Cửa hiệu đồ cũ
Tác giả: Nguyễn Thị Châu Giang
Chúng tôi đến Sonoma vào một sáng sớm mùa hè. Những ngôi nhà còn thiếp ngủ. Những cửa kính của những tiệm ăn và các quầy lưu niệm đóng im ỉm với những tấm bảng bằng bìa các tông vẽ hai chữ " Đóng cửa" bằng mực đỏ treo lơ lửng trên những tay cầm mạ vàng đã phai màu. Gió thổi làm những chiếc chuông gió kêu vang lảnh lót. Không khí tĩnh lặng và oi ả. Thậm chí thỉnh thoảng có thể nghe được tiếng ho khan của một người đàn bà vọng ra sau ô cửa hay tiếng bước chân của một chàng trai dậm thậm thịch trên những bậc tam cấp gỗ. Chỉ có một vài chiếc xe hơi chạy ngang qua đường. Tiếng máy rù rì buồn bã kéo theo những sợi khói mỏng xám nhạt phả ra từ ống khói trên nóc các ngôi nhà nhỏ.
Chúng tôi ngồi uống cà phê trong một quán nhỏ có cái tên buồn cười " Deaf Dog" (Chó điếc) với cô hầu bàn to béo, hai má đỏ hồng như hai quả đào và hàm răng sáng lấp lánh, với những tấm kính cửa bẩn thỉu, chi chít vết xước, với khói thuốc và mùi cà phê ngào ngạt. Đó là cái quán duy nhất phục vụ sớm và thường ưu tiên phục vụ cho các văn nghệ sỹ. Chúng tôi ngồi đó để chờ khai mạc buổi đọc thơ " Petaluma Poetry Walk" với các nhà văn địa phương, trên những chiếc ghế gỗ cũ kĩ, mà mỗi một cử động mạnh đều có thể làm chúng kêu lên rầm rĩ.
Khoảng chín giờ, đường phố đã bắt đầu tỉnh ngủ. ánh mặt trời chiếu nóng gay gắt, rọi qua tấm kính những tia sáng vàng ánh. Tôi đẩy cửa bước ra ngoài. Hơi nắng phả vào mặt tôi nham nháp. Những ngọn gió hiếm hoi cố gắng làm buổi sáng dịu lại. Nhưng dường như đó là một sự cố gắng vô ích khi lưng áo tôi bắt đầu ướt đẫm mồ hôi.
Tôi rẽ ngang vào một tiệm bán đồ cổ có hai cánh cửa gỗ lên nước đen bóng và một chú chó đá nằm khoanh tròn trên bậc cửa. Một bầu không khí tranh tối tranh sáng quyện chặt với mùi hương xưa cũ , ấm áp và day dứt kéo tôi về lại những phố nhỏ yên bình ở Hội An. Bất chợt trong một giây phút nào đấy, tôi nghĩ là tôi đã không tồn tại trong con người của tôi. Con người của một thế kỷ hiện đại, tân tiến. Bởi vì bất kì đồ vật nhỏ bé nào nằm trong góc nhà hay trên những kệ gỗ mọt cũng gợi lại một thế giới cũ huyền ảo và xa xăm. Tất cả bọn chúng được thời gian khéo léo trang điểm bằng một lớp bụi màu vàng xám . Tác dụng cuối cùng của nó là luôn làm người ta có thể khóc lên vì sự xơ xác của chúng nhắc đến những năm tháng của tuổi xuân. Tươi đẹp nhưng không bền vững.
Những con búp bê vải nhàu nát và bẩn thỉu treo tòng teng trên dãy đinh rỉ trên tường. Tóc tai chúng xổ tung ra. Những chiếc nơ đỏ tươi đã phai thành màu hồng xỉn thắt vội vã rơi hẳn xuống ngực . Có con áo rách vá chằng vá đụp bằng những miếng vải sặc sỡ nhưng nhờ thời gian đã làm chúng hòa vào nhau trong một màu xanh xám lợ nhợ. Chúng có những khuôn mặt ngờ nghệch với má đánh phấn hồng rực và môi kẻ son đỏ chót. Nhưng cặp mắt kết bằng hai chiếc cúc xanh trong veo luôn ánh lên những tia nhìn xoi mói và ranh mãnh. Những chiếc chuông gió bằng bạc treo từng chùm dưới xà gỗ cứ rung lên bần bật và thỉnh thoảng lại cười ré lên ầm ĩ làm tôi giật bắn mình. Ngay lập tức những con thú nhồi bông cũng ngả nghiêng cười và ông bán hàng to béo đập mạnh hai tay vào nhau, bộ ria mép quăn tít lại. Ông bảo, cô lên lầu coi tiếp đi. Trên đó còn nhiều vật quí giá lắm.
Những đồ vật quí giá của ông là như thế này. Những chiếc áo lụa dài màu hồng viền đăng ten lỗ chỗ vết gián nhấm. Những chiếc áo ngủ ố vàng. Những chiếc nón thời Scarlet bằng sa tanh đen với những dây cột lụa màu hồng nhàu nhò và cũ bẩn. Những chiếc quần nỉ đi ngựa màu lông chuột. Những chiếc giày da sờn tróc loam nhoam. Những chiếc nôi mây lên nước bóng loáng với những tấm khăn lót bằng nỉ xám nhạt kẻ sọc đen. Những chiếc đèn dầu gỉ sét bám đầy muội… Tất cả bọn chúng được xếp chồng xéo lên nhau hoặc đặt trong những tủ gỗ chia thành nhiều ô nhỏ, hoặc trên những ghế bọc nhung màu mận chín. Trong một tủ kính nhỏ người ta đặt những chiếc xà tích bằng bạc, những vòng tay và hoa tai cũng bằng bạc nhận đá xaphia, những chiếc fula lông thỏ tróc từng mảng lớn để lộ lớp da màu tím nhạt. Những chùm hoa giả bằng vỏ bào và vải quấn, vì quá nhiều thành ra như bị vứt lăn lóc trong những góc tối. Cô bán hàng mặc chiếc áo thun kiểu Korea màu nõn chuỗi nhìn tôi chúm chím cười, chào "How are yoủ".Cô sẵn sàng dành tặng cho tất cả các khách hàng mua hoặc không mua bất kì món hàng nào của cô nụ cười tươi xinh này, câu hỏi thăm thay lời mời chào này. Ở tất cả các cửa hàng khác trên đất Mỹ, tôi đều gặp được không khí thân thiện như vậy. Nó làm tôi tự tin và luôn luôn thoải mái.
Tôi coi giá một chiếc áo ngắn bằng vải xô trắng tay phồng cổ cột dây, hai sợi đăng ten bị đứt rời trên ngực, chỉ còn đính một đầu mút phía trên, bay lơ phơ trong gió. Giá của nó là năm mươi tám độ So với một chiếc sơ mi trắng hiệu Guess chỉ có hai mươi chín đô thì quả thật nó quá đắt. Nhưng ông chủ tiệm gãi đầu, nhìn tôi phật ý, sao cô so sánh thế được. Đây là đồ cổ. Chúng có từ thời ông bà nội ngoại chúng tôi còn trẻ. Nó quí ở thời gian chứ đâu phải ở chất lượng. Trước khi quay đi, ông thòng thêm một câu, nhưng cô vẫn có thể trả giá mà. Cô bán hàng cũng bảo, phải đấy. Rồi dẫn chứng cho tôi thấy đã có bao nhiêu người tới đây mua những món đồ cổ với giá cắt cổ như thế nào và họ sung sướng như thế nào khi có được trong tay cái gì đó gọi là quá khứ.
Ở Sonoma những cửa hiệu như vậy không nhiều. Nhưng chúng tập trung trên cùng một con đường chính của thị trấn nên tôi có cảm giác dân thị trấn sống chỉ bằng nghề buôn bán đồ cổ và souvernir. Sự trân trọng mà người ta dành cho những cổ vật , màu sắc quá khứ ngự trị trên từng bức tường kính, trên từng ô cửa sổ gỗ mọt, trên từng viên gạch lót nền, trên mỗi nụ cười hiền lành và kín đáo của những cô nàng chân dài đi dạo trên phố …làm tôi xúc động. Sự xúc động đó tôi cất giữ từ những ngày gặp Hội An, sống trong bầu không khí cổ kính rêu phong của dân phố Hội từ những năm còn đi học . Bây giờ có dịp, nó lại sống dậy như thởu nào, ở một nơi cách Hội An nửa vòng trái đất.
Ba giờ chiều Bob dẫn chúng tôi vào một cửa hiệu nhỏ, nằm xen giữa những hiệu đồ cổ, để mua thêm quần áo ấm. Ngày mai chúng tôi sẽ rời San Francisco đi Grand Canyon. Mùa này ở Đại vực giá lạnh, đôi khi còn có mưa và sương mù. Theo như lời Bob, đây là một tiệm cũng bán đồ cũ, nhưng giá rẻ bất ngờ.
Là bởi vì cửa tiệm này dành cho người nghèo. Những cánh cửa kêu rên ken két. Trần nhà thấp và không hiểu sao trong những ngăn đựng quần áo lại tỏa ra mùi sát trùng. Lúc chúng tôi bước vào, tiệm đã đông khách. Chủ yếu là các bà già mặc những chiếc váy hoa sờn, nón đội bung đường chỉ, chân đi những đôi vớ ngắn ngang đầu gối. Những ông già đeo kính mát gãy gọng, áo khoác ngoài nhàu nhò, chân đi những đôi giày rẻ tiền tróc xị Họ lần giở những bộ áo quần cũ, run run đưa chúng ướm lên người và chậm chạp móc trong túi ra những tờ bạc lẻ, những đồng một xu rỉ sét. Tuổi già làm họ càng trở nên buồn bã và cô độc. Ông già đứng bên cạnh tôi, miệng thở ra mùi rượu và khói thuốc, mặt luôn ngơ ngẩn trong khi vụng về chọn một chiếc váy con nít. Khi nghe tôi khen chiếc váy ông cầm trên tay khá đẹp, ông cười sung sướng, đôi môi kéo mỏng như hai sợi chỉ. Ông bảo, tôi mua cho cháu gái tôi. Nó là con của con gái tôi. Ông nheo mắt, Năm nay nó đã bốn tuổi rồi. Tôi bảo, bốn tuổi thì chiếc váy này lớn quá. Ông cụ cuộn chiếc váy vào cánh tay, buồn bã, tôi không biết mặt cháu tôi. Tôi hình dung nó qua hình ảnh ngày xưa của con gái tôi. Tôi hỏi, họ không ở cùng ông à? ông bảo, tôi ở một mình. Ông lui cui chọn thêm một chiếc quần tất màu xanh sọc trắng, cho cháu gái mùa đông sắp tới, lúc lắc cái đầu to tướng và đi ra chỗ tính tiền.
ông đã đi rồi, nhưng nỗi buồn trên mặt ông, sự cô độc trong dáng đi của ông vẫn còn phảng phất ở lại. Trong buổi chiều đã xám lại vì sương mù và gió, nó làm lòng tôi không sao yên bình.
Chúng tôi đi về trong màn đêm đang buông xuống mờ mịt trên thị trấn nhỏ Sonomạ Trời trở lạnh đột ngột. Điếu thuốc cháy đỏ trên tay Gleb và Kote không sao làm ấm khí trời lên được. Chúng tôi đi sát vào bên nhau. Giá rét làm chúng tôi gần nhau hơn.
Quay trở về gặp bạn, tôi bảo, nếu không vì buổi đọc thơ của bạn bè hẳn tôi đã dùng hết phần còn lại của ngày để chỉ ngồi ngắm những đồ vật cũ kĩ và bụi bậm trong các cửa hiệu đồ cổ. Bạn cười, bảo đó chỉ là những thứ đồ rất linh tinh và tầm phào. Bạn có thể nhặt nhạnh nó ở khắp mọi xó xỉnh. Bạn ơi, đã có nhiều lần tôi nghĩ như bạn vậy. Giờ ngồi đây, cách bạn xa lắm rồi, ngồi ngắm món quà nhỏ bạn tặng tôi khi chia tay, tôi mới càng hiểu rõ ý nghĩa thời gian nằm trong đó. Như lời ông chủ cửa hàng nói, nó quí ở thời gian chứ phải đâu chất lượng.
Thời gian, với bạn và tôi, chẳng phải là một chuỗi hồi ức vô cùng tươi đẹp đã ra đi thật rồi sao.
San Francisco- Vietnam, 00
Hết