Chương 4
Tác giả: Nguyễn nhật Ánh
Cho xe chạy sát lề , cô Trinh khoan thai cuồng chân dưới bóng mát của những tán cây bên đường. Đó là cách tránh nắng quen thuộc của cô những trưa đi dạy về.
Hai đứa con cô học lớp bán trú, trưa ở luôn tại trường nên cô cũng chẳng vội vã gì. Mồ hôi lấm tấm trên trán, cô đạp từng vòng xe một cácg chậm rãi, cố thả lỏng các cơ bắp để cơ thể được thu giãn sau những giờ dạy căng thẳng, đôi chân hầu như đứng suốt buổi sáng trước bảng đen.
Gần tới nhà, cô ghé vào xe bánh mì đầu đường mua một ổ bánh mì thịt hai ngàn. Đó là bữa ăn trưa của cô. Chỉ buổi tối, khi các con về đông đủ, cô mới phải nấu cơm và làm thức ăn..
Buổi trưa mệt mỏi, cô Trinh rất ngại phải loay hoay nấu nướng. Chỉ có một mình, cô thường ăn bánh mì trừ bữa. Hôm nào quá mệt, nuốt bánh mì không trôi, cô thay thực đơn bằng mì gói.
Thường, ăn qua loa bữa trưa xong , cô nằm nghỉ đến hai giờ. Sau đó cô ngồi vào bàn chấm bài của học trò hoặc soạn giáo án mãi đến tận giờ cô đi đón con.
Việc soạn giáo án thật ra cũng chẳng nặng nề lắm. Công việc này thực sự mất nhiều thì giờ trong những năm dạy học đầu tiên của cô. Hồi đó cứ mỗi năm giáo viên bị bắt buộc phải soạn giáo án mới. Về sau, quy định mới cho phép giáo viên được sử dụng lại giáo án cũ, chỉ cần thêm phần bổ sung hằng năm.
Nhưng bây giờ thì mình phải soạn tất cả lại từ đầu.! – Vừa uể oải nhai bánh mì cô Trinh vừa thẫn thờ nghĩ – Mọi thứ bỗng nhiên mất sạch, từ các sổ giáo án đến sổ công tác chủ nhiệm, sổ ghi điểm, sổ bộ môn, sổ dự giờ, sổ kế hoạch hàng tuần và các loại nhật ký linh tinh khác! Cứ như thể vừa trải qua một trận cháy nhà.
Thoạt đầu, khi vụ trộm tai hại kia xảy ra, cô Trinh đã phát hoảng lên. Thậm chí cô bối rối và lo lắng đến phát khóc. Trong cơn bấn loạn, ngay hôm sau vừa vào lớp cô đã không ngăn được mình lên tiếng dò hỏi. Dĩ nhiên cô không nói thật về vụ mất trộm. Cô chỉ bảo cô đánh rơi sổ sách dọc đường và hỏi xem có em nào nhặt được không.
Mặc dù đã nói trớ đi nhưng khi chạm phải những ánh mắt ngơ ngác và căng thẳng của học trò, cô thốt nhiên cảm thấy xấu hổ về hành động vội vã của mình. Không! Một người thầy đứng trên bục giảng không được phép nghi ngờ hay nghĩ xấu về học trò! – Cô Trinh hối hận nghĩ – Một khi đã đánh mất niềm tin vào những học trò mà mình dạy dỗ, người thầy cũng đồng thời đánh mất luôn vai trò cao quý của mình và như vậy cũng chẳng còn lý do để tiếp tục đứng trên bục giảng! Không! Vụ mất trộm kia chẳng liên quan gì đến những học trò của mình! Có thể đó là sự phá quấy nghịch ngợm của một kẻ bí mật nào đó! Và rồi sớm muộn gì kẻ đùa nghịchtai ác đó cũng sẽ đem hoàn trả lại mọi thứ cho mình!
Những ý nghĩ tươi sáng vừa chớm lên trong đầu giúp cô Trinh dần dần thanh thản trở lại. Và sau ngày thứ bảy đáng hổ thẹn đó, cô không hề nhắc tới sự mất trộm của mình trước mặt học trò thêm một lần nào nữa. Chỉ với nhỏ Hạnh, đứa học trò mà cô cưng nhất, cô mới tiết lộ sự thật về vụ mất trộm khi nó tìm tới tận nhà cô dò hỏi vòng vào một cách ranh mãnh.
Trong khi chờ kẻ trộm bí mật nào đó, có thể là anh chàng hàng xóm độc thân hay trêu chọc cô, đem trả lại mọi thứ, cô Trinh lặng lẽ lên văn phòng nhà trường mượn hồ sơ học bạ của học trò để soạn lại một vài sổ sách cần thiết. Nhưng cố tự trấn an mình đến mấy, chừng nào các loại giáo án của cô, đặc biệt là sổ ghi điểm, chưa quay về với cô, cô vẫn không che giấu được vẻ bồn chồn phiền muộn trước cặp mắt của những đứa tinh quái như nhỏ Hạnh và Quý ròm. Vì vậy mới xảy ra cuộc gặp gỡ vừa rồi giữa cô và bọn nhỏ Hạnh ngay trước cổng trường, khi cô vừa dắt xe ra.
Cô Trinh chẳng hề nghi ngờ gì học trò mình. Nhưng nhỏ Hạnh, Quý ròm và Tiểu Long lại nghĩ khác. Và chúng đã đón đường cô để nói thẳng với cô điều đó. Tất nhiên cô Trinh đã tìm cách dẹp tan nỗi ngờ vực trong đầu bọn trẻ mặc dù sự quan tâm củc chúng đối với cô làm cô xiết bao cảm động. Bây giờ nhớ lại vẻ mặt lo lắng chân thành của bọn trẻ, lòng cô không khỏi bồi hồi và tự dưng cô cảm thấy cuộc đời bỗng trở nên đáng yêu hơn
Mà ba đứa học trò của mình cũng buồn cười thật! – Vẻ hăm hở “khai báo” của Quý ròm hiện ra trong đầu khiến cô Trinh chợt mỉm cười – Tưởng chúng nghi ai, hóa ra lại nghi Quới Lương! Chúng lại nghĩ ra đủ thứ “chứng cớ” khủng khiếp nữa chứ! Chúng đâu có biết hiện nay mình đang âm thầm tìm cách giúp đỡ Quới Lương!
Câu chuyện bí mật đó bắt đầu cách đây hai tháng. Cô Trinh nhớ như in hôm đó là ngày thứ sáu. Vừa bước vào lớp, nhìn về phía bàn chót, chỉ thấy Lâm và Bội Linh, còn Quới Lương vẫn tiếp tục vắng, cô đã chau mày bực bội. Đây là buổi thứ ba liên tiếp Quới Lương nghỉ học tiết văn. Lại không hề có một tờ đơn xin phép.
Đợi lớp trưởng Xuyến Chi báo cáo sĩ số xong, cô nghiêm nghị nhìn xuống cuối lớp:
- Em Lâm!
- Dạ! – Lâm xanh mặt đứng dậy, tưởng cô Trinh gọi nó lên bảng kiểm tra bài.
Nhưng nó mới vớ lấy cuốn tập, chưa kịp bước ra khỏi chỗ, cô Trinh đã hắng giọng hỏi:
- Em có biết tại sao hôm nay bạn Quới Lương nghỉ học không?
Lâm thở phào. Hóa ra cô “kiểm tra” chuyện khác. Nó liền hớn hở khoanh tay:
- Thưa cô, em không biết ạ!
- Em chơi thân với bạn Quới Lương, sao lại không biết?
Lâm vẫn tươi tỉnh:
- Thưa cô, tại ba ngày vừa rồi em về quê ăn giỗ với mẹ em. Tối hôm qua em mới lên tới ạ!
Câu trả lời của Lâm khiến cô Trinh ngớ ra. Ừ nhỉ, ba ngày trước đây mẹ Lâm đã làm đơn xin phép cho nó nghỉ học để về quê dự giỗ đầu của ông ngoại nó, chính cô đã đồng ý mà lúc này đang tức bực chuyện vắng mặt chuyện liên tục của Quới Lương, cô quên bẫng đi mất.
- Thôi, em ngồi xuống đi!
Cô khẽ khoát tay, thở dài nói. Rồi đảo mắt một vòng khắp lớp, cô hỏi một cách vô vọng:
- Có em nào biết em nào biết tại sao bạn Quới Lương nghỉ học mấy ngày nay không?
Quả như cô nghĩ, thằng Lâm chơi thân nhất với Quới Lương mà không biết thì những đứa khác khó mà biết được. Nghe cô hỏi, cả lớp đưa mắt nhìn nhau và đồng thanh đáp:
- Thưa cô, không ạ!
Cô Trinh lắc đầu ngán ngẩm:
- Học hành mà cứ nghỉ ngang hoài như thế này thì đến ở lại lớp mất thôi!
Câu vừa rồi chỉ là câu cô Trinh than thở với chính mình, nhưng vì cô bực bõ lớn giọng nên cả lớp đều nghe thấy. Lớp trưởng Xuyến Chi cảm thấy có trách nhiệm phải báo cáo đầy đủ với cô chủ nhiệm về tình hình học tập của Quới Lương, bèn đứng dậy:
- Thưa cô, bạn Quới Lương không chỉ nghỉ các giờ học môn văn mà suốt cả đầu tuần đến nay, bạn ấy chẳng đến lớp ngày nào cả!
Thông báo của nhỏ Xuyến Chi khiến cô Trinh tròn xoe mắt:
- Em nói sao? Suốt cả tuần nay bạn Quới Lương không đi học ngày nào?
- Dạ không phải!
Cô Trinh định hỏi tiếp “thế em có biết tại sao không?” nhưng vừa mấp máy môi, cô vội im bặt, nhớ là mình vừa hỏi câu đó với cả lớp và chả thu được một tẹo kết quả nào. Cô đành vẫy tay ra hiệu cho nhỏ Xuyến Chi ngồi xuống và tặc lưỡi lật cuốn sổ trước mặt ra chuẩn bị gọi dăm đứa học trò lên kiểm tra bài cũ.
Tuy cố tập trung vô bài giảng nhưng suốt buổi dạy hôm đó, cô không ngớt băn khoăn về sự nghỉ học bất thường của Quới Lương .
Quới Lương thật ra chỉ là một học sinh làng nhàng, chẳng có điểm gì nổi bật ngoài tính ương bướng, dễ tự ái và hay gây gổ với các bạn cùng lớp. chính vì tính khó chịu đó mà trong lớp chẳng ai chơi với Quới Lương ngoài Lâm, một đứa tính tình cũng kì quặc không kém.
Nhưng không vì vậy mà cô không quan tâm đến trường hợp của Quới Lương. Thậm chí, chính vì sức học của Quới Lương không bằng các bạn, cô càng lo lắng cho nó nhiều hơn. Chỉ còn không đầy hai tháng nữa là thi học kì, Quới Lương học đã yếu, lại nghỉ liên miên như thế này, làm sao nó làm bài được cơ chứ! Cô Trinh than thầm trong bụng và trưa đó, ăn quấy quá một tô mì gói, cộ vội vã đạp xe đến nhà nó.
Nhà của Quới Lương là một căn nhà cực kì khó tìm. Nhà nó ở trong một xóm lao động nghèo với vô vàn ngóc ngách luồn quanh co khúc khuỷu giữa những dãy nhà hầu hết là mái tôn vách ván nằm nhếch nhác lô nhô cái trồi cái sụt như những hàm răng lồi xỉ. Đã vậy số nhà, số hẻm lại chồng cái này lên cái kia, số chẵn số lẻ lung tung, thỉnh thoảng lại nhảy cóc cả chục số, hệt như những mê lộ trong các trò đánh số bí hiểm.
Sau gần một tiếng đồng hồ tìm đỏ con mắt và hỏi thăm đường đến mỏi cả miệng, cô Trinh mới tìm tới nhà của Quới Lương.
Cũng như những căn nhà khác trong xóm. Đó là một căn nhà gỗ tuềnh toàng. Khi cô Trinh tới, cửa nhà mở toang nhưng chẳng thấy ai thấp thoáng bên trong.cô dưng xe vào vách đứng chong mắt nhìn vào nhà một lúc lâu mới lờ mờ nhận ra có ai đó đang nằm trên giường kê sát góc nhà, có lẽ đang ngủ trưa.
Đứng lóng ngóng thêm một hồi đợi cho người nằm trên giường thức dậy nhưng rồi thấy người nọ chẳng buồn nhúc nhích, cô đành sốt ruột gõ tay lên vách.
Cô Trinh gõ đến lần thứ ba thì người trên giường bỗng cựa mình và uể oải chống tay ngồi dậy, ngóng cổ hỏi:
- Con về đó hả Quới Lương?
Nghe câu hỏi, cô Trinh biết ngay người vừa lên tiếng là ai. Cô liền bước thẳng vào trong nhà, lễ phép:
- Thưa bác, cháu là cô giáo của Quới Lương ạ!
Người đàn bà lập tức cuống quít:
- Ôi, cô giáo đó hả? cô tới lúc nào mà tôi không biết? Mời cô ngồi chơi, để tôi đi rót nước!
Người đàn bà nói một tràng, vừa nói bà vừa hấp tấp quấn lại mái tóc không biết sổ ra từ hồi nào và lập cập định bước xuống khỏi giường.
Cử chỉ yếu ớt của mẹ Quới Lương khiến cô Trinh đâm nghi. Cô bước vội lại giường giữ lấy tay bà:
- Bác cứ ngồi nghỉ đi! Hình như bác đang ốm phài không?
Người đàn bà vội đáp:
- Không sao đâu cô giáo! Tôi đi lại được mà!
Vừa nói bà vừa cố nhổm dậy nhưng cô Trinh vẫn giữ chặt lấy tay bà:
- Bác cứ mặc cháu! Cháu mới uống nước xong!
Rồi sợ mẹ Quới Lương cứ nằng nặc đòi đi rót nước, cô lật đật chuyển đề tài:
- Bác ốm mấy ngày rồi?
- Khoảng gần nửa tháng nay, cô giáo! – Người đàn bà chép miệng – Tôi đi bán mắc mưa, tưởng cảm xoàng thôi, nào ngờ bị cúm nặng nằm li bì mười mấy ngày liền. nhưng hôm nay đã bớt nhiều rồi, cô giáo!
Tới đây thì cô Trinh dần dần đoán ra nguyên nhân nghỉ học của Quới Lương. Cô gật gù giọng thông cảm:
- Hóa ra suốt tuần qua em Quới Lương phải ở nhà để chăm sóc bác?
Nào ngờ mẹ Quới Lương lắc đầu:
- Không phải đâu, cô giáo! Nó nghỉ học để đi làm đấy! Mọi ngày, tôi vẫn phải gánh xôi chè đi bán để nuôi hai anh em nó, nhưng từ hôm tôi nằm một chỗ, nó phải đi làm để kiếm tiền mua gạo!
Câu trả lời của người đàn bà làm cô Trinh chưng hửng. Mặt cô ngơ ngác:
- Em Quới Lương đi làm? Thế em làm gì vậy hở bác?
Mẹ Quới Lương thở dài:
- Nó chả có nghề ngỗng gì cả, chỉ theo bạn bè đi giữ xe ở các nhà hàng, quán nhậu thôi!
Cô Trinh ngập ngừng đưa mắt nhìn quanh nhà một thoáng rồi hỏi:
- Thế bác trai làm gì hả bác?
- Ba thằng Quới Lương làm bốc vác ở cảng. Nhưng ổng đã qua đời cách đây chín, mười năm rồi. Khi ổng mất, anh em thằng Quới Lương chừng hai, ba tuổi chứ mấy!
Giọng người đàn bàn tự nhiên chùng xuống khiến cô Trinh bất giác cảm thấy ray rứt về câu hỏi vụng về của mình. Cô chép miệng, giọng áy náy:
-Cháu xin lỗi bác!
Rồi không để người đàn bà kịp lên tiếng, cô liền hỏi sang chuyện khác:
-Thế bao giờ Quới Lương mới đi học lại hả bác?
Người đàn bà lộ vẻ lúng túng. Bà chớp chớp mắt và mấy lần định quay mặt đi chỗ khác nhưng lại sợ vô lễ với cô giáo của con mình. Thấy vậy, cô Trinh liền hắng giọng trấn an:
-Nếu gặp hoàn cảnh khó khăn quá thì em Quới Lương nghỉ thêm vài hôm nữa cũng chẳng sao bác ạ! Cháu sẽ báo lại với nhà trường về trường hợp của em!
Trước thịnh tình của cô giáo, mẹ Quới Lương vẫn im lặng. mãi một lúc, bà mới ngần ngừ buột miệng:
-Tôi tính cho nó nghỉ luôn, cô giáo à!
Câu nói của mẹ Quới Lương khiến cô Trinh thoáng sững sờ. Cô mở to mắt:
-Sao thế hở bác? Sao bác lại định cho Quới Lương nghỉ học?
Trước vẻ ngỡ ngàng của cô Trinh, người đàn bà cảm giác như mình là người có lỗi. Bà cúi mặt phủi tay lên vạt áo, khẽ thở dài:
-Hoàn cảnh của gia đình tôi thì cô giáo cũng biết rồi đó! Khó khăn quá! Trong khi đó, sức khỏe của tôi mỗi ngày một giảm, chẳng biết có đi bán được bao lâu nữa. nếu thằng Quới Lương không đi làm phụ thêm với tôi thì có khi cả hai anh em nó phải nghỉ học luôn. Chi bằng để nó đi làm, coi như hi sinh cho thằng em nó được đi học!
Rồi sợ cô giáo còn phiền trách mình về chuyện Quới Lương nghỉ học, bà vội vã nói thêm:
-Chứ tôi lúc nào chẳng muốn cả hai đứa đều được học hành đến nơi đến chốn. vợ chồng tôi cả đời vất vả là do ít học, lẽ nào tôi lại muốn con cái đi vào cái vết chân của mình!
Cô Trinh lộ vẻ buồn buồn trước những lời bộc bạch tâm sự của người đàn bà nghèo khổ đang ngồi thừ ra vì bất lực kia. Trước nay cô vẫn xem Quới Lương như những học trò bình thường khác. Cô chẳng có cảm tình đặc biệt gì với nó, nếu không muốn nói là thỉnh thoảng bực mình vì những trò nghịch ngợm hoặc gây gỗ do nó khởi xướng trong lớp học.
Nhưng từ khi đối diện và trò chuyện với người mẹ của Quới Lương, lòng cô không khỏi bần thần xao xuyến. lạ lùng thay, hoàn cảnh của người đàn bà tội nghiệp kia giống như tạc hoàn cảnh của cô. Cũng mất chồng khi con còn nhỏ. Cũng tảo tần vất vả một nách hai con. Cũng tay chèo tay chống một mình bươn chải giữa cuộc đời. Cũng hi vọng đặt toàn bộ niềm tin và hi vọng vào tương lai của những đứa con sớm mồ côi cha. Sống một mình, cô đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn gian khó, nhọc nhằn và cho đến trước khi gặp mẹ Quới Lương, cô tưởng không có ai lận đận hơn mình. Hóa ra không phải thế. Cuộc đời của người đàn bà đang ngồi trước mặt cô kia xem ra còn lao đao, sóng gió hơn cô nhiều.
-Không nên cho Quới Lương nghỉ học, bác ạ! – Cuối cùng cô nói sau một thoáng trầm ngâm – Cháu sẽ chuyện này với ban giám hiệu và cháu tin rằng nhà trường sẽ có cách giúp đỡ gia đình ta!
Đôi mắt người đàn bà mừng rỡ xen lẫn nghi hoặc:
-Nhà trường giúp đỡ được sao, cô giáo?
Cô Trinh mỉm cười:
-Cháu nghĩ là nhà trường sẽ có cách. Trước nay cũng không hiếm em rơi vào hoàn cảnh như Quới Lương nhưng rốt cuộc vẫn được nhà trường giúp đỡ để tiếp tục học tập. bác cứ yên tâm!
Sự khẳng định của cô khiến mẹ Quới Lương thôi ngay ngờ vực. bà hớn hở nói giọng tin cậy:
-Thế thì mẹ con tôi đội ơn cô giáo quá…
-Bác đừng nên khách sáo! – cô Trinh đỏ mặt ngắt lời - đây chỉ là trách nhiệm của cháu thôi!
Đang nói, cô bỗng nhíu mày lại:
-Nhưng cháu có một đề nghị nho nhỏ này với bác! – rồi không đợi người đàn bà hỏi lại, cô tiếp ngay- tất cả những chuyện này theo ý cháu, bác không nên để cho Quới Lương biết!
-Sao thế hả cô giáo? – người đàn bà có vẻ phân vân.
-Cũng chẳng có gì quan trọng! Cô Trinh ôn tồn giải thích – Nhưng tính Quới Lương giàu tự ái, nếu biết chuyện này, sợ rằng em sẽ suy nghĩ này nọ không hay!
Cô Trinh cảm thấy ngần ngại khi phải nhận xét về đứa con trước mặt người mẹ. nhưng người đàn bà nhanh chóng đồng tình ngay:
-Cô nói phải đó, cô giáo! Tính thằng Quới Lương tôi biết, nó hay tự ái lắm! được rồi, tôi hứa với cô giáo sẽ không nói gì với nó!
Rồi chợt nghĩ ra một chuyện, bà cẩn thận dặn:
-Mai mốt cô giáo có đến gặp tôi, cô không cần phải đến thẳng nhà. Cô cứ ghé bà Ba bán cháo lòng đầu hẻm, nhờ bả vào kêu tôi ra. Đến nhà, rủi gặp thằng Quới Lương xớ rớ đâu đó là hết mong giấu giếm, cô giáo!
Cô Trinh nghĩ bụng: Nhưng nếu Quới Lương xớ rớ quanh quẩn ngoài đầu hẻm, thấy mình ngồi trong quán cháo lòng, có khi còn “nguy” hơn! Cô Trinh mỉm cười với hình ảnh hoạt kê vừa nảy ra trong đầu và khẽ chào mẹ Quới Lương, cô lật đật dắt xe ra về.
Khi ra tới đầu con hẻm, cô đảo mắt nhìn quanh quất để xem cái quán cháo lòng có hai cánh cửa gỗ màu xanh mà mẹ Quới Lương vừa “mô tả” là căn nhà nào.