. Ở đây ê hề các lại dầu gội đầu của Tây lẫn Ta, không mấy ai nấu nướng gội đầu công phu như ở quê tôi, như mẹ tôi vẫn thường nấu: đun sôi bồ kết đã ngâm kỹ với lá chanh lá sả, điệu đàng hơn chút nữa thì cho thêm vào nồi nước vài bông hoa bưởi ...
Cứ sợ tốn thời gian.
Cứ mãi chạy đua với công việc, nhiều lúc tôi cũng không hiểu mình cắt giảm đến mức tối đa thời gian giành cho sinh hoạt của cá nhân mình, để rồi được gì sau một chuỗi ngày tất bật.
Hoàng rủ tôi đi câu cá ở một nhà vườn ở Bình Chánh. Cái thu vui thôn dã này nếu cứ vào Đầm Sen, hồ Kỳ Hoà câu theo giờ thì chẳng còn gì là thú vị nữa. Xung quanh người ta đi lại tấp nập, tiếng nhạc mở ồn ĩ làm sao mà có được cái cảnh “Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.
Mới đầu tôi tính không nhận lời.
Chủ nhật thường là ngày tôi làm tổng vệ sinh. Quần áo thay ra trong một tuần, tôi để dồn lại giặt một thể vào chủ nhật - cho đỡ tốn thời gian ấy mà. Giặt xong cả đống quần áo thì cũng đã hơi muộn, tôi lau nhà rồi sau đó phụ cô Minh nấu cơm. Ăn xong, tôi nghỉ trưa, sau đó dậy ủi tất cả quần áo mình đã giặt, treo vào trong tủ để mặc trong tuần tới.
Vào Sài Gòn đã gần nữa năm nhưng tôi chưa có dịp đến Bình Chánh. Nghe nói trong chiến dịch ánh sáng văn hoá hè rồi, Bình Chánh là một điểm nóng của Thành đoàn. Hè đã qua, chiến dịch cũng đã qua, nhưng bây giờ tôi mới tập tễnh bước vào làm báo ...
Đi để quan sát “hậu chiến dịch” - tôi đông viên mình như vậy để từ bỏ cái ý định nằm nhà với cái lịch trình quen thuộc.
Mỗi người một xe đạp, tôi và Hoàng đến nơi vào lúc 8 giờ sáng. Mệt phờ.
Tôi ngồi bệt xuống đất, dựa lưng vào một gốc dừa bên bờ ao. Quanh bờ ao là những cụm rau ngót xanh non mơn mởn. Bên phải tôi là một con mương nhỏ chạy thẳng ra ruộng lúa ở phía sau rặng tre bọc quanh vườn.
Chủ vườn đưa cho chúng tôi hai cái cần câu và một hộp mồi, những con trùn cứ ngo ngoe trong đó. Những nhà đi câu quý tộc! Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng. Người ta đã mua cá về đổ xuống ao, chúng tôi chỉ việc làm sao đó để câu được cá lên. Muốn ăn tại chổ? Người ta sẽ làm ngay cho mà chén. Muốn mang về nhà? Dễ thôi, xin cứ việc.
*
* *
Tôi ngó quanh quất tìm một chỗ khả dĩ để ngả lưng. Cái vườn này không phải là công viên với thảm cỏ mềm mại để có thể lăn đùng ra mà duỗi thẳng chân tay cho đỡ mở được. Nó là một cái vườn chính cống với vài bụi cỏ dại cao ngỏng lên ở một vài chổ, lá tre vương khắp trên mặt đất, có cả gai tre nữa và có cả những ổ kiến.
Tôi tìm được một chỗ không có những bụi cỏ cộm lên và không có kiến, lượm sạch gai tre rồi trải nilông ra để nằm. Hai chân tôi đã mỏi đừ vì đạp xe nhưng tôi không dám nằm thẳng cẳng vì cảm thấy ngượng ngùng với Hoàng. Tôi nằm, hơi co chân lên và úp cái mũ lác rộng vành lên ngực.
Tôi chẳng nghĩ ngợi gì cả, chỉ thấy ngại nếu mình lỡ nhắm mắt ngủ sẽ có dừa rớt trúng vào đầu thì đi đời.
Hoàng cắm cần câu xuống đất rồi quay vào ngồi trên một góc của tấm nilông. Tôi bật ngồi dậy vì cảm thầy nằm nữa thì kỳ quá.
*
* *
Bây giờ, hàng ngày chị Thuý không phải theo cô Diệu Tâm về nhà ở tận Gò Vấp nữa. Nhà cô Minh ở quận ba, quãng đường giữa hai nhà quả không phải là ngắn và thật bất tiện khi tiệm cần phải mở cửa sớm và đóng cửa trễ. Cô Tâm xin cho chị Thuý ở lại, đêm sẽ ngủ chung phòng với tôi. Với tôi chẳng có gì là phiền hà cả khi có thêm chị. Tôi chỉ giao hẹn rằng: đôi khi tôi phải viết bài khuya, đèn để sáng, có chói mắt thì chị cũng phải ráng chịu vì bóng đèn nê-ông mắc trong cái hộp đèn ở tận trên tường cao tôi không thể che cho bớt sáng được.
Cô Minh có vẻ không ưa chị Thuý lắm.
Mỗi sáng chị dậy sớm, múc nước lên lau nhà ngoài. Chị vục mạnh, tiếng gàu nghe cứ dội tức cả ngực - cô Minh bảo với tôi như vậy.
Chúng tôi không dùng thẳng nước máy từ vòi. Trong nhà bếp, có một bể nước xây ngầm phía dưới sàn. Đêm nào tôi cũng xuống mở nước cho vào cái giếng con thông với bể ngầm, vì vậy nếu có cúp nước một hai ngày cũng chẳng có gì phải lo lắng.
Tiệm mới mở, lại ít vốn chẳng thể sắm thêm được nhiều áo mới và đẹp. Tất cả, từ tủ kiếng bày quần áo, trưng búp bê người mẫu đến tất cả những bộ váy, áo có trong tiệm đều được sang lại từ một người khác. Khách rất thưa. Mỗi bộ soiré cô dâu cho thuê giá từ một trăm đến hai trăm ngàn mỗi ngày từng bộ. Có ăn tiền là ăn ở cho thuê váy áo cô dâu thôi chứ tiền cho thuê mấy bộ veston chú rể chẳng mấy tiền cả. Hình như chưa tháng nào tiệm cho thuê được mười bộ váy áo cô dâu để đủ trả tiền thuê nhà. Tháng nào cũng phải bù lỗ. Khách đến đã thưa mà nhiều lúc chỉ vào xem rồi đi luôn.
*
* *
Trong vườn có một bụi hoa vàng cao lêu nghêu. Hoa dại. Thân mỏng mảnh, hoa thì bé tí tẹo, năm cánh vàng xung quanh một cái nhuỵ trắng nhỏ xíu ở giữa.
Hoàng thế chổ tôi, nằm lăn dài trên tấm trải, gối đầu lên giỏ xách, hỏi:
- Hoà Bình vào đây để chàng ngoài Hà Nội một mình vậy sao?
- Chẳng sao cả. Hồn ai người ấy giữ.
- Quen nhau lâu chưa?
- Từ hồi còn bé tí.
- Chàng làm gì vậy?
- Còn đi học phổ thông.
- ?
- Thì phu nhân đi làm nuôi phu quân ăn học thành tài. Đâu có sao?
- Thì đâu có sao.
Hoàng nói và tự dưng lăn nghiêng người sang một bên, quay lưng lại phía tôi. Cười thầm chắc?
Tôi chẳng có chàng nào ngoài Hà Nội cả. Đơn giản là tôi chưa thích có, vậy thôi. Tôi chỉ đâm đầu vào học. Có lẻ do tính háo thắng trẻ con có từ hồi còn bé. Tôi đã quen đến trường với tư thế của một con gà chọi và niềm kiêu hãnh ấy đủ để tôi không thèm để ý đến những tia nhìn đầy vẻ tình ... báo của các chàng. Tôi học cứ y như là học cho cả bố mẹ và cho cả cái làng quê lam lũ của tôi ấy. Sáng: giảng đường, chiều: thư viện, tối: tiếng Anh hoặc vi tính. Những chủ nhật hoặc ngày nghỉ lễ lại xách gói về nhà. Những khi rảnh tôi lại với lấy mấy tờ báo mượn ở thư viện về đọc ngấu nghiến. Tóm lại, tôi sống như một con mọt sách chính cống.
Hoàng lại hỏi:
- Những khi quá bực chàng, Hoà Bình làm sao?
- Quất cho chàng vài roi. Lấy hoa hồng làm phương tiện chiến đấu, bởi vì có có gai.
Hoàng lại lật nghiêng người, lần này quay mặt sang tôi, cười:
- Hoà Bình có bực tôi không?
- Vô số kể.
- Ở đây không có hoa hồng, lấy gì làm phương tiện để ra roi?
*
* *
Rảnh việc, chị Thuý hay la cà sang mấy tiệm kế bên.
Chị thật ẩu.
Nhiều lúc chạy xuống tầng trệt rửa mặt hay uống nước, tôi thấy tiệm cứ để tênh hênh như vậy, chẳng có ai trông coi. Cô Tâm mỗi ngày chỉ đảo qua tiệm một, hai lần rồi thôi, đôi khi qua bận bịu với cửa hàng may nho nhỏ ngay trong nhà cô ở Gò Vấp, cô cũng chẳng ghé nữa.
Mấy bộ áo cưới đẹp nhất treo phất ngơ ngoài tủ, ngay gân cửa ra vào để câu khách. Mỗi bộ cả bạc triệu vậy mà chị Thuý thì cứ xách ghế lê hết chỗ này sang chỗ khác. Chị hỏi dò người trông tiệm hàng ở các tiệm bên xem một tháng họ được trả bao nhiêu, rồi tán gẫu, thôi thì đủ mọi chuyện của đám đàn bà con gái nhà rỗi ...
Đôi khi tôi cảm thấy thương chị.
Hai mươi tám tuổi, hình như chị vẫn chưa có gì trong tay.
Mười năm trước, học xong phổ thông trung học, chị xin vào làm công nhân cho một công ty xuất nhập khẩu. Ban đầu chị làm công việc thu mua hồ tiêu. Đâu được vài năm thì phong trào trồng hồ tiêu xẹp xuống, chị phải nghỉ việc vì chẳng có gì để làm cả.
Ở nhà được mấy năm, quanh quẩn bên mẹ, trông những đứa cháu, con của các ông anh, bà chị đem vè cho mẹ và em gái giữ giùm để rảnh tay lo việc làm ăn.
Cũng không phải là các anh, chị không quan tâm đến em út. Mỗi tháng chị cũng được dúi cho ít tiền dằn túi. Và cách đây hơn một năm, các anh xin cho chị được một chân chạy nguyên vật liệu cho một xí nghiệp may. Chậm chạp, chẳng quen gì với công chuyện làm ăn, chuyến ra quân đầu tiên khi đi vào Sài Gòn mua vải cho xí nghiệp chị bị một kẻ giả danh nào đó lừa cho sạch túi. Cong lưng ra mà trả nợ. Mẹ chị phải bán đi mấy món tư trang định dành cho chị khi nào chị đi lấy chồng, cộng thêm tiền các anh chị góp vào để trả nợ cho xí nghiệp. Vẫn không đủ. Chị không còn dám ở Huế nữa, đành phải gật đầu theo cô Diệu Tâm vào đây.
*
* *
Tôi nối một cây gỗ dài vào cái chổi để quét mạng nhện. Một tháng quét một lần, vậy mà lũ nhện vẫn không sợ, hình như chúng lại có cớ để sinh sản nhiều hơn, chăng mạng nhện nhiều hơn để trêu ngươi tôi thì phải.
Ngại bước xuống đất dịch ghế sang một góc khác, tôi cứ đứng một chổ quơ chổi. Mõi tay vì cây gỗ dài lại hơi nặng, tôi định quét nốt chỗ mạng nhện phía trên bạn thờ xong là nghỉ. Vươn tay quá xa, lỡ đà, cây gỗ rơi xuống đất. Cây chổi quẹt vào tấm ảnh, kéo nó cùng rớt xuống sàn nhà. Khung kính vỡ tan.
Tôi đứng chết lặng trên ghế.
Cô Minh nghe tiếng vỡ đã vội chạy lên.
Tôi đã làm vỡ cái khung ảnh người anh trai đã khuất của cô.
*
* *
Đi làm ở chổ mới, tôi hơi ngượng khi dắt chiếc xe đạp tàng tàng của mình vào nhà để xe.
Cũng có vài người đi xe đạp, nhưng đó là những người nhà gần và làm công việc hành chính, còn đã là phóng viên, tệ nhất cũng phải có một chiếc xe Honda dame - để còn cơ động và có thể đi xa được.
Mấy hôm nay, nhà để xe không dùng để xe nữa. Hai cái kho sách phía trong có sự cố nào đó ở tường và mái nhà vì vậy phải tạm dời sách ra nhà xe để sửa kho. Sách để kín trên các kệ, không còn một chổ trống nào khả dĩ để được xe, vì vậy cơ quan thuê chổ ở một nhà giữ xe gần đó cho cán bộ công nhân viên gởi xe, rồi đi bộ đến cơ quan. Người ta chỉ nhận giữ xe máy, không phải vì không có chổ để giữ thêm vài chiếc xe đạp mà vì xe máy thì có biển số xe, họ dễ kiểm soát hơn khi xe của hai cơ quan để lẫn với nhau.
Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy nhói lên trong lòng một chút mặc cảm vì sự nghèo nàn của mình. Tôi cảm thấy xấu hổ hơn khi một hôm vào thư viện đọc báo, nghe mấy anh chị bình phẩm bài báo viết về hiện tượng các sinh viên ở tỉnh về Sài Gòn học, ra trường rồi không muốn về quê, cứ bám trụ lại ở thành phố, làm bất cứ việc gì để sống.
Tôi cuối xuống tờ báo.
Lai nghe lòng nhói lên.
Tôi cũng khác gì những sinh viên kia đâu chứ. Tôi đã bỏ cái làng quê lam lũ của mình để vào đây, bị bắn từ chổ làm này sang chổ làm khác mà không dám kêu ca.
Liệu có ai đó trong các anh chị đang ngồi ở kia sẽ cho rằng: tôi là một đứa thực dụng, chỉ vì một chỗ làm thôi mà lao vào bất kể chổ nào?
Tôi đã học Kinh tế kia mà, có phải học Tổng hợp Văn đâu mà nhào vô đây làm báo?
*
* *
Tôi đạp xe đi lang thang.
Sài Gòn giàu có và sang trọng, có một chỗ nào ưu ái dành cho tôi không?
Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, tôi đạp xe vòng vèo quanh cái tam giác sầm uất này mà hình như chẳng thấy gì trước mắt.
Tuýt!
Một bóng cảnh sát chặn ngang trước xe tôi.
Mải nghĩ, tôi đã vượt đèn đỏ lúc nào không hay.
- Chị cho xem giấy tờ tuỳ thân.
Tôi luống cuống lục lọi trong túi xách. Hình như chẳng bao giờ tôi nhớ mang theo cái minh chứng rằng tôi là một công dân cụ thể này cả. Hôm nay cũng vậy. Tôi đã lục tung tất cả sổ sách ra mà cũng chẳng thấy giấy chứng minh thư đâu, ngoài tấm thẻ phóng viên.
Chàng cảnh sát mặt non choẹt, chắc vừa mới ra trường, nói vẻ nghiêm nghị:
- Chị có biết thẻ phóng viên dùng để làm gì không?
- Dạ biết. Tôi dùng nó khi đến các cơ quan liên quan làm việc.
- Vậy nó đâu có phải giấy tờ tuỳ thân của chị. Tôi yêu cầu chị trình giấy chứng minh nhân dân kia mà.
- Tôi biết, nhưng tôi đã quên mang theo. Xin anh thông cảm ...
- Chị đừng tưởng mình là phóng viên mà muốn làm gì thì làm nhé. Chị đã vi phạm luật lệ giao thông: điều kiển xe hai bánh lưu thông khi có đèn đỏ và còn phạm thêm một điều nữa: không mang theo giấy tờ tuỳ thân. Tôi yêu cầu chị theo tôi về đồn lập biên bản vì vi phạm luật lệ.
- Tôi còn việc toà báo giao, xin anh cho tôi được nộp phạt tại đây rồi cho tôi đi.
- Tôi không phạt ở ngoài đường. Yêu cầu chị theo tôi về đồn.
Ấm ức lẫn tủi thân dồn nén từ sáng đến giờ, lúc này được dịp vỡ bung ra. Tôi hét trong màn nước mắt cứ tuôn ra giàn giụa:
- Anh máy móc lắm. Xe tôi chỉ là xe đạp, tôi lỡ vượt đèn đỏ chứ đã làm gì nghiêm trọng lắm đâu mà anh bắt về đồn. Sao anh không để thì giờ làm những việc lớn hơn?
- Chị định mạt sát tôi đấy hả? Đi về đồn. Tôi chở chị hay chị chở tôi?
- Cái gì?
- Tôi không có xe ở đây. Tôi chở chị hay chị chở tôi?
Đang khóc mà suýt nữa tôi đã méo miệng cười
Một chuyện đùa nữa đây chăng?
Chàng cảnh sát này không có đến cả một chiếc xe đạp nữa kia à?
- Xe tôi không chở được hai người. Anh làm sao đo thì làm.
Tôi nói bướng, cố ý dò xem anh ta có phản ứng ra sao.
- Vậy thì tôi kêu xích lô chở tôi, chị và chiếc xe này về đồn. Tôi phải áp tải xe và người vi phạm về giao cho người có trách nhiệm.
Cả hai con gà chọi đều hăng máu.
Cả hai con đều hãy còn quá trẻ ....
Lối đi ngay dưới chân mình
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7 ( hết)