watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Những Ngày Hạnh Phúc - tác giả Nguyễn Thị Châu Giang Nguyễn Thị Châu Giang

Những Ngày Hạnh Phúc

Tác giả: Nguyễn Thị Châu Giang

Nhà nghèo, lại đông con nên Tết đến thật đơn giản. Một vài cái bông vạn thọ cắm trên bàn thờ, một nải chuối, một bát nhang, hai cái bánh chưng nhỏ bằng bàn tay và một nồi thịt hột vịt muối kho tàu ăn trọn ba ngày Tết. Nhưng thật sự vui và đầm ấm. Nhất là vào đêm giao thừa, ba tôi treo trên cây ổi trước nhà một phong pháo dài độ hai gang tay, đợi đến mười hai giờ sẽ cho hai anh em sinh đôi Thiên Tam, Thiên Tứ cầm nhang đốt. Đó là một việc làm rất đơn giản nhưng đã làm hai anh hồi hộp suốt từ buổi trưa. Khi viên pháo cuối cùng đã nổ tan xác, chúng tôi vào nhà và ngồi quây quanh bàn theo thứ tự. Đầu tiên là chị hai Thiên Khuê, đến hai anh Thiên Tam, Thiên Tứ, đến tôi - Thiên Tuệ - và sau cùng là cậu Út Thiên Vi đang ngủ gà ngủ gật trong lòng mẹ. Ba tôi móc túi rút ra những phong bao màu đỏ phát cho từng đứa, vừa cười vừa bảo: “Năm mới, các con thêm một tuổi phải ngoan và giúp mẹ nhiều hơn nữa nhé”. Chúng tôi sướng lắm vì có được bao lì xì màu đỏ, nên ba bảo gì cũng cứ dạ rân lên. Để ngay lập tức qua ngày hôm sau, hai anh Thiên Tam, Thiên Tứ u đầu sứt trán vì trèo cây và chị Thiên Khuê với tôi đi chơi với bọn bạn tối mịt mới về. Mọi việc trong nhà đều do một tay mẹ xoay xỏa.
Thông thường khoảng một giờ sáng chúng tôi mới bắt đầu lên giường ngủ. Tôi và chị Khuê ngủ chung trên chiếc giường nhỏ, nằm hơi chếch với cửa buồng. Tôi nằm ngoài nên có lần thức dậy sau giấc ngủ dài vẫn thấy ba ngồi cặm cụi bên bàn viết. Đó giống như là một thói quen của ông sau đêm giao thừa, ngồi viết những chữ loằng ngoằng bằng mực Tàu trên giấy đỏ hoặc vẽ những con thú biểu trưng cho năm mới trên giấy lụa bồi để sáng mồng một treo lên bàn thờ. Cái hình ảnh đó tươi đẹp đến nỗi rất nhiều năm sau, nhắm mắt lại tôi vẫn thấy nó còn mới mẻ như mới xảy ra ngày hôm quạ Mùi hương từ những bông vạn thọ và nhang trầm phảng phất, ánh đèn vàng và những tờ giấy màu đỏ bay phơ phất dưới cánh quạt trần...
Tất cả những điều đó bây giờ đã thành kỷ niệm. Đã có một cuộc sống mới tràn vào ngôi nhà bé nhỏ này, thay đổi những điều tưởng chừng như đã trở thành vĩnh cửu.
Ngôi nhà ẩm mốc có những cánh cửa sổ sơn xanh bỗng trở nên rộng thênh thang khi chỉ còn lại mình tôi và mẹ. Ba mất năm tôi lên mười lăm tuổi. Đó là khoảng thời gian dài nhất trong đời người. Nó làm tóc mẹ bạc trắng chỉ sau một đêm nhưng đã làm chúng tôi trưởng thành lên rất nhiều.
Chị Hai Thiên Khuê lấy chồng Việt kiều, sống xa quê hương vậy mà đã tròn bảy năm. Bảy năm đó chưa một lần nào chị về thăm lại nhà, ngoài những lá thư tràn ngập niềm vui và những gói quà đóng trong những hộp các tông đến từ San José. Hai anh Thiên Tam, Thiên Tứ đi làm ăn xa, thi thoảng lắm mới có tin về nhà bằng những mảnh giấy nhàu nhò còn dính mùi dầu nhớt. Nghe đâu họ mở một tiệm làm sắt, nhưng cũng không cạnh tranh nổi với các cửa tiệm lớn và tân tiến, nên khách đến đặt hàng thưa thớt. Trong nhà chỉ còn lại duy nhất em trai Thiên Vi học lên đại học. Mẹ tôi lo đóng tiền cho em bằng cách bán những mớ quà chị Khuê gửi về. Cứ độ khoảng ba thùng các tông là lo đủ cho em nửa năm học phí.
Thỉnh thoảng mẹ lại vuốt tóc tôi an ủi: “Con gái út ít tội nghiệp của mẹ, chỉ có con là còn ở với mẹ. Mai này cái nhà này là dành cho con. Con có lấy chồng ở đâu thì cũng về đây mà ở, để còn lo khói hương cho ông bà tổ tiên nghen con”. Tôi biết tôi sẽ vâng lời mẹ, vì tôi là một đứa con gái ngoan và hiền, nhưng tận trong sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn mơ hồ cảm thấy một nỗi buồn. Ngày ngày, sau khi dọn dẹp nhà cửa, quét dọn vườn tược xong, tôi lại trèo lên một cành ổi cao nhất, vâm váp nhất nhìn ra đường lộ. Đó là lúc tôi thấy rõ nỗi buồn của tôi nhất.
*
* *
Mùa Tết lại về. Năm sau là năm Thân, là năm tuổi của tôi. Mẹ bảo, tuổi Thân thì mặc tuổi Thân, sinh phải giờ Dần thì vẫn làm quan. Tôi tuổi Thân, sinh giờ Dần, chắc chắn sẽ sướng. Nhưng sướng thế nào mẹ không nói được. Mẹ chỉ dặn, sang năm tôi phải cẩn trọng trong mọi việc. Năm tuổi, những điều không tốt hay vận vào mình. Giao thừa, mẹ sẽ cho tôi một cái bùa đeo tay để thoát khỏi mọi điều xui rủi. Với mẹ, tôi lúc nào cũng như một đứa bé gái còn rất ngây thơ.
Anh Phiên chạy xe đạp ngang qua nhà tôi, bấm chuông kính coong. Tôi chạy ra bảo: “Anh Phiên, đi chơi với bồ à? Vô nhà em uống nước chơi”. Anh Phiên luống cuống dừng xe lại, mặt mũi đỏ bừng lên nom đến tội. Anh Phiên là bạn của hai anh Thiên Tam, Thiên Tứ. Anh làm việc cho phòng văn hóa thông tin xã. Một vài lần anh có đưa cho tôi xem những bài thơ của anh đăng trên báo. Đó là những bài thơ tình khá cảm động. Nhưng không hiểu sao nhân vật con trai xưng tôi đó luôn luôn bị thất tình. Hỏi thì anh ngượng nghịu bảo, mình sao thì thơ nó làm vậy.
À, vậy là anh hay bị thất tình. Tôi không hiểu người như anh làm sao thất tình được. Kiểu người như anh, bọn con gái choai choai như tôi chạy theo hà rầm. Anh cao một mét bảy mươi, người lúc nào cũng đứng thẳng tắp, lúc nào cũng mặc quần tây áo sơ mi bảnh tỏng, tóc lúc nào cũng chẻ ngôi giữa để lộ vầng trán phẳng và rộng và lúc nào cũng hiền lành. Mỗi lần tôi giận dỗi hay chọc tức gì anh là mặt anh lại đỏ lên, luống cuống không nói ra lời. Từ ngày hai anh Thiên Tam, Thiên Tứ đi làm ăn xa, anh cũng năng lại nhà tôi hơn. Nhưng bẵng đi một dạo, anh không lui tới nữa. Gặp tôi ngoài đường chỉ chào hỏi qua loa, mặt đỏ lựng lên rồi nhấn pê- đan đạp mải miết.
Chúng tôi bắc ghế ngồi ngoài sân, dưới những cành ổi đang nhú ra những quả non xanh biếc. Không khí thơm mùi đất ẩm và mùi gỗ mục. Anh Phiên hít một hơi thật sâu, bảo:
- Ổi nhà mình năm nay được mùa ghê nhỉ?
- Dà. Đợi chín chắc cũng bán được ít tiền anh ạ.
- Thế nhà mình đã ngắt lá mai chưa?
- Dạ chưa. Em đang đợi Thiên Vi về, ngắt vẫn còn kịp. Chứ em bắc ghế, cũng chỉ với tới cành thấp nhất thôi.
- Ờ, tại nó cao quá mà.- Anh cười khẽ- Nếu Thiên Vi về không kịp, em cứ nhắn anh qua, anh ngắt giùm chọ Đừng ngại.
Nghe anh nói thế tôi liền nhớ lại những lần gặp nhau ngoài đường, anh cứ vội vội vàng vàng lủi đi làm tôi tức quá. Tôi nói hờn:
- Nhưng anh bận lắm mà. Đến chào hỏi em anh còn không có thời giờ chớ nói chi đến chuyện ngắt lá mai.
Anh Phiên ấp úng gì đó trong miệng rồi đánh trống lảng:
- Tết này anh chị em về chơi không?
- Chắc là không. Em đâu có nhận được tin gì của họ. Vậy đó, mấy người đó đã đi là đi mút chỉ luôn, chẳng vương vấn gia đình chút nào đâu anh ơi.
- Lạ nhỉ, họ đâu phải người bạc nghĩa vậy đâu. Chắc là do hoàn cảnh khó khăn.
- Anh Thiên Tam, Thiên Tứ em không nói. Chớ chị Hai bên đó chắc chắn là sướng rồi.
- Ồi, mình bên này đâu biết bên kia họ sướng khổ sao hả em.
Chúng tôi ngồi một lát thì anh Phiên có việc phải đi. Ra đến cổng, tôi thấy mặt anh lại đỏ lên nên biết chắc anh đang có gì khó nói đây. Tôi gặng:
- Còn gì nữa không anh?
- Thiên Tuệ nè, cúng giao thừa xong em làm gì?
- Như mọi năm thôi. Em sẽ vẽ một con khỉ để sớm mồng một treo lên bàn thờ. Rồi đi ngủ.
- Anh muốn rủ em đi chùa hái lộc. Em đi được không?
Tôi vừa bất ngờ vừa sung sướng. Lần đầu tiên có một người con trai rủ tôi đi hái lộc vào đêm ba mươi. Chỉ có những đôi lứa yêu nhau mới dắt nhau đi hái lộc đầu năm như vậy. Hay anh ấy... Tôi không dám nghĩ tiếp nên chỉ bảo:
- Dạ, để em xin phép mẹ.
Anh Phiên đi rồi mà tôi vẫn thấy bồi hồi. Thốt nhiên tôi nghĩ, anh Phiên chỉ tội nghiệp tôi. Anh đang thay vai trò của anh Thiên Tam, Thiên Tứ chăm sóc đứa em gái nhỏ đáng thương. Chắc trước khi đi, hai anh đã dặn dò anh Phiên làm thế. Nhiều mùa Tết qua, năm nay anh ấy mới sực nhớ đến nghĩa vụ của mình. Ý nghĩ này làm tôi thấy bình tĩnh hơn. Nhưng nỗi trống trải và cái buồn vô cớ lại ùa vào lòng.
*
* *
Ngày hai tám Tết, tôi và mẹ ngồi gói bánh chưng. Tôi ngồi lau lá dong còn mẹ xát đỗ, vo nếp. Mấy năm gần đây gia đình tôi đã có của ăn của để nhờ những gói hàng của chị Khuê gửi về, nên Tết nào mẹ cũng gói rất nhiều bánh chưng, làm mứt, gói giò thủ. Mẹ bảo để nhỡ anh chị tôi có về thì còn có cái mà ăn. Nhưng mấy mùa Tết qua nào có ai về đâu. Vậy mà Tết này mẹ vẫn gói nhiều bánh chưng mặc lưng mẹ đau từ suốt mấy bữa quạ Kiểu này chỉ có Thiên Vi là lời nhất. Sau Tết nó lại có thực phẩm để gồng gánh lên ký túc xá.
Tôi gò lưng lau hết lá này đến lá khác, cho đến khi mẹ bảo “Được rồi con” tôi mới dừng lại. Tôi phụ mẹ đổ nếp vô khuôn. Phần bỏ nhân và cột lạt mẹ không cho tôi đụng vào. Mẹ bảo, khâu cuối này quan trọng nhất. Gói lỏng tay bánh sẽ nhão mà chặt tay quá bánh sẽ nứt. Coi cách mẹ chăm chút từng chiếc bánh, tôi biết mẹ trông ngóng anh chị về lắm.
Buổi chiều bánh đã gói xong xếp đầy trên hai cái nong. Anh Phiên ghé qua nhà tôi, từ ngoài cổng đã nghe tiếng sên xe lạch cạch. Hôm nay anh bận áo thun cổ tròn, quần jean xanh nom rất lạ. Ngó anh phải trẻ ra chừng mấy tuổi. Bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên của tôi, mặt anh Phiên lại đỏ lựng. Anh hỏi:
- Bác có nhà không Tuệ?
- Ở trỏng đó.- Tôi hơi thất vọng vì thấy anh chỉ nhắc đến mẹ.
Trời đã hơi nhập nhoạng tối nên tôi phải bật đèn. Mẹ nhắc: “Lấy nước mời anh đi con”. Anh Phiên xua tay: “Dạ thôi khỏi bác, con tới thăm bác chút thôi. Con có chút quà biếu bác”. Anh đặt lên bàn hai gói trà sen bọc giấy đỏ rất đẹp: “Đêm giao thừa bác nhớ pha chén trà mời bác trai giùm con nghe bác”. Mẹ mủm mỉm cười: “Cái thằng này chu đáo ghệ Ai có phước mới nhận được con làm rể đó Phiên”. Mẹ đặt cặp trà lên bàn thờ rồi quay sang hỏi anh: “Đã có đám nào chưa con?”. Tim tôi bỗng nhiên thót lên một cái. Hai bàn tay vặn vẹo vào nhau lúc nào không biết. Tôi chỉ cảm thấy dễ thở lại khi nghe anh nói: “Dạ chưa bác. Con vầy ai mà ham bác ơi”.
Tôi đưa anh ra cổng. Bóng tối len lỏi trên những tàn cây đẫm nước. Cơn mưa trái mùa hồi trưa đã gột rửa sạch sẽ những bụi bẩn bám trên lá lâu ngày. Không khí mát rười rượi. Anh Phiên ngồi lên xe đạp, bảo:
- Nhớ nghen Tuệ.
- Nhớ gì kiả- Tôi ngơ ngác.
- Sau giao thừa anh qua đón em đi chùa.
Chưa kịp đợi tôi trả lời, anh đã phóng xe chạy mất.
*
* *
Chúng tôi đợi đến mười hai giờ kém năm phút thì thấy thất vọng quá. Vậy là cả năm nay nữa, chị Thiên Khuê, hai anh Thiên Tam, Thiên Tứ cũng không về. Mẹ ngồi bần thần bên cửa, cố nén tiếng thở dài. Tôi biết mẹ buồn lắm nhưng mẹ không dám giận, dám trách. Thiên Tam, Thiên Tứ là con trai, một bước đi không vấn vương quay đầu trở lại mới mong làm việc lớn. Còn chị Khuê, đâu phải chị không nhớ tới chúng tôi. Chị vẫn gửi quà về đều đặn và chúng tôi đã sống trên những gói hàng đó hằng bao năm trời.
Hẳn phải có một lý do nào đó mới khiến chị không về thăm chúng tôi.
Giao thừa lại lặng lẽ trôi quạ Mẹ và Thiên Vi đã đi ngủ. Mùi nhang trầm bay phảng phất. Tôi lấy giấy màu, bút mực Tàu ra vẽ. Mẹ thường bảo trong mấy chị em tôi vậy mà lại giống ba nhất. Giống dáng người, nét mặt đến tính cách. Có cái gì đó hoài cổ ở trong tôi. Như lúc này đây, trong ánh đèn vàng mơ hồ và tịch mịch, khi tôi làm tiếp công việc của ba để lại, tôi thấy nhớ người da diết. Những ký ức tuổi thơ lại trở về. Tôi lại hỏi mình, nếu tôi cũng đang ở bên trời Tây như chị, tôi có còn sự lưu luyến như thế này không?
Con khỉ vừa vẽ xong thì có tiếng gõ cửa. Tôi mới sực nhớ khuya nay có hẹn với anh Phiên. Tôi vừa thò đầu ra thì anh Phiên hỏi:
- Đi được không Tuệ?
- Dạ được chớ. Anh đợi em chút, em sắp lại giấy màu đã.
Nhưng kỳ thực là tôi chạy vô soi gương. Tôi lấy thêm chút dầu dừa quết lên tóc cho mượt. Lần đầu tiên trong đời, tôi vụng về thoa một chút son lên môi.
Anh nhấn bàn đạp. Chiếc xe lắc lư rồi từ từ bon trên đường làng. Tiếng gió thổi vun vút qua tai. Anh quay lại dặn:
- Em cẩn thận coi chừng té. Bám anh chắc vào.
Tôi dạ khẽ rồi đưa tay túm chặt áo anh. Thỉnh thoảng gặp phải đoạn đường xấu, xe nẩy tưng tưng làm tay tôi chạm phải hông của anh. Người tôi gai lên. Tim đập dồn dập. Xung quanh tôi vang lên những tiếng cười nói âm ị Những ông bà già, những cặp tình nhân cũng đi hái lộc đầu Xuân, cầu ước gia đình thuận hòa yên ấm, cháu con đề huề và đôi lứa sẽ bên nhau bền lâu. Còn tôi, tôi sẽ ước gì đây?
Đến nơi, chùa đã đông nghẹt người. Chắc chắn không lọt được vào trong sân, mà có khi cũng chẳng còn lộc non nào để hái. Chúng tôi đứng trù trừ một lúc thì anh Phiên nản:
- Thôi vậy. Mình không hái lộc ở chùa được thì ra chỗ khác hái vậy.
Chúng tôi chở nhau về. Ngang qua hàng khuynh diệp, anh Phiên bảo:
- Mình xuống đây hái chút lộc chơi.
Đêm không trăng nhưng vẫn có một thứ ánh sáng mờ ảo và thơm ngát lan tỏa khắp nơi. Chân chúng tôi đạp lên cỏ lụp phụp. Chúng tôi ngồi nghỉ bên một đống rơm khô và im lặng rất lâu. Cuối cùng anh Phiên hỏi, vẻ rất khó khăn:
- Chị Thiên Khuê dạo này sao rồi Tuệ?
- Chị ấy vẫn vui, khỏe. Đã có hai nhóc rồi đó anh.
- À. Chị ấy có hạnh phúc không?
- Em không biết. Nhưng chắc là có, vì thơ chị gửi về lúc nào cũng vui. Chỉ hỏi thăm anh nữa đó.
Không thấy anh trả lời. Tôi quay sang, thấy anh đang nghĩ gì lung lắm. Đột nhiên anh đứng phắt dậy, bảo:
- Mình về thôi Tuệ.
Tôi líu ríu đi theo anh. Mùi lá khuynh diệp làm tôi khó chịu quá, nên mắt và mũi cứ cay xè.
Tới cổng nhà, chúng tôi chia tay nhau mà không nói với nhau câu nào. Tôi nán lại thêm một chút, hy vọng anh sẽ quay lại, nói một điều gì đó với tôi, như chúc mừng tôi năm mới hạnh phúc chẳng hạn. Tôi đợi luống chừng mươi phút thì anh quay lại thật. Anh luống cuống xuống xe, luống cuống cầm tay tôi, giọng bỗng khàn đi:
- Tuệ, anh muốn nói là anh...
Tôi gật gật đầu. Tôi biết mặt anh giờ chắc phải đỏ hơn cả gấc chín nên chẳng cần anh nói hết tôi vẫn hiểu. Tôi gật gật đầu, siết nhẹ tay anh. Đêm đó, phải hơn bốn giờ sáng tôi mới ngủ được. Một giấc ngủ thật êm đềm.
*
* *
Tôi thức dậy vì nắng rọi thẳng vô mặt và vì những tiếng ồn ã ngoài phòng khách. Vừa thấy tôi lấp ló ở cửa buồng, Thiên Vi đã hét toáng lên:
- Chị Năm, coi ai về nè?
Chỉ nghe nó hỏi vậy là tôi đã biết liền. Tôi chạy ào ra, sững sờ. Ngồi quây quanh mẹ có hai anh Thiên Tam, Thiên Tứ, lại có cả chị Thiên Khuê nữa. Tôi lắc mạnh đầu, không tin ở mắt mình. Cho đến khi anh Thiên Tam lại gần, vỗ đầu tôi bồm bộp như hồi tôi còn con nít và bảo: “Cha, con bé này giờ ra dáng quá ta” tôi mới tin tất cả những điều này là sự thực.
Chị Khuê đang dụi đầu vô vai mẹ, nghe tiếng tôi vội ngẩng lên. Chị lại gần, đưa tay sửa cổ áo và vuốt lại tóc tôi cho thẳng thớm. Những cử chỉ âu yếm đó vẫn hệt như ngày xưa, khi chị thay mẹ chăm sóc cho tôi. Khuôn mặt, dáng người chị có đẫy lên nhưng vẫn thanh tao nhẹ nhõm. Chỉ có đôi tay là khác. Những đầu ngón tay nhăn nhúm, đỏ hồng như bị lột dạ Thấy tôi ngó chăm chăm vào chúng, chị rụt tay lại, cười: “Bên đó đang lạnh lắm. Chị bị dị ứng thời tiết” (Về sau tôi mới biết bên đó chị đi làm móng tay, ngâm nước từ sáng sớm đến tối mịt bất kể trời nóng hay lạnh. Thuốc và nước đã hủy hoại da tay chị). Anh Thiên Tứ cũng đứng dậy hỏi: “Lớn bằng vầy rồi, lúc nào mới cho anh chị ăn kẹo đây? Không thích con trai ở đây thì anh giới thiệu cho một cậu ở thành phố, ga- lăng khỏi chê” và cười ầm ĩ khi thấy tôi đỏ mặt. Anh lúc nào cũng thế, chỉ thích chọc tôi cho đến khi tôi phát khóc mới thôi.
Tôi hỏi: “Sao hay vậy, bộ anh chị có hẹn sao mà về nhà cùng lúc vậy? Sao không báo cho tụi này một tiếng?”. Chị Khuê cười: “Thiên Tam, Thiên Tứ muốn gây bất ngờ cho cả nhà. Chị định về từ hôm hai chín Tết kìa, nhưng trễ máy baỵ Chị hẹn gặp Thiên Tam, Thiên Tứ rồi mấy chị em kéo về một lúc luôn”. Mẹ mê mải nhìn các anh chị, miệng lẩm bẩm liên hồi: “Cha bây, làm mẹ đứng cả tim. Làm mẹ đứng cả tim... ”.
Lâu lắm rồi tôi mới thấy mẹ có một ngày vui như thế. Mẹ như trẻ ra, mắt môi rạng rỡ. Mẹ bảo các con cứ nói chuyện với nhau, để mẹ đi làm bếp. Nhưng tay mẹ cứ run lập cập vì mừng quá, đụng vào đâu đổ đấy. Tôi và chị Thiên Khuê xuống bếp, thấy nước mắt mẹ chảy ròng ròng. Chị Khuê ôm choàng lấy mẹ, cũng thút thít khóc. Lúc mẹ mang đồ ăn lên phòng khách, chỉ còn lại tôi, chị bảo: “Tội nghiệp mẹ, nhưng bên đó kinh tế của chị cũng khó khăn lắm em ạ. Anh rể thất nghiệp, một mình chị xoay xỏa nuôi gia đình. Chị không thể về hằng năm được. Em giấu, đừng cho mẹ biết nhé”. Tôi lặng nhìn khuôn mặt thân yêu của chị. Lúc này tôi mới biết chị không còn trẻ nữa. Những vết chân chim đã chạy lăn tăn dưới mắt chị.
Cơm dọn xong, hai anh Thiên Tam, Thiên Tứ ở đâu chạy về. Anh rủ cả anh Phiên tới chơi. Vừa bước vô nhà, có lẽ không được báo trước nên vừa nhìn thấy chị Khuê, anh Phiên đứng sựng lại. Mặt anh không đỏ mà tái đi. Tôi thấy rất rõ cái nhìn thảng thốt của anh hướng về phía chị. Chị Khuê tuồng như không biết, đon đả chào: “A, cậu Phiên. Lâu quá rồi không gặp, coi bộ cậu chững chạc ra nhiều. Cậu đã cưới vợ chưa?”. Anh Phiên ngượng nghịu đáp: “Dạ chưa. Chị Khuê về lần này lâu không? Sao không dẫn anh và hai cháu về chơi?”. “Ôi, ảnh bận lắm cậu ơi. Còn sắp nhỏ, chúng bận học... ”. Anh Thiên Tam kéo ghế mời ngồi nhưng anh Phiên từ chối. Anh viện lý do trưa nay nhà có khách phải về tiếp. Tôi đưa anh ra cổng, còn nghe tiếng anh Thiên Tứ thắc mắc: “Cái thằng lạ. Vừa bảo trưa nay rảnh có thể ngồi nhậu với bọn mình đến tận chiều. Giờ lại có khách là sao?”.
Chúng tôi đi qua vườn. Tiếng một con chim kêu lảnh lót đâu đó sau những tán ổi rậm rạp. Tôi muốn hỏi anh đã có chuyện gì xảy ra thế nhưng cổ họng nghẹn lại. Anh Phiên bảo: “Chị ấy chẳng thay đổi gì cả”. Tôi cũng bảo, giọng chua chát: “Dạ, chị ấy vẫn xinh đẹp như xưa”. Anh quay sang nhìn tôi, nắm tay tôi và dịu dàng lau giọt nước mắt vừa từ mắt tôi rơi xuống, bảo khẽ: “Nhưng mọi chuyện đã là quá khứ rồi, Tuệ ạ”.
Khi tôi quay trở lại, mọi người đã ngồi vào bàn. Chị Hai Thiên Khuê, hai anh em sinh đôi Thiên Tam, Thiên Tứ, một ghế trống dành cho tôi rồi đến em Út Thiên Vị Tất cả mọi điều diễn ra giống hệt như ngày xưa. Chỉ còn thiếu vắng mình bạ Nhưng thật ra không phải thế. Ba vẫn ở bên chúng tôi, hằng ngày hằng giờ. Như phút giây này đây, sau làn khói nhang nghi ngút, người đang nhìn chúng tôi mỉm cười. Một nụ cười đẹp nhất, ấm áp nhất mà tôi có được trên cõi đời này.

Hết

Các tác phẩm khác của Nguyễn Thị Châu Giang

Vợ chồng ngâu

Vẻ đẹp nước Mỹ

Uống cà phê ở Mỹ

Trăng muộn

Sư Phụ

Những người đàn bà cuối năm

Những đêm dài qua mau

Những cuộc gặp gỡ tình cờ

Nhà trọ

Người đàn ông hát trong chiều

Người đàn bà ngồi nhìn tuyết rơi

Ngày cuối năm

Mùa thu vàng

Mùa của năm

Halloween

Đèn Lồng Treo Cao

Đến giữa giờ giao thừa

Cửa hiệu đồ cũ

Chuyến tàu tuổi thơ

Chợ tình

Chợ Hoa

Chị em

Câu chuyện ngày cuối năm

Bữa Tiệc

Biển Trên Núi

Bến Đợi Chồng

Bên bờ biển