Chương 4
Tác giả: Nguyễn Lê My Hoàn
Cô Minh đau.
Bụng cứ cồn lên, đau từng chập.
Ruột thừa.
Căn phòng ba tầng mà thật là vắng vẻ.
Tầng một có nhà bếp, nhà vệ sinh, chổ để xe, phòng khách.
Tầng hai, cô Minh và ông bố ở. Ông cụ năm nay đã tám mươi ba tuổi, không nhìn thấy gì từ năm năm mươi ba tuổi, ba mươi năm rồi, khi ấy cô Minh vừa tròn hai mươi.
Tầng ba, một phòng khách riêng dành cho tôi một phòng lớn hơn dành để bàn thờ bà cụ và một người anh của cô Minh.
Khuya. Tôi chở cô vào bệnh viện ...
Phải mổ vì đoạn ruột thừa đã sưng tấy lên, sắp vỡ mủ.
Tôi ngoài ngoài phòng đợi, đầu cứ gục gặc mãi vì buồn ngủ. Từ khi đi làm đến giờ, không hôm nào tôi dám ngủ trưa. Mỗi buổi về, ăn cơm, tắm rửa xong là tôi lại tranh thủ mang tiếng Anh ra ôn lại. Tiếng là đã lấy được bằng C rồi nhưng khả năng giao tiếp của tôi còn rất kém, thời giờ trên lớp chỉ đủ cho chúng tôi học học vài diểm văn phạm, biết thêm từ vựng, luyện nghe và nói được một ít thôi. Hơn nữa, vốn từ vựng mà tôi học được qua cả mấy năm học chỉ là tạm được để có thể giao tiếp thông thường thôi, bây giờ đi làm các Catalogue quảng cáo viết bằng thứ tiếng Anh chuyên môn, hầu như từ nào với tôi cũng trở thành mới lạ. Có những từ mới nhìn tưởng quen, nhưng nghĩa ở đây thì khác, khi tôi áp dụng nghĩa giao tiếp đã học để dịch, văn bản lập tức trở nên ngô nghê. Quyển từ điển 65.000 từ tôi mang theo trở nên kém tác dụng. Tôi chỉ mới đủ tiền mua được một quyển từ điển kỷ thuật Anh - Việt cỡ nhỏ, đành phải dùng tạm nó cùng với quyển từ điển kia, lắm lúc cứ phải vừa tra vừa đoán nghĩa từ, thật mệt mà cũng thật dễ sai ...
Tôi gục đầu thật mạnh, và chợt tỉnh khỏi cơn ngủ gật. Cố lúc lắc đầu cho tỉnh táo, tôi định thần nhìn quanh và chợt nhận ra ngồi cùng băng ghế với tôi là một người đàn ông còn trẻ. Anh ta có vẻ đang lo lắng, bồn chồn lắm. Tôi đứng dậy đi loanh quanh một lúc rồi trở lại ngồi trên băng ghế. Hình như vào cái lúc khuya khoắt này, chỉ có người nhà của tôi và của anh ta là đáng phải lo lắng hơn cả.
Tôi tiếc là đã không kịp mang theo một quyển sách tiếng Anh nào đó đọc cho đỡ phải ngủ gật. Nghĩ đến đó, tôi bật cười. Cô Minh đau, tôi lo cuống cả lên vội vã chở cô đi cấp cứu.Việc khẩn cấp chứ có phải nhẩn nha đi chơi đâu mà bày đặt mang theo cái này, cái nọ.
Một băng ca đặt trên xe đẩy bằng i-nốc sáng loáng từ cửa phòng hồi sức ló ra, cả tôi và người kia đều bật dậy. Không phải cô Minh. Anh chàng kia đi theo chiếc xe.
*
* *
Tôi về nhà, tháo màn ra cho ông cụ và chạy mua cho cụ một ít hủ tiếu.
Ở trên lầu hai này, cô Minh đã cho làm một phòng vệ sinh riêng cho ông cụ, không biết trước đây thì sao còn từ khi tôi đến đây, cứ thấy cô Minh ngày nào cũng xách lên một xô nước đầy, đổ vào trong cái thùng nhỏ đặt ở trong phòng vệ sinh cho cụ ông. Có lẻ nước không bơm lên nổi trên này.
Tuổi cao nhưng cụ ông vẫn có thể tự làm vệ sinh cá nhân được.
Tôi gỡ màn, xếp chăn lại và nói to:
- Sáng rồi, ông ạ. Ông dậy rửa mặt rồi ăn sáng.
- Sáng rồi hả?
Ông cụ hỏi lại.
- Dạ.
Tôi đáp. Cụ ông lần ngồi dậy, quơ tay. xác định vị trí rồi đi ra chổ cầu thang. Quơ tay lần nữa lấy cái khăn mặt. Quơ tay nữa, mở được cửa phòng vệ sinh ... Ba mươi năm rồi, quãng đường này đã trở thành quen thuộc ...
*
* *
Tôi đến hãng. Mặt sếp nhăn nhó. Tôi lo đến thắt ruột. Tuần này tôi chẳng tìm ra được một mối nào mua máy. Có lẻ chủ nhật phải nhờ đến ông chủ máy dạo nọ thôi ...
*
* *
Cô Minh bảo:
- Đừng lo cho cô. Cháu lo cho ông vậy là cô cám ơn cháu nhiều lắm rồi. Tội nghiệp cháu, đi làm đã vất vả, giờ thêm cái món nợ này nữa.
Tôi hỏi lãng đi:
- Cô ăn được cháo chưa để cháu nấu?
- Thôi, người ta truyền đạm cho cô rồi. Cô cũng chưa muốn ăn gì đâu. Cháu hỏi ông thích ăn gì thì nấu cho ông ăn giúp cô nhé.
Tôi ghé qua chợ mua vài thứ rau, thịt ròi về nhà.
Cũng hơi vất vả thật.
Mấy ngày rồi tôi cứ tất bật hết lên bệnh viện, lại đến hãng, chạy lòng vòng ngoài đường đã đời lại phải về nhà lo cơm nước cho ông. Ông ăn chẳng bao nhiêu nên phải chọn những thứ ông thích mà nấu để ông ăn được. Nội chuyện trưa nắng lại phải tạt qua chợ, giữa bao nhiêu thức những người đi chợ sáng đã chọn hết cả những thứ tươi, ngon nhất rồi, tìm cho ra miếng khả dĩ làm vừa miệng một cụ già hơn tám mươi đã khiến tôi đi hết muốn nổi. Nhá, nuốt vài miếng lại phải lo đi làm việc buổi chiều. Mắt tôi như muốn díp lại, còn miệng thì ngáp vô tội vạ.
Tôi ì ạch đẩy xe vào nhà.
Chưa kịp dựng chân chống lên đã nghe tiếng ông gọi:
- Cháu ơi!
Có lẽ ông nghe tiếng tôi kéo cửa sắt nên gọi. Không biết có chuyện gì không? Ông lại gọi tiếp:
- Cháu ơi!
Giọng người già nghe rên rên, não nề phát sợ, tôi quýnh quáng chạy vội lên lầu. Trời ơi! Ông mắc cứng trong một mớ khăn trải gường, chăn, gối dưới sàn. Dây màn đứt, cái màn phủ lên người ông thành một đống bùng nhùng. Sáng nay, khi tôi đánh thức ông dậy, ông bảo ông hơi mệt để ông nằm thêm một lúc nữa. Tôi pha cho ông một cốc sữa, dặn ông khi nào ông dậy thì uống. Tôi để cốc sữa trên bàn rồi vội vã ghé bệnh viện thăm cô Minh, sau đó thì đến hãng ...
Tôi gỡ ông ra khỏi cái mớ hỗn độn ấy và giúp ông lên gường. Cốc sữa hãy còn nguyên.
Tôi xếp gọn lại các thứ, chợt nhớ ra nãy giờ quýnh quáng lo cho ông, tôi chỉ mới kịp dắt xe vào nhà, vứt đó ...
Tôi hoảng hốt chạy xuống lầu.
Cánh cửa sắt vẫn mở toang hoang.
Cái xe của tôi, với chìa khoá vẫn còn cắm ở ổ điện, với cả mớ rau thịt hãy còn máng ở giỏ xe ... tất cả đã biến mất.
*
* *
Cô Minh rơm rớm nước mắt:
- Tội nghiệp cháu quá. Tại cô hết. Nếu cô không đau ốm, cháu không phải vất vả thế thì đâu có chuyện gì xảy ra.
- Thôi cô ạ. Cũng tại cháu nữa mà. Nếu cháu cẩn thận khoá cửa lại thì đâu đến nỗi. Cô đừng lo nữa kẻo vết mổ không sớm lành được đâu, cô còn thương cháu thì phải ráng ăn cho khoẻ lên chứ.
Cô Minh cười mà như mếu:
- Vậy là họ không ký hợp đồng với cháu nữa à?
- Không cô ạ. Họ chỉ mới đồng ý tạm tuyển cháu ba tháng thôi, chưa hết ba tháng nhưng cháu làm ăn chẳng được gì nên họ cho nghỉ luôn. Chẳng sao, rồi cháu sẽ tìm được một công việc khác thôi. Cô đừng lo.
*
* *
Hoá ra cái anh chàng cùng ngồi trên băng ghế với tôi ở phòng đợi bữa nọ là một phóng viên. Mẹ anh ta sau cái lúc phải bắn, phá hay mổ gì đó để lấy sỏi thận ra được chuyển về ở cùng phòng với cô Minh. Mấy lần ghé bệnh viện tôi cũng thoáng thấy anh ta, cùng lắm thì cũng chỉ gật đầu chào nhau thôi, chứ tôi và cả anh ta nữa hình như chẳng ai có dư thời giờ để quan tâm đến nhau ngoài cái động tác xã giao cho phải đạo ấy.
Không biết cô Minh than thở với mẹ của anh chàng kia thế nào, và bà ấy nói lại với ông con ra sao, chỉ biết lần này gặp nhau khi tôi lơ đãng gật đầu chào anh ta, rồi tính đi thẳng, thì anh ta chặn lại:
- Tôi là Hoàng. Tôi muốn giúp cô một chút. Cô biết làm những gì?
Tự dưng tôi cau mặt:
- Tôi sẽ biết làm tất tần tật.
- Tôi hỏi nghiêm túc đấy.
- Tôi cũng đâu có đùa. Có thể có nhiều việc tôi sẽ làm không giỏi bằng người khác nhưng thật cố gắng chắc cũng chẳng đến nỗi nào. Tôi biết một chút tiếng Anh, một chút vi tính, lắp bắp vài câu tiếng Hoa ...
- Khá. Tiếng Anh cô học đến đâu rồi?
- Xong bằng C.
- Còn vi tính? Cô biết soạn thảo và trình bày một văn bản chứ?
- Biết. Tôi có hoa tay trên cả mười ngón cơ mà.
Tôi nói và chìa hai bàn tay ra
Hoàng bật cười:
- Thôi khỏi đưa bằng chứng ra. Tôi tin cô không những có mười hoa tay mà còn có cả mười hoa chân nữa kia.
*
* *
Vậy là tôi trở thành nhân viên vi tính trong toà soạn báo mà Hoàng làm việc.
Công việc của tôi là dàn trang trên máy vi tính. Cũng không khó khăn gì lắm, bởi tôi đã học qua mấy khoá điện toán văn phòng và trước khi ra trường tôi đã tự tay đánh và in bằng máy vi tính toàn bộ luận văn tốt nghiệp của mình.
Thật may cho tôi khi chị nhân viên vi tính vẫn đảm trách công việc này ở toà soạn phải nghỉ để sinh con.
Tôi nhảy vào trám chổ trống cho chị. Vậy là tôi có mấy tháng yên ổn về kinh tế trong khi chờ tìm một công việc khác.
*
* *
Tôi rủ Hoàng:
- Cô tôi nấu ăn ngon lắm. Chủ nhật này cô tôi mời anh và mẹ anh đến nhà chơi và ăn bữa trưa.
- Tôi không từ chối lời mời ăn bao giờ, tôi sẽ thuyết phục mẹ tôi cùng đi.
Từ ngày ra viện, cô Minh đối với tôi thật thân thiết. Cái khoảng cách phải giữ gìn giữa một bà chủ nhà và một người ở trọ hầu như không còn nữa. Cô coi tôi như con. Tôi đi làm được ít ngày thì cô bảo:
- Cháu mời hai mẹ con anh Hoàng đến nhà mình chơi, ăn cơm. Cám ơn thì khách sáo thật đấy, nhưng hai mẹ con anh ấy thật tốt với cô cháu mình quá, mình không có gì ... thật cô áy náy lắm.
- Vâng ạ. Cháu sẽ mời.
Cô nhìn tôi, chần chừ một lúc rồi nói:
- Hoà Bình này, cô đang tính cho thuê tầng trệt đấy. Nhà mình ở ngoài mặt đường chính, tiện cho buôn bán lắm, người ta trả cả triệu đồng một tháng lận đó.
- Tuỳ cô ạ.
- Cô không muốn ồn ào phiền phức nên từ trước tới nay có nhiều người đến xin thuê mặt bằng mà cô không đồng ý, nhưng nay ... cô muốn cho họ thuê để ... Hoà Bình này, từ bây giờ hàng tháng cháu không phải gởi tiền cơm và tiền nhà cho cô nữa ...
- Kìa cô ...
Tôi ngắc ngứ mãi không biết phải nói làm sao.
*
* *
Hoàng đặt trước mặt tôi tờ “Country song roundup”
- Dịch giùm tôi bài phỏng vấn về Victoria Shaw. Đừng dịch thật thà y chang nguyên bản nha. Hoà Bình đọc qua rồi dựa vào đó mà viết cho tôi một bài ngắn cỡ năm trăm chử thôi. Hai ngày nữa tôi lấy được không?
Tôi không trả lời, im lặng đọc lướt bài báo. Bài báo chiếm một trang khổ vừa của tạp chí. Chà! Đây là ca sỹ của “I love the way you love me”, tôi đã nghe bài hát này và rất thích, đọc mấy dòng đầu của bài báo tôi mới biết Victoria Shaw không những là ca sỹ mà còn là người viết các bài hát nữa. Có mấy bài tôi rất khoái: “The river”, “Too busy being in love”. Tôi ngẩng lên:
- Không cần phải hai ngày đâu. Sáng mai tôi đưa bài cho.
- Có vội quá không, bạn thân mến?
- Không!
Tôi đáp cụt ngủn rồi cúi xuống tiếp tục gõ vào bàn phím máy vi tính.
Hoàng cười rồi bỏ đi ra.
Hơn tôi bốn tuổi, Hoàng có cái vẻ của một ông anh bao dung đối với một đứa em tính hãy còn lóc chóc, loại “ăn chưa no lo chưa tới”, khi nói chuyện với tôi. Không biết tôi có quá phóng đại những cảm giác của mình lên không nhỉ?
*
* *
Người ta mướn tầng trệt của nhà cô Minh làm tiệm cho thuê đồ cưới. Chủ tiệm người Huế, người trông hàng cũng người Huế nốt. Tôi dắt xe đạp vào trong nhà, nghe bà chủ tiệm - cô Diệu Tâm chọc với theo:
- Cán bộ đi làm về muộn thế?
Giọng Huế cao vót, nghe líu ríu như tiếng chim. Tôi dựng xe vào góc nhà, quay ra:
- Cô Tâm bảo cháu gì ạ?
- Bảo mày sao không để người yêu đưa về, đạp xe chi cho cực?
Rồi cô ngửa cổ ra cười.
Tôi đỏ mặt. Dù nghe tiếng được, tiếng mất nhưng tôi cũng hiểu được cô nói những gì.
Tôi giở từ điển ra để tra những từ mới trong bài báo, chợt thấy nhớ Mỹ. Năm nay nó đã học năm thứ hai Đại học Ngoại ngữ rồi. Vào Sài Gòn đã được bốn tháng, tôi chưa viết cho nó lá thư nào. Chắc nó đang lo đến đỏ mắt cho bà chị kết nghĩa của mình, không biết sống chết ra làm sao mà ra trường là lặn ... không thèm sủi tăm.
Tháng tám năm ngoái, sau khi tôi và Huyền Thảo về lại Hà Nội được hơn một tháng, Mỹ gởi cho tôi một lá thư báo tin nó đậu và rớt. Rớt ở Huế và đậu ở Đà Nẵng. Điểm đâu ở Đà Nẵng hơn điểm học bổng được 0,5 điểm. Vậy là tuyệt lắm rồi. Tôi chỉ lo nó rớt cả thì ê mặt. Đậu có học bổng nhưng nó vẫn phải đóng học phí. Đứa nào cũng đóng hết. Tiền học phí cũng khá cao, nên để đỡ phần nào cho ba má nó, Mỹ đi dạy kèm tiếng Anh cho bọn nhỏ vào buổi tối. Nó kể, nó và hai đứa bạn nữa đã nộp đơn xin làm hướng dẫn viên dự bị cho công ty du lịch Đà Nẵng, để khi nào đông khách, người ta gọi tụi nó đi làm. Cả ba đứa đã dẫn khách đi Đà Lạt một lần, Huế hai lần và Nha Trang một lần. Còn phố cổ Hội An cách Đà Nẵng 30 km thì tụi nó đi khá thường xuyên, do chỉ cần sáng đi chiều về, không ảnh hưởng lắm đến chuyện học trên lớp.
Danh vẫn làm ở trường thiếu niên lao động.
Tôi tưởng giữa Mỹ và Danh có một cái gì đó hơn tình bạn, vậy mà không phải.
Mỹ kể, Danh vẽ khá và là sư phụ của Mỹ về tiếng Anh.
Hoá ra cái anh chàng đã khiến tôi điên tiết đó từng là sinh viên của Đại học Sư phạm Huế. Hèn gì anh ta thẩm định giỏi thế khả năng thi Đại học của Mỹ. Mỹ viết, nếu không nghe Danh khuyên, chắc Mỹ lại rớt Kinh tế lần nữa, bởi thực ra nàng học Toán, Lý, Hoá chẳng lấy gì làm giỏi. Ai đời thi khối A, mà dự định cố được tối đa điểm phần lý thuyết bằng cách học thuộc các câu lý thuyết giải sẳn trong bộ đề và các lớp học thêm ... Danh đã bắt gặp Mỹ trong một lúc mơ màng với cuốn sổ chép toàn thơ “Để giải lao ấy mà ...” Mỹ ngượng ngùng giâú nó xuống dưới quyển sách Hoá...
Mỹ đã giải một cách dễ dàng mấy đề thi Đại học môn tiếng Anh Danh đưa, “Chuyện nhỏ! Em đã được học tiếng Anh từ lớp ba, tập tễnh dịch truyện cổ tích từ năm lớp sáu ... chẳng có gì là khó khăn khi diệt sạch tám mươi bộ đề tiếng Anh trong vòng một tháng cả”
Thi ở Đà Nẵng, tiếng Anh, Mỹ được tám. Văn được bảy, còn Toán được ... hai điểm. Điểm ngoại ngữ được nhân đôi nên Mỹ được lợi. Tổng cộng thành hai mươi lăm điểm..
Tôi cắm cúi chép lại bài viết trên một tờ giấy manh. Đã hai giờ khuya. Hơi lâu cho một bài báo nhỏ, và khá đơn giản, nhưng không sao, ban đầu mà ... rồi sẽ nhanh hơn thôi.
Tôi thích thú với Victoria Shaw. “I pressure myseft. I compete with myseft. I have a lot of goals that I set and I meet them little by little ...” (Tôi gây sức ép với chính mình. Tôi chạy đua với chính mình, tôi có rất nhiều mục tiêu và tiêu và tôi sẽ thanh toán chúng, từng cái một ...)
Dịch như vậy có thật thà lắm không hả ông Hoàng?