Huệ lấy chồng
Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư
Vẫn còn tiếng lụp cụp rộn ràng của mấy cây dao chặt vào mặt thớt mù u. Vẫn tiếng nói cười xao động từng chòm nhóm của các chị, các dì trong nhà bếp.
Tiếng máy đèn chạy tạch tè. Đằng trước rạp, nhóm ca cải lương dạo đờn lửng ta lửng tửng rồi ai đó vô câu vọng cổ ngọt xớt. Không biết vô tình hay cố ý, anh chàng nọ kê micro gần miệng mà uống rượu. Nghe đánh cái chóc giòn thiệt giòn rồi khà ra tuồng như cay đắng lắm, chua xót lắm, bắt thèm.
Huệ với Điềm ngồi xếp quần áo trong buồng. Điềm bò lại cửa sổ mở chốt, đẩy hai cánh cửa lá sách sơn xanh ra, trời khuya sâu hun hút, nó la lên:
- Trời, gió mát ghê hen.
Huệ gật đầu, ừ, mát, gió chạy nghe thông thống trong lòng. Nghe rõ ràng mùi xoài cát trái mùa chín son ngoài song cửa. Tự dưng Huệ thấy nhớ nhà ghê lắm. Ngồi ngay ở nhà mà cũng nhớ thiếu điều rớt nước mắt cái độp xuống mặt chiếu bông. Lúc nãy, ăn cháo khuya xong, ba Huệ biểu cả nhà ra đằng trước, ông đốt nhang khấn trước bàn thờ làm lễ xuất giá cho con gái út. Chưa đủ lễ thì má Huệ đã khóc òa. Mấy chế, mấy dì ở nhà dưới chạy lên, bắt khóc theo, nước mắt nước mũi lòng thòng. Thành ra ai cũng xúm lại khóc nên không có màn dặn dò như mấy những lễ xuất giá khác. Huệ nghĩ vậy mà tốt, nó đỡ buồn tủi. Điềm dặn: "Bây giờ mầy khóc cho đã đi, để mai lúc rước dâu thì ráng nhịn, cô dâu mà khóc, son phấn trôi tèm lem, thấy rầu lắm". Trời đất, buồn thương ở trong lòng, lúc nào tràn đầy thì phải khóc cho vơi chứ có phải rót nước ra từ cái ấm, lúc nào muốn rót thì rót, lúc nào không muốn thì thôi. Con gái lấy chồng, hỏi ai không tủi?
- Hồi sáng này, lúc đi chợ mua đồ về tao thấy ông Thi đi ngang nhà mình.
Điềm rũ cái áo bà ba hường làm cái đèn chao ngọn, nó lên tiếng. Huệ ra bộ dửng dưng:
- Ừ!
- Thấy cái mặt ổng buồn, đứt ruột lắm.
- Ừ!
Điềm trở giọng quạu quọ:
- Ừ, ừ hoài. Phải chuyện mầy với ổng mà thành, đám nầy vui biết bao nhiêu không.
Huệ cười, biểu Điềm nói nho nhỏ thôi rồi cái giọng lại nửa dửng dưng nửa phân trần:
- Thành gì mà thành, người ta đã nói là không có tiền sắm trầu cau.
- Sạo, trầu cau rẻ rề, mà, sao lại có tiền đi cưới người khác.
Huệ cười, người ta vậy, mầy còn nhắc làm chi. Mà, sao bữa nay gió lạnh quá chừng, gió te tái đưa tới một tiếng gà đang gáy, nghe từng giọt, từng tiếng buồn thỉu. Cái vali da mới màu vôi đã đầy quần áo. Đồ của Huệ không có bao nhiêu, cũ hết rồi, đồ bên chồng cho mới nhiều, tới mười hai bộ. Điềm nhắc:
- Còn tập chép bài ca, mầy đem theo không?
- Ừ, đem theo, chút nữa tao quên rồi.
Mà, đem theo chắc cũng không làm gì hết. Về bên nhà chồng không biết còn rảnh rỗi vừa đưa võng vừa nghêu ngao hát. Nhà Thuấn vườn rộng, ruộng cũng nhiều, công chuyện chắc vô số. Thuấn kể, chỉ tính bẹ dừa khô rụng xuống, má Thuấn đã đi chặt mãn một năm còn chưa giáp vườn. "Nhưng em đừng sợ, về bển, ba má với anh không cho em làm gì nặng nề đâu", Thuấn nói thêm. Huệ cười, cực khổ nó không sợ, chỉ sợ không được vui. Nghĩ lại, có chồng vừa hiền vừa giỏi như Thuấn, lại thương mình như vậy làm gì mà không vui.
Huệ lại chỗ đầu nằm, giở gối lên, nâng niu ấp trong tay tập chép bài ca đã cũ. Nhắm mắt, nó vẫn lật ra ngay cái trang có nét chữ nắn nót của Thi, dưới bài hát "Nhẫn cỏ", Thi ghi thêm hai câu thơ "Trăm năm ai chớ bỏ ai. Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim". Con Điềm thường bảo, người ta lấy thơ để thay lời thề hẹn đó.
- Tao tội nghiệp ông Thi quá, mà tao cũng tội nghiệp mầy nữa. - Điềm vừa nằm xuống, vừa thở dài cái thượt. Huệ kêu Điềm ngủ đi rồi lụi hụi xuống giường, nó nói nó còn quên sợi dây nịt. Điềm xì một cái, "mầy có tật tiếc đồ cũ". Huệ gắt, "Kệ tao. Ngủ đi". Huệ bò lại chỗ cửa sổ và ngồi đó, đưa mắt nhìn xa thẳm màu đêm. Huệ ngồi đó thật lâu, đến má ghé vô buồng biểu Huệ nhắm mắt một chút đi, ngày mai rước dâu mệt lắm. Huệ dạ, thổi phù cho tắt đèn. Con Điềm vốn mê ngủ, đặt lưng xuống chưa bao lâu đã thở sâu. Huệ lại thắp đèn coi bây giờ là mấy giờ rồi giở vali ra, nói thầm trong bụng: "Không biết mình có quên gì không ta?".
Nó làm như lỡ quên món gì sau này không có dịp về lấy nữa. Mà, từ Đất Cháy qua nhà Thuấn có bao xa, chạy xuồng băng tắt qua Đầm, rẽ theo kinh Thợ Rèn chừng mười lăm phút là tới. Nhưng với đứa con gái theo chồng, quãng đường đó cũng chở thương, chở nhớ. Chế Lê, chế thứ ba của Huệ lấy chồng sát bên nhà, chỉ cách một hào ranh mà còn khóc lu bù. Hồi đó, Huệ cười, chế cú cái cóc lên đầu nó, "Sau này có chồng rồi biết, cưng". Huệ không tin, nó biết mình rắn rỏi lắm, sức mấy mới khóc. Té ra không phải vậy, nó cũng là một đứa lạc lòng. Sáng mai thôi nó sẽ xuống vỏ rồi về ở miết nhà người ta. Nhớ cái cối xây bột dựa hàng kệ đựng tiêu tỏi, dầu ăn, nước mắm... Con mèo ngủ thiu thiu trên đầu bộ ngựa, mấy cái võng giăng quây quần quanh bồ lúa. Lối vô nhà trải đất đỏ, người đi ra đi vô đã mòn mấy hòn tròn tròn trọc lóc. Lối này đổ ra con đường xóm xáng múc hôn hang chạy dài tới Vịnh Dừa. Đi chút nữa là tới đám trâm bầu, chỗ con đập vào xóm Kinh Cụt, bẹ dừa kéo xuồng nằm vảnh cổ, có bẹ đã khô quắt, có bẹ còn tươi thơm. Xóm kinh ăn sâu vô đồng. từ vườn nhà Huệ dòm xéo về phía tây, bỏ cánh đồng lúa lơ thơ gốc rạ là một vệt xanh rờn của dừa, của chuối.
Và nhà Thi ở đó. Huệ với Thi quen nhau hồi nhỏ. Thi có tật khoái đi tắt đường đồng đâm thẳng vô vườn nhà Huệ để đến trường. Tan học về, nó có thể nhẩn nha, lang thang đồng khơi thả diều cho tới chạng vạng. Có bữa tan trường, Thi về cùng Huệ, Thi hỏi, "tao thấy con gà mái nhà mầy đẻ bậy đống rơm sau hè, sao mầy không làm ổ?" Huệ xụ mặt xuống, môi trề ra "Gà nhà tao, kệ tao". Thi mất hứng, càu nhàu: "Con gái gì... vô duyên".
Đó là chuyện hồi nhỏ, chớ khi hai đứa lớn lên, Thi nhận ra Huệ có duyên, đã có duyên mà còn đẹp nữa. Thi học lớp trung cấp sư phạm xong về dạy trường cấp II Ấp Chín. Thi dạy lớp sáu, ngay lớp con bé Mén con anh Hai Mận học. Huệ đi họp phụ huynh hoài. Vô đó, không phát biểu gì, thẹn thò ngồi cuối dãy bàn, cũng không để ý coi Thi nói gì, chỉ nhìn Thi cười. Trời đất quỷ thần ơi, người gì cười hiền thấy thương quá. Hồi xưa, lúc còn con nít đứa nào cũng hôi nắng, cũng lùi bùn sình, đâu phải như bây giờ. Ở chợ hay ở quê gì rồi người ta cũng lớn lên.
Ở xóm này, người biết tụi nó thương nhau đầu tiên là con Điềm, nhỏ bạn thân nhất của Huệ, người thứ nhì, thứ ba biết là chú thím Mười Ba. Chú Mười Ba bán quán cà phê cặp bờ kinh xáng. Quán chú buổi sáng toàn đàn ông, buổi trưa của mấy thím đàn bà, ôm đứa con nẹo một bên vú nói chuyện làng trên xóm dưới. Buổi chiều, tụi con nít tụ lại quán chạy lòng vòng trong sân chơi. Riêng buổi tối, quán chạy máy đèn chiếu phim bộ Hong Kong phục vụ cho đám thanh niên. Có lần coi bộ phim kiếm hiệp "Thiên Long Bát Bộ", tới đoạn A Châu chết, con Huệ nước mắt rịn rịn, chắc lưỡi như nói với con Điềm: "Ước gì trên đời này có ai thương tao như ông Kiều Phong thương A Châu, chắc tao sướng tới chết luôn quá". Con Điềm cười, ngó ra sau lưng, nói xa xôi, "Có chớ, sao mà không?". Thi ở đằng sau, kế dãy ghế Huệ ngồi, hít đầm đìa hương tóc thơm của cô bạn gái, mỉm cười. Ra về, Thi thả chầm chậm theo tới chỗ quẹo vô nhà Huệ, Thi mới níu tay Huệ lại, Thi nói rằng: "Ông Kiều Phong đó mà nhằm gì, có người còn thương Huệ hơn...". Tay Huệ ấp vào giữa tay Thi líu ríu. Sáng ra Bà Hai, má Huệ nói với thím Mười Ba: "Làm gì hồi đầu hôm nầy mấy con chó nhà tôi sủa ong ỏng hoài vậy không biết?". Thím cười, chó sủa chuyện vui.
Rồi con Điềm làm nhân chứng cho mối tình của Huệ. Gặp Thi ở đâu, Thi nói cái gì Huệ đều kể cho Điềm nghe. Nhiều lúc Điềm phải nạt, "Trời ơi, mầy kể cho tao nghe hoài, tao phát ghen luôn đây nè". Mai mốt đây, hai đứa phải lấy chồng (con gái ở quê nuôi lớn không để lấy chồng thì làm gì?), Điềm ước gì mình gặp được một người tử tế, hiền hậu, có học thức như Thi, lấy được người chồng mà tự mình tìm hiểu, yêu thương như Huệ. Huệ cười, chưa gì hết mà chồng chồng vợ vợ, nghe kỳ. Nói vậy, nhưng lòng Huệ nghe ấm ran, nó mơ tới một mái nhà sớm chiều khói tỏa, buổi sáng nó rang cơm cho Thi lót lòng đi dạy, trưa đón Thi về chăm chút nồi canh chua bông súng ăn với cá sặc kho khô.
Thương thì thương vậy, nhưng nhắc chuyện cưới, thấy không gấp gáp được. Nhà Thi đã nghèo mà anh em lại đông. Má Thi giao, đứa nào nấy làm để cưới vợ riêng. Lương Thi thì ít lắm, dư dả bao nhiêu. Vì vậy mà Thi xin đổi ra Rạch Ráng dạy trường huyện. Thi tính, ra ngoài đó Thi dạy thêm giờ, chắc lương lên được hai trăm mấy, để dành không bao lâu nữa đủ tiền lễ để cưới Huệ rồi. Huệ cười, cưới vợ chớ đâu phải mua vợ đâu mà phải tốn nhiều tiền. Thi bảo, không cần rình rang nhưng cũng phải có năm sáu bộ đồ, đôi bông, sợi dây chuyền cho Huệ không phải tủi chứ. Những lúc nhớ Thi, Huệ ngồi mơ về đám cưới, bữa đó, chắc là vui lắm. Hết học kỳ đầu, tự nhiên bặt cả tháng Thi không về, có về cũng chui nhủi trong nhà, ốm như ma đói. Huệ hỏi hoài, nhưng Thi cúi đầu, tìm được ánh mắt Thi đã khó, mong gì Thi nói ra.
Chuyện Thi thế là thôi rồi, mấy thím buổi trưa ngồi quán chú Mười Ba cong miệng nói với nhau, nghe phong thanh Thi đi lại với con gái trưởng phòng giáo dục huyện, cô nọ mang thai, chuẩn bị cưới. Đâu nè, thầy Thi đâu có tệ như vậy. Ừ, nhưng nghe nói thầy Thi bị "gài" như trong Lan và Điệp. Tội nghiệp. Tội nghiệp ai?
Thì Thi chớ ai, ở đời ngược ngạo vậy đó. Thi cưới vợ xong rồi nhưng vẫn thường tha thểu về ở lì trong này. Huệ gặp Thi giữa đường muốn cười nhưng Thi lầm lũi cúi mặt. Huệ lấy chồng. Thím Mười Ba chép miệng, giọng không biết khen hay chê: "Con Huệ nó dứt tình lẹ quá ha, dứt cái "rụp". Huệ cười, thấy đâu có chê Thuấn được cái gì, Thuấn biết Huệ từng thương Thi mà anh cũng bước tới. Huệ bây giờ, còn chờ ai nữa?
Huệ chuẩn bị cho đám gả mình từ mấy tháng trước. Suốt ngày nó cặm cụi ngoài vườn. Lá dừa khô bó láng vo, tề đầu tề đít chất đầy giàn bếp, dựng qua tới bồ lúa. Củi phơi từ lúc chớm hết mưa, lổn nhổn ngoài sân. Mớ cọng dừa đã róc lá dựng ngoài giàn, chưa khô hẳn thì đám bìm bìm đã leo xanh rờn, nó cũng dỡ xuống, chặt phơi. Chuyện gì nó cũng giành làm một mình, làm từ sáng sớm tới chạng vạng, không đi coi phim nữa mà tối tối nằm nhà nghe cải lương hoặc đưa võng cò kẹt, hát "Thương nhớ nhớ mãi không thôi. Chàng mới ra về chị em tôi thương nhớ...". Điềm tới chơi thường, như giữ Huệ, sợ Huệ vì Thi mà làm chuyện dại. Sợ vậy thôi, chớ Huệ vẫn roi rói, người ta thấy nó không thèm rớt một giọt nước mắt nào như nó với Thi chưa từng có duyên dẻ gì nhau. Điềm hỏi "Sao tao không thấy mầy buồn gì hết?". Huệ cười, "Tao quên ông Thi mất tiêu rồi, tệ quá, nhớ làm chi?" Hồi đám cưới Thi, Huệ chép miệng tiếc, phải chi Thi mời... Không được mời nên mới nằm nhà, gió đưa tiếng hát ngang qua đồng lúc gần. lúc xa thăm thẳm.
Hôm gần đám, Thuấn chạy xuồng qua chở Huệ đi chợ. Hai đứa mua nhiều thứ, cuối cùng dắt nhau tới tiệm tạp hóa lựa bốn trái tim bằng giấy đỏ lớn bằng cái thúng để Huệ dán bên nhà hai trái, buồng cưới nhà Thuấn hai trái. Lúc Huệ giở mấy trái tim coi kỷ coi có thủng lổ không thì thấy Thi đằng cuối chợ đứng nhìn. Huệ cười ráo hoảnh. Tưởng Huệ không thấy, Thuấn quay qua, nhắc nhỏ, "Thi kìa, em!". Huệ cười, ừ, Thi đó, Thi chớ ai, rồi biểu người bán hàng lựa thêm cho hai chữ Song Hỷ. Lúc đó Thi mới lại gần chào, Huệ biểu, "Thi đừng có nhìn tui trân trối vậy, tui cũng phải lấy chồng chớ, phải hôn. Mà anh nhớ đối xử với người ta tốt như đối xử với tui vậy nghen". Thi gượng gạo cười rồi cắn môi quay đi. Thuấn nhìn theo, nắm tay Huệ, nắm rất chặt, nửa như để an ủi, nửa lại giống như rịt lấy, như sợ Huệ bỏ chạy đi mất. Huệ mắc cười, đó là lần đầu tiên từ lúc xuống mối, tới ăn trầu uống rượu rồi chuẩn bị cưới Thuấn mới nắm tay cô. Thì phải vậy thôi, mai mốt là vợ chồng rồi...
... Huệ ngồi chỗ cửa sổ cho tới lúc gà gáy rộ. Bà Hai lủi thủi đốt cây đèn cóc ngồi lột tỏi, không biết có phải tỏi nồng hay không mà mũi bà sụt sịt, nước mắt kèm nhèm. Bà con cô bác cũng trở dậy râm ran. Thức ăn đãi buổi mai đã làm sẵn từ hôm qua một mớ nhưng thịt kho tàu vẫn chưa thấm lắm, lớp mỡ chưa trong. Than bắt lửa cháy lép bép. Huệ kêu Điềm dậy, sửa soạn ra chợ xã đánh tóc, làm mặt. Điềm ngồi dậy, tay lò mò kiếm cây kẹp tóc, giọng tỉnh queo nhưng hơi bàng hoàng:
- Trời! Sáng rồi sao? Mau vậy?
Đám thanh niên đằng trước quét qua nền rạp, xếp bàn ghế ra. Nhóm ca cải lương đã mỏi mòn ngoẹo vào nhau ngủ mê mệt, thay vô đó là băng nhạc đám cưới xập xình "Ô vui quá xá là vui...".
Xuống xuồng, Huệ giành lái máy. Điềm ngồi co ro đằng trước mũi, than lạnh quá chừng đi. Gió này mà không lạnh sao được. Một tháng mười ba ngày nữa là Tết rồi còn gì. Và sau tết nầy, mấy thím ngồi quán trưa bảo nhau, "Vợ chồng con Huệ có về". Trong tiếng máy Koler 4 nổ lùng bùng, tự dưng Huệ bảo:
- Ừ, lạnh quá, Điềm ha?
Xuồng từ từ chạy tới đập nhỏ đầu xóm Kinh Cụt. Đám trâm bầu đứng im lặng, xơ rơ. Huệ bất ngờ xuống máy chạy chậm, chiếc xuồng khật khừng. Nó ngơ ngẩn ngó lên bờ, trong lòng chao chát một nỗi thèm muốn. Nó muốn chạy vô xóm, tới nhà Thi, gặp anh và nói cho anh hay rằng nó hết thương Thi rồi, nó quên anh, quên thiệt.
Nhưng nói để làm gì, ta?